Với bà Nguyễn Thị Bính – Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất thương mại dịch vụ Nguyễn Bính, thì điều khiến bà cảm thấy hài lòng nhất, đó là đã nối nghiệp ông cha và làm thăng hoa ngành nghề đã bao đời giúp người dân quê bà vượt qua nghèo đói: Nghề làm bún tươi.
Nỗ lực chuyên nghiệp hóa
Vừa rẽ vào hẻm nơi đặt xưởng sản xuất bún tươi khoảng 500 m2 của bà Bính tại quận Tân Bình, đã nghe rôm rả tiếng phân chia đơn giao hàng. Bà Bính luôn tay luôn chân, vừa nghe điện thoại vừa hướng dẫn địa chỉ giao hàng cho nhân viên.
Chứng kiến các cuộc nói chuyện của bà với nhân viên giao hàng mới thấy, ở bún Nguyễn Bính đang có những vấn đề tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng cần sớm được giải quyết. Đó là làm sao đưa nghề sản xuất bún gia truyền theo lối công nghiệp.
Máy ép bún từng là thành quả đáng tự hào của bà Bính, bởi tự tay bà đã lên ý tưởng và thiết kế loại máy này. Nhưng vì bà không đăng ký bằng sáng chế, nên đến giờ, hầu như hàng trăm cơ sở sản xuất bún hiện có tại TP.HCM đều có một vài loại máy tương tự.
“Giờ tôi khôn hơn rồi, nên sẽ làm bằng sáng chế ngay từ khi bắt đầu thuê thợ hoàn thành ý tưởng”, bà Bính chia sẻ rồi khẳng định, thị trường vẫn tiếp tục phát triển rất tốt trong thời gian tới, với những thương hiệu uy tín như Nguyễn Bính.
Hiện tính cả những đơn vị sản xuất chưa đăng ký, thì có hàng trăm cơ sở sản xuất bún đang hoạt động tại TP.HCM. Mỗi ngày, trên 1.200 tấn bún được cung ứng ra thị trường, trong đó, của riêng Nguyễn Bính là 10 tấn, mang lại doanh thu không dưới 40 tỷ đồng mỗi năm.
“Đến bây giờ, khi mọi công đoạn sản xuất gần như đã tự động hết, chỉ còn việc giao hàng, mà nhiều khi đến vài ngày tôi không được ngủ. Tôi muốn sống và làm việc hết năng lực. Làm như thế nhưng vẫn không có tiền dư, bởi tôi liên tục có sáng kiến mới”, bà Bính cười.
Được đào tạo bài bản chuyên ngành cơ khí điện công nghiệp, chế tạo máy và đó là một lợi thế để bà chủ thương hiệu bún tươi Nguyễn Bính “đánh liều” dùng nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cải tiến sản xuất. Bà đã từng dành 3 ngày 2 đêm liền không ngủ, nghỉ để phác họa ý tưởng máy ép bún rồi thuê thợ chế tạo.
“Tôi không đăng ký bản quyền sáng chế nên hầu như cơ sở nào cũng có máy ép bún tương tự. Nhưng, bí quyết tạo nên sự khác biệt của Nguyến Bính chính là chất lượng sợi bún”, bà Bính tự hào và kể rằng, cùng với máy ép bún, bà đã đưa vào sử dụng nồi hơi luộc bún. Làm thế, vừa tiết kiệm trên 20% chi phí nguyên liệu, vừa đảm bảo chất lượng từng lợi bún đều, đẹp và an toàn, chất lượng hơn. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, bà thậm chí tìm cách cải tiến, nâng công suất lò hơi lên gấp 3 lần mức ban đầu, đạt 700 kg/giờ.
Ở Nguyễn Bính, mọi công đoạn, từ cho gạo vào bồn ngâm, đến khi cho ra từng bịch bún đóng gói sẵn đều được tự động hóa. Chỉ cách đây hơn 2 năm, điều này vẫn chỉ là ý tưởng.
Số lượng khách hàng thường xuyên của Nguyễn Bính hiện đã lên khoảng 1.000 người, kể cả sỉ và lẻ, từ những sạp hàng ở chợ truyền thống đến các chuỗi siêu thị, trường học quốc tế…
Khi ấy, sau khi hoàn thành bản thiết kế phác thảo cho dây chuyền đổ gạo vào bồn, vo gạo và ngâm, bà Bính vẫn không thể tìm ra thợ nhận gia công. Họ cho đó là điều… hoang tưởng. Chỉ đến khi một người thợ bảo trì thấy bà phiền muộn mới quyết thử và thành công.
Đến công đoạn cuối cùng, đóng gói bún tự động lại càng gian nan hơn. Bà Bính đã tiêu tốn 300 triệu đồng thuê công ty cơ khí hoàn thành ý tưởng nhưng không thành công. Bà phải tinh chỉnh lại thiết kế rồi thuê gia công lần hai và tiếp tục thất bại. May mắn biết đến sản phẩm tương tự của một nhóm sinh viên Đại học Bách khoa TP.HCM, bà Bính đã bắt tay hợp tác và điều chỉnh mẫu thiết kế, cho ra đời hai máy đóng gói tự động vào cuối năm 2016.
Dù bà Bính không tiết lộ về công suất, nhưng có tin cho rằng, nếu hoạt động liên tục, chiếc máy ấy có thể đóng gói 1,25 tấn bún mỗi giờ.
Nhưng không dừng lại ở đó, bà Bính cho biết, đang hoàn thành bản thảo thiết kế mẫu máy đa năng, tích hợp mọi công đoạn sản xuất bún mà không cần rửa lại bằng nước sạch. Song song đó, giữa năm nay, trong danh sách các loại bún của Nguyễn Bính sẽ có thêm một loại sản phẩm với giá cao hơn, khoảng 15.000 đồng/kg thay vì chỉ nằm mức trung bình 10.000 đồng/kg như hiện tại.
Ngoài ra, ước vọng kinh doanh ngoài biên giới của thương hiệu này có thể sẽ được hiện thực hóa qua một loại bột sản xuất bún để nhiều người có thể tự tay tạo nên những sợi bún dai và bóng màu trắng ngà. Bà Bính đang bắt tay vào thực hiện những kế hoạch ấy, cũng như sẽ đầu tư khoảng 50 tỷ đồng xây dựng một nhà xưởng 10.000 m2 tại huyện Củ Chi.
“Khi có đất xây, tôi sẽ tiến đến hoàn thiện quy trình theo tiêu chuẩn châu Âu, không phải châu… ta như bây giờ”, bà Bính cười lớn.
Thăng hoa nghề tổ
Bà Bính vốn là người quê gốc Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), nơi có nghề làm bún nổi tiếng. Khi chưa tròn 18 tuổi, vào năm 1987, bà một mình tới Long Thành, Đồng Nai theo học trung cấp. Để mưu sinh, bà sẵn sàng đi làm thuê, từ rửa bát, bưng bê, đến chặt mía…, cốt chỉ để có tiền đóng học và được ăn no một bữa mỗi ngày, với cơm chan nước mắm hoặc “canh đại dương”. Thậm chí, để có thể tồn tại nơi đất khách, có lúc bà học làm thợ cắt tóc, lại có khi học nghề bán thịt ở chợ. Riết rồi thấy nhọc công nhọc sức mà chẳng kiếm được bao lăm, bà quyết định quay về với nghề tổ của ông cha.
Kể lại câu chuyện về những ngày đầu nối nghề tổ làm bún kéo dài đã 3 đời, bà Bính liên tục nghẹn ngào và bảo rằng, đến lúc này, chẳng còn điều gì có thể ngăn cản sự phát triển thương hiệu bún tươi Thủ Đức – Nguyễn Bính như kỳ vọng của những thế hệ trước. Công ty của bà Bính, sau 18 năm gắn bó với tổ nghề, được định giá trên 100 tỷ đồng.
“Ông cụ (cha bà Bính) mừng lắm, khi hay tin tôi trở về nghề tổ, rồi đi chặt tre, làm phên phơi bún và gửi tàu hỏa vào Nam cho con gái. Nhưng chỉ khoảng 3 tháng sau, ông mất…”, bà Bính sụt sịt kể rồi nói rằng, những thanh nan tre ấy đáng giá lắm với bà, bởi nhờ nó, bà có thêm quyết tâm nối nghiệp và làm thăng hoa nghề tổ ở trời Nam xa xôi.
Mỗi lần nhớ đến lời căn dặn của cha, rằng “Con ạ! Nghề mình đỏ lửa là có tiền. Không bao giờ đói. Bố cũng nhờ nghề này mà nuôi được 9 đứa con”, bà lại như được an ủi, mọi đau đớn, vất vả được xoa dịu. Chuyện đôi bàn tay “sưng to như quả chuối” vì vác gạo, vo gạo, xốc gạo, ép sợi, ra sọt… đều chẳng “nghĩa lý” gì.
Khó khăn, nhưng bà nỗ lực để vượt qua. 18 năm làm nghề, dễ có đến 3 lần bà đối mặt với nguy cơ trắng tay. Lúc bị tịch thu đồ nghề, lúc lại bị chê bún xấu màu, nợ ngân hàng 300 triệu đồng… “Biến đau thương thành hành động” trở thành câu cửa miệng cũng như quan điểm sống của bà Bính. Và đời đã không phụ những người kiên trì làm bún như bà.
Tiếng lành đồn xa. Số lượng khách hàng thường xuyên của Nguyễn Bính hiện đã lên khoảng 1.000 người, kể cả sỉ và lẻ, từ những sạp hàng ở chợ truyền thống đến các chuỗi siêu thị, trường học quốc tế… Từng có một công ty Thái Lan đặt vấn đề hợp tác và định giá thương hiệu Nguyễn Bính khoảng 100 tỷ đồng. Con số ấy đến nay có lẽ đã tăng hơn ít nhiều.
“”Nhưng mọi việc phải được cân nhắc”, bà chủ thương hiệu bún tươi Thủ Đức Nguyễn Bính mỉm cười. Có lẽ, bà đã có thể tự hào về những gì mà mình đã làm được. Nghề tổ làm bún của quê lụa Hà Tây đã “thăng hoa” ở phương Nam xa xôi.