Chia sẻ tại buổi làm việc với câu lạc bộ LBC với chủ đề công nghệ 4.0, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch của Grab Việt Nam khẳng định thời điểm này Grab không lo lắng nhiều về đối thủ.
Theo ông Tuấn Anh, Grab ra đời với mong muốn cải thiện vấn đề vận tải và việc ứng dụng công nghệ chỉ là phương tiện để giải quyết mục tiêu kinh doanh này.
* Công nghệ 4.0 đã tác động thế nào đến sự phát triển của Grab ngày hôm nay thưa anh?
Ngay tại thời điểm Grab ra đời, chúng tôi thấy thị trường vận tải đang không tốt. Tại sao không tốt? Vì chưa giải quyết được vấn đề chất lượng, vấn đề giá cả, vấn đề hiệu suất.
Làm sao để mình giải quyết được vấn đề đó? Ngay thời điểm đó, chúng tôi có công nghệ. Công nghệ tới đúng thời điểm thì mình dùng nó để giải quyết vấn đề chứ thực ra là mình vào thị trường vận tải để làm cho thị trường đó tốt hơn.
Công nghệ chỉ là yếu tố đến đúng thời điểm mà thôi. Giả sử chúng tôi có công nghệ nhưng thời điểm đó Việt Nam chưa có smart phone, chưa có 3G thì Grab cũng không giải quyết được vấn đề của thị trường vận tải.
GrabBike đụng độ xe ôm truyền thống là phần tất yếu
* GrabBike ra đời đã mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng. Nhưng lại trở thành đối thủ của xe ôm truyền thống. Anh suy nghĩ vấn đề này thế nào?
GrabBike ra đời đầu tiên ở Việt Nam do chúng tôi thấy thị trường có nhiều xe máy. Cũng giống như GrabCar mâu thuẫn với taxi truyền thống, GrabBike cũng có đụng độ với xe ôm truyền thống. Nó là một phần tất yếu.
Trên đường chúng tôi đi, chúng tôi cũng cố gắng giảm thiểu những thiệt hại do chúng tôi vô tình gây ra, miễn sao đến cuối cùng chúng tôi cảm thấy giá trị chúng tôi tạo ra không chỉ là số dương mà là một số dương lớn thì mới yên tâm đi trên con đường của mình.
Chúng tôi cũng nhìn thấy, báo chí cũng đăng trường hợp những bác xe ôm truyền thống nghèo khổ mưu sinh. Khi nhìn lại, chúng tôi thấy số đó là số ít.
Có những người báo đăng lên, chúng tôi cũng ráng đi kiếm họ. Có người tụi tôi phải trực ở địa điểm xe ôm thường đón khách mấy ngày để tìm họ nhưng không tìm được do không có số điện thoại.
Có những người mắt kém hay già yếu, chúng tôi không nhận vào được nhưng chúng tôi có nhờ họ đi giao hàng, tìm những cách khác, tạo cơ hội để giúp họ.
Nhìn chung, cuối cùng chúng tôi đã tạo được việc làm cho mấy trăm nghìn người. Chúng tôi thấy đó là điều tốt. Tuy nhiên, những việc mình làm đang tạo ra những ảnh hưởng rất lớn, và chúng tôi phải đối mặt với nó.
Có những đêm nằm suy nghĩ, tôi không biết việc mình làm như vậy đã đúng hay chưa. Và dần dần thì có câu trả lời. Tại thời điểm bắt đầu, mình không biết được câu trả lời chính xác là gì. Chỉ có cảm giác là phải đi tới. Nhưng mình hiểu là mình đang làm công việc có lợi cho người tiêu dùng và đúng xu thế.
Nếu doanh nghiệp nào đang hoạt động mà không phải đối mặt với những câu hỏi đó thì nên tìm cách để lớn hơn. Và khi mình lớn đến một lúc nào đó, mình sẽ phải đối mặt với những câu hỏi như vậy. Tôi nghĩ đó là hướng đi đúng vì tạo được nhiều giá trị cho xã hội.
* Với những khách hàng đi lại nhiều và tần suất lặp đi lặp nhiều thì vấn đề về bảo mật thông tin của khách ra sao?
Việc bảo mật liên quan đến uy tín của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không uy tín, khách hàng không sử dụng dịch vụ nữa thì nó liên quan đến sự sống còn của doanh nghiệp. Nhất là hiện nay Grab có nhiều nhà đầu tư.
Người tiêu dùng đương nhiên sẽ được bảo vệ bởi luật pháp. Chúng tôi cũng chọn khung luật pháp cứng nhất trong khu vực theo chuẩn của Singapore và bám theo chuẩn đó.
Không lo nhiều về đối thủ
* Mới đây, Viettel tuyên bố hợp tác với Gonow gia nhập thị trường gọi xe trực tuyến. Thị trường có thêm đối thủ, Grab có lo lắng gì hay không?
Nói thật, thời điểm này, Grab không lo lắng nhiều về đối thủ. Ngay cả đối thủ lớn nhất là Uber thì chúng tôi cũng đã giành được thị phần lớn hơn, coi như trận đó đã xong rồi.
“Ngay cả đối thủ lớn nhất là Uber thì chúng tôi cũng đã giành được thị phần lớn hơn, coi như trận đó đã xong rồi.”
Thị trường này đang được bơm tiền rất mạnh từ các nhà đầu tư và ngốn rất nhiều tiền chứ không chỉ đơn giản là chuyện công nghệ. Đây là một mô hình kinh doanh và công nghệ chỉ là một phần giúp mình đạt được mục tiêu kinh doanh. Xung quanh đó còn rất nhiều vấn đề. Như làm marketing thế nào để kiếm xe, kiếm được tài xế, làm sao đảm bảo được công việc cho người ta.
Tạo ra một app là chuyện dễ. Cái khó là mình biết phải làm như thế nào để khi mới bắt đầu, chưa có xe, chưa có khách, mình phải làm gì. Đây là vấn đề về chiến lược. Sau đó phải có tiền để mình dùng phát triển thị trường lên được trong môi trường cạnh tranh rất lớn như lúc này.
Đứng từ góc độ người tiêu dùng, tôi nghĩ việc có thêm các phần mềm gọi xe khác là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, nhà đầu tư đó cần phải hiểu được thị trường thực sự và khi họ bước vào, họ phải nói được họ khác với những người đi trước những điểm gì.
Còn nếu làm giống y chang chúng tôi thì lý do gì để có thể thắng được chúng tôi hay Uber. Vì thế, rất khó có thể đánh bật Grab hay Uber ngay tại thời điểm này.
* Với một khối lượng tài xế lớn như vậy thì việc hợp tác giữa Grab và tài xế ra sao? Họ có hợp đồng lao động để đảm bảo các quyền lợi hay không?
Với mô hình làm việc này, có cả mặt tốt và mặt xấu. Tài xế của Grab sẽ được tự do về thời gian, tự chủ trong công việc của mình, họ không bị bắt buộc về giờ giấc, chỉ tiêu. Bù lại, họ sẽ không được bảo vệ hoàn toàn như là người lao động bình thường như các chế độ bảo hiểm…
Đây cũng là một khó khăn của chúng tôi vì hiện tại chúng tôi có mấy chục nghìn GrabBike, không thể nào mà ký hợp đồng với tất cả họ. Nếu giờ có luật yêu cầu Grab hay Uber phải ký hợp đồng lao động với tất cả tài xế thì các công ty này sẽ đóng cửa, bởi ngay lập tức chi phí sẽ tăng lên rất cao và các công ty như vậy sẽ chịu không nổi.
Điều này cũng không đúng với mô hình hoạt động của Grab hay Uber. Nếu ký hợp đồng với tất cả tài xế thì họ sẽ phải đi làm trong thời gian quy định, và điều này sẽ đi vào lối cũ.
Đây là vấn đề lớn, bản thân tôi cũng không thể trả lời với tư cách một công ty. Tôi chỉ biết rằng, các công ty như Grab, Uber không thể tồn tại được nếu như mô hình hợp tác đó không được cho phép.
* Ngay từ khi mới vào thị trường và cho đến tận bây giờ, cả Grab và Uber đều gặp phải nhiều sự phản ứng từ thị trường. Anh có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Chúng tôi hiểu rằng, khi mình vào một thị trường mới và làm thay đổi thị trường một cách mạnh mẽ thì chắc chắn mình sẽ vấp phải nhiều vấn đề khác nhau.
Khi mình đã mong đợi tạo ra những thay đổi lớn thì phải chấp nhận những sự cản trở nhất định, chúng tôi hiểu và chấp nhận điều đó.