Kết quả kinh doanh các năm gần đây của Habeco không những không có tiến bộ mà còn sụt giảm. Điều này cũng được chính Habeco thừa nhận trong Báo cáo tổng kết trình bày tại Đại hội cổ đông thường niên 2018 hồi tháng 6 vừa qua.
Trong khi tổng mức tiêu thụ của thị trường năm sau luôn cao hơn năm trước thì dấu hiệu chững lại và thụt lùi của Habeco cho thấy, vấn đề quản trị, điều hành và kinh doanh của đơn vị này thật sự đáng lo ngại.
3 năm liên tiếp KD khó khăn, lợi nhuận toàn TCty giảm sút
Trong khi sự cạnh tranh giữa các đối thủ trong ngành ngày càng khốc liệt, sự tham gia của các “ông lớn” nước ngoài vào sâu thị trường Việt Nam đẩy các hãng bia Việt vào tình thế co cụm. Tuy nhiên, đối thủ xứng tầm của Habeco (TCty CP Bia – Rượu – NGK Hà Nội) là Sabeco lại vượt trội hẳn, khi năm 2017 đạt doanh thu hơn 34.000 tỉ đồng, tăng trưởng 12% so với năm 2016, ngược lại Habeco bị sụt giảm gần 2%.
Các số liệu của Habeco cho thấy, tình hình kinh doanh năm 2017 chỉ đạt gần 482 triệu lít tổng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm, tức là giảm 8,5% so với năm 2016 và chỉ đạt 88,6% so với kế hoạch năm.
Hồi tháng 2.2018, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng, Habeco đã áp dụng mức lương cơ bản của cán bộ quản lý cao hơn quy định đối với viên chức quản lý của nhà nước tại DN. Cty mẹ còn trích khoản quỹ lương hỗ trợ BHXH 2,5 tỉ đồng không đúng quy định nên KTNN đã đề nghị phải điều chỉnh giảm quỹ lương của Cty mẹ 2,5 tỉ đồng.
Kinh doanh khó khăn, tổng lượng tiêu thụ thấp, lợi nhuận sụt giảm… rất nhiều vấn đề đã đưa Habeco vào thế khó. Sau khi điều chỉnh số liệu theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, báo cáo của Habeco buộc phải thẳng thắn thừa nhận, “đến năm 2017, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ toàn TCty bị chững lại” và “tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong 3 năm trở lại đây, lợi nhuận sau thuế toàn TCty giảm sút”.
Tháo chạy khỏi thị trường bia chai 450ml
Thị trường bia chai 450ml mà Habeco nắm giữ gần như độc chiếm để “một mình một chợ” khi các hãng bia ngoại và cả trong nước dồn lực vào thị trường chai 330ml. Nhưng chính thế thượng phong ấy cũng không giúp Habeco “giữ vững và phát triển thị trường” bằng “nỗ lực và nhiều giải pháp” như công bố. Habeco thừa nhận “tiêu thụ bia chai 450ml suy giảm nên những đơn vị sản xuất bia chai có mức độ hoàn thành kế hoạch thấp hơn so với những đơn vị có sản xuất bia lon.
Mặc dù Habeco đã “xây dựng chương trình khuyến mại cho bộ sản phẩm bia chai” nhưng vẫn thất bại. Dẫn tới “sản lượng bia các loại giảm chủ yếu do sự sụt giảm của sản phẩm bia chai 450 đỏ. Mặc dù Habeco “thanh minh”, sự sụt giảm bia chai Hà Nội có nguyên nhân chính là “do thay đổi xu hướng tiêu dùng” và “hình ảnh quá quen thuộc” nhưng Habeco vẫn phát triển sản phẩm bia chai 450ml nhãn xanh ra đời để nhắm tới đối tượng khách hàng khu vực miền Trung.
Song điều đó cũng không thể phủ nhận sự sụt giảm có những nguyên nhân do công tác quản trị yếu kém như “quản lý chưa chặt chẽ được giá bán dẫn tới việc kinh doanh sản phẩm bia chai Hà Nội 450ml đỏ không có lãi, trong khi đối thủ cạnh tranh đảm bảo được lợi nhuận ổn định cho khách hàng”.
Đồng thời, khả năng cạnh tranh và “sức đề kháng” của Habeco rõ ràng có vấn đề lớn khi đã “nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp”, “cải tiến phương thức bán hàng và quản lý bán hàng”, “xây dựng các chương trình, giải pháp đồng bộ”…
Để thoát khỏi sự cạnh tranh khốc liệt mà khả năng phản kháng yếu ớt ở thị trường chai 450ml, từ đầu năm 2018, Habeco đã xây dựng và phê duyệt đề án triển khai bia chai 355ml, đề án này hiện đã được HĐQT và Ban điều hành thông qua để triển khai thực hiện. Thị trường đã đón nhận các dòng sản phẩm mới này của Habeco như thế nào?
Tới nay Habeco đã chiếm lĩnh lại được những thị trường đánh mất hoặc bị xâm chiếm nào? Các thông tin này cần phải được công bố mới có thể chứng minh chiến lược mà Habeco đề ra có tiến bộ so với sự “tụt hậu” từ trước đó.