Nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới đã xác định được một loạt các vấn đề cần giải quyết, đó là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) ít có khả năng nhận thức được những cơ hội kinh doanh ở phạm vi quốc tế. Họ đối mặt với nhiều thách thức khi cố gắng thiết lập phạm vi sản xuất kinh doanh trên thị trường thế giới, đặc biệt là việc tham gia vào mạng lưới phân phối sản phẩm.
Hiện tại, internet đang cung cấp một giải pháp hữu hiệu cho những vấn đề này vì tạo điều kiện cho SME có thể tiếp cận khách hàng trên toàn thế giới. Một nghiên cứu của eBay tại 22 quốc gia trên toàn cầu cho thấy, các SME tiến hành kinh doanh trực tuyến đã xuất khẩu tới 97% khối lượng hàng hóa của mình. Trong khi đó số doanh nghiệp không tham gia kinh doanh trực tuyến chỉ xuất khẩu được 2 – 28% số hàng hóa.
Vì vậy kinh doanh trực tuyến rõ ràng mang đến nhiều thuận lợi cho SME khi muốn xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp ở các nước đang phát triển có số nhân viên dưới 10 người, chỉ có 25% các công ty này có trang web riêng. Đây là con số rất khác biệt đối với các doanh nghiệp có trên 250 nhân viên, với tỷ lệ 85% có trang web của công ty.
Nhiệm vụ của tổ chức WTO là thiết lập quy tắc thương mại toàn cầu và tạo ra một hệ thống trong đó mang lại cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp. Vì vậy toàn bộ 164 thành viên của WTO trên thế giới đang ngày càng quan tâm để làm cách nào thúc đẩy SME nước mình hoạt động hiệu quả, đặc biệt là trong việc khai thác tiềm năng của kinh doanh trực tuyến và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Ông Roberto Azevedo – Giám đốc Ngân hàng Thế giới chi nhánh Indonesia trong một bài viết trên báo Jakarta Post cho rằng, tại các nước phát triển trên thế giới, các SME tạo ra khối lượng hàng hóa lên tới 78% và 34% trong số đó được xuất khẩu, còn đối với các quốc gia đang phát triển thì con số này thấp hơn.
Một cuộc khảo sát đối với 25.000 doanh nghiệp nhỏ ở các nước đang phát triển cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp này chỉ chiếm 7,6% tổng số hàng hóa của họ, tại châu Phi con số nói trên chỉ chiếm có 3%.
Vấn đề ở đây là một số rào cản thương mại tại nhiều quốc gia đã ảnh hưởng đến hoạt động của SME. Việc đáp ứng một số tiêu chuẩn pháp lý cần thiết đối với các loại hàng hóa tại những thị trường khác nhau là một trong những khó khăn của SME, đồng thời ngay cả chi phí tìm kiếm thông tin về các tiêu chuẩn này cũng bị hạn chế. Điều đó gây ảnh hưởng không nhỏ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các SME tại các quốc gia đang và chậm phát triển.
Các công ty lớn hơn có thể tiếp cận nguồn kinh phí từ chính phủ, nhưng đối với SME điều này không hề dễ dàng và do đó họ khó có điều kiện để tiếp cận, mở rộng sản xuất kinh doanh ở nước ngoài. Việc giảm thuế sẽ là một sự hỗ trợ lớn đối với SME, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin và nâng cao khả năng đào tạo của doanh nghiệp nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý ở trong nước cũng như trên phạm vi quốc tế.
SME hiện đang gặp phải một bất lợi khác nữa là việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư. Trên phạm vi thế giới, các ngân hàng từ chối hơn 50% các yêu cầu về tài chính từ SME, so với chỉ 7% đối với các công ty đa quốc gia. SME cho rằng đây là một rào cản lớn về khả năng sản xuất kinh doanh của họ, vì vậy các chính phủ cần vào cuộc, có sự quan tâm và tạo điều kiện để họ phát huy khả năng của mình.