Cách cư xử và thái độ của nhà quản lý sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý và năng suất làm việc của nhân viên. Để tăng hiệu suất trong công việc cũng như khuyến khích tinh thần sáng tạo của nhân viên, nhà quản lý nhất định phải nắm được những nguyên tắc cơ bản dưới đây.
1. Tìm hiểu và quan tâm tới nhân viên của bạn
Nhà quản lý nên học cách quan tâm tới nhân viên trong thời gian làm việc tại văn phòng cũng như cuộc sống bên ngoài của họ. Đôi khi một lời động viên, sự quan tâm hay hỏi han cũng sẽ giúp thắt chặt mối quan hệ giữa nhà quản lý và nhân viên.
Điều này sẽ giúp cho nhân viên cảm thấy được trân trọng và hơn hết là sự sự cảm thông và chia sẻ cuộc sống như những người đồng nghiệp. Đừng chỉ biết xây dựng mối quan hệ: sếp, nhân viên và công việc bởi trong chúng ta ai cũng muốn được tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ như những người bạn.
2. Đưa ra những sự khích lệ khi nhân viên làm tốt
Khuyến khích và thúc đẩy những thế mạnh của nhân viên cũng là một cách hiệu quả giúp nhà quản lý gia tăng năng suất làm việc mà vẫn mang lại nhiều lợi ích cho nhân viên của mình. Bất cứ khi nào nhân viên của bạn đề xuất những ý tưởng sáng tạo, hãy lắng nghe và đưa ra sự khích lệ hợp lý để mang lại hiệu quả tốt nhất cho công việc.
Một món quà nhỏ hay lời tán dương trước tập thể cũng là yếu tố khích lệ quan trọng giúp nhân viên hiểu rằng những thành quả của họ được tôn trọng và sẽ nỗ lực cống hiến hơn nữa trong công việc.
3. Xây dựng quy trình làm việc nhóm và vui chơi tập thể
Làm việc nhóm cũng là một cách hiệu quả tăng cường tính đoàn kết và sự hỗ trợ trong công việc của mỗi cá nhân. Nhà quản lý nên đặc biệt đánh giá cao kết quả của team cũng như những cá nhân xuất sắc tiêu biểu trong nhóm. Điều này sẽ giúp cho nhân viên cảm thấy được đánh giá cao bởi những nỗ lực và sự cống hiến của họ trong công việc.
Ngoài công việc, để giúp nhân viên luôn có tinh thần sáng tạo và năng lượng khi làm việc, nhà quản lý cũng nên đặc biệt quan tâm tới đời sống sinh hoạt cũng như các hoạt động tập thể thường xuyên để giúp nhân viên tăng cường tính đoàn kết và giải trí sau những giờ làm việc.
4. Cố gắng lắng nghe những lời thật lòng của nhân viên
Nhân viên sẽ thực sự thoải mái nếu họ dám thẳng thắn chia sẻ với nhà quản lý rằng họ bị quá sức khi làm việc hay áp lực công việc quá lớn. Đây cũng là cách sẽ giúp cho nhà quản lý nắm bắt được khối lượng công việc cũng như mong muốn của nhân viên để đưa ra sự điều chỉnh hợp lý trong cả cách làm việc và vấn đề sắp xếp thời gian.
Đặc biệt, nhà quản lý cũng cần xây dựng một không gian làm việc thoải mái với chế độ nghỉ ngơi hợp lý để nhân viên có đủ sự sáng tạo và đam mê để cống hiến trong công việc.