Mô hình cửa hàng tiện lợi cạnh tranh khốc liệt khi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đua nhau mở chuỗi, đầu tư công nghệ, tăng cường dịch vụ để tìm chỗ đứng vững chắc tại thị trường bán lẻ Việt Nam.
Với tốc độ tăng trưởng gần 12%/ năm và quy mô có thể lên tới gần 180 tỷ USD vào năm 2020, ngành bán lẻ Việt Nam sôi động hơn bao giờ hết. Đặc biệt, mô hình cửa hàng tiện lợi cạnh tranh khốc liệt khi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đua nhau mở chuỗi, đầu tư công nghệ, tăng cường dịch vụ để tìm chỗ đứng vững chắc tại thị trường bán lẻ được xếp thứ 6 toàn cầu về chỉ số phát triển này.
Tăng tốc về quy mô để chiếm thị trường, các doanh nghiệp bán lẻ liên tục mở cửa hàng mới. Mô hình cửa hàng tiện lợi được dự báo sẽ cạnh tranh không khoan nhượng khi thị trường bán lẻ Việt Nam là hấp lực đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Cuối tháng 3/2018, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đưa vào hoạt động cửa hàng tiện lợi Satrafood thứ 170 tại quận 2, TP.HCM. Trong 3 tháng đầu năm 2018, Satra đã khai trương 13 cửa hàng Satrafood, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động thêm 60 cửa hàng trong năm nay.
Phong phú về loại hình cửa hàng tiện lợi là Saigon Co.op. Hiện đơn vị này có 210 cửa hàng Co.op Food, 76 cửa hàng Co.op Smile và phát triển thêm mô hình cửa hàng Cheers. Năm 2018, Saigon Co.op đặt mục tiêu mở thêm 170 Co.op Food, 150 cửa hàng Co.opSmile, 50 cửa hàng tiện lợi Cheers đồng thời với việc kết nối đa phương tiện với các hình thức mua sắm khác.
Theo lãnh đạo Saigon Co.op, năm nay người tiêu dùng sẽ được chứng kiến tốc độ phát triển mạnh mẽ của các mô hình bán lẻ hiện đại quy mô vừa và nhỏ của Saigon Co.op là Co.op Food, Co.op Smile và Cheer. Mô hình cửa hàng tiện lợi được dự báo sẽ cạnh tranh không khoan nhượng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Nhưng, tăng tốc nhanh nhất về số lượng là hệ thống cửa hàng tiện lợi Vinmart+ của Vingroup. Chỉ sau 3 năm gia nhập thị trường, đến nay Vinmart+ đã có hơn 1.000 cửa hàng và số lượng cửa hàng đang ngày càng tăng. Việc phủ rộng hệ thống nhanh chóng đã giúp Vinmart+ có được những vị trí đẹp khi nằm ở mặt tiền hoặc tầng dưới các chung cư, tiện lợi cho việc mua sắm của khách hàng.
Ra đời sau nhưng Bách hóa Xanh của Thế Giới Di Động cũng liên tục mở rộng chuỗi cửa hàng. Tính đến giữa tháng 4/2018, đã có 361 cửa hàng Bách hóa Xanh tại TP.HCM. Công ty đặt mục tiêu đạt 1.000 cửa hàng đến hết năm 2018, chiếm 10% thị phần bán lẻ trong vòng vài năm tới.
Trong khi doanh nghiệp trong nước gia tăng số lượng điểm bán thì doanh nghiệp ngoại cũng tăng cường sự hiện diện trên thị trường. Trong đó, FamilyMart có hơn 130 cửa hàng, và dự kiến sẽ mở thêm 50 cửa hàng trong năm nay. 7-Eleven Nhật Bản vào Việt Nam giữa năm 2017 đang nuôi tham vọng sẽ mở 300 cửa hàng trong vòng 3 năm và phát triển 1.000 cửa hàng sau 10 năm. Trước đó, hàng loạt thương hiệu bán lẻ lớn như FamilyMart, Bsmart, Circle K đã phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi với số lượng đáng kể.
Mới ra mắt cách nay chưa lâu, “tân binh” GS25 đến từ Hàn Quốc đặt mục tiêu mở 2.500 cửa hàng GS25 tại thị trường Việt Nam trong 10 năm tới. Theo bà Nguyễn Hồng Trang – CEO Công ty TNHH GS25 Việt Nam (liên doanh giữa Tập đoàn GS Retail – Hàn Quốc và Sơn Kim Land), muốn bán lẻ thành công bắt buộc phải mở rộng chuỗi.
Việc phát triển chuỗi cửa hàng là xu thế tất yếu nhằm gia tăng sự nhận biết thương hiệu và khả năng cạnh tranh trên thị trường, cũng là cách để tiết giảm chi phí quản lý, từ đó gia tăng doanh số và lợi nhuận. Chuỗi cửa hàng được xây dựng rộng khắp với mật độ cao tại những vị trí đông dân cư sẽ là cách tốt nhất để chiếm lĩnh thị phần.
Thị trường có nhiều cơ hội để phát triển nên một thương hiệu chuyên về mô hình đại siêu thị là Lotte Mart cũng đã hướng đến phân khúc này bằng sự ra mắt cửa hàng tiện lợi Speed L tại tòa nhà Pico Plaza trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM.
Đánh giá về xu hướng phát triển mô hình cửa hàng tiện lợi, ông Nguyễn Anh Đức – Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho rằng đây là xu hướng tất yếu, đáp ứng nhu cầu mua nhanh, sử dụng nhanh và thời gian mở cửa nhiều hơn cửa hàng truyền thống. Đó cũng là phân khúc Saigon Co.op đang tập trung nguồn lực để hướng đến nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu này của người tiêu dùng và cũng là cách để Saigon Co.op đa dạng hóa phân khúc bán lẻ.
Theo nghiên của hãng tư vấn A.T.Kearney (Mỹ), Việt Nam hiện đứng thứ 6 toàn cầu về chỉ số phát triển thị trường bán lẻ, trong đó cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini đang rất “nóng”. Còn theo Nielsen Việt Nam, kênh thương mại hiện đại đang có sự dịch chuyển tích cực, đặc biệt là các cửa hàng nhỏ trong hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng trong vài năm qua.
Theo báo cáo phân tích tình hình phát triển thị trường bán lẻ tại Việt Nam giai đoạn 2018 – 2021 của Công ty bất động sản Savills Việt Nam, năm 2017, doanh số bán lẻ tại Việt Nam đạt gần 129 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2016, khá cao so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Việc ngày càng nhiều người tiêu dùng Việt Nam sử dụng internet cũng như xu hướng thanh toán bằng thẻ tín dụng, cùng sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu sẽ là những thành tố quan trọng thúc đẩy thị trường bán lẻ phát triển. |