Pony Ma – ông chủ Tencent hiện 46 tuổi, sở hữu 8,6% cổ phần của công ty. Tổng giá trị cổ phần nắm giữ ở công ty và khối tài sản cá nhân của ông đã tăng gần gấp đôi trong 1 năm qua.
Là người đàn ông giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản trị giá 42 tỷ USD, Ma Huteng đang điều hành đế chế kinh doanh trải rộng trong nhiều lĩnh vực từ mạng xã hội tới trí thông minh nhân tạo. Ngoài ra công ty của ông cũng đầu tư vào nhiều doanh nghiệp hot bậc nhất tại Mỹ như Snapchat và Tesla. Và thông tin mới nhất là gã khổng lồ công nghệ này thậm chí còn có vốn hóa thị trường vượt Facebook.
Vậy Ma Huteng là ai?
Nhà sáng lập của Tencent – có biệt danh là “Pony” bởi Ma tức là Mã, trong tiếng Trung có nghĩa là ngựa. Pony trong tiếng Anh cũng có nghĩa là ngựa con.
Ma làm việc tại một doanh nghiệp viễn thông sau khi tốt nghiệp từ Đại học Thâm Quyến của Trung Quốc vào năm 1993 với bằng khoa học máy tính.
Tuy nhiên, 5 năm sau khi ra trường, ông thành lập nên Tencent và bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực nền tảng giao tiếp để sau này biến đây thành một công ty công nghệ khổng lồ.
Tencent đã phát triển được danh tiếng nhờ việc sớm sao chép những mô hình nước ngoài và áp dụng chúng tại thị trường Trung Quốc. Nền tảng tin nhắn trên máy tính cá nhân của họ là một ví dụ, sản phẩm này hoàn toàn giống với AOL.
Tuy nhiên, công ty internet này sau đó đạt được thành công vang dội nhờ WeChat – một dịch vụ tin nhắn di động hiện được sử dụng bởi 1 tỷ người, hơn 1/3 trong số đó dành tới hơn 4 giờ một ngày sử dụng dịch vụ này. Trong khi đó, trung bình một người trên thế giới dành ít hơn 1 giờ mỗi ngày sử dụng Facebook, Instagram, SnapChat và Twitter gộp lại. Hơn nữa, WeChat không chỉ là nền tảng tin nhắn. Đây là nơi chứa hệ sinh thái sản phẩm bao gồm cỗ máy tìm kiếm (search engine), mạng xã hội và nền tảng thanh toán.
Tencent cũng xây dựng một doanh nghiệp game khổng lồ – mảng kinh doanh tạo ra doanh thu 10 tỷ USD vào năm ngoái nhờ những tựa game hot như “Clash of Clans” hay “Honor of Kings”.
Công ty này cũng sở hữu 4 trong 5 tựa game được chơi nhiều nhất ở các quán cà phê Internet ở Trung Quốc trong năm 2011 và kiếm được khoản tiền khổng lồ nhờ những vật phẩm bán trong game. Công ty cũng sở hữu mạng xã hội phổ biến Qzone. “Tencent chính là người tiên phong khi kết hợp mạng xã hội và game”, theo nhà đầu tư người Nga là Yuri Milner.
Pony Ma hiện 46 tuổi, sở hữu 8,6% cổ phần của công ty. Tổng giá trị cổ phần nắm giữ ở công ty và khối tài sản cá nhân của ông đã tăng gần gấp đôi trong 1 năm qua.
Pony Ma sinh ra tại miền Nam Trung Quốc. Ông bước chân vào đại học Thâm Quyến năm 1989. Sau thời gian đó, Trung Quốc đã thay đổi, theo đuổi một nền kinh tế theo kiểu tư bản. Trong bối cảnh đó Pony Ma đã chọn ngành khoa học máy tính.
Người khai sinh ra mạng xã hội
Sau khi tốt nghiệp, Ma làm việc tại một công ty viễn thông. Sớm thấy trước cơ hội của nền kinh tế Trung Quốc, ông và một vài người bạn nữa đã sáng lập ra Tencent năm 1998 với một sản phẩn nhắn tin trên máy tính có tên gọi OICQ. Công nghệ này gần như giống hệt với công nghệ của công ty máy tính ICQ của Israel và vì vậy Tencent đổi tên sản phẩm của mình thành QQ.
QQ đã nhanh chóng trở thành cú “hit” lớn với giới trẻ Trung Quốc, những người luôn mong muốn được tương tác và liên lạc với nhau. Một nhà đầu tư ngân hàng có nhiều năm hợp tác với công ty đã phát biểu: “Trước khi Facebook ra đời rất lâu, Tencent đã cơ bản tạo ra toàn bộ những gì liên quan đến mạng xã hội”.
Một doanh nhân họ Ma hoàn toàn khác
Năm ngoái, Pony Ma đã cam kết tặng 2 tỷ USD cho rất nhiều tổ chức từ thiện tại Trung Quốc nhằm cải thiện sức khỏe và giáo dục cho người dân.
Hình ảnh của Pony Ma được cho là hoàn toàn đối lập với hình tượng Jack Ma của Alibaba.
Dù không có mối liên hệ nào nhưng cả 2 người đàn ông họ Ma đều nhiều năm liền có mặt trong bảng xếp hạng những người giàu có nhất thế giới.
Điểm khác biệt duy nhất là nếu như Jack Ma thường xuyên xuất hiện trên truyền thông thì Pony Ma lại khá kín đáo. Các đồng nghiệp và bạn bè nói rằng anh là một doanh nhân người Thâm Quyến điển hình: Rụt rè và thận trọng!
Thứ 3 vừa qua khi công ty chính thức vượt Facebook về vốn hóa thị trường, Tencent cũng đánh bại cả Alibaba trở thành công ty Trung Quốc đầu tiên vượt mốc vốn hóa thị trường 500 tỷ USD.