Monthly Archives: November 2015

Những câu chuyện đổi đời nhờ tin tưởng vào Warren Buffett

Mua cổ phiếu Berkshire Hathaway từ cách đây vài chục năm, nhiều người đã trở thành triệu phú hoặc thậm chí là tỷ phú nhờ tài đầu tư của Warren Buffett.

Trong khi đang lái xe chạy qua thành phố Omaha, bang Nebraska, Mỹ vào một đêm đông năm 1981, Ed Prendeville chợt nhớ ra Warren Buffett, một nhà đầu tư mà ông có đọc khi còn ở đại học, sống tại thị trấn Midwestern. Ông tự ghi nhớ trong đầu điều này và 2 năm sau đó, nhà kinh doanh xe lửa đồ chơi sưu tầm đã gom đủ tiền để mua cổ phiếu Berkshire Hathaway của Buffett với giá 1.300 USD/cổ phiếu.

Ông Prendeville đã được tưởng thưởng cho quyết định của mình, bởi kể từ đó cổ phiếu Berkshire đã liên tục tăng mạnh. “Đó là tấm vé an toàn của tôi”, nhà kinh doanh 64 tuổi này nói về số cổ phần của ông trong Berkshire Hathaway, mà giờ được giao dịch ở mức hơn 200.000 USD/cổ phiếu.

Trong 50 năm lãnh đạo Berkshire Hathaway, tỉ phú Warren Buffett đã lột xác một nhà máy dệt gặp khó khăn thành một tập đoàn đầu tư khổng lồ với 200 tỉ USD doanh thu và tạo ra một danh sách dài các triệu phú, thậm chí một số trở thành tỉ phú, nhờ mua vào cổ phiếu Berkshire.

Một trong số những cổ đông đó là Frank Fitzpatrick, một luật sư thuế. Ông đôi khi tự giới thiệu mình là “Frank 40 USD” vì lần đầu tiên ông mua vào cổ phiếu Berkshire là khi giá của nó chỉ 40 USD/cổ phiếu mà thôi.

Ông Fitzpatrich nhớ lại đã mua khoảng 200 cổ phiếu vào đầu năm 1976 với mức giá ấy rồi 14 tháng sau đó, ông đã bán lại với giá gấp đôi. Khi giá cổ phiếu Berkshire tiếp tục tăng, ông hối tiếc vì bán ra quá sớm. Ông đã mua lại với giá thậm chí còn cao hơn nhiều so với mức giá đã bán ra. Kể từ đó, “tôi luôn có thói quen tìm về với Berkshire”, ông nói.

Vào năm 1995, sau khi mua căn nhà bên bờ hồ ở Tahoe (Mỹ), Fitzpatrick cho biết gia đình ông đã tụ tập về đây để ăn mừng và cùng nói lời cảm ơn Warren Buffett. Cổ đông 72 tuổi này đã dùng số cổ phần tại Berkshire để rót vốn cho một tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục; số cổ phần còn lại thì ông cho biết sẽ để dành cho 2 đứa con của mình.

Những người nắm giữ cổ phiếu Berkshire lúc ban đầu đã dùng số cổ phiếu đó để trang trải chi phí ăn học của con cái, mua nhà cửa và dùng làm tài sản thế chấp để vay tiền. Hàng trăm triệu USD giá trị cổ phiếu Berkshire cũng đã được rót vào các dự án trường học, vào các tổ chức giáo dục cũng như các nghiên cứu y học.

Khi các nhà đầu tư lâu năm này ngày càng già đi theo Warren Buffett (hiện đã 85 tuổi), họ cũng nghĩ đến chuyện dùng số cổ phần Berkshire vào việc gì tốt nhất. Về phía Buffett, ông cam kết tặng gần như toàn bộ 62 tỉ USD giá trị tài sản cho từ thiện và đã cho đi hơn 25 tỉ USD. Trong một cuộc phỏng vấn, ông cho biết dự kiến sẽ có “một tỉ lệ không nhỏ các cổ đông cá nhân lớn” sẽ làm giống như ông vậy.

Vị Chủ tịch Berkshire Hathaway có sức ảnh hưởng khác thường đối với cổ đông và sức ảnh hưởng này giúp giải thích cách suy nghĩ của nhiều cổ đông về khối tài sản của mình. Cho đến nay, Buffett vẫn sống trong ngôi nhà mà ông đã mua từ hồi năm 1958 với giá 31.500 USD. Ông thường ăn sáng chỉ tốn vài đô-la tại một cửa hàng McDonald’s gần văn phòng của ông và tự trả cho mình mức lương chỉ 100.000 USD. Ông thường xuyên tự lái xe vòng quanh thị trấn trên chiếc sedan hiệu Cadillac.

Giống như Buffett, các cổ đông của Berkshire cũng rất “khác thường”. Mùa xuân nào hàng chục ngàn cổ đông của Berkshire, từ các nhà quản lý quỹ, các nhà điều hành doanh nghiệp cho đến nông dân, đều tụ hội về Omaha để dự đại hội cổ đông thường niên của Berkshire. Và tại đây những cái tật, thói quen kỳ quặc của họ đều được bộc lộ.

Tại một tiệc tối hằng năm tổ chức bởi một nhóm cổ đông nhỏ bên lề Đại hội, hóa đơn nhà hàng thường được chia ra cho nhiều người. Các nhân viên pha chế rượu và phục vụ bàn tại Omaha đều nói các cổ đông của Berkshire đều là những người cho tiền boa rất… bủn xỉn, dù rằng là triệu phú, thậm chí tỉ phú.

Bắt đầu vào thập niên 1970, khi tiếng tăm của Buffett bắt đầu nổi lên thì danh sách cổ đông của Berkshire cũng dài ra. Chỉ riêng Portland, bang Oregon đã có tới hàng trăm triệu phú Berkshire. Họ giàu lên là nhờ một nhà quản lý tài sản ở đó. Người này đã nhìn thấy trước được “tiền đồ” của Berkshire nên đã mua vào cổ phiếu thay mặt cho các khách hàng của mình từ thập niên 1970.

Nhà quản lý tài sản ấy là Mark Holloway. Holloway đã “khám phá” ra Buffett vào đầu những năm 1970 sau khi Ben Graham, một nhà đầu tư giá trị huyền thoại cũng là người đã dẫn dắt Buffett, đề nghị họ gặp nhau. Ông Buffett lúc ấy không có thời gian, nhưng Holloway cho biết ông đã bắt đầu mua cổ phiếu Berkshire cho chính mình và cho các khách hàng của công ty ông.

Các khách hàng cho biết giá ở mức thấp chỉ khoảng 400 USD/cổ phiếu và tính trung bình họ đã nhận được chưa tới 12 cổ phiếu mỗi người. Thế nhưng, bao nhiêu đó cũng đủ để đưa họ trở thành triệu phú. Holloway cho biết ông đang quản lý khoảng 50 triệu USD giá trị tài sản của ông và tiền của khách hàng.

Các cổ đông muốn bán cổ phiếu luôn nhìn vào mức áp thuế thu nhập quá cao do giá cổ phiếu Berkshire tăng quá mạnh. Trong khi đó, nếu cho tiền làm từ thiện thì lại được miễn thuế và được khấu trừ thuế tài sản thừa kế. “Làm từ thiện là một cách thông minh cũng là một cách làm rất ý nghĩa”, Andy Kilpatrick, tác giả của cuốn sách dài 1.286 trang về Berkshire, nói.

Jim Halperin, một cổ đông đã thành lập công ty đấu giá các đồng tiền quý hiếm, lần đầu tiên mua cổ phiếu Berkshire là vào năm 1995 khi chúng được giao dịch ở mức khoảng 30.000 USD/cổ phiếu. Nhưng nay giá trị cổ phiếu mà ông nắm giữ hiện trị giá khoảng 19 triệu USD.

Ông Halperin, 62 tuổi, cho biết ông càng quyết tâm làm từ thiện, nhất là từ năm 2006 khi Bufett tặng hầu hết tài sản của mình chủ yếu cho một quỹ từ thiện do Bill Gates, nhà đồng sáng lập hãng phần mềm Microsoft, điều hành. Halperin tặng khoảng 25% lợi nhuận hằng năm của ông cho các trường hợp từ thiện ở địa phương. Ông cùng vợ cũng dự định sẽ cho hết phần số tài sản triệu đô của mình.

Hồi tháng 3, vợ chồng Bill và Ruth Scott – những cư dân của Omaha đã cùng tham gia vào Giving Pledge, một chiến dịch do Bill Gates và Warren Buffett cùng thực hiện để kêu gọi các tỉ phú trên thế giới tặng ít nhất phân nửa số tài sản của mình cho từ thiện.

Ông Scott đã dành cả đời mình làm việc tại Berkshire và vì thế tích góp đủ số cổ phiếu để trở nên cực kỳ giàu có. “Ruth là một cô gái nông thôn. Cô ấy thích so sánh một đống tiền giống như một đống phân bón. Cả hai thứ này sẽ chẳng có ích gì trừ phi bạn rải chúng đi khắp nơi”, vợ chồng ông Scott đã viết cho Buffett như thế.

Ông Prendeville, người đã quyết định gom tiền mua cổ phiếu Berkshire sau khi lái xe qua Omaha, hiện đang ở New Jersey và kiếm sống bằng nghề kinh doanh tàu lửa đồ chơi. Ông cho biết khi lợi nhuận nhờ kinh doanh tàu lửa đồ chơi tăng lên, ông đã đầu tư gần như từng xu một vào cổ phiếu Berkshire. Ông để dành một số ít vào tài khoản cho con mình và một số bỏ vào tài khoản nghỉ hưu cho ông. Hai đứa con trai của ông lớn lên rất mê lái xe đua, một sở thích xa xỉ mà ông Prendeville có lẽ không thể nào kham nổi nếu không có số cổ phiếu Berkshire. Chiếc xe thể thao Hyundai của ông dán một dòng chữ đề là “Chúng tôi tin vào Berkshire Hathaway”.

Năm 2007, ông được chẩn đoán bị ung thư ruột kết. Nếu không có cổ phiếu Berkshire, ông Prendeville cho biết sẽ khó có thể thanh toán nổi các khoản chi phí điều trị sử dụng công nghệ tiên tiến (công ty bảo hiểm của ông từ chối bán bảo hiểm y tế trong trường hợp này). “Tôi hoàn toàn có thể viết séc chi trả cho khoản điều trị”, ông nói.

Ông Prendeville chưa có kế hoạch tạo lập quỹ từ thiện của riêng mình nhưng cho biết ông đang suy nghĩ đến việc đó. “Nơi nào mà một đồng USD của tôi rót vào sẽ tạo nên sự khác biệt nhất nhỉ?. Thật là không dễ dàng chút nào”, ông nói.

Nhân sự ngành nào đang “thất sủng”?

Những ngành này từng một thời hấp dẫn vì lương cao, môi trường làm việc chuyên nghiệp. Tuy nhiên, những ai đang hoạt động trong ngành này ít nhiều lo âu vì những biến động theo chiều hướng tiêu cực của nó.

Ngân hàng

Nếu như trước đây, ngân hàng được xem là ngành ‘hot”, thu hút nhiều bạn trẻ thì nay, tình thế đã thay đổi. Khảo sát mới nhất của Đại học FPT với trên 20.000 học sinh cho thấy, lượng thí sinh mong muốn thi và học ngành tài chính – ngân hàng năm 2012 là 23%, giảm 14% so với mức 37% của năm 2011.

Người học đã sớm nhận ra bức tranh khá tối của nền tài chính-ngân hàng. Trong bức tranh đó, cơ hội tìm việc cho họ sẽ khó khăn hơn Kết quả nghiên cứu từ một trang web tuyển dụng hàng đầu Việt Nam cho thấy, nếu như năm 2010, ngân hàng đã giảm 14% nhu cầu nhân lực thì trong năm 2011, đây cũng là một trong 5 ngành có nhu cầu tuyển dụng nhân lực thấp nhất. Riêng từ đầu năm 2012 đến nay, Ngân hàng – tài chính đã giảm 36% nhu cầu nhân lực và là một trong 5 ngành có mức giảm nhu cầu nhân lực nhiều nhất.

Không chỉ giảm tuyển dụng, từ 1-2 năm trở lại đây, các ngân hàng cũng phải tiến hành cắt giảm nhân sự. Thế giới đã chứng kiến động thái mạnh tay sa thải nhân viên của hàng loạt ngân hàng như HSBC, Credit Suisse, Morgan Stanley, Deustche Bank, Goldman Sachs…. Tại Việt Nam, như NH Phương Đông (OCB) đã chấm dứt hợp đồng với 230 nhân viên bảo vệ.

Nhiều chuyên gia dự báo, tình trạng dư thừa nguồn cung lao động trong ngành ngân hàng sẽ tiếp tục gia tăng trước xu hướng mua bán, sáp nhập ngân hàng. Mới đây, thị trường ghi nhận những biến động nhân sự khá mạnh mẽ ở Sacombank, Habubank.. khi các ngân hàng này vừa trải qua những thay đổi cơ bản về chủ sở hữu.

Ngoài ra, trước xu hướng chuyển đổi từ hình thức Ngân hàng thương mại sang Ngân hàng Đầu tư, nhu cầu nhân sự ở các ngân hàng càng giảm. Đặc biệt, khi ngân hàng bị thắt chặt hơn về chính sách, tăng trưởng của ngành ngân hàng dự báo sẽ chậm lại. Đồng nghĩa lương, thưởng cho nhân viên sẽ không hậu hĩnh như thời vàng son. Đó là lý do vì sao các chuyên gia tư vấn khuyên bạn trẻ nên suy nghĩ kỹ trước khi chọn ngành tài chính-ngân hàng.

Chứng khoán

Cũng như ngân hàng, chứng khoán từng là một trong những ngành thời thượng nhất. Vào các năm 2006-2007, số công ty chứng khoán (CTCK) mọc lên như nấm sau mưa, kéo theo đó là nhu cầu tuyển dụng nhân sự ồ ạt. Tuy nhiên, từ năm 2008, khi thị trường chứng khoán bắt đầu tuột dốc, hoạt động của các CTCK cũng bế tắc hơn. 105 CTCK đã phải giành nhau miếng bánh thị phần ngày càng thu hẹp. Kết quả, nhiều CTCK phải cắt bớt nghiệp vụ, đóng cửa các phòng giao dịch, chi nhánh và hoạt động nghiêng về cầm chừng. Đến nay, ước tính chỉ còn khoảng ¼ trong tổng số CTCK là “sống”. Các CTCK còn lại, hoặc thoi thóp hoặc “chết” mà chưa công bố.

Trong bối cảnh ấy, những người hoạt động trong ngành chứng khoán, từ nhân sự cấp cao đến nhân viên cấp thấp đều ít nhiều nếm trải vị đắng của giảm lương, giảm thưởng, điều chuyển công việc, cắt giảm nhân sự. Rất nhiều nhân sự ngành chứng khoán đều phải tự tìm con đường mới cho mình bằng cách chuyển sang một CTCK tốt hơn (với những người có năng lực) hoặc chuyển nghề, chuyển việc.

Dù vậy, dư chấn của TTCK suy giảm vẫn còn tác động đến nhân sự ngành chứng khoán. Rất nhiều sinh viên ngành chứng khoán tốt nghiệp các khóa 2010,2011, 2012 hiện chưa tìm được việc làm đúng ngành. Và trong các CTCK, cuộc sàn lọc nhân sự vẫn diễn ra. Riêng những người ở lại cũng chịu những áp lực nặng nề từ thu nhập sụt giảm, từ doanh số phải đạt trong điều kiện thị trường ảm đạm, giao dịch lèo tèo..

Bất động sản

Cùng cảnh ngộ “thất sủng” là nhân sự ngành bất động sản. Mới đây, trong báo cáo trình Đại hội cổ đông, Công ty Khang Điền (KDH) cho biết, một trong những giải pháp cơ cấu lại hoạt động trước tình hình khó khăn là cắt giảm nhân sự. Theo đó, số lượng nhân viên trên toàn hệ thống tính đến thời điểm cuối tháng 12/2011 là 88 người, giảm gần 30% so với 120 người cuối năm 2010. Công ty Cổ phần TV – TM – DV Địa ốc Hoàng Quân (HQC) cũng đưa ra chiến lược “tinh giảm nhân sự” trên toàn hệ thống ngay trong năm 2012 này.

Không riêng KDH, HQC, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng tìm cách cắt giảm nhân sự. Như công ty địa ốc Phúc Đức đã thực hiện 4 đợt cắt giảm nhân sự kể từ năm 2008. Số nhân sự mà công ty này cũng như các doanh nghiệp bất động sản giữ lại chủ yếu là bộ phận tư vấn, quản lý dự án…Mảng môi giới bị cắt giảm nhiều nhất.

Ở những đơn vị xây dựng, việc cắt giảm vẫn diễn ra rất mạnh mẽ, cả với các công ty ngoại. Đơn cử, Công ty GS E&C (Hàn Quốc) đã buộc phải cắt giảm một lượng không nhỏ nhân sự, chỉ duy trì tuyển kỹ sư làm việc ngoài công trường vì công ty hiện đang thi công công trình tuyến cao tốc Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài..

 

Các chuyên gia đồng tình, chính vì không bán được hàng, không ghi nhân doanh thu mà doanh nghiệp buộc phải tính cách tinh gọn bộ máy để tiết giảm chi phí. Một số doanh nghiệp như Đất Xanh, Lê Thành…tuy không chủ trương cắt giảm nhân sự nhưng nhiều người vẫn tìm cách ra đi. Bởi họ muốn tìm những cơ hội mới với thu nhập tốt hơn, công việc thú vị hơn.

Bí quyết kinh doanh của người Hoa

Nghề buôn bán xưa và nay dường như đã khác xa một trời một vực nhưng về căn bản vẫn dựa trên 10 Quy luật bất di bất dịch mà người Trung Hoa cho rằng nếu thuộc lòng các quy luật này thì cầm chắc giàu sang trong tay.

Đó chính là quy luật: Tốc độ, bất ngờ, trọn gói, uy tín, lợi ích, linh động, dồi dào, chất lượng, thiện chí, mới lạ.

Quy luật tốc độ

Hãng giầy khéo giữ hồ sơ. Hãng giầy Hựu Liên Sơn đời nhà Minh có ông chủ hãng tên là Hảo Tịnh, cái tên Hựu Liên Sơn có nghĩa là liên tục tăng tiến. Cửa hàng khi lấy số đo của khách hàng thì lưu giữ rất cẩn thận, thậm chí ghi nhớ cả những đặc điểm về đôi chân của khách hàng nếu như có điều gì đó khác thường. Một hôm có một học giả tên là Trương Hồng Sơn lai kinh ứng thí đã tìm đến cửa Hựu Liên Sơn đặt đóng một đôi giầy. cửa hàng như bao lần cũng ghi chép cẩn thận số đo của chủ nhân mà không hề biết rằng sau lần đó học giả Trương Hồng Sơn đã đỗ khoa bảng cao.

Bí quyết kinh doanh của người Hoa

Cách đó không lâu, có một vị quan đường triều cũng đến đặt một đôi giầy làm quà tặng. Chỉ cần nói tên khách hàng là Đại học sĩ Trương Hồng Sơn, cửa hàng đã mau chóng có được số đo của vị học giả lần trước. Giầy được giao cho khách hàng chỉ sau 3 ngày. Nhờ giữ được hồ sơ của khách mà hãng Hựu Liên Sơn mau lẹ đóng giầy vừa chân cho khách. Câu chuyện này cho thấy việc phải nghiên cứu, thu thập tin tức thị trường quan trọng đến mức nào, nhưng cần kịp thời sử dụng tin tức để quyết đoán cũng chính là điều quan trọng.

Quy luật bất ngờ

Câu đối quý giá của thiên tử. Vị hoàng đế sáng lập ra nhà Minh cuối năm đó ra lệnh: Nhân dịp đầu năm lệnh cho mọi nhà phải treo câu đối. Sau đó hoàng đế thân hành đi thăm xem dân tình treo câu đối ra sao. Có một cửa hàng kinh doanh thịt heo may mắn được thiên tử thân hành viết câu đối cho cửa hàng để thu hút khách: “Đôi tay mở cửa sinh tử. Một nhát chặt đứt thị phi”. Chủ cửa hàng ngay lập tức cho khắc câu đối đó của thánh hoàng ở hai bên cửa hàng. Người dân khắp nơi kháo nhau về cửa hàng thịt được nhà vua ban tặng câu đối, họ cho rằng thịt heo ở đây chất lượng tốt, đến thiên tử cũng phải thích nên kéo đến mua nườm nượp. Khéo dùng danh người làm nổi hàng hóa của mình là một bí quyết tạo ra sự bất ngờ dễ mang lại thành công.

Quy luật mới lạ

Cống Tử Giao làm đàn cổ. Mới lạ là điều rất đáng được nói đến trong kinh doanh, sản phẩm phải liên tục dồi dào, mẫu mã tân kỳ và khéo trình bày. Cống Tử Giao là nghệ nhân nổi tiếng chuyên làm đàn nguyệt, ông rất chú trọng trong việc chọn gỗ để làm đàn. Nhưng có một thời gian, người mua đàn chỉ thích những chiếc đàn nguyệt cổ, họ không biết chuộng đàn tốt khiến Cống Tử Giao phải suy nghĩ rất nhiều.

Ông bèn nhờ điêu khắc gia làm hoa văn xưa, nhờ nghệ gia sơn phết sơn có sắc cổ kính, sau đó ông chôn xuống đất một năm để cây đàn mang nét cũ và cổ. Khi đàn được đào lên, nhìn hoa văn và nước sơn đúng là “nguyệt cổ”, khách hàng trả giá rất cao. Đàn sau này được dâng cho vua khiến tiếng tăm của Cống Tử Giao được nhiều người biết đến.

Quy luật trọn gói

Trúng mối. Bao bì đẹp sẽ thu hút được rất nhiều khách hàng. có một người nước Chu làm nghề bán ngọc trai. Ông ta làm ra những chiếc hộp đựng ngọc trai bằng gỗ Đàn Hương, viền đá quý quanh hộp, trang trí bằng hồng ngọc và lông chim để đựng ngọc. Người đời sau này vẫn kháo nhau rằng ông khéo bán hộp hơn bán ngọc. Trọn gói phải hấp dẫn, quảng cáo phải bắt mắt, đấy là bí quyết của người buôn ngọc trai, ông thường mua lại những viên ngọc trai của người đi thuyền chài, sau đó chọn gỗ Đàn Hương thật đẹp để làm những chiếc hộp thật đặc biệt, ngoài chạm hình long phượng để đựng ngọc quý, bên trong thuê người lót nhung tím tía.

Khách hàng nô nức đồn nhau về chất lượng ngọc trai của ông mà họ không hề kháo nhau về chất lượng chiếc hộp, chau truốt từ trong ra ngoài khiến ông lời trọn gói. Có những khách hàng mua hàng chỉ vì chiếc hộp chứ không phải mê ngọc của ông, có những khách hàng chỉ nhìn thấy chiếc hộp là đã ưng ngọc rồi, ông chủ trúng mối một cách ngon lành.

Quy luật chất lượng

Hàng thuốc tự hào về chất lượng. Thợ rèn rèn được kiếm báu nhờ khuôn đúc chính xác, thép ròng, độ nấu chảy vừa tầm. Không được mài nó chẳng cắt nổi sợ dây, nhưng một khi đã mài cẩn thận thì nó vô cùng sắc bén. Là một thương gia phải vươn lên không ngừng để cải tiến sản phẩm hàng hóa của mình. Hàng thuốc Tống Nguyên Đường ở Bắc Kinh rất tỉ mỉ trong việc chế thuốc, cửa hàng chỉ dùng những thứ cao cấp để chế thuốc.

Nào là vị thuốc quý ở miền sứ trung, nào là chỉ dùng thuần loại gà chân đen để làm thuốc ô kê bạch phụng hoàn, gà thì phải chọn loại đủ cân, đủ lạng, giết gà phải đúng cách để đảm bảo tiết gà trong cơ thể và làm tăng giá trị dinh dưỡng. Có hơn 40 cách để chế ra thuốc viên nhưng cách nào cũng tỉ mỉ để đảm bảo chất lượng thuốc tốt nhất, bảo quản trong 3 năm nhằm hạ hỏa trong viên thuốc để thuốc có vị thơm ngon rồi mới đem ra bán. Đó là lý do không lạ gì mà tên tuổi tống nguyên Đường vẫn còn lưu lại cho đến ngày nay.

Quy luật sáng kiến

Lương Vũ Chu khống chế giá gạo. Trong thời nhà Đường, giá gạo ở Tuân Chu tăng vọt vì hạn hán. Một vị quan tên là Lương Vũ Chu thừa nhiệm của Thái thú Tuân Chu lo đối phó với việc này, ông yêu cầu quan lại ở vùng này phải trình sổ gạo còn trong kho rồi gia lệnh tuần sau cho xả kho gạo bán dưới giá chợ. Tin đồn Tân Thái thú sắp bán gạo tồn trong kho vào tuần sau lan rộng, cửa hàng nào cũng sợ gạo của mình bị ế nếu gạo trong kho được tuôn ra chợ với giá rẻ. Kết quả là giá gạo ở các cửa hàng giảm giá đồng loạt để mong bán hết, Lương Vũ Chu không cần xả kho an toàn chút nào. Lương Vũ Chu khéo khai thác dư luận để tạo ra thị trường tiêu dùng thuận tiện.

Quy luật linh động

Làm giàu nhờ buôn hàng Đôi ngả. Pháp luật làm ra là để chăm lo cho dân cho nước, lễ nghi đưa ra để dễ làm việc. Nhà trị nước sáng suốt biết chèo lái cho nước giàu, dân mạnh, không nên bám giữ luật cũ và cũng không nên bảo thủ lễ xưa chừng nào nó còn giúp ích cho dân. Để tồn tại và thành công trong một ngành biến chuyển rất nhanh như thương mại, nhà thương gia phải bình tĩnh hành động, tùy thuận hoàn cảnh từng bước một. Dưới triều Đông Hán, vùng liêu đông dân chúng nhưng chỉ nuôi heo đen.

Một gia đình nuôi heo nọ lại có lứa heo đẻ toàn heo trắng, rất lạ, ai biết được cũng rất thích và hiếu kỳ đến xem đàn heo. Ông chủ nuôi heo nghĩ rằng ở vùng này toàn heo đen bèn mang lứa heo đó đến chợ Nam Kinh để bán, sau 3 tháng đi đường ông mới tới nơi nhưng ở đây giá heo trắng lại rất rẻ mạt vì ở Nam Kinh không thiếu gì giống heo này. Ông chủ nghĩ ngay trong đầu, như vậy có thể khai thác giống heo trắng ở quê nhà thì sẽ được khá lời. Ông mua ngay giống heo trắng ở Nam kinh mang về quê và bán được rất nhiều, đồng thời ở Nam Kinh không có heo đen thì ông mang giống heo đen đến đó bán. Mới có một năm mà ông giàu lên nhanh chóng. Linh động là lợi khí tuyệt vời không những giúp ta đương đầu quyết liệt giành thắng lợi mà đôi khi còn đền bù được những sự thua thiệt.

Quy luật uy tín

Thật thà là cha Quỷ Quái. Nhà cai trị sáng suốt phải tạo dựng được uy tín, uy tín là thứ tối cần để làm thương mại. Nhà thuốc Hư Quỳnh Du Đường có lối thiết kế rất độc đáo, đại sảnh tiếp khách ở trong nhà, khách hàng phải đi qua hành lang vòng vèo dài 30m trước khi tới nơi làm việc, dọc 2 bên đại sảnh treo những tấm bảng đẹp trình bày 38 toa thuốc lừng dang, ở đâu cũng treo những tấm bảng to động viên khách hàng với giá cả đảm bảo, chất lượng thuốc hoàn hảo, không lừa bịp. khách hàng mua thuốc không ưng ý mang đến trả lại sẽ được bồi thường ngay thuốc mới, còn chỗ thuốc trả lại sẽ được hủy ngay tại chỗ bên một lò than. uy tín như thế thật là nhất hạng.

Quy luật lợi ích

Dọn Đường vì lợi ích chung. Luật lệ nào thi hành thuận tiện là hợp lòng dân. Khi dân chống đối là có điều gì ngược lại ý dân. Cho nên những ai biết “cho ra để nhận vào” là đã hiểu được bài học trị nước quý báu. Nhà thương mại nghĩ đến lợi là thường tình nhưng không nên bị ám ảnh vì nó, đó chính là sự lợi ích. Muốn thành công, người ta phải hiểu biết giá trị tiền bạc. Trên một đoạn đường chở hàng của các lái buôn, đường dốc gồ ghề khó đi cộng thêm tuyết rơi khiến các xe chở hàng đi lại khó khăn, một xe chở hàng nặng bánh xe bị lún vào tuyết, trên xe chất đầy những chiếc lu to và nặng, người đi đường xúm vào đẩy giúp mà xe hàng chẳng nhúc nhích chút nào.

Trời sắp tối, đoàn xe chở hàng không biết tính sao vì đoạn đường ùn tắc, xe xếp hàng cứ dài dần trên đoạn đường dốc cheo leo. Có một lái buôn tên là Liêu Phổ cũng đi trên đoạn đường này rất nhanh trí, ông hỏi giá hàng hóa trên chiếc xe bị lún tuyết hết bao nhiêu, ông bèn mua hết số hàng trên xe rồi cắt dây buộc hàng, gỡ từng chiếc lu ra, nhờ mọi người ném xuống hẻm núi.

Xong việc, mọi người kéo chiếc xe một cách dễ dàng và giải phóng đoạn đường ùn tắc, ai cũng xôn xao muốn biết danh tính của người lái buôn hào hiệp đã bỏ tiền của mình ra để mở đường cho đoàn xe. Khi đoàn xe đã vào đến trong thành mà các lái buôn vẫn còn nói về Liêu Phổ, mọi người xúm nhau lại cảm ơn và đây cũng là cơ hội để Liêu Phổ bán thêm được hàng hóa của mình. Như vậy, hàng hóa được giao vào thành không bị muộn, vẫn đảm bảo được thời gian mà Liêu Phổ còn mở rộng thêm được mối làm ăn nhờ tấm lòng hào hiệp.

Quy luật thiện chí

Làm giàu nhờ thư bảo lãnh. Càng cho ra nhiều ta càng được nhiều. Càng đóng góp thêm lên ta càng thu về nhiều hơn. Có một người tên là Hứa Thế Vân trước buôn vải, sau làm nghề môi giới ngành mỹ thuật. Do tay nghề non kém nên ông bị thua lỗ nhiều, phải sống vất vưởng ở xử Chu. Cuộc sống vất vả, ông bèn nghĩ ra một cách là tìm mua tranh cổ ở những tiệm cầm đồ với giá rẻ, sau đó thuê người bồi lại tranh sao cho sạch sẽ rồi tìm mọi cách dâng và bán tranh cho những vị quan trong vùng có danh tiếng.

Dán tranh đã có lãi, ông còn nhờ những vị quan mua tranh viết cho mấy dòng thư giới thiệu đến những người thích chơi tranh cổ có tiếng tăm và có tiền. Cứ như vậy, nhờ những lá thư giới thiệu từ những người có uy tín, công việc làm ăn của ông trở nên thuận lợi. Có nhiều vốn, hứa thế vân tự mở một phòng tranh và sống dư giả từ đấy.

Bí quyết để trở thành “sếp” giỏi

Biết lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân viên và mềm dẻo trong giao tiếp là một trong những bí quyết để trở thành “sếp” giỏi.

Trở thành “sếp” giỏi đòi hỏi sự làm việc chăm chỉ, am hiểu tường tận công việc và sự chính trực. Ngoài ra, sếp giỏi là người biết đánh giá đúng năng lực của nhân viên, luôn là một hình mẫu chuẩn mực, là nguồn động lực cho người khác, và tạo ra một môi trường làm việc tích cực.

Trang tin USNews.com đưa ra một số lới khuyên để các nhà quản lý phấn đấu trở thành “sếp” giỏi:

Duy trì sự tin tưởng: Khi lãnh đạo một tập thể, để thuyết phục được mọi người, người quản lý cần phải tạo được niềm tin với nhân viên, và nuôi dưỡng niềm tin đó trong suốt quá trình làm việc.

Tạo mối quan hệ hài hòa: Mối quan hệ với với nhân viên sẽ xóa tan khoảng cách và giúp người lãnh đạo hiểu hơn tâm tư nguyện vọng của cấp dưới. Ngoài thời gian làm việc, thủ trưởng nên tận dụng thời gian để gần gũi, quan tâm tới mọi người, từ đó giúp họ gắn bó hơn và làm việc tâm huyết hơn cho công ty.

Luôn gương mẫu: Là lãnh đạo, bạn phải luôn gương mẫu trong cả hành động và lời nói. Nhân viên trong công ty thường “soi” vào lãnh đạo để noi theo. Khi bạn gương mẫu, việc tạo đồng thuận giữa mọi người sẽ không mấy khó khăn.

Mềm dẻo trong giao tiếp: Khi giao tiếp với nhân viên, lãnh đạo nên tìm cách tiếp cận đơn giản nhất, chân thành nhất, không nên dùng những lời quá hoa mĩ. Điều cốt lõi là sự chân thành và giản dị, bởi khi “sếp” cởi mở và tâm lý với nhân viên, họ cũng sẽ răm rắp phục tùng và hết lòng tôn trọng.

Biết lắng nghe: Sự lắng nghe của “sếp” được coi là chính sách “mở cửa” trong công ty. Điều này giúp nhân viên thẳng thắn trao đổi và góp ý và đưa ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn hoặc giải quyết hiệu quả các vấn đề mà đôi khi lãnh đạo nghĩ “nát óc” vẫn chưa xong.

Ngoài ra, “sếp” phải là người tạo ra môi trường làm việc tốt, tạo điều kiện cho những nhân viên giỏi phát huy tối đa khả năng của họ. Nhân viên của bạn cần phải biết rằng học được kì vọng làm việc chăm chỉ mỗi khi bước vào văn phòng, nhưng họ cần cảm thấy thoải mái với điều này. Khuyến khích sự hợp tác đồng đội và tạo ra cơ hội để các nhân viên liên kết với nhau. Đối xử công bằng với tất cả nhân viên bất kể cảm xúc cá nhân của bạn đối với họ. Ngăn cấm các tin đồn nơi công sở và việc chia bè kết phái, nhưng hãy khuyến khích tinh thần làm việc theo nhóm và phối hợp tốt với nhau.