Sự mong manh của giàu có

Mức độ xói mòn tài sản cao năm qua khiến cho giới siêu giàu khó khăn hơn trong việc duy trì danh hiệu tỷ phú của mình. Chỉ có 44% số tỷ phú thế giới vẫn duy trì được danh hiệu trong năm 2015.

Báo cáo chung vừa công bố trên toàn cầu bởi hai tập đoàn UBS và PwC mang tên “Diện mạo đổi khác của giới tỷ phú” thông qua cuộc khảo sát với hơn 1.300 tỷ phú trên toàn cầu và đại diện cho 75% tổng tài sản của mọi tỷ phú trên thế giới đã chỉ ra những thay đổi trong tài sản của giới siêu giàu năm nay 2015.

Đừng tưởng làm tỷ phú là “ngon ăn”

Chỉ còn 126 tỷ phú – tương đương 44% số tỷ phú năm 1995 – vẫn nằm trong câu lạc bộ tỷ phú sau 20 năm.

Điều này chỉ ra tính kém bền vững của sự giàu có. Hơn một nửa số tỷ phú năm 1995 đã ra khỏi danh sách tỷ phú trong 20 năm qua nhưng những người ở lại đã giàu lên đáng kể.

Theo khảo sát trên, thế giới có 289 tỷ phú vào năm 1995, trong số này chỉ có 126 tỷ phú còn bám trụ đến nay. Số còn lại đã ra khỏi danh sách vì lý do tử vong, tài sản gia đình bị giảm sút hoặc thất bại trong kinh doanh. Cũng trong 20 năm qua, đã có thêm 1.221 người trở thành tỷ phú, nâng tổng số tỷ phú trên thế giới lên 1.347 người năm 2014.

Sự giàu có thường không ổn định. Ông Michael Spellacy – Lãnh đạo quản lý tài sản toàn cầu của PwC Mỹ cho biết: “Báo cáo một lần nữa minh chứng câu tục ngữ ‘Đời ông gây dựng cơ nghiệp, đời cha gặt hái thành công, để đến đời con lụi tàn”. Kết quả khảo sát cho thấy thế hệ thứ hai có khuynh hướng xói mòn những giá trị doanh nghiệp mà thế hệ đầu tiên đã gây dựng. Để tránh phải sai lầm này, các quyết định về kinh doanh phải rời khỏi phạm vi căn bếp gia đình và bước vào phòng họp hội đồng quản trị.”

Tuy nhiên tin vui là những người vượt qua khó khăn thì vẫn trụ vững.

126 tỷ phú trụ lại từ năm 1995 có tổng số tài sản là 1 nghìn tỉ đô la Mỹ, tương đương khoảng 21% giá trị tài sản do toàn bộ dân số thế giới tạo ra trong 20 năm qua. Tính đến năm 2014, tài sản trung bình của 126 tỷ phú này đã tăng lên 11 tỉ đô la Mỹ từ mức 2,9 tỉ đô la Mỹ năm 1995. Mức tăng trưởng 3,8 lần này cao hơn mức tăng trưởng 2,5 lần của GDP toàn cầu.

Các tỷ phú trong các ngành tiêu dùng & bán lẻ, công nghệ và dịch vụ tài chính chiếm đến 2/3 tổng số tài sản của các tỷ phú toàn cầu. Cụ thể, công nghệ là ngành có nhiều tỷ phú tồn tại lâu năm nhất, trong khi các tỷ phú trong ngành bất động sản và y tế dễ mất vị thế nhanh nhất.

Nguyên nhân chính giúp họ trụ vững là những chiến lược xây dựng và duy trì cơ nghiệp một cách bền lâu.

Nghiên cứu đã xác định ba đặc điểm nhân cách có tính chất quyết định đối với thành công của cả nam và nữ trong kinh doanh, đó là: mạo hiểm một cách khôn ngoan, tập trung cao độ vào kinh doanh, và sự bền bỉ.

Báo cáo cho thấy phần lớn các gia đình tỷ phú tạo ra được cơ nghiệp lâu dài là do họ đã duy trì một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh cốt lõi ban đầu. Mức độ duy trì tùy thuộc vào ngành nghề hoạt động của họ. Ví dụ, đối với những tỷ phú trong ngành tiêu dùng và bán lẻ, chiến lược tốt nhất là duy trì hoạt động kinh doanh ban đầu như là động lực tạo ra giá trị của doanh nghiệp. Còn đối với những tỷ phú tài chính, cách tốt nhất là vừa giữ lại hoạt động kinh doanh ban đầu, vừa áp dụng chiến lược hỗn hợp trong cạnh tranh.

2/3 các tỷ phú đang ở ngoài độ tuổi 60 và phải đối mặt với quyết định chuyển giao tài sản cho người thừa kế. Hơn 3/4 số tỷ phú hiện nay có hai con trở lên. Để tránh phân tán tài sản khi mà các thế hệ sau đang trở nên đông đảo hơn, một chiến lược bảo vệ tài sản rõ ràng, rành mạch là cần thiết để đảm bảo cơ nghiệp dài lâu.

Bên cạnh đó, để bảo vệ cơ nghiệp của mình, các tỷ phú còn phải đối mặt với các thế lực bên ngoài. Quan điểm “chống giàu” của nhiều chính trị gia, kết hợp với mức thuế tăng cao và các quy định ngày càng nghiêm ngặt trên phạm vi toàn cầu đang là những mối đe dọa lớn nhất đối với sự giàu có của các tỷ phú. Những yếu tố này khiến họ lo ngại hơn cả nguy cơ khủng hoảng kinh tế.

Báo cáo cho thấy cấu trúc quản trị rõ ràng là điều cần thiết để giữ gìn cũng như bồi đắp tài sản qua các thế hệ. Để đảm bảo thành công lâu dài, năng lực quản lý phải vượt qua được rào cản về quan hệ huyết thống. Tuy nhiên, giữ vững bản sắc gia đình cũng là một yếu tố giúp các gia đình tỷ phú tồn tại được dài lâu. Cùng với năng lực quản trị tốt và dịch vụ quản lý tài sản gia đình hiệu quả, đây chính là chìa khóa giúp duy trì sự giàu có.

Nhân tố “Athena”

Báo cáo mới nhất về giới siêu giàu cũng chỉ ra rằng trong giới tỷ phú, phái nữ (với vị thần biểu tượng Athena) đang tăng trưởng mạnh hơn phái nam về số lượng. Họ đang nắm giữ tài sản trung bình lớn hơn phái nam và có tầm ảnh hưởng mạnh hơn trong các hoạt động kinh doanh của gia đình, các hoạt động từ thiện và các cương vị quản lý.

Tốc độ tăng trưởng của tỷ phú nữ cao hơn nam: nữ tăng gấp 6,6 lần so với mức 5,2 lần của nam. Các nữ tỷ phú đang dẫn dắt các tập đoàn, doanh nghiệp gia đình. Nhiều người trong số họ đang làm giàu một cách tích cực tại Mỹ (57%), châu Âu (63%) và châu Á (96%).

Động lực chính của xu hướng này là sự nổi lên của các nữ doanh nhân châu Á. Tại đây, số nữ tỷ phú đã tăng mạnh nhất trong 10 năm qua – tăng 8,8 lần từ 3 lên 25 người. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tại châu Âu là 2,7 lần (từ 21 lên 57 người) và tại Mỹ là 1,7 lần (từ 37 lên 63 người).

Các nữ tỷ phú châu Á chiếm gần 1/5 tổng số nữ tỷ phú toàn cầu và có độ tuổi trung bình thấp hơn. Trong khi đó, các nữ tỷ phú ở Mỹ và châu Âu hầu hết được thừa kế tài sản của gia đình (93% tại châu Âu, 81% tại Mỹ). Tuy nhiên, họ cũng đảm nhiệm vai trò quan trọng hơn so với các thế hệ trước kia.

“Sự nổi lên của các tỷ phú là nữ và đến từ châu Á trong hai thập kỷ qua đã thay đổi diện mạo giới tỷ phú toàn cầu, và xu hướng thay đổi này không có dấu hiệu chậm lại. Họ đều chú trọng vào việc xây dựng một cơ nghiệp bền vững cho các thế hệ tương lai”, ông Josef Stadler – Lãnh đạo toàn cầu bộ phận Quản lý tài sản cho giới siêu giàu của UBS Thụy Sỹ bình luận.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.