Công bằng và tôn trọng là những nét văn hóa quan trọng cơ bản, là điều kiện cần để thu hút và giữ chân nhân tài ở các nhà tuyển dụng hấp dẫn người lao động như FPT, Thế Giới Di Động.
Theo phân tích chuyên sâu về động cơ nghề nghiệp của người đi làm tại Việt Nam của Công ty Anphabe và Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, văn hóa và giá trị là tiêu chí không thể thiếu làm nên tính hấp dẫn của một thương hiệu nhà tuyển dụng.
Trong đó, có 8 nét văn hóa và giá trị ảnh hưởng tới độ hấp dẫn của nhà tuyển dụng, gồm: sự chuyên nghiệp, công bằng và tôn trọng, ghi nhận và tưởng thưởng, tin cậy và minh bạch, tuyển dụng và đãi ngộ nhân tài, tinh thần đồng đội, môi trường làm việc năng động và sáng tạo, con người thân thiện.
Văn hóa công ty
Trong các yếu tố tạo nên sức hấp dẫn nhà tuyển dụng thì công bằng và tôn trọng là những nét văn hóa cơ bản, là điều kiện cần để thu hút và giữ chân nhân tài. Bởi chỉ có trên nền của công bằng và tôn trọng, tùy từng doanh nghiệp, các nét văn hóa khác mới tạo nên sự khác biệt. Tại FPT, điểm khác biệt ấy chính là cấp dưới có thể thẳng thắn và trao đổi bình đẳng với cấp trên.
Việc lắng nghe những ý kiến khác biệt là cách để lãnh đạo FPT tránh đưa ra những quyết định sai lầm và khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo của nhân viên. Văn hóa FPT còn được thể hiện thông qua những “luật bất thành văn” như lãnh đạo không nhận quà, phong bì của nhân viên, phải làm gương cho nhân viên, không được tham nhũng, không tư lợi cá nhân…
Bên cạnh đó, để khuyến khích cán bộ, nhân viên gắn bó với Công ty, các chính sách đãi ngộ của FPT cũng được xây dựng dựa trên các tiêu chí: tương xứng với kết quả công việc, giá trị đóng góp cho FPT, công bằng và minh bạch. Ông Chu Quang Huy – Phó giám đốc Trung tâm Thương mại điện tử kiêm Giám đốc Dự án Smart Retail của FPT Retail (đơn vị thành viên trong lĩnh vực bán lẻ của FPT), cho biết: “Điều quan trọng khiến tôi gắn bó với FPT chính là văn hóa rất đặc thù, tinh thần đồng đội và cơ hội phát triển”.
Tại Thế Giới Di Động là một môi trường nơi có cách ứng xử, vận hành, phối hợp với nhau dựa trên nền tảng của sự tận tâm với khách hàng, trung thực, máu lửa trong công việc, yêu thương và hỗ trợ đồng đội, nhận trách nhiệm… Mọi người coi Công ty như ngôi nhà thứ hai của mình vì ở đây có sự hướng dẫn, đào tạo và phát triển cho hơn 20.000 bạn trẻ.
Lãnh đạo Thế Giới Di Động sẵn sàng tạo cơ hội cho bất cứ ai tham gia vào đội ngũ quản lý, kể cả những người mới học hết cấp 3. Để giúp nhân viên thành công, doanh nghiệp này còn thiết lập một hệ thống để những người bình thường có thể làm được những điều phi thường như cách mà Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài vẫn thường hay nói: “Họ là những người bình thường nhưng có thái độ tốt với khách hàng, làm việc nhiệt huyết và có tinh thần kỷ luật cao. Điều quan trọng là họ có thể đưa doanh thu của một cửa hàng Thế Giới Di Động cao gấp rưỡi so với đối thủ”.
Để công việc trở thành niềm vui
Khảo sát của Career Builder Việt Nam và Công ty Insight Asia công bố hồi đầu năm 2016 cho thấy, nhân tố quan trọng tạo nên nhà tuyển dụng lý tưởng là cơ hội phát triển nghề nghiệp, môi trường làm việc đa dạng và không phân biệt đối xử.
Nghiên cứu của mạng việc làm JobStreet.com với 2.500 người lao động tại Việt Nam (công bố hồi đầu tháng 9/2016) cho kết quả cụ thể hơn: có nhiều yếu tố để người lao động lựa chọn nơi làm việc, trong đó, yếu tố cơ hội để phát triển nghề nghiệp, thăng tiến chiếm 50,7%, cơ hội được đào tạo chuyên nghiệp 44,8%, phúc lợi hấp dẫn 44,3% và mức lương cạnh tranh 33,5%.
Ở Thế Giới Di Động, nhân viên rất được xem trọng (chỉ sau khách hàng). Lãnh đạo công ty này đã thông qua việc áp dụng chính sách ESOP (phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên).
Ông Đặng Minh Lượm – Giám đốc Nhân sự Công ty CP Thế Giới Di Động, cho biết: “Việc nhân viên chúng tôi mỗi ngày đến nơi làm việc để trải nghiệm niềm tự hào, tình yêu, thử thách, chiến thắng bản thân là thành công mà đội ngũ nhân sự chúng tôi theo đuổi”.
Ở FPT thì chú trọng phát triển cơ sở vật chất, xây dựng môi trường làm việc thân thiện theo mô hình của các hãng công nghệ lớn trên thế giới. Trong đó có những khu văn phòng được xây dựng theo mô hình campus như F-Ville, F-Town, FPT Complex… nhằm tạo ra môi trường làm việc sáng tạo giúp cán bộ, nhân viên có thể phát huy tốt nhất khả năng của mình.
Công nghệ đòi hỏi sự thay đổi và sáng tạo không ngừng, để làm được điều này, FPT đã xây dựng môi trường làm việc không ngừng học hỏi và phấn đấu. Trong năm 2015, FPT đã chi 71,4 tỷ đồng cho các chương trình đào tạo nội bộ với 195.240 lượt người được đào tạo.
Năm 2016, FPT dự kiến chi 80 tỷ đồng cho các chương trình đào tạo này. Tập đoàn còn thành lập Trường Đào tạo cán bộ FPT, và năm 2015 đã tổ chức hơn 220 lớp học thu hút trên 7.000 lượt nhân viên tham gia.