Thu hút FDI: những góc khuất nguy hiểm

Chính phủ cần phải có những ứng xử kịp thời với yếu tố quốc tịch trong chiến lược thu hút FDI. Làm như vậy không phải là phân biệt đối xử trong thu hút FDI mà ngược lại, chính ta đang thực hiện những động thái cần thiết để tiến tới một sân chơi bình đẳng.

Thu hút FDI và nguy cơ phân hóa thành hai nửa nền kinh tế

Trong một phân tích trên TBKTSG cách đây hai năm, Giáo sư Trần Văn Thọ đã mở đầu cho những phân tích nguy cơ kinh tế Việt Nam bị phân hóa thành hai nửa: một nửa là khu vực FDI và một nửa là khu vực kinh tế còn lại của doanh nghiệp (DN) nội địa. Các yếu tố chính cho những nhận định trên là chúng ta đang thiếu một chiến lược tổng thể thu hút FDI; chưa có cơ chế phát triển mạnh hình thức liên doanh giữa DN FDI và DN nội địa; thiếu liên kết hàng dọc giữa DN FDI và DN nội địa (DN FDI chủ yếu nhập nguyên liệu và phụ tùng từ nước ngoài thay vì từ các DN trong nước, khiến cho ngành công nghiệp phụ trợ của nước ta không thể phát triển).

Về mặt lý thuyết, có thể tóm lược kênh truyền dẫn chính để FDI và các công ty đa quốc gia (MNC) tác động đến tăng trưởng kinh tế và các thành quả khác của nước ta là thông qua ba cơ chế: hiệu ứng quy mô, hiệu ứng kỹ thuật, kỹ năng và hiệu ứng cấu trúc. Tất cả các kênh truyền dẫn này đều không thực sự tạo ra hiệu ứng lớn như kỳ vọng ban đầu, thậm chí là gây thất vọng.

Các số liệu thống kê và những phân tích của nhiều chuyên gia sau đó đã ngày càng củng cố thêm rằng giả thuyết nguy cơ hai nửa nền kinh tế ngày càng khó bị bác bỏ.

Có lẽ do không đồng ý với những nhận định trên, hầu hết phản hồi từ các nhà hoạch định chính sách và một số chuyên gia Bộ Khoa học và Công nghệ đã không đi thẳng vào phản bác lập luận này. Thay vào đó, họ chỉ thừa nhận một vài yếu kém trong thu hút FDI và khẳng định FDI vẫn là trụ cột chính trong phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam. Thậm chí trong một hội thảo mới tổ chức ở Hà Nội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư còn nhấn mạnh, các DN FDI cần phải chia sẻ với DN nội địa, hợp tác, bổ sung để cùng nhau có lợi, lúc ấy mới mong công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển; nếu không, muôn đời công nghiệp phụ trợ của Việt Nam cũng không phát triển được.

Formosa nói riêng và các DN FDI có quốc tịch Trung Quốc nói chung chính là minh họa rõ nét nhất đóng góp của FDI nhìn từ thể chế kinh tế – chính trị quốc gia của các công ty đa quốc gia đã tác động lan tỏa đến tăng trưởng của Việt Nam ra sao.

Những tranh luận về thu hút FDI ở Việt Nam cũng như ở các nền kinh tế mới nổi luôn diễn ra như vậy. Một phía, các nhà kinh tế đưa ra những cảnh báo về nguy cơ. Phía còn lại, dù thừa nhận tác động lan tỏa yếu của FDI đến nền kinh tế, vẫn viện dẫn những số liệu thống kê tạo công ăn việc làm, bù đắp thâm hụt cán cân thanh toán, đóng góp vào thu ngân sách, xuất khẩu và tăng trưởng để khẳng định tầm quan trọng của thu hút FDI. Nhưng có đúng là như vậy?

Cách tiếp cận mới: quốc tịch của các MNC và những nguy hiểm tiềm ẩn đến kinh tế, an ninh và quốc phòng

Những lập luận để chứng minh tầm quan trọng của FDI theo cách của các nhà hoạch định chính sách như trên vẫn còn nhiều điểm không thật sự thuyết phục, ít nhất để trả lời cho câu hỏi: vậy giải pháp sắp đến là gì để nâng cao hiệu quả thu hút FDI hoặc cần phải làm gì để nguy cơ nền kinh tế không bị phân hóa. Hoặc sát sườn hơn là phải làm gì với liên tục các thảm họa môi trường từ các DN FDI diễn ra dồn dập thời gian mới đây.

Nhiều nghiên cứu gần đây trên thế giới đã hướng vào một cách tiếp cận mới cho các tranh luận này. Theo đó, dòng vốn FDI và các MNC không thể được xem như một thể thuần nhất khi phân tích tác động của chúng đến tăng trưởng kinh tế của nước chủ nhà. Nếu xem dòng vốn FDI như một thể thuần nhất không có sự khác biệt sẽ không thể đánh giá được chính xác đóng góp FDI vào tăng trưởng của một quốc gia. Tức là ta chỉ mới thấy một bức tranh tổng thể FDI và tăng trưởng kinh tế mà không biết được những cấu trúc vi mô nào của các FDI kìm hãm hoặc tạo động lực phát triển.

Để xử lý vấn đề này, các nhà hoạch định chính sách có thể tập trung vào từng dạng đầu tư hay loại nhà đầu tư để xem tác động của từng loại hình FDI đến tăng trưởng kinh tế (thậm chí các đánh giá cơ bản này cũng chưa thấy từ các nhà làm chính sách?). Tuy nhiên các phân tích này cũng chỉ mới giải quyết được đóng góp của FDI vào thành quả của từng ngành công nghiệp mà không chỉ ra được tác động chung đối với toàn bộ nền kinh tế. Một số nghiên cứu đột phá gần đây vì vậy đã hướng đến phân tích quốc tịch gốc của các MNC và FDI.

Áp dụng cách tiếp cận này vào bối cảnh Việt Nam, ta sẽ phần nào nhận rõ được đóng góp của FDI vào tăng trưởng của Việt Nam theo quốc tịch. Trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào TPP, cách tiếp cận FDI theo nguồn gốc quốc gia của các MNC càng tỏ ra hữu ích; khi mà chính sách thu hút FDI và ứng xử với các MNC từ những quốc gia trong khối TPP, với những luật chơi riêng trong khối, phải khác với các nước như Trung Quốc chẳng hạn. Chúng ta cần phải đánh giá được trong tổng số xuất khẩu, thu ngân sách, việc làm được tạo ra hay tăng trưởng kinh tế thì FDI của quốc gia nào đã tác động thuận lợi hay bất lợi và góp phần bao nhiêu vào trong các thành quả này.

Về lý thuyết, nguồn gốc quốc gia của các MNC có thể tập trung vào các nhóm nhân tố chính là điều kiện thị trường, hệ thống kinh doanh, hành vi quản lý và thể chế ở các quốc gia của các MNC. Rất tiếc là các nhà làm chính sách nước ta chưa có nghiên cứu nào về các nhân tố trên theo nguồn gốc quốc gia của các MNC đã tác động như thế nào đến tăng trưởng (hay kìm hãm) kinh tế ở Việt Nam trong quá trình thu hút FDI. Điều may mắn là các nghiên cứu này lại mang yếu tố định tính nhiều hơn định lượng. Chỉ cần nhìn vào những vụ việc bê bối gần đây trong thu hút FDI, cùng với một vài dẫn chứng và liên hệ thêm ở cấp độ quốc tế, chắc chắn sẽ thấy ngay yếu tố quốc tịch của FDI là quan trọng như thế nào.

Các DN FDI có quốc tịch Trung Quốc nói chung chính là minh họa rõ nét nhất đóng góp của FDI nhìn từ thể chế kinh tế – chính trị quốc gia của các MNC đã tác động lan tỏa đến tăng trưởng của Việt Nam ra sao.
Trong một bài viết mới đây trên TBKTSG, tác giả đã có cảnh báo về đặc thù của MNC và FDI Trung Quốc đến tăng trưởng của Việt Nam (http://www.thesaigontimes.vn/147376/Thien-duong-o-nhiem-tu-FDI-Trung-Quoc.html). Theo đó, yếu tố thể chế lớn nhất, tác động lâu dài, chẳng những đến tăng trưởng mà còn liên quan đến an ninh, quốc phòng và bất ổn xã hội chính là do có gần đến 80% các MNC Trung Quốc có gốc gác là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện đang đầu tư ra nước ngoài. Đã là DNNN thì động cơ của các MNC tuyệt nhiên không bao giờ tuân theo những nguyên lý của một nền kinh tế thị trường khi họ đem FDI ra thế giới.

Đã là các DNNN thì FDI từ các MNC Trung Quốc tiến công vào Việt Nam sẽ tuân theo những chỉ đạo từ chính quyền trung ương Trung Quốc, và đương nhiên sẽ vượt khỏi phạm vi kinh tế thuần túy. Đây có lẽ là gót chân Achilles lớn nhất trong chiến lược thu hút FDI khi ta hầu như bàng quan về quốc tịch của các MNC. Trong khi đây lại là điều mà những lý thuyết mới gần đây về thu hút FDI thừa nhận là yếu tố không thể bỏ qua.

Chẳng hạn, ngày 12-6-2016, Reuters đưa tin các nhà lãnh đạo EU đã có những quan ngại sâu sắc về “an ninh và chính trị” khi ngày càng có nhiều DNNN Trung Quốc mua lại tài sản và liên doanh với các công ty khu vực EU. Lãnh đạo EU tuyên bố đã có những giám sát nghiêm ngặt và sẽ tạo ra những rào cản kỹ thuật đối với các hoạt động của các MNC có gốc gác là các DNNN. Họ làm vậy để ngăn chặn phần nào các vụ thâu tóm, mua tài sản và đầu tư của các DNNN Trung Quốc ở khu vực EU có liên quan đến an ninh và chính trị.

Việc bộc lộ ra những lỗ hổng quá lớn trong thu hút FDI thời gian gần đây cho thấy, trong khi ta vẫn chưa có những giải pháp cần thiết để tránh rơi vào nguy cơ phân hóa nền kinh tế, thì một cú sốc nữa có thể tác động còn khủng khiếp hơn đến kinh tế, an ninh và quốc phòng trong thu hút FDI lại liên quan đến yếu tố quốc gia có FDI đang ồ ạt đổ vào Việt Nam. Trong một phát biểu mới đây, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ đã cảnh báo “vụ Formosa tiềm ẩn lâu dài vấn đề quốc phòng và an ninh”.

Động cơ của các MNC theo từng quốc tịch là gì, có chịu sự lãnh đạo từ chính quyền trung ương tại chính quốc, nguồn gốc của chúng, lý lịch hoạt động, tính minh bạch và giải trình trách nhiệm, các điều kiện tài chính và nhất là tiền sử gây ô nhiễm như thế nào?

Đây là những câu hỏi – vấn đề cấp bách cần sự ứng xử kịp thời của Chính phủ. Đó cũng là cách nhìn nhận lại chính xác đóng góp của FDI theo từng quốc gia để có thêm những chính sách khuyến khích thỏa đáng cho FDI ở vùng lãnh thổ nào đóng góp vào tăng trưởng ở nước ta bền vững nhất. Cách ứng xử và những giải pháp mang tính kỹ thuật của các nhà lãnh đạo EU mới đây đối với các MNC Trung Quốc sẽ là bài học vô cùng đáng giá cho Việt Nam trong việc biên soạn lại cẩm nang những giải pháp thu hút FDI trong thời gian đến.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.