Monthly Archives: November 2015

‘Đại chiến’ thị trường bia Việt

Thị trường bia Việt một lần nữa “dậy sóng” trước hàng loạt thông tin mua bán sáp nhập và các công bố từ cam kết trong Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) của các nước.

Sự kiện tập đoàn bia đến từ xứ sở hoa anh đào Sapporo mới đây công bố “mua đứt” phần vốn góp của VN trong liên doanh Sapporo Việt Nam (SVL) cho thấy, thị trường bia Việt luôn nóng với sự tấn công không khoan nhượng của các hãng bia ngoại. Chưa hết, sau khi tuyên bố sở hữu hoàn toàn SVL, trao đổi với báo giới tại buổi công bố thay đổi nhận diện bao bì một số sản phẩm, đại diện Tập đoàn Sapporo (Nhật) cũng cho biết, công ty sẽ đẩy mạnh doanh số bán hàng thông qua chiến lược mở rộng mạng lưới phân phối trên cả nước. Hiện nhà máy của tập đoàn này đặt tại Long An và cũng là nhà máy duy nhất của hãng cung cấp bia cho các thị trường Đông Nam Á, Hàn Quốc và Úc.

Thị trường béo bở

Trước thương vụ của Sapporo, thông tin Bộ Công thương quyết tâm đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng gây nóng trên thị trường chứng khoán. Theo kế hoạch, trong 89% cổ phần của Sabeco mà nhà nước đang sở hữu, sẽ bán tối đa 53% vốn cho các nhà đầu tư chiến lược. Ngay lập tức, Công ty Thai Beverage đánh tiếng mua phần vốn này với giá gần 1 tỉ USD, rồi Singha Bia cũng đến từ Thái cũng cho biết muốn làm đối tác chiến lược của Sabeco. Chưa hết, nhất loạt các hãng bia ngoại như: Asia Pacific Breweries, Sabmiller, Asahi Breweries, Kirin Brewery… đều lên tiếng trên thị trường muốn trở thành đối tác chiến lược của Sabeco.

Sẽ có cuộc chiến giành thị phần giữa các hãng bia nội ngoại – Ảnh: Ng.Ng

Trao đổi với Thanh Niên, ông Mikio Masawaki, Tổng giám đốc SVL không giấu tham vọng sẽ tiếp tục nghiên cứu tung sản phẩm mới tại VN bởi thị trường vẫn còn tiềm năng do tuổi trung bình người tiêu dùng trẻ, yêu thích những sản phẩm mới, hiện đại. Trong 10 năm tới, tầng lớp trung lưu của VN cũng sẽ tăng gấp 2 – 3 lần và tham vọng tập đoàn này đặt ra là đưa doanh thu của Sapporo tại thị trường VN chiếm 50% doanh thu nước ngoài của tập đoàn tại Nhật.

Mặt khác, theo tờ Nikkei, sau khi Bộ Ngoại giao Nhật công bố chương trình cắt giảm 81% thuế của các mặt hàng nông nghiệp, hai thị trường bia mà các công ty Nhật đang kỳ vọng là VN và Malaysia. Tương tự, đánh giá cơ hội từ TPP, trên một số kênh truyền thông, đại diện Hiệp hội Rượu bia Mỹ cũng cho rằng, VN là thị trường có cơ hội lớn nhất trong 12 thị trường thuộc khối TPP mà nhà kinh doanh rượu bia Mỹ kỳ vọng. Với TPP, theo cam kết, VN cũng sẽ giảm dần từ 35% thuế trên bia về 0% theo lộ trình 11 năm. Theo dự báo của Hiệp hội Bia rượu nước giải khát VN (VBA), giá bia nhập khẩu chắc chắn sẽ giảm mạnh sau TPP.

Trước đó, vào tháng 5 vừa qua, Công ty Anheuser – Busch Inbev (AB InBev), hãng bia hàng đầu thế giới đến từ Mỹ, đã khánh thành nhà máy sản xuất bia công suất 50 triệu lít mỗi năm tại Bình Dương. Theo kế hoạch, hãng bia này sẽ tăng lên 100 triệu lít/năm trong giai đoạn tiếp theo. Sản phẩm của hãng này, theo chia sẻ của đại diện AB InBev, sẽ phục vụ thị trường VN, xuất khẩu sang Ấn Độ, Lào, Campuchia và Philippines. “Sự cạnh tranh từ thị trường trong nước hiện nay khá lớn và gay gắt. Chúng tôi chưa thể kết luận được mức giảm chi phí sản xuất như thế nào, song sau TPP, chắc chắn sẽ có sự thay đổi về giá thành sản phẩm bia nói chung”, đại diện hãng bia ngoại tại VN dự báo.

Tận dụng hệ thống phân phối nội

Thực tế, cái tên Sabeco quá nóng trong thị trường bia là điều dễ hiểu, khi nhãn hàng này hiện đang chiếm lĩnh đến 46% thị phần. Thông tin từ VBA, năm 2014, tổng lượng bia sản xuất và tiêu thụ trên cả nước ước đạt 3,14 tỉ lít, tăng 8,1% so với năm trước. Năm 2015, dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 3,3 tỉ lít. Theo báo cáo của VBA, VN hiện xếp thứ 5 trong 10 nước châu Á về tiêu thụ bia, rượu bình quân, chỉ đứng sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc.

Theo chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, Tổng giám đốc Robenny, phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Mỹ, trong làn sóng dự báo có nhiều nhà đầu tư ngoại vào VN đón đầu TPP, không thể thiếu các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh. Bởi thị trường VN hiện đang cực kỳ hấp dẫn nhờ kế hoạch thoái vốn nhà nước khỏi những miếng bánh béo bở trong ngành bia, sữa, thực phẩm… Và Sabeco hay Habeco đều được đánh giá là những miếng bánh ngon trong “rổ” cổ phần hóa này. “Cũng như ngành bán lẻ, việc mua số lượng lớn cổ phần các công ty bia nội để tham gia vào thị trường ngay là chiến lược các tập đoàn nước ngoài đang nhắm đến. Không những sở hữu được mấy chục nhà máy bia với công suất lớn, khối lượng bất động sản của các công ty bia nội cũng là khối tài sản lớn đủ hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại”, ông Robert Trần phân tích.

Với các nhà đầu tư mới, theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính – Marketing, vấn đề khó khăn thường xảy ra cho các nhà đầu tư nước ngoài là xây dựng được kênh phân phối trải rộng trên toàn quốc. Trong khi đó các thương hiệu bia trong nước đã có thế mạnh trong khâu phân phối. Đồng thời hiện nay với phong trào ưu tiên và ủng hộ sử dụng hàng Việt, các thương hiệu trong nước càng được lợi thế hơn và nhờ đó doanh số tiêu thụ cũng gia tăng. “Việc mua lại những nhà máy sản xuất ở các địa phương để từ đó phát triển nhanh hơn. Cộng với khả năng quản trị điều hành, bài toán vận chuyển… các nhà đầu tư ngoại dễ dàng tiết giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận cho mình. Đặc biệt việc mua lại tỷ lệ lớn cổ phần của các thương hiệu bia trung bình, có nhà máy sản xuất ở các tỉnh thành để nắm quyền chi phối sẽ dễ thực hiện hơn. Vì vậy sự cạnh tranh giữa một số thương hiệu nội lớn như Sabeco, Habeco với các nhà đầu tư ngoại sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt”, TS Thuận nói.

Cũng như ngành bán lẻ, việc mua số lượng lớn cổ phần các công ty bia nội để tham gia vào thị trường ngay là chiến lược các tập đoàn nước ngoài đang nhắm đến. Không những sở hữu được mấy chục nhà máy bia với công suất lớn, khối lượng bất động sản của các công ty bia nội cũng là khối tài sản lớn đủ hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại.

Ông Robert Trần, chuyên gia tư vấn chiến lược

 

>> Xem các vị trí đang đăng tuyển hot trong ngành fmcg, fmcg jobs

5 điểm khác biệt giữa giới trẻ Việt Nam và Singapore

Những khác biệt lớn từ tư tưởng đến lối sống đã làm cho khoảng cách giữa hai quốc gia ngày càng xa trên biểu đồ GDP.

Làm sao để giới trẻ Việt Nam theo đuổi kịp Singapore thay cho thực trạng “chảy máu chất xám” đang diễn ra?

Trước năm 1975, Việt Nam với miền đất hứa Sài Gòn được ví là hòn ngọc Viễn Đông. Xét trên phương diện mọi mặt nước ta vẫn hơn hẳn Singapore – quốc đảo diện tích khiêm tốn tại phương Đông. Nhìn lại sau 30 năm thì nước bạn đã bỏ xa nước ta khoảng cách lớn, trở thành một trong bốn con rồng châu Á. Theo số liệu năm 2014 của Ngân hàng thế giới (World Bank) và Quỹ tiền tệ quốc tế IMF (International Monetary Fund), quy mô GDP bình quân đầu người tính bằng USD của Việt Nam còn rất thấp (1.970 USD/người): đứng thứ 7/11 nước trong khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 34/47 nước và vùng lãnh thổ ở châu Á và đứng thứ 136/191 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới có số liệu so sánh.

Trong khi đó, Singapore có GDP bình quân đầu người là 56.797 USD/người. Và Singapore xếp thứ năm sau Qatar, Luxembourg, các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất, Na Uy trong danh sách 10 nước giàu nhất thế giới năm nay của tạp chí Forbes dựa trên GDP bình quân đầu người. Phải chăng việc chú trọng vào tài nguyên con người cùng xuất phát điểm đề cao giáo dục và đào tạo đã giúp Singapore có thành tựu rực rỡ như hôm nay. Nhìn lại vấn đề con người, cùng đặt lên bàn cân đối tượng thanh niên Việt Nam và Singapore, những người chủ tương lai của quốc gia, để chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn.

Tính năng động và chủ động trong cuộc sống

Đầu tiên, phải thấy rằng thanh niên ở Singapore năng động và chủ động hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp và con đường sự nghiệp. Trẻ em Singapore đã được rèn luyện tính độc lập, không ỷ lại ngay từ bé. Họ tự tham gia các chương trình dã ngoại, ngoại khoá, rèn luyện kỹ năng sống một cách có ý thức và độc lập.

Ngay từ nhỏ, các bậc phụ huynh Việt Nam đã có tâm lý phó mặc con mình cho nhà trường mà không có sự phối hợp ăn ý. Hậu quả khi lớn lên, nhiều thanh niên vẫn còn mơ hồ con đường tương lai phía trước, lựa chọn sự nghiệp theo trào lưu đang “nóng” trong xã hội và phụ thuộc vào sự sắp đặt của bố mẹ. Thậm chí có thanh niên học đại học chỉ vì ý nguyện của gia đình. Theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, chính tư duy “cha mẹ chỉ đâu con đánh đó” đã khiến một bộ phận thanh niên đi lệch hướng. Thanh niên Việt Nam cần phải tự mình tìm con đường của bản thân.

Khao khát cống hiến và đãi ngộ nhân tài

50% thanh niên Singapore muốn làm việc cho nhà nước. Theo khảo sát năm 2012, Ủy ban phát triển kinh tế Singapore là nơi thanh niên Singapore hướng tới. Một trong những lý do chủ đạo là chính sách trọng dụng nhân tài của Singapore. Chính phủ Singapore xây dựng được một cơ chế tuyển dụng nhân tài để tạo điều kiện cho các cá nhân xuất sắc vươn lên bất kể chủng tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo. Ngoài ra, Singapore dành tặng phần thưởng dựa trên năng lực và thành tích của các cá nhân. Điều đó có nghĩa là tất cả mọi người đều có cơ hội cạnh tranh để tìm kiếm thành công.

Còn thanh niên Việt Nam lại mong muốn được tham gia các công ty tư nhân hoặc công ty nước ngoài do chính sách đãi ngộ tốt hơn. Làm việc trong các cơ quan hành chính đòi hỏi nhiều thủ tục nhiêu khê, phức tạp, “hành là chính” khiến người trẻ e dè. Rõ ràng, cơ chế làm việc ở cơ quan nhà nước Việt Nam không thật sự hấp dẫn lớp tri thức trẻ ngày nay. Hơn hết, Việt Nam hiện tại vẫn còn tư tưởng “con ông cháu cha”. Gần đây, phát ngôn gây tranh cãi của một quan chức nhà nước khi cho rằng “việc con em lãnh đạo được giao trọng trách quản lý là điều hạnh phúc cho dân tộc, không có gì phải nghi ngại” càng làm thanh niên Việt Nam bất mãn.

Tính cạnh tranh cao và sự công bằng

Ở đảo quốc sư tử, thanh niên vươn lên, phấn đấu trong công việc, tìm mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ. Mặt khác, bên cạnh tinh thần tập thể, vai trò cá nhân được đề cao trong các công ty đa quốc gia giúp mỗi cá nhân định vị giá trị bản thân của mình. Giải thích về điều này, chính nền tảng sự độc lập đã được rèn luyện cho con trẻ ngay từ nhỏ, cộng với sự ưu đãi trọng dụng người tài một cách công bằng và hiệu quả đã khiến thanh niên Singapore phấn đấu hết mình cống hiến cho đất nước.

Trong khi đó, thanh niên Việt Nam lại phần lớn khá thụ động, thường có tư tưởng ngồi mát ăn bát vàng. Tại Việt Nam, đi đôi với tài năng cần có những mối quan hệ thân thiết hay bè phái khác thì mới đầu xuôi đuôi lọt mọi chuyện. Thanh niên Việt Nam nếu có tham vọng làm giàu nhưng thích đi đường tắt như sử dụng quyền lực của gia đình, lợi dụng mối quan hệ quảng giao. Số khác, lại chọn những công việc ổn định, lương vừa đủ với tư tưởng an phận, hoàn toàn không có tinh thần cầu tiến.

Chạy theo trào lưu đám đông

Thanh niên Singapore đa phần không bị tâm lý đám đông chi phối trong lối sống. Trong khi đó, thanh niên Việt Nam rất dễ bị ảnh hưởng bởi những trào lưu bên ngoài. Ví dụ tiêu biểu như trong việc sử dụng điện thoại. Trong khi giới trẻ Singapore lại chịu khó tìm hiểu về công nghệ và chọn điện thoại theo nhu cầu sử dụng và sở thích của cá nhân thì giới trẻ Việt Nam lại chạy theo xu hướng sử dụng iPhone vì sự đánh giá địa vị xã hội, dù phần lớn họ không biết tất cả tính năng của chiếc smartphone đang sử dụng.

Trào lưu đám đông thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực giáo dục. Trong khi thanh niên Singapore chọn học theo nhu cầu và năng khiếu bản thân, thì tại Việt Nam giới trẻ lại chọn theo tính thời thượng xã hội. Cách đây 10 năm về trước, hàng loạt thanh niên Việt Nam chạy theo ngành kế toán ngân hàng. Trong thời gian gần đây, nổi lên xu hướng học ngoại thương. Các ngành khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam không được chú trọng phát triển. Vì vậy, nhiều thanh niên Việt Nam thậm chí không hề biết tham vọng của mình là gì mà chỉ chăm chú chạy theo sự biến động xã hội.

Sự cọ xát thực tế từ nền giáo dục tối ưu

Theo thống kê, gần 100% thanh niên Singapore tham gia vào các câu lạc bộ ở trường lớp và sinh hoạt ngoại khóa. Trong lĩnh vực giáo dục hiện đại tại Singapore, việc ra đề thi khơi gợi sự sáng tạo khiến thanh niên Singapore tránh tình trạng học thuộc lòng, học vẹt. Chính điều này tạo nên tâm lý thoải mái, ham học hỏi, tăng tính thực tế cho thanh niên Singapore.

Ngược lại, thanh niên tại Việt Nam lại phải tiếp thu một lượng lớn lý thuyết, việc học thêm khiến giới trẻ không đủ thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện, cộng đồng. Theo như một nghiên cứu của Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì hiện nay cũng chỉ có khoảng 20 – 30% sinh viên tham gia vào các hoạt động xã hội như công tác Đoàn, thanh niên, từ thiện… Chính vì thế, thanh niên Việt Nam đang thiếu hụt kỹ năng sống trầm trọng. Số liệu năm 2015, cả nước ta có khoảng 63% sinh viên thất nghiệp vì thiếu kỹ năng, 70,8% cử nhân ra trường lại làm những công việc trái ngành nghề được đào tạo, chỉ có khoảng 19% cử nhân làm đúng ngành nghề được đào tạo.

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Sức hấp dẫn khó cưỡng

Biến động trên thị trường bán lẻ vẫn chưa dứt và ngày càng mạnh hơn.

Gần đây hàng loạt thương hiệu bán lẻ đình đám dồn dập xuất hiện trên thị trường Việt Nam với những cái tên mới toanh như Aeon Mall, Auchan… Cuộc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ ngày càng gay gắt.

Sau khi Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ từ năm 2009 theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các đại gia bán lẻ nước ngoài đã không ngừng đổ bộ vào Việt Nam, từ Metro Cash&Carry, tới BigC, Lotte và bây giờ là Aeon, Auchan… Những lo lắng đối với ngành bán lẻ trong nước dường như ngày càng gia tăng khi các thương hiệu ngoại cứ dồn dập đến và cơi nới quy mô tại Việt Nam.

Trong những ngày đầu tháng 11, Aeon Mall của Nhật Bản trình làng một trung tâm thương mại lớn ở Long Biên có khả năng phục vụ hơn 1 triệu người.

Ngay sau đó, tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Pháp – Auchan cũng chính thức ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội (MIPEC). Cùng với đó Auchan cũng đã ký hợp đồng thuê mặt bằng của Trung tâm Thương mại Long Biên, để triển khai chuỗi siêu thị bán lẻ Simply Mart tại thị trường miền Bắc.

Theo kế hoạch, siêu thị Simply Mart đầu tiên sẽ được Auchan khai trương vào năm tới, rồi tiếp tục cơi nới dự kiến tới năm 2020 sẽ phủ kín khu vực phía Bắc với 20 siêu thị.

Không phải ngẫu nhiên mà các ông lớn ngành bán lẻ từ Nhật Bản, Đức, đến Pháp muốn đi sâu vào thị trường nội địa Việt Nam. Bởi theo phân tích của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt dung lượng 100 tỷ USD vào năm 2016.

Với cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ người dân đến các trung tâm thương mại ngày càng nhiều khiến khiến Việt Nam là mảnh đất nhiều tiềm năng với ngành bán lẻ. Sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường bán lẻ Việt Nam cũng là điều dễ hiểu.

Cũng theo bảng dữ liệu của Bộ Công thương, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, trong đó, có hơn 20 doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam. Dưới con mắt của các bán lẻ ngoại, miếng bánh thị phần còn lớn.

Cũng không quá khó để nhận thấy rằng, doanh nghiệp bán lẻ nội chỉ đang tồn tại chứ chưa hề tạo được tiếng vang. Ở thành phố Hà Nội hay tại đầu tàu kinh tế TP HCM, các nhà bán lẻ như: Hapro, Fivimart, CitiMart…, có mặt tại nhiều địa chỉ với số lượng khá lớn.

Nhưng nghịch lý lại diễn ra, một số nhà bán lẻ nội vừa có lượng khách hàng tăng, kinh doanh tốt lên thì chất lượng đi xuống. Một số khác vừa có tín hiệu kinh doanh khả quan đã vội vàng bán thương hiệu. Còn các nhà bán lẻ ngoại, đầu tư hẳn chiến lược lâu dài. Họ dựa vào nguồn lực vốn, công nghệ, đầu tư bài bản nên dần lấn át các nhà bán lẻ nội.

Theo nhận xét của bà Nguyễn Thu Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quản trị kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội) hạn chế lớn của bán lẻ Việt Nam là thiếu sự tương tác cá nhân giữa nhân viên siêu thị, trung tâm thương mại với khách hàng, dẫn đến việc thiếu thông tin về hàng hóa, không được tư vấn đầy đủ trước khi lựa chọn hàng hóa…

Bên cạnh đó, nhân viên các siêu thị thường có thái độ không tốt khi khách hàng muốn đổi hàng hoặc xử lý vấn đề phát sinh, dịch vụ giao hàng chưa chuyên nghiệp.

Bản thân các doanh nghiệp cũng chưa quan tâm đúng mức việc đào tạo nhân viên vì quan niệm, nhân viên chỉ cần biết giá hàng hóa, trả lời khách hàng những thắc mắc cơ bản là đủ. Điều này càng tạo cơ hội cho các nhà bán lẻ ngoại tranh thủ được thời cơ phát triển thị trường” – Bà Hà nhấn mạnh.

>> Báo cáo FMCG tháng 09/15

>> Việc làm ngành FMCG

>> FMCG jobs

Vietnam Airlines: Lột xác nhờ cổ phần hóa

Vietnam Airlines là mình chứng mới nhất về tính hiệu quả của việc chuyển giao tài sản của Nhà nước cho khu vực tư nhân.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang thay ðổi mạnh mẽ sau cổ phần hóa. Lãi trước thuế của tổng công ty này trong 9 tháng đầu năm 2015 đạt hơn 1.300 tỉ đồng. Ðây là kết quả khả quan, vì trong cả năm ngoái, lợi nhuận trước thuế mà doanh nghiệp này đạt được chỉ khoảng 171 tỉ đồng. Dường như chiếc áo cổ phần hóa đang mang lại những lợi ích to lớn cho Vietnam Airlines, dù quy mô cổ phần mà nhà đầu tư bên ngoài sở hữu vẫn khiêm tốn, chỉ 3,5%.

Theo Vietnam Airlines, kết quả tích cực này là do Công ty đã tiến hành tái cấu trúc, hợp lý hóa quy trình sản xuất, thoái vốn khỏi các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành. Doanh nghiệp này đang rà soát để giảm số lượng nhân viên xuống còn 6.500 người vào năm sau, từ mức hơn 11.000 trong năm 2014. Nếu điều này diễn ra, đây là sẽ đợt cắt giảm nhân sự lớn nhất của Vietnam Airlines từ trước đến nay.

Tính đến tháng 9, Vietnam Airlines đã thực hiện gần 100.000 chuyến bay trong năm, tăng 5% so với cùng kỳ. Năng suất của nhân viên cũng được cải thiện. Đó là niềm khích lệ lớn cho chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước còn lại của Chính phủ.

Trước Vietnam Airlines, bài học về tính hiệu quả khi tài sản của Nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân cũng thể hiện rõ nét. Ví dụ như trường hợp Ngân hàng Vietcombank, BIDV trong lĩnh vực tài chính; Traphaco, Dược Hậu Giang trong lĩnh vực dược phẩm; hay Café Biên Hòa cũng chứng kiến tăng trưởng tốt kể từ khi về tay của Masan. Công ty sữa Vinamilk thì đã trở thành một thế lực lớn không chỉ trong nước mà còn ở khu vực Đông Nam Á, kể từ sau cổ phần hóa.

Hiện Việt Nam đã tham gia Hiệp định TPP, trong đó có điều khoản buộc nhóm doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh bình đẳng với các khu vực khác. Vì thế, những đặc quyền được ban phát cho các tập đoàn, tổng công ty quốc doanh sẽ không còn rộng rãi như trước. Các doanh nghiệp này sẽ không còn cách nào khác mà phải nỗ lực hơn, dựa vào năng lực để phát triển.

Hãy quay trở lại với trường hợp của Vietnam Airlines, có thể thấy vẫn còn một động lực khác khiến doanh nghiệp này phải nỗ lực để cải thiện mình. Đó là “chiêu dụ” được nhà đầu tư chiến lược mua lại 20% cổ phần của Công ty, với giá mua chưa được công bố. Nếu tạm sử dụng mức giá trung bình của đợt cổ phần hóa trước đó (khoảng 22.300 đồng/cổ phiếu), số tiền Vietnam Airlines thu về từ nhà đầu tư chiến lược có thể lên đến 6.300 tỉ đồng. Ðây sẽ một nguồn tiền đủ lớn bổ sung cho vốn hoạt động của Công ty.

Thông tin về nhà đầu tư chiến lược của Vietnam Airlines có lẽ cũng sẽ sớm xuất hiện trong thời gian tới. Theo Financial Times (Anh), hãng hàng không ANA của Nhật đang đàm phán để trở thành nhà đầu tư chiến lược của hãng hàng không lớn nhất Việt Nam. Việc sở hữu thêm một doanh nghiệp hàng không tại châu Á sẽ giúp ANA gia tăng thị phần đáng kể, đặc biệt là khi họ đang sở hữu khoản tiền khổng lồ 4 tỉ USD từ thương vụ phát hành cổ phiếu vào năm 2012.

Nếu hợp tác với ANA, Vietnam Airlines sẽ nhận được sự hỗ trợ lớn về tài chính và kinh nghiệm quản trị để đảo ngược xu thế mất thị phần tại Việt Nam, do sự cạnh tranh từ hãng hàng không giá rẻ Vietjet.

Hiện thị phần của Vietnam Airlines chỉ còn khoảng 60%, giảm từ mức 80% trong các năm trước. Còn Vietjet, từ thị phần khiêm tốn cách đây vài năm, giờ đã nắm tới 30% thị phần và không ngừng tăng tốc. Gần 10% còn lại được chia cho các hãng nhỏ hơn như Jetstar Pacific hay Vasco.

Đầu năm ngoái, Vietjet đã quyết định đầu tư 9,1 tỉ USD để mua và thuê hơn 100 máy bay của Airbus. Trong đó gồm một số lượng lớn máy bay A320 để mở rộng thị phần hàng không giá rẻ trong nước và cả thị trường Đông Nam Á trong những năm tới, khi cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) đang từng bước được hình thành.

Thực tế, Việt Nam cũng đang nổi lên là địa điểm yêu thích của các hãng hàng không nước ngoài. Mới đây, hãng hàng không giá rẻ Nok Air (Thái Lan) đã mở lại tuyến bay đến Việt Nam sau khi rút lui khỏi thị trường này vào năm 2008. Ở phân khúc cấp cao hơn, Việt Nam đang chứng kiến sự xuất hiện ngày càng nhiều của các đối thủ mới đến từ Trung Đông như Emirates hay Qatar Airways. Họ đến Việt Nam vì nhìn thấy nhiều cơ hội có thể khai khác được ở đây.

Theo Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam được dự báo sẽ là thị trường tăng trưởng nhanh thứ 7 thế giới trong giai đoạn 2013-2017.

Theo Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam được dự báo sẽ là thị trường tăng trưởng nhanh thứ 7 thế giới trong giai đoạn 2013-2017. Tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm cho lượng khách quốc tế và lượng hàng hóa vận chuyển lần lượt là 6,9 % và 6,6%.

Trước sức nóng cạnh tranh ngày càng tăng, chắc chắn Vietnam Airlines không thể ngồi yên. Ngoài việc ráo riết tìm các cổ đông chiến lược mới có năng lực, từ tháng 5.2015, hãng hàng không này đã khởi động chiến dịch thay thế đội máy bay cũ bằng đội bay mới như Airbus A350 hay Boeing B787. Điều này sẽ cần thiết, vì đây đều là những máy bay hiện đại có thể khai khác hiệu quả các tuyến quốc tế, nơi mà thị phần chủ yếu hiện rơi vào tay các hãng nước ngoài.

Bên cạnh đó, Vienam Airlines cũng đang cố gắng cải thiện chất lượng dịch vụ hàng không để đạt đến chuẩn 4 sao đầu tiên của Việt Nam trong vòng 1-2 năm tới. Trong chiến lược phát triển, doanh nghiệp này sẽ phát triển song song phân khúc cấp cao và cấp thấp hơn. Phân khúc cấp cao sẽ hướng tới phát triển các đường bay tới những nền kinh tế lớn, trung tâm tài chính của thế giới với hành khách có thu nhập cao. Còn phân khúc giá rẻ sẽ được thực hiện bởi công ty con là Jestar Pacific, đánh vào thị trường nội địa và khu vực.

Sẽ còn nhiều thách thức để Vietnam Airlines giành lại phần nào thị phần đã mất. Tuy vậy, dấu hiệu khả quan về tài chính sau khi cổ phần hóa đang chứng tỏ rằng con đường Vietnam Airlines đang đi là đúng hướng.

Dầu mất giá, ngành dầu đá phiến Mỹ cắt giảm mạnh chi phí đầu tư

Năm 2016, các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ sẽ tiếp tục cắt giảm chi phí đầu tư để đối phó với tình trạng dầu mất giá kéo dài.

Những công ty dầu đá phiến hàng đầu, kể cả Devon Energy Corp, Continental Resources Inc và Marathon Oil Corp, vừa công bố kế hoạch sơ bộ 2016 cho thấy chi phí đầu tư có thể giảm 2 con số.

Việc cắt giảm này, diễn ra sau khi chi phí đầu tư của nhiều công ty dầu đá phiến giảm 30-40% trong năm nay, sẽ khiến ngân sách chỉ bằng một phần trong thời kỳ đỉnh cao của bùng nổ dầu đá phiến giữa năm 2014. Chi phí thấp hơn và năng suất được cải thiện sẽ cho phép các công ty của Mỹ duy trì sản lượng dầu đá phiến ở mức tương đối ổn định.

Tuy không đưa ra con số cụ thể, song Dough Lawler, giám đốc điều hành Chesapeake Energy Corp trụ sở tại Oklahoma, cho biết, chi phí đầu tư năm 2016 sẽ được “cắt giảm đáng kể”.

Peter Speer, nhà phân tích tại Moody, dự đoán chi phí đầu tư sẽ tiếp tục được cắt giảm khi các công ty thăm do và khai thác cố gắng tồn tại trong bối cảnh nguồn thu liên tục sụt giảm. Cơ quan xếp hạng tín dụng này cũng dự đoán năm 2016 chi phí đầu tư của các công ty dầu đá phiến Mỹ sẽ giảm ít nhất 10-15%.

Devon Energy Corp dự định chi 2-2,5 tỷ USD cho hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí năm 2016, giảm từ 4 tỷ USD trong năm nay. Marathon Oil đang giảm 1 tỷ USD từ các dự án của công ty.

Oasis Petroleum Inc – đang khai thác dầu mỏ tại North Dakota – đã lên kế hoạch chi 350 triệu USD trong năm 2016 cho hoạt động khoan dầu và hoàn thiện các giếng dầu mới, thấp hơn 200 triệu USD so với kế hoạch chi trong năm nay. Khoảng ½ việc cắt giảm chi phí đầu tư của Oasis – trụ sở tại Houston – là nhờ chi phí vận hành các giếng dầu giảm.

Continental Resources – công ty sản xuất dầu mỏ lớn thứ 2 ở North Dakota – cho biết sẽ cần phải chi 1,5-1,6 tỷ USD trong năm 2016 để duy trì sản lượng ở 200.000 thùng dầu/ngày, chưa bằng ½ so với 3,4 tỷ USD công ty đang chi ra trong năm nay.

Số giàn khoan giảm tuần thứ 10 liên tiếp

Theo số liệu của Baker Hughes, trong tuần kết thúc vào 6/11, số giàn khoan đang hoạt động của Mỹ giảm 6 giàn xuống 572 giàn, ghi nhận tuần thứ 10 giảm liên tiếp và ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 6/2010.

10 tuần qua, số giàn khoan đang hoạt động của Mỹ đã giảm 103 giàn.

Tuy giá dầu Mỹ trong tuần kết thúc vào 6/11 đạt 46 USD/thùng, tăng so với 45 USD/thùng tuần trước đó, song giá dầu kỳ hạn vẫn giảm 3 trong 4 tuần vừa qua do tình trạng thừa cung và USD mạnh lên.

Theo giới thương nhân, tốc độ giảm của số giàn khoan trong 2 tháng qua – bình quân 11 giàn/tuần – vẫn thấp hơn nhiều so với 19 giàn bình quân trong năm 2014 kể từ khi số giàn khoan đạt kỷ lục 1.609 giàn hồi tháng 10/2014, một phần do kỳ vọng giá dầu sẽ hồi phục trong thời gian tới.

Tuy tổng số giảm, song số giàn khoan tại 3 trong 4 khu vực khai thác chủ chốt của Mỹ trong tuần kết thúc vào 6/11 lại tăng. Các công ty dầu mỏ đã tăng thêm 4 giàn khoan tại Permian ở West Texas và phía đông New Mexico và tại Bakken ở North Dakota, Motana và Niobrara ở Colorado và Wyoming, mỗi khu vực tăng thêm 1 giàn khoan.

>> Việc làm ngành dầu khí

>> Oil & Gas Jobs