Một phần hai năm 2016 đã đi qua, bức tranh lợi nhuận ngân hàng đã dần hé lộ với những gam màu bừng sáng từ khối các ngân hàng thương mại cổ phần.
Thời điểm này, hàng loạt ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2016 với sự phân hóa rõ nét và chi phí dự phòng vẫn đang là một nỗi ám ảnh lớn, bòn rút lợi nhuận nhiều ngân hàng.
Theo số liệu tổng hợp của chúng tôi, dẫn dầu thị trường với những con số nghìn tỷ sau 2 quý đầu năm vẫn là nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước – 3 trụ cột của hệ thống ngân hàng: VietinBank, VietcomBank và BIDV. Tuy nhiên, đây lại không phải là những ngân hàng tỏa sáng và có sức bật nhất trong nửa đầu năm nay.
Ngân hàng nhỏ lãi đậm, ông lớn lại lao đao
Techcombank gây ngạc nhiên khi báo lãi lớn và tốc độ tăng trưởng tăng vọt so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2016 đạt 1.587 tỷ đồng, tăng 53,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ thu nhập lãi thuần tăng 17,3% và thu nhập thuần từ phí dịch vụ tăng 40,1%, ngay cả sau khi trích ngân sách chi phí dự phòng cao hơn.
Theo báo cáo tài chính của ngân hàng Maritime Bank gửi Ngân hàng Nhà nước tính tới 30/6/2016, doanh thu thuần lũy kế 6 tháng đầu năm ở mức 1.280 tỷ, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 151 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2015. Mặc dù xét về con số tuyệt đối đây là một trong những ngân hàng có kết quả lợi nhuận thấp nhất thị trường nhưng so với tình hình cùng kỳ năm trước, đây lại là ngân hàng có sức bật lớn nhất.
Trong khi đó, các ông lớn ngân hàng hầu như vẫn duy trì sự ổn định. Vietcombank đã vươn lên là ngân hàng lãi đậm nhất trong quý II/2016, lợi nhuận trước thuế tăng 16,2%, đạt 1.971 tỷ đồng. BIDV cũng báo hơn 1.200 tỷ tính riêng trong quý II, tăng trưởng 46% so với cùng kỳ năm trước.
Khác với 2 trụ cột ngân hàng còn lại là Vietcombank và BIDV, VietinBank đã có dấu hiệu suy giảm phong độ trong quý II/2016. Kết thúc quý vừa qua, VietinBank ghi nhận 1.867 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu trong kỳ, chi phí hoạt động tăng 25% và chi phí dự phòng tăng đột biến 52% đã ảnh hưởng lớn đến kết quả lợi nhuận của VietinBank.
“Khóc thét” giữa dòng
Eximbank – cái tên đang thu hút sự chú ý của thị trường, biết bao người tò mò không hiểu khi nội bộ ngân hàng đang bị chia rẽ sâu sắc trong cuộc tranh giành quyền lực cấp cao thì ngân hàng này hiện đang kinh doanh ra sao?
Trong quý II, tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là 372 tỷ đồng, tăng mạnh 90% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên dự phòng rủi ro cũng tăng gần gấp đôi lên 324 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi chi phí và dự phòng, Eximbank còn lợi nhuận trước thuế 49 tỷ đồng trong quý II, tăng 69% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên tính chung luỹ kế lợi nhuận trước thuế 6 tháng qua chỉ đạt vỏn vẹn… 79 tỷ đồng, giảm 86% so với cùng kỳ năm trước (đạt 442 tỷ đồng), vẫn còn quá xa vời so với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng của Eximbank mà ngân hàng này vừa công bố điều chỉnh (kế hoạch ban đầu là 720 tỷ đồng.
Sacombank 6 tháng đầu năm chỉ đạt 363 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm tới 76% so với cùng kỳ năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 6/2016 tăng lên 2,83%, trong khi cuối 2015 chỉ 1,85%.
Sacombank đã có thông tin giải trình về kết quả trên. Song có lẽ dễ hiểu nhất là khó khăn từ việc sáp nhập Southern Bank đang ghì lấy ngân hàng này, mà trước đó Hội đồng Quản trị đã dự trù phải phải mất vài ba năm nữa mới có thể cân bằng trở lại.
Theo số liệu tổng hợp của chúng tôi, sau 2 quý đầu năm, có đến 4 ngân hàng suy giảm mạnh về kết quả lợi nhuận, bên cạnh 2 trường hợp trên còn có ABBank và TPBank cùng giảm 40% lợi nhuận so với cùng kỳ, trong đó ABBank đạt 104 tỷ và TPBank là 205 tỷ đồng.
Trong khi đó, ngoài các tên tuổi đã công bố lãi đậm hay lỗ lớn thì thị trường vẫn đang chờ đợi sự chuyển mình tại những trường hợp đang bị kiểm soát đặc biệt, như Ngân hàng Đông Á (DongA Bank), các “ngân hàng 0 đồng”.