Sau mức tăng trưởng cao kỷ lục trong quí trước (8,8% so với cùng kỳ năm trước), ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trên toàn quốc đã tăng trưởng chậm lại trong quí 2 này, ở mức 5,8% và sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ tăng trưởng sản lượng (5%).
Theo báo cáo Market Pulse quí 2 được Nielsen Việt Nam công bố hôm 28-7, sự sụt giảm tăng trưởng của ngành hàng FMCG ở quí 2 được lý giải do nhu cầu tiêu dùng đã giảm sau mùa cao điểm đầu năm, thời điểm có Tết Nguyên đán.
Mặc dù vậy, cả sáu ngành hàng lớn (nước uống-bao gồm bia; thực phẩm; sữa; sản phẩm chăm sóc gia đình; sản phẩm chăm sóc cá nhân và thuốc lá) đều đạt mức tăng trưởng dương. Cụ thể, ngành hàng thực phẩm; ngành hàng sữa và các sản phẩm từ sữa cùng đạt mức tăng 8,1%; sản phẩm chăm sóc nhà cửa đạt 5,7%; ngành hàng đồ uống đạt 5,4%; sản phẩm chăm sóc cá nhân đạt 5% và thuốc lá là 4,7%.
Ngành hàng nước uống vẫn là ngành hàng có mức đóng góp cao nhất trong tổng doanh số FMCG trong quí này, ở mức 42%. Thực phẩm, thuốc lá và sữa đóng góp vào tổng doanh số lần lượt khoảng 16%, 15% và 14%.
Báo cáo này cũng cho thấy rằng khu vực nông thôn tiếp tục là vùng đất tiềm năng cho nhiều nhà sản xuất. Trong khi khu vực thành thị đạt mức tăng 5,1% trong quí này thì khu vực nông thôn lại tăng đến 6,5%, chủ yếu là do tăng trưởng sản lượng. Sự tăng trưởng của khu vực nông thôn đã đóng góp 57,5% vào tổng doanh số của FMCG.
Báo cáo Market Pulse của Nielsen dựa trên kết quả đo lường bán lẻ của ngành hàng tiêu dùng nhanh, trên những nhóm sản phẩm chính, để theo dõi liên tục việc lưu thông sản phẩm thông qua các kênh thương mại và cửa hàng bán lẻ được xác định.
Category Archives: FMCG
Sản phẩm + KHÔNG + chất độc hại: Công thức marketing “đánh vào nỗi sợ hãi” của Masan suốt 10 năm qua
Từ thành công vang dội với nước tương không chứa 3-MCPD, đến nay gần 10 năm đã trôi qua Masan vẫn trung thành với chiến lược marketing đánh vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng.
Hơn 10 năm trở lại đây, các mảng kinh doanh của Masan gặt hái nhiều thành công, trong đó công lớn thuộc về các chiến dịch marketing “đánh vào nỗi sợ hãi” của người tiêu dùng, chỉ với 1 công thức chung: “Sản phẩm” + “KHÔNG” + “chất độc hại”.
Trước năm 2007, mô hình kinh doanh của Masan Food khá đơn giản: một thương hiệu Chinsu cho 4 dòng sản phẩm chính là nước tương (ra đời năm 2002), nước mắm (2003), mì gói (2003), hạt nêm (2003) với doanh thu chưa đến 500 tỉ đồng và chưa có bước phát triển nào nổi trội. Rồi sự cố chất gây ung thư 3-MCPD trong nước tương xảy ra (bắt đầu từ năm 2005 và kéo dài cho đến năm 2007), làm thay đổi toàn bộ vận mệnh của Chinsu cũng như Masan Food.
Nước tương không 3-MCPD
Tháng 7/2005, nước tương Chinsu tại châu Âu bị cáo buộc có chứa 3-MCPD (một loại độc tố sinh ra trong quá trình lên men đậu nành để sản xuất nước tương, có khả năng gây ung thư) quá nồng độ cho phép. Tại Việt Nam, cộng đồng cũng bắt đầu lo lắng về loại độc tố này. Sở Y tế TP.HCM vào cuộc điều tra và rất nhiều nhãn hiệu nước tương được kết luận có chứa chất 3-MCPD vượt quá tiêu chuẩn. Tuy nhiên, hồi kết của câu chuyện 3-MCPD vẫn chưa làm người tiêu dùng an tâm khi kết luận của Sở Y tế vẫn gây tranh cãi và không ít diễn biến sau đó cho thấy đã có tình trạng nhiều thông tin về 3-MCPD đã bị che giấu. Lãnh đạo Masan phủ nhận cáo buộc này, đồng thời họ cũng nhận ra thời cơ đã đến.
Giữa cơn bão, Masan nhanh chóng tung ra thị trường sản phẩm nước tương Tam Thái Tử với lời quảng cáo “Không chứa 3-MCPD”, và thông báo thưởng tiền tỷ cho ai tìm được chất cấm trong sản phẩm của Masan.
Tam Thái Tử đã nhanh chóng đưa Masan lên dẫn đầu thị trường, chiếm tới 80% thị phần, thổi bay thị phần của các hãng nước tương xuất hiện trước đó, giúp doanh thu năm 2008 Masan Food tăng gấp 3 lần. Quan trọng hơn cả, thành công của chiến dịch marketing này chính là tiền đề cho toàn bộ các chiến dịch khác được Masan sử dụng về sau.
Nước mắm không ure
Khi chuyện nước tương có chất MCPD lắng xuống không lâu, đến lượt thị trường nước mắm gặp rắc rối với thông tin có chứa ure, gây hoang mang cho người tiêu dùng, bởi ure là cái tên được sử dụng trong phân hoá học. Nhiều ý kiến cho rằng, ure được cho vào nước mắm nhằm tăng độ đạm cho sản phẩm.
Thị trường nước mắm ngay lập tức đóng băng, nhiều nhà sản xuất bị phạt trong khi những nhà sản xuất không bị phạt cũng đột ngột giảm doanh thu.
Giữa cơn bão này, Masan tung ra thị trường nước mắm Nam Ngư với quảng cáo 4 không:
- Không có ure gây hại
- Không có vi khuẩn yếm khí gây biến đổi mùi
- Không có vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm
- Không có nấm men, nấm mốc
Quảng cáo này đã giúp Masan tiếp tục thành công ở thị trường nước mắm, nắm thị phần lớn nhất và đánh bại ông lớn bấy giờ là Phú Quốc Knorr.
Hạt nêm không bột ngọt
Cũng trong giai đoạn năm 2008, Masan tiếp tục sử dụng chiến lược “marketing sợ hãi” của mình để tấn công thị trường hạt nêm.
Trong khi các đối thủ lớn cùng ngành chọn cách quảng cáo nói tốt về sản phẩm mình, như Knorr – Hạt nêm từ thịt; Maggi – Đậm đà vị thịt; Aji Ngon – Ngon từ thịt, ngọt từ xương, thì Masan lựa chọn quảng cáo “Hạt nêm không bột ngọt”. Bột ngọt (mì chính) vốn là một chất phụ gia được sử dụng rộng rãi, nhưng cũng có thông tin bột ngọt khi sử dụng nhiều có thể gây hại đến hệ thần kinh con người, khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng.
Tuy nhiên, Masan đã không thành công ở thị trường hạt nêm, bởi bột ngọt là chất điều vị 621. Masan không sử dụng chất này nhưng lại sử dụng các chất điều vị khác là 627 và 631, được xem là loại “siêu bột ngọt”. Không những không thành công với chiến lược lần này, Masan còn bị các chuyên gia marketing và chuyên gia y tế đồng loạt lên án.
Mỳ không nóng, mỳ không sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần
Trước khi Omachi xuất hiện năm 2007, thị trường mì gói phát triển không có phân khúc rõ ràng. Các nhà kinh doanh mì chủ yếu vẫn sử dụng chiến lược tung ra nhiều nhãn hàng, để người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Mì ăn liền Chinsu khi với thông điệp tiếp thị chưa mấy rõ ràng cũng nhanh chóng bị lọt thỏm trong một thị trường hỗn độn.
Rồi Masan Food tung ra Omachi, mì ăn liền có mức giá trung cao (premium-mass), với tuyên bố “làm từ sợi khoai tây, rất ngon mà không sợ nóng”, đánh vào nỗi sợ bấy lâu nay của người tiêu dùng là ăn mỳ bị nóng trong người.
Tiếp đó, Masan Food tung ra mì Tiến Vua, đánh vào phân khúc trung bình với một thông điệp sức khỏe mạnh hơn “mì không sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần” (vì sử dụng loại dầu này sẽ làm tăng nguy cơ ung thư) và không có “trans fat” (loại chất béo có hại cho sức khỏe, vừa qua được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tìm thấy trong 38% mẫu mì gói được kiểm tra vào giữa tháng 8 vừa qua).
Chỉ với 2 sản phẩm, Masan đã nhanh chóng xác lập vị thế trong ngành, vượt qua nhiều thương hiệu lớn. Thành công của Omachi và Tiến Vua vẫn đến từ “marketing sợ hãi”. Sau chưa đầy 3 năm có mặt trên thị trường, Omachi và Tiến Vua đã giành được 15% thị trường, đánh bật cả thương hiệu lâu đời Vifon và một nhà sản xuất mạnh khác là Asia Food.
Cám Biozeem không chất tạo nạc
Những năm gần đây là khoảng thời gian thông tin về “thực phẩm bẩn”, “thực phẩm chứa chất cấm” tràn ngập trên mạng xã hội và truyền thông. Trong số đó, vấn đề thịt lợn chứa chất tạo nạc một lần nữa khiến người tiêu dùng hoảng sợ.
Lần này, Masan với sản phẩm cám Bio-zeem hướng tới các nhà sản xuất cám, với thông điệp “Không chứa chất tạo nạc”.
Một khảo sát sau quảng cáo này đã cho thấy, có khoảng 95% nông dân sau khi sử dụng thử cám của Masan đã tiếp tục thường xuyên mua sản phẩm, một tỷ lệ rất cao trong ngành chăn nuôi.
Tung ra thị trường từ quý 2/2015, nhưng các sản phẩm Bio-zeem gần như ngay lập tức đã đóng vai trò chủ lực trong việc tạo doanh thu khi đã mang về thêm 26,5% doanh thu mảng thức ăn cho heo của công ty Masan Nutri Science.
Nước mắm không thạch tín
Chỉ trong chưa đầy 2 tuần qua, thị trường nước mắm liên tục có những thông tin gây chấn động.
Ngày 10/10, tại buổi hội thảo về nước mắm, Giám đốc phát triển sản phẩm cấp cao của Masan cho biết, “Chúng tôi đã nghiên cứu hàng trăm các tài liệu khoa học và thực hiện hàng nghìn các thử nghiệm, đánh giá, đo lường, kiểm tra…. Và tìm thấy được tỷ lệ thuận giữa độ đạm cao và hàm lượng cao các chất có thể ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người tiêu dùng”.
Đại diện Masan không công bố chi tiết nghiên cứu, nhưng đúng 1 tuần sau, vào ngày 17/10, Vinastas công bố kết quả khảo sát toàn diện về nước mắm và tung thông tin 67% các mẫu khảo sát có hàm lượng arsen vượt quy định. Thông tin này ngay lập tức gây sốc cho những người nội trợ, khi giờ đây không biết tin tưởng loại nước mắm nào để sử dụng.
Và chỉ 3 ngày sau khi báo cáo của Vinastas được công bố, ngày 20/10, hình ảnh quảng cáo của Masan về nước mắm “không chứa thạch tín” cho 2 thương hiệu nước mắm của mình, là Chinsu hương cá hồi và Nam Ngư, đã nghiễm nhiên xuất hiện trên 2 tờ báo lớn.
Như vậy, tính từ khi Giám đốc phát triển sản phẩm của Masan lên tiếng về việc “không phải cứ đạm cao là tốt” cho đến khi Masan có quảng cáo về nước mắm không thạch tín, tất cả chỉ diễn ra trong đúng 10 ngày.
Ngoại lệ: Cà phê làm từ cà phê
Quảng cáo cà phê là một trong những ngoại lệ của Masan, khi không sử dụng công thức “sản phẩm” + “KHÔNG” + “chất độc hại”, nhưng vẫn hướng đến “marketing sợ hãi”.
Trong bối cảnh nhiều thông tin cho rằng cà phê Việt Nam trộn nhiều đậu nành, Vinacafe hồi tháng 8 vừa qua đã đưa ra thông điệp “Từ 1/8, trong mỗi ly cà phê từ Vinacafe là cà phê nguyên chất”.
Thông điệp này được lan toả mạnh mẽ, nhưng lại theo hướng bất lợi cho Masan, bởi người tiêu dùng đặt câu hỏi ngược lại: “Vậy, trước 1/8, Vinacafe cho chúng tôi uống cái gì?”.
Có thể nói, trong gần 10 năm qua, cách marketing của Masan gần như không hể thay đổi, đó là đánh vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, với việc người tiêu dùng đang ngày càng có nhiều thông tin hơn trong tay, và mạng xã hội bùng nổ, Masan đang gặp nhiều khó khăn, tiêu biểu như trong 2 vụ “nước mắm thạch tín” và “cà phê làm từ cà phê” mới đây.
Ngành bán lẻ “khát” nhân sự cấp quản lý
Sự xuất hiện thêm nhiều thương hiệu bán lẻ cộng với việc mở chuỗi khiến nhân sự ngành này càng trở nên thiếu hụt. Điều đáng quan tâm là vẫn chưa có nơi đào tạo nhân sự bài bản cho lĩnh vực này.
Tìm kiếm nhân lực cho ngành bán lẻ đang trở nên sôi động khi các doanh nghiệp (DN) bán lẻ liên tục mở thêm các điểm bán. Cụ thể, ngày 28/7 tại Nha Trang, Lotte Mart thứ 13 đã chính thức hoạt động. Đầu tháng 7, Trung tâm Điện máy và Nội thất Thiên Hoà đã khai trương trung tâm thứ 7 tại TP.HCM.
Vào giữa tháng 6/2016, Aeon đã mở trung tâm thương mại thứ 4 trong kế hoạch mở 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam. Trước đó, trong tháng 4, Trần Anh cũng đã khai trương đại siêu thị tại Thái Bình. Theo kế hoạch công bố từ đầu năm, trong quý III/2016, DN này sẽ tiếp tục đưa vào hoạt động 5 đại siêu thị. Điện máy Xanh thì liên tục mở siêu thị và hiện 119 siêu thị của thương hiệu này đã có mặt tại 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Thiếu hụt nguồn cung
Sự sôi động của thị trường khiến nhân lực của ngành này trở nên thiếu hụt. Số liệu từ Công ty L&A, nhu cầu tuyển dụng các vị trí quản lý ngành hàng, mua hàng, dịch vụ khách hàng, kiểm soát tài chính… tăng nhanh so với cùng kỳ năm trước. Lý do cho sự tăng nhanh này là việc mở rộng các điểm bán đang “hút” một lượng không nhỏ người lao động, đặc biệt là ở cấp quản lý.
Số liệu này cũng trùng với kết quả nghiên cứu nhu cầu tuyển dụng lao động tại Việt Nam do Navigos Search công bố hồi tháng 1/2016. Theo đó, xu hướng mở các cửa hàng tiện ích ngày càng nhiều do vậy cơ hội cho các vị trí mới tốt nghiệp đại học cũng sẽ dồi dào hơn. Các vị trí quản lý trong ngành hàng tiêu dùng nhanh tiếp tục được tìm kiếm vì nhân sự ngành này vẫn luôn thiếu hụt. Tại TP.HCM, ngành chăm sóc sức khỏe, ngành tiêu dùng, bán lẻ, tài chính – ngân hàng… trong top 10 ngành hàng trả lương cao nhất.
2015 là năm mà ngành bán lẻ chứng kiến sự thay đổi nhân sự nhiều nhất so với trước. Trong đó, sự ra mắt của hệ thống bán lẻ VinMart đã thu hút một lượng không nhỏ quản lý cấp trung và cao từ các đơn vị khác. Theo một đại diện siêu thị tại TP.HCM, hàng loạt vị trí cấp trung và cao của các DN bán lẻ được “chiêu dụ” về VinMart với mức lương cao gấp đôi so với mức mà họ đang hưởng.
Nghiên cứu của Talentnet công bố hồi năm 2015 cho thấy, nhu cầu tuyển dụng cao của ngành bán lẻ rơi vào nhóm nhân sự cấp cao và trung cấp (từ vị trí quản lý trở lên). Sự thiếu hụt nhân sự gần như có ở tất cả các lĩnh vực như quản lý mua hàng, quản lý ngành hàng, dịch vụ khách hàng…
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Tấn Hoàng Hậu – Giám đốc Marketing Trung tâm Điện máy và Nội thất Thiên Hòa cho rằng, ngành bán lẻ đang thiếu nhân sự trầm trọng, nhất là nhóm quản lý cấp trung và cao cấp. Nguyên nhân chính là tại Việt Nam hiện nay không có trường đào tạo nhân sự về ngành bán lẻ. Hơn nữa, ngành bán lẻ đòi hỏi rất cao về độ nhạy bén cũng như khả năng hiểu rõ thị trường, nhưng để đáp ứng những yêu cầu này, phải có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành.
Chưa có nơi đào tạo
Thực tế cho thấy, các trường đại học hiện chưa có chuyên khoa đào tạo ngành bán lẻ. Muốn có đội ngũ nhân sự giỏi, các DN bán lẻ phải tự đào tạo. Ông Hồ Quốc Nguyên – Giám đốc Quan hệ Công chúng Big C Việt Nam cho rằng, hiện vẫn chưa có trường đại học, cao đẳng đào tạo chính quy, bài bản về ngành bán lẻ. Hầu hết những quản lý cấp cao thành công trong ngành bán lẻ đều từ quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm qua thực tế làm việc tại các DN bán lẻ lớn tại Việt Nam.
Ngay như Saigon Co.op, đơn vị bán lẻ có mạng lưới bán lẻ lớn nhất Việt Nam (82 siêu thị Co.opmart, 2 đại siêu thị Co.opXtra, 96 cửa hàng Co.op Food) nhưng cũng phải tự đào tạo. Các nhân sự giỏi, các lãnh đạo của Saigon Co.op đều được đào tạo từ thực tế tại các siêu thị Co.opmart và các chương trình đào tạo của Saigon Co.op cũng như qua các chuyến đào tạo ngắn ngày ở nước ngoài.
Ông Võ Hoàng Anh – Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho biết, để có nhân sự đáp ứng được yêu cầu, Saigon Co.op đã thành lập trung tâm đào tạo với đội ngũ giảng viên riêng. Tất cả 15.000 nhân viên của Saigon Co.op, từ nhân viên bán hàng, thu ngân, dịch vụ… cho đến quản lý cấp cao đều qua chương trình đào tạo của trung tâm. Các nhân sự được tuyển dụng trước khi trở thành nhân viên chính thức phải qua các khóa đào tạo tại trung tâm này (thời gian đào tạo tùy theo từng vị trí).
Trong khi đó, để có đội ngũ nhân sự giỏi, từ năm 2012, Hệ thống siêu thị Big C đã kết hợp với các viện đào tạo tổ chức các khóa học chuyên ngành bán lẻ. Chương trình đào tạo của DN này được thực hiện với hai hình thức xen kẽ vừa học lý thuyết vừa thực hành nghiệp vụ và đảm trách một vị trí quản lý tại siêu thị hay bộ phận hỗ trợ.
Để chiêu mộ được đội ngũ học viên, Big C đài thọ tất cả kinh phí, từ đào tạo, nhận trợ cấp thực tập hàng tháng, trợ cấp tiền ăn trưa, trợ cấp chi phí đi lại, chi phí lưu trú cho các ứng viên từ các tỉnh vào học tại TP.HCM, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn 24/24 và một số chế độ ưu đãi khác. Thế nhưng, mỗi khóa học (1 năm), Big C chỉ tuyển chọn được khoảng 40 – 50 người đúng yêu cầu.
Ông Võ Hoàng Anh cho rằng, lương là yếu tố đầu tiên để người lao động quyết định nơi làm việc nhưng để họ gắn bó thì cần nhiều yếu tố khác như chế độ phúc lợi, môi trường làm việc, khả năng thăng tiến… Saigon Co.op đã xác định nhân lực là vấn đề quan trọng nhất nên đầu tư mạnh cho khâu này. Đó cũng chính là lý do để Saigon Co.op cấu trúc lại nhiều mặt, trong đó, cải cách cơ chế lương, sắp xếp lại công việc cho hợp lý hơn… sẽ được áp dụng trong thời gian ngắn sắp tới.
Cạnh tranh khốc liệt từ hàng tiêu dùng nhanh
Hiện thị trường tiêu dùng VN đang là đích ngắm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, do đó nhận biết được các lợi thế sẽ giúp doanh nghiệp VN nâng cao sức cạnh tranh của mình.
Trong khi nhiều doanh nghiệp chật vật để trụ vững tăng trưởng hoặc chặn đà giảm tiêu thụ hàng hóa thì không ít nhãn hiệu ngành hàng tiêu dùng nhanh đã tăng tốc đạt kết quả khá ấn tượng với sản lượng lẫn doanh số bán ra tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2016.
Sự biến đổi liên tục của thị trường đã tạo ra nhiều thách thức cho nhà sản xuất nhưng cũng là cơ hội để những doanh nghiệp nắm bắt tối đa hóa lợi nhuận, thay đổi cục diện thị phần.
Tăng trở lại
Theo đánh giá mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, sau một thời gian dài liên tục giảm, khoảng hai tháng gần đây thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) của VN ở nông thôn lẫn thành thị đã tăng trưởng trở lại dù mức tăng còn khiêm tốn, chỉ khoảng 4-5%.
Tuy nhiên, đáng chú ý có không ít thương hiệu đạt tăng trưởng mạnh lên vài chục phần trăm.
Trong rổ hàng thực phẩm đóng gói, mì gói là ngành hàng cạnh tranh sôi động nhất. Theo Kantar Worldpanel, thị trường mì gói trị giá 5.000 tỉ đồng của VN đang chứng kiến những sự thay đổi đáng kể trong phân chia thị phần giữa các thương hiệu.
Đặc biệt, thời gian qua thị trường chứng kiến thương hiệu mì gói “3 Miền” của Công ty Uniben (H.Hóc Môn, TP.HCM) tăng trưởng đến hai con số, riêng doanh thu quý 2-2016 tăng 16% và khối lượng tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Vẫn theo báo cáo mới nhất của Kantar Worldpanel, mì “3 Miền” là nhãn hiệu mì gói được chọn mua nhiều nhất ở khu vực nông thôn VN.
Không chỉ mặt hàng mì gói, những ngày giữa tháng 7-2016, các cổ đông của một số cổ phiếu ngành bột giặt đang niêm yết trên thị trường chứng khoán VN như bột giặt Net, bột giặt Lix, bột giặt Đức Giang (DGC)… cũng khá phấn khởi trước thông tin chốt quyền trả cổ tức, thưởng cổ phiếu của các doanh nghiệp này.
Cụ thể, bột giặt NET sẽ chi ra gần 48 tỉ đồng để trả cổ tức trong đợt trả thưởng tới đây với tỉ lệ 30%/cổ phiếu, tức mỗi cổ phiếu được nhận 3.000 đồng; DGC cũng lên kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu gần 19%; Lix thưởng cổ phiếu theo tỉ lệ 2:1…
Giá trị cổ phiếu sẽ đánh giá kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, do vậy nếu nhìn vào mặt bằng cổ tức chung của toàn thị trường, mức cổ tức chia như vậy là không hề thấp.
Nằm trong ngành hàng có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, ngành bánh kẹo cũng chứng kiến sự tăng trưởng về doanh thu lẫn lợi nhuận của không ít doanh nghiệp như Công ty bánh kẹo Hải Hà có doanh thu thuần quý 2 tăng 18% lên 145 tỉ đồng, lãi gộp tăng gần 37%, chạm mức 25,7 tỉ đồng.
“Sức hấp dẫn của thị trường hàng tiêu dùng chưa bao giờ hết nóng. So với bối cảnh chung, đây là mức tăng khủng vì thị trường hiện không còn trông chờ vào sự tăng trưởng đạt mức hai chữ số nữa.”
Ông Nguyễn Huy Hoàng
Giám đốc phát triển kinh doanh Kantar Worldpanel
Ông Nguyễn Huy Hoàng, giám đốc phát triển kinh doanh Kantar Worldpanel, cho biết việc một vài nhãn hiệu vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt, thu hút thêm nhiều người mua hàng, chia lại ngôi vị thị phần trong bối cảnh thị trường chung chững lại hoặc giảm cho thấy nỗ lực bứt phá của các doanh nghiệp, đặc biệt ở thị trường nông thôn.
Chìa khóa đổi mới sáng tạo
Khảo sát của Kantar Worldpanel nhận định việc tiêu thụ sản phẩm tăng mạnh còn phản ánh khả năng tiếp cận người tiêu dùng của sản phẩm gắn với hệ thống phân phối bám sâu hơn, phủ rộng hơn.
Lý giải về mức tăng trưởng của mì “3 Miền”, ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân, giám đốc tiếp thị Công ty Uniben, cho rằng câu chuyện của ngành thực phẩm đóng gói liên quan mật thiết đến việc đáp ứng những nhu cầu mới của người tiêu dùng.
Lâu nay thị trường mì gói được định hình bởi vị chua cay, hay nói cách khác, một thời gian dài hương vị chua cay thống lĩnh thị trường này, các nhà sản xuất thường lấy hương vị chua cay làm chủ đạo để phát triển các sản phẩm khác, trong khi thực tế người tiêu dùng vẫn thích khám phá những hương vị mới. Vấn đề là nhà sản xuất có thể cho ra được những hương vị mới đủ hấp dẫn để thay thế thói quen cũ.
“Các doanh nghiệp muốn lấy lại thị trường thì phải phát triển những hương vị khác với chua cay, những hương vị mà họ tin rằng sẽ ngon hơn như gần đây thị trường đang nổi lên với dòng mì gói hương vị bò bên cạnh tôm, thịt bằm chua cay…” – ông Luân nói thêm.
Theo ông Luân, trong ngành thực phẩm, yếu tố “ngon” thường xuất phát từ sự thân quen, gần gũi, đó là lý do vì sao bộ phận nghiên cứu phát triển của công ty không ngừng tìm tòi những sự tinh tế trong hương vị món ăn truyền thống, chắt lọc ra những hương vị tiêu biểu như sả, ớt hay các loại rau thơm để phát triển đa dạng sản phẩm.
Cạnh tranh khốc liệt
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, đặc thù ngành hàng tiêu dùng nhanh là số lượng doanh nghiệp tham gia khá đông, cạnh tranh vì thế cũng khốc liệt hơn.
Hiện thị trường tiêu dùng VN đang là đích ngắm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, do đó nhận biết được các lợi thế như am hiểu khẩu vị, thói quen địa phương sẽ giúp doanh nghiệp VN nâng cao sức cạnh tranh của mình. Nếu biết cách đáp ứng nhu cầu mới, hiểu được tâm lý người tiêu dùng thì nhà sản xuất hoàn toàn tăng được thị phần.