Category Archives: Bussiness

Lời nguyền cho những “Warren Buffett mới”

Trong giới đầu tư chứng khoán, có lẽ ai cũng biết huyền thoại Warren Buffett. Và như một lẽ tất yếu, khi Warren Buffett ngày càng lớn tuổi, giới truyền thông bắt đầu đi tìm những “Warren Buffett mới” – những người được dự đoán là sẽ tiếp nối được thành công của “Nhà tiên tri xứ Omaha”.

Thế nhưng trớ trêu thay, cho đến hiện tại, hầu hết những người được gọi là “Warren Buffett mới” đều nhận về những thất bại đau đớn ngay sau khi được nhận biệt danh này, giống như một lời nguyền. Lời khen “bạn sẽ là Warren Buffett tiếp theo” vô tình trở thành một thách thức mà không phải nhà đầu tư nào cũng có thể vượt qua.

Dưới đây là 2 trong số rất nhiều “Warren Buffett mới” như thế – những người mà thất bại của họ có thể mang về cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư theo trường phái đầu tư giá trị như Warren Buffett, những bài học thú vị.

Eddie Lampert

Khi còn học tại Đại học Yale, Eddie Lampert (tài sản ước tính 1,62 tỷ USD, theo Forbes) đã thể hiện mình là một sinh viên xuất sắc. Eddie Lampert có mối quan hệ thân thiết với người bạn cùng phòng Steven Mnuchin – Bộ trưởng Tài chính hiện tại của Mỹ.

Khi đi làm, Eddie Lampert cũng gặt hái những thành công nổi trội. Ở tuổi 25, ông đã bắt đầu gây quỹ phòng hộ của riêng mình và thu được lợi nhuận trung bình hằng năm lên tới 29%. Khách hàng của Eddie Lampert bao gồm những tỷ phú như David Geffen (tài sản khoảng 7,9 tỷ USD) hay Michael Dell (tài sản khoảng 23,9 tỷ USD)…

Sau khi thâu tóm phần lớn cổ phần của Kmart, Eddie Lampert sáp nhập Kmart vào tập đoàn bán lẻ Sears Holdings Corp. Sau hành động này, nhiều trang báo đã gọi Eddie Lampert là một Warren Buffett mới, thậm chí còn kỳ vọng ông sẽ sớm soán ngôi vị Nhà đầu tư số một thế giới của Warren Buffett.

Tuy nhiên, với áp lực biến Sears Holdings Corp thành một Berkshire Hathaway (công ty do Warren Buffett điều hành) tiếp theo, Eddie Lampert đã phạm phải rất nhiều sai lầm. Và chỉ 6 năm (2010 – 2016), Sears Holdings Corp đã lỗ tới 10,4 tỷ USD, trong đó riêng năm 2016 lỗ 2,2 tỷ USD (theo Investopedia).

Điều thực sự gây ngạc nhiên là trong một cuộc trả lời phỏng vấn năm 2005 với một nhóm sinh viên tại Đại học Kansas, Warren Buffett đã thấy trước viễn cảnh tệ hại này của Eddie Lampert, lý do đưa ra là Sears Holdings Corp thiếu lợi thế cạnh tranh bền vững.

Cụ thể, ngành bán lẻ ở Mỹ (nơi Sears Holdings Corp hoạt động) là một ngành kinh doanh mà Sears Holdings Corp rất khó tạo ra được một sự vươn mình như kỳ vọng. Bởi đối thủ trực tiếp của Eddie Lampert là 2 chuỗi cửa hàng có thị phần lớn nhất – Costco và Walmart – có thể cung cấp các giao dịch tốt hơn trong khi vẫn có thể chấp nhận hoạt động với mức lợi nhuận nhỏ hơn so với Sears và Kmart.

Bên cạnh đó, những cửa hàng cũ thường có khả năng giữ khách hàng của mình rất tốt, nên cơ hội để một nhà bán lẻ có thị phần thấp hơn có thể tạo ra điều kỳ diệu là rất nhỏ.

“Eddie là một người rất thông minh, nhưng đặt Kmart vào Sears lại là một sự gắn kết thiếu sức sống. Ngành bán lẻ ở Mỹ, về lâu dài, không phải là nơi có thể dễ dàng tạo nên những kỳ tích. Năm 1966, chúng tôi mua lại một phần của Hochschild Kohn’s (một chuỗi cửa hàng bách hóa tại Baltimore, bang Maryland, Mỹ). Thế nhưng chúng tôi nhanh chóng học được rằng về lâu dài, chúng tôi không thể là người chiến thắng trong lĩnh vực này. Chúng tôi đã bán nó vào khoảng năm 1970. Lĩnh vực này thực sự không đủ cơ hội để nhà đầu tư có thể phát triển tham vọng”, Warren Buffett chia sẻ.

Bill Ackman

Tại hội nghị Sohn năm 2015 – nơi quy tụ những quỹ đầu tư hàng đầu, Bill Ackman (tài sản ước tính 1,3 tỷ USD, theo Forbes) tuyên bố đã phát hiện ra Berkshire Hathaway mới, đó chính là nhà sản xuất dược phẩm Valeant Pharmaceuticals International (mã cổ phiếu VRX).

Quỹ đầu tư của Bill Ackman – Pershing Square Capital Management, sau đó đã mua lại cổ phần của Valeant, trị giá khoảng 3,3 tỷ USD, khi mà giá trung bình một cổ phiếu VRX lúc đó khoảng 196 USD (theo Investopedia.com)

Forbes sau đó không ngần ngại gọi Bill Ackman là “Baby Warren Buffett” (tiểu Warren Buffett). Thế nhưng sau khi Bill Ackman đầu tư vào Valeant Pharmaceuticals International, cổ phiếu công ty rớt giá thảm hại, hiện đang giao dịch ở mức 12 USD/cổ phiếu. Thậm chí có thời điểm, trung bình mỗi ngày Valeant Pharmaceuticals International mất hơn 7,7 triệu USD.

Sự sụt giảm giá trị của Valeant Pharmaceuticals International khiến trong năm 2016, quỹ đầu tư Pershing Square Capital Management mất 13,5% giá trị tài sản ròng, con số này vào năm 2015 lên đến 20,5% (theo Investopedia).

“Rõ ràng, hành động đầu tư của chúng tôi vào Valeant là một sai lầm rất lớn. Tính chất công việc và mô hình hoạt động của Valeant thường yêu cầu khả năng phân bổ vốn liên tục, nguồn lực đồng đều và khả năng thực hiện nhiều hoạt động đa dạng, với tần suất cao. Điều này đòi hỏi một mức độ phụ thuộc lớn của công ty vào các nhà quản lý. Và thật buồn là chúng tôi đã đánh giá sai khả năng của đội ngũ quản lý ở công ty này”, Bill Ackman thừa nhận.

Người giàu làm việc này và nó khiến họ giàu hơn

Nhìn từ bên ngoài, trở thành những người giàu có và thành công nhất có vẻ như chính là cách để chúng ta dễ dàng có được những chiếc xe ô tô đắt tiền nhất, phi cơ, du thuyền, những căn hộ xa hoa nhất…

Tuy nhiên, dù giới siêu giàu có khả năng sở hữu những tài sản đắt tiền nhất, nhưng những người thành công nhất luôn biết rằng, sống đúng với nhu cầu của mình chính là con đường để duy trì sự giàu có.

“Đây là câu hỏi quan trọng mà bạn nên tự hỏi: “Khi nào tôi nên mua những thứ tôi có khả năng mua được – những thứ tôi cần khi mà những thứ tôi cần ít hơn những thứ tôi có thể mua được?”, CNBC dẫn lời tác giả, diễn giả, chuyên gia tư vấn tài chính Suze Orman tại hội nghị eMerge Americas ở thành phố Miami, bang Florida, Mỹ hồi tháng 6.

Nói cách khác, việc chúng ta có khả năng mua sắm được những thứ đắt tiền hơn không có nghĩa chúng luôn là những lựa chọn tốt nhất. Và việc tiết kiệm được một đồng có nghĩa là chúng ta đã kiếm được một đồng.

Orman nhớ lại một giai đoạn vào năm 1988, khi bà sắp chuyển đến sống một khoảng thời gian dài tại New York. Việc đó dễ tạo nên cảm giác rằng bà nên mua một căn nhà tại đây. “Tôi có đủ tiền để mua một căn penthouse trị giá 1 triệu đô vào thời điểm đó. Nhưng rốt cuộc tôi mua một căn hộ có giá 240.000 USD vì đó là tất cả những gì tôi cần”, bà chia sẻ.

Nếu chúng ta chi tiêu cho thứ gì đó chỉ vì có đủ khả năng, cái kết chúng ta nhận được sẽ là một… tài khoản trống rỗng. “Hãy mua những gì bạn cần bất kể bạn giàu có thế nào, bởi vì khi bạn mua xong phi cơ, du thuyền, một vài căn nhà…, bạn sẽ đột nhiên nhận ra rằng bạn… không có tiền, Orman nói.

Theo Orman, dù đang có thu nhập 6 con số hoặc cao hơn, đây chỉ là nền tảng để xây dựng sự giàu có. Hãy sống với những gì chúng ta cần và để dành phần còn lại cho công việc!

 

Nhà đầu tư – tỷ phú Warren Buffett chính là một ví dụ điển hình cho cách sống này. Ông vẫn sống trong căn nhà cũ từng mua với giá 31.500 USD vào năm 1958 (giá trị của căn nhà theo giá đô la hiện tại là 260.000 USD), sử dụng coupon giảm giá và không bao giờ chi hơn 3,17 USD cho một bữa ăn sáng.

Buffett không “cô đơn” với cách sống giản dị này. Cầu thủ bóng bầu dục Alfred Morris của câu lạc bộ Dallas Cowboys kiếm được hàng triệu đô la nhưng vẫn chạy chiếc xe sedan Mazda 626 từng mua vào năm 1991 với giá… 2 USD.

Một “đồng nghiệp” của Alfred Morris là Kirk Cousins của câu lạc bộ Washington Redskins cũng kiếm được 20 triệu USD hồi năm 2016 nhưng vẫn chọn sống cùng vợ ở tầng hầm trong căn nhà của cha mẹ mình trong suốt mùa hè và lái chiếc xe dạng dùng để chở khách từng mua lại của ông bà với giá 5.000 USD.

Mark Zuckerberg – CEO mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook cũng thường xuyên bị bắt gặp đang lái chiếc Acura TSX màu đen trị giá khoảng 30.000 USD.

Không dễ dàng chống lại sự thôi thúc phải chi tiêu, nhưng khi luyện tập để tạo thành thói quen, nó sẽ ăn sâu vào não chúng ta. “Và rồi bạn sẽ không mong muốn có bất kỳ cái gì khác hơn những gì bạn cần”, Orman kết luận.

“Trùm” snack rong biển Thái: Kiếm triệu đô nhờ đồ ăn vặt

“Rong biển hiện được 20% dân số thế giới tiêu thụ. Đây là thị trường vô cùng tiềm năng”. Nhờ nhận định đó mà Itthipat Peeradechapan – cha đẻ của thương hiệu Taokaenoi đã lọt top 50 người giàu nhất Thái Lan, với sản phẩm snack rong biển.

Itthipat Peeradechapan, còn được gọi là Tob, năm nay 32 tuổi và đang sở hữu khối tài sản trị giá 610 triệu đô la Mỹ. Thương hiệu Taokaenoi, nghĩa là “Ông chủ nhỏ”, được Tob thành lập từ năm 2004, khi Tob vừa bước sang tuổi 20. Sau hơn 10 năm xuất hiện trên thị trường, snack rong biển Taokaenoi đã đưa Tob từ một cậu ấm nghiện game và bỏ học trở thành tấm gương cho nhiều thế hệ doanh nhân trẻ xứ Chùa Vàng.

Những miếng rong biển khô giòn tan, tẩm vị tom yum hay wasabi đã giúp “ông chủ nhỏ” đứng thứ 44 trong danh sách 50 người giàu nhất Thái Lan năm 2017 do Forbes bình chọn. Hiện, thương hiệu của Tob chiếm hơn 60% thị phần snack rong biển ở Thái Lan. Doanh số của hãng thức ăn nhẹ này đạt mức 136 triệu USD trong năm 2016, tăng đến hơn 30%.

Kể từ lần đầu tiên phát hành trước công chúng (IPO) vào năm 2015, cổ phiếu của Taokaenoi đã tăng gấp 5 lần.

Khi “cậu ấm” kinh doanh

Năm 1997, khi cơn bão khủng hoảng tài chính châu Á đổ bộ vào thị trường, công ty xây dựng của bố Tob bị phá sản, buộc Tob, lúc đó còn là cậu ấm nghiện game, phải tập tành kinh doanh, bắt đầu bằng việc bán đồ ăn vặt trong trường học. Và vào năm nhất đại học, Tob đã bỏ học hẳn để kinh doanh nhằm đỡ gánh nặng tài chính cho gia đình.

Trong một lần đi hội chợ ẩm thực, Tob đã nảy ra ý tưởng bán hạt dẻ nướng. Gom góp được 7.200 USD tiền tiết kiệm, Tob sắm sửa trang thiết bị và đặt một ki-ốt bán hạt dẻ tại khu ăn uống trong một trung tâm thương mại. Tuy nhiên, không nhiều khách hàng để ý đến quầy hạt dẻ nướng của Tob. Giữa lúc Tob sắp sửa dẹp tiệm để đi làm phục vụ thì chàng thanh niên trẻ có cuộc gặp định mệnh với chuỗi siêu thị Tesco Lotus.

Tob nhớ lại: “Doanh số bán hàng nhảy vọt khi ki-ốt hạt dẻ của tôi được dời sang gần quầy thu ngân của siêu thị. Mấu chốt để giải quyết toàn bộ vấn đề phụ thuộc vào việc bạn có nắm được địa lợi hay không”.

Chẳng mấy chốc, quầy bán hạt dẻ của Tob đã có mặt tại 30 địa điểm khác nhau với 50 nhân viên cùng doanh thu hàng tháng vào khoảng 87.000 đô la. Tob nói: “Đó là khởi đầu không tệ với chàng thanh niên 19 tuổi như tôi”.

Trùm snack rong biển Thái: Kiếm triệu đô nhờ đồ ăn vặt doanhnhansaigon
Ở tuổi 19, Tob từng kiếm gần 90 ngàn đô la mỗi tháng. Nguồn: Forbes

Thế nhưng, một thay đổi trong cung cách quản lý của Tesco Lotus đã dìm chết mô hình của Tob. Chuỗi siêu thị này muốn ki-ốt hạt dẻ nướng dời vào bãi giữ xe vì khói từ lò than khiến khách hàng khó chịu và làm đen trần nhà. Kết quả là, doanh số bán hàng lao dốc không phanh, buộc Tob phải kiếm đường kinh doanh khác.

Tái khởi nghiệp

Ngày nọ, Tob tình cờ tiếp cận với rong biển khô khi bạn gái mua tặng anh một bịch snack từ cửa hàng trong trường đại học. Chàng doanh nhân trẻ nhớ lại: “Snack rong biển đã khiến tôi yêu ngay từ cái… cắn đầu tiên”. Tob cảm nhận được cơ hội thành công lớn với sản phẩm này vì lúc đó nó đã khá phổ biến trong giới trẻ Thái nhưng chưa được sản xuất đại trà tại thị trường trong nước.

Nói là làm, Tob lân la tìm đến các chuyên gia thuộc đại học Kasetsart và mẹ để giúp tạo ra hương vị riêng cho sản phẩm. Tob kể: “Vị snack cay, mặn của Taokaenoi được dựa trên công thức của mẹ tôi”. Gom được 200.000 đô la từ việc thanh lý một số ki-ốt hạt dẻ, Tob mở nhà máy sản xuất snack rong biển vào năm 2006.

Wirode Tangwutthikaiwit, nhà sáng lập PAG Design, công ty chịu trách nhiệm thiết kế logo của Taokaenoi, nhớ lại ấn tượng ban đầu về Tob: “Cậu nhóc này khi ấy mới chỉ 19 tuổi mà đã có cái nhìn sâu sắc về con đường mình sẽ đi”.

Thoạt đầu, sản phẩm của Tob được ra mắt tại một cửa hàng 7-Eleven nhưng không mấy hút khách vì bị đặt ở những kệ thấp. Để khắc phục điều này, Tob thuyết phục người quản lý đưa những bịch snack rong biển ra gần quầy thu ngân. Thế là, chẳng mấy chốc, số lượng bán ra nhảy vọt. Và, vào năm 2008, doanh số bán ra của Taokaenoi đã cán mốc 30 triệu USD.

Trùm snack rong biển Thái: Kiếm triệu đô nhờ đồ ăn vặt doanhnhansaigon
Năm 2008, doanh số bán ra của Taokaenoi đã cán mốc 30 triệu USD. Nguồn Wall Street Journal

Thành công của Taokaenoi cũng kéo theo sự xuất hiện và cạnh tranh đến từ những công ty như Masita cùng hàng loạt các đối thủ “ăn theo” khác. Thử thách lớn đến với Tob năm 2011, khi lũ lụt ở Thái Lan nhấn chìm toàn bộ nhà máy. Đến 3 tháng sau, Tob mới có thể khôi phục được dây chuyền sản xuất và kế hoạch IPO phải hoãn lại.

Chàng doanh nhân trẻ chiêm nghiệm: “Đối với ngành công nghiệp thực phẩm mà nói, nếu sản phẩm của bạn không được liên tục lên kệ, thì người tiêu dùng sẽ chọn cái khác”.

Và kế hoạch táo bạo

Về kế hoạch trong tương lai, Tob cho biết: “Điểm đến tiếp theo của Taokaenoi sẽ là Mỹ, thị trường snack lớn nhất thế giới”. Tại đây, cũng giống như ở Trung Quốc, Taokaenoi sẽ phải đối đầu với những đối thủ Hàn Quốc và Nhật Bản vốn đã thành danh từ trước. Hiện, Tob đang gấp rút nâng sản lượng hàng năm của Taokaenoi lên 12.000 tấn. Anh đã dùng 50% số tiền thu được từ 42 triệu USD khi IPO để lập một nhà máy mới chuyên cho sản phẩm xuất khẩu.

Uraiwan Tantisuwannakul, chuyên viên phân tích tại công ty chứng khoán CIMB Thái Lan, chỉ ra rằng chính sách giảm thuế trong 8 năm dành cho Taokaenoi kết hợp cùng tăng năng suất và giảm chi phí sẽ tạo ra sức cạnh tranh mạnh mẽ cho sản phẩm này. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu thô, do rong biển vốn không được trồng trong nước.

Dù Taokaenoi nhập rong biển từ Hàn Quốc, nhưng Tob khẳng định rằng sản phẩm của mình vẫn sẽ đảm bảo duy trì được “mức giá cạnh tranh”. Việc mở rộng năng suất và đẩy mạnh xuất khẩu là tối quan trọng để đạt mục tiêu gấp đôi doanh thu trong năm 2024. Tob kết luận: “Chúng ta cần thiết phải lớn mạnh hoặc sẽ chịu kết cục bị đào thải”.

Microsoft: Gã khổng lồ đang “thua để thắng”

Bất cứ một người làm công nghệ nào đều sẽ biết đến sức ảnh hưởng của những tên tuổi như IBM, GE, Cisco, SAP trong thị trường doanh nghiệp.

Tất cả những gã khổng lồ này đều đang ủng hộ iOS và Mac, kéo theo cả những khách hàng cuối tiềm năng như Walmart, Delta Airlines. Ấy vậy mà Microsoft vẫn có thể thản nhiên ngồi nhìn Apple giành giật thị trường truyền thống của mình. Tại sao?

Chỉ đúng một ngày sau khi chúng tôi đăng tải bài viết nói về xu thế “Mac hóa” của các doanh nghiệp lớn (và các thế lực trong lĩnh vực công nghệ doanh nghiệp), một gã khổng lồ tiếp theo đã quyết định từ bỏ Windows để đến với những chiếc máy tính gắn mác Táo. Trong tuyên bố đưa ra tại hội nghị Jamf dành cho các doanh nghiệp lớn, đại diện của Walmart tuyên bố sẽ triển khai 100.000 máy Mac trong năm tới, gia tăng đáng kể quy mô sử dụng từ 7.000 máy của thời điểm hiện tại.

Lý do được Walmart đưa ra không có gì mới mẻ so với những gì đã được IBM và nhiều thế lực khác trong thị trường dịch vụ doanh nghiệp khẳng định: “Chúng tôi nhìn vào tổng chi phí sở hữu (TCO) dành cho công nghệ của mình. Chi phí triển khai, bảo mật Mac thấp hơn rất nhiều so với máy Windows – từ góc độ kinh doanh dùng Mac là rất hợp lý”.

Với một lĩnh vực khốc liệt như bán lẻ, cắt giảm chi phí là lợi ích số 1 được công ty đứng đầu thế giới về doanh thu theo đuổi

Đây cũng là lý do General Electrics, một doanh nghiệp lâu đời của Mỹ, quyết định “chuẩn hóa” phần cứng cho nhân viên bằng cách triển khai iPhone, iPad và máy Mac cho toàn bộ 330.000 nhân viên của mình. Một phần quan trọng trong nỗ lực “chuẩn hóa” iOS tại môi trường làm việc của GE là Predix, nền tảng được các khách hàng doanh nghiệp của GE sử dụng để phát triển phần mềm dự đoán sự cố và giảm chi phí hoạt động.

Microsoft là gã khổng lồ đại diện cho thị trường doanh nghiệp hi-tech. Nhưng những gì đang diễn ra cho thấy Microsoft giống như một kẻ thua cuộc toàn tập khi bị Mac chiếm dần những khách hàng doanh nghiệp lớn.

Những gã khổng lồ của lĩnh vực doanh nghiệp như IBM, GE, Cisco, SAP, Deloitte đang hậu thuẫn Apple “iOS hóa” môi trường enterprise. Nhưng “iOS hóa” lại đi kèm “Mac hóa”

Thực tế không phải là như vậy. Trong trường hợp của GE, một phần cốt lõi của nền tảng Predix là đám mây Azure. Theo hợp đồng thỏa thuận giữa Microsoft và GE, Predix sẽ được tích hợp với Azure IoT Suite và Cortana Intelligence Suite cùng một loạt các ứng dụng doanh nghiệp “quen tên” từ Microsoft như Office 365, Dynamics 365 và Power BI.

Ban đầu, thành quả hợp tác giữa 2 bên sẽ chỉ tập trung vào các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dầu mỏ, song hiển nhiên Microsoft và GE sẽ tìm mọi cách để triển khai các giải pháp kết hợp ra mọi lĩnh vực, mọi tính năng.

Không mấy bất ngờ, Walmart dù từ bỏ Windows nhưng vẫn muốn “thân” với Microsoft. Đầu năm nay, gã khổng lồ bán lẻ số 1 thế giới về doanh thu thậm chí còn thẳng thừng yêu cầu các đối tác phải sử dụng Azure thay vì AWS (của Amazon). Như vậy, một mặt Walmart thừa nhận sự kém cỏi của những chiếc máy PC Windows, mặt khác Walmart cũng thừa nhận quan điểm của rất nhiều doanh nghiệp lớn: Azure đang là lựa chọn đám mây duy nhất có thể nghĩ đến bên cạnh AWS.

Lời giải của Microsoft: Nếu có thể đưa ra sức mạnh tính toán và công nghệ phần mềm đằng sau những ứng dụng như thế này, iOS, Android, MacOS hay Windows đều sẽ là vô nghĩa

Nhìn từ góc độ người dùng cuối, xu thế “Mac hóa” đi kèm với “Azure hóa” có ý nghĩa gì?

Rất đơn giản, bạn sẽ sử dụng máy Mac thay vì máy Windows. Nhưng những ứng dụng, những phần mềm mà bạn sẽ sử dụng trên máy Mac tại các doanh nghiệp sẽ luôn có một phần từ Microsoft, bất kể đó là Office 365, SharePoint, Power BI hay một phần mềm tự phát triển có sử dụng đến Azure hay dịch vụ Cortana.

Tức là, Microsoft đang thay máu nguồn sống của mình từ hệ điều hành sang đám mây và các dịch vụ phần mềm nằm gần người dùng hơn. Các công nghệ của Microsoft sẽ “sống” bên trong những phần mềm mà bạn trực tiếp sử dụng hàng ngày cho công việc.

Hướng nhiều hơn về đám mây và doanh nghiệp là lý do vì sao Microsoft không thể chen chân vào di động nhưng vẫn nắm ảnh hưởng khủng khiếp lên thị trường toàn cầu

Đây chính là hướng đi được Microsoft của Satya Nadella theo đuổi. Kể từ khi lên nhậm chức vào năm 2014, vị CEO gốc Ấn này đã thực hiện một điều không tưởng: đưa Microsoft trở lại với những quý tài chính rực rỡ. Trong bất cứ một quý tài chính nào, điều Phố Wall và Thung lũng Silicon quan tâm đến không phải là “More Personal Computing” (Windows, Surface, Xbox) mà là “Productivity and Business Processes” (Office truyền thống, Office 365 và các dịch vụ đám mây có liên quan) cùng “Intelligent Cloud” (Azure, Windows Server).

Trong khi More Personal Computing vẫn chiếm phần doanh thu lớn nhất, 2 mảng còn lại cộng lại vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo hơn – và quan trọng hơn là 2 mảng này sẽ liên tục gia tăng trong khi More Personal Computing vẫn trồi sụt bất thường. Bại trận hoàn toàn trong cuộc chiến di động Microsoft hiểu rõ tương lai không còn nằm ở cuộc chiến hệ điều hành nữa.

Thậm chí, gã khổng lồ còn có thời gian miễn phí nâng cấp hoàn toàn cho người dùng Windows 7/8 lên Windows 10. Dù động thái này thể hiện tham vọng tiếp tục thống trị thị trường PC, rõ ràng là Microsoft đang sẵn sàng hy sinh doanh thu từ hệ điều hành chỉ để tìm thêm nguồn sống cho Office 365 và các dịch vụ khác.

“Hệ điều hành”? Chuyện của ngày hôm qua

Không một hướng đi nào có thể đúng đắn hơn. Một lần nữa, Microsoft đã thua cuộc di động và sẽ buộc phải sống nhờ trên “nhà” của Apple và Google. Song, thế giới công nghệ đang thay đổi vũ bão với những trào lưu cần phải có đám mây – cũng là những trào lưu nơi khái niệm “hệ điều hành” là vô nghĩa: VR/AR, giao diện giọng nói, AI, trợ lý ảo, nhà thông minh, Internet of Things v.v…

Hãy nhớ rằng khi Windows phải nhường lại vị trí trung tâm cho iOS và Android, vẫn chẳng có ai phủ nhận rằng Microsoft là thế lực đáng gờm nhất trong lĩnh vực doanh nghiệp. Hãy cứ để cho Apple đem máy Mac và iOS đi phủ sóng thị trường này. Sớm hay muộn, các công ty, tổ chức lớn đều sẽ phải nhờ cậy đến Azure, Power BI, Cognitive AI hay các dịch vụ, phần mềm khác từ Microsoft. Gã khổng lồ phần mềm đang “thua để thắng”: thua ở một cuộc chiến lỗi thời, nhưng đẩy mạnh hết sức để nắm chắc phần thắng trong cuộc chiến của tương lai.

Vì sao người Mỹ càng bận rộn khi thời gian làm việc càng ít?

Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), số giờ làm việc trung bình của người Mỹ đã giảm dần trong vài thập niên gần đây. Điều đó đồng nghĩa thời gian nghỉ ngơi của họ nhiều hơn.

Tuy nhiên, đó là lý thuyết. Ngày càng nhiều người Mỹ cảm thấy không còn có thời gian rảnh. Business Insider đã phân tích một vài nguyên nhân. Và thực tế, những hiện trạng này không chỉ là xu hướng chỉ có ở Mỹ.

Quan niệm về thời gian thay đổi

Khi người Mỹ rời khỏi kỷ nguyên công nghiệp để bước sang kỷ nguyên công nghệ thông tin, quan niệm về thời gian của họ cũng thay đổi. Các nhà tâm lý học chỉ ra rằng, người Mỹ đã thật sự quy đổi giá trị thời gian ra tiền tệ. Nói đơn giản, “thời gian là tiền bạc” một cách đúng nghĩa.

Đồng thời, con người cũng có nhiều cơ hội hơn bao giờ hết để trở nên đa nhiệm, tức làm nhiều việc cùng lúc. Kết quả, họ cảm thấy thực sự lãng phí thời gian nếu hoàn toàn không làm gì cả.

“Đa nhiệm là điều khiến chúng ta cảm thấy bị áp lực trước thời gian”, Giáo sư Elizabeth Dunn của Đại học British Columbia nói với tờ Economist.

Xu hướng làm việc tại nhà tăng

Một nghiên cứu của Gallup tiến hành trên 15.000 người Mỹ vào năm 2017 cho biết có 43% số người cho biết ít nhất có dành một khoảng thời gian ở nhà để làm việc từ xa, tăng 4 điểm phần trăm so với năm 2012.

Mọi người cũng làm việc tại nhà thường xuyên hơn. Cụ thể, số người cho biết có làm việc tại nhà một hoặc hai lần mỗi tuần giảm so với năm 2012. Tuy nhiên, tỷ lệ người làm việc tại nhà từ 4 đến 5 lần một tuần lại tăng, từ 24% lên 31%.

Thời gian làm việc tại văn phòng dài hơn

Không ít công ty Mỹ muốn kéo dài thời gian làm việc của nhân viên. Một cuộc khảo sát 300 công ty Mỹ và Canada năm 2011 cho biết, gần hai phần ba mong muốn người lao động của mình làm việc lâu hơn trong ngày so với 3 năm trước đó.

Khoảng một nửa số công ty nói rằng họ mong đợi số giờ làm trong ngày dài hơn trong vòng ba năm tới. Tuy nhiên, một cuộc điều tra bổ sung cho biế,t các nhà tuyển dụng thật sự không hiểu rõ người lao động đang cảm thấy ảnh hưởng sức khỏe tinh thần thế nào khi bị kéo dài giờ làm.

Dành cả cuối tuần để làm việc

Một hệ quả cuộc công nghệ di động chính là con người có thể làm việc suốt ngày đêm, bao gồm thứ bảy và chủ nhật. Theo số liệu của OECD, tỷ lệ người Mỹ dành cuối tuần để làm việc nhiều hơn bất kể quốc gia nào khác.

Đơn cử, dữ liệu năm 2014 cho biết, 29% nhân viên tại Mỹ có làm việc vào cuối tuần ở một số thời điểm trong năm. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Đức là 25%, ở Tây Ban Nha là 10%.

Khi rảnh rỗi lại dán chặt vào thiết bị công nghệ

Cuối cùng, khi người Mỹ còn lại chút ít thời gian rảnh rỗi, họ lại có xu hướng lãng phí nó bằng cách dành thời gian cho điện thoại di động hay máy tính bảng.

Nhà tâm lý học Adam Alter của Đại học New York kết luận trong một công trình nghiên cứu rằng, thời gian người Mỹ dành cho các màn hình thiết bị tăng đáng kể trong thập kỷ qua. Năm 2007, người ta chỉ dành một phần nhỏ thời gian rảnh rỗi cho các thiết bị. Đến năm 2017, tỷ lệ này bị đảo ngược. Người ta chỉ còn một phần nhỏ thời gian rảnh rỗi mà thật sự không dùng đến các thiết bị.