Theo kết quả khảo sát của Công ty Tư vấn Đầu tư và Quản lý Doanh nghiệp (Macconsult), ở cấp bậc nhân viên, kỹ thuật viên, 5 nhóm nghề có mức lương cao nhất 2015 là kiến trúc – xây dựng (với mức lương trung bình là 6,4 triệu đồng/tháng), công nghệ thông tin, tiếp thị – bán hàng – truyền thông, cung ứng và kỹ thuật.
Ở cấp độ chuyên viên, kỹ sư thì nhóm nghề tư vấn – hỗ trợ kinh doanh lại có mức lương cao nhất với 12,6 triệu đồng/tháng. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là các nhóm nghề kiến trúc – xây dựng, công nghệ thông tin, dược phẩm y tế – chăm sóc sức khỏe và tiếp thị – bán hàng – truyền thông.
Còn ở cấp bậc quản lý, giám sát, 5 nhóm nghề có mức lương cao nhất là Dược phẩm, y tế, chăm sóc sức khỏe; Kiến trúc, xây dựng; Công nghệ thông tin; ngành sản xuất và tiếp thị bán hàng, truyền thông.
Cụ thể, nhân viên cấp quản lý, giám sát thuộc ngành nghề Dược phẩm, y tế, chăm sóc sức khỏe có mức lương 30,2 triệu đồng/tháng; Kiến trúc, xây dựng là 28 triệu đồng/tháng; Công nghệ thông tin là 25,6 triệu đồng/tháng; ngành sản xuất là 22,12 triệu đồng/tháng và tiếp thị bán hàng, truyền thông là 18,8 triệu đồng/tháng.
Còn 5 nhóm nghề có mức thưởng cao nhất đối với bậc quản lý/giám sát gồm: nghề dược phẩm, y tế – chăm sóc sức khỏe với mức thưởng là 65,453 triệu đồng, ngành tiếp thị – bán hàng có mức thưởng 40,833 triệu đồng, công nghệ thông tin là 24,7 triệu đồng, ngành sản xuất là 23,5 triệu đồng và Tài chính – kế toán là 20,83 triệu đồng.
Riêng đối với tỷ lệ tăng lương theo ngành, tài chính, bảo hiểm, chứng khoán, cơ khí, ô tô, xe máy có mức tăng cao nhất với mức 15%, công nghệ thông tin – viễn thông, bán buôn – bán lẻ, dược phẩm – y tế có tỷ lệ tăng cao thứ 2 với mức 13% và giáo dục đào tạo có mức tăng cao thứ 3 là 12%.
Tỷ lệ tăng lương theo khu vực cho thấy, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc có mức tăng cao nhất (11,27%); sau đó là TP.HCM và các tỉnh miền Nam (11,17%) và cuối cùng là Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung (9,5%).
Theo Giám đốc Công ty Macconsult Lê Anh Cường, có gần 200 doanh nghiệp (trong đó, có hơn 80% doanh nghiệp vốn trong nước) với 59.927 người lao động tham gia chương trình khảo sát lương 2015 và có gần 400 chức danh thuộc 14 nhóm nghề được khảo sát.
Kết quả khảo sát đưa ra các con số về các nhóm nghề có mức lương cao nhất ở các cấp bậc; nhóm nghề có mức thưởng cao nhất ở các cấp bậc; đồng thời đánh giá mức độ khó tuyển dụng theo nhóm nghề, nhóm ngành; tỷ lệ nghỉ việc theo nhóm nghề, nhóm ngành; tỷ lệ tăng lương theo thành, theo khu vực…