Category Archives: Bussiness

Alibaba tiếp tục đổ tỷ USD vào cửa hàng truyền thống

Đại gia thương mại điện tử Trung Quốc vừa đồng ý mua số cổ phần trị giá 2,9 tỷ USD tại Sun Art.

Alibaba sẽ mua 36% cổ phần Sun Art Retail Group – hãng vận hành khoảng 400 đại siêu thị tại Trung Quốc, với các thương hiệu Auchan và RT-Mart. Theo thỏa thuận, Auchan Retail tại Pháp cũng sẽ nâng cổ phần trong Sun Art lên mức tương ứng, và lập liên minh với Alibaba để tham gia thương vụ.

36% cổ phần của Alibaba có giá trị 2,9 tỷ USD. Đây là động thái mới nhất của hãng này trong quá trình mở rộng sang mảng bán lẻ truyền thống.

Alibaba có tham vọng khuấy động thị trường bán lẻ truyền thống quy mô 4.000 tỷ USD, tăng cạnh tranh với Wal-Mart Stores trong mảng đại siêu thị tại Trung Quốc. Thỏa thuận trên cũng sẽ giúp Sun Art có công nghệ và tài nguyên cần thiết để mở rộng sang các thị trường mới.

Alibaba đang tích cực đổ tiền vào các hãng bán lẻ. Ảnh: Bloomberg.

“Sun Art có chuỗi cung ứng khá tốt. Vì thế, Alibaba sẽ tiết kiệm được chi phí đáng kể, hơn là làm mọi thứ từ đầu”, Julia Pan – nhà phân tích tại UOB Kayhian nhận xét, “Chiến lược bán lẻ mới có vẻ đang là xu hướng với các đại gia thương mại điện tử”.

Alibaba muốn cải tổ ngành bán lẻ truyền thống, đưa công nghệ vào các cửa hàng để quản lý hàng tồn kho tốt hơn, đồng thời tăng biên lợi nhuận. Họ cũng cho rằng tham gia ngành này sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho mảng online cốt lõi, giúp họ có thêm hàng triệu người mua mới và mở rộng mạng lưới tới vùng sâu vùng xa.

Chiến lược của Alibaba mới đang trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nếu hiệu quả, nó có thể giúp họ vượt lên trên Amazon của Jeff Bezos trong mảng bán lẻ truyền thống. Alibaba đã chi hàng tỷ USD vào các cửa hàng siêu thị và trung tâm thương mại từ khá lâu trước khi Amazon công bố thương vụ 13,7 tỷ USD mua Whole Foods Market.

Apple cùng lúc tung ra iPhone X và iPhone 8: Nước cờ mới mà không mới

Apple đã có hướng đi bất ngờ với việc ra mắt cùng lúc 3 dòng sản phẩm hoàn toàn khác biệt để đánh dấu kỷ niệm 10 năm iPhone.

iPhone đầu tiên ra mắt năm 2007, đến năm 2013 Apple bắt đầu cho ra mắt đều đặn mỗi năm 2 sản phẩm, làm tăng thêm lựa chọn cho người dùng. Nhưng năm nay, Apple đã bất ngờ có hướng đi mới với việc ra mắt cùng lúc 3 dòng sản phẩm hoàn toàn khác biệt để đánh dấu kỷ niệm 10 năm iPhone – đó chính là iPhone X, iPhone 8 và iPhone 8 Plus.

Theo Facebook Insight thì có đến hơn 24% người dùng tại Việt Nam đang sử dụng sản phẩm di động của Apple để truy cập internet và Facebook. Với lượng người dùng lớn như thế này, động thái tung sản phẩm của Apple chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng người dùng có hầu bao hào phóng tại Việt Nam. Vậy việc tung ra đến 3 sản phẩm mới trong một năm có làm thay đổi cục diện câu chuyện kinh doanh, hành vi mua hàng sắm của các thượng đế “nhà táo” hay không?

Đầu tiên, hãy cùng tham khảo lại giá cả để thực sự thấy rằng các khách hàng Việt rất chịu chi với dòng sản phẩm cao cấp từ Apple, trung bình các mẫu có giá bán thấp nhất tại thị trường Việt Nam (số liệu từ chuỗi cửa hàng CellphoneS) trong 15 ngày đầu tiên từ khi ra mắt thường dao động quanh mức 20 triệu đồng (iPhone 6s – 20,4 triệu đồng; iPhone 7 – 21,3 triệu; iPhone 8 – 19,4 triệu).

Sức mua của iPhone nói chung và ảnh hưởng của việc ra mắt hai sản phẩm cùng lúc lên thị trường cũng tạo ra những chuyển biến thú vị. Riêng với iPhone X, sản phẩm cao cấp nhất trong tất cả các sản phẩm iPhone từ trước đến nay cũng rơi vào tình trạng khan hàng, giá cả của iPhone X hiện đang bình ổn quanh mức khởi điểm 29-30 triệu.

Trong khi nhiều người dự đoán rằng iPhone X ra mắt là một bước đi không khôn ngoan của Apple vì sẽ khiến iPhone 8 và iPhone 8 Plus kém sức hút, tuy nhiên theo anh Toàn Nguyễn – Phụ trách ngành hàng iPhone của CellphoneS cho biết: “Sức mua iPhone 8 không hề kém đi, với giá bán hợp lý iPhone 8 vẫn đang là lựa chọn của rất nhiều fan Apple, doanh số bán cùng kỳ của iPhone 8 gần xấp xỉ iPhone 7”.

Như vậy, cộng thêm sức hút những ngày vừa qua của iPhone X, có thể thấy bước đi mới khi ra mắt dòng sản phẩm cao cấp hơn của mình kèm theo một giá bán cao ngất ngưỡng nhưng Apple dường như vẫn đang dành được những thắng lợi rất mạnh.

Apple đang rất thành công trong việc gia tăng giá trị khai thác thị trường, mở rộng phân khúc sản phẩm với mức giá mới.

Theo thông tin tham khảo từ một số nguồn cho biết doanh số bán ra của iPhone X trong tuần ra mắt đã vượt hẳn so với iPhone 7 trong cùng giai đoạn, điều này củng cố một phỏng đoán vững chắc cho thấy bằng việc ra mắt iPhone X, Apple đang rất thành công trong việc gia tăng giá trị khai thác thị trường, mở rộng phân khúc sản phẩm với mức giá mới. Song song đó, hãng này cũng gia tăng gần gấp đôi phần doanh số bán ra trong một mùa.

Nếu thị trường là một cái bánh lớn chia đều cơ hội cho các bên, thì với cú đúp lần này Apple đã ngoạm hai cái thật to vào cái bánh mà họ đã rón rén khéo léo trong nhiều năm qua. Hướng đi mang tính mở rộng này không mới, có thể thấy Samsung đã dùng phương thức này từ khá lâu bằng việc sở hữu mỗi năm 2 dòng Galaxy và Note với mức giá bán tạo ra cực biên của phân khúc cao cấp mà họ sở hữu.

Việc tung sản phẩm giá rẻ hay mở rộng ngành hàng ra các sản phẩm phụ trợ để gia tăng lựa chọn của khách hàng là điều mà rất nhiều nhãn hàng và thương hiệu đang làm để chiếm dụng thêm phân khúc khách hàng cũng như thúc đẩy nhu cầu hay khám phá, khai thác một thị trường tăng trưởng.

Tuy nhiên, “đi ngược chiều gió” với việc tung ra sản phẩm mới đột phá hơn đang không phải là lựa chọn của nhiều nhà kinh doanh.

Đối chiếu trong một góc nhìn trái ngành. Cách đây không lâu, trong “cuộc chiến cà phê”, Highlands Coffee với cuộc tái cấu trúc giá bán và hình ảnh thương hiệu đã giúp thương hiệu này vượt qua khó khăn. Tại thời điểm bấy giờ, Highlands sử dụng chiêu thức cố định giá 19.000 đồng cho ly cà phê rẻ nhất và 69.000 cho ly đồ uống đắt nhất. Với biên độ từ 19 – 69.000 là khoảng đủ rộng, mang lại rất nhiều lựa chọn cho khách hàng.

Ảnh: The Verge.

Cũng với chiêu này thì mỗi mùa Apple ra sản phẩm mới họ đều giảm giá các sản phẩm cũ, có năm lại tung ra những “khoảng giữa” với dòng SE càng ngày càng có thêm người dùng trong thị phần giá tầm trung – mảnh đất vốn trước nay chỉ toàn các thiết bị Android.

Theo tổng hợp mới nhất của CellphoneS, cho biết sức mua của các phiên bản iPhone tiền nhiệm như iPhone 7 trong giai đoạn iPhone 8 và iPhone X ra mắt cũng hoàn toàn không có giấu hiệu suy giảm. Điều này xuất phát từ các chính sách hậu mãi hợp lý kết hợp với các khuyến mãi phù phù hợp để vừa túi tiền khách hàng phổ thông hơn.

Như vậy, với một động thái mới mà cũ, lạ mà quen của Apple với iPhone 8 và iPhone X trong mùa iPhone năm nay chúng ta lại có dịp ôn lại một câu chuyện – bài học thú vị. Điều này có thể giúp cho công ty, ngành hàng hay sản phẩm của chúng ta nhịp bước theo sự chuyển biến của thị trường, ngày càng đáp ứng trọn vẹn hơn, tiến sát hơn với các cơ hội phục vụ người tiêu dùng.

Liệu mùa iPhone tiếp theo Apple sẽ làm gì với các chiến lược của mình? Tiếp tục nâng cấp hay sẽ dừng lại ổn định gia tăng khai thác với các dòng sản phẩm hiện có? Dù là kết quả nào, hẳn các fan Apple cũng sẽ luôn có nhiều lựa chọn.

Chủ tịch Mai Linh tiết lộ chiến lược cho xe ôm công nghệ

Ông Hồ Huy khẳng định dịch vụ xe ôm công nghệ mới triển khai của doanh nghiệp này sẽ không tăng giá, chèn ép khách hàng lúc cao điểm.

Chia sẻ với phóng viên nhân sự kiện vận hành dịch vụ xe ôm công nghệ sáng 20/11, ông Hồ Huy – Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh cho rằng sự khác biệt giữa doanh nghiệp khi triển khai dịch vụ này là không bắt chẹt khách hàng, dù cao điểm hay điều kiện thời tiết bất lợi thì vẫn không điều chỉnh cước phí.

“Điều chỉnh giá không phải là mục tiêu của chúng tôi, mà vấn đề lớn nhất là làm sao phục vụ khách hàng tốt hơn. Không riêng xe ôm công nghệ mà tất cả dịch vụ của Mai Linh suốt 25 năm qua đều cam kết không tăng giá. Đây là nguyên tắc cơ bản và phù hợp với văn hóa của người Việt Nam”, ông Huy nói và cho biết thêm, ứng dụng mới ra mắt có bản đồ nhiệt giúp tài xế lựa chọn địa điểm thuận lợi nhất để tìm khách nhằm dung hòa lợi ích cho đối tác (tài xế) và khách hàng.

Cũng theo ông Huy, trong thời gian tới, doanh nghiệp này sẽ tổ chức chiến dịch thuyết phục thêm những tài xế xe ôm truyền thống gia nhập công ty và sử dụng công nghệ để hạn chế tối đa xung đột với Mai Linh Bike.

Mai Linh cam kết không điều chỉnh cước phí dịch vụ xe ôm công nghệ như các đối thủ.

Mai Linh chính thức vận hành dịch vụ xe ôm công nghệ Mai Linh Bike tại TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng sau hơn một tháng thử nghiệm. Hiện có khoảng 5.500 đối tác tham gia dịch vụ này, trong đó thị trường Đà Nẵng tuy số lượng ít nhất nhưng được doanh nghiệp này kỳ vọng dẫn đầu tăng trưởng nhờ lượng khách du lịch đông đúc và lòng tin vào thương hiệu taxi của doanh nghiệp này tại đây.

Theo ghi nhận của chúng tôi trong sáng 20/11, đa phần các tài xế đến đăng ký dịch vụ xe ôm mới của Mai Linh tại Hà Nội là các đối tác của Uber và Grab. Anh Cường – một sinh viên với kinh nghiệm hơn một năm chạy Grab chia sẻ trong lúc đợi đến lượt làm thủ tục cho biết: “Mình đến đăng ký vì nghe anh em trong giới nói Mai Linh mới ra mắt dịch vụ xe ôm có nhiều ưu đãi cho tài xế”.

“Tranh thủ thời gian ngoài lên lớp, mình chạy xe ôm Grab để kiếm thêm tiền trang trải sinh hoạt nhưng thu nhập ngày càng giảm. Grab hiện đã chiết khấu lên 20% và không còn nhiều chính sách hỗ trợ tài xế như trước. Đồng thời, mình thấy ở đâu cũng màu áo xanh của GrabBike cũng có thể khiến lượng khách của những người chạy parttime như mình bị giảm”, Cường tỏ ra trầm ngâm khi chia sẻ về công việc gần đây. Cậu sinh viên năm cuối hy vọng có nguồn thu ổn định từ Mai Linh Bike.

Nhiều tài xế xe ôm Grab đến đăng ký thêm tại Mai Linh Bike. Ảnh: Anh Tú.

Theo giới thiệu của Mai Linh, dịch vụ xe ôm mới có giá cước tương đương hai đối thủ Uber, Grab là 11.000 đồng/2km đầu và 3.800 đồng/km tiếp theo với xe phổ thông. Trong ngày đầu ra mắt, Mai Linh Bike tung mã khuyến mại giảm đến 50.000 đồng cho mỗi chuyến đi.

Đồng thời, Mai Linh cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút tài xế. Trong hai tháng đầu tiên, các tài xế không phải nộp chiết khấu cho hãng. Sau đó, tỷ lệ ăn chia giữa hãng và tài xế sẽ là 15-85%. Đây là mức chiết khấu thấp hơn mức 20% của Grab và 25% của Uber.

“Tôi đăng ký dịch vụ xe ôm của Mai Linh chủ yếu để nghe ngóng chính sách đãi ngộ tài xế của hãng mới thế nào. Tôi vẫn đang dùng song song cả hai ứng dụng Uber và Grab. Tùy thời điểm, bên nào có nhiều thưởng cho tài xế hơn thì tôi chạy nhiều cho hãng đó”, một tài xế GrabBike khoảng hơn 40 tuổi chia sẻ.

Ông cho rằng cần phải mất một thời gian dài mới có thể biết được dịch vụ xe ôm của Mai Linh có đem lại thu nhập ổn định và chế độ đãi ngộ tốt cho tài xế hay không. Theo tài xế này, lúc mới ra mắt cả Uber và Grab đều có rất nhiều chương trình để thu hút nhân sự nhưng sau đó giảm hẳn.

Theo khảo sát của chúng tôi tại khu vực Hà Nội, khách hàng hiện khó có thể đặt Mai Linh Bike vì lượng tài xế hiển thị trên bản đồ vẫn còn rất ít.

Mì tôm Miliket và sức mạnh của thói quen

Dù chỉ chiếm một vị trí khiêm tốn trên các quầy hàng, nhưng thương hiệu mì 45 tuổi này vẫn âm thầm với đời sống riêng của mình.

Hương vị tuổi thơ

Những năm 1980 của thế kỷ trước, mì ăn liền là một món ăn rất xa xỉ, giá trị 500 – 1.500 đồng ngày ấy là một số tiền không hề nhỏ. Chỉ một gói mì tôm cũng rất trân quý với nhiều đứa trẻ. Cảm giác sung sướng khi được thưởng thức một bát mì nóng hổi đổi vị bữa cơm hàng ngày là ký ức chung về một tuổi thơ vất vả của rất nhiều thế hệ người Việt. Lúc bấy giờ, mì tôm Miliket chính là món ăn được “khao khát” nhất.

Thương hiệu mì tôm Colusa, tiền thân của mì Miliket, được sản xuất từ trước năm 1975 bởi công ty thực phẩm Sài Gòn, sau đó được đổi tên thành Xí nghiệp chế biến lương thực thực phẩm Colusa. Đến năm 1983, Tổng công ty Lương thực miền Nam mở thêm Xí nghiệp lương thực thực phẩm Miliket. Năm 2004, Colusa và Miliket đều cùng sáp nhập thành Công ty lương thực thực phẩm Colusa – Miliket và chuyển thành công ty cổ phần vào năm 2006.

Mì tôm Miliket gần như độc quyền thị trường mì ăn liền với thị phần trên 90% vào những năm 1980 – 1990. Bên trong bao bì giấy kraft giản dị với hình ảnh hai con tôm là hương vị gây thương nhớ đối với biết bao thế hệ người tiêu dùng. Cũng từ đó, mì ăn liền thường được người tiêu dùng gọi là “mì tôm”, ngầm khẳng định sức ảnh hưởng lớn như thế nào của mì “hai con tôm” đến tâm trí và thói quen của người dân Việt.

Hơn 30 năm tồn tại, bao bì Miliket vẫn chỉ có… hai con tôm. Nhiều người cho rằng, Miliket quá bảo thủ trong việc phát triển sản phẩm và thay đổi mẫu mã. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc giữ nguyên bao bì sản phẩm giúp Miliket khai thác thế mạnh ký ức quen thuộc ngày xưa, đánh vào giá trị tinh thần mà hiếm sản phẩm tiêu dùng nào có được.

Mì ăn liền Miliket hiện vẫn đồng hành cùng nhiều người tiêu dùng trung thành, nhất là các gia đình có nhiều thế hệ từ những năm cuối thế kỷ 20, bởi dù trên thị trường có rất nhiều sản phẩm mì ăn liền hiện đại hơn, nhưng những giá trị về tinh thần và thói quen sử dụng mì Miliket vẫn khó có thể thay đổi.

Sống theo cách riêng

Ông cha ta vẫn dạy “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Mì tôm Miliket đã tận dụng triệt để câu tục ngữ trên. Xác định rõ được vị thế của mình trước thị trường mì ăn liền cạnh tranh khốc liệt với khoảng 50 thương hiệu khác nhau, Miliket luôn tránh đối đầu trực tiếp với các ông lớn và tồn tại theo cách riêng của mình.

Thực tế cho thấy, dù hiện tại chỉ nắm giữ thị phần từ 3 – 4%, nhưng mì tôm Miliket vẫn sống khỏe. Thậm chí doanh thu và lợi nhuận đầu năm nay còn liên tục báo tin vui, nhất là sau khi thương hiệu 45 năm tuổi này lên sàn chứng khoán.

Đầu tháng 7 vừa qua, Công ty cổ phần lương thực thực phẩm Cosula – Miliket đã được niêm yết trên sàn UPCOM với giá tham chiếu là 25.800 đồng/cổ phiếu. Tại mức giá này, vốn hóa của Cosula đạt 124 tỷ đồng.

Kết thúc quý III/2017, Miliket đạt doanh thu thuần 136 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, nâng doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2017 lên 390 tỷ đồng, tăng 20% so với 9 tháng đầu năm 2016. Đồng thời, công ty này cũng báo lãi 6,6 tỷ đồng trong quý III năm nay, gấp đôi con số 3,2 tỷ đồng năm trước, và lũy kế 9 tháng đầu năm, Miliket lãi 17,55 tỷ đồng, tăng 57% so với 9 tháng đầu năm 2016.

Chiến lược cơ bản của Miliket chính là rẻ, rẻ nữa, rẻ mãi. Đối tượng khách hàng chủ yếu là những tầng lớp thấp, người lao động chủ yếu ở khu vực miền Tây và niềm Nam. Giá mỗi gói mì tôm Miliket hiện chỉ dao động ở mức 2.000 đồng – 3.000 đồng/gói, thuộc mức giá thấp nhất trên thị trường.

Điều này nhờ vào phần lớn tài sản cố định của công ty đã được thu hồi hết (tài sản cố định đã khấu hao được 70%) mà Miliket có được giá thành sản phẩm thấp hơn so với các đối thủ cùng ngành.

Thứ hai, mì tôm Miliket không trực tiếp bỏ tiền vào quảng cáo, marketing trên các phương tiện truyền thông bởi khó mà cạnh tranh với các “đại gia” cùng ngành như Acecook, Masan. Miliket đã chọn lối đi ngách khôn khéo hơn, đó là đem sản phẩm tới các Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, Hàng Việt về nông thôn và phân phối sản phẩm tới các chợ đầu mối, chợ bán lẻ và đại lý. Nhờ vậy, độ phủ sóng của mì Miliket vẫn được đảm bảo.

Ngoài ra, mì tôm Miliket còn có màn “song kiếm hợp bích” ăn ý với các quán lẩu và nhà hàng từ lớn đến nhỏ. Với chất sợi mì dai cùng hương vị đậm đà, mì tôm Miliket rất hợp để thưởng thức cùng món lẩu. Tần suất có mặt ở các quán lẩu của Miliket nhiều đến mức mà hiện nay, nó đã có tên gọi mới là “Mì ăn lẩu”.

Đặc biệt, lãnh đạo Miliket còn đề cao nguyên tắc “nhu cầu đến đâu, sản xuất đến đó. Tuyệt đối không để lại hàng thừa, hàng tồn kho”. Do đó, Miliket đã tiết kiệm được tối đa chi phí sản xuất và vẫn âm thầm tồn tại được sau hơn 45 năm.

Tuy nhiên, với mức sống ngày càng cao cũng như yêu cầu về chất lượng, hương vị đa dạng của sản phẩm tăng lên từ phía người tiêu dùng, nếu như Miliket vẫn phụ thuộc vào lợi thế trựu tượng như hồi ức và thói quen, thì “tuổi thọ” cũng Miliket dài lâu đến đâu cũng khó rất khó nói.

4 giai đoạn để thành thạo một kỹ năng mới

Việc làm chủ kỹ năng mới rất khó khăn khiến bạn không thể tự “nâng cấp” mình. Thực tế, bạn cần mất nhiều thời gian, công sức và có một kế hoạch rõ ràng để từng bước chinh phục một kỹ năng nào đó.

Trên 10 năm trong lĩnh vực huấn luyện đào tạo nhân sự cho các doanh nghiệp, tập đoàn, tôi đề xuất một công thức có thể giúp bạn phát triển một kỹ năng mới cho bản thân, nhằm phục vụ cho công việc và cuộc sống. Đó là công thức LAMS – là viết tắt 4 ký tự đầu tiên của LEARN (Làm quen), APPLY (Áp dụng), MASTER (Mài sắc) và SHARE (Sẻ chia). Đó chính là 4 giai đoạn của quá trình làm chủ kỹ năng mới.

1. Learn (Làm quen)

Bước đầu tiên, bạn phải tiếp cận kiến thức, kỹ năng cần đạt được, bao gồm: lý thuyết, các công cụ, chọn các kênh học tập như học với giảng viên, nghiên cứu tài liệu, hay xem video…

2. Apply (Áp dụng)

Tiếp theo, bạn cần áp dụng kiến thức học được vào công việc, cuộc sống hàng ngày. Đây là quá trình rất quan trọng để dần biến kiến thức mới thành kỹ năng của bản thân. Lúc này, bạn cũng cần tiếp thu các góp ý, chỉnh sửa nhằm hoàn thiện các kỹ năng đến mức thuần thục.

3. Master (Mài sắc)

Sau một thời gian áp dụng, kỹ năng mới đã dần được hoàn thiện, bạn chuyển sang giai đoạn Master (Mài sắc). Lúc này, bạn đã có thể làm thuần thục kỹ năng này, nhưng còn một vài điểm cần gọt giũa để đưa kỹ năng mới lên đỉnh cao.

4. Share (Sẻ chia)

Đây là giai đoạn cuối cùng của việc hoàn thiện một kỹ năng mới. Thực chất, khi đi đến giai đoạn 3 – Master bạn đã có thể gọi là thành công, tuy nhiên, đỉnh cao nhất của việc học một kỹ năng mới chính là có thể chia sẻ, hướng dẫn lại cho người khác làm giống mình.

Bởi chỉ khi bạn hoàn toàn làm chủ, thấu hiểu một kỹ năng, kiến thức bạn mới có đủ khả năng, tự tin chia sẻ cho người khác. Bạn cần đặt mục tiêu 4 giai đoạn này ngay từ đầu để có một lộ trình học tập, rèn luyện hiệu quả hơn.

Ví dụ, bạn muốn phát triển kỹ năng thuyết trình, việc đầu tiên là phải học cách xây dựng nội dung cuốn hút, cách làm chủ giọng nói, chọn ngôn từ phù hợp, luyện tập ngôn ngữ hình thể và kỹ thuật dẫn dắt người nghe (Learn). Sau đó, bạn luyện tập mỗi ngày, áp dụng từng bước một, như thuyết trình ở nhóm nhỏ đến nhóm lớn hơn (Apply).

Sau một thời gian áp dụng, bạn đã làm nó tốt hơn rất nhiều, dần làm chủ được kỹ năng này, bạn sẽ bắt đầu chỉnh sửa những lỗi nhỏ nhất, nhằm biến nó thành “đặc sản” riêng của mình với những kỹ thuật riêng, mang phong cách cá nhân. Lúc này, bạn đã đạt đến giai đoạn Master. Cuối cùng, bạn có thể tự tin chia sẻ lại, hướng dẫn lại cho người khác làm giống mình, nghĩa là bạn đã ở giai đoạn Share.

Tóm lại, bất kỳ một kỹ năng nào cũng trải qua bốn giai đoạn này để đạt đến sự thuần thục cao nhất, và thông thường mất khoảng từ 3 đến 6 tháng tùy vào độ khó và nỗ lực cá nhân của người học. Bạn cần có đủ quyết tâm và sự kiên trì để đi qua 4 giai đoạn trên nhằm hoàn thiện kỹ năng cho bản thân.