Trong những dự đoán của những nhà thống kê, chúng ta đều có thể thấy rõ một khẳng định chung rằng: năm 2018 sẽ là thời điểm đánh dấu sự xuất hiện của công ty nghìn tỷ USD của nước Mỹ. Nhưng câu hỏi đặt ra là: đó là công ty nào?
Liệu đó có phải là Apple?
Câu trả lời phụ thuộc phần lớn vào mẫu máy mới nhất mà công ty này ra mắt: iPhone X. Nếu doanh số bán ra đủ lớn, giá trị của Apple sẽ sớm chạm mốc nghìn tỷ.
Với mức giá lên tới 999 USD, chiếc iPhone X không cần phải phá vỡ kỷ lục về doanh số bán ra để trở thành con gà đẻ trứng vàng cho Apple và là bằng chứng chứng tỏ với những nhà đầu tư rằng công ty này vẫn còn có khả năng tạo ra những đột phá trên những sản phẩm chủ đạo của mình.
Nhưng dạo gần đây chúng ta lại được nghe thông tin về việc Apple có thể sẽ cắt giảm sản lượng iPhone X tới gần một nửa. Đó chính là điều mà các nhà đầu tư không muốn nghe.
Song có vẻ như số lượng bán ra khiêm tốn không làm Apple mất niềm tin vào con số tăng trường 10% về doanh thu. Đó chính là thứ sẽ khiến công ty này từ từ chạm tới giá trị 1.000 tỷ USD vào cuối năm 2018.
Nhưng có vẻ như Amazon sẽ là kẻ tới trước
Giám đốc điều hành Jeff Bezos đang thoải mái nắm giữ trong tay vị trí người giàu nhất trên thế giới. Giá cổ phiếu của Amazon trong năm 2017 cũng tạo ra được sự đột phá với việc đạt mức tăng lên tới 50%. Và phần lớn hoạt động để tạo những cú hích đó chính là đến từ các dịch vụ trên nền tảng đám mây Amazon Web Services.
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, công ty này cũng đang nắm giữ trong tay toàn bộ chuỗi siêu thị Whole Foods. Công nghệ của Amazon được áp dụng kết hợp với những cửa hàng bán lẻ của Whole Foods. Sự kết hợp này đang mang lại nhiều hứa hẹn về lợi nhuận cho công ty. Vừa qua Amazon đã cho mở cửa một cửa hàng bán lẻ với những trải nghiệm mua hàng hoàn toàn mới và ý tưởng này đã thu hút được đủ sự chú ý để giúp giá của công ty nhích lên. Với Amazon, mọi thứ mới chỉ là khởi đầu.
Tuy nhiên thứ đang kìm hãm tốc độ tăng giá cổ phiếu của công ty này lại chính là tốc độ chi tiền của Amazon. Có nhiều dự đoán là họ đang tiến tới việc đầu tư 4 tỷ USD vào dịch vụ Prime TV để có thể tiếp tục đối đầu với Netflix.
Amazon cũng đang có kế hoạch tiếp tục tăng mức đầu tư cho trợ lí ảo Alexa. Năm trước, hãng đã tiết lộ rằng hiện đang có hơn 5.000 người đang nằm trong đội ngũ phát triển công nghệ này, đây là con số chẳng hề thua kém gì với kình địch Google của họ.
Amazon cũng đang chi tiền để xây dựng nhiều nhà kho hơn trên khắp thế giới để có thể giảm thiểu thời gian vận chuyển hàng tới người mua.
Đó đều là những khoản tốn kém mà công ty sắp phải chi trả, chưa kể họ còn đang có kế hoạch xây thêm một trụ sở làm việc hoàn toàn mới.
Nhưng Alphabet thì sao?
Công ty mẹ của Google đang được cho là sẽ đạt mức tăng trường về doanh thu lên tới 20% so với cùng kì năm trước. Và nhân tố góp phần lớn trong sự tăng trường ấy chính là từ quảng cáo trên công cụ tìm kiếm và YouTube.
Nhưng để cán mốc 1.000 tỷ, Alphabet cần phải kích cầu doanh thu từ những mảng khác của công ty chứ không thể đặt toàn bộ niềm tin vào mảng quảng cáo.
Hãy để ý tới sự ổn định mà mảng phần cứng của công ty này đạt được. Alphabet đã cho ra mắt mẫu máy thế hệ thứ hai của dòng điện thoại Pixel, đồng thời thực hiện nhiều chiến lược marketing mạnh tay cho sản phẩm loa thông minh Google Home.
Khi bước chân vào làm các thiết bị phần cứng, Alphabet chẳng thể nằm “chung bảng” với Apple. Nhưng bất kì những dấu hiệu tích cực nào mà Alphabet đạt được đều khiến nhà đầu tư nhảy lên vì vui sướng. Điều này cũng tương tự với mảng điện toán đám mây của Google. Họ cũng đang là kẻ nắm trong tay thị trường trí thông minh nhân tạo, thứ sẽ tạo cơ hội cho họ rút ngắn khoảng cách với Amazon Web Service.
Vào thời điểm hiện tại, Apple đang là công ty có giá trị cao nhất và gần với mốc 1.000 tỷ nhất. Nhưng liệu họ có phải là kẻ đầu tiên chạm tới con số này?