Author Archives: Hung Dao

Mozilla Firefox bắt đầu hiển thị quảng cáo trên trang tab mới

Có rất nhiều thứ đang diễn ra trong thế giới trình duyệt web thời gian qua, và sau khi Microsoft công bố chuyển sang sử dụng nhân Chromium cho trình duyệt Microsoft Edge, Mozilla cũng đang thực hiện những thay đổi trong lặng lẽ nhưng sẽ khiến rất nhiều người dùng không vui.

Theo đó, phiên bản mới nhất của trình duyệt mã nguồn mở này đã bắt đầu hiển thị các quảng cáo trên trang tab mới, mà theo một số báo cáo thì điều này diễn ra trên mọi nền tảng desktop được hỗ trợ.

Được phát hiện bởi nhiều người dùng Reddit, một cửa số popup nhỏ hiện ra dưới đáy trang bao gồm một đường dẫn đến trang Booking.com.

Bạn đã sẵn sàng lên lịch cho dịp tề tựu gia đình sắp tới chưa? Đây là một lời cảm ơn từ Firefox. Đặt phòng khách sạn trên Booking.com trong hôm nay và nhận phiếu giảm giá 20 USD trên Amazon miễn phí. Firefox chúc bạn nghỉ lễ vui vẻ” – đó là nội dung tin nhắn quảng cáo.

Khi bạn bấm vào nút “Find a Hotel”, trang web Booking.com sẽ hiện ra.

Đoạn quảng cáo xuất hiện dưới trang new tab trên Mozilla Firefox.

Bạn có thể tắt tính năng này trong phần cài đặt

Ở thời điểm hiện tại, có vẻ như những tin nhắn đó chỉ xuất hiện ngẫu nhiên và chỉ một số người dùng cụ thể thấy được, do đó còn có khả năng Mozilla đang tiến hành một thử nghiệm giới hạn. Quảng cáo này vẫn chưa thấy xuất hiện trên các bản Firefox 64 cũ lẫn mới.

Mozilla gọi những quảng cáo đó là “snippet”, và cho phép người dùng tắt chúng trong màn hình cài đặt của trình duyệt. Bạn có thể vào Preferences > Home > Snippets để tắt chúng.

Mozilla vẫn chưa tung ra tuyên bố rằng liệu công ty chỉ đang thực hiện một cuộc thử nghiệm, hay đây là một “tính năng” không sớm thì muộn cũng xuất hiện trên Firefox 64.

Dù sao đi nữa, người dùng chắc chắn sẽ không vui với việc quảng cáo xuất hiện trong trình duyệt, và dù họ được phép tắt tính năng này, chỉ riêng việc nó xuất hiện thôi đã khiến cộng đồng người dùng hiện tại cảm thấy phẫn nộ rồi.

Rất có thể Mozilla sẽ cung cấp các thông tin chính thức trong vài ngày tới sau kỳ nghỉ lễ.

2018 và những con số đáng nhớ trong làng di động

Không quá lời khi nói rằng 2018 là năm của những chiếc smartphone xuất sắc, xu hướng mới trong thiết kế, camera và những câu chuyện có thể khiến bạn bất ngờ.

Dưới đây là 8 con số gắn với 8 dấu ấn đáng nhớ của thị trường smartphone trong năm đã qua.

1,48 tỷ: Sản lượng smartphone bán ra trong 2018

Theo ước tính của Statista, gần 1 tỷ rưỡi smartphone đã được xuất xưởng trong năm qua. Nghe thì rất lớn nhưng con số này thực chất giảm đôi chút so với năm 2017. Kể từ 2016 thì sản lượng smartphone trong năm hầu như không thay đổi nhiều, giảm khoảng 1% trong năm 2018.

Bức tranh smartphone toàn cầu được tạo nên phần lớn từ sự tăng trưởng mạnh mẽ tại Ấn Độ và một số thị trường mới nổi khác. Trong khi đó, người dùng phương Tây không còn nâng cấp smartphone quá nhanh như trước. Theo Android Authority, bức tranh của năm 2019 dự kiến không có gì thay đổi, và điều đó sẽ ảnh hưởng đến một vài nhà sản xuất lớn.

300 triệu: Lượng ảnh được tải lên Facebook mỗi ngày

Đó là chỉ riêng Facebook thôi, nếu tính thêm Instagram, Google Photos,… thì lượng ảnh có thể lên đến hơn 500 triệu.

Con số này sẽ còn đáng nhớ hơn khi nhìn vào xu hướng lớn nhất trên smartphone trong năm qua: 2 camera và 3 camera. Hầu hết chúng ta đều ghi lại mọi thứ xung quanh bằng những tấm ảnh, đó là lý do nhiều nhà sản xuất tập trung cải tiến camera trên smartphone, từ sử dụng nhiều ống kính đến việc tích hợp các chức năng trí tuệ nhân tạo (AI).

2.430 USD: Giá bán của Huawei Porsche Design Mate 20 RS

2018 cũng là năm giá bán smartphone cao cấp (flagship) tăng “chóng mặt”, ấn tượng nhất có lẽ là chiếc Porsche Design Mate 20 RS của Huawei (Trung Quốc). Phiên bản cao cấp nhất (bộ nhớ 512GB) của sản phẩm này có giá lên đến 2.430 USD (56,5 triệu đồng).

Thế nhưng Mate 20 RS không phải chiếc smartphone đắt nhất được ra mắt trong năm, danh hiệu đó nên dành cho Vertu. Sau khi phá sản, Vertu bất ngờ trở lại với mẫu Aster P chạy Snapdragon 660 giá 5.000 USD (116 triệu đồng).

300 USD: Giá bán của Pocophone F1

Với giá tiền của Mate 20 RS, bạn có thể mua được 8 chiếc Pocophone F1 để chia cho gia đình sử dụng. Sản phẩm giá rẻ đến từ Xiaomi (Trung Quốc) được đón nhận nhờ giá bán hợp lý nhưng trang bị cấu hình của flagship với Snapdragon 845, RAM 6GB và camera kép.

Tuy giá bán flagship trong năm qua đã vượt ngưỡng 1.000 USD nhưng Android vẫn mang đến hệ sinh thái đa dạng phục vụ nhiều nhu cầu, mục đích sử dụng với mức hầu bao khác nhau. Với giá bán 300 USD (7 triệu đồng), Pocophone F1 hẳn là một trong những smartphone hot nhất năm qua.

19%: Thị phần trên toàn cầu của Samsung

Năm 2018, Samsung tiếp tục là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới với thị phần Q3/2018 chiếm 19%. Thế nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn cho công ty Hàn Quốc khi sản lượng máy sụt giảm đến 13% so với Q3/2017 (theo thống kê của Counterpoint Research).

Trong khi đó đối thủ xếp thứ hai là Huawei đang có màn trình diễn tốt hơn với thị phần trong Q3/2018 đạt 14%, tăng lên so với 10% trong Q3/2017.

36 ngày: Thời gian “dán mắt” vào smartphone

Theo thống kê của eMarketer, trung bình người Mỹ sử dụng smartphone trong 2 giờ 23 phút mỗi ngày, nếu tính thêm tablet là 3 giờ 35 phút. Nhân lên 365 ngày thì thời gian chính xác là 872,53 giờ, tương đương 36,4 ngày “dán mắt” vào smartphone trong suốt một năm. Với những công việc đặc thù như đánh giá, biên tập viên công nghệ thì con số chắc chắn còn cao hơn nữa.

Hiện nay có một số công cụ giúp bạn quản lý thời gian sử dụng smartphone, từ đó điều chỉnh lại cho hợp lý như Screen Time trên iOS 12, Digital Wellbeing trên Android Pie, các ứng dụng như Facebook, Instagram, YouTube,…

4,3 tỷ Euro: Mức phạt của EU dành cho Google

Tháng 7/2018, Google đã bị Liên minh châu Âu (EU) tuyên phạt 4,3 tỷ Euro (tương đương 5 tỷ USD) do áp đặt các điều khoản cạnh tranh không lành mạnh lên các nhà sản xuất thiết bị chạy Android.

Đây cũng là mức phạt chống độc quyền kỷ lục mà EU từng đưa ra, cao hơn tổng GDP của các nước như Tonga, Comoros hay Dominica cộng lại. Tuy nhiên so với những gì Google kiểm được thì 4,3 tỷ Euro không là vấn đề khi doanh thu mỗi quý của hãng là 30 tỷ USD.

78,3 triệu: Lượng người chơi Fortnite mỗi tháng

Fortnite được xem là một trong những “hiện tượng văn hóa đại chúng” lớn nhất năm 2018. Theo thống kê mới nhất từ nhà phát hành Epic Games, Fortnite có khoảng 78,3 triệu người chơi mỗi tháng trên tất cả các nền tảng (bao gồm Android). Hiện lượng tài khoản đăng ký chơi Fortnite đã lên đến hơn 200 triệu, cao hơn dân số hàng trăm quốc gia trên thế giới.

Dự kiến Fortnite sẽ đem về cho Epic Games doanh thu 2 tỷ USD trong năm 2018, con số ấn tượng cho một tựa game free-to-play (miễn phí để chơi).

Phúc Thịnh

Thị trường bán lẻ gần đạt mốc 150 tỉ USD

Với mức tăng trưởng trên 10% mỗi năm, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng cũng như lập kỷ lục mới về doanh thu khi đã gần cán mốc 150 tỉ USD

Kết thúc năm 2018, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 3.306,1 ngàn tỉ đồng (tương đương 142,8 tỉ USD), tăng 12,4% so với năm trước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

Theo cơ quan thống kê, đây là mức tăng trưởng khá cao so với những năm trước đó. Cụ thể năm 2016 doanh thu bán lẻ đạt khoảng 118 tỉ USD, tăng 10,2% so với năm 2015 (gần 110 tỉ USD). Năm 2017 đạt mốc 129,56 tỉ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước đó.

Với kết quả năm 2018 cho thấy thị trường bán lẻ trong nước tiếp tục có xu hướng tăng trưởng cao ổn định và là thị trường tiềm năng cho các nhà bán lẻ nước ngoài.

Đáng chú ý theo cơ quan thống kê, trong năm qua tăng trưởng doanh thu bán lẻ tăng mạnh ở một số ngành hàng như đá quý, kim loại quý tăng 13,8%; hàng gỗ và vật liệu xây dựng tăng 13,7%; lương thực, thực phẩm tăng 12,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12,3%; may mặc tăng 12,1%; phương tiện đi lại tăng 11,1%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 10,5%.

Một số địa phương có mức tăng doanh thu bán lẻ khá như Vĩnh Phúc tăng 14,9%; Hải Phòng tăng 13,9%; Thanh Hóa tăng 13,5%; TPHCM tăng 13,2%; Nghệ An tăng 13%; Hà Nội tăng 11%.

Thị trường bán lẻ trong nước tiếp tục tăng trưởng cao. Ảnh minh họa: Hùng Lê.

Thị trường bán lẻ trong nước tuy đã hội tụ nhiều nhà phân phối lớn nhưng vẫn được giới chuyên gia nhận định là mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu, cơ hội vẫn còn nhiều cho những người đến sau, nhất là những ai biết ứng dụng công nghệ, biết tạo sự khác biệt và mang lại nhiều giá trị cộng thêm cho khách hàng…

Theo các chuyên gia, bên cạnh công nghệ, việc chủ các chuỗi và kênh bán hàng biết tạo ra sự khác biệt sẽ là một lợi thế lớn để thu hút khách hàng trong bối cảnh điểm bán mới của các nhà bán lẻ hiện hữu đang nở rộ khắp nơi và thị trường dự báo sẽ xuất hiện thêm những nhân tố mới.

Các chuyên gia cũng nhận định lĩnh vực bán lẻ trong nước đang hưởng lợi từ những điều kiện thuận lợi như tốc độ kinh tế tăng trưởng ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng, lực lượng tiêu dùng trẻ chiếm tỷ trọng lớn. Ngành bán lẻ hiện đại đang tăng dần sức ảnh hưởng và sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo dự báo của các chuyên gia, trong 2-3 năm tới, thị trường bán lẻ trong nước sẽ xuất hiện thêm những chuỗi bán lẻ của nước ngoài. Họ sẽ mang theo nhiều sản phẩm mới cùng những công nghệ và sự tiện lợi cho người tiêu dùng, như không cần quầy tính tiền; robot sẽ thay thế người bán hàng, hay có những dịch vụ rất “đáng đồng tiền bát gạo”. Sự có mặt của các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ tạo ra sự cạnh tranh cao trên thị trường và tạo động lực cho các nhà bán lẻ trong nước thay đổi.

Năm 2018 tiếp tục ghi nhận sự tham gia thị trường của các nhà bán lẻ nội và ngoại thông qua việc mở rộng mạng lưới, đa dạng mô hình kinh doanh. Phát triển mạnh mẽ về quy mô vẫn là chuỗi cửa hàng tiện lợi như Circle K, B’s mart, Family Mart, Ministop, 7 Eleven, Shop&Go… Các tập đoàn bán lẻ khác như Big C, Aeon, Auchan, Lotte, Saigon Co.op… cũng đang tiếp tục đẩy mạnh mở rộng hệ thống nhằm gia tăng thị phần.

Vietnam Report nhận định Việt Nam đang là một trong những thị trường tiêu dùng lớn ở châu Á do tăng trưởng kinh tế và chi tiêu tiêu dùng gia tăng, với tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ duy trì ở mức rất cao, khoảng 10%/năm, giá trị thị trường bán lẻ đạt ước đạt khoảng 160 tỉ USD vào năm 2020. Theo giới phân tích với việc duy trì đà tăng trưởng này, trước mắt doanh thu bán lẻ có thể cán mốc được 150 tỉ USD trong năm 2019.

Hùng Lê

Kỹ năng mềm trong cuộc sống: những cách để nói lời xin lỗi hoàn hảo

Dùng lời xin lỗi để hàn gắn một mối quan hệ căng thẳng là kỹ năng mềm cần thiết trong cuộc sống, nhưng không phải ai cũng biết cách xin lỗi hoàn hảo.

Theo một nghiên cứu công bố năm 2016 mang tên “Negotiation and Conflict Management Research” (tạm dịch: Nghiên cứu về Đàm phán và Quản lý Mâu thuẫn), một lời xin lỗi sẽ thực sự có hiệu quả cần có 6 yếu tố sau:

– Bày tỏ sự hối tiếc

– Giải thích chuyện tồi tệ nào đã xảy ra

– Công nhận trách nhiệm

– Thể hiện sự ăn năn

– Gợi ý giải pháp sửa chữa

– Đề nghị được tha thứ

– Ngỏ ý mong được tha thứ

Nói một lời xin lỗi sao cho người tiếp nhận, người đã bị bạn làm tổn thương, có thể cảm thấy tốt hơn không phải là điều đơn giản.

Tiến sĩ Jennifer Thomas, đồng tác giả của quyển When Sorry Isn’t Enough (tạm dịch: Khi lời xin lỗi không đủ), diễn giả của TED và là chuyên gia tâm lý, đã tiến hành nghiên cứu cùng với tiến sĩ Gary Chapman – tác giả quyển The 5 Love Languages: The Secret to Love That Lasts (tạm dịch: 5 ngôn ngữ tình yêu: Bí quyết để yêu thương dài lâu) và đi đến 5 yếu tố tương tự cần có trong lời xin lỗi: thể hiện sự hối tiếc, chấp nhận chịu trách nhiệm, bù đắp, thể hiện lòng ăn năn một cách thông minh và ngỏ ý mong được tha thứ.

“Những lời xin lỗi cụ thể sẽ khác nhau tùy từng người tiếp nhận, phụ thuộc vào ngôn ngữ bày tỏ sự xin lỗi của cả hai là gì. Vì vậy, tôi đã tìm ra rằng, chẳng hạn, khi nói: “Tôi sai rồi, tôi xin lỗi” thì sẽ chạm đến 77% người tiếp nhận. Nhưng 23% cá nhân khác thì chờ đợi nghe tiếp ba điều còn lại. Đó là lý do chúng ta có 5 yếu tố trên”, Thomas giải thích.

Dù vậy, những lời xin lỗi vẫn cần được soạn riêng cho từng người mà bạn cần xin lỗi. Trong bài viết chia sẻ trên tờ Time, các chuyên gia đã chia sẻ những bí quyết, rút ra từ các nghiên cứu của họ, nhằm giúp bạn soạn được lời xin lỗi phù hợp nhất với từng nhóm đối tượng nhất trong cuộc sống.

Xin lỗi bạn đời:

“Duy trì kết nối cảm xúc là chìa khoá để duy trì một mối quan hệ tốt lành”, Amy Morin – Chuyên gia trị liệu tâm lý và là tác giả quyển 13 Things Mentally Strong People Don’t Do (tạm dịch: 13 điều mà người vững tâm sẽ không làm) cho biết. “Vì vậy, điều quan trọng cần làm là thể hiện sự hối tiếc và ngỏ ý mong được tha thứ. Điều này đồng nghĩa không bao giờ hướng sự chỉ trích về phía đối phương hay nói những điều như “Anh rất tiếc khi em cảm thấy như vậy”. Thay vào đó, hãy nói “Anh xin lỗi vì đã to tiếng với em”, để cho thấy rằng bạn nhận hoàn toàn trách nhiệm về những hành động của mình”.

Thomas cũng cho biết thêm là bạn cần thể hiện rõ sự chân thành của mình với người bạn đời. “Nếu đó là một mối quan hệ tình cảm yêu thương, điều rất quan trọng chính là sự cam kết của bạn”, cô nói. Để làm điều này, Thomas khuyên bạn áp dụng yếu tố thứ tư trong lời xin lỗi – bày tỏ sự ăn năn – bằng cách giải thích cụ thể cách câu chuyện sẽ tốt hơn thế nào với những cách bạn đề xuất sửa lỗi. Thomas cho biết điều này sẽ để đối phương nhận ra bạn đang nghĩ về tương lai cho cả hai.

Xin lỗi đồng nghiệp

“Tôi nghĩ chìa khoá trong mối quan hệ với đồng nghiệp là tin tưởng”, Thomas nói và nhấn mạnh rằng các đồng nghiệp cần biết bạn sẽ không làm tổn hại đến danh tiếng của họ. Để chuyện xin lỗi được thuận lợi, cô khuyên bạn có thể kết hợp hai yếu tố phổ biến trong ngôn ngữ xin lỗi: 40% đồng nghiệp sẽ muốn nghe nhất từ chúng ta câu “Tôi đã sai”, trong khi 40% đồng nghiệp khác thì muốn nghe nhất câu “tôi xin lỗi”. Bằng cách kết hợp hai yếu tố này, bạn có thể chắc rằng lời xin lỗi của bạn sẽ làm 80% đồng nghiệp cảm thấy dễ chịu.

Giữ câu chuyện ở giữa hai bên liên quan là lời khuyên của Morin. Cụ thể, “hãy cưỡng lại mong muốn kéo người khác vào tình huống mà bạn đang cần phải xin lỗi một đồng nghiệp. Đừng trách móc sếp, công ty hay bất cứ đồng nghiệp, đối tác nào khác vì hành vi của chính bạn. Hãy xây dựng lời xin lỗi trên nền tảng “tự chịu trách nhiệm”, ví dụ “Tôi thực sự đã để cảm xúc kiểm soát mình” khi bạn bày tỏ sự chịu trách nhiệm về hành động của bản thân”.

Xin lỗi một người bạn

“Khi xin lỗi bạn bè, cách ứng xử phù hợp sẽ là đề nghị một giải pháp đền bù cho điều bạn đã làm sai”, Morin nói. Ví dụ nếu bạn đã trót bỏ quên một cuộc hẹn ăn trưa với người bạn nào đó thì lời xin lỗi cần đi cùng với một lời mời cà phê sau đó. “Bạn không thể thay đổi điều bạn đã làm sai, nhưng bạn có thể đề nghị một điều gì đó cho thấy bạn xem trọng mối quan hệ này và bạn đang quan tâm đến những điều có thể làm để cải thiện tình hình”.

Một người bạn sẽ muốn biết bạn có thực sự xem trọng tình bạn với họ hay không.

“Cam kết của bạn với tình bạn là khởi đầu rất tốt khi bạn cần nói lời xin lỗi”, Thomas nói. Lời khuyên của cô cũng tương đồng với gợi ý của Morin rằng bạn cần nhấn mạnh yếu tố sửa lỗi trong mối quan hệ này.

Xin lỗi cha mẹ

Mọi người thường đưa ra ba lý do bào chữa phổ biến sau khi cần xin lỗi ai đó: họ đổ lỗi, đổ thừa và phủ nhận điều họ đã làm, theo nghiên cứu của Thomas.

“Tôi nghĩ mọi người thường phạm phải sai lầm khi xin lỗi cha mẹ của họ. Tôi cho rằng họ cần đưa ra lời xin lỗi từ phía của chính họ”, cô nói. Để làm điều này, cô khuyên điều quan trọng bạn cần để tâm là không đưa bất cứ lý do nào để nguỵ biện cho sai lầm của mình với cha mẹ.

Mọi người đều tìm kiếm sự công nhận, chứ không phải lý do bạn đã làm họ tổn thương. “Cha mẹ của bạn biết bạn không phải là người hoàn hảo và họ nhận thức rất rõ về những nhược điểm của bạn”, Morin bổ sung. “Nhưng điều đó không có nghĩa là sai lầm của bạn cần được lướt qua. Nếu bạn làm ba hoặc mẹ tổn thương, hãy chân thành nhìn nhận hành động đó”. Theo Morin, lời xin lỗi cần được đặt trên nền tảng của sự hối tiếc và mong ước được tha thứ.

“Hãy nói điều gì đó như là ‘Con rất xin lỗi vì con đã không đến trong cuộc họp mặt gia đình như đã hứa. Con biết chuyện con đến có ý nghĩa thế nào với cha mẹ. Mong cha mẹ tha thứ cho lần vắng mặt ấy của con’. Rồi, hãy tập trung vào chuyện bạn sẽ thay đổi thế nào trong tương lai để cho thấy bạn thực sự hối tiếc về điều đã xảy ra”.

Xin lỗi con trẻ

Phải, lời xin lỗi rất có ý nghĩa với các bạn nhỏ, và các bạn ấy muốn nghe điều đó từ người lớn. Đó cũng là một cơ hội để bạn dạy cho con mình về tính trách nhiệm trong tương tác với mọi người xung quanh.

“Thái độ hối tiếc là chìa khoá để trao lời xin lỗi có ý nghĩa với một đứa trẻ”, Morin nói, “Hãy mở lòng để nói những điều như ‘Cha cảm thấy rất buồn khi đã để con thất vọng’, hay ‘Mẹ rất thất vọng khi bản thân lại làm mọi chuyện rối tung lên vậy”. Rồi sau đó, hãy làm rõ cách bạn sẽ làm để cải thiện chuyện tương tự trong tương lai. Con của bạn sẽ học rất nhiều về cuộc sống từ cách bạn xin lỗi chúng. Khi đó, bạn đang là một hình mẫu tốt, một hình mẫu sẵn lòng trách nhiệm về hành động của bản thân trước các con”.

“Nếu bạn xin lỗi con, đầu tiên, tôi sẽ trao cho bạn một ngôi sao khen ngợi vì chuyện xin lỗi con là điều cực kỳ quan trọng mà chúng ta phải làm”, Thomas nói, “Chúng ta cần phải làm mẫu về cách tỏ bày lời xin lỗi cho các con”.

Trong mối quan hệ này, bạn cần tránh một sai lầm phổ biến, đó chính là mong con sẽ xin lỗi lại. “Lời xin lỗi của bạn cần dừng lại ở phía của bạn, bạn xin lỗi và nếu con không ghi nhận điều đó, thì lời xin lỗi ấy của bạn vẫn còn nguyên giá trị”.

Xin lỗi anh chị em trong gia đình

Khi xin lỗi anh chị em trong nhà, Thomas tin rằng chỉ riêng câu “xin lỗi” đã có thể tạo ra tác động lâu dài. “Câu nói ấy sẽ cho đối phương biết rằng bạn đang không trách móc, nguỵ biện hay chối bỏ điều đã làm – cả ba hành động kia đều là những sai lầm. Lời xin lỗi ấy là điều khởi đầu cho bất kể yếu tố xin lỗi nào bạn muốn thể hiện tiếp theo, hoặc thậm chí là tất cả 5 yếu tố để nhận được sự đồng thuận từ anh chị em trong gia đình”.

Xin lỗi cho thấy sự tôn trọng mà anh chị em trong nhà dành cho nhau. Vì anh chị em là những người cùng nhau lớn lên và có rất nhiều lần từng chỉ trích, phê phán hay làm tổn thương nhau trong quá khứ nên đôi khi mối quan hệ này tạo cho hai bên cảm giác không tôn trọng người còn lại, theo Thomas nhìn nhận.

Lôi lại sai lầm của đối phương trong quá khứ là một hành động rất tệ khi xin lỗi anh chị em của mình, Morin cảnh báo. “Nhắc lại chuyện anh/chị/em ấy đã từng làm bạn tổn thương ra sao là điều chỉ làm mọi chuyện tệ hơn. Hãy chỉ nhìn vào tình huống hiện tại. Cố gắng nói điều gì đó như là ‘anh/chị/em đã phá hỏng mọi thứ. Anh/chị/em không nên nói điều đó về em/anh/chị trước mặt mọi người như thế. Anh/chị/em thực sự rất xin lỗi về hành động đó của mình”.

“Đại gia” đổ xô bán thức ăn vặt

Với mức chi dùng đến 13 tỷ đồng mỗi tháng cho thức ăn vặt, giới trẻ Việt Nam đang mở ra một xu thế mới cho các doanh nghiệp thực phẩm lớn như Sài Gòn Food, Vissan, Vĩnh Thành Đạt…

Nhập cuộc

Cuối tháng 10, Vissan – một “đại gia” trong ngành chế biến thực phẩm đã tung ra thị trường hàng chục sản phẩm ăn vặt như da heo chiên giòn, gà sấy rong biển, phá lấu… Trong đó, da heo chiên giòn là món ăn vặt mới nổi trên thị trường và đã được Công ty xuất khẩu sang Hàn Quốc. Ông Nguyễn Ngọc An – Tổng giám đốc Công ty Vissan cho rằng thị trường thức ăn vặt rất tiềm năng và có sức hút không thua kém nhóm thực phẩm chế biến, món ăn tiện lợi.

Sau thời gian nghiên cứu và nắm bắt xu hướng, Vissan quyết định chế biến các món ăn vặt từ thịt gà, da heo, thịt heo… “Da heo chiên giòn, gà sấy rong biển và phá lấu là những món giới trẻ rất thích. Để đảm bảo an toàn, Công ty đã nhập nguyên liệu từ châu Âu, chế biến với nhiều vị khác nhau. Nhóm thức ăn vặt sẽ đem lại doanh thu tốt cho Công ty trong thời gian tới”, ông An cho biết.

Được biết đến với món cháo tươi dinh dưỡng, lẩu ăn liền…, nhưng từ khi có sự xuất hiện của thương hiệu cửa hàng tiện lợi nổi tiếng thế giới 7-Eleven, Công ty Sài Gòn Food đã nhanh chân trở thành nhà cung ứng thức ăn vặt cho đơn vị này. Để khai thác lĩnh vực mới, Sài Gòn Food đã đầu tư thêm nhà xưởng với diện tích 10.000m2, kho lạnh 3.000 tấn để sản xuất 100.000 suất ăn tươi mỗi ngày.

Trong nhà máy này có riêng một dây chuyền sản xuất thức ăn tươi, thức ăn vặt cho 7-Eleven. Hiện tại, Sài Gòn Food cung cấp khoảng 20 món ăn vặt như bắp xào, gỏi cuốn, bì cuốn, bò bía, hột vịt xào me… cho hệ thống 22 cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tại TP.HCM. Cũng nhanh chân tham gia thị trường này là Công ty Vĩnh Thành Đạt với các món ăn vặt như trứng cút phá lấu, trứng gà tiềm, trứng vịt kho…

Bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó tổng giám đốc Sài Gòn Food cho rằng thức ăn vặt không chỉ thu hút giới trẻ mà cả những người lớn tuổi. Những món ăn vặt khi đưa vào chuỗi cửa hàng tiện lợi có giá cao hơn so với quán ăn hè phố nhưng bù lại đảm bảo chất lượng, khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc.

“Thị trường thức ăn vặt đầy hấp lực về lợi nhuận và doanh thu. Với năng lực sẵn có, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu cho ra những món mới phù hợp thị hiếu khách hàng”, bà Thanh Lâm cho biết.

Theo số liệu khảo sát của Hãng Nghiên cứu thị trường Decision Lab cuối năm 2017, bình quân mỗi tháng giới trẻ Việt Nam bỏ ra 13 tỷ đồng cho thức ăn vặt. Còn theo thống kê của Euromonitor, đến cuối năm 2017, Việt Nam có khoảng 149.000 điểm bán thức ăn đường phố, tính cả ki-ốt trên xe lưu động và ki-ốt cố định tại mặt tiền nhà, với doanh thu 46.900 tỷ đồng mỗi năm.

Thị trường rộng mở

Theo ước tính của các công ty nghiên cứu thị trường, đến năm 2020, thị trường thức ăn vặt sẽ tăng gần gấp đôi so với năm 2015 (518 triệu USD), lên 1 tỷ USD. Theo nghiên cứu của Decision Lab, với khoảng 14,4 triệu người Việt thuộc thế hệ Z (sinh năm 1995 trở về sau) dễ thích nghi với lối sống hiện đại, cập nhật nhanh xu hướng dẫn đến thói quen ăn uống, khẩu vị của nhóm đối tượng này có những bước đột phá.

Thực tế thị trường cho thấy thức ăn vặt tăng trưởng mạnh thời gian qua. Ông Trương Chí Thiện – Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết trong 2 năm 2017 và 2018, doanh thu nhóm hàng thức ăn vặt tăng cao với sức tăng trưởng hơn 100% nên Công ty phải đầu tư, mở rộng nhà máy để tăng sản lượng.

Thời gian đầu, sản phẩm hướng đến sự tiện lợi cho bà nội trợ, nhưng sau đó trở thành món ăn vặt cho giới trẻ, dân văn phòng. Tương tự, ông Phạm Thanh Hùng – Phó tổng giám đốc Công ty Ba Huân cho biết, những món ăn vặt do Công ty sản xuất, bán tại hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị như chân gà chua cay, xiên que, xúc xích, bánh flan omega 3… có doanh số khá tốt.

Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, ngành này gần đây phát triển mạnh vì các doanh nghiệp đã đáp ứng được vấn đề vệ sinh thực phẩm – nỗi lo lớn nhất của người tiêu dùng đối với thức ăn đường phố. Sức tiêu thụ thực phẩm tươi tại hệ thống 7-Eleven đang tăng, và tại các cửa hàng có mặt bằng rộng, doanh thu từ các món ăn vặt khá tốt. Từ 50 món ban đầu trong ngày khai trương hồi tháng 6/2016, đến nay, Sài Gòn Food cung cấp gần 100 món ăn tươi (từ thức ăn vặt đến thức ăn văn phòng) cho chuỗi 22 cửa hàng 7-Eleven.

Trong vai trò một nhà tư vấn nhượng quyền thương hiệu, bà Nguyễn Phi Vân – thành viên sáng lập và phát triển Công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á cho rằng, có nhiều yếu tố để các công ty phát triển món ăn vặt. Đó là hiện nay, Việt Nam quá dư thừa các nhà hàng cao cấp khai thác nguồn khách có thu nhập cao, trong khi lượng người có thu nhập trung bình rất lớn.

Và mặc dù số lượng điểm bán thức ăn đường phố khá nhiều nhưng những chuỗi có thương hiệu chỉ chiếm 0,59% – một tỷ lệ rất nhỏ so với nhiều lãnh thổ và các nước châu Á. Chẳng hạn như tại Đài Loan, tỷ lệ này là 30%, Philippines là 21%, Singapore là 10%, Hong Kong là 5%… “Thị trường còn nhiều khoảng trống cho nhóm khách hàng này để khai thác. Và món ăn vặt nếu phát triển một cách bài bản sẽ dễ dàng thu hút khách hàng và sinh lợi cao”, bà Nguyễn Phi Vân nhận định.

Theo báo cáo “Những bước chuyển trong ngành hàng thực phẩm” do Nielsen Việt Nam công bố, thực phẩm là một trong 3 nhóm ngành hàng tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2017 tại Việt Nam. Báo cáo này cũng cho biết các nhà sản xuất rất chủ động trong việc giới thiệu sản phẩm mới đến người tiêu dùng và thực tế, trong năm 2017 đã có hơn 2.000 sản phẩm mới được các nhà sản xuất thực phẩm tung ra thị trường.

Tuy nhiên, không quá 15% trong số này thành công như mong đợi. “Nhà sản xuất nào có thể cho thấy những nỗ lực nhằm xây dựng hình ảnh “tốt cho sức khỏe” để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thì đó sẽ là người chiến thắng trên thị trường”, ông Nguyễn Anh Dũng – Giám đốc cấp cao Bộ phận Dịch vụ Đo lường Bán lẻ của Nielsen Việt Nam đánh giá.