Category Archives: Bussiness

7 “nguyên tắc vàng” trong kinh doanh của tỷ phú Tadashi Yanai

Bước tiến của Uniqlo không đến từ đâu khác mà chính nhờ năng lực lãnh đạo tuyệt vời của nhà sáng lập Tadashi Yanai.

7 "nguyên tắc vàng" trong kinh doanh của tỷ phú Tadashi Yanai

Tadashi Yanai – nhà sáng lập, CEO thương hiệu thời trang Uniqlo. Nguồn: Forbes

Có thể nói, Tadashi Yanai, nhà sáng lập Uniqlo, là một trong những doanh nhân thành công nhất trên thế giới khi biến cửa hàng khiêm tốn của cha mình trở thành thương hiệu đứng thứ 3 toàn cầu trong lĩnh vực thời trang.

Ngay từ những ngày đầu trên thương trường, vị tỷ phú này đã sớm học hỏi, tiếp thu và định hình “công thức kinh doanh” thành công cho mình, vốn vẫn thường được ông gọi là “23 Nguyên tắc quản trị” của Tadashi Yanai. Và, cốt lõi của những nguyên tắc trên có thể được bày tỏ thông qua 7 điều sau:

1. Khách hàng là “hạt nhân” của kinh doanh

Ưu tiên số một được đề cập đến trong các quy tắc của Yanai là: “Đáp ứng nhu cầu khách hàng và tạo khách hàng mới”. Mục tiêu này đã ăn sâu vào cung cách quản lý của ông ngay từ những ngày chỉ điều hành một cửa hàng duy nhất. Vị tỷ phú này lý giải: “Kinh doanh chỉ sống sót khi doanh nghiệp có khách hàng. Thế nên, khách hàng phải là hạt nhân trong mô hình kinh doanh. Đây là nguyên tắc căn bản của Uniqlo”.

Ông nói thêm: “Người làm kinh doanh phải biết đánh vào nhu cầu của khách hàng. Với tôi, Steve Jobs là tấm gương mẫu mực cho việc này. Trừ phi bạn mang lại sản phẩm vượt trên cả sự mong đợi của họ, khách hàng sẽ chẳng bao giờ thỏa mãn”.

Để cụ thể hóa mục tiêu trên, ở Uniqlo không hề tồn tại khái niệm lưu kho từ 6 – 9 tháng như những nhà sản xuất khác. Thay vào đó, hàng hóa trữ lại được tính theo tuần và thậm chí là theo ngày. Nguyên do bởi khách hàng của Uniqlo có tác động trực tiếp đến quy trình sản xuất, vì những gì mà thương hiệu này làm ra đều hoàn toàn dựa vào nhu cầu từ người tiêu dùng.

uniqlo-finance-uk-8233-1513047497.jpg

Sản phẩm của Uniqlo hoàn toàn dựa vào nhu cầu từ người tiêu dùng. Nguồn: Finance.co.uk

Ngoài ra, không chỉ chất lượng quần áo mà cả dịch vụ khách hàng cũng được Uniqlo chăm sóc kỹ lưỡng. Mọi quá trình từ tuyển dụng, đào tạo cho đến từng chi tiết nhỏ trong cung cách phục vụ đều được Uniqlo triển khai một cách tỉ mỉ.

2. Doanh nghiệp thành công phải cống hiến cho xã hội

Đối với Yanai, giá trị của một doanh nghiệp gắn liền với điều mà doanh nghiệp ấy mang lại cho xã hội. Một cơ sở kinh doanh chỉ thuần túy theo đuổi lợi nhuận mà không có sự liên kết với cộng đồng chắc chắn sẽ bị đào thải. Yanai nhớ lại: “Khi kinh doanh tăng tốc, tôi nhận ra việc Uniqlo cần phải trở thành một tập thể có sự khát khao cống hiến cho cộng đồng, nếu không sẽ chẳng thể nào có thể phát triển bền vững”.

Ông chủ Uniqlo: Từ đứa trẻ nghèo đến người kiến tạo đế chế

Ông chủ Uniqlo: Từ đứa trẻ nghèo đến người kiến tạo đế chế

Thực tiễn triết lý trên, Uniqlo đã phối hợp cùng Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) để trao khoảng 20,3 triệu bộ quần áo cho người tị nạn, các bà mẹ có thai và cho con bú cũng như hàng loạt nạn nhân thảm họa tự nhiên trên thế giới từ năm 2007. Tadashi Yanai từng được Hiệp hội châu Á (Asia Society), một tổ chức phi lợi nhuận có quy mô toàn cầu, vinh danh với giải thưởng “Asia Game Changer” cho những hoạt động vì cộng đồng của mình.

3. Luôn lạc quan và học hỏi từ thất bại

Như nhiều doanh nhân khác, CEO của Uniqlo cũng không mấy xa lạ với hai từ “thất bại”. Khi Uniqlo mở rộng thị trường sang nước ngoài, thương hiệu này đã gặp thất bại lớn ở Anh. Khi đó, Uniqlo dự định thành lập 21 cửa hàng tại thị trường này nhưng đã bị buộc phải đóng cửa vì mở rộng quá nhanh và quản lý yếu kém. Sau đó, Uniqlo thua tiếp tục ở thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Tuy vậy, vị tỷ phú này cho biết ông chưa bao giờ cảm thấy nản lòng. Triết lý sống của người đàn ông 68 tuổi này là “chín thất bại, một thành công” và mỗi trở ngại ập đến đều là những hạt giống thành công sau này.

Ông nói: “Người doanh nhân cần biết phân tích kỹ lưỡng những thông tin liên quan đến sự thành công lẫn thất bại của mình. Hãy ghi nhớ những điều đã học và thực tiễn chúng. Thành công sẽ không thể đến trong một sớm một chiều. Điều mà ta có thể làm là luôn luôn thay đổi và thách thức bản thân mà thôi”.

Thêm vào đó, Yanai tin rằng một mô hình kinh doanh lớn cần phải có “hy vọng vào tương lai”. Thế nên, ông thường khuyến khích nhân viên suy nghĩ tích cực và năng động hơn trong việc đầu tư. Vị CEO nói: “Bi quan thì có ích gì. Đừng thụ động trông chờ vào may mắn, nó sẽ chẳng đến đâu! Cũng đừng bi quan! Chẳng ai có thể đoán được tương lai cả. Thế thì, tại sao bạn lại không tự mình viết nên nó. Chính những cá nhân dám tự viết nên tương lai của mình mới là những người gặp nhiều may mắn”.

4. Tập trung vào những điều nhỏ nhặt nhất

Là một doanh nhân làm việc trong lĩnh vực thời trang, Yanai vô cùng kỹ tính. Vị CEO này luôn tập trung hoàn thiện ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất. Ông nói: “Sai một li, đi một dặm; lỗ hổng 1 mm có thể tạo nên sự khác biệt lớn theo thời gian. Bí quyết thành công nằm ở việc thực hiện và duy trì đều đặn những điều cơ bản nhất ngày này qua ngày khác”.

Một ví dụ điển hình cho điều này là việc mọi nhân viên làm việc trong cửa hàng của Uniqlo đều được đào tạo kỹ lưỡng và bài bản từ kỹ thuật gấp quần áo, kỹ năng trao quần áo cho đến cách trả lại thẻ tín dụng (theo phong cách Nhật, cần trả lại bằng 2 tay và mắt luôn nhìn thẳng vào khách hàng). Mọi động thái, cử chỉ của nhân viên cửa hàng đều được ghi hình và phân tích.

5. Biết tự phê bình

Đối với Yanai, việc tự phê bình đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ông cho hay: “Một doanh nhân cần phải biết tự nhận xét suy nghĩ, hành động lẫn chiến lược của bản thân để luôn có thể tự cải thiện cũng như làm mới mình”.

Thực hiện quan điểm này, Yanai thường tự đặt mình trên lập trường của một khách hàng khó tính. Ông lý giải: “Nhà phê bình khắt khe nhất chính là các khách hàng của bạn. Vì vậy, hãy đứng trên lập trường của họ và thử nhìn vào cửa hàng của mình rồi tự đánh giá xem nó có hấp dẫn hay không. Sau đó, hãy tiếp tục đi vào cửa hàng và nhìn xem sản phẩm có được trình bày bắt mắt không. Nhân viên bán hàng có đủ niềm nở, ân cần hay không”.

yanai-fastretailing-1851-1513047497.jpg

Tadashi Yanai: Một doanh nhân cần phải biết tự nhận xét suy nghĩ, hành động lẫn chiến lược của bản thân để luôn có thể tự cải thiện cũng như làm mới mình. Nguồn: Fast Retailing

6. Có tầm nhìn hướng xa

Từ những ngày mới kinh doanh, Yanai đã nhắm đến việc biến công ty của mình trở thành một doanh nghiệp toàn cầu. Hơn 10 năm trước, Uniqlo chỉ có xấp xỉ 100 cửa hàng tại Nhật Bản. Đến cuối tháng 8/2017, số cửa hàng trên toàn thế giới của Uniqlo đã đạt 1.920. Đáng chú ý hơn cả là việc Tadashi Yanai tuyên bố sẽ đưa Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo, trở thành tập đoàn thời trang lớn nhất toàn cầu vào năm 2020 với doanh thu mỗi năm vào khoảng 41,7 tỷ USD.

Trong quá trình hướng đến mục tiêu ấy, Uniqlo đã quy định mọi hoạt động đều phải được tiến hành bằng tiếng Anh. Với một đất nước ít người biết tiếng Anh như Nhật Bản thì đây là một quyết định mạo hiểm. Ngoài ra, Uniqlo cũng thành lập nhiều trung tâm đào tạo ở New York, Thượng Hải, Paris và Singapore để xây dựng đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, thích nghi với thị trường thế giới.

7. Đột phá giới hạn của bản thân

Thích nghi với thay đổi là một trong những chủ đề chính trong bí quyết của Yanai. Vị tỷ phú này thường so sánh Uniqlo với một công ty công nghệ. Ông nói: “Thế giới này đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Cái mà chúng ta đang nói đến là một cuộc cách mạng công nghiệp hoàn toàn mới. Sự đột phá từng một thời là thuật ngữ chỉ dành cho lĩnh vực công nghệ cao, nhưng nay nó lại đang diễn ra ở cả những ngành công nghiệp khác, đơn cử như Amazon, Alibaba và Uber. Đây là lúc chúng ta cần thay đổi! Ngành công nghiệp may mặc, vốn gắn liền với nhân loại, nay đã lỗi thời và cơ hội để chúng ta cải tổ nó đang ở trước mắt. Thế nên, tôi thường căn dặn nhân viên phải biết vượt qua những hình mẫu hiện tại”.

Lối sống 24 giờ có ích, hiệu quả như tỷ phú

Elon Musk làm việc 100 giờ/tuần, đều đặn như thế, và nó đưa ông đứng vào đỉnh cao thành công, giàu có.

Lối sống 24 giờ có ích, hiệu quả như tỷ phú

Rất ít người có khả năng làm việc hiệu suất cao như Elon Musk. Ông chủ của SpaceX và Tesla thường làm việc 85 – 100 giờ mỗi tuần, trong đó 80% thời gian ông làm công việc kỹ thuật và thiết kế.

Benjamin Franklin từng nói rằng, thời gian chính là tiền bạc. Nếu không quản lý ‘tài sản’ đó, làm sao bạn biết được nó sẽ đi về đâu. Quản lý thời gian là một vấn đề mà chúng ta phải đối mặt trong công việc, cuộc sống, nhưng rất ít người có thể giải quyết nó hoàn hảo.

Tuy nhiên, đối với những CEO hàng đầu thế giới, quản lý thời gian không phải là một vấn đề đơn thuần. Nếu bạn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ ở nhiều công ty, tìm kiếm nguồn đầu tư cho dự án start up hoặc quản lý những đội nhóm siêu giỏi, cách bạn sử dụng thời gian của mình sẽ quyết định vấn đề sống còn của công ty.

Elon Musk phân chia quỹ thời gian mỗi ngày thành những gói nhỏ 5 phút

Rất ít người có khả năng làm việc hiệu suất cao như Elon Musk. Ông chủ của SpaceX và Tesla thường làm việc 85 – 100 giờ mỗi tuần, trong đó 80% thời gian ông làm công việc kỹ thuật và thiết kế.

Theo Peter Bregman, tác giả cuốn sách “2/1: Tất cả thời gian bạn cần thay thế bằng một thói quen làm việc hiệu quả thực sự” tiết lộ rằng, cách quản lý thời gian hiệu quả nhất khi bạn có một lịch trình hàng ngày dày đặc là chia nhỏ thời gian mỗi ngày và ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ quan trọng trước. Cứ mỗi 5 phút dành cho một nhiệm vụ, bạn sẽ lần lượt giải quyết hết các vấn đề trong một ngày.

Richard Branson chỉ họp trong 10 phút hoặc ít hơn

Trong một bài viết trên blog cá nhân, CEO của Virgin Group nói rằng ông rất ghét việc lãng phí thời gian cho các cuộc họp: “Quá nhiều thời gian bị lãng phí bởi các cuộc họp. Các chủ đề chính bị lãng quên, các chủ đề đi vào bế tắc và mọi người thì mất tập trung. Ngoại trừ các buổi hội thảo quan trọng, hầu hết các cuộc họp không nên kéo dài quá 5 -10 phút”. Để đảm bảo các cuộc họp diễn ra trong thời gian ngắn, Branson yêu cầu các nhân viên của ông họp đứng.

Mark Cuban không họp nếu không thật sự cần thiết 

Đối với nhà đầu tư Mark Cuban, ông không bao giờ đồng ý gặp những người không hẹn trước. Khi được hỏi về lời khuyên để làm việc năng suất nhất, tỷ phú Mark Cuban đã rất nhanh khuyên rằng đừng bao giờ đi họp, trừ phi bắt buộc. Họp hành là việc rất mất thời gian. Chúng thường xuyên bắt đầu muộn, chọn nhầm người tham gia, đi lòng vòng và kéo dài. Nếu bạn là người tổ chức, hãy giữ cuộc họp ngắn nhất có thể và đi thẳng vào vấn đề.

Phần lớn mọi người mặc định chia thời gian biểu của mình theo từng giờ, hoặc nửa giờ. Nhưng những người cực kỳ thành công biết rằng họ có 1.440 phút mỗi ngày và từng phút đều quý giá. Tiền có thể mất rồi lấy lại được, nhưng thời gian thì không. Huyền thoại Olympic – Shannon Miller từng nói: “Để có ngày nay, tôi đã phải duy trì thời gian biểu gần như từng phút”. Bạn phải kiểm soát từng phút, để làm chủ cuộc đời mình.

Quản trị nhân tài: “nước chảy mới trong”?

Trong buổi giao lưu của lãnh đạo Công ty cổ phần FPT và Vietnam Airlines (VNA) mới đây, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT nhận được câu hỏi từ một nữ cán bộ VNA mà cá nhân ông cho rằng “rất quái”.

Câu hỏi là: “Em từng nghe một VIP nói, cứ để người tài đi, đi càng nhiều càng tốt. Khi ra đi, họ sẽ chính là người quảng bá cho doanh nghiệp mình, từ đó mình có thể thu hút được lực lượng lao động trẻ, có năng lực. Với những công ty công nghệ có môi trường làm việc tốt như FPT thì việc tìm cách thu hút những người trẻ, có năng lực, mong muốn được cống hiến liệu có tốt hơn là cứ tìm cách giữ người cũ lại?”.

Nước có chảy thì mới trong

Câu hỏi khiến khán phòng chợt lặng thinh bởi nó ngược dòng so với tư duy thông thường là giữ người tài, giữ người cũ.

Thực tế, không hiếm doanh nghiệp hành động ngược dòng như vậy trong chiến lược quản trị nhân sự, chẳng hạn Viettel. Theo bà Bùi Ngọc Điệp, Phó giám đốc Học viện Viettel, quan điểm của Viettel là “nước có chảy thì mới trong”. Nếu một người nào đó của Viettel muốn ra đi có nghĩa là họ không còn cùng ý chí, cùng “chất” với Viettel nữa, Tập đoàn sẽ không níu giữ và tuyển người phù hợp thay thế.

Ông Trương Gia Bình không trả lời trực tiếp vào câu hỏi trên mà nói rằng, quan điểm của ông là luôn muốn giữ người tài ở lại với mình. Chính vì thế, ông đã cùng các lãnh đạo của FPT đề ra những chính sách giữ người được thể hiện thông qua 4 quyền: quyền phát triển tài năng, quyền an toàn an ninh, quyền tự do và quyền dân chủ. Cá nhân ông còn trực tiếp gặp gỡ, trao đổi để giữ lại người tài khi họ có ý định ra đi.

Cần giữ người bình thường

Liên quan đến quản trị nhân sự, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến nói về một khía cạnh rất hiếm được đề cập, đó là giữ người bình thường. Góc nhìn của nhà quản trị này là mọi người hay đề cao câu chuyện giữ người tài, phải tài mới được giữ. Nhưng người tài đâu có chiếm tỷ trọng cao, người bình thường mới là lực lượng đông đảo nhất.

Nếu họ kéo nhau đi hàng loạt thì thực sự là một thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp cần phải đề ra những chính sách giữ người bình thường. Và cao hơn nữa là phải giữ được lửa ở trong họ, để họ luôn thấy yêu thích công việc, luôn làm việc nhiệt tình và có trách nhiệm.

“Tuyển dụng ngày nay không chỉ tìm người giỏi, người tài mà phải tìm người phù hợp. Con người là tài sản của doanh nghiệp, các doanh nghiệp vận dụng tháp nhu cầu trong quản trị nhân sự nhằm đưa ra các chính sách để tạo động lực, thu hút và gắn kết người lao động với doanh nghiệp. Nhưng với chính sách đó mà người lao động vẫn muốn rời đi thì không cần níu kéo, sự thay đổi đó là tốt cho cả hai bên”, một đại biểu tham dự cuộc giao lưu bày tỏ quan điểm.

Chủ đề này đã được thảo luận sôi nổi trong cộng đồng học viên Viện Quản trị kinh doanh (FSB). Theo giám đốc một công ty, doanh nghiệp mà không có người ra người vào là có vấn đề, phải có người mới để có cái mới, chống ỳ.

Cần năng lực đào tạo và sự dẫn dắt của lãnh đạo

Song có lãnh đạo doanh nghiệp lại cho rằng, bất cứ doanh nghiệp nào mà tỷ lệ nhận sự vào ra lớn đều bị đánh giá là việc quản lý và chính sách chưa phù hợp. Người lao động chỉ rời bỏ khi doanh nghiệp đó không đảm bảo cuộc sống, cơ hội phát triển và có một doanh nghiệp khác đáp ứng tốt hơn.

Thực tế, hầu như không ai muốn thay đổi công việc. Khi thay đổi phải bắt đầu lại và có nhiều rủi ro. Phải thích nghi và phải chấp nhận trở thành người mới. Khi nhiều nhân sự ra đi, doanh nghiệp cho rằng sẽ dễ dàng kiếm tìm người phù hợp hơn chỉ là ngụy biện cho vấn đề không giữ được con người.

Công ty tốt, người quản lý tốt phải biến nhân viên của mình từ người không phù hợp thành người phù hợp cho tổ chức. Đó chính là năng lực đào tạo của công ty, sự dẫn dắt tốt của lãnh đạo. Đứng ở góc nhìn nhân sự mà đánh giá sự ra vào của nhân viên là thanh lọc của tổ chức thì đây là góc nhìn thiếu yếu tố con người.

Chủ tịch một doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, nếu phải cắt giảm lao động không phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu công việc thì Công ty sẽ phải cắt giảm tới 1/3 số nhân sự hiện lên tới 1.100 người. Nhưng đạo đức doanh nhân không cho phép ông làm vậy.

Theo ông Võ Văn Thành Nghĩa, cựu Tổng giám đốc (CEO) Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long, để doanh nghiệp luôn phát triển vững mạnh, ngoài những việc khác phải làm liên quan đến hoạt động nhân sự, CEO phải biết cách trọng dụng người giỏi và cùng người giỏi hiện tại đi tìm người giỏi mới. CEO phải biết cách làm cho người giỏi hiện tại có cùng một suy nghĩ chấp nhận cấp dưới giỏi hơn mình, giống như CEO đã từng thể hiện tinh thần này với chính họ.

Câu chuyện tại Ford

Câu chuyện tại Ford được nhiều doanh nhân chia sẻ như một kinh nghiệm trong quản trị nhân sự.

Trong năm 2008, mặc dù cùng gặp khó khăn như GM và Chrysler nhưng Ford lại trụ vững. Bí quyết được Chủ tịch Bill Ford chia sẻ là nhân viên, những người lo sợ cho tương lai của Công ty đã tình nguyện làm việc không lương.

“Tôi sẽ ghi nhớ khoảnh khắc đó tới lúc chết. Bạn có thể vẫn nhớ những ngày đen tối của cuộc khủng hoảng năm 2008, 2 đối thủ cạnh tranh chính tại Mỹ của chúng tôi là GM và Chrysler đã phá sản. Chúng tôi thì không. Tại sao chúng tôi không phá sản? Nhiều người nghĩ là do chúng tôi đã đưa ra những quyết định đúng đắn, nhưng không, tất cả là nhờ nhân viên của chúng tôi. Họ không rời bỏ chúng tôi trong thời khắc khó khăn đó”.

“Tôi bị ngập trong email và thư từ nhân viên với nội dung kiểu: Bill, đừng từ bỏ. Chúng ta có thể vượt qua được. Chúng tôi sẽ không để ông phải gánh vác một mình”.

“Các nhân viên của tôi vẫn làm việc, cả thứ Bảy, Chủ nhật cho tới tận 1 – 2 giờ sáng mà không được nhận hoặc đòi hỏi bất kỳ khoản tiền làm thêm giờ nào, thậm chí dù không chắc là ngày mai họ liệu còn có việc nữa hay không. Thực tế, một vài trong số đó, sáng ngày hôm sau đã không còn việc làm. Tuy nhiên, họ vẫn sẵn sàng làm để giúp Công ty vượt qua khó khăn. Điều đó thật kỳ diệu! Nhất là khi Công ty cuối cùng cũng có thể trả hết các khoản nợ và tuyển lại tất cả những người nhân viên tuyệt vời ấy”.

“Một công ty không nên chỉ là nơi trả tiền lương. Đây phải là nơi cho nhân viên của mình một thứ gì đó hơn thế”, Bill Ford chia sẻ.

Thuyết phục khách hàng bằng chất lượng hay thị hiếu?

Nhu cầu của người tiêu dùng đối với từng loại mặt hàng là khác nhau. Ví dụ những sản phẩm thời trang thường được chú trọng “mốt” hơn là chất lượng, nhưng hàng tiêu dùng thì khách hàng chú trọng đến chất lượng sản phẩm hơn là thị hiếu. 

Một cái máy lọc nước với quảng cáo loại được 99% vi khuẩn thì đối với khách hàng nó không thể so sánh với một chiếc máy có khả năng loại được 99,9% vi khuẩn. Trong trường hợp này, khả năng lọc vi khuẩn được xem là tiêu chuẩn chọn mua sản phẩm. Tuy nhiên, nếu khách hàng mua cây kem thì mùi vị của nó lại là yếu tố quyết định, dù cây kem đó có chất lượng cao nhưng mùi vị không hợp, khách hàng vẫn không chọn. Trong trường hợp này, thị hiếu là yếu tố quyết định.

Hai ví dụ trên tiêu biểu về thị hiếu và chất lượng sản phẩm đã ảnh hưởng đến quyết định của khách hàng như thế nào. Tuy nhiên, không phải mọi món hàng đều có thể phân loại dễ dàng. Có những sản phẩm vừa cần chất lượng vừa phải chạy theo xu thế, như quần áo, xe cộ, thiết bị điện tử…

Câu hỏi là, sự khác biệt của một sản phẩm đến từ độ phổ biến, độ ưa chuộng của nó trên thị trường hay là từ chất lượng, các giá trị mà nó mang đến là gì?

Các khái niệm về chất lượng và thị hiếu được nêu ra dưới các góc độ khác nhau theo mỗi cách tiếp cận, đánh giá riêng biệt. Bên cạnh giá cả, hai yếu tố này góp phần quan trọng trong quá trình khách hàng đưa ra sự lựa chọn cũng như ảnh hưởng lớn đến khuynh hướng sẵn sàng chi trả. Journal of Consumer Research (JCR) đã thực hiện một số khảo sát đã giải đáp cho vấn đề này

Thứ nhất, khảo sát chia khách hàng thành hai nhóm. Một là nhóm đề cao chất lượng sản phẩm, hai là nhóm có xu hướng ưa chuộng (thường là của số đông và trong một thời kỳ nhất định) một lối, một kiểu nào đó đối với những sản phẩm sử dụng hoặc thưởng thức hằng ngày.

Thứ hai, khảo sát tìm hiểu khuynh hướng chi trả của khách hàng cho một món hàng – là điều quan trọng ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Thứ ba, khảo sát đánh giá khả năng hiểu biết và tìm hiểu thông tin của khách hàng đối với những sản phẩm mà họ mong muốn. Cuối cùng là thu thập những lý do mà người tiêu dùng có sự lựa chọn khác.

JCR cho biết trong quá trình khảo sát, khách hàng chọn một thương hiệu trong mỗi cặp từ 16 loại sản phẩm có các mức giá chênh lệch nhau. Người tiêu dùng sẽ cung cấp và giải thích tại sao lại chọn thương hiệu đó. Sau quá trình sàng lọc và nghiên cứu các giải thích, JCR nhận thấy rõ những đặc điểm khác nhau giữa hai nhóm khách hàng.

Những người đề cao chất lượng sản phẩm có xu hướng chi trả nhiều hơn cho món hàng họ nhắm tới, nếu họ tin vào chất lượng, họ không đưa ra những quan điểm cá nhân khi lựa chọn. Ngược lại, nhóm người chịu ảnh hưởng của thị hiếu có khuynh hướng chi trả ở mức bình thường nhưng lại có xu hướng đưa những hiểu biết và quan điểm cá nhân để giải thích cho những chọn lựa.

Dù chưa nhận định được thị hiếu hay chất lượng quan trọng hơn, nhưng có thể thấy được một ứng dụng rất quan trọng của hai yếu tố đối với chiến lược giá sản phẩm. Cụ thể, nhóm sản phẩm được lựa chọn bằng chất lượng thường sẽ có mức giá cao và ổn định; ngược lại, nhóm sản phẩm đi theo xu hướng thường sẽ có giá thay đổi theo thị hiếu người dùng.

Tiếp theo, khảo sát chú trọng nghiên cứu về mối quan hệ giữa sở thích, sự hiểu biết và cách đánh giá cá nhân đối với các cặp sản phẩm mà mỗi khách hàng lựa chọn. Kết quả cho thấy, đối với người thiên về chất lượng sản phẩm, mối quan hệ của ba yếu tố trên rất chặt chẽ. Họ đánh giá về sản phẩm theo cấu trúc chất lượng từ thấp đến cao. Với những người có khuynh hướng theo thị hiếu thì ưu tiên lựa chọn sản phẩm có chất lượng tương đối, nhưng được nhiều người khác cùng chọn.

Một điểm khác biệt nữa là nhóm người dùng quan tâm đến chất lượng luôn cần biết những thông tin cụ thể, đánh giá rõ ràng về chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng của một sản phẩm trước khi lựa chọn, còn nhóm người quan tâm thị hiếu thì chỉ quan tâm sự ưa thích, mong muốn của họ hơn.

Các khảo sát cho thấy chất lượng và thị hiếu không thể nhận định yếu tố nào quan trọng hơn được. Những người nghiên cứu về hành vi tiêu dùng cần phải linh hoạt trong từng hoàn cảnh để có thể hiểu rõ hơn những yếu tố tác động đến hành vi ra quyết định của khách hàng.

Quản trị nhân sự bằng chức danh

Nghiên cứu cho rằng các chức danh công việc có khả năng khiến ta cảm thấy tích cực hơn và cảm giác đang làm chủ tình hình, thậm chí khuyến khích chúng ta nộp hồ sơ tuyển dụng cho việc đó.

Xu hướng thổi phồng

Một báo cáo năm 2012 của Resolution Foundation, một nhóm chuyên gia cố vấn người Anh, đã phát hiện tình trạng thổi phồng chức danh ở Anh tăng lên, với nhiều người có chức vụ “có vẻ là cao cấp” nhưng chỉ được trả mức lương trung bình.

Ví dụ tỷ lệ những viên quản lý bán lẻ có mức thu nhập một tuần dưới 400 bảng Anh (543 đô la) tăng từ 37% lên 60% trong những năm 2000. Điều này đặt ra câu hỏi: Thăng chức danh có nghĩa lý gì nếu không đi kèm với tăng lương thưởng?

Trước hết phải kể đến địa vị. Nhà kinh tế học được trao giải Nobel John Harsanyi đã từng nói rằng ngoài vấn đề tiền bạc, địa vị xã hội “dường như là sức mạnh khuyến khích và thúc đẩy quan trọng đối với các hành vi trong xã hội”.

Một chức danh cao có thể biểu thị địa vị xã hội, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi người lao động mong mỏi có được chúng dù chúng thường không phù hợp với mức lương hoặc trách nhiệm công việc.

Một nghiên cứu năm 2010 của Đại học Houston cho thấy chức vụ ‘phó chủ tịch’ tại ngân hàng Merrill Lynch nghe thì có vẻ như là “rất danh giá”. Nhưng trên thực tế, nó lại mang ý nghĩa vinh danh nhiều hơn là miêu tả công việc thực tế.

Chức danh hào nhoáng

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã nhận ra một chức danh hào nhoáng không phải lúc nào cũng liên quan đến địa vị. Một chức danh chỉ cần thú vị hơn đã có thể ảnh hưởng đến hành vi con người.

Sau khi tham dự một hội nghị tại Disneyland vào năm 2013 và phát hiện ra các nhân viên ở đây được gọi là “thành viên đoàn làm phim”, bà Susan Fenters Lerch thấy rất hào hứng.

Cựu Tổng giám đốc điều hành của Quỹ Make-A-Wish, một tổ chức phi lợi nhuận biến mong ước của các trẻ em trong tình trạng sức khỏe nguy kịch thành hiện thực, trở lại văn phòng và cho nhân viên của bà biết họ có thể tự tạo ra “chức danh ‘vui nhộn’ của riêng mình bên cạnh chức danh chính thức, phù hợp với “vai trò và đặc tính quan trọng nhất của họ trong tổ chức.”

Bà đã chọn “mẹ đỡ đầu của những ước mơ” cho mình, và giám đốc điều hành đã theo sau với tên “bộ trưởng đô la và tri giác”. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania và London Business School đã phỏng vấn những nhân viên này một năm rưỡi sau quyết định của Lerch và nhận thấy những chức danh “tự phản ánh” của họ làm giảm tình trạng suy kiệt cảm xúc ở người lao động, giúp họ đương đầu với những thách thức về cảm xúc và cho họ cơ hội khẳng định cá tính của mình trong công việc.

Nhà nghiên cứu Daniel Cable cho biết: “Chức danh mở ra cơ hội để các đồng nghiệp nhìn thấy khía cạnh con người của nhau chứ không đơn thuần chỉ đại diện cho các trách nhiệm khác nhau.”

Cable và nhóm của ông sau đó đã thử nghiệm phát hiện của mình trong các bệnh viện, nơi họ yêu cầu các nhân viên y tế tự đặt chức danh cho mình.

Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đã trở thành “dũng sỹ diệt trùng”, và một kỹ thuật viên tia X được phong làm “người tìm xương”.
Những người làm việc trong bệnh viện cho biết họ cảm thấy mức độ suy kiệt tinh thần thấp hơn sau 5 tuần, và tình trạng kiệt sức giảm 11%.

Mức độ liên quan chặt chẽ của chức danh công việc đối với cảm xúc của chúng ta cho thấy chúng có thể phản ánh danh tính của chúng ta – nhưng danh tính có thể đã là một nhân tố thậm chí trước cả khi chúng ta xin việc.

Vào đầu năm 2015 Công ty truyền thông xã hội Buffer nhận ra rằng họ không có một nhân viên kỹ thuật nữ nào. Sau đó công ty này đã thay thế từ “tin tặc” (hacker) trong các chức danh công việc bằng “nhà phát triển” (developer) – và sau đó số lượng các ứng viên nữ xin vào công ty đã gia tăng. Hiện tại 11,5% đội ngũ kỹ thuật viên là nữ.

Ảnh hưởng hành vi

Các nhà nghiên cứu nhận thấy một chức danh cao cấp hơn có thể khiến nhân viên hành động có trách nhiệm hơn vì họ thấy vui vẻ hơn trong công việc. Giáo sư xã hội học Jeffrey Lucas phát hiện ra rằng khi các nhân viên làm việc tốt được cho giữ chức danh quan trọng, họ sẽ ít có khả năng rời bỏ công ty hơn.

Ông đã thực hiện hai thí nghiệm và khám phá ra những người giữ chức danh quan trọng “thể hiện mức độ hài lòng, quyết tâm và hiệu suất cao hơn, đồng thời ít có ý định nhảy việc” hơn những người khác. Nghiên cứu này là từ năm 1999, và như vậy đã gần hai thập kỷ. Tuy nhiên, Lucas, hiện làm việc tại Đại học Maryland, cho biết ông nghĩ rằng những phát hiện này vẫn còn có giá trị.

Ông nói, “trên thực tế, rất nhiều nghiên cứu kể từ sau bài nghiên cứu đó đã chứng thực mọi người thích hưởng những lợi ích đến từ các vị trí cao cấp hơn.” “Tuy nhiên cái quan trọng là những chức danh này phải có khả năng khẳng định địa vị, nếu không thì chúng sẽ không có tác động tích cực.”

Những người có chức danh cao thường ứng phó tốt hơn trong trường hợp bị từ chối, theo một nghiên cứu hồi 2013 của Đại học Berkeley. Maya Kuehn, hiện đang bảo vệ bằng tiến sỹ, trong một thử nghiệm, đã chỉ định những người tham gia đóng những vai trò ở cấp độ thấp hoặc cao và nói rằng họ không được mời đến cuộc họp mặt văn phòng.

Những thành viên được chỉ định ở mức độ thấp cho biết họ cảm thấy bị tổn thương, trong khi những người được chỉ định vị trí cao tìm cách khác để gắn kết với các đồng nghiệp.

Hơn cả ăn ý

Những công việc thể hiện một cơ cấu phẳng có thể khiến những người thấp cổ bé họng cảm thấy tự tin hơn. Brian Robertson nói rằng hệ thống holacracy (mô hình quản trị không cần sếp) của mình giúp người lao động cảm thấy bản thân không chỉ là một bánh răng trong guồng máy.

Khi Brian Robertson thành lập công ty phần mềm HolacracyOne vào năm 2007, ông đã cơ cấu lại hệ thống phân quyền truyền thống ở nơi làm việc với mục đích tăng khả năng tự chủ và tự quản của người lao động.

Phương pháp này, với tên gọi holacracy đã được khoảng 1.000 công ty và tổ chức tiếp nhận. Robertson nói mô tả công việc đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc này – thay vì chỉ có một công việc, các nhân viên sẽ nắm nhiều vai trò và những nhiệm vụ này được cập nhật thường xuyên.

Đây là một điều chỉnh phù hợp cho những người ưa thích địa vị. Đối với những người khác, nó giúp họ cảm thấy “mình không chỉ là một bánh răng trong guồng máy”.

Thay vì cho rằng chức danh mang lại danh tính cho mình, người ta lại bắt đầu nghĩ rằng ‘tôi biết mình là ai, tôi biết mình đam mê điều gì và làm cách nào để thể hiện mình,” Robertson nói.