Báo chí và chuyện Dung Quất dọa đóng cửa

Đầu tuần này, không hẹn mà nên hàng loạt báo chạy tít, đại loại nhà máy lọc dầu Dung Quất đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa gây bất ngờ ở nhiều người đọc.

cong_nhan_van_hanh_dan_khoan

Công nhân vận hành xuất sản phẩm tại Cảng xuất sản phẩm NMLD Dung Quất.

Một khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) có văn bản gửi Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ về việc tồn kho lớn của Nhà máy lọc dầu Dung Quất rồi cảnh báo nguy cơ “bắt buộc phải giảm công suất hoặc tạm dừng nhà máy trong thời gian tới” thì các báo đưa tin là chuyện đương nhiên.

Tuy nhiên chọn lựa góc độ nào để đưa lại là trách nhiệm của báo chí. Với một người quan sát khách quan, nguy cơ Nhà máy lọc dầu Dung Quất phải đóng cửa không phải là tin bởi nhiều lý do. Chuyện “dọa” đóng cửa như thế đã từng diễn ra vào năm ngoái. Quan trọng hơn, một nhà máy nếu vận hành lỗ một thì đóng cửa sẽ lỗ mười và chắc chắn các cơ quan hữu quan sẽ không để một nhà máy lọc dầu đóng cửa chỉ vì chính sách thuế.

Vậy yếu tố tin ở đây là gì?

Đó là từ đầu năm 2016 thuế nhập khẩu xăng từ các nước trong khu vực ASEAN giảm từ 20% về 10%  và thuế nhập khẩu diesel giảm về 0% theo lộ trình đã định sẵn. Ngoài ra, thuế nhập khẩu với sản phẩm xăng từ Hàn Quốc cũng được đưa về mức 10% theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc.

Trong khi đó, theo một cơ chế rất đặc thù, sản phẩm xăng dầu Nhà máy lọc dầu Dung Quất bán ra thị trường nội địa phải nộp điều tiết dựa trên thuế suất thuế nhập khẩu chung và mức thuế họ đang chịu là 20%.

Thử hỏi nếu là khách hàng mua xăng dầu, chúng ta sẽ mua từ đâu, từ các nước ASEAN hay Hàn Quốc để chỉ chịu mức thuế 10% (và 0% nếu mua diesel) hay mua từ Dung Quất và phải chịu mức thuế 20% (và 10% nếu mua diesel)? Đó chính là lý do vì sao các khách hàng lớn của Dung Quất tiếp tục giảm mạnh khối lượng mua hàng của Dung Quất; ví dụ như Petrolimex chỉ đăng ký mua 80.000 mét khối diesel/tháng, bằng 2/3 so với khối lượng 120.000 m3/tháng mà họ thường mua trước đây.

Năm ngoái cũng từng xảy ra hiện tượng tương tự khi thuế nhập khẩu xăng được giảm từ 35% xuống còn 20%; thuế nhập khẩu dầu diesel ở mức 30% được giảm xuống còn 5% cho năm 2015 và sau đó giảm về 0% cho năm 2016 đến năm 2018. Lúc đó Dung Quất kêu cứu, cũng “dọa” đóng cửa nhà máy và sau đó Bộ Tài chính phải điều chỉnh để mức thuế Dung Quất chịu cũng ngang bằng mức thuế xăng nhập từ Singapore.

Năm nay, trước thông tin Nhà máy lọc dầu Dung Quất có nguy cơ đóng cửa lẽ ra báo chí nên đưa thành tin: Dung Quất hay đúng hơn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang gây sức ép để được giảm mức thuế điều tiết bằng thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN hay Hàn Quốc.

Đó là chưa kể khi thuế suất nhập khẩu về 0% thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải bù 7% cho Dung Quất và phải gánh khoản lỗ này. Đây là câu chuyện phức tạp hơn (xin đọc lại ở đây).

Có lẽ rồi Bộ Tài chính cũng sẽ điều chỉnh mức thuế cho Dung Quất thôi nhưng đã đến lúc phải xem lại toàn bộ cơ chế tài chính cho nhà máy lọc dầu này. Bởi không lẽ năm nào báo chí cũng sẽ đăng tin Dung Quất có nguy cơ đóng cửa?

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.