Monthly Archives: March 2016

Đơn thuốc kháng sinh liều cao cho ngân hàng

Điều chỉnh giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn của hệ thống ngân hàng từ mức 60% hiện hành về 40%; đồng thời quy định tỷ lệ cấp tín dụng trên tổng vốn huy động áp dụng cho ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh 90%, của ngân hàng cổ phần 80% là những điểm nhấn đang thu hút sự chú ý của doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36 về tỷ lệ an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Nhằm hạn chế những biến động thanh khoản trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng năm nay được dự báo ở mức 18-20%, cơ quan quản lý đã đi trước với việc hạ tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn chảy vào tín dụng trung, dài hạn.

Nhằm hạn chế những biến động thanh khoản trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng năm nay được dự báo ở mức 18-20%, cơ quan quản lý đã đi trước với việc hạ tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn chảy vào tín dụng trung, dài hạn.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 12-2015 tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn chung của toàn hệ thống ở mức 31%, cụ thể của ngân hàng quốc doanh nơi Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối là 33,36%; của ngân hàng cổ phần 36,9%; của công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính 73,14%; của ngân hàng hợp tác xã 77,93%. Căn cứ vào những số liệu này, việc vượt quá tỷ lệ quy định nằm ở hai đối tượng sau. Thời gian vừa qua, doanh số cho vay của các công ty tài chính tăng rất mạnh, trong đó chủ yếu cho vay tiêu dùng, bao gồm cả cho vay sửa chữa, xây mới nhà cửa. Doanh số của một số công ty tài chính tăng chóng mặt, gấp 1-2 lần so với cùng kỳ năm trước, mở theo chiều rộng hơn chiều sâu để chiếm lĩnh thị phần.

Vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu của các công ty tài chính thường nhỏ, khoảng vài trăm tỉ đồng và họ không có chức năng huy động vốn từ dân cư hoặc doanh nghiệp. Để có vốn cho vay, họ vay ngân hàng kỳ hạn trên một năm. Họ có thể phát hành tín phiếu hoặc trái phiếu và các tổ chức tín dụng là bên mua. Các ngân hàng không những không gây khó dễ cho các công ty tài chính, ngược lại còn hỗ trợ vì công ty tài chính là công ty con của ngân hàng, phần lớn được ngân hàng góp vốn từ 50% trở lên, có ngân hàng sở hữu 100%. Cung ứng vốn cho công ty tài chính trên một năm, tất nhiên các ngân hàng phải hạch toán đây là tín dụng trung, dài hạn.

Với công ty cho thuê tài chính cũng không khác mấy. Việc đầu tư và cho doanh nghiệp thuê các thiết bị máy móc, dây chuyền sản xuất thông thường có kỳ hạn hàng năm. Công ty cho thuê tài chính không thể vay vốn ngắn hạn ngân hàng, họ phải tìm cách vay trung, dài hạn.

Đến cuối tháng 12-2015, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn chung của toàn hệ thống ở mức 31%, thậm chí còn cách khá xa mức 60% theo quy định hiện hành, vậy tại sao dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 36 lại phải điều chỉnh xuống 40%? Một trong những lý do chính được nhà điều hành nêu ra là tín dụng bất động sản đang tăng nhanh hơn tín dụng chung.Box phải

Cho dù thế, tỷ lệ 31% chung của toàn hệ thống chưa đến mức báo động, thậm chí còn cách khá xa mức 60%, vậy tại sao dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 36 lại phải điều chỉnh xuống 40%? Phải chăng số liệu công bố của NHNN được tập hợp từ báo cáo của các ngân hàng và báo cáo chưa chính xác? NHNN chắc hẳn phải có lý do và một trong những lý do chính được nhà điều hành nêu ra là tín dụng bất động sản đang tăng nhanh hơn tín dụng chung.

Vấn đề là, theo một số ngân hàng, rất khó để biết chính xác tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn trên tổng vốn huy động của một tổ chức tín dụng. Trước hết, tỷ lệ này biến thiên hàng ngày do khách hàng gửi tiền vào, rút tiền ra liên tục với sự thay đổi kỳ hạn liên tục. Một mặt ngân hàng mong muốn khách hàng gửi tiền không kỳ hạn để có thể trả lãi suất thấp, giảm giá thành đồng vốn huy động. Mặt khác lại kỳ vọng người dân, doanh nghiệp gửi kỳ hạn dài, 12-15-18 tháng trở lên để chủ động được đầu vào, tính toán kỳ hạn cho vay đầu ra.

Tuy nhiên do sự biến động của các kênh đầu tư hiện tại bất ngờ, ẩn chứa rủi ro nhiều, cơ hội lắm, nên khách hàng đa số chủ động gửi tiết kiệm ngắn hạn (dưới 12 tháng). Sự thăng trầm của giá vàng từ đầu năm đến nay là một thí dụ. Từ chỗ giá vàng trong nước cao hơn giá quốc tế khoảng 3 triệu đồng/lượng, nay giá vàng nội – ngoại đã xóa nhòa chênh lệch, gần ngang bằng nhau. Cho dù cầu về vàng của người dân đã giảm, nhưng ai dám đảm bảo sức cầu vàng nội không trỗi dậy nếu giá vàng thế giới cứ lừng lững đi lên?

Thử nhìn vào một trường hợp điển hình Vietcombank. Báo cáo tài chính hợp nhất quí 4-2015 của Vietcombank cho thấy vốn huy động không kỳ hạn của ngân hàng tại ngày 31-12-2015 chiếm 28% tổng vốn huy động. Số vốn huy động từ tổ chức kinh tế chiếm 44,8%, phần còn lại từ cá nhân, dân cư. Trong 72% vốn huy động có kỳ hạn còn lại, các kỳ hạn ngắn chiếm tỷ trọng lớn. Như vậy, Vietcombank dù muốn hay không, vẫn phải sử dụng một tỷ lệ nhất định vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.

Có ý kiến nhận định vốn trung, dài hạn không chỉ tập trung vào một lĩnh vực bất động sản, và do những khó khăn trong việc kiểm soát luồng vốn huy động ngắn hạn nhằm hạn chế rủi ro kỳ hạn, có thể dẫn đến những biến động thanh khoản trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng năm nay được dự báo ở mức 18-20%, cơ quan quản lý đã đi trước với việc hạ tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn chảy vào tín dụng trung, dài hạn.

Ý kiến trên đang được thực tế xác nhận. NHNN công bố tỷ lệ cấp tín dụng bình quân trên tổng vốn huy động của các ngân hàng quốc doanh, nửa quốc doanh vào cuối năm ngoái lên tới 97,22%, cao nhất trong vòng năm năm trở lại đây, trong khi của ngân hàng cổ phần chỉ có 78,49%; của ngân hàng liên doanh, nước ngoài còn thấp nữa 62,27%. Một chuyên gia nhận xét không nên vui mừng vì tỷ lệ cho vay/huy động thấp của tổ chức tín dụng cổ phần bởi những ngân hàng cổ phần là “điểm nóng” về tái cơ cấu đang phải dự trữ thanh khoản cho những khoản phải thu, những khoản lãi và phí phải thu tăng vọt. Không có chuyện ngân hàng để tiền “rong chơi” trong xu hướng lãi suất tiết kiệm đang được đẩy lên ở mọi kỳ hạn.

Giờ đây dự thảo sửa đổi Thông tư 36 yêu cầu các ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh phải kéo tỷ lệ cho vay/huy động xuống 90%. Có hai phương án: hoặc hạ tín dụng, thu hồi nợ nhiều hơn cho vay mới; hoặc nâng tổng vốn huy động. Còn đối với ngân hàng cổ phần, mức nhúc nhích từ 78,49% lên 80% không đáng là bao. Ngân hàng không thể ngưng cấp tín dụng bởi đây là nghiệp vụ sinh lời cao nhất, cho nên cách thức khả thi sẽ là nâng tổng vốn huy động. Cuộc đua huy động vốn mới chỉ bắt đầu!

 

FPT Shop khẳng định đang tìm nhà đầu tư, cơ hội cho Thế Giới Di Động?

FPT khẳng định đang tìm kiếm nhà đầu tư để góp phần phát triển FPT Shop, trong khi đó TGDĐ từ lâu đã có ý định tìm chuỗi để mua lại.

Trả lời chúng tôi, đại diện FPT Shop cho biết tập đoàn FPT dự kiến kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư có tài chính mạnh, có năng lực, có kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ và trực tuyến… để giúp FPT Shop phát triển mạnh mẽ tiếp trong giai đoạn tiếp theo.

Một cửa hàng của FPT Shop - Ảnh: fptshop.com.vn

Một cửa hàng của FPT Shop – Ảnh: fptshop.com.vn

FPT Shop cho biết trong năm 2015, FPT Shop là công ty tăng trưởng nhanh nhất tập đoàn FPT, đóng góp ngày càng quan trọng vào doanh thu, lợi nhuận của tập đoàn (19,6% doanh thu của tập đoàn).

Sau 4 năm tăng trưởng và phủ sóng toàn quốc, FPT Shop cho biết đã đến lúc chuỗi này “cần thêm nguồn vốn, kinh nghiệm quản trị hiện đại và mô hình số hoá để làm mới mình, tạo nên những bước đi mang hàm lượng công nghệ cao cho lĩnh vực bán lẻ, mang lại cho khách hàng những trải nghiệm mới mẻ, thú vị và thực tế…”.

Trước đó, trong đại hội cổ đông của Thế Giới Di Động vào tháng 2/2016, Tổng giám đốc Trần Kinh Doanh của công ty này được dẫn lời cho rằng công ty đang cân nhắc một trong hai phương án mua lại chuỗi bán lẻ hoặc tự mở các cửa hàng để mở rộng quy mô, dự kiến mở 100 cửa hàng Thế Giới Di Động trong năm 2016. Trong khi đó, có tin cho rằng tập đoàn FPT có kế hoạch rút vốn, tìm nhà đầu tư cho mảng bán lẻ, cụ thể là Công ty phân phối FPT và chuỗi cửa hàng FPT Shop. Ông Doanh được dẫn lời cho rằng nếu FPT Shop được bán thì đó là cơ hội tốt cho các nhà bán lẻ như Thế Giới Di Động, ngầm hiểu rằng Thế Giới Di Động có quan tâm đến việc sáp nhập với FPT Shop.

Trả lời việc này với chúng tôi, ông Trần Kinh Doanh cho biết việc mua bán, sáp nhập đã nằm trong kế hoạch kinh doanh của công ty từ năm 2015, nhưng dự định này vẫn đang để ngỏ do chưa tìm được thương vụ phù hợp.

 

“Chúng tôi chưa nghe một cách chính thức về ý định bán lại của FPT Shop, vì thế chưa thể đưa ra bình luận gì. Chúng tôi chỉ nhắc lại ý định về việc mua bán sáp nhập đã từng công bố trước đây và hai việc này vô tình đã được đặt cạnh nhau dẫn đến những đồn đoán trong thời gian gần đây”, ông Doanh trả lời qua email.

Trong khi đó, bình luận về thông tin trên, FPT Shop cho rằng họ vẫn luôn hoan nghênh các nhà đầu tư có thiện chí giúp FPT Shop có thể mở rộng phát triển hơn nữa, “vì việc đầu tư cũng như kêu gọi đầu tư là cơ hội cho tất cả mọi người”; và cho rằng trước việc các công ty, nhà đầu tư đặt vấn đề “tìm hiểu” FPT Shop đã phần nào cho thấy được sức hút và tiềm năng phát triển dài hạn của FPT Shop.

Các chuyên gia cho rằng FPT Shop có thể sẽ tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài để mở rộng quy mô, hơn là chọn một đối tác, “đối thủ” như Thế Giới Di Động.

Trong khi FPT Shop đang tìm kiếm đối tác có tài chính mạnh, có năng lực, có kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ và trực tuyến… thì Thế Giới Di Động nói rằng “tiêu chí để chọn một đơn vị để cân nhắc các phương án sáp nhập là rất nhiều yếu tố. Quan trọng vẫn là đơn vị đó có khả năng đem lại giá trị mà Thế Giới Di Động đang mong đợi”. Giả sử Thế Giới Di Động mua lại một hệ thống nào đó, ông Doanh dường như nghiêng về phương án đổi tên hệ thống đó thành Thế Giới Di Động, vì ông cho rằng “ngay cả bản thân hệ thống chuỗi siêu thị Điện máy Xanh, chúng tôi cũng đã trải qua vài lần đổi tên thương hiệu để phù hợp và dễ tiếp cận với thị trường”, tất nhiên ông để ngỏ ý kiến rằng sẽ quyết định việc này tùy theo tình hình.

Bình luận bên lề, các chuyên gia cho rằng FPT Shop có thể sẽ tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài để mở rộng quy mô, hơn là chọn một đối tác, “đối thủ” như Thế Giới Di Động.

Nói về chiến lược sắp tới, FPT Shop cho biết (tập đoàn) FPT vẫn luôn đặt mục tiêu phát triển mạnh cho khối bán lẻ, đồng thời để tiếp tục phát triển quy mô trong năm 2016 thì hệ thống này “tập trung vào khách hàng làm trọng tâm” cũng như nỗ lực trong việc giải quyết bài toán về mặt bằng kinh doanh. FPT Shop đặt mục tiêu mở thêm tối thiểu 50 cửa hàng trong năm 2016.

Ông Trần Kinh Doanh thì cho rằng, thị trường bán lẻ trong 3-5 năm tới sẽ có nhiều thay đổi, nhưng ông “không bàn quá nhiều ở thì tương lai xa”. “Trước mắt, riêng Thế Giới Di Động trong năm 2016, Chúng tôi chắc chắn sẽ về đích với 850 cửa hàng, bao gồm cả Thegioididong.com và Điện máy Xanh. Nếu tình hình thuận lợi thì có thể nhiều hơn và lên đến 1.000 cửa hàng”, ông Doanh nói.

Nói thêm lần cuối về chuyện thuế Facebook

Đến hẹn lại lên, cứ dăm bữa nửa tháng lại có một bài báo hay một ý kiến than trách chuyện các tập đoàn nước ngoài kinh doanh dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam, tiền thì thu nhiều mà thuế không phải nộp đồng nào. Vấn đề là câu chuyện này không có gì mới, đã rộ lên mấy năm nay, vì sao đến nay vẫn chưa tìm ra cách hóa giải? Và có đúng là cơ quan thuế đang bó tay, không thu được thuế từ Facebook hay Google không?

Nhà nước đang nắm đằng cán

Nói đến nghĩa vụ thuế của Facebook hay Google thì trước hết phải xác định cho chính xác quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến của Việt Nam. Theo số liệu của TS. Đinh Lê Đạt, một chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, thì tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến của thị trường Việt Nam năm 2014 là 216 triệu đô la Mỹ và năm 2015 ước tính 329 triệu đô la Mỹ. Trong đó phần bánh của hai gã khổng lồ Google và Facebook tăng chóng mặt, lên đến lần lượt 65 triệu và 80 triệu đô la Mỹ cho năm 2014; còn năm 2015 là 100 triệu cho Google và 140 triệu đô la Mỹ cho Facebook.

Nói cách khác, hai anh chàng này từ chỗ chỉ chiếm chừng 6% thị phần thì đến năm 2015 đã tăng vọt lên đến 73%! Giả thử số liệu này là chính xác thì năm 2015, ước tính doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam của Google và Facebook chừng trên 5.000 tỉ đồng và số thuế họ phải nộp chừng 500 tỉ đồng.

Trước khi nói đến biện pháp thu thuế, tưởng cũng nên nhắc lại nguyên tắc chống thất thu thuế: đó là thuế của người này là phần khấu trừ của người kia cho nên lúc nào cũng có một bên có động lực đòi bên kia minh bạch chuyện thuế. Nếu bạn được giao đi mua một món đồ gì đó cho cơ quan, ắt phòng tài vụ sẽ đòi bạn đem về cho họ hóa đơn đỏ, đó là bởi hóa đơn này là cơ sở để cơ quan bạn liệt kê chi phí được khấu trừ trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên bán đã phát hành hóa đơn ra thì phải nộp thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế.

Đó là với hàng hóa hay dịch vụ trong nước với nhau. Với các dịch vụ giao dịch xuyên biên giới thì Nhà nước tìm cách nắm đằng cán, còn chặt chẽ hơn thế nữa. Theo quy định về thuế đối với nhà thầu nước ngoài thì bên mua dịch vụ từ Việt Nam “có trách nhiệm khấu trừ số thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp… trước khi thanh toán cho nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài”. Như vậy một công ty, ví dụ Vinamilk dùng công cụ Google Adsense để quảng cáo trên hàng loạt ấn phẩm và trả tiền trực tiếp cho Google, khoản chi này đến khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho Vinamilk sẽ không được chấp nhận nếu Vinamilk trước đó không mạnh tay cộng thêm 5% thuế giá trị gia tăng và 5% thuế thu nhập doanh nghiệp vào hợp đồng để nộp thay cho Google vì Google chưa hiện diện tại đây.

Nói cách khác một khi Google hay Facebook chưa có sự hiện diện chính thức ở Việt Nam theo Luật Đầu tư thì nghĩa vụ thuế trực tiếp của họ đâu có đâu mà cứ nói họ trốn thuế! Nghĩa vụ thuế của họ đã gián tiếp chuyển sang cho những người mua dịch vụ của họ tại Việt Nam và ai cẩn thận sẽ cộng thêm khoản này trước khi chi trả cho Google (để sau này nộp cho cơ quan thuế), ai không cẩn thận sẽ phải chịu xem khoản chi đó là không hợp lệ, không được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. (Nên nhớ trong doanh thu mà Google hay Facebook nhận được từ thị trường Việt Nam, đâu phải họ hưởng trọn 100%? Với Google, đến 68% sẽ được chia cho các tờ báo hiển thị cái quảng cáo đó).

Đến đây có lẽ mọi người đã thấy vì sao báo chí thì cứ than, cơ quan thuế thì bình chân như vại. Bởi cứ như hiện nay đằng nào họ cũng thu được thuế, hoặc là thuế suất thu nhập doanh nghiệp (chủ yếu là 20-22%) trên 5.000 tỉ đồng hay thu trọn 500 tỉ đồng giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp mà người mua dịch vụ thu hộ.

Và thật tình mà nói, muốn “làm người lương thiện” thu thuế Google hay Facebook giùm cho Nhà nước cũng nhiêu khê lắm. Thanh toán tiền dịch vụ quảng cáo bằng thẻ tín dụng mang tên cá nhân là không được chấp nhận rồi. Hóa đơn chứng từ đầu vào mang tên cá nhân cũng không được kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Bộ chứng từ cần có để tính vào chi phí được khấu trừ gồm nào là “quy chế của đơn vị về việc mua các dịch vụ qua mạng”, “đề xuất bằng văn bản của bộ phận kinh doanh cần quảng cáo với cấp trên”, “báo cáo nghiệm thu”, “chứng từ thanh toán”, và quan trọng nhất “tờ khai và chứng từ nộp thuế nhà thầu nước ngoài”. Chẳng lạ gì trên các diễn đàn kế toán, rất nhiều người hoang mang không biết làm sao để hợp thức hóa các khoản chi cho Facebook hay Google, nói gì thu thuế giùm.

Thế còn các dịch vụ khác như Netflix hay Apple Music?

Với các dịch vụ mà người tiêu dùng đầu cuối là cá nhân thì khó lòng áp dụng chuyện bắt họ thu thuế nhà thầu giùm. Với các trường hợp này, phải xác định đòi thu thuế nhưng nhắm thu loại thuế nào là khả thi nhất? Bình thường nhiều người nghĩ đó là thuế thu nhập doanh nghiệp, tức làm ăn có lãi thì phải nộp thuế! Đừng hòng, chuyện thu thuế thu nhập doanh nghiệp các công ty cung ứng dịch vụ xuyên biên giới như Netflix hay Uber là chuyện xa vời – đa phần có thành lập pháp nhân ở Việt Nam đâu mà thu và nếu có, hầu như chắc chắn họ sẽ từ lỗ vừa đến lỗ lớn (xem thêm box).

Loại thuế Việt Nam, cũng như các nước khác, phải nhắm tới là thuế bán hàng, ở nước ngoài phổ biến tên gọi sales tax còn ở Việt Nam là thuế giá trị gia tăng. Sẽ có người nói ngay, đây là thuế gián thu, thực chất là người tiêu dùng nộp, doanh nghiệp chỉ thu hộ thôi. Thu thuế này thì chẳng khác nào thu thuế dân mình chứ đâu có đụng đến các doanh nghiệp đó?

Trong bối cảnh các doanh nghiệp nội địa cung ứng dịch vụ tương tự phải nộp thuế giá trị gia tăng mà doanh nghiệp nước ngoài không nộp thì tính bình đẳng nằm ở đâu, làm sao doanh nghiệp trong nước cạnh tranh cho lại. Dù biết đó là thuế gián thu nhưng thu được còn hơn không và doanh nghiệp muốn cạnh tranh phải chia sẻ gánh nặng thuế đó cho người tiêu dùng.

Có lẽ ít người biết tổng thu thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn nhiều so với tổng thu thuế giá trị gia tăng. Ví dụ theo dự toán ngân sách năm 2015 thì sắc thuế đầu thu 226.700 tỉ đồng trong khi sắc thuế sau thu đến 281.500 tỉ đồng.

Để thu thuế giá trị gia tăng Việt Nam cần theo chân các nước châu Âu xác định rõ các tập đoàn đa quốc gia khi cung ứng dịch vụ xuyên biên giới thì thuế sẽ thu theo vị trí địa lý của người tiêu dùng chứ không phải phụ thuộc vào nơi đóng trụ sở của các tập đoàn này. Ví dụ Anh thay đổi cách tính thuế theo hướng này từ đầu năm 2015 đối với các dịch vụ kỹ thuật số. Trước đây khi còn tính giá trị gia tăng theo vị trí của người bán, nhiều công ty dựng lên trụ sở ở Luxembourg để tránh mức thuế giá trị gia tăng, có khi cao đến 27% ở nhiều nước châu Âu khác.

Các doanh nghiệp lớn như Amazon đã thu thuế giá trị gia tăng trên sản phẩm và dịch vụ số bán ra, ví dụ thuế giá trị gia tăng cho các sách điện tử Kindle bán ở Thụy Điển phải cộng thêm 25% thuế trong khi bán cho người ở Pháp thì chỉ cộng thêm 5,5% thuế. Đáng tiếc trong danh sách mức thuế giá trị gia tăng cụ thể này không thấy có Việt Nam. Hóa đơn của Apple phát hành hiện cho dịch vụ nghe nhạc ở Việt Nam cũng không thấy dòng nào nói chuyện thuế cả. Có lẽ trong giai đoạn này đánh thuế giá trị gia tăng lên sách điện tử làm nó đắt đỏ hơn chưa hẳn là điều hay. Chứ còn với các doanh nghiệp như Amazon hay Netflix, chỉ cần gửi công văn chính thức yêu cầu họ phải giữ lại thuế giá trị gia tăng rồi chuyển nộp cho Chính phủ Việt Nam, chắc họ sẽ tuân thủ như đang tuân thủ với nhiều nước khác trên thế giới. Xét cho cùng họ đâu mất thêm gì đâu, ngoài việc khách hàng của họ than trời chuyện thuế khóa!

Riêng chuyện Facebook và Google cùng nhiều tên tuổi lớn khác đang bị chê trách vì trốn tránh đóng thuế ở các nước họ hoạt động chính thức lại là một đề tài khác. Ví dụ báo chí đầu năm 2016 tràn ngập tin Facebook chỉ đóng vỏn vẹn 122 triệu đô la tiền thuế mặc dù lợi nhuận lên đến 3,4 tỉ đô la, tức chỉ chịu thuế suất 3,6%. Nhân đó báo chí Anh nhắc lại năm 2014 Facebook ghi nhận doanh thu đến gần 1 tỉ bảng nhưng chỉ nộp chừng 6.000 bảng tiền thuế!

 

Thách thức dầu khí

Ngay cả những doanh nghiệp vốn dĩ không liên quan gì đến dầu khí giờ đây cũng dành chút thời gian ngó nghiêng giá dầu thô quốc tế. Trong nền kinh tế hầu hết các khâu sản xuất, phân phối, tiêu thụ đều trực tiếp hoặc gián tiếp có quan hệ với vận tải với nguyên liệu sử dụng chủ yếu là xăng dầu. Giá xăng dầu bán lẻ trong nước lên hay xuống, cứ nhìn vào giá dầu thế giới mà đoán định.

Tháng 1-2016 là thời điểm không vui đối với tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam). Theo PetroVietnam, giá bán dầu bình quân tháng của cả tập đoàn chỉ đạt 32,4 đô la Mỹ/thùng, thấp nhất trong thập kỷ qua. Khó có thể tính đầy đủ giá thành khai thác dầu bình quân của Việt Nam bao nhiêu, tuy nhiên những mỏ có giá thành khai thác thấp nhất ước đâu đó 20 đô la Mỹ/thùng, cao thì tới 40 đô la Mỹ/thùng. Cứ với đà lao dốc chưa có dấu hiệu dừng lại của “vàng đen”, khả năng nhiều mỏ của Việt Nam sẽ phải ngưng khai thác.

Những cánh chim đầu đàn của PetroVietnam như Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí; Tổng công ty Dầu và một số doanh nghiệp dịch vụ đã báo lỗ trong tháng 1-2016. Nếu giá dầu không phục hồi trong tháng 3-2016, thì quí 1 năm nay sẽ là quí tệ hại đối với các doanh nghiệp của tập đoàn.

Mối quan ngại của giới làm ăn hiện nay không chỉ gói gọn ở giá dầu, giá nguyên liệu, mà còn ở sự yếu đi ngày càng rõ nét hơn của nền kinh tế láng giềng Trung Quốc.

Phần nộp ngân sách của PetroVietnam trong tháng đầu tiên của năm cũng xuống thấp chưa từng có, chỉ đạt 3.200 tỉ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ. Theo cân đối ngân sách nhà nước năm 2016 của Bộ Tài chính, dự toán thu từ dầu thô năm nay chỉ còn 54.500 tỉ đồng, giảm mạnh so với dự toán 93.000 tỉ đồng của năm 2015. Để đảm bảo dự toán năm, số nộp ngân sách bình quân của tập đoàn phải ở mức 4.540 tỉ đồng/tháng. Lãnh đạo một công ty dầu khí tính toán giá dầu quốc tế phải ở mức 40 đô la Mỹ/thùng, thì con số nộp trên mới khả thi.

Ngân sách sẽ phải nhìn vào các mảng khác để nguồn thu không hao hụt. Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách tháng 1-2016 chỉ bằng 95% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thu từ công thương nghiệp ngoài quốc doanh, khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thuế thu nhập cá nhân tăng ấn tượng từ 14-20%. Điều này phù hợp với định hướng của cơ quan hành thu khi tổng thu thuế thu nhập doanh nghiệp dự kiến tăng 7,6% từ mức 150.855 tỉ đồng năm 2015 lên 162.393 tỉ đồng năm 2016. Nên nhớ thuế thu nhập doanh nghiệp năm nay áp mức 20% thay cho 22% năm trước. Nếu thuế suất giảm mà tổng số thu vẫn tăng, doanh nghiệp sẽ nộp thuế nhiều hơn, tức tổng lợi nhuận làm ra phải nhiều hơn. Đây là một thách thức lớn cho cộng đồng doanh nghiệp khi sức mua trong nước chưa đạt mong muốn, cạnh tranh trong xuất khẩu nông sản, thủy hải sản đang ngày một khó khăn do giá nguyên liệu hàng hóa thế giới quá thấp và đồng tiền Việt được định giá cao so với các đồng tiền trong khu vực trong mối tương quan với đồng đô la Mỹ.

Mối quan ngại của giới làm ăn hiện nay không chỉ gói gọn ở giá dầu, giá nguyên   liệu, mà còn ở sự yếu đi ngày càng rõ nét hơn của nền kinh tế láng giềng Trung Quốc. Giới truyền thông quốc tế bắt đầu mổ xẻ cơ cấu dự trữ ngoại hối còn khoảng 3.000 tỉ đô la Mỹ của Trung Quốc, theo đó không phải tất cả bằng tiền mặt. Một phần dự trữ ngoại hối của nước này dưới dạng vàng hay trái phiếu chính phủ Mỹ hay những tài sản khác mà thanh khoản của chúng không phải lúc nào cũng cao. Ngày 11-2-2016, hãng tin CNBC còn đăng tải nhận định của những quỹ đầu tư mạo hiểm về khả năng mất mát do nợ xấu của hệ thống ngân hàng Trung Quốc có thể lớn gấp nhiều lần cuộc khủng hoảng tín dụng nợ dưới chuẩn của các ngân hàng Mỹ trước đây. (CNBC: China banks may lose 5 times US banks’ subprime losses in credit crisis). Bài báo dẫn chứng tổng tài sản của hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã lên tới 34.500 tỉ đô la Mỹ trong vòng 10 năm từ mức 3.000 tỉ đô la Mỹ và khối nợ xấu, tất nhiên, là một con số khổng lồ.

Trong bối cảnh đó, ngay cả những chuyên gia kinh tế lạc quan cũng đề cập đến sự mất giá của đồng nhân dân tệ với mức độ ít nhiều khác nhau như một sự tất yếu. Bất kể sự mất giá nào của đồng tệ đều ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, năm ngoái Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 49,3 tỉ đô la Mỹ, nâng mức nhập siêu của nước ta với thị trường này ước tính hơn 32 tỉ đô la Mỹ.

Không phải ngẫu nhiên bội chi ngân sách, sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu và tác động sự mất giá của đồng nhân dân tệ là những vấn đề được giới đầu tư cả trong và ngoài nước nhắc đến thường xuyên hơn khi phân tích các thách thức mà kinh tế Việt Nam có thể phải đối mặt trong năm con Khỉ này. Nhìn xa qua thách thức, tìm những điểm sáng kỳ vọng, phải nhắc chuyện các đợt IPO doanh nghiệp nhà nước qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã thu được 1.517 tỉ đồng chỉ trong một tháng. Một khi Nhà nước áp dụng những hình thức đấu giá linh hoạt như thoái vốn cổ phần trọn lô, xác suất thành công trong việc bán vốn nhà nước chắc chắn sẽ cao hơn. Nếu công cuộc cải cách doanh nghiệp quốc doanh được đẩy mạnh, thu hút và giải ngân vốn FDI vẫn tăng trưởng, kiều hối tiếp tục dồi dào, thì vẫn còn đó cơ hội cho Việt Nam vượt qua những thách thức trước mặt!

Việc làm hot ngành dầu khí/ Oil & Gas Jobs

 

Nếu giá dầu giảm 1 USD, thu ngân sách giảm khoảng 2.100 tỉ đồng

Phòng Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa phát hành nghiên cứu “Tác động của diễn biến giá dầu tới ngân sách”, phân tích tình hình biến động (giảm) trên thị trường dầu thô thế giới và ảnh hưởng của giá dầu thô thế giới tới thu ngân sách Việt Nam năm 2016. TBKTSG xin trích giới thiệu phần phân tích ảnh hưởng của giá dầu thô thế giới tới thu ngân sách Việt Nam năm 2016.

Đặc điểm thu ngân sách từ dầu thô của Việt Nam

Tuy ngân sách nhà nước (NSNN) từ dầu thô có xu hướng thu hẹp trong cơ cấu thu ngân sách của Việt Nam (Hình 8), đây vẫn đóng vai trò là một nguồn thu quan trọng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu ngân sách từ dầu thô tính đến 15/12/2015 ước đạt 62,4 nghìn tỉ đồng, chiếm 7,1% tổng thu ngân sách cả nước. Con số này chỉ bằng 67,1% so với mức dự toán đầu năm. Nguyên nhân chính là do giá dầu thô (dầu Brent) giảm mạnh xuống mức trung bình 52 USD/thùng so với kịch bản dự toán 100 USD/thùng. Theo dự toán ngân sách năm 2016, nguồn thu từ dâu thô sẽ giảm 7.900 tỉ đồng và chỉ chiếm 5,4% tổng thu dự toán ngân sách.

Cơ cấu ba nguồn thu chính trong ngân sách, 2011-2015 (tỉ đồng)

Nguồn: TCTK, Bộ Tài chính

Phương pháp dự báo

Tác động của giá dầu được đánh giá dựa trên kế hoạch khai thác dầu và khí đốt 2016 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Kim ngạch xuất nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam năm 2016 được ước tính theo mô hình cấu trúc với tăng trưởng GDP và tỉ giá là biến độc lập. Giá dầu thô giảm sẽ tác động tới giá cơ sở tính một số loại thuế, và lợi nhuận của các doanh nghiệp khai thác dầu thô. Do Việt Nam chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng nguồn cung của thế giới nên có thể giả định giá dầu xuất khẩu của Việt Nam ở mức tương đương và phụ thuộc vào biến động của giá thế giới.

Giá dầu có thể tác động đến ngân sách qua 3 kênh truyền dẫn chính:

+ Thu từ xuất khẩu dầu thô bao gồm: (i) thuế xuất khẩu; (ii) thuế tài nguyên và (iii) thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) doanh nghiệp khai thác dầu thô. Nghiên cứu sử dụng mức thuế xuất khẩu dầu thô (mã HS 29090010) trong biểu thuế Việt Nam là 10%, thuế tài nguyên trung bình đối với dầu thô là 18% ; thuế thu nhập doanh nghiệp trung bình đối với đơn vị khai thác dầu thô là 32% , và cách thức tính các loại thuế này theo thông tư 32/2009/TT-BTC để ước lượng thay đổi trong nguồn thu từ dầu thô. Nghiên cứu cũng sử dụng thông tin về giá thành khai thác dầu thô trung bình khoảng 24,4 USD/thùng của các mỏ do PVN khai thác làm cơ sở tính toán thay đổi nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp . Do PVN có nhiều mảng hoạt động bên cạnh khai thác và xuất khẩu dầu thô và các mảng kinh doanh này có thể không bị tác động trực tiếp bởi giá dầu, nên phần thuế TNDN ước tính trong nghiên cứu này có thể không đồng nhất với phần thực thu ngân sách từ PVN.

Giá dầu thô trung bình xuất khẩu của Việt Nam và Brent FOB, 2000-2013 (USD/thùng)

Nguồn: Tính toán của tác giả từ CEIC, EIA

Lưu ý, do phí bảo vệ môi trường đối với khai thác dầu thô là thuế đánh theo khối lượng khai thác tuyệt đối, tính theo sản lượng khai thác nên nguồn thu này sẽ không bị ảnh hưởng bởi biến động giá.

+ Thu từ nhập khẩu xăng dầu: nghiên cứu ước lượng thay đổi nguồn thu từ thuế nhập khẩu (mức thuế suất áp dụng từ 21/5/2015 là 20% đối với xăng động cơ ) và thuế tiêu thụ đặc biệt (mức thuế 10% đối với xăng dầu ). Do lợi nhuận và thuế bảo vệ môi trường của các đơn vị kinh doanh xăng dầu được tính theo khối lượng nhập khẩu, biến động giá dầu sẽ không làm thay đổi các nguồn thu thuế liên quan tới các khoản này.

+ Thu từ thuế giá trị gia tăng (GTGT): giá dầu giảm tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp tăng thu ngân sách từ thuế GTGT. Nghiên cứu dựa trên mô hình VNU-CGE để ước lượng thay đổi trong GDP danh nghĩa nhờ giá dầu giảm, qua đó ước lượng thay đổi trong nguồn thu này.  Nghiên cứu giả định thuế suất thuế GTGT trung bình của nền kinh tế trong năm 2016 bằng thuế suất thuế GTGT trung bình năm 2015 là 6,6% . Con số này tương đối hợp lý khi thuế suất thuế GTGT cho các mặt hàng ở Việt Nam nằm trong mức 0-10%. Lưu ý, thuế VAT đánh trên lượng dầu thô tiêu thụ nội địa không được tính riêng vì được giả định nằm trong tổng thu thuế VAT tính toán bằng mô hình VNU-CGE.

Đây là ba nguồn thu ngân sách chịu tác động trực tiếp từ biến động giá dầu thô. Các biến động nguồn thu từ thuế tài nguyên và thuế TNDN đối với dầu thô sản xuất và tiêu thụ tại các nhà máy lọc dầu của Việt Nam chưa được tính toán trong bài. Ngoài ra, các khoản thu khác từ nội địa như thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân… cũng sẽ chịu tác động bởi giá dầu; mặc dù vậy, những tác động này không trực tiếp, có độ trễ, và phụ thuộc lớn vào cấu trúc cũng như độ linh hoạt của nền kinh tế.

Tỉ lệ giữa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trong đầu ra của dầu thô trong năm 2016 được giả định không thay đổi so với 2015. Do biến động giá dầu không ảnh hưởng trực tiếp tới biên độ lợi nhuận của hoạt động lọc dầu nếu các sản phẩm đầu ra như xăng, dầu diezel, phân bón,… biến động cùng chiều với giá dầu thô, phần tiêu thụ trong nước được giả định không ảnh hưởng tới lợi nhuận của PVN.

Phân phối sản lượng sản xuất dầu thô Việt Nam theo thị trường tiêu thụ, 2010-2015 (triệu tấn)

Nguồn: Tính toán của nhóm nghiên cứu từ TCTK, BTC

Tỉ giá VND/USD được xây dựng theo kịch bản tăng 3% trong năm 2016. Cuối cùng cần lưu ý rằng do hạn chế trong tiếp cận thông tin, các tính toán trong nghiên cứu kết hợp phải dựa một phần trên các giả định được cho là hợp lý tuy nhiên có thể không hoàn toàn chính xác hay phản ánh được sự thay đổi đang diễn ra trong thực tế.

Kết quả dự báo

Nghiên cứu khảo sát phạm vi biến động từ 20-60 USD/thùng của giá dầu thô trung bình trong năm 2016. Kết quả tính toán cho thấy nguồn thu ngân sách từ dầu thô (bao gồm thuế xuất khẩu, phí môi trường, thuế thu nhập doanh nghiệp, phí khai thác). Trung bình nếu giá dầu thô giảm xuống 1 USD, thu ngân sách từ dầu sẽ giảm tương ứng gần 1.400 tỉ đồng. Tương tự, ngân sách cũng bị ảnh hưởng từ giá xăng nhập khẩu đi xuống. Ước lượng cho thấy ngân sách sẽ giảm xấp xỉ 760 tỉ đồng tương ứng với mỗi USD giảm xuống của giá dầu thô.

Mối quan hệ giữa giá dầu và thu thế VAT thể hiện mối quan hệ phi tuyến. Doanh thu thuế VAT đạt cực đại ở mức giá 32 USD/thùng và có chiều hướng sụt giảm nếu giá dầu tiếp tục giảm sâu.

Thu ngân sách liên quan tới dầu mỏ theo các kịch bản giá dầu (tỉ đồng)

Nguồn: Tính toán của nhóm nghiên cứu

Thu từ VAT theo các kịch bản giá dầu thô (tỉ đồng):

Nguồn: Tính toán của nhóm nghiên cứu

Thay đổi của thu ngân sách theo từng kịch bản giá dầu thô so với kịch bản $60/thùng (tỉ đồng)

Nguồn: Tính toán của nhóm nghiên cứu

Thay đổi thu ngân sách khi giảm thêm $1/thùng theo từng mức giá (tỉ đồng)

Nguồn: Tính toán của nhóm nghiên cứu

Về tổng thể, tác động của việc giá dầu thô thế giới lao dốc ảnh hưởng tương đối nặng nề tới nguồn thu ngân sách. So với mức giá dự toán 60 USD/thùng cho năm 2016, nếu giá dầu thô ở mức trung bình 40 USD/thùng như kịch bản dự báo của IEA, ngân sách sẽ bị suy giảm hơn 40.000 tỉ đồng. Mức suy giảm tăng lên gần 60.000 tỉ đồng nếu giá dầu tiếp tục đứng quanh mức hiện tại 32 USD/thùng trong năm 2016. Trong trường hợp xấu nhất, giá dầu xuống mức 20 USD/thùng, ngân sách có thể sụt giảm tới gần 85.000 tỉ đồng.  Lưu ý là mức sụt giảm ngân sách cận biện có khuynh hướng tăng lên khi giá dầu ở vùng thấp.

Các đề xuất chính sách

Thị trường dầu thô thế giới đang chứng khiến những biến động phức tạp. Áp lực thị trường tiếp tục gia tăng từ khu vực OPEC trong khi triển vọng kinh tế Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác có xu hướng xấu đi. Tốc độ điều chỉnh sản lượng khai thác của ngành dầu khí Hoa Kỳ vẫn là dấu hỏi lớn cho giới phân tích. Tuy nhiên, những kịch bản khả dĩ cho thấy mặt bằng giá dầu sẽ xuống thấp hơn trong năm 2016, đi xa khỏi mức giá kỳ vọng trung bình 60 USD/thùng của cơ quan dự toán ngân sách.

Dựa trên những số liệu có thể tiếp cận được và những giả định được chúng tôi cho là hợp lý trong điều kiện hạn chế về điều kiện thông tin, nghiên cứu này đã tiến hành đánh giá ảnh hưởng của giá dầu tới nguồn thu ngân sách trong dải biến động từ 20-60 USD/thùng. Kết quả cho thấy nếu giá dầu giảm 1 USD, thu ngân sách từ các nguồn sẽ sụt giảm trung bình khoảng 2.100 tỉ đồng. Như vậy, trong trường hợp không có những đột biến theo hướng tích cực xảy ra trên thị trường dầu mỏ, và giá dầu sẽ vẫn ở dưới ngưỡng 40 USD trong năm 2016, nguồn thu ngân sách sẽ bị tác động tương đối nặng nề.

Điều này cảnh báo nguy cơ lặp lại những khó khăn của Chính phủ trong việc tạo lập cân bằng tài khóa như đã xảy ra trong năm 2015. Chúng tôi khuyến nghị công tác lập dự toán ngân sách cần được thực hiện dựa trên những kịch bản phù hợp, có độ an toàn cao, tránh gây rủi ro cho kỷ luật tài khóa. Xu hướng diễn biến bất lợi của thị trường dầu thô trong năm 2016 đang tạo ra những áp lực lớn lên mục tiêu giữ mức thâm hụt ngân sách dưới mức 5% GDP.

Điều này đòi hỏi những biện pháp, quyết tâm chính trị mạnh mẽ cắt giảm chi ngân sách, đặc biệt là chi thường xuyên vốn được mở rộng nhanh chóng trong những năm gần đây.

So với mức giá dự toán 60 USD/thùng cho năm 2016, nếu giá dầu thô ở mức trung bình 40 USD/thùng như kịch bản dự báo của IEA, ngân sách sẽ bị suy giảm hơn 40.000 tỉ đồng. Mức suy giảm tăng lên gần 60.000 tỉ đồng nếu giá dầu tiếp tục đứng quanh mức hiện tại 32 USD/thùng trong năm 2016. Trong trường hợp xấu nhất, giá dầu xuống mức 20 USD/thùng, ngân sách có thể sụt giảm tới gần 85.000 tỉ đồng.

Việc làm cấo cao ngành dầu khí/ Senior oil & gas jobs