Monthly Archives: November 2015

CEO GrabTaxi Việt Nam: “Tôi chỉ mong làm tốt những gì đang có”

Sinh năm 1982, Nguyễn Tuấn Anh khởi nghiệp năm 2013 với công việc tưởng nhàn hạ, nhưng thật ra theo anh là càng phát triển càng thấy có quá nhiều việc để làm mà chưa làm được: Điều hành GrabTaxi Việt Nam.

Từ chỗ một DN hoàn toàn mới đến quy mô phát triển với 200 nhân viên, đưa GrabTaxi Việt Nam nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, Nguyễn Tuấn Anh đã được TW Hội LHTN VN, TW Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam, CLB Sao Đỏ bình chọn trong Top 100 doanh nhân trẻ Khởi nghiệp xuất sắc.

Nền tảng kết nối: Công nghệ

* Thị trường dịch vụ taxi ở Việt Nam đang ngày càng quen dần với những DN ứng dụng công nghệ làm nền tảng để cung cấp dịch vụ. Trong đó, GrabTaxi có lẽ là một trong những thương hiệu trẻ nhất?

GrabTaxi chính thức khởi nguồn từ Malaysia vào năm 2011. Năm 2012 bắt rục rịch vào VN và đến cuối 2013 mới triển khai. Tuy là thương hiệu trẻ nhưng GrabTaxi đã được Tập đoàn phát triển nhanh chóng, đã có mặt ở 6 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á bao gồm Malaysia, Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Philippine và Indonesia. Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia khởi động GrabTaxi muộn hơn so với ở những quốc gia còn lại, nhưng tính đến thời điểm hiện nay, tốc độ tăng trưởng của mỗi GrabTaxi tại 6 quốc gia đều đạt tương đương nhau. Có lẽ có cơ duyên nào đó, tôi đã được Tập đoàn GrabTaxi từ Malaysia mời hợp tác ngay từ khi họ muốn kinh doanh và có mặt ở Việt Nam.

Nguyễn Tuấn Anh

* Điều gì khiến anh nhận lời “khởi nghiệp” điều hành với GrabTaxi? Và theo anh điều gì ở anh khiến GrabTaxi mong muốn anh làm đại diện quản lí?

Nghiên cứu mô hình kinh doanh, quản lí của GrabTaxi tại các quốc gia khác, như ở Malaysia hay Thái Lan, tôi thấy đây là một dự án kinh doanh hay, có lợi cho xã hội. Vừa hay lại vừa có ích cho nhiều người, thì tôi đương nhiên muốn làm. Còn bản thân tôi có gì và vì sao được GrabTaxi liên hệ, mời làm việc, có lẽ phải… hỏi Tập đoàn thôi (cười).

* Dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để kết nối phương tiện và khách hàng, liệu GrabTaxi có gì khác so với các DN cùng mô hình cũng đang phát triển ở Việt Nam như Uber, Easy…?

So sánh mình với các DN cùng ngành hàng là điều không nên, hoặc nói cách kết quả so sánh cũng là một trong những bí quyết kinh doanh. Tôi chỉ có thể nói là GrabTaxi chỉ hiện diện ở khu vực Đông Nam Á, và ở Việt Nam thì đã được Bộ Giao thông Vận tải chính thức cấp phép hoạt động. GrabTaxi Việt Nam là DN Việt Nam, có đại diện pháp nhân Việt Nam. Chúng tôi tuân thủ mọi quy định của pháp luật, bao gồm các nghĩa vụ thuế. GrabTaxi cũng là DN đầu tiên và duy nhất được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất trình Chính phủ cho thí điểm thực hiện đề án “triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng”, sau những vấn đề mà các mô hình kinh doanh bằng công nghệ liên quan đến lĩnh vực vận tải đã “làm nóng” thị trường thời gian qua…

* Ngoài những kết quả so sánh thiên về tính chất “giới thiệu” như vậy, cốt lõi khác biệt của GrabTaxi VN, so với các DN khác, là?

Nền tảng của chúng tôi là công nghệ kết nối giữa khách hàng với lái xe. Sự kết nối bao gồm cả các xe do GrabTaxi Việt Nam kí hợp đồng (Siêu rẻ) và kết nối với chính taxi của các hãng taxi có mặt trên thị trường (GrabTaxi) . Ngoài ra, chúng tôi có GrabBike – là dịch vụ riêng mà xét trên quy mô Tập đoàn, chỉ có ở Việt Nam và Indonesia. Đồng thời chúng tôi cũng đang thí điểm triển khai dịch vụ Giao hàng, nhận giao hàng tận nơi với các sản phẩm trị giá dưới 2 triệu đồng.

Nền tảng phát triển: Niềm tin

111.000 tài xế là thành viên của GrabTaxi tại Đông Nam Á, với app GrabTaxi đạt 6 triệu lượt tải ứng dụng. Trung bình cứ 1 giây, có 11 lượt gọi xe GrabTaxi trên toàn khu vực.

* Nếu nền tảng để vận hành GrabTaxi là công nghệ, thì điều gì là nền tảng để dịch vụ của anh không bị “vướng” các xì-căng-đan khi thách thức của hoạt động chuyên chở người vẫn thường xuyên xảy ra chuyện khách hàng “9 người 10 ý”?

Niềm tin. Chúng tôi xây dựng hệ thống với các thành viên được thẩm định chất lượng, được đào tạo phục vụ dịch vụ đúng quy trình. Vận hành một hệ thống đông đảo các thành viên trực tiếp và gián tiếp như vậy bằng công nghệ, chúng tôi tiết giảm được rất nhiều chi phí và sức lực. Chi phí đó lại được dùng để đầu tư phát triển công nghệ mạnh mẽ, tối ưu hơn nữa, có lợi hơn nữa cho khách hàng và các thành viên. Hiện tại Malaysia, GrabTaxi đã đầu tư phòng phát triển công nghị với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD. Công nghệ và quy trình sẽ giúp chúng tôi giải quyết được một phần bài toán làm sao để dịch vụ luôn có xe và có xe nhanh cho khách hàng theo yêu cầu.

* Anh có thể nói đôi chút về GrabBike? Với một dịch vụ mà đối tượng làm dịch vụ trực tiếp chưa hẳn đều quan tâm đến ứng dụng công nghệ, cái khó nhất của anh khi triển khai dịch vụ này là gì?

Xếp sau “siêu rẻ”, GrabBike là một trong những dịch vụ có tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam hiện nay. Một phần do Việt Nam là thị trường của phương tiện chuyên chở xe máy. Và đó cũng là lí do tôi đã sáng tạo ra dịch vụ, tận dụng phương tiện chính của người dân trên thị trường nhằm đáp úng trúng nhu cầu của đại đa số người dân. Một phần là ngoài suy nghĩ của nhiều người, các bác “xe ôm”, những nhà triển khai trực tiếp dịch vụ, có thể ban đầu sẽ không quan tâm nhiều đến công nghệ hoặc chịu mua sắm các thiết bị để có thể cài đặt ứng dụng và trở thành thành viên của GrabBike như điện thoại thông minh, nhưng sau khi thấy lợi ích thực sự, doanh thu của họ có thể tăng lên, họ đã rất hào hứng và chịu “đầu tư”. Hiện tại, GrabTaxi cung cấp cho mỗi người chạy GrabBike một thiết bị điện thoại thông minh với giá 1.900.000 đồng, là giá vốn của chúng tôi. Nhưng các “xe ôm” chỉ đầu tư và chạy đều một tháng là hoàn vốn. Trong năm qua, tại Hà Nội, những thành viên GrabBike có doanh thu tăng gấp đôi so với chạy xe tự phát trước đây, còn ở TP HCM mức tăng doanh thu bình quân của họ là 30%.

* Nếu muốn một “cuốc” xe ôm qua GrabBike, khách hàng có phải trả phí cao hơn so với “cuốc” xe ôm phổ biến theo dạng cá nhân tự phát trên thị trường? GrabTaxi thu phí góp doanh thu cho mình theo cơ chế nào?

Chắc chắn rẻ hơn. Theo khảo sát của chúng tôi, GrabBike đang có giá “xe ôm” rẻ nhất, với giá chỉ 3000 đồng/km. Đồng thời các dịch vụ khác cũng có giá phải chăng, ví dụ dịch vụ giao hàng cũng có giá 3.000 đồng/km. Với dịch vụ GrabTaxi, khách hàng sẽ trả tiền theo đồng hồ taxi sau khi kết thúc chuyến đi. Chúng tôi cũng tổ chức hàng loạt chương trình tri ân khách hàng hấp dẫn như đi Taxi trúng Macbook, nhận bánh Trung Thu để kích thích người tiêu dùng trải nghiệm dịch vụ

Đừng tìm kiếm thị trường không cạnh tranh!”

Grabbike* Những DN công nghệ, kinh doanh dịch vụ vận chuyển chỉ đầu tư công nghệ mà không đầu tư xe như GrabTaxi, đang bị xem là đối trọng và cạnh tranh với các DN dịch vụ taxi truyền thống – những hãng taxi kinh doanh trên đầu xe và khiến các hãng này gặp khó. Anh có nghĩ như vậy?

Chúng tôi hợp tác với nhiều hãng xe. Nguyên tắc hợp tác của GrabTaxi với các bên là: Ứng dụng công nghệ, vào hệ thống của GrabTaxi, tài xế sẽ có nhiều khách hàng hơn, tăng doanh thu tốt hơn. Hãng xe vẫn được hưởng phần trên doanh thu tăng lên đó. Vậy có lí do gì để xem chúng tôi là đối trọng, đối thủ?

Tất nhiên, tôi nghĩ thị trường nào cũng cần sự cạnh tranh. Đừng mất công tìm kiếm thị trường không cạnh tranh. Ở lĩnh vực chúng tôi hoạt động, đây là sự cạnh tranh và hợp tác để nhiều bên và cộng đồng đều được hưởng lợi. Cũng có một tài hãng xe không hợp tác với chúng tôi nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên trao đổi với nhau. Họ cũng không xem GrabTaxi là đối thủ.

* Kinh doanh chủ yếu dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ, GrabTaxi hiện nay và tương lai chắc chắn sẽ ngày càng phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ, khi bản thân nhiều hãng taxi lớn đang có chiến lược và đầu tư ứng dụng công nghệ, ra “app” của chính mình?

Mỗi hãng sẽ chỉ có khách hàng và kinh doanh được trên app của riêng họ, như kiểu trước đây họ chỉ kết nối với khách hàng bằng tổng đài trực tiếp. Còn GrabTaxi là sự kết nối trung gian, kết nối được với mọi khách hàng. Thông qua app của GrabTaxi, khách hàng có thể gọi xe của nhiều hãng khác nhau. Do đó tôi nghĩ GrabTaxi sẽ không chịu nhiều áp lực.

* Nhưng ở các điểm mà hãng xe “thuê” bãi đỗ, đón độc quyền như sân bay, khách sạn… cơ hội cạnh tranh của GrabTaxi vẫn bị hạn chế?

Đúng vậy. Tuy nhiên với một thị trường còn rất rộng mở như Việt Nam, chúng tôi cũng không quá lo lắng. Điều tôi lo là trước mắt, cứ phải làm tốt nhất những gì mình đã có, đã gầy dựng được. Và sau đó, là còn rất nhiều việc phải làm, để làm, nhằm khai thác và phục vụ người tiêu dùng trên thị trường tốt hơn.

* Anh có dự định làm nhà điều hành chuyên nghiệp, gắn bó dài lâu với DN đã Khởi nghiệp, hoặc sẽ làm chủ một dự án khác?

Tôi luôn tư duy rằng: Mình muốn 1% của một cơ ngơi hàng triệu triệu đô, hay muốn 100% của một cơ ngơi chỉ vài tỷ đồng? Câu trả lời của tôi có lẽ sẽ giống câu trả lời của rất nhiều người đang làm kinh doanh khác – cái quan trọng không phải là làm chủ hay làm thuê, mà là cái mình đang làm, đang kinh doanh, có gì là mình, và mình có được tự do làm điều mình thích, mình cho là đúng hay không.

* Xin cảm ơn anh!

Theo BrandsVietnam

Bán lẻ điện thoại di động: Đến lượt MobiFone

Tách khỏi VNPT, MobiFone nhanh chóng tiến đến mục tiêu đa dạng hóa hoạt động với việc đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ thiết bị di động.

Liệu MobiFone, với thế mạnh về viễn thông, có thể giành phần thắng trên một thị trường cạnh tranh khốc liệt và biên lợi nhuận thấp?

Vì sao là bán lẻ?

Trước đây, khi còn thuộc Tập đoàn VNPT, MobiFone đã úp mở sẽ tham gia vào thị trường bán lẻ thiết bị di động. Nói cách khác, tham gia vào thị trường bán lẻ là chiến lược đã có từ rất lâu của MobiFone. Cũng cần nói thêm, mục tiêu của nhà mạng này khi tách khỏi VNPT là trở thành công ty đa dịch vụ ở các lĩnh vực như bán lẻ, di động, truyền hình và đa phương tiện.

Với cửa hàng bán lẻ thiết bị di động vừa khai trương tại 80 Nguyễn Du (quận 1, TPHCM), MobiFone nhắm đến xây dựng thêm 100 chuỗi cửa hàng bán lẻ trong năm đầu tiên. Xuất phát từ một nhà mạng cung cấp dịch vụ sóng di động, MobiFone có những lợi thế so với các đối thủ truyền thống.

Ảnh: Internet

Đầu tiên là lợi thế nhà mạng lớn. Thị trường viễn thông di động Việt Nam hiện có 5 nhà mạng đang hoạt động. Tuy nhiên, có 3 nhà mạng chiếm gần 90% thị phần là Viettel, MobiFone và VinaPhone. Theo số liệu được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại Hội nghị giao ban tháng 5.2015, Viettel hiện kiểm soát 52,2% thị phần, còn VinaPhone và MobiFone đang cùng nắm giữ thị phần khoảng 18%.

Với vị thế đứng thứ 2, MobiFone chỉ cần áp dụng dịch vụ khuyến mãi thuê bao khi mua điện thoại di động thì sẽ thu hút được khách hàng. Lợi thế này sẽ ăn đứt các hệ thống bán lẻ lớn như Thế Giới Di Động, Viễn thông A, FPT…, vốn chỉ là nhà bán lẻ thông thường.

Việc bán thiết bị đi kèm hợp đồng của nhà mạng đã tạo ra một thứ “quyền lực” cho nhà mạng cung cấp. Chẳng hạn, chính sách bán điện thoại thông minh (smartphone) kèm hợp đồng 2 năm buộc khách hàng sử dụng duy nhất một nhà mạng áp dụng cho iPhone đã được hãng viễn thông AT&T thực hiện thành công nhiều năm nay ở Mỹ. Đến nay, chính sách này đã được áp dụng rộng rãi đối với nhiều smartphone. MobiFone hoàn toàn có thể thực hiện theo mô hình này.

Ông Cao Duy Hải, Tổng Giám đốc MobiFone, chia sẻ với báo giới rằng MobiFone đang từng bước hiện thực hóa chiến lược kinh doanh mới của mình. Bên cạnh việc tạo dựng lợi thế cạnh tranh về mức giá các thiết bị công nghệ, MobiFone sẽ áp dụng các gói cước với mức ưu đãi tối đa cho khách hàng khi mua sản phẩm đầu cuối. Cũng theo ông Hải, MobiFone đã tìm hiểu và theo dõi mảng bán lẻ từ nhiều năm nay. Vì thế, Công ty hoàn toàn tự tin khi tham gia vào lĩnh vực này.

Theo số liệu được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tháng 5.2015, Viettel hiện kiểm soát 52,2% thị phần, còn VinaPhone và MobiFone đang cùng nắm giữ thị phần khoảng 18%.

Ở một góc độ khác, MobiFone có thể tận dụng chính những điểm thu cước phí hoặc cửa hàng dịch vụ có sẵn để bán sản phẩm. Vậy là với chi phí mặt bằng không thay đổi, chỉ cần mở rộng và chỉnh sửa mặt bằng, Công ty đã có thể gia tăng lợi nhuận tại hệ thống cửa hàng có sẵn. MobiFone hiện có khoảng 2.000 điểm giao dịch trên toàn quốc. Đây là ưu thế lớn so với chỉ khoảng 508 điểm bán lẻ của Thế Giới Di Động, gần 240 điểm của FPT.

Không những tận dụng mặt bằng có sẵn, chuỗi bán lẻ của MobiFone được thực hiện theo mô hình hệ thống cửa hàng (offline) và cửa hàng trực tuyến online M360. Việc bán hàng sẽ thông qua hệ thống website MobiFone, hệ thống tổng đài chăm sóc khách hàng 1800 1090 và các dịch vụ khác của MobiFone để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh như tiếp thị, khuyến mại, bán hàng trực tuyến, tư vấn chăm sóc khách hàng mua các sản phẩm.

Hiện MobiFone đang liên kết với Công ty DigiWorld phân phối các sản phẩm di động. Nếu MobiFone chỉ cần trở thành nhà phân phối độc quyền một số dòng sản phẩm đang rất được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam như iPhone chẳng hạn, với gói cước miễn phí hoặc ưu đãi, chắc chắn những nhà bán lẻ lớn cũng khó lòng cạnh tranh.

Bài học từ những người đi trước

Tính đến cuối năm 2014, Thế Giới Di Động đang chiếm 30% thị phần bán lẻ điện thoại di động tại Việt Nam, đứng thứ 2 là FPT với 10%, các nhà bán lẻ khác như Viettel, Viễn thông A… khoảng 20%, còn lại là các cửa hàng nhỏ lẻ. Tuy nhiên, cho rằng biên lợi nhuận ngày càng giảm và thị trường điện thoại di động đã đi vào đại dương đỏ, Thế Giới Di Động đã đi tìm một đại dương mới với lĩnh vực bán lẻ thực phẩm.

“Tân binh” MobiFone muốn có được thị phần này chắc chắn phải mạnh tay với những chiến lược táo bạo, có như vậy mới mong giành phần thắng. Lý do là trước MobiFone, nhà mạng Viettel đã tham gia vào thị trường bán lẻ từ năm 2006. Cho đến nay, Viettel cũng chưa đạt 10% thị phần. Nên nhớ, Viettel dẫn đầu thị phần nhà mạng và số thuê bao cao nhất Việt Nam với 57,4 triệu thuê bao.

Ảnh: Internet

Khi mới tham gia vào thị trường bán lẻ di động, Viettel có chiến lược chiếm lĩnh thị trường như bán máy ngang giá với các siêu thị khác nhưng kèm theo các ưu đãi khi hòa mạng, gói dịch vụ như cước 3G, số phút gọi, nhắn tin miễn phí hằng tháng. Đó là chưa kể chính sách “tặng máy” khi hòa mạng của chính Viettel. Nhà mạng này còn tự tin, thỏa thuận đạt được với các nhà cung cấp điện thoại hàng đầu như Apple, Nokia, HTC, Samsung… giúp Viettel đạt mục tiêu cung cấp các dòng điện thoại chính hãng với chi phí thấp nhất trên thị trường.

Thế nhưng, đến nay Viettel vẫn chưa đạt được mục tiêu mong muốn. Có nhiều lý do khiến Viettel Store, hệ thống bán lẻ của Viettel, gặp khó khăn. Trong đó, hệ thống quản lý hàng tồn kho, quản lý chuỗi và hậu cần là những vấn đề cơ bản nhất. Nhảy vào lĩnh vực di động, Viettel sẽ là bài học điển hình mà MobiFone cần quan tâm.

Ngay như FPT tham gia vào lĩnh vực bán lẻ điện thoại di động từ năm 2007, dù chưa tạo được đột phá nhưng cũng vượt qua Viettel trong lĩnh vực bán lẻ. Nhìn nhận thực tế, Viettel vẫn là một công ty viễn thông quân đội, chưa hoàn toàn thoát ra khỏi tư tưởng nhà nước. Đối với mảng bán lẻ, có lẽ Viettel chỉ xem như một mảng cộng thêm, chứ không chú trọng phát triển nó trở thành một mô hình kinh doanh đúng nghĩa.

Là tập đoàn viễn thông quân đội, Viettel còn gánh nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia và đầu tư ra nước ngoài theo chỉ đạo của Nhà nước. Vì thế, với một MobiFone ra riêng và tư duy kinh doanh thông thoáng, Công ty có thể sẽ làm nên chuyện ở thị trường bán lẻ thiết bị đi động trong thời gian tới.

7 cách đặt câu hỏi thông minh với nhà tuyển dụng

“Anh/chị có muốn hỏi thêm gì không?”. Đó là một câu hỏi mà nhà tuyển dụng thường hỏi ứng viên vào cuối các buổi phỏng vấn là như một “công thức” để thể hiện sự chuyên nghiệp, lịch sự và tôn trọng đối với ứng viên.

Tuy nhiên, theo Jeff Haden – một chuyên gia có tầm ảnh hưởng trên mạng LinkedIn, cộng tác viên thường xuyên của tạp chí Inc., trên thực tế câu hỏi này có thể làm mất thời gian của cả hai bên. Lý do, theo Haden là đa số ứng viên chẳng quan tâm gì đến câu trả lời. Nếu có đặt ra câu hỏi thì ứng viên thường muốn thể hiện bản thân với những câu hỏi “thông minh”. Đối với họ, những gì mà họ đặt câu hỏi quan trọng hơn những gì mà nhà tuyển dụng trả lời.

Nhưng cũng có một số ứng viên thật sự quan tâm đến câu trả lời. Theo Haden, những ứng viên giỏi nhất nằm trong số này và họ muốn phỏng vấn ngược lại nhà tuyển dụng để đánh giá liệu họ có thật sự phù hợp hay mong muốn làm việc với nhà tuyển dụng hay không. Trong trường hợp đó, Haden khuyên ứng viên nên đặt những câu hỏi như sau.

1. “Doanh nghiệp mong muốn tôi đạt được điều gì trong ba tháng đầu tiên?”

Các ứng viên giỏi thường muốn tạo ra những thành tích ấn tượng trong thời gian đầu làm việc tại doanh nghiệp. Họ không muốn mất thời gian vài tuần, thậm chí vài tháng để “tìm hiểu tổ chức”, hoặc tham gia vào các khóa đào tạo định hướng kéo dài. Họ muốn tạo ra sự khác biệt ngay từ những ngày đầu.

2. “Theo các tiêu chí đánh giá nhân sự của doanh nghiệp, những nhân viên giỏi nhất có những đặc điểm chung gì?”

Các ứng viên tốt cũng muốn trở thành nhân viên giỏi của doanh nghiệp sau này. Họ hiểu rằng mỗi tổ chức đều có cách đánh giá nhân sự khác nhau và muốn chủ động hiểu được những phẩm chất cần có của một nhân viên giỏi ở tổ chức mà họ đang ứng tuyển.

Những tiêu chí đó có thể bao gồm: sẵn sàng làm việc với thời gian kéo dài, đặt tính sáng tạo lên trên phương pháp giải quyết công việc, thường xuyên phát triển thành công khách hàng mới ở những thị trường mới, sẵn sàng dành thời gian huấn luyện nhân viên mới…

Những ứng viên tốt muốn nắm bắt những điều này để đánh giá liệu họ có phù hợp và biết trước phải làm những gì để trở thành những nhân viên giỏi nhất.

3. “Những yếu tố quyết định thành công đối với công việc này là gì?”

Doanh nghiệp nào cũng mong muốn nhân viên của mình tạo ra những kết quả tích cực. Mỗi công việc lại có những yếu tố hay hoạt động quan trọng, quyết định đến kết quả của nó. Khi ứng viên hiểu được những yếu tố này, họ sẽ nhanh chóng thích nghi với tổ chức, làm việc có kết quả tốt và gắn bó lâu dài với tổ chức. Doanh nghiệp thì giảm được chi phí đào tạo, cải thiện năng suất lao động.

Những ứng viên giỏi hiểu rằng giúp công ty thành công cũng đồng nghĩa với việc giúp bản thân họ thành công.

4. “Các mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp trong năm nay là gì, vị trí của tôi góp phần như thế nào trong việc thực hiện các mục tiêu ấy?”

Các ứng viên tốt thường tìm những công việc có mục đích và ý nghĩa rộng lớn hơn. Họ cũng muốn làm việc với những người có cùng quan điểm về công việc như mình.

5. “Tỷ lệ nhân viên mới được nhân viên hiện tại của doanh nghiệp giới thiệu là bao nhiêu?”

Những nhân viên yêu thích công việc của mình thường chủ động giới thiệu bạn bè, người thân cùng đến làm việc với công ty của họ. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng thường mời những nhân viên, cộng sự mà mình từng quen biết, tin tưởng trước đây về làm việc cùng với mình.

Một công ty có nhiều nhân viên mới được nhân viên hiện tại của doanh nghiệp giới thiệu thường là một tổ chức có môi trường làm việc tốt và văn hóa doanh nghiệp vững mạnh.

6. “Nhân viên của doanh nghiệp thường làm gì vào những lúc rảnh?”

Những ứng viên tốt thường có khuynh hướng chọn các công việc giúp họ có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống cũng như hòa hợp với đồng nghiệp.

Tuy nhiên, Haden cho rằng, đây là một câu hỏi khó đối với nhà tuyển dụng. Trừ khi doanh nghiệp quá nhỏ, Haden khuyên nhà tuyển dụng có thể trả lời chung chung, đưa ra dẫn chứng một số hoạt động tiêu biểu của nhân viên.

7. “Doanh nghiệp sẽ làm gì nếu…?”

Doanh nghiệp nào cũng sẽ có lúc phải đương đầu với những khó khăn, thách thức lớn như thay đổi về công nghệ, sự xuất hiện của đối thủ cạnh tranh mới, thay đổi về xu hướng kinh tế… Những ứng viên tốt luôn xem đây là cơ hội để họ phát huy năng lực của bản thân, cùng phát triển và thành công với doanh nghiệp. Ngay cả khi rời công ty, họ cũng muốn để lại trên lý lịch làm việc của mình những thành tích từng đưa công ty vượt qua những khó khăn, thách thức và đi đến thành công chứ không phải vì lý do công ty đóng cửa.

Những ứng viên tốt không chỉ muốn biết doanh nghiệp đang nghĩ gì mà còn muốn biết doanh nghiệp sẽ làm gì trước những thay đổi lớn và đánh giá liệu mình có cơ hội phát triển và thành công trong khuôn khổ ấy hay không.

DN ngoại khan hiếm nhân sự cấp cao người Việt

Báo cáo về “Những thách thức trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt tại các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam” cho thấy thực trạng khan hiếm nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt tại các doanh nghiệp (DN) ngoại.

Theo đó, 41% số người tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết, trong vòng 12 tháng qua, họ không tìm được đủ số lượng nhân sự cấp trungcấp cao người Việt cho DN mình.

Bên cạnh 56% ý kiến tham gia khảo sát cho rằng họ gặp phải thách thức lớn nhất đến từ sự cạnh tranh gay gắt về mức lương thưởng của các đối thủ cùng ngành thì hầu hết các DN ngoại tại Việt Nam cũng cho biết, hiện nay họ vẫn phải đưa tiếng Anh vào trong top 3 yếu tố quan trọng nhất trong việc tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt.

Trong khi đó, tại Singapore, tiếng Anh được coi là kỹ năng thành thạo đương nhiên đối với đội ngũ nhân sự này. Chỉ có 2% người tham gia tại Singapore cho rằng tiếng Anh là yếu tố quan trọng khi đưa ra quyết định tuyển dụng, trong khi tỷ lệ này tại Việt Nam lại lên đến 31%. Thậm chí tại Nhật Bản – đất nước vốn bị xem là hạn chế trong việc sử dụng ngoại ngữ thì lại có đến 61% người tham gia hài lòng với khả năng tiếng Anh của nhân sự cấp quản lý người Nhật.

Thiếu kỹ năng lãnh đạo cũng đang là một nhược điểm của nhân sự cấp quản lý người Việt. Điều này thể hiện rõ trong báo cáo khi chỉ có 9% người tham gia khảo sát hài lòng về kỹ năng lãnh đạo của nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt và đây cũng là kỹ năng nhận được sự hài lòng thấp nhất.

>> Tố chất cần thiết của nhà nhân sự giỏi

Để cải thiện chất lượng nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt, 48% DN tham gia khảo sát đã lựa chọn các nội dung liên quan đến kỹ năng lãnh đạo để đưa vào chương trình đào tạo nhân sự. Trong đó, “vừa học vừa làm” dưới sự giám sát của quản lý là hình thức đào tạo phổ biến nhất với 57% DN lựa chọn.

Chia sẻ về kết quả của cuộc khảo sát này tại Việt Nam cũng như tại Nhật Bản, Thái Lan và Singapore, bà Nguyễn Thị Vân Anh cho hay: “Tình trạng thiếu nhân sự cấp trung và cấp cao ở các công ty nước ngoài không chỉ diễn ra tại Việt Nam, qua khảo sát này, có thể thấy đây là vấn đề mang tính khu vực. Theo chúng tôi, DN cần tiếp tục xây dựng những chương trình liên quan đến “Thương hiệu nhà tuyển dụng” và “Gắn kết nhân viên”, trong đó bao gồm các giải pháp có liên quan đến con người, không phân biệt giới tính và địa lý. Vì đây là nguồn lực quý giá nhất đối với việc xây dựng một doanh nghiệp thành công và phát triển lâu dài trong nền kinh tế có sự thách thức lớn về nguồn lực như hiện nay”.

LÀM GÌ KHI CÔNG VIỆC QUÁ TẢI?

Bạn có bao giờ ở trong tình trạng công việc quá tải và không biết bắt đầu từ đâu? Với một danh sách dài những việc cần phải làm, chúi mũi vào màn hình máy tính từ sáng tới tối không phải là cách hay. Bạn sẽ dễ dàng rơi vào căng thẳng và ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Tham khảo 3 mẹo sau để thoát khỏi tình trạng này.

1) Dành thời gian để lên kế hoạch công việc

Như việc mài dao đốn củi, hãy học cách ưu tiên thứ tự công việc theo thời gian, mức độ quan trọng của mỗi nhiệm vụ. Đây là cách hiệu quả để đảm bảo bạn không bị “rối” việc và hoàn thành bất kỳ “deadline” nào.

2) Thư giãn đầu óc

Căng thẳng và mệt mỏi với hàng tá “deadline” đang rượt đuổi, bốn bức tường văn phòng rất dễ trở thành nơi tồi tệ nhất. Lúc này, 10 phút tản bộ ra ngoài văn phòng để đổi gió sẽ giúp bạn thư giãn đầu óc và trở lại văn phòng với tinh thần minh mẫn hơn.

3) Trò chuyện với đồng nghiệp

Cảm giác bức bách và ngột ngạt, hãy chia sẻ với đồng nghiệp. Bằng cách này, bạn có thể giải tỏa căng thẳng rất hiệu quả; đồng thời khéo léo nhờ sự trợ giúp của mọi người.

Chúc bạn đạt được ước mơ sự nghiệp!