10 nước giàu có nhất thế giới

Với hơn 530.000 USD, Thụy Sĩ là quốc gia có tài sản trung bình với mỗi người trưởng thành cao nhất thế giới.

Theo báo cáo tài sản – Global Wealth Report 2018 do Viện nghiên cứu Credit Suisse công bố gần đây, tài sản toàn cầu đã tăng 14.000 tỷ USD lên 317.000 tỷ USD trong một năm qua. Trong 5 năm tới, con số này sẽ tăng gần 26% nữa, chạm 399.000 tỷ USD năm 2023. Các nền kinh tế mới nổi đóng góp một phần ba mức tăng này, dù chỉ đóng góp tổng cộng 21% tài sản toàn cầu hiện tại.

Mỹ vẫn là nước có nhiều triệu phú nhất thế giới, với hơn 13,5 triệu người và tổng tài sản cả nước là 98.200 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu chia tổng tài sản cho số người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên), Thụy Sĩ mới là quốc gia có tài sản trung bình cao nhất thế giới, báo cáo của Credit Suisse cho biết.

1. Thụy Sĩ

Thụy Sĩ

  • Tài sản bình quân với người trưởng thành: 530.240 USD

2. Australia

Australia

  • Tài sản bình quân với người trưởng thành: 411.060 USD

3. Mỹ

Mỹ

  • Tài sản bình quân với người trưởng thành: 403.970 USD

4. Bỉ

Bỉ

  • Tài sản bình quân với người trưởng thành: 313.050 USD

5. Na Uy

Na Uy

  • Tài sản bình quân với người trưởng thành: 291.100 USD

6. New Zealand

New Zealand

  • Tài sản bình quân với người trưởng thành: 289.800 USD

7. Canada

Canada

  • Tài sản bình quân với người trưởng thành: 288.260 USD

8. Đan Mạch

Đan Mạch

  • Tài sản bình quân với người trưởng thành: 286.710 USD

9. Singapore

Singapore

  • Tài sản bình quân với người trưởng thành: 283.260 USD

10. Pháp

Pháp

  • Tài sản bình quân với người trưởng thành: 280.580 USD

Hà Thu / BI

IBM dùng AI để sáng chế nước hoa mới

Bộ phận nghiên cứu của IBM đã hợp tác với các chuyên gia mùi hương của Symrise – nhà sản xuất hương vị và nước hoa của Đức để tạo ra một hệ thống AI (trí tuệ nhân tạo) có thể thiết kế các loại nước hoa hoàn toàn mới.

Phát triển một mùi hương là công việc đòi hỏi sự kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật và các chuyên gia điều chế nước hoa thường cần rất nhiều năm kinh nghiệm. Thế nhưng, Philyra – một AI được đặt tên theo nữ thần mùi hương của Hy Lạp – lại có thể tạo ra những công thức mới mà các nhà chuyên môn chỉ cần điều chỉnh đôi chút là có thể sử dụng được. Philyra sử dụng máy học để phân tích hàng ngàn nguyên liệu và những loại nước hoa từng được tạo ra trước đây, từ đó đề xuất những sự kết hợp hoàn toàn mới.

Symrise sở hữu 1,7 triệu công thức nước hoa mà họ đã tích lũy được sau rất nhiều năm, bao gồm cả các mùi hương đã được bán cho những thương hiệu nổi tiếng như Estée Lauder và Coty để họ đóng gói và tiếp thị như những loại nước hoa huyền diệu. Ngoài ra, gia tài công thức của hãng này còn có những hương vị, hỗn hợp pha chế được sử dụng cho các sản phẩm như kem đánh răng, bột giặt, nến thơm, soda và thức ăn nhanh.

Philyra cũng có thể đề nghị số lượng thành phần cần có cho một công thức mới và những nguyên liệu có thể thay thế cho thành phần cũ với cùng một tác dụng. Hệ thống AI này thậm chí còn có khả năng dự đoán được phản ứng của mọi người đối với mùi hương mới dựa trên những chi tiết về nhân khẩu học bao gồm lứa tuổi và quốc tịch.

Hiện tại, IBM và Symrise chỉ mới hợp tác trong lĩnh vực sản xuất nước hoa, nhưng Philyra cũng có thể phát triển mùi hương mới cho các sản phẩm khác như nước xả vải, sữa tắm và nước đánh bóng đồ nội thất. Nhà sản xuất nước hoa Symrise cho biết mục đích của hệ thống này không phải là để thay thế vai trò của con người mà là cung cấp một công cụ có thể giúp tăng cường kỹ năng và kiến thức cho giới chuyên môn.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường nước hoa toàn cầu trị giá khoảng 48 tỉ USD. Nước hoa là mảng kinh doanh hái ra tiền cho nhiều thương hiệu thời trang vì đây là một sản phẩm mua sắm vừa tầm tay. Hầu hết mọi người không thể mua nổi một chiếc túi xách Chanel nhưng một chai nước hoa Chanel No. 5 thì không quá xa vời. Nước hoa cũng là cơ hội kinh doanh lớn cho nhiều ngôi sao. Elizabeth Taylor, Jennifer Lopez và Britney Spears đã kiếm được hàng triệu USD nhờ gắn tên và hình ảnh của họ lên những chai nước hoa.

Long Hồ / Tech Radar

Cách bán hàng online cho người không có Internet ở Indonesia

Công ty có tên Bukalapak đã tìm ra cách kết nối việc mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến cho người dân Indonesia thông qua các doanh nghiệp gia đình.

Indonesia, với dân số 240 triệu người, là một thị trường tiềm năng cho thương mại điện tử. Nhiều công ty đang tìm cách để khai thác và phục vụ cho khách hàng là tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông đảo ở đất nước này. Tuy nhiên, dù Indonesia có số lượng người dùng Facebook cao thứ tư trên thế giới và cao thứ năm khi nói đến Twitter, mới chỉ có 55% dân số ở quốc gia này kết nối với Internet. 90% dân số chưa bao giờ mua hàng trực tuyến. Rất nhiều người còn không sở hữu điện thoại thông minh.

Theo SCMP, một công ty thương mại điện tử địa phương có tên Bukalapak đã tìm ra hướng đi bằng cách nhắm mục tiêu tới người dùng ngoại tuyến. Công ty được thành lập năm 2010 này có trụ sở tại Jakarta, với tên gọi có nghĩa là “mở một gian hàng”.

Cụ thể, công ty xây dựng mạng lưới kết nối với hơn 300.000 đại lý, chủ yếu là các kiốt bán đồ tiện lợi quy mô gia đình (được gọi là warung) hoặc các nhà hàng bán đặc sản địa phương. Học theo chợ điện tử Taobao của Alibaba, Bukalapak cho phép người dùng đăng ký và mở một cửa hàng trực tuyến, đồng thời trở thành đại diện của công ty trong việc quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng.

Một đại lý Bukalapak tại Indonesia, nơi người dân có thể tới đây nhờ trợ giúp mua hàng online. Ảnh: Nikkei.

Khách hàng không thể kết nối mạng Internet, muốn mua thứ gì đó trên Bukalapak có thể tiếp cận các đại lý này để được trợ giúp trong việc đặt hàng trực tuyến. Người mua sau đó trả tiền mặt cho warung sau khi đơn hàng được tạo. Các warung sẽ nhận được một phần “hoa hồng” nhỏ cho mỗi giao dịch mua hàng online thành công.

“Chúng tôi đang lấy yếu tố ‘e’ ra khỏi thương mại điện tử (e-commerce) bằng cách mở rộng sang không gian ngoại tuyến. Trong thực tế, chỉ có khoảng 10% dân số của Indonesia đã từng mua hàng online trước đây”, Muhammad Fajrin Rasyid, đồng sáng lập kiêm chủ tịch Bukalapak cho biết. “Phương pháp này là một trong những cách giúp chúng tôi tiếp cận 90% còn lại”.

Fajrin ước tính Bukalapak có khoảng 15 đến 20% thị phần của thị trường thương mại điện tử ở Indonesia. Đối thủ của công ty là các “đại gia” lớn như Tokopedia, Lazada và Shopee. Sau đợt gọi vốn tháng 11 năm ngoái, CEO Bukalapak Achmad Zaky tuyên bố công ty đã có trị giá vượt quá một tỷ USD.

Tuy nhiên ông cũng cho biết ngành công nghiệp thương mại điện tử của đất nước mình vẫn chủ yếu dựa trên rao vặt, nơi người bán quảng cáo sản phẩm của họ trên các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và Instagram. Sau đó các thanh toán được thực hiện bằng chuyển khoản ngân hàng.

Hai người phụ nữ đang vào mạng xã hội bằng điện thoại di động ở Jakarta.

Để khuyến khích người bán và người mua sử dụng Bukalapak, công ty cung cấp dịch vụ ký quỹ, nơi họ giữ khoản thanh toán của người mua cho đến khi họ nhận được món hàng đã đặt. Khi quá trình giao nhận hàng kết thúc, tiền mới tới tay người bán. Fajrin cho biết cách làm này được lấy cảm hứng từ dịch vụ ký quỹ của Alipay, nhằm cải thiện lòng tin dành cho người dùng Taobao.

“Mọi người hiểu rằng Indonesia là một quần đảo và việc chuyển hàng từ đảo này sang đảo khác sẽ mất một vài ngày”, Fajrin nói. Do đó, ông cho rằng việc thanh toán và khâu hậu cần là rào cản lớn nhất đối với thương mại điện tử ở Indonesia. Việc thẻ tín dụng chưa phổ biến cũng đồng nghĩa với việc mọi người thường trả tiền mặt khi nhận hàng. Thói quen này có thể khiến các giao dịch thương mại điện tử có xu hướng ngày càng giảm.

Bảo Nam

Đằng sau thành công của ứng dụng video ngắn

TikTok, một ứng dụng cho phép đăng tải các video âm nhạc dài tối đa 15 giây đồng hồ, đang nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường ứng dụng mạng xã hội trên thiết bị di động.

TikTok là phiên bản quốc tế của ứng dụng video Douyin của Trung Quốc vốn mới chỉ ra đời từ năm 2016, nhưng chỉ mất có hai năm để làm mưa làm gió trên thị trường ứng dụng video trên các thiết bị di động. TikTok trở nên mạnh mẽ hơn một phần nhờ bổ sung lượng khách hàng từ ứng dụng musical.ly sau khi TikTok mua lại ứng dụng này năm 2017 với giá 800 triệu đô la Mỹ. Dữ liệu từ công ty khảo sát Sensor Tower cho biết TikTok đã qua mặt Facebook, Instagram, Snapchat và YouTube về số lần truy cập trong tháng 10-2018.

Loại hình ứng dụng dành cho video âm nhạc ngắn như TikTok tức Douyin cũng như Kuaishou ở Trung Quốc đang nhanh chóng áp đảo các ứng dụng phát video trực tiếp như YY, Huya, Momo và Bilibili. Hiện tượng này cũng đang dần xuất hiện ở các thị trường khác nơi ứng dụng TikTok xuất hiện.

Ít có nhà phân tích nào nghĩ TikTok sớm thành công ở thị trường nước ngoài, nhưng đó lại là một hiện tượng đang diễn ra. Nhờ đó, giá trị của công ty mẹ ByteDance đã dẫn đầu nhóm các công ty khởi nghiệp (start up) lớn nhất trên thế giới với 75 tỉ đô la, đẩy người khổng lồ Uber xuống hàng thứ hai với 72 tỉ đô la Mỹ.

Phương tiện truyền thông mới đang lên ngôi

Chỉ sau hai năm kể từ khi được tung ra, nền tảng video âm nhạc Douyin và phiên bản nước ngoài Tiktok đạt đến tổng số 500 triệu người sử dụng hàng tháng, trong đó 40% là người nước ngoài. Tỉ lệ này đang tiếp tục tăng lên rất nhanh, tạo ra một cơn sốt bất thường, đặc biệt là đối với những người trẻ. Trong một thời gian rất ngắn, các sản phẩm nội dung số trong “hệ sinh thái” TikTok của Bytedance đã có mặt ở trên 150 quốc gia và trở nên nổi tiếng ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á, vùng Bắc Mỹ, Âu châu, Brazil và Ấn Độ.

Sensor Tower cho biết các ứng dụng video đang là xu thế mới trong những năm gần đây. ByteDance có hai ứng dụng ở ngôi đầu và thứ hai trên bản xếp hạng ứng dụng video, TikTok và Vigo, vị trí còn lại thuộc về Instagram của Facebook. Với đặc điểm là thời lượng ngắn (15 giây trở xuống) và nhiều hiệu ứng độc đáo đi kèm, TikTok đã trở thành hiện tượng ngay tại Mỹ với số lượt tải xuống kỷ lục. Trên chợ ứng dụng AppStore của Apple, số lượng tải về của ứng dụng TikTok lên đến 104 triệu lượt, trong khi YouTube chỉ đạt 64 triệu lượt, WhatsApp đạt 60 triệu lượt, Instagram đạt 59,7 triệu lượt, Facebook chỉ đạt 53,8 triệu lượt trong nửa đầu năm 2018.

Trên AppStore của Apple, số lượng tải về của ứng dụng TikTok lên đến 104 triệu lượt, trong khi YouTube chỉ đạt 64 triệu lượt, WhatsApp đạt 60 triệu lượt, Instagram đạt 59,7 triệu lượt, Facebook chỉ đạt 53,8 triệu lượt trong nửa đầu năm 2018.

Bí quyết thành công

Cây bút Qian Chen của đài CNBC (Mỹ) cho rằng các video ngắn với âm nhạc bắt tai và hiệu ứng sặc sỡ đang trở thành một thứ giao tiếp, một hình thức thông tin liên lạc mới, đặc biệt với thanh thiếu niên. Xu hướng thông tin này đang tỏ rõ năng lực giải phóng trí tưởng tượng của người trẻ khỏi những ràng buộc về kỹ thuật, cho họ thỏa sức sáng tạo. Sự tham gia đông đảo của người dùng sẽ mang lại lợi nhuận cho số ít những người dùng khác là những nhà sản xuất nội dung số ngay trên nền tảng TikTok. Tại Trung Quốc, cái nôi của nền tảng video âm nhạc ngắn, Douyin có tới 300 triệu người tham gia vào nền tảng này, và một nửa trong số đó truy cập vào đó hàng ngày.

Với những video dài 15 giây, Douyin và phiên bản TikTok đã cô đọng lại nội dung muốn truyền tải bằng những hiệu ứng ngồ ngộ phụ trợ cho phần kịch bản gây cười cho người xem. Cấu trúc đơn giản và thời thượng đó đã giúp cho nền tảng video âm nhạc trở thành một chuẩn mực trong việc thu hút người dùng trẻ.

Với những video dài 15 giây, TikTok đã cô đọng lại nội dung muốn truyền tải bằng những hiệu ứng ngồ ngộ phụ trợ cho phần kịch bản gây cười cho người xem.

Nhiều người phàn nàn rằng việc xem các video trực tiếp (live streaming) thường mất nhiều thời gian và chuyển qua đam mê với loại video ngắn. Loại hình mới này cũng chẳng giúp người ta tiết kiệm chút thời gian nào vì khi đã mê xem thì người dùng có thể lướt hàng ngàn video với tổng thời lượng nhiều tiếng đồng hồ. Đương nhiên hình thức càng ngắn thì nội dung càng cô đọng, càng hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, video ngắn mạnh về nội dung trong khi lại ngắn về thời lượng, giúp người ta giết những quãng thời gian rảnh rỗi ngắn ngủi.

Nhưng còn một điều mà ít ai chú ý là loại hình video ngắn sinh ra trong thời đại trí khôn nhân tạo (AI). Trong trường hợp TikTok, ứng dụng này được tạo ra trên nền tảng AI, lấy việc thu thập xu hướng và sở thích xem video của người dùng làm cơ sở để điều chỉnh hướng đi của TikTok sao cho thu hút được càng nhiều người dùng hơn. TikTok chủ động định hướng nội dung các video, đưa ra các gợi ý cho chuyên viên của ByteDance tạo ra các sản phẩm số liên quan để chiều ý và giữ chân người dùng. Người ta không thể ngừng xem hết video này đến video khác. Nhờ đó, các video ngắn, vui nhộn trở thành con gà đẻ trứng vàng cho công ty mẹ, tạo ra một cơn bão trong truyền thông mạng xã hội.

Hoàng Xuân Phương

Người Việt ưa thích món ăn của châu Á hơn món Tây

Những năm gần đây, ngành thức ăn – đồ uống (F&B) tại Việt Nam chứng kiến sự chuyển dịch đáng kể thị phần của các món ăn phương Tây sang những món phương Đông mà đặc biệt là những món ăn đậm nét châu Á, kết luận trong báo cáo mới công bố của công ty nghiên cứu thị trường Decision Lab Việt Nam.

Nếu trước đây, khách hàng có thể bỏ ra hàng giờ để xếp hàng chờ đến lượt mua fastfood thì giờ đây xu hướng này có thể đã thay đổi.

Lượng khách hàng từ nhóm fastfood như hamberger, gà rán, pizza có xu hướng dịch chuyển sang những chuỗi nhà hàng kinh doanh các món ăn liên quan đến lẩu (hotpot), món ăn Nhật Bản và món nướng (BBQ). Đây là ba loại món ăn có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong bốn quý gần đây.

Theo Decision Lab, món ăn Việt Nam vẫn thống trị thị trường F&B Việt Nam với với thị phần 81%. Nhưng sự tiện lợi của các cửa hàng trên đường phố, trong những con hẻm khiến các chuỗi nhà hàng Việt Nam không phải là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng. Fastfood là dịch vụ chiếm thị phần thứ hai sau món ăn Việt Nam nhưng tốc độ tăng của nhóm này giảm 17% so với năm ngoái và đang có chiều hướng giảm.

“Người tiêu dùng muốn thử những điều mới mẻ, và mong đợi có thêm nhiều trải nghiệm khi bước chân ra ngoài ăn uống”, bà Nghiêm Vũ Phương Linh, giám đốc bộ phận nghiên cứu ăn uống công ty nghiên cứu thị trường Decision Lab đưa ra lý giải. Khách hàng có sự tương tác với những món như BBQ và lẩu. Trải nghiệm nằm ở cách họ vừa thưởng thức món ăn cùng với bạn bè đối tác, người thân. Trong lúc thưởng thức món ăn, họ có thể cảm nhận âm thanh của thức ăn đang nấu, nhìn thức ăn nấu chín, nấu món theo cách họ muốn. Những nhà hàng này còn đem lại trải nghiệm cho khách hàng thông qua cách phục vụ và không gian bày trí.

Thị phần của các phân khúc F&B tại Việt Nam 2018. Ảnh: Decision Lab cung cấp.

Phụ nữ là nhóm khách hàng chi tiền cho ba nhóm thức ăn nhiều nhất, đặc biệt là BBQ. Nghiên cứu cho thấy, số tiền khách hàng sẵn sàng chi trả cho những món liên quan đến BBQ, lẩu và món ăn Nhật Bản thậm chí còn cao hơn so với các món ăn Việt Nam.

Giới chuyên gia về F&B nhận định, các món ăn tự nấu đang là xu hướng ẩm thực nhà hàng không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới trong những năm gần đây. Công ty chuyên về ẩm thực và gia vị McCormick & Company cũng đưa BBQ và lẩu vào danh sách những món ăn trong xu hướng tiêu dùng ẩm thực thế giới.

Yếu tố khiến các nhà đầu tư trong ngành F&B lưu ý nhất là sự thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng Việt Nam. Cùng theo dõi ngành F&B, công ty Kantar Worldpanel đưa ra nhận định, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng không trung thành vào bất kì thương hiệu, nhãn hàng nào. Thế hệ Millenial (những người sinh ra 1980 đến 1998) đang chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu dân số Việt Nam. Kantar cho biết, những mô hình kinh doanh hiện tại có thể mất thị phần trong ngày mai nếu không kịp đáp ứng với sự thay đổi nhanh chóng khẩu vị của khách hàng.

Bích Dâng