Category Archives: Bussiness

Ai thành công hơn: CEO “gà trống” hay “cú đêm”?

CEO của Apple Tim Cook thức dậy 3h45 sáng, CEO của hãng xe hơi Fiat Sergio Marchionne dậy lúc 3h30 sáng, và tỷ phú Richard Branson dậy lúc 5h45 sáng. Bạn thức dậy lúc nào?

Ai thành công hơn: CEO "gà trống" hay "cú đêm"?

Khoảng 50% dân số không phải là người sống về sáng hay về đêm, mà là ở đâu đó giữa ngày. Khoảng cứ bốn người lại có một người có xu hướng mở mắt thức dậy sớm hơn, và cứ bốn người lại có một người sống kiểu cú đêm.

Có nghiên cứu cho thấy người dậy sớm hay thức khuya cho thấy sự phân chia thông thường giữa phần não trái và não phải: giữa phần phân tích và hợp tác với phần tưởng tượng và cá nhân.

Nhiều nghiên cứu cho thấy những người dậy sớm thường kiên trì hơn, tự định hướng và dễ chịu hơn. Họ lập mục tiêu cao hơn cho bản thân, lên kế hoạch tương lai nhiều hơn và hiểu biết hơn về sự thịnh vượng. Và so với những người thức khuya, họ ít căng thẳng, uống bia rượu hay hút thuốc hơn.

Mặc dù người dậy sớm có thể đạt được nhiều thành tựu hơn về mặt học thuật, những người thức khuya có xu hướng làm việc tốt hơn về trí nhớ, tốc độ xử lý và khả năng nhận thức tốt hơn, thậm chí dù họ phải thực hiện công việc đó vào buổi sáng.

Người thức khuya thường cởi mở hơn đón nhận trải nghiệm mới và tìm kiếm thêm nhiều kinh nghiệm hơn. Họ có thể sáng tạo hơn (dù không phải lúc nào cũng vậy).

Và trái với châm ngôn (khỏe mạnh, thịnh vượng và thông tuệ), một nghiên cứu từng chỉ ra người thức khuya cũng khỏe mạnh giống như người hay dậy sớm – và thậm chí là giàu có hơn một chút.

Nên dậy sớm hay thức khuya?

Bạn vẫn còn nghĩ dậy sớm là yếu tố tạo thành một CEO? Đừng vội bật đồng hồ báo thức lúc 5 giờ sáng. Vì hóa ra, giảm thời gian ngủ không đem lại nhiều hiệu quả gì.

“Nếu con người được tự nhiên tuân theo thời gian họ thích, họ sẽ thấy khỏe hơn. Họ nói họ hoạt động năng suất hơn. Khả năng làm việc của não bộ tốt hơn,” nhà sinh học Katharina Wulff từ Đại học Oxford chuyên nghiên cứu về nhịp sinh học và giấc ngủ, cho biết.

Theo bà, nói cách khác, đẩy một người ra quá xa khỏi thói quen tự nhiên có thể nguy hại. Ví dụ khi phải thức dậy sớm, cơ thể người thức khuya vẫn tiếp tục sản sinh ra melatonine, tức là một hormon điều chỉnh các hormon khác và duy trì nhịp sinh học.

“Khi bạn ngắt quãng và đẩy cơ thể sang trạng thái hoạt động ban ngày, điều này có thể có rất nhiều hệ quả sinh lý tiêu cực,” Wulff nói, giống như sự nhạy cảm với insulin và đường glucose – có thể khiến tăng cân.

47% của hành động là di truyền, nghĩa là nếu bạn muốn biết vì sao bạn dậy sớm mỗi ngày (hoặc không bao giờ dậy sớm), bạn có lẽ nên nhìn lại cha mẹ mình.

Thói quen của bạn cũng thay đổi theo tuổi tác. Trẻ con thường có xu hướng dậy sớm, với đỉnh điểm và bắt đầu chuyển qua kiểu sống về đêm khi khoảng 20 tuổi, và từ từ thay đổi lại thói quen dậy sớm vào khoảng tuổi 50. Nhưng so với những người cùng tuổi, bạn có thể luôn rơi vào cùng một dải thời gian.

Dậy sớm chỉ là định kiến?

Nếu bạn là người dậy sớm, sự kết hợp giữa thay đổi sinh học từ hormone đến nhiệt độ cơ thể sẽ giúp bạn vào việc sớm hơn những đồng nghiệp thức khuya. Điều này có nghĩa những người thích dậy sớm sẽ nhanh chóng thích nghi với ngày làm việc và có vẻ như đạt được nhiều thành tựu hơn.

Với một người thức khuya phải dậy sớm vào 7 giờ sáng, cơ thể của họ vẫn nghĩ họ buồn ngủ và dẫn đến hành động kéo theo, vì thế họ sẽ lập cập lâu hơn người dậy sớm đã thức dậy cùng giờ.

Các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra đó là vì người thức khuya thường phải làm việc khi cơ thể họ không muốn, rõ ràng là họ có thể ở trong tình trạng cảm xúc tệ hơn hoặc ít hài lòng hơn về cuộc sống. Điều này cũng có thể có nghĩa là nếu họ phải xác định cách để sáng tạo hơn và thay đổi thói quen – có thể giúp khuyến khích sự sáng tạo và nhận thức của họ.

Vì định kiến văn hóa cho rằng người đi ngủ muộn và dậy muộn là lười nhác, nên hầu hết mọi người đều cố gắng trở thành người dậy càng sớm càng tốt. Những người không cố gắng làm vậy có lẽ là những người có tính cách nổi loạn hoặc mang dấu ấn cá nhân mạnh mẽ hơn.

Nhưng chuyển nhịp sinh học của một người không nhất thiết sẽ thay đổi những tính chất đó.

Một nghiên cứu gần đây nhận thấy thậm chí dù mọi người cố gắng trở thành người dậy sớm, điều đó cũng không giúp họ có cảm xúc tích cực hơn về sự hài lòng trong cuộc sống.

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy thói quen ngủ của bạn có thể “gắn liền” với các tính cách khác. Trong một nghiên cứu gần đây chẳng hạn, Neta Ram-Vlasov từ Đại học Haifa phát hiện ra những người sáng tạo hơn về mặt hình ảnh thường khó ngủ hơn, hay thức dậy nhiều lần trong đêm hơn hoặc dễ bị mất ngủ hơn so với những người khác.

Những người thức khuya thường có nhịp sinh học dài hơn, họ sẽ thấy khó chịu hơn với thời gian biểu 24 giờ, và điều này có thể khiến họ khó thành công hơn.

Doanh thu bán lẻ Cần Thơ vượt trăm ngàn tỉ đồng

Năm 2017, doanh thu bán lẻ hàng hóa của thành phố Cần Thơ lần đầu tiên vượt qua con số 100.000 tỉ đồng, dẫn đầu các địa phương còn lại trong vùng ĐBSCL và xếp thứ ba cả nước, sau TPHCM và Hà Nội.

Thông tin trên được Sở Công Thương thành phố Cần Thơ công bố tại hội nghị báo cáo tổng kết “Tình hình hoạt động năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của ngành công thương thành phố Cần Thơ” diễn ra chiều hôm nay, 11-1 Sở này cho biết tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa của địa phương này trong năm 2017 đạt 106.041 tỉ đồng, tăng 10.416 tỉ đồng so với kết quả của năm 2016.

Nếu so với địa phương có tổng mức bán lẻ đứng vị trí thứ 2 ở ĐBSCL là An Giang, thì con số này của thành phố Cần Thơ cao hơn đến 11.074 tỉ đồng (An Giang đạt 94.976 tỉ đồng) và so với địa phương thấp nhất là Trà Vinh, thì con số chênh lệch đến 82.851 tỉ đồng (Trà Vinh đạt 23.190 tỉ đồng).

Trong khi đó, nếu so với các thành phố trực thuộc trung ương, thì tổng mức bán lẻ hàng hóa của Cần Thơ xếp vị trí thứ 3, sau TPHCM và Hà Nội, nhưng trên Đà Nẵng và Hải Phòng.

Doanh thu bán lẻ Cần Thơ lần đầu vượt 100.000 tỉ đồng và tiếp tục đứng thứ 3 cả nước. Ảnh: Trung Chánh.

Theo đó, địa phương có tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2017 cao nhất là TPHCM, đạt 923.843 tỉ đồng, tăng 241.140 tỉ đồng so với năm ngoái; thứ 2 là Hà Nội đạt 561.000 tỉ đồng, tăng 56.000 tỉ đồng; thứ 3 là Cần Thơ đạt 106.041 tỉ đồng, tăng 10.416 tỉ đồng; thứ 4 là Hải Phòng đạt 104.205 tỉ đồng, tăng 13.013 tỉ đồng và Đà Nẵng đạt 79.100 tỉ đồng, tăng 2.050 tỉ đồng so với năm 2016.

Nếu so với các địa phương còn lại ở ĐBSCL (ngoài Cần Thơ), thì tổng mức bán lẻ hàng hóa của Đà Nẵng thấp hơn cả An Giang (94.967 tỉ đồng) và Kiên Giang (84.000 tỉ đồng).

Đánh giá của Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho biết trong năm 2017, giá cả hàng hóa trên địa bàn tương đối ổn định, mạng lưới phân phối được phân bố rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Bên cạnh đó, các trung tâm thương mại, siêu thị thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mại nên đã thu hút được sự quan tâm của khách hàng, góp phần kích cầu tiêu dùng, giúp tăng doanh thu bán lẻ hàng hóa.

Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2017 của Cần Thơ đạt gần 1,77 tỉ đô la Mỹ, tăng 13,9% so với năm 2016. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 1,4 tỉ đô la, tăng 16,3% so với năm 2016; dịch vụ thu ngoại tệ ước thực hiện đạt gần 370 triệu đô la, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt gần 428 triệu đô la, tăng 32,7% so với năm 2016.

Trung Chánh

Mai Linh lấy xe ôm dìu taxi

Học hỏi cách làm của đối thủ cũng là cách hiệu quả để cạnh tranh. Hãng taxi Mai Linh đã giới thiệu dịch vụ xe ôm công nghệ Mai Linh Bike.

Đây có thể xem là hành động kịp thời khi mở rộng thêm mảng kinh doanh hấp dẫn hơn. Nhưng là người đến sau, Mai Linh sẽ có chiến lược gì để cạnh tranh trên một thị trường mà Grab, Uber đang làm mưa làm gió?

Cuộc chiến giá

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hồ Huy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Mai Linh, cho biết Tập đoàn đã chuẩn bị cho đứa con tinh thần Mai Linh Bike cách đây khoảng 2 năm nhằm hoàn thiện cả về quy trình vận hành và công nghệ. “Nếu nói ra đời sau là thua thiệt cũng không hẳn. Bởi Mai Linh Bike có thể học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước: tiếp thu cái hay, khắc phục cái dở, lường trước được các vấn đề phát sinh”, ông Huy chia sẻ.

Thực tế, Mai Linh cũng có thế mạnh riêng. Đó là độ nhận diện thương hiệu khá tốt nhờ hệ thống trải rộng trên khắp cả nước (54/63 tỉnh thành) hay khả năng am hiểu sâu thị trường bản địa. Bên cạnh các mảng kinh doanh hiện thời, chuỗi hoạt động của hãng taxi này dự kiến được mở rộng hơn với dịch vụ gọi xe cao cấp và giao nhận hàng hóa bằng xe máy – phân khúc có nhiều đất phát triển để phục vụ cho nhu cầu thương mại điện tử đang bùng nổ với sự tham gia của nhiều “ông lớn” nước ngoài như Lazada, JD.com hay sắp tới đây có thể là sự góp mặt của người khổng lồ Amazon.

Hiện số lượng đối tác đăng ký tham gia dịch vụ xe máy Mai Linh Bike được Tập đoàn công bố đã lên tới gần 10.000. Mai Linh sẽ áp dụng mức chiết khấu 15% cho các bác tài, thấp hơn so với mức 20-25% của Uber hay Grab. “Đối tác Mai Linh Bike sẽ được hưởng 85% và Mai Linh khẳng định sẽ áp dụng chính sách này về lâu dài. Trong 2 tháng đầu, đối tác sẽ được hưởng toàn bộ lợi nhuận”, ông Huy nói.

Với khách hàng, Mai Linh áp dụng chính sách giá cước được điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo ngang bằng và thấp hơn các đối thủ. Ví dụ, đối với dịch vụ xe thông thường, mức giá cước được Mai Linh áp dụng là 11.000 đồng cho 2 km đầu tiên và chỉ 3.700 đồng cho các km tiếp theo. “Chúng tôi cam kết không tăng giá vào giờ cao điểm. Đó là sự khác biệt rõ rệt so với các đối thủ khác”, ông Hồ Huy chia sẻ.

Dù vậy, áp lực cạnh tranh dành cho Mai Linh Bike không hề nhỏ, nhất là khi so sánh với hai đối thủ Grab và Uber có tiềm lực tài chính hùng hậu. Thừa nhận thách thức này, ông Hồ Huy cho rằng các hãng xe công nghệ khác đã hoạt động khá lâu nên lượng khách hàng và đối tác chắc chắn nhiều hơn Mai Linh Bike. Mặt khác, các doanh nghiệp nước ngoài này chấp nhận tốn kém để đưa ra các chương trình ưu đãi thu hút khách hàng nhằm chiếm lĩnh thị trường Việt Nam trong thời gian ngắn nhất. Bởi vậy, không loại trừ khả năng sau khi chiếm được thị trường thì họ sẽ bắt đầu giảm khuyến mãi và tăng giá cước.

Nhìn chung, để giành phần thắng, bên cạnh chuẩn bị cuộc chiến khốc liệt về giá, Mai Linh sẽ buộc phải nâng cấp chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng và nhất là nhanh chóng mở rộng quy mô đầu xe để chiếm ưu thế về thị phần. Đây là thách thức không nhỏ. “Còn quá sớm để nói đến thành công của dịch vụ Mai Linh Bike, nhưng Mai Linh đang làm hết sức mình”, ông Huy nói.

Trong khi đó, nhận xét về động thái mới của Mai Linh, ông Trần Bằng Việt, Tổng Giám đốc Đông A Solutions và cựu Tổng Giám đốc Mai linh, chia sẻ trên The Leader.vn: “Họ không thể không thay đổi mô hình điều hành theo hướng ứng dụng công nghệ nếu muốn tồn tại. Còn việc thêm dịch vụ xe ôm thì không tăng thêm chi phí, nhưng lại làm tăng thêm lựa chọn cho khách hàng. Tôi nghĩ họ làm như thế là hợp lý. Dĩ nhiên, sẽ còn cần theo dõi thêm quá trình triển khai như thế nào”.

Hiện số lượng đối tác đăng ký tham gia dịch vụ xe máy Mai Linh Bike được Tập đoàn công bố đã lên tới gần 10.000.

Chiến lược bó đũa

Việc cho ra đời mảng vận tải bằng xe máy Mai Linh Bike nằm trong đề án tái cơ cấu của tập đoàn 25 tuổi này. Tính đến năm 2016, Mai Linh vẫn còn ghi nhận khoản lỗ lũy kế 803 tỉ đồng do cú sốc giai đoạn 2011-2013 để lại. Dù vậy, trong 3 năm gần nhất, Tập đoàn đều có lãi khi được các tổ chức tín dụng hỗ trợ tái cơ cấu nợ vay. Tình hình tài chính được kỳ vọng sẽ tốt dần lên trong các năm tới khi Tập đoàn đã dành hẳn 1 năm qua để tái cấu trúc, hợp nhất các thành viên nhằm tạo sức mạnh lớn hơn.

Theo đó, Tập đoàn đang hoàn thành các bước cuối cùng để hợp nhất 2 doanh nghiệp là Mai Linh Miền Bắc và Mai Linh Miền Trung bằng phương pháp hoán đổi cổ phiếu. Tổng vốn điều lệ sau khi M&A sẽ tăng 70% lên 1.728 tỉ đồng, giúp gia tăng năng lực tài chính và tiếp cận nguồn vốn ngân hàng tốt hơn. “Thực hiện hợp nhất sáp nhập các đơn vị chi nhánh ở cả ba miền thành một Mai Linh để đồng bộ hóa quản lý và chất lượng dịch vụ, cắt bỏ bộ máy trung gian, tiết giảm chi phí. Mai Linh cũng đang áp dụng công nghệ vào hoạt động điều hành taxi, triển khai ứng dụng taxi Mai Linh trên tất cả 54 tỉnh thành của Việt Nam mà Mai Linh có mặt”, ông Hồ Huy chia sẻ.

Bên cạnh gia tăng chất lượng dịch vụ cho các mảng kinh doanh Mai Linh Taxi, Mai Linh Bus và Mai Linh Bike, Tập đoàn sẽ lần đầu tiên tham gia mảng kinh doanh phụ trợ là cung cấp thiết bị, phụ tùng và bảo dưỡng sửa chữa xe. “Các dịch vụ tiện ích này được kỳ vọng sẽ tương tác và hỗ trợ tốt nhất cho việc phát triển các loại hình dịch vụ vận tải mà Mai Linh đang triển khai”, ông Huy nói.

Theo kế hoạch, doanh thu trong 3 năm tới sẽ tăng trưởng khoảng 10%, lợi nhuận ròng tăng 15%. Riêng năm 2018, doanh thu toàn Tập đoàn sẽ tăng gấp đôi lên 6.163 tỉ đồng và ghi nhận 120 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Lần đầu tiên sau nhiều năm, Mai Linh đặt kế hoạch chia cổ tức ở mức 5-6%/năm trong các năm tới.

Apple trước thời khắc thành công ty nghìn tỷ USD

Mặc dù đạt giá trị trên 900 tỷ USD từ tháng trước, con đường vươn tới công ty nghìn tỷ USD của Apple xem ra còn nhiều chông gai.

Tăng trưởng của Apple thời điểm hiện tại khá ổn, nhưng về lâu về dài thì chưa chắc, theo phân tích của các chuyên gia tại Đại học Chicago, Mỹ.

Hiệu ứng lạm phát

Ngày 8/11, vốn hóa thị trường của Apple đạt 903 tỷ USD, vượt trên giá trị tăng trưởng đột biến của Microsoft thời kỳ bùng nổ dot-com. Khi đó (năm 1999), Microsoft đạt giá trị cao nhất trong lịch sử, tương đương 901 tỷ USD tính theo thời giá hiện nay.

Hồi đầu thập kỷ, Apple từng vượt Exxon Mobil trở thành công ty giá trị nhất trên thị trường chứng khoán. Tài sản của Apple hiện cao hơn cả tổng GPD của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, lạm phát đã giới hạn đáng kể sự thống trị của Apple. Nếu dùng thước đó khác, chẳng hạn thị trường chứng khoán, IBM và AT&T thậm chí còn vượt xa Apple vào thời kỳ hoàng kim.

Đại học Chicago lưu trữ cơ sở dữ liệu tất cả công ty của Mỹ từ tháng 12/1925. Danh sách này trích ra top 20 công ty lớn nhất, xét theo vốn hóa thị trường.

Không ngạc nhiên khi Apple đứng đầu danh sách (chưa tính tới yếu tố lạm phát). Xếp sau là Alphabet (công ty mẹ của Google), tiếp đến là Microsoft.

Danh sách này tập trung những công ty có máu mặt trong 25 năm qua. Xếp thứ tư là công ty General Electric với giá trị vốn hóa thị trường đạt đỉnh 594 tỷ USD vào tháng 8/2000. Các công ty như Intel, Cisco và Oracle luôn có mặt trong danh sách này.

Tuy nhiên, khi tính cả lạm phát, thứ tự xếp hạng sẽ thay đổi. Dễ nhận thấy nhất là khoảng cách giữa Apple và Microsoft bị rút ngắn đáng kể. Tuy vẫn đứng đầu nhưng Apple cách Microsoft (vị trí thứ 2) chẳng là bao, chỉ chênh nhau vỏn vẹn 2 tỷ USD.

Tháng 12/1999, vốn hóa thị trường của Microsoft là 647 tỷ USD, đủ xếp ở vị trí thứ 3 nếu không tính lạm phát. Còn nếu tính cả lạm phát, số 647 tỷ USD này sẽ tăng thêm 40% vào tháng 11/2017 do lạm phát được duy trì ở mức tích cực.

Trong khi đó, General Electric tuy phải thu hẹp quy mô do tái cấu trúc nhưng khi tính cả lạm phát, vốn hóa thị trường vào tháng 8/2000 tăng lên 848 tỷ USD, đưa công ty lên vị trí thứ ba trong danh sách.

Cisco và Intel lần lượt xếp vị trí thứ tư và năm nhờ cổ phiếu tăng mạnh vào thời kỳ bùng nổ dot-com.

Hào quang quá khứ

Có một cách khác để đo giá trị công ty trên thị trường chứng khoán là xem công ty này lớn bao nhiêu so với quy mô thị trường nói chung.

Nếu dùng cách đo này, Apple vào cuối năm 2017 không chiếm lĩnh vị trí cao nhất do có nhiều công ty khác còn làm tốt hơn trong quá khứ.

Mặc dù vốn hóa thị trường Apple cao hơn nhiều so với cách đây 5 năm, nhưng cổ phiếu của hãng thời điểm tháng 9/2012 còn chiếm lĩnh thị trường lớn hơn hiện tại.

Nếu nói về thị trường cổ phiếu, IBM từng đạt giá trị rất cao vào những năm 1980, cao hơn nhiều Apple ngày nay.

Tháng 12/1985, cổ phiếu IBM chiếm 4,4% tổng toàn bộ thị trường chứng khoán, cao hơn bất cứ công ty nào kể từ năm 1980 tới nay. Trong khi đó, cổ phiếu tháng 11/2017 của Apple chỉ chiếm 2,5% tổng giá trị thị trường chứng khoán, trong khi tháng 9/2012 con số này là 3,2%.

Nói cách khác, chứng khoán nhiều công ty đã tăng ngoạn mục năm 2017, có thể kể đến Alphabet, Microsoft, Amazon, Berkshire Hathaway, Facebook… Apple không là gì so với IBM từng làm trong quá khứ.

Xét trong khoảng thời gian dài hơn, vị trí hiện tại của Apple chưa có gì đảm bảo chắc chắn.

Chẳng hạn tháng 5/1932, AT&T chiếm tới 13% tổng thị trường chứng khoán – gấp hơn 5 lần tỉ lệ của Apple ngày nay. Tháng 3/1928, General Motors chiếm 8% tổng thị trường chứng khoán. Và năm 1970, IBM chiếm 6,8% tổng thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng quy mô thị trường chứng khoán trước đây khá nhỏ. Năm 1932 chỉ có 704 công ty niêm yết, còn trước đó là 584 công ty (1928).

Hiện tại, số công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ là 6.715 công ty. Suy cho cùng, dễ có cá to trong chiếc ao nhỏ như vậy. Như đã nói, tới cuối năm 1985, vốn hóa thị trường của IBM lớn hơn bất cứ công ty nào trong số 6.225 công ty đang niêm yết.

Vậy nên, quy mô thị trường chứng khoán chỉ là yếu tố tham khảo bởi những công ty như IBM và AT&T từng xưng hùng xưng bá rất lâu trong quá khứ. Hào quang của họ thậm chí còn lớn hơn nhiều so với Apple hiện tại.

Facebook quét virus đào coin miễn phí cho người dùng

“Nếu nghi ngờ máy tính của bạn bị nhiễm virus, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn một lượt quét virus miễn phí từ các đối tác đáng tin cậy của mình”, mạng xã hội Facebook tuyên bố.

Mã độc lan truyền tại Việt Nam thời gian gần đây qua Facebook Messenger đã xuất hiện ở nhiều nước. Malware mang tên Digmine với mục đích lén lút cài đặt vào máy tính của người dùng một chương trình đào tiền điện tử.

Công ty an ninh mạng Trend Micro đã phát hiện ra mã độc có tên Digmine lần đầu tiên ở Hàn Quốc. Hiện tại mã độc này được tìm thấy ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, Azerbaijan, Ukraina, Philippines, Thái Lan, và Venezuela. Với tốc độ lây nhiễm chóng mặt, Digmine có thể sẽ nhanh chóng xuất hiện trên toàn thế giới.

Nạn nhân nhận được một tệp có tên ‘video_xxxx.mp4.zip’ từ những người bạn trên Facebook Messenger của họ. Ngay khi mở file này, trình duyệt Chrome cùng với phần mở rộng của mã độc sẽ được tải xuống. Tiện ích mở rộng chỉ có thể được tải xuống từ Chrome Web Store nhưng điều này được bỏ qua bằng cách sử dụng các dòng lệnh.

Mã độc này sẽ giúp hacker xâm nhập và dùng máy tính của người dùng để đào tiền ảo. Ngoài ra nó còn sử dụng Facebook của người dùng để lây lan mã độc. Ảnh: Techspot.

Khi phần mềm độc hại lây nhiễm vào một hệ thống, chương trình XMRig – một công cụ khai thác Monero được cài đặt vào máy của người dùng. Nó sẽ bí mật chạy nền trên CPU của nạn nhân, khai thác tiền điện tử đem lại lợi ích cho các hacker.

Ngoài ra, phần mở rộng của Chrome cũng được sử dụng để phát tán Digmine. Nếu ai đó đã đặt tài khoản Facebook của họ để đăng nhập tự động, liên kết chứa tệp video giả mạo sẽ được tự động gửi đến tất cả bạn bè của họ qua Messenger. Phần mềm độc hại cũng có thể được sử dụng để chiếm toàn bộ tài khoản Facebook.

May mắn là Digimine chỉ hoạt động trên trình duyệt Chrome dành cho PC. Sau khi Trend Micro tiết lộ các phát hiện của họ, Facebook đã có phản hồi. Mạng xã hội tuyên bố đã xóa tất cả những nội dung, liên kết có liên quan tới Digmine.

“Chúng tôi phát hành một hệ thống tự động giúp ngăn chặn các liên kết và tập tin nguy hiểm xuất hiện trên Facebook và Messenger. Nếu chúng tôi nghi ngờ máy tính của bạn bị nhiễm phần mềm độc hại, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn một lượt quét virus miễn phí từ các đối tác đáng tin cậy của chúng tôi”, công ty cho biết.

Cách tốt nhất để tránh phần mềm độc hại là không mở các liên kết đáng ngờ, ngay cả khi chúng đến từ bạn bè của bạn.