Dù không quá ngạc nhiên, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn không khỏi bị sốc khi Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump chính thức khẳng định sẽ “hủy bỏ TPP ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức”.
Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng là hiệp ước thương mại có quy mô lớn nhất, với sự tham gia của 12 quốc gia bao gồm: Mỹ, Việt Nam, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, New Zealand, Mexico, Peru, Chile, Brunei, Úc và Canada. Với tổng dân số khoảng 800 triệu người, các thành viên TPP dự kiến tạo ra quy mô thương mại chiếm 40% tỷ trọng toàn cầu, và khoảng 18.000 rào cản thuế quan sẽ được dỡ bỏ như một phần trong thỏa thuận. Tuy nhiên, đây là một hiệp định gây tranh cãi đặc biệt trong chính trường Mỹ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama là người tích cực thúc đẩy TPP, nhưng ông Donald Trump thì không. Trong phát biểu vừa qua, ông Trump nói rằng sẽ lựa chọn đường đàm phán thương mại song phương với từng nước, để đảm bảo “mang việc làm và công nghiệp trở lại với người Mỹ”, theo The Guardian.
Không chỉ về thương mại, TPP còn được xem là công cụ địa chính trị quan trọng của chính quyền ông Obama đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mà ai cũng ngầm hiểu đối trọng lớn nhất chính là Trung Quốc. Chính vì vậy, truyền thông phương Tây nhanh chóng hướng sự chú ý sang Bắc Kinh, khẳng định rằng “cái chết” của TPP sẽ là thời cơ để Trung Quốc sử dụng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để tạo sức ảnh hưởng lên các quốc gia Đông Nam Á, Nhật Bản…
Khi được hỏi trong cuộc họp báo ngày 23/11, tức chỉ vài ngày sau tuyên bố hủy TPP của ông Trump, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh sẽ “thể hiện vai trò” trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế châu Á – Thái Bình Dương.
Khi Mỹ xem như bỏ qua thời cơ TPP, các nước đang đàm phán TPP cũng bắt đầu lo ngại, và một số tìm kiếm giải pháp thay thế. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đã làm việc rất tốt đẹp với chính quyền Obama, khẳng định “không có Mỹ, TPP sẽ vô nghĩa”. Trong khi đó trả lời đài Russia Today (Nga) ngày 10/11, Tổng thống Peru Pablo Pedro Kuczynski nói: “Một thỏa thuận khác sẽ thay thế, nhưng không có sự tham gia của Mỹ. Nó có thể bao gồm Trung Quốc cũng như Nga”. Về phần Canada, trước nguy cơ mất cả TPP lẫn một thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ, nước này đang tính đường sẽ thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản như biện pháp ưu tiên.
Mặc dù vậy ở một khía cạnh khác, vẫn có những đánh giá theo chủ nghĩa lạc quan về mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh châu Á xung quanh số phận của TPP.
Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales (Úc), chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông cho rằng 11 nước còn lại vẫn có thể đàm phán TPP mà không cần Mỹ, hoặc ít nhất sẽ cần thêm thời gian 1 năm để thuyết phục Mỹ. Trong khi đó The Guardian dẫn lời Christopher Hill, cựu trợ lý bộ trưởng phụ trách đối ngoại Đông Á và Thái Bình Dương, nói rằng các đồng minh của Mỹ chưa chắc sẽ quay lưng với Mỹ và lựa chọn Trung Quốc.