Tag Archives: VINFAST

Các vụ thâu tóm ngược của doanh nghiệp Việt

7 tháng đàm phán, 160 cuộc gặp, nhiều khi rơi vào bế tắc, ông Trương Gia Bình lại lui về phía sau. Đúng 8g30 sáng (Mỹ), cuộc gọi kết thúc bằng lễ ký kết thỏa thuận một công ty công nghệ Việt mua lại công ty tư vấn Mỹ.

Đi đánh xứ người

“Sau thương vụ M&A công ty hàng đầu về điện lực và dầu khí của Đức cách đây 5 năm, từ đó đến nay chúng tôi đi tìm công ty để M&A. Cũng đã có rất nhiều công ty nói chuyện, danh sách khách hàng của họ rất đông, chúng tôi đã đàm phán nhưng thất bại”.

“Lần này, chúng tôi lọc ra mấy chục công ty để nghiên cứu. Sau khi cân nhắc, chúng tôi đã chọn 3 công ty. Đàm phán với công ty đầu tiên thất bại, chúng tôi đàm phán tiếp với Intellinet. Chúng tôi đàm phán trong vòng 7 tháng, với 160 cuộc gặp, nhiều khi cuộc đàm phán rơi vào bế tắc, tôi lại lui về phía sau nhằm thúc đẩy tiến độ đàm phán… “, Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình kể lại.

Lãnh đạo FPT xác định, khi chọn mua một công ty tư vấn công nghệ hàng đầu có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính bảo hiểm, y tế, sản xuất, phân phối bản lẻ, thương vụ “thả con săn sắt, bắt con cá rô” này giúp FPT được bổ sung và hoàn thiện các dịch vụ công nghệ từ khâu tư vấn chiến lược ban đầu đến khâu thiết kế, triển khai, bảo hành bảo trì sau cùng, đặc biệt trong các dự án chuyển đổi số.

Trước mắt, FPT thanh toán 30 triệu USD, phần còn lại sẽ dựa trên kết quả kinh doanh của Intellinet trong vòng 3 năm tới. Tổng giá trị thương vụ có thể khoảng 45-50 triệu USD. Theo đó, FPT sẽ hưởng 90%, còn Intellinet hưởng 10% thành quả hợp tác trong tương lai.

Đi sau FPT, tập đoàn của “ông trùm giải trí” Việt, Nguyễn Ảnh Nhượng Tống vừa công bố thông tin về quyết định ký kết hợp đồng của công ty con là Yeah1 Network Pte.Ltd trong việc mua lại toàn bộ cổ phần sở hữu từ cổ đông của ScaleLab LLC có trụ sở tại Mỹ với giá trị 20 triệu USD.

Ông Đào Phúc Trí – Giám đốc điều hành Yeah1, chia sẻ: “Thương vụ với ScaleLab là một trong những dấu mốc quan trọng để tiến ra thị trường toàn cầu. Trong 3 năm tới, chiến lược của chúng tôi là sáp nhập thêm các kênh nội dung chất lượng, tối ưu hoá kênh sẵn có để tăng lượng người xem, hiệu suất; tạo ra nhiều nội dung toàn cầu, đầu tư nội dung thích hợp cho thị trường quốc tế, cung cấp nội dung chọn lọc cho từng vùng, lãnh thổ; phối hợp với thương hiệu để phát triển các chiến dịch truyền thông tích hợp”.

Dự kiến, các cổ đông của ScaleLad sẽ nhận được 20 triệu USD từ thương vụ này. Cụ thể, giá trị các cổ đông ScaleLad sẽ nhận được ngay lập tức là 12 triệu USD; 8 triệu USD sẽ được Yeah1 chi trả trong vòng 2 năm tới, tuỳ thuộc vào hiệu quả hoạt động của ScaleLad.

Dấu ấn lớn của người Việt trên đất Mỹ phải kể tới Vinamilk. Trước FPT, giới đầu tư cũng xôn xao với việc Vinamilk mua lại cổ phần công ty Driftwood Dairy tại bang California, Hoa Kỳ.

Sau khi đầu tư thêm 3 triệu USD, nâng tổng số vốn đầu tư lên 10 triệu USD, Vinamilk đã chính thức nắm 100% quyền sở hữu tại một trong những nhà sản xuất sữa lâu đời và dẫn đầu thị trường Bắc California. Đây là một bước đi khá táo bạo nhưng được đánh giá là hợp lý của hãng sữa hàng đầu Việt Nam.

Thương vụ khác cũng đình đám không kém là một doanh nghiệp Việt mua ngân hàng 116 năm tuổi của Mỹ. Đó là Công ty TNHH Tập đoàn Tín Thành, tiền thân là công ty Điện hơi Công Nghiệp Tín Thành.

Oakwood State Bank vừa được một doanh nghiệp Việt mua đứt là một trong những ngân hàng lâu đời nhất nước Mỹ với bề dày lịch sử 117 năm

Triệu đô từ nước ngoài đổ về

Những năm gần đây, hoạt động M&A diễn ra hết sức sôi động. Các quyết định thâu tóm công ty nước ngoài của doanh nghiệp trong nước luôn được nhà đầu tư quan tâm, bởi đó là những thương vụ lạ, “thâu tóm ngược”, bởi chúng ta vốn quen với việc các đại gia ngoại thâu tóm doanh nghiệp nội.

Sau giai đoạn tập trung nhân lực và rót vốn đầu tư ban đầu, thương vụ đầu tư nước ngoài đã bắt đầu mang lại “trái ngọt” cho Vinamilk. Mới đây, Vinamilk quyết định thành lập mới Khối Kinh doanh quốc tế do ông Mai Hoài Anh giữ chức vụ Giám đốc điều hành. Điều này nhằm tăng cường chiến lược mở rộng đầu tư ra nước ngoài của công ty.

Theo đánh giá của FPT, Mỹ là thị trường xuất khẩu phần mềm lớn thứ hai. Trong năm 2017, thị trường này đã mang về cho FPT 50 triệu USD, tăng 17% so với năm 2016. Tại Mỹ, FPT đang cung cấp dịch vụ cho khoảng 200 khách hàng trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ, y tế, ngân hàng – tài chính, viễn thông, ô tô,…

“Nếu cộng cơ học kỳ vọng trong 12 tháng tới (tính từ tháng 7/2018, thời điểm mua Intellinet đến hết tháng 6/2019), doanh thu của FPT tại thị trường Mỹ có thể đạt mốc 100 triệu USD. Hiện chúng tôi chưa kỳ vọng tăng trưởng đột biến về lợi nhuận, tuy nhiên, sau thời gian 6-12 tháng có thể nâng biên lợi nhuận ròng của thị trường Mỹ lên mức 20%”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết.

Về chung nhà với Yeah1, ScaleLad kỳ vọng doanh thu tăng trưởng 20-25% từ năm 2019 trở đi, trong đó việc tái cơ cấu lại chi phí cùng hệ thống cộng hưởng với Yeah1 Network hỗ trợ ScaleLab hoà vốn trong năm 2019. Bước sang năm 2020, tỷ suất lợi nhuận ròng ScaleLad dự kiến đạt 10%.

Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng mở cửa, hàng loạt thương vụ mua lại doanh nghiệp trên đất Mỹ cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang ngày dần lớn mạnh, các tập đoàn lớn của Việt Nam hoàn toàn có tiềm lực để thực hiện các thương vụ M&A với đối tác nước ngoài.

Trong nước, Vinfast cũng đã mua lại hoạt động của GM Việt Nam. Hãng xe Việt sẽ nhận chuyển nhượng, tiếp quản toàn bộ nhà máy GM tại Hà Nội và triển khai những hoạt động đầu tư tăng năng lực để sản xuất dòng ôtô cỡ nhỏ mới được mua bản quyền từ GM.

VinFast cũng tiếp nhận hệ thống đại lý ủy quyền hiện tại của thương hiệu Chevrolet và trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu Chevrolet tại thị trường Việt Nam.

Với việc mua lại hoạt động của GM Việt Nam, hãng xe Mỹ sẽ trở thành đối tác công nghệ của VinFast. Cuối năm 2018, việc chuyển nhượng các hoạt động của GM Việt Nam, bao gồm nhà máy tại Hà Nội, mạng lưới đại lý ủy quyền và đội ngũ nhân sự đã hoàn tất.

Đánh giá về hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét, các doanh nghiệp Việt Nam đã vươn rộng hơn, xa hơn tới những thị trường mới. Sau gần 30 năm, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam ngày càng đa dạng, thể hiện rõ nét qua thị trường, ngành đầu tư, quy mô, hình thức đầu tư, các loại hình kinh tế và doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Nói về những kết quả đạt được, lãnh đạo FPT Trương Gia Bình tự hào: “Đây không chỉ là thương vụ đôi bên cùng thắng, mà tôi cho là có đến ba bên cùng thắng. Chúng ta có thể tự hào là người Việt, công ty Việt có thể thâu tóm công ty Mỹ ngay tại thị trường phát triển bậc nhất. Chúng tôi kỳ vọng rằng, các dự án của FPT sẽ có thay đổi về chất, tiếp tục đóng góp hơn nữa cho xuất khẩu phần mềm của Việt Nam đi thế giới”.

(theo Vietnamnet)

VinFast ra mắt mẫu xe máy điện thông minh

Ngày 3-11, tại Hải Phòng, VinFast đã tổ chức lễ khánh thành Nhà máy sản xuất xe máy điện thông minh và ra mắt dòng sản phẩm đầu tiên – VinFast Klara. Dự kiến sản phẩm được mở bán chính thức vào ngày 17-11.

Theo các chuyên gia, mẫu xe này được thiết kế dành riêng cho thị trường trong nước, không chỉ phù hợp thói quen sử dụng và thể trạng người Việt mà còn đáp ứng tốt các điều kiện đặc thù của giao thông đô thị cũng như khí hậu Việt Nam.

Một mẫu xe máy điện VinFast Klara vừa ra mắt. Ảnh: B.C.

Tích hợp nhiều tính năng thông minh

Tại buổi ra mắt, VinFast giới thiệu mẫu xe máy điện thông minh Klara với 2 phiên bản: phiên bản cao cấp sử dụng pin Lithium-ion và phiên bản sử dụng ắc quy Acid-chì, trong đó phiên bản cao cấp được tích hợp những tính năng thông minh, đột phá mang lại trải nghiệm đẳng cấp cho người dùng.

VinFast Klara có khả năng tăng tốc nhanh chóng với quãng đường di chuyển lên đến 80km trong một lần sạc.

Dòng sản phẩm đầu tiên – VinFast Klara. Ảnh: B.C.

Theo quan sát, sản phẩm này có khả năng chống ngập nước cao, di chuyển không gây tiếng ồn, không xả khí thải và tiết kiệm chi phí đáng kể cho người sử dụng so với xe xăng truyền thống.

Trong đó, dòng xe máy điện thông minh của đơn vị này được trang bị nhiều tính năng hiện đại như kết nối internet 3G, định vị GPS, khóa và mở khóa xe từ xa, đồng bộ thông tin quãng đường, thông số lái xe qua smartphone, tìm trạm sạc, trạm thuê pin, trạm dịch vụ, báo tình huống khẩn cấp qua các số điện thoại đặt trước…

Dây chuyền lắp ráp. Ảnh: B.C.

Sau Klara, từ nay đến đến năm 2019, đại diện VinFast cho biết sẽ ra mắt thêm 4 mẫu xe máy điện thông minh, phủ khắp các phân khúc từ trung cấp, cao cấp đến siêu cao cấp nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng có kế hoạch sớm ra mắt 3 mẫu xe điện dành riêng cho lứa tuổi học sinh tại Việt Nam”, đại diện đơn vị này thông tin thêm.

Tự động hóa tối đa

Cùng với việc ra mắt mẫu xe máy này, VinFast cũng chính thức đưa nhà máy xe máy điện đi vào hoạt động với 3 xưởng chính là xưởng hàn, xưởng sơn và xưởng lắp ráp.

“Trong tương lai, chúng tôi sẽ xây dựng thêm xưởng ép nhựa, làm khung, đóng gói pin, sản xuất mô tơ điện và linh kiện điện tử…”, đại diện đơn vị này cho biết.

Dây chuyền lắp ráp xe máy điện thông minh. Ảnh: B.C.

Theo đó, nhà máy này có tổng diện tích 6,4 hécta, công suất thiết kế giai đoạn 1 là 250.000 xe/năm, giai đoạn 2 là 500.000 xe/năm và có thể mở rộng tới 1 triệu xe/năm, nhằm mục tiêu trở thành cơ sở sản xuất xe máy điện hiện đại bậc nhất Đông Nam Á.

Flycam toàn cảnh nhà máy. Ảnh: B.C.

Quy trình chế tạo tại nhà máy được tự động hóa tối đa ở mọi khâu, đảm bảo mỗi sản phẩm đưa ra thị trường sẽ đều đạt và vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe nhất về chất lượng.

Cụ thể, toàn bộ công đoạn hàn và sơn sẽ được tự động hoá 95-100% bởi các rô bốt được nhập khẩu từ các hãng hàng đầu Châu Âu.

Quá trình lắp ráp, hoàn thiện xe được thực hiện trên dây chuyền hiện đại nhập khẩu từ Nhật Bản, kiểm soát chặt chẽ từng chi tiết nhỏ nhờ công nghệ 4.0 và điện toán đám mây.

Hệ thống thiết bị kiểm tra xe thành phẩm cũng được nhập khẩu từ châu Âu, kết nối dữ liệu sản xuất để quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm.

Dây chuyền sơn khung xe. Ảnh: B.C.

Hệ sinh thái toàn diện cho xe điện

Trong dịp này, VinFast cũng công bố hệ sinh thái toàn diện dành cho xe điện theo tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm: hệ thống trạm sạc và trạm thuê pin, hệ thống điện toán đám mây cùng ứng dụng mobile và hệ thống đại lý ủy quyền, góp phần hạn chế tiếng ồn và khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Hoạt động tại xưởng lắp ráp. Ảnh: B.C.

Theo ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, việc khánh thành nhà máy sản xuất xe máy điện thông minh VinFast, ra mắt mẫu xe Klara và hệ sinh thái toàn diện khẳng định cam kết đầu tư nghiêm túc của đơn vị này.

“Với tiêu chí bền bỉ – thông minh – sinh thái, xe máy điện VinFast đang đi đúng xu hướng thân thiện với môi trường của ngành công nghiệp xe 2 bánh thế giới, góp phần giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn và khí thải cho cộng đồng”, ông Quang khẳng định.

Câu chuyện Vinfast: Từ tốt đến vĩ đại…

“Vinfast” và “tự hào” là hai từ khóa nổi bật trên truyền thông nước nhà trong những ngày qua, nhân sự kiện ra mắt hai mẫu xe đầu tiên của nhà sản xuất ô tô thuộc Vingroup.

Một chiến dịch truyền thông bài bản ở mức tốt đã thu hút được sự chú ý của mọi tầng lớp công chúng, nhưng để trở thành “vĩ đại”, thương hiệu xe nội địa này cần phải chứng minh được sự đúng đắn trong chiến lược đầu tư của mình bằng độ dài danh sách đơn đặt hàng từ tháng quý 3 năm 2019.

Bước khởi đầu tưng bừng

Kỷ lục hơn một triệu người xem livestream về sự kiện là một con số mơ ước với nhiều thương hiệu trên thế giới, không chỉ riêng ở Việt Nam. Các thống kê về số lượng bài báo quốc tế và Việt Nam, lượt nhắc đến trong các cuộc thảo luận trên mạng xã hội về sự kiện ra mắt Vinfast chắc chắn đã xô đổ mọi kỷ lục “talking about” trước đó.

Việc chọn địa điểm ra mắt xe ở một triển lãm ngành danh tiếng như Paris Motor Show để làm điểm ánh xạ thông tin là một quyết định chiến lược tốt. Lượng thông tin bài vở từ nước ngoài truyền về và qua con mắt của nhà báo quốc tế sẽ tạo được sự chú ý đặc biệt và lòng tin của công chúng.

Vinfast đã có được một chiến dịch truyền thông bài bản ở mức tốt. Nhưng… Ảnh: VinFast.

Kế hoạch truyền thông cũng được triển khai tốt khi cân bằng được 3 kênh truyền thông chính: truyền thông tự có (website, fanpage, hệ sinh thái truyền thông tập đoàn, cán bộ nhân viên), truyền thông trả tiền (trong và ngoài nước, truyền hình trực tiếp trên các kênh lớn), truyền thông tự lan tỏa (người đến dự triển lãm, người quan tâm, người trong giới và cư dân mạng nói chung).

Có thể nhìn thấy một sự cân bằng giữa truyền thông chính thống (báo hình, báo tiếng, báo mạng, báo in) với truyền thông mạng xã hội (người có ảnh hưởng chuyên môn, người nổi tiếng, facebook, zalo,…).

Chọn danh thủ David Beckham và hoa hậu vừa lên ngôi Trần Tiểu Vy cũng cho thấy sự nhanh nhạy và nắm bắt tâm lý thị trường tốt của những người triển khai chiến dịch.

Sự hiện diện của các diễn viên múa với tre cũng thu hút được sự chú ý đặc biệt của cánh báo chí quốc tế. Chiến thuật dùng sự kiện (event) để tạo thảo luận, tạo danh tiếng và khởi đầu xây dựng hình ảnh và định vị thương hiệu cũng tỏ ra có hiệu quả trong giai đoạn thu hút sự chú ý của thương hiệu (mô hình AIDA truyền thống).

Bước khởi đầu tưng bừng của Vinfast.

Chất Việt trong thương hiệu Vinfast là gì?

Danh họa Picasso đã từng nói “good artists copy, great artists steal” – Nghệ sỹ giỏi thì sao chép, nghệ sỹ thiên tài thì đi thó. Ông này đã “thó” cách tả mặt người qua những khối lập phương theo kiểu mặt nạ châu Phi và sáng lập ra trường phái lập thể. Thiên tài Steve Jobs của Apple đã “thó” sự phù phiếm nhưng cuốn hút của thời trang, sự tiện lợi và di động mọi nơi mọi lúc của Sony Walkman và sự toàn năng của máy tính cá nhân để “nén” vào chiếc Iphone. Thành công không phải lúc nào cũng cần đến từ sự sáng tạo mà còn đến từ sự tỉ mẩn và nghiêm cẩn trong sao chép.

Trên thế giới, doanh nhân Lee Kun Hee của Samsung đã tham khảo mô hình của 12 tập đoàn lớn trên thế giới để học theo và đưa cái tinh túy vào áp dụng ở tập đoàn mình vào thời điểm ông tiếp quản từ cha. Hàn Quốc học cách làm phim và pop music từ Mỹ, sự nghiêm cẩn và khắc nghiệt của showbiz Nhật và sự bảo hộ sản phẩm văn hóa nội địa từ người Pháp để làm nên những siêu phẩm Kpop Kmovie như ngày nay. Ngay cả nền công nghiệp ô tô của các nước châu Á cũng không phải được sáng tạo từ hư vô. Picasso từng nói hãy copy, copy, copy mãi, đến bao giờ copy hỏng, thì bạn tạo ra cái gì đó của riêng mình.

Theo quan điểm xây dựng thương hiệu hiện đại, ngoài các yếu tố về chức năng cơ bản của sản phẩm (như ô tô là để đi, ô tô thì phải an toàn,…) thì thương hiệu là giá trị mang lại cho khách hàng, gần với hình ảnh của khách hàng mong muốn thể hiện với xã hội và gần với giá trị mà chính khách hàng tin tưởng vào. Do đó, các bộ phận của một sản phẩm đến từ đâu không còn giữ yếu tố quan trọng nữa.

Chất Mỹ trong điện thoại Iphone là thiết kế, là chất lượng của hệ điều hành, là dòng chữ designed in California chứ không nhất thiết là mặt kính, viền vỏ hay chất liệu phải do người Mỹ làm. Đi trên một chiếc cầu trên đất Việt Nam, người ta không đặt câu hỏi thép đến từ đâu hay xi măng đến từ nước nào, mà vẫn gọi đó là cây cầu của Việt Nam.

Chất Việt Nam đến từ nhà đầu tư, từ tầm nhìn, từ cam kết chất lượng mang lại và giá trị mang đến cho khách hàng.

Có thể nói Vinfast đã sáng suốt khi đưa ra một trong các thông điệp lần này là Tự hào Việt Nam. Đây là câu trả lời cho giấc mơ xe của người Việt. Ba mươi năm sau mở cửa, thế hệ doanh nhân Việt đời đầu đã có người dám chơi một ván cờ lớn như vậy trên thị trường quốc tế.

Con đường đến vĩ đại

Tuy nhiên, khoảng cách từ Tốt đến Vĩ đại là một thử thách mà thương hiệu non trẻ này phải đối mặt. Lòng tự hào, sự chia sẻ, đồng cảm của cộng đồng không đồng nghĩa với hành động rút hầu bao của người mua thực sự. Ngoài hình ảnh chiếc xe mẫu, người mua cần biết chất lượng vận hành, hệ thống bảo hành, bảo hiểm, sửa chữa, thay thế, thị trường phái sinh sẽ hoạt động như thế nào.

Ngoài ý nghĩa một phương tiện đi lại, chiếc ô tô còn là vật đánh dấu địa vị trong xã hội của chủ nhân chiếc xe, một phương tiện kiếm sống, một thương vụ đầu tư. Đây chính là những câu hỏi cần có câu trả lời qua truyền thông trong thời gian tới.

Chiến dịch truyền thông hiện tại đang khuyết đi một yếu tố quan trọng đó là một tagline định vị cho toàn bộ thương hiệu. Thông điệp dễ nhớ hiện nay đang là: Thương hiệu Việt, công nghệ Đức, thiết kế Ý, giá Nhật hay giá Việt thì còn là một ẩn số.

Sau màn ra mắt tưng bừng, câu chuyện thành công của Vinfast vẫn ở thì tương lai… Ảnh: Internet.

Câu hỏi lớn trong thời gian tới chính là làm thế nào để “thổi hồn” cho thương hiệu này.

Câu hỏi thứ hai chính là bài toán về định vị phân khúc. Vinfast sẽ bán xe bình dân với chất lượng vượt trội để đáp ứng nhu cầu của lớp trung lưu đang ngày càng đông đảo và giải bài toán về giá bán và thói quen của khách hàng. Hay Vinfast sẽ bán xe cao cấp dành cho tầng lớp trên và giải bài toán về đẳng cấp, hình ảnh thương hiệu và đối mặt với những người đang bán công nghệ cho chính mình?

Câu hỏi thứ ba là Vinfast sẽ vận hành tuyến tính như các nhà sản xuất hiện nay khi chạy theo quỹ đạo cổ điển là sản xuất – bán – sản xuất hay sẽ tạo ra một platformgiá trị để cùng thịnh vượng theo nguyên tắc của nền kinh tế chia sẻ, dựa trên hệ sinh thái của mình, cái mà các đối thủ không thể nào có được (?).

Hy vọng sẽ có một thương hiệu Việt đủ mạnh để cạnh tranh với các thương hiệu lớn của thế giới. Hy vọng thương hiệu mới này của Vingroup cũng sẽ tạo ra một cú hích mạnh cho thị trường ô tô xe máy và để làm ra một niềm tự hào mới thực sự cho Việt Nam.

Nguyễn Đình Thành

Cận cảnh tổ hợp sản xuất VinFast sau 1 năm khởi công

Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2018, nhiều hạng mục quan trọng của dự án đã đi vào hoạt động như nhà điều hành đi vào hoạt động từ tháng 6/2018, Khu nhà xưởng sản xuất xe máy điện đã sản xuất thử nghiệm từ tháng 8/2018.

Sau một năm kể từ khi khởi công vào tháng 9/2017, tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô, xe máy máy điện VinFast tại khu công nghiệp Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng) đã hoàn thành được khá nhiều hạng mục quan trọng.

Tổ hợp được xây dựng trên khu đất rộng 335ha, gồm có: Nhà điều hành, Khu nhà máy sản xuất xe máy điện, Khu nhà máy sản xuất ô tô, Khu công nghiệp phụ trợ, Trung tâm đào tạo, Viện Nghiên cứu và Phát triển (R&D).

Toàn cảnh tổ hợp VinFast với quy mô 335ha.

Cổng chính của tổ hợp VinFast.

Khuôn viên nhà máy có rất nhiều cây xanh.

Công suất thiết kế của tổ hợp là 250.000 xe năm giai đoạn 1 và 500.000 xe/năm giai đoạn 2 đối với ô tô. Với xe máy điện, công suất 250.000 xe/năm giai đoạn 1, tăng lên 500.000 xe trong giai đoạn 2 và có thể mở rộng 1 triệu xe/năm.

Các sản phẩm của VinFast bao gồm: Ô tô con 5 chỗ (Sedan), Ô tô thể thao việt dã (SUV), Ô tô con cỡ nhỏ, Ô tô điện, Xe máy điện và Xe buýt điện.

Theo kế hoạch, VinFast ​​sẽ ra mắt xe máy điện vào cuối năm 2018, 2 mẫu ô tô động cơ đốt trong (dòng Sedan 5 chỗ và SUV 7 chỗ) vào quý II/2019, 1 mẫu ô tô điện, 1 mẫu ô tô động cơ đốt trong cỡ nhỏ và xe buýt điện vào cuối năm 2019.

Khu nhà điều hành và trung tâm đào tạo.

Sảnh chính khu nhà điều hành.

Khu nhà xưởng sản xuất xe máy điện

Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2018, nhiều hạng mục quan trọng của dự án đã đi vào hoạt động như nhà điều hành đi vào hoạt động từ tháng 6/2018, Khu nhà xưởng sản xuất xe máy điện đã sản xuất thử nghiệm từ tháng 8/2018.

Xưởng Hàn

Được tư vấn thiết kế bởi công ty tư vấn hàng đầu thế giới đến từ Đức là Durr và thi công lắp đặt bởi tổng thầu WELCOM. Dây chuyền thiết kế với tiêu chuẩn châu Âu về môi trường lao động và mức độ an toàn của các trạm hàn khung.

100% công đoạn hàn khung xe máy điện được hàn bởi Robots ABB, không gia công thủ công. 95% thiết bị dây chuyền được nhập khẩu từ châu Âu bởi các hãng nổi tiếng thế giới như ABB, Frorious, ItalMeg.

Dây chuyền Hàn có tổng số 25 robots hàn tự động với công nghệ hàn CMT ít bắn téo, ít xỉ hàn đảm bảo độ ngấu chất lượng mối hàn.

Xưởng Sơn

Được tư vấn thiết kế bởi công ty tư vấn hàng đầu thế giới đến từ Đức là Durr và thi công lắp đặt bởi tổng thầu Combat. Dây chuyền thiết kế với tiêu chuẩn châu Âu về môi trường lao động và mức độ an toàn.

Bao gồm hai dây chuyền sơn nhựa và sơn khung xe máy điện, tự động hóa 95% theo công nghệ Đức tiết kiệm năng lượng, chất lượng châu Âu.

Đặc biệt xưởng sơn có hệ thống xử lí môi trường và chất thải tốt bậc nhất Châu Á hiện tại do sử dụng công nghệ xử lí khí thải và nước thải tiên tiến nhất hiện nay.

Khu vực xưởng sơn.

Xưởng Lắp ráp

Được tư vấn thiết kế bởi công ty tư vấn hàng đầu thế giới đến từ Đức là Durr và lắp đặt máy bởi tổng thầu Maruka. Dây chuyền thiết kế với tiêu chuẩn châu Âu về môi trường lao động và mức độ an toàn.

Toàn bộ dây chuyền được nhập khẩu từ Nhật Bản đảm bảo chất lượng cao nhất. Dây chuyền lắp ráp của VinFast có thể đánh giá là hiện đại bậc nhất khu vực với những công nghệ và thiết bị được cung cấp bởi các hãng châu Âu như ABB, Atlas copco…

Dây chuyền được kiểm soát chất lượng dựa vào các thiết bị kiểm soát lực siết hiện đại tự động hóa, nhằm ngăn ngừa khuyết tật trong quá trình sản xuất

Hệ thống thiết bị kiểm tra xe thành phẩm được nhập khẩu từ Italy với chất lượng cao và kết nối toàn bộ dữ liệu sản xuất, chất lượng công đoạn được quản lí trên máy chủ, giúp VinFast phân tích đánh giá ngăn ngừa sản phẩm lỗi ra ngoài thị trường

Khu nhà máy sản xuất ô tô

Các xưởng Thân vỏ, xưởng Sơn, xưởng Động Cơ, xưởng Lắp Ráp và xưởng Phụ Trợ đã được hoàn thành và đang trong quá trình lắp đặt máy, xưởng Dập sẽ được bàn giao trong tháng 10.

Xưởng Dập

  • Diện tích: 50.000 m2
  • Công suất dập: 16 chi tiết/phút

Với việc giám sát quy trình sản xuất theo công nghệ của công ty SCHULER (CHLB Đức), các dữ liệu về các thông số kỹ thuật của nhà máy Dập sẽ được thu thập trực tuyến (online) trong quá trình sản xuất từ các thiết bị lắp đặt trong dây chuyền.

Xưởng Hàn thân xe

  • Diện tích: 100.000 m2
  • Công suất: 38 xe/giờ

Xưởng hàn thân xe VinFast được thiết kế và cung ứng dây chuyền bởi các đối tác hàng đầu như FFT, EBZ, HIROTEC, được trang bị khoảng 1200 rô-bốt do ABB sản xuất. Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là nhà máy hàn thân xe vận hành hoàn toàn tự động, hiện đại nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Một số nhà xưởng có quy mô lên đến 10-20ha.

Xưởng Sơn

  • Diện tích: 25.000 m2
  • Công suất sản xuất: hơn 800 xe/ngày

Hệ thống quản lý không khí thông minh EcoSmart VEC của Dürr đến từ Cộng hòa Liên Bang Đức hoạt động hoàn toàn tự động, cung cấp năng lượng theo yêu cầu thông qua việc ghi nhận các thông số thực trong sản xuất. Công nghệ này giúp làm giảm đáng kể lượng khí và điện năng tiêu thụ khi sấy các xe mới sơn.

Xưởng Sản xuất động cơ

  • Diện tích: 50.000 m2

Xưởng được thiết kế và cung ứng dây chuyền bởi các đối tác hàng đầu như GROB, Thyssenkrupp, AVL, MAG, sử dụng công nghệ cơ khí chính xác mới nhất để gia công các đầu Động cơ, thân Động cơ và Trục khuỷu của động cơ. Ngoài ra, xưởng còn có dây chuyền kiểm tra chất lượng động cơ (Kiểm tra nóng và kiểm tra nguội) đảm bảo 100% sản phẩm được kiểm soát chất lượng từ đầu nguồn. Các máy gia công được trang bị công nghệ 4.0 với nhiều tính năng như: điều khiển thời gian thực trạng thái máy qua điện thoại thông minh, điều khiển từ xa ban đêm hoặc cuối tuần, phân tích lỗi máy thời gian thực, vv…

Xưởng Lắp ráp và hoàn thiện xe

  • Diện tích: 200.000 m2

Dây chuyền được thiết kế và cung cấp bởi nhà cung cấp hàng đầu đến từ cộng hòa Liên Bang Đức Eisenmann với mức độ tự động cao với các băng chuyền và xe tự hành được hoạt động liên động với nhau. Ngoài ra, các công đoạn lắp ráp được trang bị súng siết lực hiện đại của Atlas Copco được nối liên động với dây chuyền sản xuất đảm bảo lực siết của từng chi tiết lắp ráp được kiểm soát và có thể truy hồi tại mọi thời điểm. Dây chuyền linh động cho nhiều dòng sản phẩm với chất lượng gắn tiền trong quá trình sản xuất.

Xưởng Phụ Trợ

  • Diện tích: 20.000 m2

Xưởng sản xuất bao gồm sơn các chi tiết nhựa (cản trước, cản sau) với công nghệ sơn thân thiện môi trường được cung cấp bởi nhà cung cấp Durr đến từ cộng hòa Liên Bang Đức. Ngoài ra xưởng còn có khu vực lắp hoàn thiện lốp xe và có năng lực mở rộng cho đúc các chi tiết nhựa trong tương lai.

Khu công nghiệp phụ trợ

VinFast thành lập một khu khu công nghiệp phụ trợ, chiếm khoảng 30% diện tích khu tổ hợp để sản xuất linh kiện, phụ kiện ô tô, xe máy. Ngoài phần tự đầu tư 100%, VinFast đưa ra các hình thức kêu gọi nhà đầu tư vào khu “Công nghiệp phụ trợ” bao gồm:

  • Liên doanh với tỷ lệ góp vốn linh động, tùy theo khả năng và dự định của nhà đầu tư.
  • Nhà đầu tư cung cấp công nghệ, VinFast đầu tư cơ sở hạ tầng và máy móc, thiết bị sản xuất.
  • Nhà đầu tư có thể đầu tư 100% vốn, VinFast cung cấp mặt bằng nhà xưởng.

Trung tâm đào tạo

Trung tâm đào tạo VinFast khai giảng ngày 10/9/2018, với 200 học viên trong khóa đầu tiên. Chương trình gồm 2 ngành học chính là Cơ khí Công nghiệp và Cơ-điện tử. Các học viên được nhận tiền lương hàng tháng trong suốt thời gian 2,5 năm học với chương trình đào tạo “kép” – học lý thuyết đi đôi với thực hành với tỷ lệ 40-60%” theo tiêu chuẩn Đức. Các học viên khi ra trường sẽ nhận chứng chỉ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam cấp.

Khu vực thực hành tại trung tâm đào tạo.

Viện Nghiên cứu và Phát triển VinFast

Viện được thành lập với mục tiêu trở thành Viện Nghiên cứu và Phát triển tầm cỡ khu vực, quy tụ được các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành ô tô trên thế giới và trong nước, đảm nhiệm việc nghiên cứu và chọn lựa các giải pháp công nghệ cho dòng xe của VinFast.

Trong tương lai, Viện cũng hy vọng góp phần xây dựng và nâng cao nền tảng công nghệ cho ngành công nghiệp ô tô trong nước thông qua việc đào tạo các kỹ sư người Việt thiết kế ô tô theo tiêu chuẩn Châu Âu, đồng thời phối kết hợp với các trường đại học lớn trong nước thực hiện đào tạo theo các chương trình phù hợp với yêu cầu thực tế của ngành ô tô.

VINFAST sản xuất ô tô điện và ô tô cỡ nhỏ

Ngày 8/3/2018, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VINFAST – một thành viên của Tập đoàn Vingroup công bố 36 mẫu thiết kế dòng xe điện và xe động cơ đốt trong cỡ nhỏ tiêu chuẩn quốc tế.

VINFAST sản xuất ô tô điện và ô tô cỡ nhỏ

Đây là lần đầu tiên, một doanh nghiệp Việt tham gia sản xuất xe điện, đánh dấu bước đột phá cho sự phát triển và hội nhập của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và góp phần mang cơ hội sở hữu xe hơi đến đại chúng.

Xe điện và xe cỡ nhỏ VINFAST sẽ ra mắt thị trường vào cuối năm 2019, nhanh hơn dự kiến gần 1 năm, khẳng định mục tiêu trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á của VINFAST, với các sản phẩm toàn diện ở dòng xe động cơ đốt trong (phân khúc Sedan, SUV, hatchback) và xe điện.

vinfast-1-doanhnhansaigon-4788-152049511

Đối với xe điện, VINFAST quyết định đầu tư mạnh mẽ nhằm tạo sự đột phá trên bản đồ ô tô Việt Nam và toàn cầu. Dây chuyền sản xuất sẽ được ứng dụng công nghệ hàng đầu thế giới tính đến thời điểm hiện nay nhằm cho ra đời những chiếc xe chạy bằng điện thân thiện với môi trường, phù hợp với sự phát triển và xu hướng mới nhất của ngành ô tô trên thế giới.

Bên cạnh đó, dòng xe cỡ nhỏ được phát triển với mục tiêu đưa cơ hội sở hữu xe ô tô chất lượng quốc tế với mức giá phù hợp đến đông đảo khách hàng.

“Xe điện là chiếc xe của tương lai. Với sứ mệnh tiên phong và mong muốn tạo sự đột phá trên thị trường xe hơi, chúng tôi quyết định sản xuất xe điện ngay thời điểm này. Bên cạnh đó, VINFAST cũng sẽ sản xuất xe cỡ nhỏ, bên cạnh 2 mẫu Sedan và SUV để phục vụ nhu cầu trong nước hiện tại”, ông Nguyễn Việt Quang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup chia sẻ.

vinfast-2-doanhnhansaigon-8991-152049511

Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chiếc xe mang bản sắc Việt Nam vươn tầm quốc tế, VINFAST tiếp tục kêu gọi sự chung tay của cộng đồng trong việc đóng góp ý kiến cho những mẫu phác thảo thiết kế xe. Trong thời gian từ 14h ngày 8/3 đến hết ngày 18/3/2018, người tiêu dùng có thể tham gia chương trình “Chọn xế yêu cùng VINFAST – 2” để bình chọn 2 thiết kế xe điện và xe cỡ nhỏ yêu thích nhất tại website

36 bản thiết kế phác thảo, bao gồm 17 mẫu xe điện và 19 mẫu xe cỡ nhỏ được sáng tạo bởi những studio danh tiếng như Ital Design, One One Lab, Pininfarina, Torino Design – nơi khởi nguồn sáng tạo của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Điểm chung của những mẫu thiết kế xe VINFAST mới đưa ra đợt này là phong cách “Trẻ trung – Hiện đại – Sang trọng – Hướng tới tương lai”.

Với các mẫu thiết kế xe điện, nhà thiết kế Italdesign đưa tới những mẫu thiết đơn giản, tinh tế, gọn gàng; trong khi đó các mẫu của Pininfarina lại có đường nét góc cạnh nhưng không kém phần hài hòa, uyển chuyển. Nhà thiết kế One One Lab mang đến những bản phác thảo cá tính, năng động và hầm hố trong lần đầu tiên làm việc với VINFAST.

vinfast-3-doanhnhansaigon-9897-152049511

Đối với xe cỡ nhỏ, Italdesign tiếp tục nhấn mạnh phong cách thể thao với các đường nét dứt khoát; Torino Design với thiết kế sắc sảo, mạnh mẽ; trong khi đó, Pininfaria gây ấn tượng khi kết hợp hài hòa yếu tố năng động với những đường nét dập nổi khỏe khoắn, trong đó có những mẫu được lấy cảm hứng từ mắt xếch Á Đông hay cánh chim lạc.

Mỗi mẫu đều được thể hiện từ các góc khác nhau về kiểu dáng và các bộ phận của xe để từ đó người tiêu dùng có thể đưa ra lựa chọn phù hợp. Ngoài việc được thể hiện ý kiến về mẫu xe yêu thích nhất, khách tham gia bình chọn còn có cơ hội nhận các giải hấp dẫn. Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi lên tới 800 triệu đồng, trong đó, giải nhất cuộc thi có trị giá lên đến 200 triệu đồng dành cho người có bình chọn xuất sắc nhất ở 2 hạng mục xe điện và xe cỡ nhỏ. Ngoài ra, VINFAST cũng sẽ tổ chức nhiều minigame thú vị trên Fanpage để khách hàng có thể trực tiếp tham gia chia sẻ cũng như góp ý về các mẫu xe.

Với phương châm tạo ra dòng xe những chiếc xe với đặc điểm “Bản sắc Việt – Thiết kế Ý – Kỹ thuật Đức – Tiêu chuẩn quốc tế”, VINFAST đang dồn toàn bộ nguồn lực, hợp tác với các tên tuổi hàng đầu thế giới như Bosch, Siemens, Magna Steyr, BMW, AVL…, cũng như khẩn trương hoàn thiện nhà máy tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng) để phát triển ra những chiếc xe an toàn, sang trọng, hiện đại, đẳng cấp thế giới, sẽ ra mắt thị trường vào tháng 9/2019.

Giải thưởng

1 giải Nhất: 1 voucher trị giá 200 triệu đồng để mua sản phẩm của VINFAST dành cho người:

(i) Bình chọn đúng cả hai mẫu xe điện và xe cỡ nhỏ có tỷ lệ bình chọn cao nhất.

(ii) Dự đoán đúng tỷ lệ bình chọn thực tế cho 2 mẫu xe.

2 Giải Nhì: mỗi giải là 1 voucher 50 triệu đồng để mua sản phẩm của VINFAST, dành cho:

01 Người tham gia chương trình có bình chọn mẫu xe điện và 01 Người tham gia chương trình có bình chọn mẫu xe cỡ nhỏ được nhiều người bình chọn nhất và có dự đoán % số người bình chọn giống mình đúng hoặc gần nhất nhưng không đạt giải Nhất

30 Giải Ba: mỗi giải 1 voucher khách sạn Vinpearl, 3 ngày 2 đêm, dành cho:

15 người tham gia chương trình có bình chọn mẫu xe điện và 15 người chơi có bình chọn mẫu xe cỡ nhỏ được nhiều người bình chọn nhất và có dự đoán % số người bình chọn giống mình đúng hoặc gần nhất nhưng không trúng Giải Nhì.

100 giải Khuyến Khích: mỗi người 1 Thẻ VinID Giftcard 2 triệu đồng, dành cho:

Tất cả người tham gia chương trình hợp lệ (không trúng giải nhất, giải nhì và giải ba) sẽ có cơ hội trúng giải khuyến khích thông qua lựa chọn ngẫu nhiên trên trang web:

Ngoài ra, khách hàng có cơ hội giành được 50 thẻ VinID Giftcard trị giá 1 triệu đồng khi tham gia minigame trên mạng xã hội, fanpage VINFAST trong quá trình tổ chức chương trình.

Thông tin về 4 studio thiết kế

• Italdesign: Studio thiết kế có trụ sở tại Turin, Italia; được thành lập bởi nhà thiết kế huyền thoại Giorgetto Giugiaro vào năm 1968 (2018 cũng là năm kỷ niệm 50 năm thành lập của Italdesign). Italdesign được biết đến với các mẫu thiết kế kinh điển như BMW Nazca C2; Lamborghini Cala; Volkswagen W12 Roadster; Alfa Romeo Brera; Maserati MC12

• One One Lab: Studio trẻ có trụ sở tại Lodz, Ba Lan. One One Lab hướng tới phong cách trẻ trung, hiện đại; đề cao yếu tố con người và sự khác lạ.

• Pininfarina: Studio thiết kế có trụ sở tại Cambiano, Italia; được thành lập từ năm 1930 bởi nhà thiết kế Battista Pininfarina. Pininfarina nổi tiếng là studio thiết kế ra phần lớn các mẫu xe Ferrari; nổi bật trong số đó là Ferrari Dino, Ferrari Daytona, Ferrari F40, Ferrari Enzo, Ferrari Testarossa, Ferrari 458 Italia, Ferrari FF, Ferrari F12 Berlinetta. Pininfarina cũng là cha đẻ của Maserati Quattroporte, Maserati GranTurismo, BMW Gran Lusso Coupe.

• Torino Design: Studio tới từ Turin, Italia; được thành lập vào năm 2006 bởi nhà thiết kế Roberto Piatti. Torino Design đã hợp tác với nhiều hãng xe lớn như BMW, Ferrari, McLaren, Piaggio.