Monthly Archives: November 2015

Xây dựng quan hệ là bí quyết thành công

Năm 2005, Leoth Ferrazzi – nhà sáng lập và là CEO của công ty tư vấn tiếp thị bán hàng Ferrazzi Greenlight – cho ra đời cuốn sách “Đừng bao giờ đi ăn một mình”. Tác phẩm này nhanh chóng trở thành hiện tượng best seller và được tái bản 5 lần tại Việt Nam. Với tựa đề đậm chất “ẩm thực” nhưng thật ra thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc chính là tầm quan trọng của việc xây dựng tốt các mối quan hệ xung quanh mình. Tại sao chúng ta nên “never eat alone” – “đừng bao giờ đi ăn một mình”? Bởi vì bữa ăn nói riêng và những lúc gặp gỡ nói chung chính là cơ hội tốt để xây dựng, duy trì và phát triển các mối quan hệ (MQH) hữu dụng cho cuộc sống lẫn tương lai nghề nghiệp của mỗi người.

Xã hội hiện nay là “thời đại nối kết”

Thử tưởng tượng ra một cuộc sống không có các MQH. Danh bạ bạn bè trong điện thoại của chúng ta chỉ vỏn vẹn vài chục người, nhưng cũng không mấy khi liên lạc. Thật sự, đây sẽ là thất bại lớn nhất của chúng ta. Bởi lẽ, mọi người trong xã hội vốn dĩ được kết nối với nhau để có thể cùng chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống, từ kiến thức, kinh nghiệm đến ước mơ và hoài bão… Rất nhiều người trên thế giới đã thành công, có một công việc ổn định và lương cao không phải nhờ sự thông minh vượt bậc mà là nhờ vào mạng lưới kết nối bạn bè của anh ta. Anh ta có những MQH đáng tin cậy – những người sẵn sàng giúp đỡ anh ta khi cần và ngược lại, luôn được anh ta giúp đỡ khi có cơ hội.

 

Các MQH luôn luôn cần thiết

Có thể bạn đang có một việc làm ổn định, và đôi khi bạn nghĩ rằng các MQH hiện tại cũng không giúp ích gì nhiều cho mình. Đây là một sai lầm nghiêm trọng. Tình hình việc làm của người lao động hiện nay đang rất bấp bênh. Làm thế nào có thể chắc chắn rằng chúng ta sẽ mãi mãi gắn bó với công ty hiện tại? Lúc gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm mới, những MQH này sẽ phát huy tác dụng ngay tức khắc. Mạng lưới khổng lồ gồm những người chung ngành và thậm chí trái ngành quen biết nhau sẽ đưa đến cho bạn nhiều cơ hội và thử thách việc làm mới. Chính vì vậy, đừng bao giờ lơ là và lười biếng trong việc duy trì gắn kết với bạn bè và đối tác. Đừng ngại lưu một số điện thoại mới, đừng ngại mời họ đi ăn một vài bữa hay ngồi cà phê cùng họ trong một vài buổi chiều cuối tuần đẹp trời. Sẽ đến lúc bạn thấy rằng mình đã không đầu tư vô ích cho một MQH cần thiết.

 

Làm thế nào để gìn giữ, xây dựng và phát triển các MQH?

Biết được tầm quan trọng của các MQH là một việc, nhưng việc tạo dựng, giữ gìn và phát triển chúng cũng không dễ dàng gì. Trước tiên hãy xác định thật rõ rằng, muốn xây dựng một MQH lâu dài và bền vững, chúng ta phải cho nhiều hơn nhận, cho trước khi nhận. Bản chất con người vốn ích kỉ, chúng ta chỉ làm những gì có lợi cho bản thân đầu tiên và nhanh chóng nản lòng khi chưa thấy được hiệu quả khả quan. Nếu bạn thích một nhân vật nào đấy và muốn kết nối với họ, hãy chi ra một khoản tiền để mời họ cà phê hay một chầu ăn trưa… Đừng tiếc những khoản đầu tư xứng đáng cho một mối quan hệ lâu dài.

Nâng cấp những MQH của chúng ta lên trên mức xã giao và tiến tới MQH bạn bè thân thiết là rất quan trọng. Sự kết nối không phải là một công cuộc mua bán sòng phẳng có vay có trả mà là tình bạn chân thành, tin tưởng và giúp đỡ nhau. Hãy biến những buổi trò chuyện hời hợt thành những khoản thời gian trao đổi kinh nghiệm, tiếp thu kiến thức và chia sẻ ước mơ cùng nhau. Nên dựa vào sự đồng cảm chân thành để đắp xây tình bạn.

Quả thật, cho dù nhất thời chúng ta chưa cần đến những mục đích to lớn thì các MQH đa dạng cũng sẽ giúp cho đời sống tinh thần của mỗi người trở nên giàu có hơn và sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn.

“Thành công không phụ thuộc vào công nghệ tiên tiến hay vốn tư bản dồi dào, thành công phụ thuộc vào mối quan hệ của bạn và thực chất những mối quan hệ đó”.

Vingroup sắp đưa thương hiệu bán lẻ lớn của Anh vào Việt Nam

Vingroup sẽ đưa các sản phầm thời trang cao cấp của hãng Debenhams vào chuỗi cửa hàng Fashion Megastore.

Trang tin Retail Gazette (Anh) cho biết thương hiệu bán lẻ nổi tiếng của nước này là Debenhams sẽ thâm nhập vào thị trường Việt Nam và Australia vào năm 2016.

Theo thông cáo báo chí từ Debenhams, tại Việt Nam, tập đoàn sẽ hợp tác với Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại & Dịch vụ VinDS, một công ty thành viên của tập đoàn Vingroup.

Theo đó, Vingroup sẽ phân phối các sản phẩm thời trang nam nữ của thương hiệu này tại chuỗi cửa hàng Fashion Megastore từ đầu năm 2016.

Ông Michael Sharp, Giám đốc Điều hành Debenhams, cho biết đây là lần đầu tiên thương hiệu này xuất hiện tại Việt Nam.

Retail Gazette cho biết Vingroup sẽ nâng số lượng chuỗi cửa hàng này lên con số 15 vào cuối năm nay. Còn theo ông Munish Rishi, CEO VinDS, công ty đang có kế hoạch mở 30 cửa hàng Fashion Megastore trong vòng 3 năm nữa.

Được biết, Vingroup đã ra mắt hệ thống chuỗi cửa hàng bán lẻ chuyên biệt từ giữa năm 2015. Các cửa hàng này có 4 thương hiệu khác nhau là Beautyzone, Sportworld, Shoecenter và Fashion Megastore. Cửa hàng đầu tiên đã được khai trương vào tháng 7 tại Vincom Cần Thơ. Công ty dự kiến mở 74 cửa hàng trong một năm đầu và lên kế hoạch mở 300 cửa hàng trên toàn quốc trong vòng 3 năm.

Chuỗi Debenhams hiện có 248 cửa hàng tại 28 nước khác nhau. Các hoạt động tại nước ngoài chiếm khoảng 30% tổng doanh số của công ty này thông qua việc nhượng quyền thương hiệu, doanh thu từ mua sắm online quốc tế và phân phối sản phẩm thuộc các nhãn hiệu của Debenhams.

Saigon Co.op đón rể ngoại

Saigon Co.op đã liên tục chủ động tận dụng ngoại lực để thúc đẩy phát triển thị trường trong nước.

Mong muốn của Saigon Co.op là biến nước tương Nam Dương trở thành nhãn hàng cạnh tranh với Chinsu của Masan. Để biến giấc mơ này thành sự thật, Saigon Co.op đã cất công tìm kiếm một “chàng rể” để cùng tham gia đầu tư phát triển thương hiệu nước chấm lâu đời này. Sau gần 2 năm tìm hiểu, nhà bán lẻ hàng đầu của Việt Nam đã chọn Wilmar International Limited (Singapore) để “gả” Nam Dương cho. Cụ thể, Wilmar đã mua lại 51% cổ phần của liên doanh Nam Dương. Còn Saigon Co.op nắm 49%.

Bệ phóng mới cho mèo đen

Thương hiệu nước chấm Nam Dương có tiền thân là xưởng nước tương Mèo Ðen, ra đời từ năm 1951. Đến năm 1981, doanh nghiệp này được chuyển về cho Saigon Co.op quản lý. Nam Dương là một trong số ít thương hiệu nội có bề dày lịch sử và từng trải qua thời kỳ huy hoàng. Sản phẩm của Nam Dương hiện được xuất khẩu sang Mỹ, Canada và châu Âu.

Sau khi về với Saigon Co.op, Nam Dương có một lợi thế lớn là dựa vào kênh phân phối sẵn có của tập đoàn bán lẻ này để phát triển. Dù đây là một điểm tựa khá vững chắc, nhưng trong bối cảnh thị trường nước chấm cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc mất thị phần là khó tránh khỏi. Doanh thu Nam Dương vẫn tăng trưởng qua từng năm, nhưng thị phần thì dần nhỏ lại.

Sở hữu một thương hiệu có truyền thống nhưng lại không phải ngành kinh doanh chính, việc Saigon Co.op chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho Nam Dương cũng là dễ hiểu. Ðó là một phần lý do vì sao nhà bán lẻ này quyết tìm bệ phóng mới cho thương hiệu này. Dù vậy, việc hợp tác với một đối tác ngoại vẫn là lựa chọn cuối cùng. “Nếu muốn giữ lại thương hiệu cho mình thì mình phải có khả năng phát triển nó. Còn nếu không, phải có giải pháp khác”, ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op kiêm Trưởng nhóm dự án liên doanh, chia sẻ.

Thành lập liên doanh Nam Dương với Wilmar, Saigon Co.op cũng chuyển thương hiệu Nam Dương cho liên doanh mới này sử dụng. Công ty liên doanh cũng sẽ tiếp quản toàn bộ tài sản của nhà máy Nam Dương cũ.

Hiện là một nhà bán lẻ lớn của Việt Nam, nhưng rõ ràng Saigon Co.op vẫn liên tục tìm kiếm những con đường mở rộng doanh thu mới. Và nếu không có thế mạnh sẵn có, doanh nghiệp này sẵn sàng liên kết để tiếp cận nhanh nhất các nguồn lực mới.

Thực tế, trước thương vụ với Wilmar, Saigon Co.op đã liên tục chủ động tận dụng ngoại lực để thúc đẩy phát triển thị trường trong nước. Tiêu biểu là 2 thương vụ gần đây, gồm việc hợp tác với NTUC FairPrice trong mô hình đại siêu thị và liên kết với Mapletree trong dự án Trung tâm thương mại SC Vivo City. Một điều thú vị là tất cả những đối tác ngoại vừa qua của Saigon Co.op đều đến từ Singapore, quốc đảo phát triển nhất khu vực Đông Nam Á.

Tham vọng của Nam Dương

Đón chào Wilmar, Saigon Co.op như kiếm được chàng trai khỏe mạnh về ở rể. Và hiển nhiên, tham vọng mà cả 2 cùng đặt ra là rất lớn. “Chúng tôi đặt niềm tin liên doanh này sẽ dẫn đầu thị trường nước chấm, gia vị trong thời gian tới”, ông Thái Kim Sơn, Giám đốc Kinh doanh phụ trách khu vực phía Nam của Wilmar, nói.

Để thực hiện mục tiêu tham vọng này, Nam Dương dự kiến sẽ xây dựng một nhà máy mới chuyên sản xuất các loại nước chấm và gia vị, với quy mô vốn hơn 577 tỉ đồng tại Khu Công nghiệp Hiệp Phước, Nhà Bè, TP.HCM. Nhà máy mới dự kiến hoạt động từ cuối năm sau. Dù vậy, liên doanh này cũng mới chỉ úp mở về sản phẩm và công suất cụ thể của nhà máy mới, do còn phụ thuộc vào khảo sát nhu cầu thị trường trong thời gian tới.

Trong khi Nam Dương đang ngắm nhìn đại dương với một màu xanh đầy hy vọng, thì thị trường nước chấm và gia vị tại Việt Nam lại mang sắc đỏ với phần lớn thị phần được chiếm hữu bởi một số ít công ty.

Đối với mảng nước chấm, nắm giữ phần lớn thị phần hiện nay vẫn là thương hiệu Chinsu của Masan. Theo báo cáo của Euromonitor năm 2014, Masan nắm giữ gần 50% thị trường nước chấm tại Việt Nam. Còn ở thị trường gia vị, nhóm các công ty như Ajinomoto, Miwon và VinaAcecook hiện chiếm khoảng 28% thị phần. Miếng bánh còn lại tập trung vào số ít công ty như Masan (43%) hay Cholimex Food (30%). Chắc chắn, tham vọng của những ông lớn như Masan sẽ không dừng lại.

Chưa rõ Nam Dương sắp tới sẽ tung ra chiêu gì để “dẫn đầu thị trường”, nhưng tiềm lực của liên doanh mới này thì lại khá rõ ràng. Ở ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, ngoài sản phẩm tốt, điều quan trọng là doanh nghiệp phải sở hữu hệ thống phân phối hiệu quả và có sức quảng cáo mạnh tay.

Về mặt phân phối, cả Saigon Co.op và Wilmar đều có sẵn những hệ thống bán hàng rộng khắp. Saigon Co.op sẽ trở thành bàn đạp của Nam Dương tại thị trường nội địa, nhờ sở hữu hệ thống bán lẻ khổng lồ tại Việt Nam. Sản phẩm của Nam Dương sẽ đến tay khách hàng thông qua chuỗi siêu thị Co.op Mart, cửa hàng thực phẩm an toàn tiện lợi Co.op Food, đại siêu thị Co.opXtra, chuỗi cửa hàng Bến Thành, kênh bán hàng qua truyền hình HTV Co.op, Trung tâm thương mại Sense City và khu phức hợp SC Vivo City. Năm 2015, Saigon Co.op xếp thứ 170/200 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương, theo Tạp chí Bán lẻ châu Á và Euromonitor.

Trong khi đó, Wilmar hiện sở hữu các chi nhánh ở 50 quốc gia khác nhau. Vì thế, sản phẩm Nam Dương được kỳ vọng sẽ xuất khẩu nhiều hơn cả trước đây. Theo ông Hồng, Saigon Co.op, tỉ trọng xuất khẩu của Nam Dương hiện là 40%.

Mặt khác, Wilmar là doanh nghiệp có truyền thống lâu đời trong lĩnh vực nông nghiệp tại thị trường Đông Nam Á, Trung Quốc. Gần đây, tập đoàn này còn mở rộng hoạt động sang châu Phi. Tại Việt Nam, Wilmar nắm giữ 76% cổ phần của Công ty Dầu ăn Cái Lân và sở hữu những thương hiệu dầu ăn nổi tiếng như Neptune, Simply hay Meizan. Vì thế, thương hiệu Nam Dương chắc chắn cũng sẽ được đầu tư quảng cáo không kém gì những cái tên nổi tiếng trên.

Có thể nói, Saigon Co.op khá nhanh nhạy khi tìm kiếm nguồn lực ngoại. Tuy nhiên, đã có không ít trường hợp liên doanh nhưng không đạt hiệu quả, thậm chí doanh nghiệp bản địa còn có nguy cơ đánh mất thương hiệu. Wilmar vốn cũng là một công ty chuyên đi thâu tóm và sáp nhập doanh nghiệp trên khắp thế giới, đặc biệt là ở châu Á. Về vấn đề này, ông Hồng cho biết liên doanh đã xác định nguyên tắc 2 bên phải cùng đồng hành ngay từ đầu. “Nếu chúng tôi không có ý định giữ thì đã bán giống như các nơi khác rồi”, ông khẳng định.

>>Xem thêm các việc làm ngành FMCG đang open

Đại gia bia ngoại đua giành thị phần tại Việt Nam

Sapporo mua lại vốn góp, AB InBev xây nhà máy mới, Thai Beverage săn cổ phần Sabeco…các hãng bia ngoại đang tăng tốc trong cuộc đua giành thị phần tại Việt Nam.

Sự kiện đối tác Nhật Sapporo trong liên doanh Công ty TNHH Sapporo Việt Nam (SVL) mới đây mua hết 29% vốn góp của phía đối tác Việt Nam với trị giá 8,28 triệu USD cho thấy thị trường bia trong nước đang dần được thay đổi cục diện với sự tấn công quyết liệt của các “đại gia” nước ngoài.

Trao đổi với VnExpress, ông Mikio Masawaki, tân Tổng giám đốc Sapporo Việt Nam cho biết, trước đây khi còn liên doanh, mọi quyết định đưa ra phải thông qua nhiều đối tác nên mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, sau khi nắm 100% vốn, trở ngại này đã được giải quyết.

“Chúng tôi sẽ thâm nhập mạnh mẽ hơn ở thị trường Việt Nam. Trước đây, mỗi năm công ty chỉ cung ứng ra thị trường 20 triệu lít bia thì thời gian tới con số này sẽ nâng lên gấp đôi. Đến 2019, hãng sẽ tiến tới mốc 120 -150 triệu lít một năm, đặc biệt từ tháng 11 này chúng tôi sẽ thay đổi bao bì với 2 dòng sản phẩm bia lon và chai loại 330ml từ tông màu vàng sang bạc”, ông Mikio Masawaki nói.

Dai gia bia ngoai dua gianh thi phan tai Viet Nam

Đại gia ngoại không ngại chi tiền đầu tư tại thị trường bia Việt. Ảnh: Thi Hà.

Tân Tổng giám đốc này cũng tiết lộ, sản phẩm bia của đơn vị đang được bán tại khoảng 4.000 nhà hàng, câu lạc bộ bia, cửa hiệu tại Việt Nam, chiếm 10% thị phần. Hãng cũng kỳ vọng tăng con số này lên khoảng 7.000 nhà hàng vào tháng 2 năm sau.

Ngoài ra, bên cạnh việc đổ một lượng tiền lớn để chiếm lĩnh phân khúc cao cấp, mới đây lãnh đạo hãng này cũng cho biết đang nghiên cứu và tìm cơ hội để tiếp cận các phân khúc khác, đặc biệt là dòng bình dân – thị phần mà Sabeco và Habeco đang nắm giữ. Hiện, Sapporo Việt Nam là nhà máy duy nhất của hãng ở khu vực đã xuất khẩu bia sang các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc, Australia…

Việc mở nhà máy tại Việt Nam là chiến lược không thể thiếu của các hãng bia lớn. Vào giữa năm nay, Tập đoàn Anheuser – Busch InBev (AB InBev) đã đưa vào vận hành Nhà máy bia AB InBev với vốn đầu tư trên 30 triệu USD tại Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore II ở tỉnh Bình Dương. Nhà máy có quy mô diện tích 100.000 m2 với công suất 50 triệu lít bia một năm trong giai đoạn một và dự kiến sẽ đạt mức 100 triệu lít trong giai đoạn tiếp theo. Hãng này đặt mục tiêu sẽ chiếm ít nhất 10 – 15% thị phần trong 3 năm đầu tại Việt Nam, và tiết lộ không loại trừ đẩy mạnh hoạt động M&A.

Tại Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), khi Bộ Công Thương lên tiếng quyết tâm đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp, ngay lập tức hàng loạt các hãng bia như Sab Miller, Kirin Brewery, Asahi Breweries, Asia Pacific Breweries… bày tỏ muốn trở thành đối tác chiến lược, trong đó Công ty Thai Beverage – đơn vị đã lên tiếng muốn mua 53% vốn trong Sabeco với số tiền lên đến hàng tỷ đôla Mỹ được chú ý nhất. Tương tự, một doanh nghiệp khác của Thái Lan là tập đoàn Singha, cho biết cũng rất mong mỏi làm đối tác của Sabeco.

Trước sự sốt sắng nắm giữ cổ phần hãng bia đang chiếm 46% thị phần tại Việt Nam, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, cần có một cơ chế chặt chẽ để đẩy nhanh việc cổ phần hóa tại các doanh nghiệp này sao cho minh bạch và đúng tiến độ. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, ông cũng cho rằng, Sabeco là một doanh nghiệp có tầm cỡ nên khi xét đối tác chiến lược cần phân tích kỹ quyền lợi và chiến lược phát triển. Bởi lẽ, để đánh chiếm nhanh và hiệu quả, đa phần các hãng trên thế giới luôn dùng chiêu lấy dần thị phần doanh nghiệp nội thông qua việc “kết duyên”.

Chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia – rượu – nước giải khát Việt Nam nhìn nhận, 10 tháng đầu năm tăng trưởng của thị trường bia dù thấp hơn 5 năm trước nhưng vẫn vào khoảng 6 – 7%.

“Chính mảnh đất được đánh giá là màu mỡ này đã khiến cho thị trường Việt Nam được các hãng bia trên thế giới nhòm ngó và nhảy vào đánh chiếm. Đây là thông tin tích cực đối với giới tiêu dùng, nhưng sẽ là áp lực với doanh nghiệp trong nước”, ông Việt nói và cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam hãy tận dụng sự “chiều chuộng” của người tiêu dùng trong nước với thương hiệu địa phương để tăng tốc phát triển. Ngoài ra, hãng bia nội cũng cần đa dạng hóa sản phẩm để không chỉ mạnh ở phân khúc bình dân mà còn có chỗ đứng ở dòng cao cấp, hướng tới các thị trường trên thế giới.

Hiện, Sabeco chiếm lĩnh thị phần 46%, Habeco là 17,3%, còn Công ty liên doanh Bia Việt Nam – VBL (với các nhãn hiệu Heineken, Tiger…) là 18,2%. Sắp tới, cục diện thị trường này có thể thay đổi khi các doanh nghiệp ngoại ồ ạt tăng tốc ở thị trường Việt Nam. Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia vào TPP, thuế nhập khẩu bia từ 35% sẽ giảm dần xuống 0%, lúc ấy, bia ngoại tham gia thị trường sẽ tăng mạnh mẽ.

Theo Viện Chiến lược chính sách Công nghiệp, Bộ Công Thương, kế hoạch phát triển ngành bia rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2020, tổng sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia sẽ đạt 4,5 tỷ lít, tăng khoảng 1,3 tỷ lít so với hiện tại. Đây là thị trường đầy tiềm năng mà bất cứ hãng nào cũng muốn nhăm nhe chiếm giữ.

Ngành nào dễ xin việc trong tương lai?

Sau khi ra trường có thể dễ dàng tìm được một công việc phù hợp, cơ hội thăng tiến cao là mơ ước của rất nhiều người. Do đó việc tìm hiểu nhu cầu của xã hội trước khi bắt tay vào học một ngành nào đó là việc cực kỳ quan trọng, điều đó quyết định tương lai của bạn về sau. Một công việc được cho là dễ xin chỉ khi xã hội đang cần, nhu cầu tuyển dụng cao hơn nguồn lao động hiện có trên thị trường. Tuy nhiên điều đó cũng sẽ sớm bảo hòa sau một thời gian không xa, vì có cầu ắt có cung, vì vậy một ngành được cho là “hot” hiện nay cũng không có gì đảm bảo là sẽ ổn định lâu dài. Như vậy ngành nào đang là sự lựa chọn của nhiều bạn bạn trẻ hiện nay?

Công nghệ thông tin, kinh tế lên ngôi

Theo tỉ lệ tuyển sinh đầu vào của các trường Đại học Cao đẳng trong những năm gần đây thì các ngành như Công nghệ thông tin, kinh tế… hiện đang thu hút rất nhiều thí sinh. Điều đó cũng không có gì là khó hiểu trong giai đoạn nền kinh tế Việt Nam đang từng ngày phát triển từng ngày thay da đổi thịt như hiện nay. Ngược lại các ngành xã hội lại đang khát thí sinh, vì đa phần cho rằng ngành này khó xin việc, ra trường ít có cơ hội thăng tiến.

Mặc dù có xuất phát điểm chậm nhưng ngành CNTT của Việt Nam lại đang tiến nhanh, vượt xa nhiều nước trong khu vực. Hiện nay không có cơ quan, doanh nghiệp, hay tổ chức nào lại không cần đến CNTT từ việc đơn giản như soạn thảo văn bản, lưu trữ dữ liệu, đến các công việc phúc tạp đòi hỏi phải có độ chính xác và kỹ thuật cao như lập trình, đồ họa… Nắm bắt được xu thế đó nên rất nhiều bạn trẻ đã đi theo con đường này, và thật tế họ đã tìm được công việc như mình mong muốn. Họ thành công là vì biết đón đầu xu thế, biết trước những gì xã hội sẽ cần. Chính họ đã trở thành tấm gương để các bạn trẻ noi theo và rất nhiều người đã đô xô vào học ngành này, với mong muốn tìm được cho mình một việc làm tốt trong tương lai.

Nhưng thực tế hiện nay cho thấy nguồn lao động ở các ngành này cũng đang dần trở nên quá tải, khi mà nguồn cung ngày càng trở nên dư thừa trong khi với tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp giải thể hàng loạt như hiện nay thì nhu cầu tuyển dụng cũng không còn rầm rộ như trước, song nhiều người vẫn chưa nhận ra được thực tế đó. Họ sẵn sàng từ bỏ ngành mà mình mơ ước để lao vào các ngành “thời thượng” này, chính tâm lý số đông đó đã góp phần làm cho ngành này trở nên khó xin việc trong tương lai do cung vượt quá cầu.

Các ngành xã hội “thê thảm” đầu vào nhưng sáng lạng đầu ra

Hiện nay các ngành xã hội đơn cử là khối C đang ngày càng trở nên khan hiếm thí sinh dự tuyển, vào thời buổi kinh tế thị trường, cuộc sống trở nên gấp gáp thì việc chọn học một ngành thơ văn dường như quá xa xời so với thực tế. Mặc dù đó có thể là ước mơ là sở thích nhưng có nhiều người sẵn sàng từ bỏ để chạy theo các ngành học mang tính “thời thượng”, nhưng chưa chắc đầu ra đã đảm bảo vì số lượng quá nhiều. Chính điều đó đang dần tạo nên sự khan hiếm nguồn nhân lực cho các ngành thuộc khối xã hội, và chắc chắn sẽ còn khan hiếm hơn khi đầu vào ngày càng ít như hiện nay. Đây là thời cơ tuyệt vời để những ai yêu thích và dấn thân vào các ngành này, sẽ không còn nhiều tình trạng khó xin việc, vì lúc này việc cần người hơn là người cần việc. Hơn nữa các nghề quan trọng không thể thiếu trong xã hội như sư phạm, luật, báo chí…cũng từ khối C mà ra chứ không phải học văn chương chỉ là hoa lá cành như nhiều người quan niệm. Từ thực tế đó cho thấy tuy đầu vào không rầm rộ như các ngành khác, nhưng đây sẽ là lợi thế hứa hẹn một việc làm tốt trong tương lai không xa.

Đón đầu cơ hội

Việc này không khó tuy nhiên đây là yếu tố quyết định thành công mà mọi người thường bỏ qua, ta hãy lấy ví dụ như trường hợp vài người nông dân mạnh dạn nuôi nhím, lúc đầu không ai làm theo nhưng đến khi thấy lợi nhuận khủng mà nó mang lại thì họ sẵn sàng từ bỏ tất cả để lao vào nuôi nó, có thời điểm tạo nên một cơn sốt trong người nông dân, một cặp giống có thể lên đến vài chục triều đồng, nhưng việc gì đến cũng phải đến khi nhà nhà nuôi nhím thì con vật mà trước kia được cho là khan hiếm bây giờ trở nên bình thường và ế ẩm. Lúc này đa số đều đã thất bại ngoại trừ những người đi tiên phong, và những người đi sau cùng kiên trì giữ lại đến một thời gian trên thị trường không còn thì nó lại trở nên khan hiếm. Đây là vòng lẩn quẩn mà từ người nông dân trồng trọt chăn nuôi cho đến doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng vẫn chưa tìm ra lối thoát, hễ thấy ngành nào nghề mang lại lợi nhuận cao thì lập tức cùng nhau ùa vào và nó lại bảo hòa, không phải họ không biết nhưng lạ một điều là họ vẫn làm theo.

Qua đó ta thấy được một điều, nếu muốn thành công thì một bạn phải là người tiên phong, hai bạn phải là người kiên trì đến sau cùng, không nên chạy theo đám đông. Thật vậy thị trường việc làm hiện nay cũng không khác gì dẫn chứng trên là mấy, hễ thấy một ngành nào đang “hot” là số đông lại ùa vào và thế là cung lại vượt cầu. Vì vậy một lời khuyên chân thành dành cho các bạn yêu thích khối xã hội hay bất cứ ngành nào mà mọi người đang quay lưng thì hãy mạnh dạn đi theo con đường mà mình đã chọn, đầu vào không ồ ạt đừng vội nản chí, tại sao bạn không nghĩ đó là một cơ hội tuyệt vời giành cho bạn sau khi ra trường. Mỗi người một ngành nghề một công việc, chính điều đó tạo nên cuộc sống, vì vậy hãy theo đuổi những gì mình đã lựa chọn đừng chạy theo số đông, đừng lao theo những ngành được cho là “hot” mà hãy học những gì mình yêu thích, không một công việc nào là không có ích cho cuộc sống này, và hãy luôn nhớ rằng hãy học những gì mà xã hội sẽ cần hơn nhưng gì xã hội đang cần, bởi vì việc học không chỉ một ngày một bữa, những gì xã hội đang cần nhưng đến khi bạn ra trường thì điều ấy chưa chắc còn đúng, nhưng ngược lại những gì mọi người đang quay lưng thì trong tương lai sẽ ắt hẳn sẽ trở nên cần thiết. Một nguyên tắc đơn giản nhưng sẽ rất hiệu quả nếu bạn biết áp dụng, biết nhìn vào thật tế cuộc sống.