Samsung đã trở thành thương hiệu có giá trị nhất châu Á, theo một bảng xếp hạng toàn cầu do Hãng tư vấn Mỹ Interbrand thực hiện, tờ Nikkei cho hay.
Samsung đã vượt qua Toyota để trở thành thương hiệu có giá trị nhất châu Á lần đầu tiên, theo một bảng xếp hạng toàn cầu do Hãng tư vấn Mỹ Interbrand thực hiện.
Bản danh sách thương hiệu toàn cầu giá trị nhất năm 2017 bao gồm 11 công ty đến từ châu Á – con số tương tự như năm ngoái. Nhưng việc các thương hiệu Hàn Quốc vượt lên so với các đối thủ Nhật Bản cho thấy sự thay đổi liên tục trong thị trường, nơi mà các công ty năng động hơn ở châu Á đang lấn lướt một số công ty Nhật Bản trước đây từng thống trị thị trường.
Cuộc khảo sát cũng nhấn mạnh sức mạnh thương hiệu hạn chế của các công ty Trung Quốc, bất chấp quy mô và vốn hóa thị trường lớn của họ. Mức độ phổ biến của các công ty này vẫn còn hạn chế trong thị trường đại lục.
Samsung đã tiến lên vị trí thứ 6 bất chấp hàng loạt bê bối gần đây. Giám đốc điều hành Interbrand Nhật Bản – Masahito Namiki – cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Trong 10 năm qua, Samsung đã thực hiện các chính sách giúp củng cố thương hiệu của Hãng. Chính sách vẫn không thay đổi, bất chấp những xáo trộn của bộ máy lãnh đạo, giúp hạn chế ảnh hưởng của những bê bối đó lên hình ảnh thương hiệu của công ty”.
Toyota xếp thứ 7, đây là một bước thụt lùi khi năm ngoái nhà sản xuất xe hơi này trở thành công ty châu Á đầu tiên giành vị trí thứ 5. Doanh số của Toyota tại thị trường trọng điểm là Mỹ đã suy giảm. Đồng thời, công ty cũng phải đối mặt với chi phí gia tăng cho việc phát triển xe ô tô tự lái – lĩnh vực mà các công ty công nghệ của Mỹ như Google và Tesla dẫn đầu.
Ông Namiki cho biết: “Câu hỏi đặt ra đối với ngành công nghiệp ô tô là liệu nó có thể duy trì tăng trưởng khi đối mặt với áp lực cạnh tranh mới từ các ngành công nghiệp khác hay không”.
Trích danh sách 100 công ty giá trị nhất thế giới theo đánh giá của Interbrand. Nguồn: Nikkei |
Theo Interbrand, sức mạnh thương hiệu là điều cốt yếu để thành công trong kinh doanh. Nó giúp công ty thu hút và giữ chân nhân tài, đồng thời, cho phép các công ty tăng giá bán. Thêm vào đó, số tiền thu được có thể được đầu tư vào các sản phẩm mới để tăng cường thương hiệu.
Google đứng thứ hai sau Apple, điều đã được duy trì trong 4 năm qua. Microsoft, Coca-Cola và Amazon cũng đã lọt vào top 5.
Trong số 11 thương hiệu châu Á, Nhật bản có 6 công ty, hầu hết đều tụt hạng: Canon tụt xuống vị trí 52 từ vị trí 42, Sony xuống vị trí 61 từ vị trí 58, và Panasonic xuống vị trí 75 từ vị trí 68.
Trong khi đó, Honda đã leo lên vị trí 20 từ vị trí 21 trong năm ngoái. Hãng đã hưởng lợi từ vụ phá sản của Hãng sản xuất túi khí Takata – một đối tác kinh doanh thân thiết với mình – dự kiến sẽ giúp giảm bớt gánh nặng của Hãng trong việc thu hồi hàng triệu túi khí Takata bị lỗi.
Nissan cũng đã leo lên vị trí thứ 39 từ vị trí 43, nhờ tung chiếc xe điện Leaf phiên bản mới và áp dụng công nghệ tự đỗ xe và tự phanh. Những đổi mới này đã củng cố vị thế của một công ty trong lĩnh vực xe điện và xe tự lái.
Danh sách của Interbrand chỉ bao gồm các công ty có sự hiện diện trên toàn cầu, và tập trung vào các công ty niêm yết có tài chính minh bạch. Do những tiêu chí này, nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của Trung Quốc đã bị bỏ qua.
Trung Quốc chỉ có 2 thương hiệu nằm trong top 100 là nhà sản xuất điện thoại thông minh Huawei (đứng thứ 70) và Lenovo (đứng thứ 100).