Category Archives: Bussiness

Việt Nam: Nguy cơ “đuối sức” khi cạnh tranh năng suất lao động

Việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao càng làm cho mục tiêu nâng cao năng suất lao động trở nên khó khăn hơn. Vậy, đâu là giải pháp? 

Nền kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế hội nhập. Theo dự báo của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), Việt Nam có khả năng tạo thêm 6 triệu việc làm, tương đương 1/10 số việc làm tăng thêm đến năm 2025 của khối ASEAN do tác động từ việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng 14,5% vào năm 2025. Giai đoạn 2016 – 2025, nhu cầu tuyển dụng nhân sự hình thành 3 cấp nhân lực: Chuyên môn kỹ thuật bậc cao tăng 41%, khoảng 14 triệu chỗ làm việc; chuyên môn kỹ thuật bậc trung tăng 22%, khoảng 38 triệu chỗ làm việc; chuyên môn kỹ thuật bậc thấp chỉ tăng 24%, khoảng 12,4 triệu chỗ làm việc.

Tại Việt Nam, nguồn nhân lực chất lượng cao được coi là một trong ba đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020. Thế nhưng việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đang là nguy cơ gây ra tình trạng suy giảm cạnh tranh.

Tài chính – ngân hàng là lĩnh vực có chu trình di chuyển lao động khắc nghiệt, kể cả sang các nước trong khu vực. Nhân sự cấp cao trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng tại Việt Nam đang khan hiếm và sẽ tiếp tục thiếu hụt ở các vị trí chuyên gia quản lý rủi ro, quản lý cấp trung và chuyên gia tài chính đầu tư, theo ông Nguyễn Sơn – Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Việt Nam có khá nhiều chỉ số bị tụt hạng trong xếp hạng cạnh tranh nhân lực toàn cầu. Năm 2016 – 2017, năng lực cạnh tranh nhân lực của Việt Nam được xếp hạng thứ 63 trong số 138 nước được khảo sát với điểm số 4,3. Các chỉ số thành phần như tiền công và năng suất lao động tụt hạng 45 năm 2015 – 2016 xuống vị trí 62 năm 2016 – 2017, bất chấp sự cải thiện của chỉ số ảnh hưởng chính sách thuế đến khuyến khích công việc tăng từ vị trí 83 lên 76, hay năng lực thu hút nhân tài từ vị trí 77 lên 74.

Đặc biệt, tiền lương trả cho lao động trình độ cao và lao động giản đơn có sự chênh lệch rất lớn. Tại một nhà máy gia công giày ở Đồng Nai, tiền lương trả cho 70 chuyên gia nước ngoài tương đương với tiền lương trả cho 20.000 lao động Việt Nam.

Các nghiên cứu liên quan đều chỉ ra các điểm mạnh, điểm yếu của nguồn nhân lực Việt Nam. Dù đang ở trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, trên 90 triệu dân, với số lao động có việc làm khoảng 53 triệu người, nhưng tỷ lệ lao động trình độ cao chỉ khoảng 10%. Theo ILO, năng suất lao động của Việt Nam đạt 5.440 đô la Mỹ, theo giá so sánh 2005, cao hơn Campuchia, Myanmar và Lào nhưng chỉ bằng 6% của Singapore, 15% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 54% của Philippines và 55% của Indonesia.

Chưa hết, khả năng cạnh tranh về năng suất lao động của Việt Nam so với các nước trong khu vực đang có xu hướng đi xuống. Các tiêu chí năng suất lao động cũng cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng theo chiều rộng và còn cách khá xa so với nhóm nước tăng trưởng dựa vào chiều sâu. Trong khi đó, khoảng cách chênh lệch năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước đang tăng theo từng năm, chênh lệch với Thái Lan năm 1980 là 5.988 USD, đến năm 2016 đã tăng lên 19.847USD. Giữa Việt Nam và Malaysia, con số chênh lệch còn lớn hơn rất nhiều, từ 21.504 USD năm 1980 lên 52.08 USD năm 2016.

Theo PGS-TS. Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế Quốc dân), Việt Nam chưa có lao động trình độ cao với cơ cấu và chất lượng như mong đợi. Giai đoạn 2009 – 2014, số lao động trình độ cao tăng bình quân 175.000 người/năm và tỷ trọng của lao động trình độ cao trong số việc làm tăng từ 9,4% lên 10,2%. Tuy nhiên, so với thị trường lao động trình độ cao, số lao động này vẫn còn thiếu hụt đáng kể.

Gần 30% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động trực tiếp và nhân viên văn phòng, ý thức về chất lượng, đúng giờ và đáng tin cậy đang là thiếu hụt lớn nhất, bên cạnh những thiếu hụt khả năng ứng dụng công nghệ mới, khả năng làm việc nhóm và thích nghi với thay đổi. Ông Nguyễn Thường Lạng cho rằng, một trong những nguyên nhân của những hạn chế này là do “thiếu thông tin đầy đủ về thị trường lao động trình độ cao”.

Cạnh tranh nhân lực chất lượng cao trong khu vực và toàn cầu ngày càng gay gắt. Chính sách thu hút, sử dụng nhân tài đang được nhiều quốc gia cải thiện. Các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có chiến lược phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, kéo theo xu hướng “săn đầu người” tăng nhanh. Nhiều quốc gia đã học tập chiến lược quốc gia về thu hút nhân tài của Singapore. Số lượng các nhà khoa học, chuyên gia có trình độ cao từ các nước như Hoa Kỳ, châu Âu và cả Việt Nam đến làm việc tại quốc đảo này tăng nhanh cả về chất lẫn lượng.

Đang có nhiều nhà quản lý và chuyên gia trình độ cao nước ngoài tham gia vào thị trường lao động Việt Nam, đặc biệt trong các dự án đầu tư nước ngoài, với số lượng lên tới 23.000 dự án đến đầu năm 2017 và không ít dự án đấu thầu quốc tế khác. Nguồn nhân lực của Việt Nam đang đòi hỏi phải được đầu tư nhiều hơn để thích nghi với cạnh tranh.

Môi trường và tiêu chuẩn lao động đang ngày càng minh bạch, tạo cơ hội thải loại các chiến lược, chính sách, công cụ không phù hợp hoặc không tương thích với điều kiện cạnh tranh toàn cầu. Sẽ không nhiều ý nghĩa, ngay cả khi Việt Nam có số lượng các văn bản quy định chính sách đối với nguồn nhân lực chất lượng cao được ban hành nhiều nhưng lại thiếu tính hệ thống dẫn tới sự chồng chéo, thiếu đồng bộ, thậm chí mâu thuẫn với những quy định trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao.

Sự tụt hậu về hiệu năng thị trường lao động Việt Nam trong năm 2016 – 2017 so với năm 2015 – 2016 cho thấy cần cải thiện trên mọi khía cạnh, đặc biệt là giáo dục, đào tạo. Cạnh đó, tác động của cạnh tranh nhân lực toàn cầu đòi hỏi điều chỉnh các đạo luật liên quan đến lao động, như Luật Di trú, Bộ luật lao động cũng như chính sách an sinh xã hội khi nguy cơ thất nghiệp có thể không giảm.

Lời khuyên đầu tư từ tỷ phú: Tiết kiệm ngay khi còn trẻ

“Hôm nay bạn tiêu ít tiền hơn nghĩa là bạn sẽ có tự do và nhiều sự lựa chọn hơn sau này. Điều tốt nhất mà các sinh viên đại học có thể làm ngay bây giờ là ngừng chi tiêu tiền phung phí”, nhà đầu tư công nghệ thành công thứ 3 thế giới, theo danh sách của Forbes.

Chris Sacca là một doanh nhân hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư, ông đứng thứ 3 trong danh sách các nhà đầu tư công nghệ tốt nhất của Forbes. Ông là người đầu tiên ủng hộ Twitter, Uber, Instagram và Kickstarter… Những ván cược lớn đã giúp người đàn ông 41 tuổi này thành công và trở thành một tỷ phú tự thân lập nghiệp .

Sacca từng là khách mời xuất hiện trên kênh ABC của chương trình thực tế “Shark Tank”, dành cho doanh nhân. Ông trở nên nổi tiếng sau đó với những chiếc áo thêu hoa cao bồi.

“Hôm nay bạn tiêu ít tiền hơn nghĩa là bạn sẽ có tự do và nhiều sự lựa chọn hơn sau này. Điều tốt nhất mà các sinh viên đại học có thể làm ngay bây giờ là ngừng chi tiêu tiền phung phí” là lời khuyên của Sacca dành cho những người trẻ tuổi trong một cuộc phỏng vấn các nhà đầu tư của USA Today.

Ngay trước ngày 11/9/2001, tức ngay sau khi tốt nghiệp Luật Georgetown, Sacca bị sa thải. Bằng sự kiên trì và nỗ lực, Sacca đã tự cứu mình ra khỏi những khó khăn gặp phải trên đường đi.

Sacca cuối cùng đã có được một công việc trong lĩnh vực pháp luật trước khi làm việc tại Google trong bốn năm, và sau đó bắt đầu với công ty đầu tư Lowercase Capital của riêng mình tại Los Angeles. Các kỹ năng của Sacca đã được hoan nghênh rộng rãi trong việc lựa chọn các quyết định đầu tư và giúp họ phát triển. Ông đứng thứ 3 trong danh sách các nhà đầu tư công nghệ tốt nhất của Forbes “Midas Touch”.

Đối với những sinh viên đại học có tham vọng mong muốn đi theo bước chân của mình, Sacca có tin tốt và xấu. Ông chia sẻ: “Không có con đường nào dẫn đến nơi tôi đang đứng cả, cũng không có công thức nào để sao chép hay nhân rộng đâu”.

Nhưng ông nói thêm: “Không có ngoại lệ, tất cả những người mà tôi từng gặp đều rất táo bạo, đồng cảm, không mệt mỏi và sẵn sàng yêu cầu được giúp đỡ để có được hạnh phúc và sự thỏa mãn. Vì vậy, tiết kiệm từng đồng xu của bạn khi còn trẻ và giữ nó cho các ưu tiên theo thứ tự sau này, điều đó sẽ có lợi cho bạn trong một thời gian dài”.

Mọi người đánh giá Sacca là một nhà đầu tư nổi tiếng mạo hiểm, nhưng lại rất thành công. Công ty đầu tiên Sacca quyết định đầu tư là Photobucket, khi mà ông không có tiền mà chỉ có một khoản vay lớn từ thẻ tín dụng. Sau đó, Sacca tiếp tục thực hiện những thương vụ đầu tư cá nhân trong các công ty Kickstarter, Twilio và một số công ty nhỏ khác. Cho đến nay, những công ty này đều rất thành công.

Twitter chính là minh chứng rõ ràng nhất cho khả năng đầu tư nhạy bén của Sacca. Ông đã đầu tư 5.000 USD ngay từ khi Twitter mới được thành lập vào năm 2007. Đến nay, Twitter đã mang lại cho Sacca một khối tài sản kếch xù.

5 xu hướng CRM nổi bật trong năm 2018

Được đánh giá là một trong những giải pháp có tốc độ phát triển mạnh mẽ và biến đổi không ngừng, CRM đã và đang trở thành lựa chọn hàng đầu giúp chuẩn hóa hoạt động kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp hiện nay.

Trong cuốn “The Inevitable: Understanding the 12 Technological Forces That Will Shape Our Future” (tạm dịch: 12 xu hướng bất biến sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta trong tương lai), tác giả Kevin Kelly nhìn nhận CRM là một xu hướng tất yếu mà mỗi doanh nghiệp cần chú trọng phát triển nhằm cải thiện mối quan hệ với khách hàng, tạo ra lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.

Đối với những doanh nghiệp đang sở hữu hoặc đang tìm kiếm một giải pháp CRM phù hợp với chiến lược, mô hình kinh doanh, hãy cùng chúng tôi khám phá 5 xu hướng CRM nổi bật sẽ đem lại nhiều đột phá trong năm 2018.

1. Khả năng tự động nhận diện khách hàng

Nhận diện tự động không còn là thuật ngữ quá xa lạ với hầu hết chúng ta. Nếu như trước đây công nghệ này được thực hiện chủ yếu dựa trên việc thu thập cookies, cho phép marketer xây dựng những chiến dịch chăm sóc tự động, đáp ứng nhu cầu cho từng nhóm khách hàng khác nhau. Xu hướng này sẽ chuyển dịch sang các nền tảng CRM trong năm 2018, thông qua tính năng nhận diện khuôn mặt tự động.

Tính năng đối chiếu và nhận diện khách hàng theo thời gian thực góp phần cải thiện tốc độ xử lý thông tin, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.

Bitrix24 hiện là một trong những hệ thống CRM tiên phong triển khai tính năng này. Với cơ chế đối chiếu và nhận diện tự động khuôn mặt khách hàng theo thời gian thực, Bitrix24 giúp doanh nghiệp truy xuất chính xác hồ sơ khách hàng tương ứng dựa trên đặc điểm nhận dạng. Hệ thống còn cho phép phát hiện và thống kê chính xác tần suất quay lại của khách hàng dựa trên số lần nhận dạng.

2. Phần mềm trả lời tự động & trí tuệ nhân tạo (Bots & AI)

CRM sẽ là nền tảng công nghệ đầu tiên đón nhận những thay đổi từ cuộc cách mạng AI. Sự ra đời của AI giúp cá nhân hóa trải nghiệm và giảm thiểu quy trình nhập & quản lý dữ liệu cho người dùng trên CRM.

Mặt khác, AI mang đến một khả năng mới, đó là chọn lọc và phân tích dữ liệu, một tính năng rất được mong đợi trong bối cảnh các hệ thống CRM đang phải liên tục tiếp nhận lượng dữ liệu khổng lồ. Cơ chế AI toàn diện còn cho phép tự động thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm các kênh truyền thông xã hội, cho đến các nguồn thông tin pháp lý liên quan đến khách hàng.

Bên cạnh đó, việc sử dụng và phát triển chatbot cũng sẽ trở thành xu hường đáng chú ý trong tương lai. Phần lớn công ty thường không có đủ ngân sách và nguồn lực để quản lý, duy trì công tác bán hàng và dịch vụ khách hàng trên cơ sở 24/7. Do vậy, việc ứng dụng chatbot sẽ giúp tối ưu hoá chi phí kinh doanh và cho phép quy trình kết nối khách hàng diễn ra liên tục và hiệu quả hơn.

Nếu như trước đây chatbot còn tồn tại nhiều hạn chế và chưa thể thay thế sự hiện diện của con người. Năm 2018, sẽ đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của chatbot, không chỉ đáp ứng yêu cầu hỗ trợ và tương tác tức thời với khách hàng, nhưng sẽ đồng thời đem lại cảm giác gần gũi như người thật.

Năm 2018, sẽ đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của Chatbot và AI.

3. Kết nối đa chiều với omni-channel CRM (hệ thống bán hàng đa kênh trên CRM)

Theo dự đoán, việc quá tải thông tin sẽ trở thành mối đe doạ lớn nhất đối với tất cả doanh nghiệp. Về phía khách hàng, việc chọn mua sản phẩm phù hợp nhất sẽ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi có quá nhiều lời chào mời sản phẩm với tính năng tương tự. Về khía cạnh doanh nghiệp, sự gia tăng của số lượng các kênh giao tiếp sẽ ngăn cản doanh nghiệp kết nối và cung cấp các loại hình dịch vụ toàn diện nhất đến cho khách hàng. Để phá vỡ rào cản thông tin này, một số doanh nghiệp đã tiến hành ứng dụng mô hình hệ thống bán hàng đa kênh trên CRM (omni-channel CRM).

Sự tiếp cận một cách thống nhất này sẽ cho phép đồng bộ công tác quản lý thông tin khách hàng, nâng cao trải nghiệm, và đáp ứng kỳ vọng của khách hàng trong suốt quá trình kết nối với thương hiệu. Khách hàng có thể sử dụng những kênh ưa thích của mình, về phía doanh nghiệp thông tin sẽ được tập trung tại giao diện thông tin thống nhất.

4. Tự động hóa quy trình nhập liệu vào CRM

Hầu hết nhân viên bán hàng và tiếp thị đều gặp khó khăn trong quá trình nhập liệu vào hệ thống CRM do không đủ thời gian, hoặc dữ liệu để hoàn thành những biểu mẫu sẵn có một cách thủ công.

Năm 2018 hứa hẹn sự xuất hiện của các nền tảng CRM thông minh giúp tự động hóa quá trình cập nhật và tập hợp dữ liệu khách hàng. Với cơ chế hoạt động tương tự tính năng Auto-fill của Google, các hệ thống CRM thông minh này sẽ tự động hoàn thành các trường dữ liệu, hoặc cung cấp các gợi ý chính xác dựa trên thông tin được nhập trước đó (như số điện thoại, địa chỉ).

Không chỉ dừng ở đó, các hệ thống CRM này tự động cập nhật thông tin liên quan khi có thay đổi trên trạng thái khách hàng. Cụ thể, khi trạng thái khách hàng thay đổi từ khách hàng tiềm năng lên thành Lead, CRM sẽ tự động cập nhật các thông tin liên quan, giúp giảm thiểu tối đa các thao tác trùng lặp trên hệ thống.

5. Giải pháp CRM tự động sẽ trở nên phổ biến hơn bao giờ hết

Năm 2018 sẽ là thời điểm phát triển mạnh mẽ của hệ thống CRM dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Từ các gói thuê bao giá cả phải chăng đến các gói giải pháp CRM chuyên sâu, ngày càng có nhiều lựa chọn CRM dành cho các chủ doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là các công ty cung cấp giải pháp CRM sẽ đơn giản hóa, hoặc cắt giảm sản phẩm của họ để phục vụ cho doanh nghiệp ở quy mô thấp hơn.

Các doanh nghiệp nhỏ thường được điều hành bởi một người, và hệ thống CRM cần sở hữu một giao diện trực quan, gần gũi, hệ thống thông báo và một loạt các tính năng tự động hóa mạnh mẽ. Vì thế, doanh nghiệp càng nhỏ càng đòi hỏi các giải pháp với các tính năng chuyên biệt, cùng chi phí triển khai hợp lý.

Tạm kết

Trước bối cảnh thị trường được mở rộng với sự cạnh tranh ngày càng tăng, những xu hướng phát triển trên của CRM là điều tất yếu, cho phép nâng cao trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong quá trình tiếp cận thương hiệu.

Trên thực tế, ngoài phạm vi quản lý mạng lưới khách hàng, đội ngũ bán hàng còn tham gia rất nhiều hoạt động khác. Chính vì thế, việc sở hữu các tính năng cộng tác và truyền thông ưu việt như: hệ thống theo dõi và quản lý tự động hoạt động chăm sóc khách hàng, kênh chia sẻ dữ liệu khách hàng…là điều không thể thiếu đối với bất kỳ hệ thống CRM nào của doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ. Qua đó, góp phần nâng cao mức độ gắn kết của đội ngũ bán hàng với doanh nghiệp, giúp cấp quản lý theo dõi và tương tác dễ dàng cùng nhân viên hơn rất nhiều.

Mai Linh tung “xe ôm công nghệ” đối đầu trực tiếp với Grab và Uber

Có thể thấy Mai Linh là hãng taxi “truyền thống” chịu khó thay đổi mình nhất theo thời thế hiện nay khi mà nhà nhà công nghệ, người người chạy theo công nghệ. Ngoài việc phát triển ứng dụng gọi taxi trên điện thoại, Mai Linh đang rục rịch đưa loại hình xe ôm công nghệ ra mắt thị trường vào cuối năm nay.

Cụ thể, ứng dụng gọi xe ôm trên điện thoại – Mai Linh Bike đã được triển khai thử nghiệm tại Hồ Chí Minh khoảng 1 tháng nay, được thực hiện bởi các nhân viên, tài xế của doanh nghiệp này. Và được sự hưởng ứng, phản hồi tích cực từ cộng đồng. Sau khi được đánh giá toàn diện các yếu tố như hệ thống đăng ký, tính ổn định của ứng dụng… dự kiến xe ôm công nghệ của Mai Linh sẽ đưa vào hoạt động chính thức từ ngày 20/11.

Mai Linh thử nghiệm dịch vụ xe ôm công nghệ tại TP HCM.

Như vậy, Mai Linh sẽ là hãng taxi truyền thống đầu tiên cung cấp thêm dịch vụ xe ôm. Và ngoài các dịch vụ xe ôm công nghệ nổi trội như GrabBike, UberMoto, thị trường sẽ có thêm sự lựa chọn khác.

Thông tin này được dư luận khá quan tâm bởi câu chuyện về sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp taxi truyền thống và taxi công nghệ Grab, Uber vẫn chưa có hồi kết. Trong đó, hầu hết đều đồng tình doanh nghiệp truyền thống nên thay đổi với những chiến lược mới, cải tiến dịch vụ mới có thể cạnh tranh với Grab, Uber.

Đối với loại xe M.bike thông thường, mức giá cước được áp dụng là 11.000 đồng/2km đầu. Khách hàng phải trả thêm 3.8000 đồng/km tiếp theo. Mai Linh cũng sẽ đồng thời triển khai M.Bike Premium với giá cước gấp đôi M.Bike thông thường.Mức giá trên không quá chênh lệch khi so sánh với uberMotovà GrabBike.

Bảng giá dịch vụ xe ôm được hiển thị trên app M.Bike.

Hiện trên phần mềm gọi xe trực tuyến của Mai Linh đã xuất hiện 2 biểu tượng Mai Linh Bike và Premium Bike, đồng thời trên hệ thống cũng nhận tài xế đăng ký tham gia dịch vụ này.

Theo đại diện Tập đoàn Mai Linh, xe ôm công nghệ trước mắt thực hiện ở 3 TP lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM – nơi có nhu cầu cao, sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương khác.

Việc thử nghiệm được thực hiện bởi các nhân viên, lái xe của Tập đoàn Mai Linh.

Thực tế, tại các TP lớn như Hà Nội và TP HCM, sự bùng phát của Grab và Uber đã khiến hoạt động kinh doanh của nhiều hãng taxi truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề, doanh thu giảm sút.

Cuối năm 2014, Grab bắt đầu phát triển dịch vụ xe ôm công nghệ và nơi đầu tiên triển khai là TP HCM, được xem khá thành công. Nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống sau đó cũng cân nhắc và định hướng phát triển thêm loại hình này nhằm tăng sức cạnh tranh, giữ chân khách hàng. Cụ thể, trên thị trường hiện đã có các dịch vụ như VivuMoto, AGZ Bike, Timxes.com…

Hi vọng với động thái tích cực này của Mai Linh sẽ giúp hãng cạnh tranh lại được Grab, Uber, đồng thời người tiêu dùng sẽ được hưởng những dịch vụ giao thông vận tải với mức giá cạnh tranh, nhiều ưu đãi.

Rất hi vọng M.Bike sẽ làm nên cơm nên cháo. Còn bạn, bạn sẽ mong chờ và ủng hộ M.Bike chứ?

Bán dược phẩm như bán điện thoại?

Bán dược phẩm như bán điện thoại?

Ở TPHCM nếu muốn mua những loại thuốc khó tìm hoặc thuốc đặc trị, ngoài nhà thuốc của các bệnh viện lớn, người ta thường đến các tiệm thuốc tây Mỹ Châu. Trên đường Hai Bà Trưng gần chợ Tân Định, Mỹ Châu có vài nhà thuốc xung quanh đó.

Những người thông thạo thông tin trong ngành dược nói rằng từ ba bốn năm trước đã có một số tổ chức và một số nhóm nhà đầu tư liên hệ nhằm hợp tác làm ăn, mở rộng và gia tăng số lượng nhà thuốc cũng như kênh phân phối qua mạng, nhưng Mỹ Châu từ chối. Theo thời gian Mỹ Châu mở thêm một số nhà thuốc, song không đáng kể.

Bán thuốc tây như bán điện thoại di động?

Bây giờ số lượng nhà thuốc ở TPHCM mọc như nấm sau mưa, hầu như đường phố nào cũng có ít nhất một tiệm, nhiều thì hai ba cái. Vào tiệm thuốc tây, người ta mua được đủ loại mà tiệm có, kể cả các loại kháng sinh vốn dĩ ở nước ngoài phải có đơn bác sĩ mới mua được.

Gần đây các nhà thuốc bán thuốc không cần kê đơn, các loại thực phẩm chức năng, thảo dược, cả sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu nhiều hơn. Hỏi một dược sĩ kinh nghiệm và thâm niên đã mấy mươi năm tại một nhà thuốc gần nhà thờ Huyện Sĩ, quận 1, ông giải thích bán thực phẩm chức năng hoa hồng cao hơn, với lại mấy thứ thuốc bổ dạng vitamine tổng hợp, ai uống cũng được, khách hàng mua nhiều.

Bán dược phẩm trực tuyến là ẩn số khó nhằn và bài học từ thị trường Ấn Độ còn nguyên giá trị với nhiều doanh nghiệp.

Ông thêm rằng kháng sinh hiện giờ thuốc nhập khẩu từ các nước phát triển ít đi, hầu hết thuốc dạng này có xuất xứ từ Ấn Độ, Hàn Quốc hay một số quốc gia Đông Âu. Hỏi chuyện ông về hệ thống các nhà thuốc có thương hiệu riêng đang mở ra rần rần, như PharmaCity nằm ở các cây xăng hay khu đô thị đông dân cư, ông lắc đầu, bảo họ giống mấy cái cửa hàng tiện lợi, bán một số mặt hàng thường dùng cho khách vãng lai, chứ khách quen người ta có tiệm thuốc quen.

Có lẽ ông dược sĩ ấy có tuổi rồi, không theo kịp thời cuộc. Hệ thống nhà thuốc đang được đầu tư mạnh mẽ, đang hút tiền, được nhiều doanh nghiệp chuyên về bán lẻ chuẩn bị “nhảy vào bành trướng”. Tháng trước, Công ty cổ phần Thế giới di động (MWG – Hose) bắt đầu thương lượng mua cổ phần của một doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG, cho biết trong một cuộc tiếp xúc với giới đầu tư, công ty sẽ chọn ứng cử viên là những đơn vị có am hiểu chuyên môn về sản phẩm ngành dược, y tế nhưng không hoặc chưa có kinh nghiệm tổ chức chuỗi cửa hàng bán lẻ. Hoặc MWG sẽ tìm đến những doanh nghiêp đã có kênh phân phối vài chục cửa hàng và tập trung vào đội ngũ nhân sự tay nghề cao. MWG có thể mua thâu tóm từ 30-40% đến 100% cổ phần tùy vào sự hợp tác của các bên.

Sau khi mở các kênh phân phối qua hệ thống cửa hàng và cả trực tuyến các sản phẩm công nghệ như điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính bàn… (Thế giới di động); điện tử – điện lạnh (Điện máy Xanh) đến lương thực thực phẩm (Bách hóa Xanh) với tổng cộng khoảng 1.780 siêu thị ba loại hình trên, MWG tiến tới mở hệ thống nhà thuốc. Công ty tự tin họ sẽ nhân nhanh và rộng các tiệm thuốc tây như họ đã từng mở hàng ngàn siêu thị trong thời gian ngắn vừa qua.

Mua kênh phân phối qua M&A

Theo Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC), MWG có thể đang đàm phán với ông chủ của chuỗi bán lẻ dược phẩm Phúc An Khang, vốn được thành lập vào năm 2006 và sở hữu trên dưới 20 tiệm thuốc tây. MWG có vốn điều lệ 3.078 tỉ đồng và cổ đông công ty đã chấp thuận phương án bỏ ra 2.500 tỉ đồng từ nhiều nguồn khác nhau để thực hiện các thương vụ M&A.

Ảnh minh họa: Tuệ Doanh.

Số vốn ấy đủ để mở hàng trăm cửa hàng bán lẻ thuốc tây căn cứ vào chi phí thuê mặt bằng, tuyển các dược sĩ và đào tạo nhân viên bán hàng cũng như tiền gối đầu hay đặt cọc để hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, các nhà nhập khẩu dược phẩm, thậm chí đảm nhiệm cả vai trò cầu nối cho các hãng dược quốc tế.

Trước mắt MWG đã và đang tuyển dụng dược sĩ, nhân viên y tế cho các hiệu thuốc trên địa bàn TPHCM. Việc tuyển dụng và đào tạo có lẽ cần nhiều thời gian hơn là tuyển dụng nhân viên bán hàng của các siêu thị điện máy hay thực phẩm vì thuốc men liên quan sát sườn đến sức khỏe con người, nó là vấn đề nhạy cảm, không đơn thuần như bán một cái điện thoại di động khi hỏng hóc có thể sửa chữa hoặc đổi cái mới.

Không chỉ MWG một số doanh nghiệp khác cũng nhận ra tiềm năng của thị trường bán lẻ dược phẩm.

Thay bằng mua lại, đầu tư mới cho hệ thống nhà thuốc, họ thực hiện M&A các doanh nghiệp dược. Cách đi này có nhiều ưu điểm. Thứ nhất chủ động được nguồn hàng phân phối từ chính các nhà sản xuất và chức năng xuất nhập khẩu sản phẩm cũng như nguyên liệu đầu vào. Thứ hai sử dụng được ngay kênh phân phối là các đại lý cũng như cửa hàng bán lẻ của các công ty dược. Chưa kể các doanh nghiệp dược đều có chi nhánh ở những tỉnh, thành lớn, tức có mạng lưới phân phối tại những địa bàn chiến lược. Nên nhớ một số doanh nghiệp dược còn phân phối sản phẩm thông dụng như thuốc cảm cúm, băng dán giảm đau, thực phẩm chức năng… tại các siêu thị lớn. Thứ ba các công ty dược được tham gia đấu thầu cung ứng thuốc cho các bệnh viện. Kênh phân phối này ổn định và có thể mang lại doanh thu cao.

Tuy nhiên M&A doanh nghiệp dược đòi hỏi vốn to, các bước chuẩn bị bài bản và kế hoạch phát triển sau khi đã thâu tóm.

M&A doanh nghiệp dược đòi hỏi vốn to. Ảnh: Thanhniennews.

Mới đây Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim đã công bố sẽ mua thêm cổ phiếu để sở hữu trên 51% cổ phần của Dược Lâm Đồng. Hiện tại Nguyễn Kim đang sở hữu 24% cổ phần doanh nghiệp dược này và muốn mua thêm hơn 27% nữa. Cơ sở mua thêm của Nguyễn Kim là có do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang nắm giữ gần 32% cổ phần Dược Lâm Đồng. Căn cứ vào hiệu quả kinh doanh và vai trò của Dược Lâm Đồng trong ngành cũng như trong danh mục đầu tư của SCIC, nhiều khả năng SCIC sẽ thoái vốn nếu việc chuyển nhượng mang lại lợi nhuận chấp nhận được cho tổng công ty.

Nếu mua thành công, Nguyễn Kim chỉ cần bỏ vào Dược Lâm Đồng thêm 3-4 triệu đô la Mỹ, số tiền không đáng kể so với vốn điều lệ 5.000 tỉ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim. Hơn nữa Công ty thương mại Nguyễn Kim cũng là “dân bán lẻ thứ thiệt” khi họ có hệ thống siêu thị điện máy quy mô không hề nhỏ và có quan hệ hợp tác với đối tác nước ngoài là “đại gia” bán lẻ Thái Lan.

Thị trường bán lẻ tân dược Việt Nam còn nhiều tiềm năng khi mà mối quan tâm và tỷ lệ thu nhập của người dân dành cho chăm sóc sức khỏe ngày một tăng. Khai thác thị trường hiện nay vẫn là hộ cá thể nhỏ lẻ, mang tính gia đình là chủ yếu. Lập chuỗi bán lẻ dược phẩm không quá khó, cái khó là duy trì, củng cố sự quản lý chuyên nghiệp và thu hút khách hàng ổn định, lâu dài. MWG đang phối hợp từ bán hàng siêu thị tay sờ mắt thấy mũi ngửi sang bán hàng trực tuyến. Bán dược phẩm trực tuyến là ẩn số khó nhằn và bài học từ thị trường Ấn Độ còn nguyên giá trị với nhiều doanh nghiệp.