Author Archives: Hung Dao

Cơ hội cho startup Việt từ quỹ đầu tư Singapore

Cocoon Capital ra mắt nguồn quỹ 20 triệu USD dành cho startup ở Đông Nam Á trong lĩnh vực công nghệ chuyên sâu, fintech và công nghệ y tế.

Cocoon Capital từ Singapore mới đây công bố ra mắt quỹ đầu tư mới với giá trị 20 triệu USD dành cho các startup ở giai đoạn đầu. Quỹ đặt mục tiêu rót vốn 25-30 thương vụ tập trung vào các nền kinh tế đang nổi như Việt Nam, Myanmar, Philippines và Indonesia. Giá trị lớn nhất cho một thương vụ có thể lên đến 727.000 USD. Các lĩnh vực tập trung vào công nghệ chuyên sâu, công nghệ tài chính (fintech) và công nghệ y tế (medtech).

Trong thông cáo báo chí, Cocoon Capital cho biết việc này nhằm giới hạn số thương vụ đầu tư mỗi năm với mục tiêu đảm bảo nhiều vai trò hoạt động của hãng trong việc hỗ trợ các công ty được đầu tư.

Will Klippgen, nhà đồng sáng lập và quản lý đối tác của quỹ đầu tư từ Singapore cho rằng với hàng tỷ USD sẵn có của quỹ dành cho khu vực Đông Nam Á, chỉ một phần đang tập trung vào các công ty ở giai đoạn hạt giống. Vì thế, họ muốn hỗ trợ để lấp đầy khoảng không này.

“Những khoảng trống của quỹ thậm chí còn phổ biến hơn bên ngoài Singapore, đó là lý do chúng tôi quyết định mở rộng sang các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Indonesia và Philippines, những nơi có tiềm năng rất lớn”, ông nói.

Cocoon Capital

Michael Blakey (trái) và Will Klippgen, hai đồng sáng lập và quản lý đối tác của Cocoon Capital. Ảnh: Cocoon Capital.

Các nhà đầu tư của quỹ bao gồm Vulpes Innovative Technologies Investment, Martin Hauge (Đối tác tại Creandum, nhà đầu tư đầu tiên của Spotify), Playfair Capital từ Anh, Jani Rautiainen (Nhà đồng sáng lập PropertyGuru), Martin Roll (Nhà tư vấn chiến lược toàn cầu và tác giả sách), Oliver Tonby (Chủ tịch văn phòng McKinsey tại châu Á và Michelle Yong (Giám đốc đầu tư của Aurum Singapore).

Quỹ lần này là hoạt động tiếp nối của nguồn quỹ 7 triệu USD mà Cocoon Capital ra mắt vào năm 2016. Các công ty đầu tiên được đầu tư có SensorFlow – startup nhắm đến việc giảm tiêu thụ năng lượng trong các tòa nhà thương mại và See-Mode Technologies – startup lĩnh vực công nghệ y tế dự báo sự thay đổi của các lần tái phát đột quỵ. Ngoài ra, trong danh sách còn có các startup như Hapz, Poundit, Dexecure và Hiip. Đại diện quỹ đầu tư cho biết sẽ còn nhiều thương vụ được công bố trong thời gian tới.

Cùng với đồng sáng lập và quản lý đối tác Michael Blakey, Will Klippgen trở thành nhà đầu tư quen thuộc tại Đông Nam Á từ năm 2004. Những thương vụ đầu tiên của họ là với PropertyGuru, Anchanto và Tickled Media.

An Yên

Tương lai nào cho kinh tế nền tảng Việt Nam?

Trong thời đại công nghệ số, việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực đời sống đang là xu hướng phát triển tất yếu của xã hội.

Dựa trên kinh tế nền tảng (Platform Economy), nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã đạt được những bước tiến nhanh chóng với sự ra đời của hàng loạt mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng kỹ thuật số. Tuy nhiên bên cạnh đó sự phát triển của kinh tế nền tảng vẫn còn đang gặp nhiều thách thức đến từ cơ chế quản lý.

Kinh tế nền tảng đang khẳng định được vị thế

Trong thập kỷ qua mô hình kinh tế nền tảng (Platform Economy) phát triển mạnh mẽ trên thế giới và thâm nhập sâu rộng vào Việt Nam trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực như tài chính ngân hàng, dịch vụ, chăm sóc sức khoẻ, cung ứng lao động,… Có thể hiểu kinh tế nền tảng là hoạt động kinh tế và xã hội dựa trên các hạ tầng nhất định và thường được hiểu là các hạ tầng kỹ thuật số.

Dựa trên mục đích sử dụng có thể chia kinh tế nền tảng thành hai loại gồm: nền tảng giao dịch (transaction platform) được sử dụng để tối ưu hóa giao dịch giữa những người tiêu dùng và người bán (Uber, Grab, Amazon, Ebay…); nền tảng sáng tạo (innovation platform) thực hiện vai trò là nền móng phát triển nên các nền tảng kinh doanh và hình thành hệ sinh thái giữa các nền tảng thế hệ sau đó (Apple App Store, Google Play…).

So sánh tăng trưởng của mô hình Kinh tế chia sẻ và truyền thống (Đơn vị tính: tỉ USD). Ảnh: VnEconomy.

Năm nền tảng sáng tạo lớn nhất là Microsoft, Oracle, Intel, SAP và Salesforce được định giá lên tới 911 tỉ đô la Mỹ; Trong khi đó các nền tảng tích hợp giữa giao dịch và sáng tạo như Apple, Google, Facebook, Amazon, Alibaba và XiaoMi có giá lên đến 2.000 tỉ đô la.

Kinh tế nền tảng giúp cho người tiêu dùng và doanh nghiệp tiết kiệm được các chi phí giao dịch trung gian, thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm hàng hóa mới dựa trên nền tảng sáng tạo sẵn có. Chính vì vậy kinh tế nền tảng nhận được sự quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ từ người dùng và doanh nghiệp nhận được lợi ích từ nó. Tuy nhiên với cơ quan quản lý thì sự phát triển của kinh tế nền tảng vẫn đan xen những thuận lợi và thách thức khác nhau.

Các nhà quản lý vẫn lúng túng với kinh tế nền tảng

Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế nền tảng đã đưa các nhà quản lý vào một thế khó khăn nhất định. Trong đó sự xuất hiện của các hình thức sản xuất, kinh doanh hoàn toàn mới khiến các nhà chính sách lúng túng trong việc định danh và quản lý những hoạt động kinh tế này. Đây cũng là bài toán mà hầu hết các quốc gia gặp phải, bao gồm cả các nước phát triển.

Một ví dụ tiêu biểu là trường hợp ra đời của Grab và Uber. Tại Việt Nam, sự xuất hiện của hình thức vận tải mới này cũng gây ra sự bối rối cho cơ quan quản lý. Bộ GTVT vẫn công nhận Uber – Grab là bên thứ ba nhưng gắn với một hình thái cung cấp dịch vụ vận tải có sẵn – vận tải theo hợp đồng mà cụ thể là hợp đồng điện tử. Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 84/2014/NĐ-CP cũng tiếp tục đưa ra quy định gắn phù hiệu với xe hợp đồng và đã gặp phải những phản ứng trái chiều từ dư luận.

Hay ví dụ về hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh online đang gây nhiều “đau đầu” cho các nhà quản lí chính sách về vấn đề thu thuế. Thương mại điện tử đem lại sự thuận lợi cho người dùng và kích thích tiêu dùng khi khách hàng có thể mua sắm từ bất kỳ đâu. Tuy nhiên chính điều này lại gây khó khăn với các cơ quan quản lý do giao dịch thương mại điện tử khó nhận dạng, khó kiểm chứng thông tin và khó truy thu thuế. Các hình thức thu thuế đối với kinh doanh online hiện nay vẫn chỉ phụ thuộc và sự tự giác của chủ cửa hàng mà chưa có hình thức gì để truy thu thuế hiệu quả.

Tuy nhiên nếu xem xét mục tiêu ra đời của kinh tế nền tảng mà cụ thể là nền tảng giao dịch là tối thiểu hóa về mặt chi phí giao dịch và tăng sự tiện ích của quá trình giao dịch thì dường những chính sách quản lý hiện nay đang triệt tiêu đi những lợi ích này.

Nguyên nhân là do mặt dù các loại hình kinh tế mới được xây dựng dựa trên những nền tảng mới của thời kỳ cách mạng 4.0 nhưng tư duy chính sách của những nhà quản lý vẫn dựa trên cách thức quản lý các loại hình kinh tế truyền thống. Thay vì xây dựng chính sách quản lý mới cho ngành nghề kinh doanh mới thì các nhà quản lý đang tìm cách chuyển những ngành nghề này về những loại đã có sẵn để thuận tiện cho việc quản lý, qua đó làm triệt tiêu những lợi ích mà những nền tảng công nghệ này mang lại. Đây cũng là điểm nghẽn quan trọng nhất trong sự phát triển của kinh tế nền tảng tại Việt nam.

Sự phát triển của nền tảng giao dịch cũng đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều hình thức sản xuất, kinh doanh hoàn toàn mới sẽ tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới.

Triển vọng nào cho kinh tế nền tảng ở Việt Nam?

Tại Việt Nam, kinh tế nền tảng vẫn chủ yếu là nền tảng giao dịch và được phát triển dựa trên các nền tảng sáng tạo đã có sẵn của thế giới. Trong khi đó các nền tảng sáng tạo chưa thực sự phát triển do quá trình phát triển nền tảng sáng tạo đòi hỏi chi phí cao cho R&D (Research and Development). Sự phát triển của nền tảng giao dịch cũng đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều hình thức sản xuất, kinh doanh hoàn toàn mới sẽ tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới. Và để có thể đón đầu xu hướng phát triển của kỷ nguyên số, tư duy quản lý cũng cần bắt đầu được thay đổi để có thể quản lý dựa trên chính những nền tảng công nghệ này thay cho các phương pháp truyền thống như hiện nay.

Kế hoạch B cho iPhone

Trong một thế giới mà nhu cầu iPhone đang suy yếu, Apple Inc. đã có kế hoạch B cho chiếc smartphone này.

Theo đó, khi các khách hàng chờ lâu hơn giữa các đợt nâng cấp iPhone và thị trường smartphone bão hòa, Apple có thể sẽ tính mức giá cao hơn đối với mỗi chiếc iPhone và thu nhiều tiền hơn từ các dịch vụ như streaming nhạc, video kỹ thuật số và lưu trữ dữ liệu. Nhưng không có kế hoạch dự phòng nào cho nhiều nhà cung cấp linh kiện cho iPhone.

Bằng chứng mới nhất cho thấy điều gì tồi tệ với Apple có thể rất tồi tệ với các nhà cung cấp là hai sự kiện ở hai châu lục xảy ra cách nhau chỉ vài giờ đồng hồ. Japan Display Inc. (Nhật), với hơn 50% doanh thu đến từ iPhone, đã cắt giảm dự báo triển vọng kinh doanh. Ngay sau đó, Lumentum Holdings Inc. (Mỹ), một nhà sản xuất các cảm biến nhận diện khuôn mặt cho iPhone, đã hạ dự báo triển vọng của quý II.

“Các nhà cung cấp linh kiện cho iPhone dựa vào lượng bán ra của chiếc smartphone này còn nhiều hơn cả Apple, mang đến rủi ro gia tăng cho những đơn vị còn lại trong chuỗi cung ứng”, Woo Jin Ho, chuyên gia phân tích tại Bloomberg Intelligence, nhận xét.

Thứ Hai tuần qua, giá cổ phiếu Apple đã giảm 5%, nhưng giá Lumentum lại sụt hơn 30% và đối thủ II-VI Inc. giảm 13%. LG Innotek Co. của Hàn Quốc, vốn có khoảng phân nửa doanh thu đến từ Apple, cũng đã giảm tới 9,5%. Giá cổ phiếu Japan Display giảm tới 11%.

Trước một thị trường smartphone đang bão hòa, chiến lược mà Apple đã áp dụng là “chiêu dụ” khách hàng móc hầu bao nhiều hơn cho những chiếc điện thoại có những đặc tính mới như nhận diện khuôn mặt và có màn hình sống động hơn.

Những linh kiện cảm biến 3-D từ các công ty như Lumentum đã được tìm thấy ở những chiếc iPhone mà thường có giá hơn 1.000USD. Ít người có khả năng chi một số tiền lớn như thế để sắm một chiếc điện thoại mới.

Nhưng khi có một đợt bán hàng, các nhà cung cấp lại được thanh toán một lần cho phần linh kiện mà họ cung cấp, trong khi Apple có thể thu về thêm hằng trăm USD trên mỗi chiếc iPhone. Trong quý gần nhất, Apple cho biết lượng iPhone bán ra gần như không tăng, nhưng doanh thu từ iPhone đã tăng tới 29% so với cách đây 1 năm.

Nếu nhu cầu đối với các chiếc iPhone mới hơn, đắt đỏ hơn suy giảm, Apple có thể giảm đặt hàng linh kiện hoặc hoãn nhận linh kiện, khiến cho các nhà cung cấp bị dồn hàng tồn kho. Điều đó có thể buộc họ phải giảm giá linh kiện hơn nữa khi Apple quay lại bàn đàm phán.

Dự báo doanh số ảm đạm hơn của Lumentum là kết quả của việc giảm đơn hàng từ khách hàng lớn nhất chỉ cách đây vài ngày, CEO Alan Lowe tiết lộ trong một cuộc họp ở San Francisco ngày 12.11. Lumentum không nói rõ vị khách hàng đó là ai, nhưng theo số liệu từ Bloomberg, đó chính là Apple.

Apple ngày càng “rêu rao” thành tích 1,3 tỉ thiết bị được lắp ráp, hơn là số liệu có bao nhiêu chiếc iPhone bán ra mỗi quý. Và Apple cũng đang tiến hành những thay đổi để duy trì sự hài lòng của các khách hàng hiện hữu, trong khi bán nhiều thiết bị hơn cho họ. “Apple không còn là một công ty phần cứng truyền thống.

Apple đang dần không tập trung vào bán thiết bị, mà hướng đến một mô hình kinh doanh dựa vào các dịch vụ có thể dễ dàng dự đoán hơn”, Gene Munster, nhà phân tích lâu năm về Apple tại Loup Ventures, nhận xét.

Năm nay, Apple đã có một số động thái kéo dài thời gian sử dụng của iPhone. Điều này có thể sẽ không khuyến khích người tiêu dùng nâng cấp lên các thiết bị mới, một tín hiệu bi quan khác cho các nhà cung cấp. Và đầu năm nay, Công ty xác nhận đã cố tình giảm hiệu năng của một số mẫu iPhone cũ hơn để tránh các vấn đề liên quan đến pin. Sau khi bị phản đối, Công ty đã cung cấp các phiên bản pin nâng cấp giá rẻ, kéo dài vòng đời của nhiều thiết bị.

Gần đây, Apple đã tung ra một phiên bản mới của hệ điều hành iOS 12, hỗ trợ tới 28 dòng máy trong đó có cả các mẫu đã bán trong năm 2013. Phần mềm mới này có thể mở camera trên các chiếc iPhone đời cũ hơn với tốc độ nhanh hơn 70% và bàn phím nhanh hơn 50% so với iOS 11, phiên bản cập nhật của năm ngoái.

“Các sản phẩm tuổi thọ cao có thể làm khách hàng hài lòng hơn, có thể giúp Apple tính giá cao hơn đối với các thiết bị và giúp Công ty hoàn thành các mục tiêu môi trường”, Toni Sacconaghi, nhà phân tích tại Sanford C. Bernstein & Co, nhận xét. Điều đó có thể kéo dài vòng đời thay thế iPhone từ 6 tháng đến 3,2 năm và giảm 6% lượng thiết bị bán ra mỗi năm, theo ước tính của Sacconaghi.

Với những chiếc iPhone có tuổi thọ cao hơn, người sử dụng có thể sẽ hứng thú đăng ký các dịch vụ mới hơn, giúp mang lại lợi nhuận cao hơn cho Apple chứ không chỉ là nguồn thu từ bán sản phẩm. Nhưng những thiết bị này lại không phải là các nguồn doanh thu tăng thêm cho các nhà cung cấp thiết bị.

Hiện tại, để sống sót trước một thị trường đang bão hòa, một số nhà cung cấp thiết bị đã tiến hành M&A. Thương vụ sáp nhập trị giá 3,2 tỉ USD giữa 2 nhà sản xuất linh kiện quang học II-VI và Finisar Corp. được công bố đầu tháng 11 sẽ tạo ra một công ty lớn hơn mà có thể đàm phàn tốt hơn về giá với Apple.

HTC quyết không từ bỏ mảng di động

HTC sẽ không từ bỏ hoạt động kinh doanh di động, với kế hoạch giới thiệu một thiết bị mới trước khi kết thúc năm 2018 này cũng như tiếp tục chiến lược đổi mới vào năm 2019.

Theo GSMArena, công ty có trụ sở tại Đài Loan này được cho là sẽ tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và 5G vào sản phẩm tương lai nhằm tăng cường danh mục đầu tư di động của mình.

Báo cáo cho biết, HTC nhiều khả năng sẽ ra mắt biến thể mới của HTC U12 Life với RAM 6 GB và bộ nhớ trong 128 GB vào giai đoạn gần cuối tháng 12 tới. Hiện tại điện thoại này chỉ có sẵn với biến thể RAM 4 GB và bộ nhớ trong 64 GB. Thiết bị cũng hỗ trợ mở rộng qua khe cắm thẻ nhớ microSD, tuy nhiên đây là một dạng khe cắm SIM lai.

HTC vẫn sẽ tiếp tục phát triển điện thoại cao cấp kế nhiệm U12? Ảnh: Digitaltrends.

Cùng với đó, HTC sẽ tiếp tục xây dựng nền tảng VR/AR và cung cấp nhiều nội dung hơn. Hãng ghi nhận tai nghe và điện thoại di động là những công nghệ liên quan đến VR/AR nên không muốn từ bỏ các mảng này. Để đảm bảo trải nghiệm VR/AR với độ trễ thấp, công ty sẽ đưa công nghệ 5G vào sản phẩm của mình.

Đối với blockchain, Exodus 1 được lên kế hoạch xuất xưởng vào tháng tới. Chiếc smartphone này được đi kèm nhiều tính năng phần cứng và phần mềm liên quan đến tiền ảo và được nhắm vào những người đam mê. Tuy nhiên người dùng chỉ có thể thanh toán để mua nó bằng tiền ảo.

Kiến Văn

Từ người bán giấm thành chủ chuỗi nhà hàng triệu USD

Ông Tanaka đã gây dựng một chuỗi nhà hàng sushi khắp Nhật Bản nhờ 26.000 USD đi vay hơn 40 năm trước.

Khi bán giấm cho các nhà hàng sushi ở miền tây Nhật Bản, ông Kunihiko Tanaka đã nhận ra một cơ hội để thay đổi cuộc đời mình. Đó cũng là thời điểm các nhà hàng sushi bùng nổ những năm 1970.

Ông Tanaka đã thấy nhiều vấn đề bất cập của các nhà hàng khi ấy, như các đầu bếp quản lý chất lượng món ăn kém, chặt chém khách hàng, hay giá thành không phù hợp với người bình dân… Vì vậy, ông quyết định mở cửa hàng sushi của riêng mình vào năm 1977 bằng 26.000 USD đi vay. Đây chính là tiền đề cho sự ra đời của công ty Kura 18 năm sau đó.

Hiện tại, doanh nghiệp này sở hữu một chuỗi công nghệ hiện đại nhằm đưa sushi đến với nhiều khách hàng. Kura là chuỗi nhà hàng phục vụ sushi trên băng chuyền lớn thứ hai tại Nhật với hàng trăm cửa hàng. Thương hiệu này có giá trị thị trường khoảng 1,2 tỷ USD.

Ông Kunihiko Tanaka. Ảnh: Bloomberg.

“Tôi từng nghĩ sushi băng chuyền sẽ giúp giữ gìn di sản sushi. Và tôi đã đúng”, ông Tanaka trả lời phỏng vấn tại trụ sở chính của Kura ở Osaka (Nhật Bản) mới đây.

Chuỗi nhà hàng này sử dụng robot trong nhà bếp ở một số công đoạn, thay vì đầu bếp với mức lương cao và đôi khi xử lý thực phẩm bằng tay không đều. Tại Kura, sushi sẽ được đặt trên các băng chuyền để tới tận bàn của thực khách.

Kura cũng khác biệt với đa số nhà hàng sushi tại Nhật khi không sử dụng chất phụ gia và bảo quản trong đồ ăn. Kura bán sushi khá rẻ, hầu hết có giá 108 yen (gần 1 USD). Mức giá này hầu như không thay đổi suốt ba thập kỷ, trong khi các đối thủ của chuỗi nhà hàng này đều tăng giá.

Tanaka cho biết, ông giữ được mức giá thấp nhờ tiết giảm chi phí vận hành, ví dụ như sử dụng tự động hóa trong quá trình dọn dẹp. Tại chuỗi nhà hàng này, khách hàng ăn xong có thể đặt đĩa vào một ví trí định sẵn trên bàn, từ đó nó sẽ tự động được chuyển đến máy rửa bát, sau đó lấy hóa đơn. Nhờ đó, công ty không cần thuê nhiều nhân viên phục vụ. Kura sở hữu 31 bằng sáng chế trong việc phát triển những hệ thống độc đáo của nhà hàng.

Nhân viên Kura chế biến sushi trong bếp. Ảnh: Bloomberg.

Kura hiện có hơn 420 cửa hàng khắp nước Nhật, 19 cửa hàng tại Mỹ và 15 cửa hàng tại Đài Loan (Trung Quốc). Cổ phiếu của chuỗi nhà hàng này đã tăng gấp 4 lần kể từ khi IPO năm 2014, hiện chiếm 20% thị phần tại Nhật Bản – đứng thứ hai sau chuỗi của Sushiro Global Holdings với 26%. Giới phân tích nhận định, thị trường sushi tại Nhật ngày càng phát triển nhanh và tạo ra nhiều thách thức với các doanh nghiệp như Kura.

“Kura không nhắm đến các thương vụ thâu tóm trong nước. Thay vào đó, chúng tôi tập trung vào phát triển ở thị trường nước ngoài”, Tanaka khẳng định. Kura đặt mục tiêu mở ít nhất 10 nhà hàng mỗi năm tại Mỹ và Đài Loan. Đồng thời, ông Tanaka cũng hy vọng có thể IPO chuỗi nhà hàng này tại Mỹ vào năm 2020.

Đến nay, Tanaka đã trải qua một chặng đường dài từ lúc còn là một người bán giấm. Số cổ phần gia đình ông nắm giữ tại Kura trị giá hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, ông vẫn chưa bằng lòng với những gì đã làm được. “Tôi vẫn chưa đạt được điều mình mong muốn. Mọi việc giờ mới chỉ bắt đầu”, ông Tanaka chia sẻ.

Tú Anh / Bloomberg