Với gần 4 tỷ lít bia được tiêu thụ trong năm 2016, Việt Nam trở thành thị trường bia lớn thứ ba thế giới, sau Nhật Bản và Trung Quốc.
Doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm dần ngành bia Việt Nam. Ảnh: X.Thảo |
Điều đáng nói là “sân chơi” hấp dẫn này đang thuộc về các đại gia nước ngoài như Heineken, Thaibev, Sapporo…
Thaibev nhập cuộc
Cuối năm 2017, thị trường bia Việt Nam đã “dậy sóng” khi 53,59% cổ phần của Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với trị giá gần 5 tỷ USD đã thuộc về Thaibev của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi. Đăng tải công bố trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore một ngày sau khi mua thành công cổ phần của Sabeco, Thaibev cho biết thương vụ này giúp Công ty mở rộng thị trường khu vực và ngay lập tức tiếp cận được mạng lưới phân phối rộng lớn ở Việt Nam, mở cửa cho Thaibev xâm nhập vào một trong những thị trường tăng trưởng mạnh mẽ nhất Đông Nam Á.
Công bố của Thaibev là điều hiển nhiên vì trong khi Sapporo phải mất 3 năm và cả chục triệu USD mới xây dựng được hệ thống phân phối tại Việt Nam thì bằng việc mua số lượng cổ phần chi phối tại Sabeco, nhà đầu tư Thái mặc nhiên sở hữu hệ thống phân phối rộng khắp nước ta. Bởi hiện tại, Sabeco đang ở top 5 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam, tương đương 9 tỷ USD theo thị giá phiên giao dịch ngày 18/12, chiếm 41% thị phần bia với sản lượng tiêu thụ xấp xỉ 1,65 tỷ lít trong năm 2016.
Sabeco có mạng lưới 26 nhà máy ở nhiều tỉnh – thành với tổng công suất 2 tỷ lít bia/năm, hơn 800 nhà phân phối cấp 1 và 32.000 điểm bán trên cả nước. Năm 2017, Sabeco đặt mục tiêu 4.703 tỷ đồng lợi nhuận ròng và trong 9 tháng đầu đã đạt 3.719 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2016. Doanh nghiệp này đặt tham vọng tăng thêm 1 – 2% thị phần mỗi năm đến năm 2021.
Trước khi đại gia Thái nắm giữ cổ phần chi phối tại Sabeco, hàng loạt doanh nghiệp hàng đầu của ngành đồ uống thế giới như Heineken, SABMiler, Anheuser – Busch InBev, Asahi, Kirin Holdings, Singha đã đăng ký trở thành đối tác của Sabeco. Các doanh nghiệp nước ngoài đều muốn sở hữu Sabeco để nhanh chóng chiếm được một trong những thị trường tiêu thụ bia lớn nhất thế giới.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sản lượng bia năm 2016 của Việt Nam là 3,788 tỷ lít, tính bình quân mỗi người Việt uống 42 lít bia, tăng 4 lít so với năm 2015. Dự báo năm 2017, sản lượng của ngành đạt 3,988 tỷ lít bia, tăng 10% so với năm 2016, và tăng đến 40% so với năm 2010.
Mức tiêu thụ bia tăng lên nhanh chóng đã đẩy Việt Nam lên cao hơn trong bảng xếp hạng các thị trường bia lớn của khu vực và thế giới. Hiện Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ ba châu Á, sau Nhật Bản và Trung Quốc và nằm trong top 25 của thế giới.
Doanh nghiệp ngoại chi phối thị trường bia
Sau thương vụ Sabeco, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục “nhòm ngó” một “con gà đẻ trứng vàng” khác là Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco). Habeco đang được Bộ Công Thương hoàn tất các thủ tục để sớm thoái vốn nhà nước. Theo thông tin của Reuters, Carlsberg – hãng bia Đan Mạch sở hữu 17,3% cổ phần tại Habeco đang tiến gần đến thỏa thuận nâng mức nắm giữ cổ phần chi phối Habeco và hy vọng đẩy nhanh quá trình này.
Chia sẻ về thị trường bia, ông Mikio Masawaki – Tổng giám đốc Công ty TNHH Sapporo Việt Nam cho rằng: “Việt Nam là thị trường có quy mô lớn, với dân số trẻ, năng động và luôn luôn phát triển. Bên cạnh đó, văn hóa tiêu dùng sản phẩm, đặc biệt là bia, có những đặc trưng riêng. Người Việt Nam yêu thích đồ uống này và chọn sử dụng để phục vụ nhu cầu của bản thân cũng như góp phần tạo nên các mối quan hệ xã hội cởi mở”.
M&A là phương thức nhanh nhất để nhà đầu tư nước ngoài tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam. Công ty TNHH Sapporo Việt Nam đã trở thành công ty 100% vốn Nhật Bản sau khi mua lại 29% vốn của đối tác trong nước là Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba). Bắt đầu bằng việc mở cửa một nhà máy bia tại Việt Nam trong năm 2011, đến nay các sản phẩm từ bình dân đến cao cấp của Sapporo đã được tiêu thụ khá rộng rải ở Việt Nam.
Tương tự, Heineken vào Việt Nam năm 1991 bằng việc liên doanh với Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) sản xuất các loại bia nhãn hiệu Heineken, Tiger, Larue, Desperados, Affligem và nước táo lên men Strongbow. Sau 25 năm hoạt động với tên gọi Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam, năm 2016, liên doanh này đã đổi tên thành Công ty TNHH nhà máy bia Heineken. Và hiện tại, 60% cổ phần của công ty đã thuộc về phía Heineken.
Cùng với Heineken, Sapporo, Carlsberg, hãng bia lớn nhất thế giới AB InBev năm 2015 cũng đã khai trương nhà máy công suất giai đoạn 1 là 25 triệu lít/năm, đưa thương hiệu Budweiser vào Việt Nam cùng với hàng loạt nhãn hiệu khác như Corona, Backs…
Chia sẻ tại lễ khánh thành nhà máy, ông Ricardo Vasques – Tổng giám đốc Công ty TNHH Bia Anheuser-Busch InBev Việt Nam cho biết, việc Công ty xây dựng nhà máy tại Việt Nam dựa trên sức tiêu thụ bia Budweiser tăng trưởng tốt. Và Việt Nam là một phần kế hoạch của AB InBev, là bàn đạp để Tập đoàn mở rộng kinh doanh tại thị trường Đông Nam Á.
Như vậy, tính đến nay, các thương hiệu bia lớn trên thế giới đều đã xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Còn có một loạt nhãn hiệu khác như Corona (Mexico), Royal (Hà Lan) đang tìm cách chen chân vào thị trường bia Việt Nam. Theo ông Mikio Masawaki, thị trường bia Việt Nam có tiềm năng và phát triển lớn, do đó không ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều đơn vị tham gia vào lĩnh vực này.
Dự báo trong 5 năm tới, GDP sẽ có mức tăng khoảng 6,5 – 7%/ năm. Tầng lớp trung lưu đạt khoảng 40 triệu người vào năm 2020 là lớp người tiêu dùng chi tiêu ngày càng cao và chính sự thay đổi thói quen mua sắm của nhóm khách hàng này sẽ giúp thị trường bia phát triển.