Category Archives: Banking

Những ẩn số phía sau báo cáo tài chính ngân hàng

Các doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn cuối công bố báo cáo tài chính năm 2017, trong đó ngân hàng nổi lên như là ngành có kết quả kinh doanh tăng trưởng nổi bật và tỷ lệ nợ xấu giảm về mức lý tưởng.

Những ẩn số phía sau báo cáo tài chính ngân hàng

Ảnh: Quý Hòa

Tuy nhiên để đánh giá thực chất hoạt động của một ngân hàng thì không chỉ nhìn vào con số lợi nhuận cũng như tỷ lệ nợ xấu được công bố trên báo cáo.

Thông thường nhà đầu tư khi đọc báo cáo tài chính thường chỉ quan tâm đến bảng cân đối kế toán và kết quả kinh doanh, tuy nhiên còn 2 báo cáo rất quan trọng mà ít nhà đầu tư nào chịu xem kỹ hoặc chưa hiểu rõ là bảng lưu chuyển tiền tệ và bảng thuyết minh báo cáo tài chính.

Cần biết rằng bảng lưu chuyển tiền tệ ghi nhận dòng tiền thực ra, thực vào của một doanh nghiệp, do đó sẽ phản ánh thực chất hiệu quả hoạt động của tổ chức. Cụ thể, nếu khoản mục thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự trên bảng lưu chuyển tiền tệ thấp hơn nhiều so với thu nhập trên báo cáo kết quả kinh doanh, cho thấy khả năng ngân hàng đang ghi nhận thu nhập ảo vì thực tế chưa thu được lãi từ khách hàng.

Giả sử trong năm, ngân hàng dự thu lãi từ tín dụng đến 10.000 tỷ đồng, nhưng dòng tiền thực của thu lãi trên bảng lưu chuyển tiền tệ chỉ có 9.000 tỷ, như vậy 1.000 tỷ thực tế vẫn chưa thu được nhưng vẫn được ghi nhận vào thu nhập để tính toán lợi nhuận, trong khi đây là khoản có thể gặp rủi ro không thu được, hoặc ít nhất cũng cho thấy ngân hàng đang bị chiếm dụng vốn và tỷ lệ lãi thực thu ở mức thấp nên hiệu quả kinh doanh không cao.

Cũng có trường hợp thu nhập lãi trên bảng lưu chuyển tiền tệ cao hơn so với trên kết quả kinh doanh, điều này được giải thích là trong năm, ngân hàng có thể đã thu được những khoản lãi quá hạn hoặc những khoản lãi đã thoái thu trước đây, do đó lãi thực thu cao hơn nhiều so với lãi dự thu từ tín dụng.

Tương tự, có thể nhìn vào khoản mục lãi và phí phải thu trên bảng cân đối kế toán để đánh giá hiệu quả thu lãi của tổ chức tín dụng. Nếu con số này quá lớn so với quy mô dư nợ hiện tại cho thấy hiệu quả thu lãi của ngân hàng không tốt. Có thể nhiều khoản lãi dự thu đã được ghi nhận và hạch toán vào thu nhập và lợi nhuận của những năm trước, tuy nhiên thực tế cho đến nay vẫn chưa thu được và những khoản này nếu xử lý bằng cách thoái thu có thể ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh trong năm.

Đây là lý do vì sao trước đây có luận điểm cho rằng ngân hàng đang ăn mòn vào lợi nhuận trong tương lai. Một ngân hàng hoạt động bình thường thì tỷ lệ các khoản lãi và phí phải thu trên dư nợ bình quân chỉ ở mức 2 – 3%, nếu trên 5% là cần chú ý và nếu trên 10% là rủi ro cao.

Theo quy định của Bộ Tài chính, sau 6 tháng lãi dự thu nếu chưa thu được hoặc khi chuyển nợ quá hạn thì phải thoái ra, tuy nhiên thực tế là nhiều tổ chức tín dụng vẫn chưa chuyển đúng nợ quá hạn và cũng không muốn thoái thu lãi do lo ngại ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận.

Về nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu thì cần đọc thuyết minh báo cáo tài chính để biết chi tiết từng nhóm nợ, trong đó nếu nợ nhóm 5 cao là cần đặc biệt chú ý, vì nợ nhóm 5 theo quy định hiện tại sẽ trích lập chi phí dự phòng đủ 100%. Tuy nhiên, nợ xấu trong chất lượng nợ vay có thể vẫn chưa phản ánh đầy đủ chất lượng tín dụng thực tế của đơn vị, vì có thể đơn vị vẫn chưa chuyển nhóm theo đúng quy định. Các khoản vay đã được tái cơ cấu có thể chưa thể hiện đúng nhóm, trong khi đây là những khoản cũng có rủi ro cao.

Nhà đầu tư cũng cần nhìn vào lượng trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) để tính toán chất lượng tín dụng của đơn vị. Nếu trái phiếu đạc biệt của VAMC cao đồng nghĩa với đơn vị đã bán nợ khá lớn cho VAMC. Thông trường giá trị trái phiếu có thể bằng 90 – 95% giá trị nợ gốc bán.

Đọc thuyết minh cũng cho thấy các khoản nợ khoanh đang chờ xử lý nếu có của tổ chức tín dụng. Thực tế vẫn còn một số ngân hàng đang có những khoản vay đối với tập đoàn nhà nước trước đây như Vinashin hay Vinalines đang được khoanh lại chờ xử lý theo sự cho phép của Chính phủ.

Các khoản mục cam kết ngoại bảng cũng cần được chú ý, nhất là cam kết bảo lãnh vay vốn và cam kết trong nghiệp vụ thư tín dụng. Nhiều khoản bảo lãnh của ngân hàng cho khách hàng dù không thu được theo đúng hạn nhưng vẫn chưa chuyển sang cho vay bắt buộc vì lo ngại phải chuyển thành nợ xấu và trích lập dự phòng, làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Trong thuyết minh phải giải thích rõ chất lượng của những khoản cam kết ngoại bảng này.

Khoản phải thu trên cân đối kế toán cũng là khoản mục cần được lưu tâm vì nhiều ngân hàng có số dư rất lớn do dùng để che giấu nhiều khoản mục có khả năng mất mát hoặc thậm chí là các khoản nợ xấu. Mục tài sản có khác thường là các khoản ủy thác đầu tư, nghiệp vụ repo (nghiệp vụ phái sinh từ các nghiệp vụ cho vay có đảm bảo hay ủy thác đầu tư), tài sản cấn trừ nợ nhưng chưa sang tên cho ngân hàng. Nghiệp vụ repo thực chất cũng là cho vay và do đó cũng có thể gặp phải những rủi ro tín dụng.

Ngân hàng thích nghi thế nào với công nghệ số?

Công nghệ thay đổi khiến thị trường thay đổi nhanh chóng. Điều này đang gây sức ép lên các nhà cung cấp dịch vụ và các nhà thiết kế chính sách phải thay đổi theo để đảm bảo các bên vận hành hiệu quả và nâng cao tính cạnh tranh.

Dưới đây là góc nhìn của “người trong cuộc”:

Ông Nguyễn Hưng – Tổng giám đốc TPBank: Rút ngắn đường đến khách hàng

TPBank sinh sau đẻ muộn nên thời điểm muốn phát triển mạng lưới vật lý là khó khăn vì lúc đó quy định của nhà nước mỗi năm ngân hàng không được mở quá 5 chi nhánh. Như vậy, nếu mở 100 chi nhánh để đạt độ phủ cơ bản mất 20 năm, làm sao có thể cạnh tranh? Đó chính là áp lực khiến chúng tôi quyết tâm trở thành một trong những ngân hàng đi đầu về công nghệ số.

Quan điểm của chúng tôi ngay từ đầu là phát triển các ứng dụng ngân hàng điện tử sao cho đơn giản để mọi tầng lớp tiêu dùng đều tiếp cận được.

Ban đầu số lượng khách hàng chưa nhiều nhưng khi họ đã biết đến thì độ trung thành của họ rất cao, hiện 2/3 lượng giao dịch của chúng tôi theo kênh điện tử. Chi phí giao dịch truyền thống cao hơn cả chục lần chi phí giao dịch trên kênh điện tử, nên khi có 70 – 80% số khách hàng giao dịch kênh điện tử thì cơ hội giảm chi phí là rất lớn.

>> Tín dụng ngân hàng: “Bóc ngắn cắn dài”

Chúng tôi phải liên tục tìm ra kênh mới, gần đây nhất là ngân hàng tự động LiveBank – một máy giao dịch trực tuyến tích hợp tất cả sản phẩm ở quầy truyền thống và phục vụ người dùng 24/7.

Theo tôi, các quy định nhà nước vẫn đang dựa trên các giao dịch truyền thống trên kênh giấy tờ, nếu cứ theo quy trình này sẽ là rào cản khiến ngân hàng chậm phát triển. Khi chuyển sang kênh điện tử, cần có những quy định phù hợp, phải chấp nhận các phương thức khác, cho phép xác thực từ xa bằng một số phương thức như chữ ký số, token, hay mã số bí mật theo công nghệ mới.

Chẳng hạn máy trực tuyến hiện cho phép giao dịch 24/7 lúc nào cũng có tư vấn viên từ xa, chụp hình và lấy vân tay khách hàng, có thể xác định được khách hàng thay cho giấy tờ chữ ký truyền thống có thể làm giả mà có khi ngân hàng cũng không xác định được.

Ông Trần Phương – Phó tổng giám đốc BIDV: Tiết kiệm chi phí và tính lan tỏa cao

Khác TPBank, BIDV là ngân hàng có 60 năm với một hệ thống cả ngàn điểm giao dịch, cả ngàn máy POS và ATM, vì vậy thách thức là làm sao xây dựng kênh phân phối số hóa với sản phẩm dịch vụ tiện ích tốt nhất để cân bằng cho các hoạt động ngân hàng.

Trong 5 năm qua BIDV đã tập trung đẩy mạnh đề án số hóa, đưa ra nhiều sản phẩm trực tuyến, phát triển hệ thống ghi nhận trên các kênh mạng xã hội để thu nhận các nhu cầu khách hàng và điều chỉnh kịp thời.

Tính trong giai đoạn 2013 – 2016 lượng khách hàng giao dịch qua kênh trực tuyến tăng 7,1 lần về số lượng và hơn 60% chuyển từ giao dịch truyền thống sang các kênh điện tử. Chúng tôi cũng đang triển khai các sản phẩm dịch vụ để biến máy rút tiền thành máy giao dịch tích hợp hầu hết các tính năng của quầy giao dịch truyền thống.

>> 10 lý do Singapore là “mảnh đất màu mỡ” cho fintech

Tính hiệu quả cũng đo được từ nhiều giác độ. Thứ nhất là tiết kiệm: chi phí giao dịch trên kênh điện tử chỉ bằng 15% ở quầy truyền thống. Thứ hai là sức lan tỏa lớn: trong 3 năm, lượng khách hàng cá nhân sử dụng ngân hàng số tăng từ khoảng 6,5 triệu lên hơn 9 triệu hiện nay.

Tài chính toàn diện là một định hướng lớn triển khai trong nhiều năm, từ Internet Banking, Mobile Banking, Home Banking, thu chi hộ hóa đơn tiện ích (điện, nước, viễn thông). Điển hình, BIDV mở kênh cho học sinh nộp phí thi đại học qua ngân hàng số thay vì họ phải đến Hà Nội, 78.000 học sinh đã nộp phí trên kênh này.

Tôi muốn nói, các dịch vụ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hay cho khách hàng cá nhân sẽ tạo nên hiệu quả rất lớn về mặt xã hội chứ không riêng cho họ hay cho doanh nghiệp. Đây cũng chính là nội dung tích cực mà chúng tôi hướng tới.

Ông Azhar Bin Adnan – Giám đốc marketing CMC Telecom: Quy luật cạnh tranh đang thay đổi

Sai lầm phổ biến nhất mà các ngân hàng thường mắc phải trong quá trình thích nghi với công nghệ số là tập trung vào các quy trình giao dịch hơn là đổi mới trải nghiệm của khách hàng. Theo truyền thống, các tiêu chuẩn hoạt động của ngân hàng được dựa trên chi nhánh địa lý trong khi với mô hình mới, việc thiết kế lại cấu trúc công nghệ phải dựa trên kinh nghiệm của khách hàng.

Chính vì vậy việc thu thập tất cả thông tin khách hàng trực tuyến vào một hệ thống quản trị khách hàng được xem là một năng lực chiến lược cốt lõi. Ví dụ “Dự án Cầu Vồng” của Citibank năm 2014 là nền tảng ngân hàng chung trên toàn cầu phục vụ hơn 40 quốc gia, hoặc tại Úc, Citibank đạt hơn 1 triệu khách hàng dù chỉ có 13 chi nhánh.

Công nghệ số và hành vi khách hàng sẽ thay đổi quy luật cạnh tranh, vì vậy các ngân hàng buộc phải đoán biết trước các đối thủ tiềm năng. Các công ty Fintech thực sự đã phá vỡ thị trường ngân hàng truyền thống, tại Việt Nam ta thấy các công ty Fintech cũng đã nắm lấy cơ hội này, họ dùng ý tưởng mới để kiếm tiền từ sự phát triển công nghệ số.

Theo tôi các ngân hàng cũng có cơ hội tương tự nếu họ dám thay đổi mô hình truyền thống để có thể tiếp cận bất cứ khách hàng tiềm năng nào mà không cần mở một chi nhánh mới. Các ngân hàng và các định chế tài chính cần đánh giá lại các trải nghiệm của khách hàng bởi công nghệ tự nó không mang lại lợi thế cạnh tranh mà chính ở sự chủ động xây dựng trải nghiệm khách hàng độc đáo và tính cá nhân hóa cao. Và ở đó chắc chắn sự an toàn tài chính của khách hàng phải được đảm bảo.

TUYẾT ÂN

Gửi tiền ngân hàng: Những điều ít biết

Để tối ưu hóa suất sinh lời thì người gửi tiền cần trang bị một số kinh nghiệm cần thiết. 

Hiện nay các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần thường niêm yết lãi suất cao hơn các NHTM nhà nước. Thống kê cho thấy ở kỳ hạn phổ biến nhất là 1 tháng thì lãi suất cao nhất hiện nay là 5,4 – 5,5% ở các NHTM cổ phần nhỏ, trong khi thấp nhất là 4,3 – 4,4% ở các NHTM nhà nước và 1 số NHTM cổ phần lớn. Ở các kỳ hạn khác thì chênh lệch giữa 2 nhóm ngân hàng này thường là từ 1 – 1,5%.

Do đó, việc gửi tiền tại các NHTM cổ phần niêm yết lãi suất tốt sẽ có lợi nhiều hơn. Nếu gặp rủi ro thanh khoản thì các ngân hàng vẫn được sự hỗ trợ qua hình thức cho vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước, trong khi với các sổ tiết kiệm dưới 50 triệu đồng thì chắc chắn được các ngân hàng mua bảo hiểm tiền gửi và sắp tới hạn mức tiền gửi được bảo hiểm sẽ được nâng lên 75 triệu đồng.

Về kỳ hạn gửi, nếu xác định trước không có nhu cầu vốn kinh doanh hoặc đầu tư thì nên chọn gửi kỳ hạn dài để được hưởng lãi suất cao hơn. Hiện tại chênh lệch lãi suất giữa ngắn hạn và trung dài hạn có thể lên đến 2 – 2,5%. Nhiều người cho rằng gửi kỳ hạn ngắn sẽ chủ động rút ra gửi ở kỳ hạn khác khi lãi suất thị trường tăng lên, tuy nhiên với mức độ ổn định mặt bằng lãi suất như hiện nay thì nếu có tăng cũng chỉ tăng nhẹ và chậm, do đó gửi kỳ hạn ngắn sẽ không được lợi và hưởng trọn mức chênh lệch 2 – 2,5%/năm.

Một điều người gửi tiền cần lưu ý nữa là mặc dù các ngân hàng có niêm yết khung lãi suất, tuy nhiên có thể áp dụng mức lãi suất khác nhau cho những đối tượng khác nhau. Cụ thể ở một số ngân hàng, người nội trợ hoặc người già có thể nhận được thêm mức cộng lãi suất từ 0,05 – 0,1%, do đó nếu khách hàng muốn được ưu đãi thêm về lãi suất có thể nhờ bố mẹ hoặc ông bà đi gửi giùm.

Gửi tiền tại ngân hàng chỉ thực sự được lợi khi lạm phát thấp hơn mức lãi suất danh nghĩa mà khách hàng được nhận. Theo lý thuyết, lãi suất thực sẽ bằng lãi suất danh nghĩa năm (là mức lãi suất ngân hàng trả cho khách hàng) trừ đi mức lạm phát năm. Không ít người nhầm lẫn khi lấy mức lạm phát hiện tại để tính lãi suất thực. Điều đó là không đúng, nên cần nhấn mạnh rằng phải tính theo tỷ lệ lạm phát kỳ vọng.

Cụ thể tại thời điểm gửi tiền, người gửi nhận được lãi suất 8%/năm và kỳ vọng lạm phát trong 12 tháng tới ở mức 5%/năm, thì hy vọng nhận được lãi suất thực là 3%/năm, tuy nhiên nếu sau 12 tháng lạm phát lên tới 10% thì lãi suất thực là -2%, đồng nghĩa với việc do lạm phát làm xói mòn số tiền gửi ngân hàng.

>> Ngân hàng “đua” giữ chân khách gửi tiền

Là người gửi tiền, cần biết “nguyên tắc 72” để ước lượng nhanh thời gian cần có để số tiền gửi tăng lên gấp đôi. Cụ thể nguyên tắc này là một mẹo tính toán nhanh, trong đó nếu lấy số 72 chia cho mức lãi suất tiền gửi hằng năm sẽ cho ra số năm cần thiết để giá trị tiền gửi ban đầu tăng lên gấp đôi. Ví dụ có 1 tỷ đồng gửi ở ngân hàng với lãi suất 8%/năm, trong đó lãi hằng kỳ được tính vào gốc và trả một lần khi đáo hạn, thì thời gian để số tiền này tăng lên thành 2 tỷ chỉ cần lấy 72 chia 8 là 9 năm.

Việc gửi tiền trong đó xác định lĩnh lãi cuối kỳ và dồn tiếp tiền lãi này vào vốn gốc gửi sẽ giúp số tiền tăng nhanh hơn rất nhiều nhờ vào quy luật lãi kép trên. Trong khi đó, với những khách hàng gửi tiền và lĩnh lãi định kỳ hằng tháng thì cần biết rằng hiện nay đã có một số ngân hàng đăng ký nhận lãi qua tài khoản thẻ và thông báo qua SMS banking.

Cụ thể, hằng tháng khách hàng sẽ không cần đến chi nhánh hoặc phòng giao dịch của ngân hàng để nhận lãi như trước đây, mà tiền lãi này sẽ chuyển trực tiếp vào tài khoản thẻ hooặc tài khoản thanh toán của khách hàng, đồng thời hệ thống cũng nhắn tin thông báo số tiền lãi nếu khách hàng đăng ký sử dụng Ebanking, lúc này nếu có nhu cầu rút lãi thì chỉ cần đến bất kỳ máy ATM nào.

Mặc dù đã xác định thời điểm nhu cầu vốn có thể phát sinh và kỳ hạn gửi tối ưu, nhưng người gửi tiền cũng khó có thể tránh được những trường hợp đột xuất cần phải rút tiền gửi ngân hàng. Theo quy định hiện nay, nếu rút trước hạn thì khách hàng phải nhận lãi suất không kỳ hạn, dù thời gian đáo hạn của số tiết kiệm đã sắp đến, dẫn đến phải mất một số tiền lãi khá lớn.

Vì vậy, cần biết rằng từ trước đến nay các ngân hàng đều cho phép khách hàng vay cầm cố sổ tiết kiệm với lãi suất chỉ cao hơn lãi suất trên sổ tiết kiệm từ 1,5 đến 2%/năm. Do đó, nếu khách hàng có nhu cầu vốn đột xuất thì không nhất thiết phải rút vốn trước hạn, mà có thể vay cầm cố sổ tiết kiệm tại ngân hàng với thời gian vay không được dài hơn thời gian còn lại của sổ tiết kiệm.

GIA LÊ

Phía sau sự đi lên của lãi suất thị trường liên ngân hàng

Gần đây, lãi suất tăng trở lại trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2), mặc dù nguồn vốn tiền gửi từ khu vực dân cư tiếp tục chảy mạnh vào hệ thống kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Vì sao? 

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, sau khi “hạ nhiệt” trong nửa đầu tháng 2 thì lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng trở lại. Cụ thể lãi suất qua đêm vào ngày 10/2 rớt xuống mức thấp 1,55% thì đã tăng nhanh trở lại 4,91% vào ngày 20/2, mức tăng 3,36%.

Xu hướng tương tự cũng diễn ra ở các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng, cụ thể trong cùng kỳ hạn 1 tuần tăng 3,18%, từ mức 1,8% lên 4,98%, kỳ hạn 2 tuần tăng 2,95%, từ mức 1,92% lên 4,87% và kỳ hạn 1 tháng tăng 1,95%, từ mức 3,04% lên 4,99%.

Đây là những diễn biến rất đáng chú ý nếu nhìn vào sự tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng kể từ sau Tết, nhất là khi lãi suất huy động từ thị trường 1 (dân cư tổ chức) vẫn khá ổn định, ngoại trừ có sự tăng cục bộ lãi suất tiền gửi trung, dài hạn tại một số ngân hàng như Eximbank hôm 24/2 để tăng nguồn vốn trung, dài hạn nhằm cải thiện tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung, dài hạn.

Một số ý kiến cho rằng tỷ giá tăng nhanh gần đây đã làm suy yếu vị thế của VND, do đó nhà điều hành định hướng nâng lãi suất VND thông qua hút vốn trên thị trường mở (OMO) để gia tăng trở lại giá trị tiền đồng.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, trong tuần từ 13/2 – 17/2, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 36.541 tỷ đồng qua thị trường OMO. Việc Ngân hàng Nhà nước hút vốn ròng sẽ làm giảm mức độ dư thừa thanh khoản của hệ thống và có thể đẩy lãi suất VND trên thị trường 2 đi lên.

Trong môi trường thanh khoản hệ thống dồi dào, nếu lãi suất vay gửi giữa các ngân hàng quá thấp thì sẽ có xu hướng tăng nắm giữ đồng USD với kỳ vọng sẽ kiếm lợi khi tỷ giá USD/VND được điều chỉnh. Đây là điều đã diễn ra trong giai đoạn lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức thấp kỷ lục trong năm 2016, khiến trạng thái ngoại hối của các ngân hàng luôn ở mức dương cao và cũng nhờ đó Ngân hàng Nhà nước mua được một lượng lớn ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức hơn 40 tỷ USD.

Việc mua ngoại tệ và bơm một lượng lớn VND ra thị trường càng làm tăng mạnh lượng thanh khoản VND, khiến các ngân hàng càng dồi dào thanh khoản và càng đẩy lãi suất VND trên thị trường 2 xuống mức thấp. Vì vậy càng kích thích các ngân hàng tăng nắm giữ USD.

Tuy nhiên trong năm 2016 nhờ vào nguồn vốn FDI tăng mạnh, nguồn vốn đầu tư gián tiếp cũng tăng cao nhờ vào các thương vụ M&A, xuất siêu tăng, nguồn cung ngoại tệ đã được duy trì tốt từ dòng vốn tiền gửi USD chuyển sang VND trong khi cho vay ngoại tệ bị chững lại khiến tỷ giá luôn được giữ ổn định, ngoại trừ giai đoạn cuối năm sau cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ.

Ngược lại, nếu lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tăng lên sẽ kích thích các ngân hàng đẩy mạnh bán ngoại tệ để lấy vốn cho vay, khi mà lúc này lãi suất cho vay VND giữa các ngân hàng cao hơn nhiều so với mức tăng tỷ giá kỳ vọng. Chính động thái này sẽ giúp tăng nguồn cung USD và từ đó ổn định thị trường ngoại hối, khi nguồn vốn USD từ các ngân hàng được bơm ra thị trường.

Việc tỷ giá ổn định trở lại gần đây sau khi tăng nhanh trong đầu tháng 2 tương ứng với diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng trở lại cùng thời điểm có thể giải thích cho luận điểm này.

Với nhập siêu tăng mạnh, lên mức 2,45 tỷ USD trong nửa đầu tháng 2 cũng gây áp lực lên cầu ngoại tệ trong nước trong cùng thời điểm. Trong khi đó, kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp vào giữa tháng 3 sắp tới cũng khuyến khích tăng dự trữ, đầu cơ đồng bạc xanh, nhất là khi đồng USD tăng trở lại.

Một vài ý kiến gần đây cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần sớm gỡ bỏ trần lãi suất USD và điều này cũng có thể kích thích trở lại việc nắm giữ USD. Trước những áp lực trên thì tỷ giá tăng nhanh trong nửa đầu tháng 2 là tất yếu. Tính đến ngày 27/2/2017, tỷ giá trung tâm USD/VND nằm ở mức 22.228 đồng, tăng 0,31% so với đầu năm.

Những diễn biến vừa qua cho thấy tỷ giá sẽ là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến mặt bằng lãi suất trong năm 2017. Việc vừa phải cân đối được lãi suất ổn định vừa phải kiểm soát tỷ giá sẽ là một trong những thách thức lớn trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay, nhất là khi nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể bị chững lại, kiều hối sụt giảm, nguồn vốn vay ODA bị hạn chế và nhập siêu đang có dấu hiệu quay trở lại.

Ngành ngân hàng 5 năm tới: Ít người chơi hơn

Gần đây, khi được hỏi công nghệ sẽ làm thay đổi ngành tài chính như thế nào, vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị của một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới đã dùng sự trỗi dậy của Ant Financial như một câu trả lời rõ ràng nhất cho câu hỏi này.

Ant Financial là bộ phận thanh toán kỹ thuật số của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba. Năm ngoái, Ant Financial đã thu hút được khoảng 100 triệu khách hàng mới, đưa tổng số khách hàng lên tới hơn 500 triệu, gần gấp 10 lần những ngân hàng lớn nhất thế giới. Vị Chủ tịch lâu năm nói trên (không muốn nêu tên) không giấu được nỗi ganh tị khi cho biết Tập đoàn Alibaba đã thu thập được “một lượng dữ liệu khổng lồ” và “khả năng tuyệt vời trong việc đưa ra các quyết định cho vay”.

Không chỉ vậy, Tổng giám đốc Eric Jing của Ant Financial được vinh dự phát biểu cùng các tên tuổi lớn khác trong ngành tài chính tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được tổ chức ở Davos (Thụy Sĩ) từ ngày 17 – 20/1/2017. Lần đầu tiên ra mắt của người đứng đầu Ant Financial cho thấy công nghệ số đã làm thay đổi trật tự trong ngành tài chính như thế nào bằng chính khả năng “phá bĩnh” của nó.

Trả lời phỏng vấn Financial Times tại sự kiện Davos, các chuyên gia hàng đầu cho rằng sự thay đổi này có khả năng đưa đến một công cuộc tự động hóa rộng khắp, khiến cho ranh giới giữa tài chính và công nghệ trở nên lu mờ và cuối cùng là dẫn đến làn sóng sáp nhập trong ngành trên diện rộng.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng hàng trăm ngàn việc làm sẽ bị bốc hơi và những công ty tương tự như Ant Financial sẽ “đột kích” vào những lĩnh vực kinh doanh có giá trị nhất của các ngân hàng.

“Tôi nghĩ số lượng nhân viên trong ngành tài chính sẽ giảm xuống và những người làm việc trong ngành này sẽ phải làm nhiều loại công việc khác nhau”, Ralph Hamers – Tổng giám đốc ING nhận xét. Trong vài tháng qua, Hamers đã công bố kế hoạch cắt giảm 7.000 trong số 54.000 nhân viên của ngân hàng Hà Lan này.

Tổng cộng có tới 1,7 triệu việc làm dự kiến bị bốc hơi khi các ngân hàng số hóa các lĩnh vực hoạt động trong thập niên tới, theo dự đoán mới đây của Citigroup.

Việc đẩy mạnh dùng công nghệ thay thế nhân công ở lĩnh vực tài chính, cũng giống như robot đã và đang thay thế nhân công trong các nhà máy từ nhiều thập niên qua, chỉ là một phần trong chương trình nghị sự của diễn đàn Davos năm nay. Trong khi diễn đàn Davos năm ngoái rôm rả bàn luận về “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (về sự phá bĩnh của công nghệ ở hầu hết mọi ngành, mọi quốc gia), thì tại sự kiện năm nay, sự háo hức đối với những tiến bộ khoa học đã bị “lấn lướt” bởi các cuộc thảo luận sôi nổi về những tổn thất xã hội do công nghệ gây ra.

Tuy nhiên, đối với những ngân hàng chịu cảnh “lợi nhuận thấp” dai dẳng nhiều năm trời, công cuộc tự động hóa và “phép màu” công nghệ cho họ một cơ hội bấy lâu trông chờ nhằm cải thiện khả năng sinh lời (dù rằng về dài hạn hơn, chúng đe dọa đặt dấu chấm hết cho cách làm xưa nay trong ngân hàng).

Điều này đặc biệt có nghĩa quan trọng đối với các ngân hàng châu Âu, vốn chứng kiến lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) luôn duy trì ở mức thấp 1 con số, dưới mức khá xa so với chi phí vốn hơn 10%. Kết quả là nhiều định chế tài chính đang đua nhau tích hợp những công nghệ mới, trong đó có cả điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và nhận diện giọng nói nhằm cải thiện các dịch vụ tài chính cung cấp cho khách hàng.

“Nhờ vào năng lực máy tính hiện có, chúng tôi có thể dự đoán tốt hơn rất nhiều về tỷ lệ vỡ nợ, cho phép chúng tôi đánh giá chính xác hơn năng lực tài chính của khách hàng và đưa ra các quyết định cho vay ngay tức thì, cả đối với các khách hàng hiện tại lẫn những khách hàng mà chúng tôi chưa hề biết”, Hamers nói.

Tự động hóa cho phép các tập đoàn dịch vụ tài chính cắt giảm tỷ lệ chi phí trên doanh thu 15 điểm phần trăm, theo một nghiên cứu được hãng tư vấn Oliver Wyman công bố tại Davos vào tuần qua. Các ông chủ ngân hàng dự đoán họ sẽ phân tích, sàng lọc một cách hiệu quả hơn khối lượng dữ liệu khổng lồ thu thập được nhằm đưa ra các quyết định cho vay ngay tức thì và cung cấp nhiều dịch vụ tư vấn tài chính tự động hóa nhắm đến từng đối tượng khách hàng cụ thể hơn.

Các ông chủ ngân hàng cũng kỳ vọng sẽ tiết kiệm được khoản chi phí lớn nhờ blockchain – một công nghệ nền tảng cho tiền ảo và là công nghệ đứng sau đồng Bitcoin – cho phép dữ liệu số được ghi lại và chia sẻ. 8 trong số 10 ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới dự kiến dùng blockchain để cắt giảm 30% chi phí, tổng cộng lên tới 8 – 12 tỷ USD, theo một nghiên cứu được Accenture và McLagan công bố vào tuần qua.

Nhưng khi ngành ngân hàng bước chân vào những hoạt động như vậy, sự phân chia ranh giới giữa tài chính và công nghệ ngày càng trở nên mờ nhạt, đưa các định chế tài chính lâu đời vào thế so găng với những đối thủ mới đáng gờm, mạnh về công nghệ số trong bối cảnh họ cũng đang chịu nhiều sức ép (như các quy định mới từ phía các cơ quan quản lý, các hoạt động ngân hàng truyền thống ngày càng khó kiếm lời hơn…).

“Trong lúc này, đối với lĩnh vực ngân hàng, những công ty như Facebook và Google chỉ mới “nửa chân trong nửa chân ngoài” vì họ không muốn bị ràng buộc bởi các quy định tài chính từ phía cơ quan quản lý”, Francisco González – Chủ tịch HĐQT BBVA (Tây Ban Nha), nhận xét. “Nhưng không sớm thì muộn, họ sẽ nhảy vào sân chơi của chúng ta. Họ sẽ tìm cách tham gia vào một phần trong chuỗi giá trị này. Đó là một thách thức thực sự”, ông nói thêm.

Riêng đối với ngành ngân hàng châu Âu, thách thức còn đến từ những quy định mới của EU. Theo đó, các ngân hàng sẽ phải cho các bên thứ ba quyền tiếp cận kho dữ liệu của bất cứ khách hàng nào cho phép điều đó. Việc này giúp họ dễ dàng chiêu dụ khách hàng của ngân hàng đối thủ hơn cũng như cung cấp nhiều sản phẩm phù hợp hơn. Nhưng những quy định mới cũng sẽ mở toang cánh cửa cạnh tranh cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) và các gã khổng lồ công nghệ từ Thung lũng Silicon.

Oliver Wyman dự đoán nhiều ngân hàng sẽ bị bỏ lại đằng sau như là “những nhà cung cấp phụ tùng”, tức cung cấp các dịch vụ tài chính chịu sự ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định như dịch vụ cho vay và tài khoản tiết kiệm – trong khi các mối quan hệ với khách hàng giúp ngân hàng hái ra tiền thì lại bị kiểm soát bởi các công ty công nghệ, đóng vai trò như những “nhà cung cấp nền tảng”.

Thay đổi công nghệ sẽ đòi hỏi đầu tư lớn. Vì thế, các ông chủ ngân hàng dự đoán sẽ có cuộc sáp nhập, liên kết sâu rộng giữa các ngân hàng, đặc biệt trong ngành ngân hàng châu Âu đang bị phân mảnh.

“Hệ thống ngân hàng sẽ như thế nào trong 5 năm tới? Sẽ có ít người chơi hơn. Những doanh nghiệp nào nắm vững được công nghệ sẽ là những kẻ đi thâu tóm. Nếu không nắm vững được công nghệ, bạn sẽ không tồn tại được”, González nói.