Category Archives: Job seeker

17 thói quen đang rút cạn năng lượng của bạn mỗi ngày

17 thói quen đang rút cạn năng lượng của bạn mỗi ngày

1. Ngủ quá nhiều. Hãy tập ra khỏi giường đúng giờ.

2. Nghĩ quá nhiều. Tâm trí bạn cần được nghỉ ngơi. Hãy cho nó giải lao.

3. Ăn quá nhiều. Thức ăn làm đầu óc bạn mụ mị. Hãy tự kiểm soát bản thân mình.

4. Quan tâm những chuyện tầm phào. Một sự lãng phí năng lượng tinh thần khổng lồ.

5. Đặt ra những mục tiêu “trên trời”. Nó tạo ra cảm giác stress không cần thiết.

6. Nghiện làm nhiều việc một lúc. Nó tạo cho bạn cảm giác bận rộn, nhưng lại không giúp tăng năng suất. Tập trung vào 1 việc 1 lúc thôi.

7. Lo lắng. Nếu bạn có thể thay đổi tình hình, hãy hành động. Còn không, chấp nhận nó đi.

8. Tự dày vò bản thân. Càng hạ thấp bản thân, bạn càng trở nên tệ hại hơn.

9. Lưỡng lự. Nó khiến bạn mắc kẹt. Quyết định và sau đó tùy cơ ứng biến.

10. Bị ám ảnh bởi danh tiếng. Cứ giỏi đi và mọi người sẽ tự chú ý đến bạn. Hữu xạ tự nhiên hương.

11. Miễn cưỡng bản thân. Nếu muốn làm gì đấy, hãy làm đi. Không thì thôi, đừng lăn tăn.

12. Đổ lỗi. Nó khiến bạn nổi nóng vì một lý do không đâu và cũng không giải quyết được việc gì. Mọi người cũng sẽ tránh xa bạn.

13. Cho não ăn rác. Trước khi bạn nhận ra, tâm trí bạn đã bị vắt kiệt năng lượng vì đọc những thứ nhảm nhí rồi.

14. Sống trong quá khứ. Hey, bạn không sống ở vùng đất “Quá khứ” nữa rồi. Tỉnh lại đi.

15. Chống lại sự thay đổi. Nếu bạn kháng cự sự thay đổi, bạn đang chống lại cuộc sống. Đây là cuộc chơi bạn không thể thắng, vì vậy hãy ngừng lại.

16. Cãi nhau với mấy người gàn dở. Nếu bạn có thắng, bạn cũng là một kẻ chả ra sao. Nếu bạn thua, bạn còn chẳng bằng họ.

17. Cố giúp những người không cần sự giúp đỡ. Bạn có thể đánh thức một người đang ngủ, nhưng bạn không thể gọi một kẻ đang giả vờ ngủ tỉnh dậy được.

Học thói quen nào của người thành công mới khiến bạn thành công?

Để thành công, bạn có nên đặt mục tiêu hay không, nên ngủ nhiều ngay ngủ ít, nên đọc sách hay lao vào đời, nên trân trọng ý kiến của người khác hay phớt lờ tất cả? Mỗi chuyên gia lại có một ý kiến đối ngược nhau. Vậy bạn nên học theo thói quen nào?

Học thói quen nào của người thành công mới khiến bạn thành công?

Có quá nhiều lời khuyên thành công, tuy nhiên, chúng mâu thuẫn với nhau. Hãy thử xem nhé:

A: Coi thường cách nhìn của người đời về mình

Nhà sáng lập Walmart, Sam Walton từng lăn lê bò lết trên sàn nhà tại một cửa hàng bán lẻ nhân chuyến đi công tác Brazil chỉ để…đo độ rộng giữa các lối đi trong siêu thị và xem liệu nhân viên ở đây có gì để dạy ông hay không. Ông bị tống tù và sau đó phải bảo lãnh. Seth Godin, một tác giả sách marketing nổi tiếng khác, cũng ngừng đọc những bài đánh giá sách của ông trên trang Amazon.

thanh-cong-doanhnhansaigon-5639-15138152

B: Qụy lụy vào ý kiến của người khác

Ca sĩ, nhạc sĩ Amanda Palmer ăn mặc như một cô dâu đứng giữa quảng trường cả tháng trời, tươi cười trước bất cứ người dân nào bước qua. Google xin ý kiến từng người dùng của mình để có thể hoàn thiện hơn, từ trước đến nay đều vậy. Trang WordPress tung ra các tính năng mới hàng ngày, và nếu gặp sự cố, họ sẽ lắng nghe tâm tư của khách hàng trước khi vá lỗi.

thanh-cong-2-doanhnhansaigon-8347-151381

A: Đặt mục tiêu

Jack Ma tập trung đạt mục tiêu 1 tỷ khách hàng cho Alibaba. Noah Kagan, cựu công thần của Facebook, giám đốc của AppSumo và SumoMe, cho biết để vươn lên doanh nghiệp triệu đô như hiện nay, anh đã phải đặt mục tiêu cực kỳ chi ly: 1 triệu đô doanh thu, 300 đô mỗi đơn hàng, và 3.333 lần bán ra. Anh thậm chí còn chiếu những con số này lên tường để các nhân viên nhìn thấy.

thanh-cong-3-doanhnhansaigon-5893-151381

B: Vứt đống mục tiêu đi

thanh-cong-4-doanhnhansaigon-8595-151381

Cuộc viếng thăm đầu tiên đến đảo Necker của tỷ phú Richard Branson chỉ là một trò đùa để gây ấn tượng với người vợ tương lai của mình. Ông không có ý định mua chúng (thoạt đầu) và bị tống khỏi đảo. Khi chuyến bay khứ hồi của ông bị hủy, bực mình ông lập ra hãng hàng không Virgin Atlantic.

Sản phẩm đầu tiên của HP là một đèn chỉ báo tự động cho sân bowling. Hãng American Express ban đầu vận chuyển thư tay và những nhà sáng lập của Sony tạo ra công ty trước, sau đó mới nghĩ cần phải làm gì.

A: Ngốn ngấu mọi quyển sách

thanh-cong-5-doanhnhansaigon-4143-151381

Bill Gates kể rằng các thư viện có ảnh hưởng lớn đến ông ngay từ khi còn nhỏ. Và trong những năm đầu làm Microsoft, ông hay dành những kì nghỉ chỉ để đọc sách. Elon Musk đọc hai cuốn sách mỗi ngày khi còn bé. Warren Buffet dành 4-6 giờ mỗi ngày để đọc.

B: Đọc chả có nghĩa lý gì hết

Gary Vaynerchuk, tác giả của cuốn sách Nền kinh tế cảm ơn, cho biết đã viết số sách nhiều hơn số ông từng đọc (ông viết được 4 cuốn). Chúng ta chỉ biết có một cuốn sách duy nhất mà Steve Jobs coi là đã gây ảnh hưởng đến ông: Thế lưỡng nan của nhà tiên phong. Ca sĩ Kanye West không đọc, mặc dù công việc chính của anh này liên quan rất nhiều đến chữ nghĩa (viết lời rap).

thanh-cong-6-doanhnhansaigon-2648-151381

A: Ngủ thật nhiều

Arianna Huffington, LeBron James, Jeff Bezos, tất cả đều ngủ tròn giấc từ 7-9 tiếng mỗi đêm. Ngủ thật nhiều = nghỉ ngơi nhiều = một ngày làm việc hiệu quả

thanh-cong-7-doanhnhansaigon-5706-151381

B: Chẳng ngủ mấy

Jack Dorsey, Martha Stewart, Mozart, Thomas Edison, Nikola Tesla, Voltaire, tất cả đều chỉ ngủ 4-6 giờ mỗi ngày. Ngủ ít thì có thời gian làm việc nhiều hơn. Thêm 1-2 tiếng làm việc mỗi ngày đã cả một lợi thế lớn.

A: Xây dựng quan hệ (Networking)

Kim Kardashian siêu vòng 3 là một tượng đài của kĩ năng xây dựng mối quan hệ. Chúng ta còn có một từ riêng dùng để chỉ những người nổi tiếng vì kỹ năng lân la này: dân quan hệ. Biết đúng người vào đúng thời điểm là một tài sản vô giá.

B: Phớt lờ tất cả mọi người

Picasso đã vẽ khoảng 50.000 tác phẩm nghệ thuật trong suốt cuộc đời. Nhà văn John Grisham đã từng viết mỗi ngày một trang trong vòng 20 năm. Kỹ sư Nick D’Aloiso ngồi nhà vài năm để viết ứng dụng, một trong số đó được Yahoo mua lại với giá 30 triệu đô. Họ học cách bơ xã hội, ngồi xuống làm việc của mình và vươn lên đỉnh thành công.

thanh-cong-8-doanhnhansaigon-3705-151381

A: Không bao giờ bỏ cuộc

J.K. Rowling bị hơn 10 nhà xuất bản từ chối trước khi Harry Potter được phát hành. Nghệ sĩ Andrea Bocelli từng chơi piano ở khắp các quán bar tới khi ông đã 33 tuổi. Nhà văn J. R. R. Tolkien xuất bản Chúa Nhẫn khi ông đã 63 tuổi.

B: Bỏ cuộc là tốt

Doanh nhân James Altucher khởi nghiệp hơn 20 công ty. 18 phá sản và ông đóng cửa hoàn toàn. Edison vứt bỏ hàng ngàn thí nghiệm không có kết quả. Marylin Monroe bỏ nghề chụp tranh nóng bỏng để làm người mẫu và rồi lại bỏ nghề người mẫu để trở thành diễn viên.

Vậy tôi phải nghe ai mà sống bây giờ?

Tại sao là thế? Tại sao những lời khuyên thành đạt này tuy đối ngược nhau, nhưng chúng lại đều hiệu quả? Có một lý do đơn giản thôi.

Nếu có công thức tuyệt mật nào, thì người thành công luôn chơi đến tận cùng của các cực đối lập – hoặc dung hòa cả hai, tùy thuộc vào hoàn cảnh.

Nói tóm lại là, chỉ có một điểm chung mà người thành đạt đều có:

Họ biết mình là ai

Họ biết mình làm việc như nào, động lực của mình là gì, điểm thiên tài của mình ở đâu, họ thể hiện tốt nhất như nào, và thứ gì có thể khiến họ kiên trì “cày cuốc” để chiến thắng. Và mỗi một người thành công đều cần hiểu rất rõ những câu hỏi này để có thể phát huy tối đa sức mạnh.

Trong đó, bao gồm cả bạn.

Điều ít biết về Telegram – ứng dụng tin nhắn bí ẩn nhất thế giới

Với số tiền gần 300 triệu USD thu được từ startup trước đó, nhà sáng lập Telegram đến nay vẫn đang duy trì ứng dụng của mình bằng tiền túi của mình.

Điều ít biết về Telegram - ứng dụng tin nhắn bí ẩn nhất thế giới

Telegram là ứng dụng nhắn tin miễn phí kết hợp được sức mạnh của Whatsapp và độ bảo mật cao của Snapchat. Ứng dụng này được biết đến khi người dùng phải tìm kiếm một nền tảng nhắn tin thay thế cho Whatsapp khi nó gặp sự cố vào năm 2014. Rất nhanh chóng, Telegram trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất trên iOS vào thời điểm đó, với độ bảo mật cao đến nỗi các hacker, hay an ninh Nga không thể can thiệp được.

Tháng 3/2016, Pavel Durov – nhà sáng lập ứng dụng tin nhắn Telegram đã phát biểu dõng dạc tại một hội nghị công nghệ rằng ứng dụng của họ đã thu hút 100 triệu người dùng mỗi tháng và thu hút khoảng 350.000 người theo dõi mới mỗi ngày.

Đây quả thực là một con số cực kỳ ấn tượng, tuy nhiên càng ấn tượng hơn khi biết rằng Telegram không hề kêu gọi vốn như thông thường mà nhà sáng lập muốn xây dựng theo phương thức hoạt động giống Wikipedia, nghĩa là kêu gọi cộng đồng ủng hộ tiền để duy trì dịch vụ.

Hai anh em sáng lập là “thiên tài code”

Ngay từ giai đoạn tuổi thơ, Pavel Duvov đã có chút liên đới tới nhà chức trách. Thời còn đi học, Pavel đã sử dụng khả năng code thiên tài được trời phú của mình để hack mạng máy tính của trường. Anh đã thay đổi màn hình chào ban đầu thành: “Must Die” (Phải chết) bên cạnh một bức ảnh người giáo viên mà anh ghét nhất trường. Trường học đã trả đũa bằng việc ngừng cho anh truy cập mạng lưới nội bộ. Tuy nhiên Pavel đã luôn hack và lấy được mật khẩu mới.

Pavel nói với bạn cùng lớp của mình rằng anh muốn trở thành “biểu tượng Internet”, Nikolai Konovov nói trong cuốn sách về code mang tên The Durov Code. Nikolai chính là anh trai của Pavel – người đã giúp anh nhận ra tham vọng đó.

telegram-ung-dung-nhan-tin-bao-9490-3424

Bản thân Nikolai cũng là một thiên tài khi còn rất nhỏ tuổi. Anh đã đọc rất nhiều sách và giành hai chiến thắng liên tiếp trong 2 mùa cuộc thi lập trình quốc tế. “Anh ta là một thiên tài máy tính”, theo Anton Nossik – một doanh nhân Internet – người đã biết anh trai Durov trong nhiều năm. Trong các bài phỏng vấn, Pavel thường nhắc tới anh trai mình như hình mẫu chủ đạo và là cố vấn về lập trình.

Pavel đã sáng lập ra Vkontakte khi vừa tốt nghiệp Đại học St. Petersburg vào năm 2006, ban đầu được thiết kế như một nền tảng mạng xã hội cho sinh viên.

Nikolai ban đầu tư vấn cho em trai mình thông qua điện thoại vì khi ấy anh sống tại Đức. Tuy nhiên, khi VK giành được chỗ đứng, anh quay lại St. Petersburg và nắm giữ vị trí Giám đốc công nghệ của công ty. Đây trở thành mạng xã hội đối trọng của Facebook ở Nga và thậm chí hoạt động nhanh hơn đối thủ.

Tuy nhiên, VK sau này gặp phải một vài rắc rối với chính phủ khiến Pavel bị buộc bán hết số cổ phần, sa thải khỏi công ty và rời quê hương. Anh quyết tâm lập nên một ứng dụng tin nhắn siêu bảo mật nhằm “trả đũa” chính phủ Nga. Và thế là Telegram ra đời.

Mỗi tháng tự bỏ tiền túi ra 1 triệu USD để duy trì hoạt động Telegram

Theo chia sẻ của Pavel thì anh kiếm được khoảng 260 triệu USD từ VK và với khoản tiền đó trong một ngân hàng ở Đan Mạch, Durov cùng anh trai Nikolai đã bắt đầu gây dựng lại sự nghiệp. Họ mua hộ chiếu công dân đảo St. Kitts ở Caribbean sau đó, cả hai dốc sức cho công ty mới mang tên Telegram.

Dự án lấy ý tưởng từ hệ thống bảo mật mã hóa tin nhắn mà Durov và anh trai dùng để liên lạc tránh bị theo dõi. Bằng cách đóng gói mọi thứ thành một ứng dụng, Durov đã mang tới cho thế giới phương thức nhắn tin bảo mật hàng đầu. Telegram được phát hành tháng 8/2013 mà không có thông báo chính thức.

Do gặp rắc rối với nhà chức trách nước Nga nên cách chỉ đạo của Pavel có phần “lén lút” để tránh bị theo dõi. Anh dùng tới 3 số điện thoại khác nhau, nhưng rất ít khi trao đổi công việc qua điện thoại. Telegram được xây dựng tại một văn phòng nhỏ ở Berlin. Nhưng giờ, nhân viên công ty lại làm việc tại nhiều nơi khác nhau, chủ yếu họ đặt phòng qua Airbnb.com và thay đổi vị trí liên tục.

Lý giải cho việc này, Durov nói rằng làm như vậy sẽ giúp công ty tránh bị lôi cuốn vào chính trị hay kinh tế của bất kỳ quốc gia nào.

Telegram cũng không phải để bán hay là nơi cho các nhà đầu tư. Durov cho biết nhiều công ty đầu tư mạo hiểm nổi tiếng từ Thung lũng Silicon đã tiếp cận anh và đưa ra vô số lời đề nghị hấp dẫn. Nhưng Pavel cho biết chỉ muốn xây dựng một nhóm cộng sự nhỏ thân thiết.

Ngoài ra theo thông tin của tờ BI thì Mỗi tháng, Telegram “ngốn” của Durov 1 triệu USD và nó chưa tạo ra bất kỳ khoản thu nhập nào cho anh, nhưng đây là khoản mà theo Pavel là “vẫn trong tầm kiểm soát”. Dĩ nhiên Pavel cho biết việc này sẽ không thể kéo dài mãi mãi.

Anh cho biết đang tìm hướng phát triển để có thể mang về thu nhập cho công ty bằng cách cho các nhà phát triển xây dựng dịch vụ trên nền tảng của Telegram rồi trích hoa hồng lợi nhuận.

Trung tâm thương mại: Người vui, kẻ buồn

Thị trường bán lẻ đã có một năm đầy sôi động khi đón chào nhiều thương hiệu quốc tế đổ bộ vào Việt Nam như thời trang có Zara, H&M và sắp tới có thể là thương hiệu thời trang nổi tiếng Nhật Uniqlo, lĩnh vực F&B có các thương hiệu PastaMania (Singapore), Hokkaido Baked Cheese Tart (Nhật)…

Điều này mang lại niềm vui cho một số chuỗi trung tâm thương mại, mà sự kiện EIO trị giá 740 triệu USD của Vincom Retail đã phản ánh phần nào sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư vào thị trường bán lẻ hiện nay.

Dù vậy vẫn có những chuỗi bán lẻ kinh doanh không mấy khả quan. Một số thậm chí đang tìm cách bán mình cho những nhà bán lẻ khác khi không kịp thay đổi để thích nghi với phong cách mới của người tiêu dùng, hay đối mặt với áp lực cạnh tranh khắc nghiệt hơn từ các đối thủ mới cũng như xu thế bán hàng trực tuyến ngày một phổ biến hơn.

Tái cấu trúc hay chuyển nhượng

Union Square, trung tâm thương mại sở hữu 4 mặt tiền đường cực kỳ đắt đỏ tại quận 1, gần như im hơi lặng tiếng trong cả năm qua. Lý do là chủ sở hữu Tập đoàn Vạn Thịnh Phát quyết định đóng cửa để tái thiết kế, đồng thời chuẩn bị tung ra một chiến lược kinh doanh mới để thu hút hơn các thương hiệu bán lẻ.

Ảnh: Sơn Phạm.

Như vậy, sau thương vụ thâu tóm đình đám trị giá gần 10.000 tỉ đồng vào năm 2013, Union Square đã trải qua 2 đợt tái cơ cấu. Dù vậy hiệu quả kinh doanh đến giờ vẫn còn phải chờ trong khi các đối thủ liền kề đó như Vincom Center Đồng Khởi hay Saigon Centre liên tục ký được các hợp đồng thuê mặt bằng rất lớn từ các thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Chuỗi Parkson vẫn đang vật lộn với muôn vàn khó khăn. Đơn vị này đã liên tiếp đóng cửa các trung tâm thương mại không hiệu quả ở Hà Nội và TP.HCM. Việt Nam vẫn là một trong những thị trường góp phần khiến Parkson thua lỗ. Trong quý I năm tài chính 2017-2018 kết thúc vào ngày 30.8.2017, Parkson báo lỗ tổng cộng 9,5 triệu USD do doanh thu bán hàng suy giảm.

Nếu các công ty lớn còn gặp nhiều khó khăn thì những người chơi ít tiếng tăm hơn cũng không dễ thở. Trong năm qua, theo ghi nhận của CBRE Việt Nam, đã xuất hiện một số chủ đầu tư căn hộ muốn chuyển nhượng phần khối đế thương mại cho các đối tác bán lẻ chuyên nghiệp hơn. Số khác linh động hơn khi bắt tay với người thuê trong việc chia sẻ lợi nhuận từ hiệu quả kinh doanh từng tháng, chứ không bám vào mức phí cho thuê cố định.

Dù có nhiều khó khăn nhất định, nhưng thị trường bất động sản bán lẻ vẫn đón lượng cung mới trong năm qua, cho thấy niềm tin của một số nhà đầu tư vào thị trường. Quý IV/2017, toàn thị trường bất động sản bán lẻ chào đón thêm 21.300m2 diện tích cho thuê ròng (NLA) từ 2 trung tâm thương mại là The Garden Mall và khối đế bán lẻ của Viettel Complex (quận 10). Tính chung cho cả năm 2017, thị trường có 7 dự án cung cấp thêm 74.183m2 diện tích bán lẻ, nâng nguồn cung hiện hữu tại TP. HCM lên tới 820.840m2 NLA. Các nguồn cung mới đều tập trung tại khu ngoài trung tâm và không có diện tích mới nào tại khu trung tâm.

Về giá chào thuê, khu trung tâm giữ nguyên giá so với quý trước ở mức 115,4 USD/m2/tháng (hơn 2,6 triệu đồng) vì không có thay đổi nào về nguồn cung bán lẻ nhưng giảm khoảng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. So với khu vực trung tâm, mặt bằng ngoài trung tâm có mức giá mềm hơn khi chỉ khoảng 37,8 USD/m2/tháng (hơn 850.000 đồng), tương ứng tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Cuối tháng 1 năm nay, nhãn hàng thời trang H&M sẽ tiếp tục mở cửa hàng thứ 2 tại TP.HCM với địa điểm được chọn là Vincom Mega Mall Thảo Điền, phần nào cho thấy khu vực ngoài trung tâm đang dần trở thành một thế lực mới trên thị trường bán lẻ TP.HCM đi cùng với sự mở rộng không gian đô thị ra các quận vùng ven.

Khó khăn tái định vị

Trên thực tế, bất động sản bán lẻ là một trong những thị trường được giới chuyên gia dự đoán sẽ bùng nổ trong các năm tới, nhất là nhờ kinh tế cải thiện, tầng lớp trung lưu gia tăng khá nhanh cùng sự đổ bộ ngày càng nhiều của các thương hiệu hàng đầu quốc tế.

Nếu loại trừ một số trung tâm thương mại tạm dừng hoạt động để tái cơ cấu thì theo ghi nhận của CBRE, tỉ lệ lấp đầy của các trung tâm thương mại tại khu trung tâm TP.HCM vẫn lên đến 99,7%, khu vực ngoài trung tâm lên đến 93,1%, mức kỷ lục từ năm 2012.

Nhưng trong ngắn hạn, áp lực đạt được kết quả tích cực về hiệu quả hoạt động không phải là nhỏ. Lý do là bất động sản tăng quá nóng kể từ năm 2015 khiến cho mặt bằng giá gia tăng chóng mặt, nhất là khu vực trung tâm vốn bị hạn chế về quỹ đất trống. Chi phí phát triển dự án gia tăng đột biến khiến cho các trung tâm thương mại đối diện với tình thế lưỡng nan: vừa phải đảm bảo mức phí cho thuê đủ cao để duy trì tỉ suất sinh lợi phù hợp, vừa phải đủ thấp để hấp dẫn người thuê. Tất nhiên, không dễ tìm được lời giải “vẹn cả đôi đường” cho bài toán cân bằng này.

Từ nay đến năm 2020, dự kiến sẽ có khoảng 13 trung tâm thương mại được đưa vào vận hành, cung cấp thêm tới 638.082m2 diện tích cho thuê (tương ứng tăng 77%). Tiêu biểu như dự án Sala Shopping Centre (quận 2), Estella Place (quận 2), khối đế của Vinhomes Central Park (Bình Thạnh) hay Elite Mall (quận 8). Các trung tâm thương mại mới được thiết kế với không gian hiện đại, hướng về sự trải nghiệm hơn sẽ trở thành các đối thủ đáng gờm trên thị trường.

“Dự báo trong 3 năm tới, cạnh tranh trong thị trường bán lẻ sẽ tăng cao do một lượng lớn mặt bằng bán lẻ ở dưới khối đế căn hộ sẽ được chào thuê. Cùng với đó là thương mại điện tử nhận được sự quan tâm hơn từ phía nhà đầu tư và người tiêu dùng. Tính đến năm 2020, doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tăng 60% so với năm 2017 và sẽ chiếm gần 1,5% tổng doanh thu bán lẻ”, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cao cấp của CBRE Việt Nam, nhận định.

Thế giới di động mở cửa bảy nhà thuốc An Khang

Bên trong nhà thuốc, các loại thuốc chữa bệnh chiếm một nửa diện tích trưng bày, nửa còn lại là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế…

Thế giới di động, hệ thống bán lẻ điện thoại, điện máy có quy mô lớn nhất thị trường, đã chính thức bước chân vào lĩnh vực bán lẻ dược phẩm bằng việc mở cửa một loạt nhà thuốc An Khang tại TP.HCM hôm 06.01.2018.

Trước đó, ngày 28.12.2017, hội đồng quản trị của Thế giới di động đã thông qua quyết định mua lại cổ phần của Công ty cổ phần bán lẻ An Khang, chủ sở hữu nhà thuốc An Khang.

Toàn bộ bảy nhà thuốc An Khang hiện tại đều nằm trên các mặt bằng trước đây của nhà thuốc Phúc An Khang. Từ cuối năm 2017, hệ thống nhà thuốc Phúc An Khang đã tạm đóng cửa để tiến hành sửa chữa nhằm chuyển đổi sang chuỗi nhà thuốc mới với tên gọi An Khang.

Một nhà thuốc An Khang mới khai trương trên con phố sầm uất Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình). Ảnh: Forbes Việt Nam.

Các nhà thuốc An Khang có bảng hiệu màu xanh lá với biểu tượng hình người đặc trưng cho các thành viên của Thế giới di động như các chuỗi Thế giới di động, Điện máy xanh và Bách hóa xanh. Khác với các thành viên còn lại, An Khang có thêm một biển hiệu chữ thập nhấp nháy phía trước cửa, gây sự chú ý tới người đi đường.

Bên trong nhà thuốc, các loại thuốc chữa bệnh chiếm một nửa diện tích trưng bày, nửa còn lại là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế… Việc thanh toán, quản lý sản phẩm sẽ được nhân viên nhà thuốc An Khang thực hiện thông qua điện thoại di động như các cửa hàng bán lẻ của Thế giới di động. Đây là điểm khác biệt so với hệ thống Phúc An Khang, vốn trước đây sử dụng máy tính để quản lý.

Bên trong một nhà thuốc An Khang với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe được bày bán bên cạnh các loại thuốc chữa bệnh. Ảnh: Forbes Việt Nam.

Ứng dụng di động của nhà thuốc An Khang đã xuất hiện trên hệ điều hành Android. Tuy nhiên nhân viên của nhà thuốc cho biết hiện chưa triển khai việc đặt mua sản phẩm trên ứng dụng này. Website của nhà thuốc An Khang đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng người dùng có thể tra cứu thông tin về thuốc, bệnh viện, bác sĩ, các loại bệnh…

Nhu cầu tiêu dùng thuốc tại Việt Nam được dự báo ngày càng tăng cao do Việt Nam đã kết thúc giai đoạn dân số vàng và đang bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2017. Đây là động lực chính giúp ngành dược phẩm bắt đầu bước vào giai đoạn đầu của quá trình phát triển sau một thời gian dài phát triển tự phát và thiếu sự quy hoạch, kiểm soát bài bản, công ty chứng khoán FPT nhận định.

Mức tiêu thụ thuốc bình quân đầu người tại Việt Nam, theo ước tính của IMS Health, chỉ khoảng 33 đô la Mỹ vào năm 2015 và dự báo sẽ tăng lên gần 50 đô la Mỹ vào năm 2020. Dù vậy, mức tiêu thụ này vẫn thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung ở mức 180 đô la Mỹ của cả thế giới.

Một góc nhà thuốc An Khang. Ảnh: Forbes Việt Nam.

Các nhà thuốc An Khang vừa đồng loạt được mở cửa vào ngày 06.01.2018 sau khi tu sửa lại từ nhà thuốc Phúc An Khang. Ảnh: Forbes Việt Nam.

Lĩnh vực bán lẻ dược phẩm, với quy mô khoảng 5 tỉ đô la Mỹ vào năm 2016 nhưng chưa có doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường, đang là đích ngắm tiếp theo của các ông lớn trong ngành bán lẻ.

Để nhanh chóng thâm nhập thị trường, Thế giới di động lên kế hoạch mua bán sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế giới di động từng chia sẻ tham vọng trước Đại hội đồng cổ đông hồi cuối tháng 03.2017. Thế giới di động đã quyết định dành 2.500 tỉ đồng cho hoạt động M&A.

Tổng giám đốc FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp mới đây xác nhận đã đầu tư vào chuỗi nhà thuốc Long Châu tại TP.HCM. Digiworld, công ty chuyên phân phối sản phẩm công nghệ cũng đang bắt tay vào phân phối thực phẩm chức năng.