Mạng xã hội lớn nhất thế giới đứng trước nguy cơ bị người dùng quay lưng.
Theo tài liệu của Trung tâm nghiên cứu Pew, khảo sát khoảng 4.500 người Mỹ trưởng thành, phần lớn họ đều có xu hướng rời bỏ Facebook. Cụ thể, có khoảng 54% người dùng thay đổi quyền riêng tư, 42% người sử dụng dừng kiểm tra Newsfeed trong nhiều tuần.
Đặc biệt, 26% người dùng đã xóa ứng dụng khỏi smartphone, điều này có nghĩa cứ 4 người thì có 1 người cai nghiện thành công mạng xã hội này.
Trong năm nay, Facebook hứng chịu nhiều mũi dùi dư luận vì để lộ thông tin người dùng. Cambridge Analytica, công ty dữ liệu chính trị được thuê trong chiến dịch bầu cử Tổng thống Trump năm 2016, đã thu thập dữ liệu cá nhân của hơn 50 triệu người dùng Facebook.
Ngày 11/4, Mark Zuckerberg đứng trước Nghị viện Mỹ điều trần về sự cố trên. Ông thừa nhận trách nhiệm thuộc về công ty. Cách vận hành và quản lý Facebook hoàn toàn sai lầm.
Chỉ trong hai ngày 19 và 20/3, cổ phiếu Facebook lao dốc khiến công ty này mất 60 tỷ USD.
Chưa hết, cổ phiếu công ty này tiếp tục mất hơn 4,4% trong phiên giao dịch ngày 20/3 sau khi có thông tin Ủy ban Giao dịch Liên bang Mỹ đang điều tra sự việc, và Giám đốc Bảo mật Alex Stamos của Facebook sắp nghỉ việc.
Vào thứ tư tuần này (5/9), tới lượt Sheryl Sandberg giải trình tại Thượng viện Mỹ về vấn đề chính phủ nước ngoài sử dụng mạng xã hội cho mục đích tuyên truyền chính trị.
Mặc dù sự cố rò rỉ thông tin dần lắng xuống, phong trào xóa bỏ Facebook rộ lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, vấn đề bảo mật thông tin cá nhân vốn đã quá phức tạp.
Theo Guardian, xóa Facebook không thay đổi việc thông tin của người dùng bị mua bán và sử dụng. Các công ty theo dõi và tạo hồ sơ về bạn bằng nhiều nguồn khác nhau.
“Dù xóa Facebook, bạn vẫn sẽ bị theo dõi trực tuyến. Về cơ bản, điện thoại di động là một thiết bị theo dõi”, Frederike Kaltheuner của Privacy International chia sẻ.