Category Archives: Job seeker

10 bài học bạn ước gì biết trước khi 30 tuổi

Có nhiều bài học mà ở tuổi 30 mà bạn ước mình có thể biết sớm hơn, để áp dụng và thực hành tốt hơn trong cuộc sống.

Tuổi trẻ là để tận hưởng, trải nghiệm, mắc sai lầm và học được từ chính những sai lầm đó. Bên cạnh những điều thú vị đang chờ đón bạn, sẽ luôn có những khó khăn và thử thách. Thậm chí có nhiều bài học mà ở tuổi 30 mà bạn ước mình có thể biết sớm hơn, để áp dụng và thực hành tốt hơn trong cuộc sống. Dưới đây là 10 bài học được đúc kết từ những người đã bước qua giai đoạn “lưng chừng cuộc đời” truyền đạt lại, để từ đó bạn sẽ không bỏ lỡ những cơ hội, hay những khoảnh khắc tuyệt vời trong cuộc đời.

1. Tiền không bao giờ giải quyết được vấn đề thực sự

Tiền là công cụ giúp bạn mua được những thứ cần thiết trong cuộc sống, nhưng đó không phải là giải pháp giải quyết tận gốc vấn đề. Có những người tuy sống trong hoàn cảnh thiếu thốn tiền bạc nhưng vẫn có một cuộc sống ấm no và hạnh phúc, tuy nhiên lại có những người tuy có rất nhiều tiền nhưng lại không thể có được cuộc sống hạnh phúc như vậy.

Tiền có thể mua được nhà lầu, xe hơi và rất nhiều thứ khác. Nhưng nó không thể mua được những mối quan hệ đã đổ vỡ, chữa lành vết thương tâm hồn, làm bạn bớt cô đơn hơn hay mua được hạnh phúc. Hạnh phúc không phải để mua hay bán. Thứ “hạnh phúc” mà nó mang lại chỉ là thoáng qua thôi và đó không phải hạnh phúc thực sự mà mỗi chúng ta đang kiếm tìm. Đừng quá phụ thuộc và đặt quá nặng vấn đề vật chất, bạn sẽ bỏ qua nhiều thứ thật sự quan trọng trong đời đấy.

2. Học cách sống chậm

Người trẻ rất hay thích làm nhiều thứ một lúc. Chúng ta cần phải quyết định mọi thứ, hoạch định cuộc sống của mình, trải nghiệm mọi thứ, đi lên đỉnh cao, đi tìm tình yêu đích thực, tìm ra mục tiêu của đời mình.. Thật ra, làm mọi chuyện cùng một lúc sẽ rất khó mang lại cho bạn thành công.

Sống chậm một chút. Cuộc sống như một quyển sách, hãy trải nghiệm, nghiền ngẫm từng trang một. Đợi một chút để xem nơi bạn cần đến, dành thời gian để cân nhắc kỹ hơn những lựa chọn, thưởng thức mọi món ăn, dành thời gian để quan sát cuộc sống xung quanh, để người kia là người kết thúc cuộc trò chuyện. Hãy để cho mình thời gian để suy nghĩ, để nghiền ngẫm một chút. Hành động là rất quan trọng. Làm việc theo các mục tiêu đã đề ra và lập kế hoạch cho tương lai là rất đáng khen ngợi và thường rất hữu ích, nhưng tốc độ chạy nhanh trước bất cứ điều gì là cách tốt nhất để bạn bỏ lỡ nhiều điều thú vị và nhiều cơ hội đang tiềm ẩn trong cuộc sống muôn màu này.

3. Bạn không thể làm vừa lòng tất cả mọi người

“Tôi không biết bí quyết để thành công, nhưng tôi có thể nói bí quyết để thất bại chính là cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người” – Bill Cosby.

Bạn không cần tất cả mọi người phải đồng ý với bạn hoặc thậm chí phải quý mến bạn. Giá trị bạn đang tìm kiếm nằm ở bên trong chính con người bạn. Hãy luôn nói lên chính kiến của bạn, giữ vững quan điểm, điều chỉnh khi cần thiết, luôn yêu cầu người khác phải tôn trọng mình và luôn trung thực với bản thân.

4. Sức khỏe là tài sản quý giá nhất

Sức khỏe là tài sản vô giá, không gì thay thế được. Hãy trân trọng, nuôi dưỡng và bảo vệ tài sản quý giá này của bạn. Khi còn trẻ bạn thường phung phí sức lực vì sinh lực còn dồi dào, nhưng chúng ta rồi sẽ hối hận khi về già và bệnh tật ập đến. Bệnh tim, bệnh về xương khớp, đột quỵ và nhiều căn bệnh ung thư khác nữa. Vì vậy, hãy chăm sóc cho bản thân ngay từ bây giờ.

5. Bạn không thể luôn có được điều mình muốn

“Cuộc sống vẫn diễn ra trong lúc bạn đang bận lập kế hoạch” – John Lennon. Cho dù bạn lập kế hoạch có cẩn thận thế nào và làm việc chăm chỉ ra sao, sẽ có những lúc mọi chuyện không thể theo ý bạn. Điều đó là đương nhiên và xảy đến với tất cả mọi người. Ai cũng có những mong đợi của riêng mình, ai cũng từng vẽ nên bức tranh tương lai về cuộc sống mà mình mong ước. Mặc dù vậy, đa phần cuộc sống không được lý tưởng như thế. Đôi khi chúng ta không thực hiện được ước mơ của mình hoặc thay đổi hướng đi trong cuộc đời. Và đôi khi bạn sẽ phải vấp ngã, thất bại và thử rất nhiều điều trước khi tìm được hướng đi đúng cho riêng mình. Rất nhiều người cũng giống như bạn, họ đã vượt qua và thành công. Thế nên bạn đừng bao giờ mất hy vọng và ngừng cố gắng.

6. Bạn không phải là tất cả

Bạn không phải là “cái rốn” của vũ trụ. Rất khó để nhìn cuộc sống dưới quan điểm của người khác, vì ai cũng quá tập trung vào cuộc sống của mình. Mình phải làm gì hôm nay? Điều này có ý nghĩa gì đối với mình, cho sự nghiệp của mình, cho cuộc sống của mình? Mình muốn gì? Thật hiển nhiên khi bạn nhận thức sâu sắc về mọi thứ đang diễn ra trong cuộc sống của mình. Tuy vậy, cuộc sống vẫn cần bạn quan sát xung quanh. Khi có cái nhìn khác, nhân sinh quan, thế giới quan khác, bạn sẽ có được cái nhìn toàn cảnh hơn của bất cứ vấn đề nào sẽ xảy đến với bạn.

7. Không xấu hổ về kiến thức của mình

Không ai biết tất cả mọi thứ trên đời cả. Vì thế, chẳng có gì xấu hổ khi nói: “Tôi không biết”. Giả vờ mình hoàn hảo sẽ chẳng bao giờ giúp bạn trở nên hoàn hảo được, bạn sẽ rất mệt mỏi vì phải luôn chứng tỏ mình. Đôi khi bạn thấy xấu hổ vì sự thiếu hiểu biết của mình nhưng bạn nên thừa nhận rằng chúng ta không thể nào biết tất cả mọi thứ. Tất cả chúng ta ai cũng sẽ mắc sai lầm hoặc gây ra một đống rắc rối. Những lúc như vậy sẽ dạy cho bạn những bài học đắt giá mà bạn chỉ có thể học được trong trường đời mà thôi.

8. Tình yêu không chỉ là cảm xúc, đó còn là một lựa chọn

Không chỉ là vấn đề về cảm xúc, tình yêu còn cho bạn rất nhiều lựa chọn. Bạn có thể chọn tha thứ, tử tế, tôn trọng, hỗ trợ, chân thực trong tình yêu hoặc ngược lại. Đôi khi lựa chọn đó thật dễ dàng, có lúc lại rất khó khăn nhưng đó là điều bạn muốn, nghĩ và hành động trong mối quan hệ là của chính bạn.

9. Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi

Thông thường, chúng ta lo lắng, suy sụp, thất vọng có thể do không biết được tương lai phía trước. Mọi việc xảy ra ngay hiện tại có vẻ như quá to lớn, quan trọng, thậm chí là vấn đề sống còn với bạn. Cuộc chiến mà chúng ta đang đương đầu, công việc mà chúng ta không nhận được, sự thật hay là tưởng tượng, sự thay đổi đột ngột, điều chúng ta muốn… bạn không thể quyết định được chúng. Nhưng 20, 30 thậm chí 40 năm nữa, thì những việc đó không còn là vấn đề nữa. Trừ khi đó là việc liên quan đến tính mạng con người, hãy để những đau khổ, tổn thương hôm nay trôi qua và dũng cảm bước tới.

10. Trân trọng những điều bạn có

Chúng ta thường không trân trọng những gì đang có cho đến khi ta đánh mất nó, sức khỏe, gia đình, bạn bè, công việc, tiền bạc… Khi bạn còn trẻ, bạn nghĩ bố mẹ sẽ sống mãi bên bạn, nhưng không phải như thế. Bạn nghĩ sẽ dành thời gian hỏi thăm đứa bạn cũ hoặc đi chơi với đứa bạn mới vào một lúc nào đó, nhưng cuối cùng bạn cũng chẳng làm được. Bạn có tiền để tiêu xài hay bạn nghĩ ít ra thì tháng tới cũng sẽ có. Nhưng cuối cùng vẫn không có gì cả. Không gì trong đời có thể đảm bảo rằng tất cả mọi việc của ngày mai sẽ diễn ra đúng như suy nghĩ của bạn. Cuộc sống có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Hãy trân trọng những gì bạn có.

6 điểm chung của người thành công

Tất cả mọi người đều mong muốn thành công. Có gì bí mật phía sau những người thành công? Họ có thói quen gì khác biệt? 

1. Luôn giữ thái độ tích cực

Những người thành công luôn giữ một thái độ tích cực, ngay cả khi họ gặp phải khó khăn thì điều này cũng giúp họ tỉnh táo hơn trong khi suy nghĩ và tìm ra cách giải quyết vấn đề. Hơn nữa, họ cũng dành thời gian cho những người có thái độ tích cực bởi vì môi trường xung quanh cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ của mỗi chúng ta.

Những người có thái độ tiêu cực sẽ chỉ làm mất thời gian quý báu của họ để than phiền về những thứ vô ích và lo lắng không đâu.

2. Tự tin vào bản thân

Bất cứ ai cũng đều có ước mơ, hoài bão riêng nhưng không phải ai cũng đủ kiên trì để thực hiện và không phải ai cũng tự tin hoàn toàn vào bản thân mình để không từ bỏ giữa chừng. Và nếu trong quá trình thực hiện ấy, giấc mơ có dang dở thì họ sẽ không bỏ phí một giây để than vãn mà nhìn nhận, đánh giá xem yếu tố nào gây thất bại và tiếp tục đứng lên.

Khi còn trẻ, Abraham Lincoln đã từng được đề bạt lên giữ chức chỉ huy song ông đã từ bỏ và quay trở về quê nhà nghèo nàn của mình. Ông đã thử nhiều lọai hình kinh doanh nhưng tất cả đều thất bại. Sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng ông vẫn nuôi giấc mơ trở thành một luật sư thành công. Ông đã mất rất nhiều thời gian để có thể vận hành một văn phòng riêng và sau đó là vượt qua vô vàn khó khăn trở thành vị tổng thống nổi tiếng của Hoa Kỳ.

3. Chấp nhận bị phê bình

Người thành công luôn sẵn sàng chấp nhận những nhận xét chân thành, cũng như những lời phê bình từ người khác. Họ tiếp nhận một cách tích cực những phản hồi ấy và nỗ lực hoàn thiện bản thân một cách tốt hơn.

Walt Disney từng bị đánh giá “không đủ sáng tạo” trên một bài báo và thậm chí đánh mất quyền sở hữu nhân vật hoạt hình đầu tiên của mình. Đó là chú thỏ may mắn trong bộ phim Oswald the Lucky Rabbit. Khi đó, công việc kinh doanh của ông gần như phá sản.

Khi Disney bắt đầu suy nghĩ về việc làm một bộ phim hoạt hình dài, hầu như không ai nghĩ đây là một ý tưởng tốt. Ông thậm chí đã phải thế chấp căn nhà của mình và đi vay tiền để hoàn thành Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Khi bộ phim ra đời, nó đã được các nhà phê bình đánh giá cao và thu về 8 triệu USD, trở thành bộ phim hoạt hình thành công nhất được thực hiện vào thời điểm đó.

4. Hình dung ra thành công

Có thể nhiều người cho rằng điều này thật huyễn hoặc hay mơ tưởng quá xa vời, nhưng việc hình dung ra bản thân sống trong thành công với mục đích dù ngắn hạn hay dài hạn sẽ nhắc nhở bản thân họ cần phải làm gì. Đôi khi mọi việc có thể xảy ra không theo ý muốn nhưng việc này sẽ động viên, kích thích họ tăng cường năm lấy các cơ hội hơn.

5. Khiêm tốn và bác ái

Những người thành công luôn khiêm tốn và thực tế, họ không bao giờ khoe khoang về thành quả của mình và tiếp tục sống cuộc sống thường ngày. Ngoài ra, họ thường xuyên tham gia vào các hoạt động từ thiện nhằm cải thiện cuộc sống cho những người nghèo khổ, khó khăn. Họ luôn cho rằng những gì họ có được do xã hội mang lại. Khi giành được những thành công, họ luôn muốn chia sẻ với xã hội.

Ở tuổi 26, ông chủ Facebook đã làm một việc rất ý nghĩa khi tặng số tiền 100 triệu USD để cứu hệ thống trường công lập Newark Public Schools tại bang New Jersey. Mark Zuckerberg cũng có tên trong quỹ The Giving Pledge do Warren Buffett và Bill Gates thành lập với cam kết đóng góp ít nhất một nửa số tài sản cho hoạt động từ thiện.

10 điều ‘dân văn phòng’ cần tránh mỗi buổi sáng khi đến văn phòng

 

 
1. Đến muộn
Đến muộn có thể nói là sai lầm thường gặp phải nhất của dân công sở, những lý do thì có thể vô vàn, từ con quấy, tắc đường cho tới bị… cún tha mất giày. Thế nhưng, thời gian có mặt tại văn phòng là thước đo quan trọng trong quá trình đánh giá nhân viên của lãnh đạo.
Thống kê mới đây của Huffington Post cho thấy quản lý thường đánh giá nhân viên đến muộn là kém nghiêm túc và mặc dù hiệu quả công việc của họ có cao thế nào đi chăng nữa, trong mắt đội ngũ quản lý, họ luôn là một kẻ không tuân thủ.
Thêm vào đó, đừng nghĩ bạn làm thêm giờ vì đến muộn có thể trung hoà được tội lỗi ban đầu, điều này hoàn toàn không đúng. Quy định được xây dựng để tuân thủ và đến sớm hơn vài phút so với thời gian quy định sẽ giúp bạn có được ngày làm việc dài, hiệu quả hơn.
2. Không chào hỏi các đồng nghiệp
Mặc dù đây là tác phong cơ bản tại bất kì đâu, thế nhưng một bộ phận không nhỏ giới văn phòng đã “quên” rằng họ cần chào hỏi đồng nghiệp của mình, nếu tốt hơn cả hãy chúc đồng nghiệp có được một ngày làm việc hiệu quả. Tất nhiên, bạn cần làm điều này cẩn thận không những để tăng sự gắn kết giữa bản thân với đồng nghiệp mà nó còn tạo nên bầu không khí ấm cúng trong môi trường làm việc.
Nếu như bạn là quản lý và bạn không chào cấp dưới của mình khi tới văn phòng, sẽ chẳng có ai nể phục bạn. Tất nhiên, khi không có được sự nể phục, đừng mong chờ đội ngũ nhân sự sẽ sẵn sàng lăn xả trong mọi tình huống công việc được bạn giao phó.
Một câu chào hỏi không tốn quá nhiều thời gian, hãy gắn kết với đồng nghiệp và để họ thấy sự hiện diện của bạn, đừng xuất hiện như một cái bóng vô hình trên văn phòng.
3. Uống cafe quá sớm
Nghe có vẻ thật nực cười nhưng bộ đôi công sở và cafe đã đi vào tiềm thức của bất kì ai, mọi người luôn muốn uống một tách cafe trước khi làm việc để tỉnh táo và tập trung hơn. Tất nhiên, điều này hoàn toàn chính xác thế nhưng thời điểm uống một cốc cafe lại rất quan trọng.
Một nghiên cứu cho hay cơ thể con người tiết ra hóc môn giúp tái tạo năng lượng, hóc môn này hoạt động mạnh nhất vào thời điểm từ 8 giờ sáng cho tới 9 giờ sáng. Đây sẽ là bình năng lượng giúp bạn duy trì các hoạt động của mình trong ngày.
Việc uống một cốc cafe vào khoảng thời gian này sẽ kìm hãm khả năng sản sinh năng lượng tự nhiên của cơ thể và khiến chúng ta bị phụ thuộc quá nhiều vào cafeine. Nghiên cứu cho thấy khoảng thời gian hợp lý nhất để uống cafe là sau 9 giờ 30 sáng.
Nếu bạn nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi trong buổi sáng, hãy thử đổi khung giờ uống cafe của mình để thấy sự khác biệt.
4. Trả lời tất cả các email khi vừa tới văn phòng
Ngay khi vừa tới văn phòng, bạn mở hòm thư và trả lời tất cả các email được gửi từ tối hôm trước. Mặc dù vậy, điều này không thật sự hiệu quả.
Trong nghiên cứu của Michael Kerr, một diễn giả kinh tế nổi tiếng, thì trong 10 phút đầu tiên, hãy chọn lọc những email có nội dung quan trọng nhất sau đó phân loại các email còn lại.
Cái đích của bạn chính là một bản kế hoạch ngắn về trả lời email, ưu tiên những email quan trọng và tập trung giải quyết những email quan trọng trước, những đầu việc nhỏ hơn có thể để lại phía sau.
Việc trả lời toàn bộ email vào buổi sáng cũng làm cho bạn trở thành tâm điểm cho những đầu việc sắp tới. Trả lời theo thứ tự sẽ giúp bạn phân tách công việc trong ngày, tránh quá tải cũng như đạt hiệu quả cùng sự tập trung cao độ. Thứ tự ưu tiên trả lời email sẽ là email của sếp, các email có nội dung quan trọng và sau đó là những email còn lại.
5. Làm việc ngay mà không có kế hoạch
Trong 10 phút ban đầu, tại sao lại mở máy tính, lấy tài liệu làm việc luôn mà không xây dựng kế hoạch làm việc trong ngày cho bản thân? Chỉ với 10 phút, bạn có thể nhanh chóng xây dựng một thời gian biểu trong ngày với các đầu việc cụ thể. Cách thức này giúp bạn tự đánh giá được hiệu quả làm việc vào cuối ngày cũng như nó sẽ giúp bạn không bỏ lỡ bất kì đầu việc quan trọng nào.
Bạn có thể tự đặt giờ cho những đầu việc của mình trên điện thoại và nếu như bạn làm xong một đầu việc sớm hơn, bạn có thể sử dụng khoảng thời gian rảnh rỗi này để làm những công việc khác như đọc báo chẳng hạn.
Lưu ý rằng bạn nên hẹn giờ cả cho những buổi họp và cần tính trước để tránh tình trạng đứt quãng khi làm việc. Giả dụ như bạn đang thống kê sổ sách, dự tính cho mình 2 giờ để hoàn thiện và khi vừa làm được 30 phút thì cuộc họp tới. Sau khi họp, quá trình làm việc ban đầu sẽ bị đứt quãng dẫn tới việc tốn thêm thời gian xem xét lại những gì đã làm.
6. Việc dễ làm trước
Đi làm không giống với việc giải một đề thi khi bạn ưu tiên làm những câu dễ trước và để lại câu khó.
Quá trình làm việc kéo dài trong 8 giờ hoặc nhiều hơn khiến cơ thể sớm mệt mỏi, chính vì thế thay vì làm những đầu việc đơn giản trước, hãy dành toàn bộ năng lượng cho những công việc khó nhằn nhất ngày.
Một khi đã hoàn thành xong những đầu việc khó, phần năng lượng còn lại đủ để vận hành não bộ hoàn thiện những đầu việc nhẹ nợ hơn.
7. Làm quá nhiều việc cùng lúc
Vào mỗi buổi sáng, khi hóc môn sản sinh năng lượng hoạt động, bạn có cảm giác mình như là siêu nhân với năng lượng vĩnh cửu và sẵn sàng làm nhiều đầu việc cùng lúc. Mặc dù vậy, giống với đầu mục 6, thay vì làm quá nhiều việc cùng lúc, hãy tập trung vào những đầu việc khó nhất để tối ưu hoá năng lượng bản thân sau đó thực hiện những công việc dễ hơn.
Có thể làm nhiều việc cùng lúc sẽ khiến bạn oai hơn trong mắt đồng nghiệp, thế nhưng đừng quên hiệu quả công việc mới là thước đo đánh giá chứ không phải là vài phút hào nhoáng của bản thân.
8. Bận tâm tới những suy nghĩ tiêu cực
Bước chân trái ra ngoài cửa, vừa ra ngoài đã giẫm phải túi rác hay ra đường bị va quệt giao thông? Hãy bỏ ngay những suy nghĩ đó khỏi đầu khi tới văn phòng vì một khi bạn còn bận tâm đến nó, nó sẽ còn tiêu tốn thời gian của bạn. Chưa kể tới việc bạn sẽ muốn giải toả và kể chúng với đồng nghiệp để rổi đến cuối ngày tất cả mọi người chẳng làm được gì.
Thay vào đó, bạn có thể xếp những suy nghĩ tiêu cực vào một ngăn riêng trong não bộ sau đó chia sẻ hoặc nghĩ về chúng trong giờ nghỉ trưa hay sau khi kết thúc giờ làm. Hãy để một ngày làm việc nghiêm túc và tập trung nhất có thể.
9. Chuyện họp và hành
Nghe có vẻ ngược đời khi mà khoảng thời gian bắt đầu một ngày làm việc thường được sử dụng cho những cuộc họp, tất nhiên về lý thuyết đây là điều đúng khi mà đó là khoảng thời gian ít vướng bận nhất của toàn bộ đội ngũ nhân sự. Mặc dù vậy, nếu bạn đã đi họp bạn sẽ hiệu chúng mệt mỏi ra sao, để dành khoảng thời gian nhiều năng lượng nhất trong ngày để họp chẳng khác gì với việc bạn mua một chiếc xe thể thao để đi khi đường tắc.
Nếu bạn là quản lý, hãy để những buổi họp vào cuối ngày, khi lịch đã lên, vắng mặt là điều không thể chấp nhận. Buổi họp cuối ngày sẽ giúp không ai phí phạm năng lượng để đạt hiệu quả tốt hơn cho những đầu việc phức tạp.
10. Làm việc không theo lịch
Khi tới văn phòng, bạn thấy bàn làm việc của mình thật bừa bộn, thế nhưng bạn vẫn cần uống một cốc cafe hay đi lấy tài liệu mà sáng nào bạn cũng làm. Phải làm gì trong trường hợp này?
Theo Charles Duhigg, tác giả cuốn “Sức mạnh của thói quen” thì những công việc phát sinh nên để sau và hãy hoàn thiện các hoạt động mỗi ngày trước tiên. Giả sử bạn quen với việc đến văn phòng, đánh giày, đánh răng, đọc báo, uống cafe… thì hãy thực hiện nó trước, bạn có thể dọn dẹp chiếc bàn bày bừa của mình sau.
Lý do ư? Làm việc theo thói quen hoặc theo lịch giúp bạn đỡ phải suy nghĩ xem nên làm gì trước hay sau, điều này đồng nghĩa với giảm năng lượng sử dụng cho não bộ, kéo dài năng suất một ngày.
Tất nhiên, những thói quen này được hình thành theo khoảng thời gian dài làm việc, hãy chọn cho mình những thói quen phù hợp để bắt đầu ngày làm việc mới, hạn chế những công việc tiêu tốn năng lượng quá nhiều ví dụ như… chống đẩy trước khi làm việc vì nó có thể đốt sạch năng lượng cả ngày của bạn.
-Sưu tầm-

3 nghệ thuật bán hàng từ quầy nước chanh của một đứa trẻ

Chris Myers, Co-Founder & CEO of BodeTree – công ty giải pháp tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ. Trong một dự án… bán nước chanh cùng con trai trong mùa hè, ông đã học được bài học quý giá về nghệ thuật bán hàng. Và đây là câu chuyện thú vị từ ông, được chia sẻ trên Forbes.

“Tôi dự định dạy con trai mình những bài học quan trọng trong cuộc đời từ quầy nước chanh này. Thế nhưng tôi bất ngờ nhận ra mình mới chính là người cần học hỏi, những bài học vô giá về nghệ thuật bán hàng”, Chris chia sẻ.

Chris Myers, Co-Founder & CEO of BodeTree

Bài học 1: Hãy gõ cửa từng nhà

Khi vừa dựng xong quầy hàng, tôi đã nghĩ sẽ chẳng có vị khách nào ghé đến. Là một người cha, không có gì khó chịu hơn việc nhìn thấy ngọn lửa nhiệt huyết dần tắt đi trong mắt con mình khi mọi thứ diễn ra không như mong đợi. Trong khi tôi còn đang suy nghĩ tìm cách để lôi kéo khách hàng thì thằng bé đã chạy vọt vào nhà, và sau vài phút đã trở ra với một tấm biển chỉ dẫn cỡ lớn. Không chần chừ tí nào, thằng bé tiến lên phía trước quầy, vẫy tấm biển thật nhiệt tình, và quay lại nói với tôi: “Bố ơi, bố xem, con là người cầm bảng hiệu này!”

Sau đó con trai tôi hướng về phía mọi người và gào lên thật to: “Nước chanh đây! Bánh quy đây! Xin mời, xin mời mọi người!” Không lâu sau, vài người ra khỏi nhà để xem tiếng động bắt nguồn từ đâu.

Nhờ vào chiêu quảng bá độc đáo này, chỉ vài phút sau, rất nhiều người kéo đến xếp hàng khiến tôi cũng phải lao vào phụ việc. Tôi đã không ngờ rằng kế hoạch của thằng bé có thể đạt hiệu quả đến như thế, và chợt nhận ra phương pháp của tôi thế mà lại hoàn toàn sai lầm. Tôi là kiểu người sẽ ngồi sau chiếc bàn và chờ khách hàng đến, còn con trai tôi lại không kiêng sợ bất cứ điều gì cả.

Không quan trọng là bán nước chanh hay phần mềm máy tính, để thành công, bạn cần phải hoà đồng, đam mê và dám đương đầu thử thách. Thông thường, các doanh nhân lại quá chú trọng đến sản lượng bán ra, và dễ dàng rơi vào cái bẫy tâm lý “hữu xạ tự nhiên hương”. Tuy nhiên, cách bán hàng đúng đắn là bước ra đường và gõ cửa từng nhà một.

Bài học 2: Đa dạng hoá sản phẩm

Khi con trai tôi nói muốn mở một hàng nước chanh, tôi đã nghĩ nước chanh là mặt hàng kinh doanh duy nhất. Thế nhưng khi bắt tay vào việc, thằng bé lại nói cần một cái bàn trưng bày lớn hơn. Sau đó tôi mới biết thằng bé đã bỏ ra cả tuần để làm những bức tranh và những tác phẩm nghệ thuật để bày bán thêm. Nó còn nướng thêm cả bánh quy vì nghĩ rằng: “Mọi người ai cũng sẽ thích dùng bánh quy với nước chanh”.
Đó là một ngày nắng nóng, và hàng nước chanh, dĩ nhiên sẽ trở nên thật nổi bật. Và một khi có ai đó đến mua một ly nước chanh, thằng bé sẽ không ngần ngại hướng sự chú ý của họ đến cả những sản phẩm khác.

Vì nó hiểu rằng, khi có ai đó cảm thấy thật sự cần thiết để đến gian hàng, họ có thể cũng sẽ muốn mua thêm vài thứ khác tại nơi đó. Con trai tôi không bằng lòng với việc chỉ bán duy nhất một loại hàng. Thay vào đó, thằng bé muốn thu được giá trị cao nhất từ những vị khách đã ghé qua gian hàng của mình.

Thu hút khách hàng đã không phải là điều dễ dàng, vì vậy, một khi đã gây được sự chú ý, đa dạng hoá sản phẩm nhằm nâng cao lợi nhuận hết mức có thể, là một bước đi thông minh mà bất cứ doanh nhân nào cũng cần phải học tập.

Bài học 3: Hiểu rõ thứ mà khách hàng thực sự mua là gì

Bí quyết ở đây chính là xác định những sản phẩm và dịch vụ đi kèm nhằm gia tăng giá trị sản phẩm ban đầu. Trong trường hợp này, sản phẩm là nước chanh và sự đáng yêu. Tại sao người ta dừng lại ở quầy nước chanh của một đứa trẻ? Đáp án chỉ đơn giản là vì hình ảnh đó thật đáng yêu.

Mấy ai có thể làm ngơ khi nhìn thấy một đứa trẻ làm việc gì đó bằng tất cả sự nỗ lực và đam mê? Con trai tôi nhận ra nguyên lý này và đã tận dụng một cách triệt để. Khách hàng không dừng lại chỉ vì muốn uống nước chanh, đó còn là vì sự đáng yêu của đứa trẻ. Hay nói cách khác, thứ họ mua chính là đứa trẻ, chứ không phải những sản phẩm mà nó bán. Vì vậy, vấn đề đã không còn nằm ở chỗ đứa trẻ bán món hàng gì nữa. Một cách đơn giản, nếu có người dừng lại, có nghĩa là họ sẽ mua hàng.

Thật bất ngờ khi nhận ra nghệ thuật bán hàng lại cơ bản đến như vậy. Cho dù là một đứa trẻ bán nước chanh hay là một chuyên gia bán công nghệ, những nguyên lý nền tảng đều như nhau cả.

Thú vị hơn chính là, những bài học giá trị nhất sẽ xuất hiện tại những thời điểm bất ngờ nhất. Thế nên, lần tới nếu bắt gặp một đứa trẻ bán nước chanh, hãy dừng lại nhé, vì biết đâu chúng ta lại có thể học được vài kiến thức về nghệ thuật bán hàng quý giá.

5 thay đổi cách sống để thành công hơn

Nếu muốn thành công hơn, kiếm nhiều tiền hơn hoặc nhanh chóng thăng tiến trong sự nghiệp, hãy thay đổi cách quản lý tiền bạc, cách kiểm soát sự nghiệp và thậm chí cách mà chúng ta tự giới thiệu về mình.

Đúc rút kinh nghiệm từ những tên tuổi nổi tiếng trong giới doanh nhân, CNBC gợi ý 5 sự thay đổi cách sống có thể giúp chúng ta thành công hơn:

1. Lấy một quyển sách chứ đừng lấy… điện thoại

Bậc thầy đầu tư Charlie Munger – Phó chủ tịch Berkshire Hathaway tin rằng, thành công của mình đến từ thói quen mà cả người bạn thân tỷ phú Warren Buffett cũng có, là đọc sách.

Ông cho rằng, người trẻ nên dành thời gian đọc sách nhiều hơn thay vì sử dụng điện thoại.

David Clark – tác giả cuốn The Tao of Charlie Munger cho biết Munger từng nói: “Trong suốt cuộc đời, tôi chưa từng biết một người khôn ngoan nào không thường xuyên đọc sách. Không một ai cả!”.

Các bằng chứng khoa học cũng củng cố cho quan điểm này của Charlie Munger. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, những người thường xuyên đọc sách có trí thông minh cảm xúc cao hơn, tư duy sắc bén hơn và biểu lộ sự thông cảm tốt hơn.

2. Bắt đầu đầu tư nhiều hơn

Tỷ phú Mark Cuban – một trong những nhà đầu tư của chương trình truyền hình thực tế Shark Tank cho rằng, việc trở thành triệu phú có liên quan đến chấp nhận một số rủi ro đã được tính toán trước.

Chẳng hạn, ông gợi ý trên Money rằng, đầu tư vào một quỹ tương hỗ (quỹ được điều hành bởi công ty đầu tư nhằm huy động vốn cổ đông và đầu tư vào chứng khoán, trái phiếu, hàng hóa… thường phát hành chứng khoán quỹ để huy động vốn) có thể là cách hiệu quả để bắt đầu tạo dựng sự giàu có, vì rủi ro ít hơn so với các khoản đầu tư khác.

3. Đi theo “cơn đói” của bạn

Chieh Huang – CEO Công ty Boxed với doanh thu hơn 100 triệu USD mỗi năm – cho rằng, người thành công nhất luôn có một “cơn đói” thành công.

Chieh Huang là người có xuất thân nghèo khó. Ông nói, sự quyết tâm cực độ để cải thiện bản thân chính là điều làm nên sự khác biệt. Ông đã phải lao động thật chăm chỉ mới có thể hoàn thành chương trình học tại Đại học John Hopkins và Trường Luật Fordham, rồi sau đó bắt đầu sự nghiệp bằng cách thành lập một công ty bán lẻ.

Chieh Huang – CEO công ty có doanh thu thường niên lên đến hơn 100 triệu đô la Mỹ. Nguồn: CNBC

Trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng cho công ty, ông thường yêu cầu họ kể về cuộc sống của chính mình để tìm hiểu xem ứng viên này có đủ sự quyết tâm hay không. “Cách bạn kể về chính mình tiết lộ rất nhiều về cá tính và quy tắc làm việc của bạn… Và nếu không có một “cơn đói”, chỉ riêng sự thông minh sẽ không dẫn bạn đến đâu cả”, Huang nhận định.

4. Tiết kiệm

Theo nhà đầu tư nổi tiếng Mark Cuban, nếu muốn trở nên giàu có, chúng ta phải sống tiết kiệm. Vị tỷ phú này cho biết ông từng áp dụng cách tiết kiệm đến mức “khắc khổ” để dành dụm tiền, và cuối cùng, công sức đó đã được đền đáp xứng đáng.

“Tôi đã áp dụng các biện pháp tiết kiệm như chia sẻ không gian sống cùng 5 người khác, hoặc sống qua ngày chỉ bằng cách ăn mì ống và phó-mát”, Mark Cuban nói với Money và tiết lộ rằng, việc sống dưới mức nhu cầu của bản thân đã giúp ông tiết kiệm tiền hiệu quả và theo đuổi một sự nghiệp thành công.

Nhiều người thành công khác cũng làm theo chiến lược tương tự, chẳng hạn như cặp vợ chồng Cherie and Brian Lowe (ở thành phố Greenwood, bang Indiana, Mỹ) đã trả hết khoản nợ 127.000 USD chỉ trong vòng 4 năm. Cherie Lowe đã kể lại câu chuyện này trên website cá nhân QueenOfFree.net. Sau đó, câu chuyện của gia đình họ tiếp tục được đăng tải trên Wall Street Journal, Yahoo Finance, RedBook Magazine, AOL Daily Finance…

Cặp vợ chồng Cherie và Brian Lowe

“Mỗi lần kiểm tra lại giỏ hàng sau khi mua sắm, chỉ cần bỏ bớt ra 3 – 5 món đồ không cần thiết, bạn đã tiết kiệm được 5 – 10 USD mỗi lần mua sắm”, Cherie nói.

Cherie và Brian chia sẻ, việc thực hành “bài tập” tự kiểm soát đã giúp họ tạo nên sự khác biệt cho tình trạng “sức khỏe tài chính” của gia đình. Với việc giảm bớt các khoản nợ và tăng cường các khoản tiết kiệm, họ đã hạnh phúc hơn và bớt stress hơn.

5. Suy nghĩ như một doanh nhân, hành động như một hacker

Theo CEO, nhà đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, cách tư duy như một doanh nhân và hành động như một… hacker chính là yếu tố giúp Facebook trở nên khác biệt so với các startup công nghệ khác.

“Tôi nghĩ các các kỹ sư và các doanh nhân công nghệ giỏi đều có cùng một bản năng là, nếu họ muốn làm bất kỳ một điều gì đó, họ chỉ đơn giản là thực hiện nó. Vì vậy, hãy suy nghĩ như một doanh nhân và trở thành một hacker để làm điều bạn muốn”, Zuckerberg từng nói.