Monthly Archives: July 2016

10 cuốn sách những người kinh doanh nên đọc trước tuổi 30

Những năm tháng tuổi 20 có thể nói là tiền đề để chúng ta gây dựng sự nghiệp cũng như tích lũy kinh tế, tiền bạc cho các kế hoạch trong tương lai. Và trên con đường đó, còn rất nhiều kiến thức, còn rất nhiều kinh nghiệm chúng ta chưa có và cần học hỏi .

Dưới đây là một số cuốn sách về xã hội – kinh tế mà giúp bạn có cái nhìn tổng quan, rõ ràng hơn về chuyên ngành mình đang theo học/ đang làm, cũng như cho bạn một hướng đi hay giúp bạn “giữ thăng bằng” trên con đường mình đã chọn.

1. Công ty sáng tạo(“ Creativity. Inc” by Ed Catmull)

Trên con đường vun vén cho sự nghiệp, có khi nào bạn nhận ra rằng công việc mình theo đuổi đang dần “ thui chột” sự sáng tạo mà trước đó bạn rất trân trọng?

Đó cũng là câu hỏi mà với cuốn sách” Công ty sáng tạo”, Ed Catmull- đồng sáng lập công ty hoạt hình Pixa, đi tìm câu trả lời, nguyên nhân và giải pháp bằng những kinh nghiệm của mình.

Dù là nhà lập trình, nhân viên ngân hàng hay một nghệ sĩ, bạn đều có cơ hội và khả năng thỏa sức sáng tạo để làm nên những tác phẩm của riêng mình.

2. Đừng đi ăn một mình ( “Never eat alone” by Keith Ferrazi)

Trong cuốn sách, Keith Ferrazi, bằng những kinh nghiệm và trải nghiệm trước đó, đã bày ra trước người những phương pháp mà ông đã sử dụng để tiếp cận, và tạo mạng lưới quan hệ với những người mà ông quý mến, khâm phục từ khi mới chập chững vào nghề cho tới lúc ông trưởng thành trong giới kinh doanh.

“Trong chúng ta ai cũng có khả năng quyến rũ người khác – cho dù đó là đồng nghiệp, người xa lạ, bạn bè, hay sếp của mình. Nhưng có khả năng khác với biết cách vận dụng nó, và đó là lý do tại sao có những người đi qua cuộc đời này lặng lẽ như những cái bóng, trong khi có người luôn thu hút được sự chú ý bất cứ nơi đâu họ xuất hiện.”

Cho nên, đừng bao giờ đi ăn một mình.

3. Thiên nga đen ( “The Black Swan” by Nassim Nicholas Taleb)

Con người chúng ta thường thích nghĩ về những ảo tưởng sự thật được vẽ ra bởi những giả thiết…

Bằng “ Thiên nga đen”, tác giả Taleb đã chỉ ra cách mà một số người đã lầm lẫm khi đặt niềm tin của mình vào những giả thiết( không chắn chắn và thiếu chứng cứ). Và theo quan sát của Taleb thì những hệ thống có cấu trúc chắn chắc nhất lại là những chỗ dễ bị sụp đổ nhất, như là vụ khủng hoảng tài chính những năm 2007- 2008.

Có thể khẳng định , “Thiên nga đen” là cuốn sách sẽ thay đổi cái nhìn của bạn về thế giới mà chúng ta đang tồn tại.

4. Sức mạnh của thói quen( “ The Power of Habit” by Charles Duhigg)

Không buồn chán và tẻ nhạt như cái tên đầy tính khoa học mà cuốn sách có thể gợi cho bạn, thay vào đó, “ Sức mạnh của thói quen” lại mang đầy sự hữu dụng và thú vị cho những bạn trẻ hướng tới cuộc đời và sự nghiệp viên mãn.

Hãy để ý, cuốn sách muốn truyền tải tới bạn đọc một thông điệp ai cũng biết nhưng hiếm người áp dụng được: Những thói quen, dù cực kì nhỏ nhặt và tiểu tiết đến đâu- như việc hút thuốc hoặc trì hoãn trong công việc, đều có một ảnh hưởng đến sự thành bại trong tương lai.

5. Im lặng – Sức mạnh của người hướng nội ( “Quiet: the power of the world that can’t stop talking” by Susan Cain)

Bẩm sinh bạn là một người hướng nội, và bạn thực sự không muốn thay đổi con người để đổi lấy chuẩn mực “hướng ngoại” của xã hội nếu muốn thăng tiến trong sự nghiệp thì đích thị cuốn sách này của Susan Cain là dành cho bạn.

Mệt mỏi và khó chịu khi thấy những người hướng nội bị xếp thứ yếu trong xã hội, khi thấy xã hội đề cao những giá trị của hướng ngoại lên trên hướng nội, tác giả Susan Cain đã viết cuốn sách này- cuốn sách được coi là cách mạng của những người hướng nội.

Thích giao tiếp, hoạt ngôn và thích tranh luận ư? Để thành công, theo Susan Cain, bạn- dù hướng nội hay hướng ngoại, cũng chẳng cần phải đi theo những lề lối mà xã hội đã vẽ ra.

6. Điểm bùng phát( “ Tipping point” by Macolm Gladwell)

Giới trẻ chúng ta ngày nay đã quá quen thuộc với mạng xã hội, nhưng sự thật là chúng ta mới chỉ “ chập chững” làm quen với những khái niệm, hình thái mới mẻ của truyền thông.

“Điểm bùng phát”, mặc dù đã xuất bản từ 15 năm trước, vẫn mang những giá trị còn nguyên vẹn, còn chuẩn xác cho tới ngày hôm nay. Cuốn sách cung cấp cho người đọc những cái nhìn về việc tại sao và như thế nào một xu hướng, một ý tưởng hay một hành vi xã hội có thể vượt qua ngưỡng nhất định- và bùng phát rồi trở nên phổ biến rộng rãi.

7. Quyền lực- vì sao người có kẻ không? (“ Power” by Jeffrey Pfeffer)

Gần như hầu hết những cuốn sách về lãnh đạo thường có tính khuyến khích và tính truyền cảm hứng đối với người đọc. Nhưng “ Quyền lực” của Jeffrey Pfeffer không thuộc tuýp đó. Trái lại, bằng cuốn sách này, Jeffrey đã cố gắng và nỗ lực trong việc phản biện, phản bác những triết lý có phần giản đơn và được lý tưởng hóa thay vì đúng với thực tế cuộc sống.

8. Phi lý trí (“ Predictably Irrational” by Dan Ariely)

Dù muốn mở một công ty, start- up hay đang trên con đường xây dựng nghiệp, thì bạn đều nên trang bị cho mình những kĩ năng “đọc vị” hành vi con người. Và cuốn sách này chắc chắn là điểm khởi đầu tốt cho những người muốn tìm hiểu thêm về tâm lý học hành vi, từ việc tại sao chúng ta luôn trì hoãn trong công việc cho đến việc xác định giá trị của một sản phẩm.

9. Động lực (“ Drive: The surprising truth about what motivates us” by Daniel Pink)

Với “ Động lưc”, Daniel Pink đã tạo một cuộc tranh luận thú vị với bạn đọc: chúng ta đã và đang làm điều gì để tạo động lực cho bản thân? Chẳng phải những tư duy về phương pháp tạo động lực bằng giải thưởng hay thành tích là đã quá cũ kỳ vì nó chẳng hề đem lại những hiệu quả lâu dài? Theo Daniel, để tạo động lực hiệu quả cho bản thân, chúng ta cần phải làm quen với một số giá trị như tư duy độc lập, sự thành thạo và kết quả của công việc.

10. Cho khế nhận vàng(“ Give and Take” by Adam Grant)

Người đời cứ bảo ta rằng, để thăng tiến trong sự nghiệp, phải biết các thói lươn lẹo, ma lanh, khôn lỏi. Liệu điều đó có đúng không?

Nhưng Adam Grant, với cuốn “ Cho khế nhận vàng”, đã chỉ ra rằng quan điểm trên là hoàn toàn lệch lạc, sai lầm. Những người thành công nhất trong lĩnh vực của họ, theo những nghiên cứu ở cuốn sách, thường là những người tạo ra những giá trị cho người khác.

“Cho và nhận là cả một nghệ thuật. Khi cho đi một, bạn sẽ nhận về gấp nhiều lần “(Mark Twain).

Doanh nghiệp đã sẵn sàng dùng lao động chất lượng quốc tế?

Với việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN… Việt Nam đang bước vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn bao giờ hết. Theo đó, thị trường lao động sẽ sôi động hơn, nhu cầu sử dụng lao động tăng lên, doanh nghiệp có cơ hội để tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng quốc tế. Nhưng liệu các chính sách và cơ chế đã sẵn sàng để đón nhận xu thế này?]

Cơ chế công nhận lao động rõ ràng

Với “Cam kết mở cửa cho 8 ngành nghề lao động” của AEC, người lao động có trình độ cao sẽ được tự do di chuyển giữa các quốc gia trong khối nếu họ có chứng chỉ hành nghề và được thừa nhận trong khối ASEAN. Trình độ lao động giữa các quốc gia tất yếu có chênh lệch, nên cần phải có được sự “thừa nhận” nếu muốn làm việc ở quốc gia thành viên AEC khác.

Chắc chắn rồi đây các quốc gia sẽ có cơ chế công nhận lao động rõ ràng, về năng lực, trình độ của người lao động khi làm việc tại quốc gia mình để tránh tình trạng người lao động nước ngoài có chất lượng tốt nhưng không được “thừa nhận” theo cơ chế. Đây là cơ hội cho các quốc gia muốn nâng cao tính cạnh tranh về chất lượng lao động của khối DN tư nhân.

Các chính sách pháp luật điều chỉnh cũng phải thay đổi để phù hợp. Bởi trong thời đại số, người lao động dù ngồi ở nơi đâu cũng có thể làm việc hầu như trên toàn cầu.

Họ có quyền chọn nơi làm việc, nơi để đóng thuế thu nhập, và quan trọng hơn là nơi họ sẽ cống hiến năng lực. Chính sách vì thế cần linh hoạt và thông thoáng để tạo điều kiện cho lao động nước ngoài có chất lượng, đồng thời không làm chảy máu chất xám trong nước.

DN cũng vậy, việc chiêu mộ nhân tài cũng bắt đầu từ chính sách tuyển dụng và cơ chế. Các vấn đề về đóng thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm, các thủ tục hành chính liên quan không nên là rào cản hay khó khăn, để họ được làm việc với năng suất cao nhất.

Người chủ DN cần có chiến lược phù hợp để nâng cao tính cạnh tranh vào thời điểm hội nhập này, tất cả phải bắt nguồn từ chính sách nội bộ DN trước khi đón chờ sự thay đổi chính sách của Chính phủ.

Giản lược các thủ tục hành chính

Việc tự do di chuyển lao động trong AEC nói chung yêu cầu phải cải cách chính sách và có sự đồng bộ thủ tục ở cả cấp quốc gia và khu vực.

Theo quy định tại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài thì lao động nước ngoài chỉ được làm việc tại Việt Nam khi có visa lao động. Thời gian cấp visa nên được rút ngắn và cần tạo cơ chế cho các lao động có chuyên môn cao có thể xin cấp visa lao động ngay tại Việt Nam với chi phí thấp.

Gần đây, thủ tục cấp phép cho lao động nước ngoài ở nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, đã “nới lỏng” hơn. Nghị định 11/2016/NĐ-CP quy định lao động nước ngoài có thể làm việc ở Việt Nam với các chức danh như chuyên gia, quản lý, giám đốc điều hành, lao động kỹ thuật. Dù thời hạn sử dụng giấy phép bị hạn chế (2 năm), nhưng có thể gia hạn tùy vào nhu cầu công việc. Tuy nhiên, các quy định về visa lao động nên nới rộng thời gian và linh hoạt thủ tục hơn nữa để thu hút lao động lành nghề, có chuyên môn kỹ thuật cao.

Tự do liên kết lao động

Những tiêu chuẩn được đề cập trong TPP cũng chính là các tiêu chuẩn lao động được nêu tại Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mà Việt Nam là thành viên. Việt Nam đã đáp ứng được đa số các tiêu chuẩn này. Tuy vậy, vẫn còn một số vấn đề ở chính sách về quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động, hay về xóa bỏ lao động bắt buộc. Người nước ngoài thuộc đối tượng không kết nạp vào tổ chức công đoàn, như vậy sẽ không đảm bảo quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động trong TPP.

Theo quy định chung, Việt Nam và các nước thành viên phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở. Điều này có nghĩa tổ chức của người lao động tại cơ sở có thể lựa chọn gia nhập Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được chính thức hoạt động với danh nghĩa “công đoàn độc lập”. Nhưng hiện nay, tại Việt Nam, chỉ có một tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động được công nhận, đó là công đoàn.

Chuẩn lao động theo TPP mang lại tính toàn cầu và công bằng cho các quốc gia thành viên trong quản trị lao động tại DN, DN cần thay đổi để phù hợp. Ở góc độ nhà làm luật, Nhà nước cần mở rộng cơ chế này để hướng đến việc sử dụng nhân lực lao động nước ngoài trong khối ngành kinh tế tư nhân. Từ đó nâng cao tính cạnh tranh của lực lượng lao động trong giai đoạn mới.

Tóm lại, nếu Nhà nước sẵn sàng gỡ bỏ dần các rào cản pháp lý để mở rộng thị trường cho lao động nước ngoài, DN cần tranh thủ. Bản thân DN cũng phải sẵn sàng cho cơ hội thoát khỏi thị trường nội địa, cạnh tranh với các thương hiệu toàn cầu bằng một lực lượng lao động mới – lực lượng lao động có chất lượng quốc tế.

3 cách phê bình nhân viên hiệu quả

Dù là trong công việc hay trong quan hệ cá nhân thì việc đưa ra những phản hồi, phê bình tuy cần thiết nhưng không hề dễ dàng.

Chúng ta có thể phá hỏng một mối quan hệ nếu gây ra những cảm xúc làm tổn thương. Đôi khi chúng ta chọn cách không nói gì cả, “nén giận” và vấn đề lại không thể giải quyết. Vì vậy, bạn nên cân nhắc những cách phê bình hiệu quả và thật sự có thể cải thiện được mối quan hệ.

Bất đồng ý kiến hay sự chỉ trích là một phần của đời sống công việc tại bất cứ môi trường làm việc nào.Tuy nhiên, tại một số công ty, vấn đề trở nên đến mức “cực đoan”. Hệ quả là một số quản trị viên quá mệt mỏi và họ quyết định chọn cách “tấn công từ phía trước” thay vì né tránh vấn đề.

Với các sếp này, việc đối mặt vấn đề, “phê và tự phê” vẫn thể hiện sự quan tâm và tích cực hơn kiểu “đâm sau lưng”. Dĩ nhiên, dung dưỡng văn hóa kiểu “đâm sau lưng” không thể là sự lựa chọn tốt nhưng chọn cách “tấn công từ phía trước” cũng có thể không khả quan hơn nhiều.

Việc phản hồi hiệu quả thay vì chỉ trích vô tâm sẽ giúp tăng năng suất làm việc, tránh hiểu sai vấn đề và nâng cao tinh thần hơn là làm nhụt chí nhân viên.

Chúng ta biết rằng một môi trường làm việc tích cực sẽ mang lại năng suất tốt hơn, nhân viên ít bỏ việc hơn, sức khỏe cũng tốt hơn; trong khi một môi trường bất an, thù nghịch và tiêu cực sẽ làm cho năng suất và hiệu quả công việc, sức sáng tạo và sự gắn bó giảm đi.

Sau đây là ba cách phản hồi hiệu quả dựa trên những kết quả khảo sát mà các nhà quản lý có thể áp dụng để xây dựng một môi trường làm việc tích cực, có thái độ xây dựng:

1. Phản hồi mang tính tích cực nhiều hơn tiêu cực

Trong những tổ chức mà hiệu quả công việc cao, những “phát ngôn tích cực” (thể hiện sự hỗ trợ, thái độ ghi nhận và sự khích lệ) thường nhiều gấp năm lần so với các “phát ngôn tiêu cực” (chỉ trích, bất đồng, phản đối).

Điều tệ hại bao giờ cũng mạnh hơn điều tốt đẹp và não của chúng ta tập trung vào những phản hồi tiêu cực hơn là phản hồi tích cực. Một cuộc đối thoại tệ hại là đủ để phá hủy cả một ngày làm việc.

Kết quả khảo sát cho thấy truyền thông nội bộ tích cực tương quan với sự gắn bó nhiều hơn của nhân viên. Bạn có thể “chỉnh” nhân viên của mình hay thậm chí phê bình họ nhưng bạn cần làm điều đó trong một bối cảnh tích cực. Khi đó, bạn sẽ nhận thấy những kết quả tốt nhất, duy trì được tinh thần và sự gắn bó của nhân viên.

2. Khi phản hồi, tập trung nhiều hơn về điểm mạnh và sự đóng góp của người khác

Thường thì chúng ta hay xoáy vào điều mà chúng đang cần phê bình, chỉ trích. Chúng ta vẫn nói tới điểm mạnh của người đối diện nhưng khá là qua loa, còn lại thì tập trung phê bình một cách rất là chi tiết.

Để không nhận được “hiệu ứng ngược”, các nhà quản lý nên làm ngược lại: nên chi tiết và cụ thể hơn khi nói đến các điểm mạnh, tích cực.

3. Nhấn mạnh sự hợp tác và những điểm chung

Hãy có thái độ khách quan khi nói về một việc tiêu cực. Miêu tả tình huống đã xảy ra thay vì đánh giá, phán xét. Nhận định về hệ quả khách quan hoặc đưa ra cảm xúc cá nhân của bạn liên quan đến việc này thay vì trách cứ và gợi ý những thay đổi có thể chấp nhận được hơn là tranh luận ai đúng, ai sai.

Những nhà lãnh đạo muốn nhận được hiệu quả tốt trong công việc cần chú ý nhiều hơn đến tầm quan trọng của việc tạo ra một môi trường an toàn về mặt tâm lý ở nơi làm việc bằng cách tập trung vào truyền thông nội bộ tích cực. Bạn có thể vừa công bình, vừa thể hiện sự quan tâm.

Thế Giới Di Động tham vọng chiếm 30% thị phần điện máy năm 2017

Với việc bao phủ 63 tỉnh thành trên cả nước, hãng này tham vọng sẽ kiếm được từ mảng điện máy 25.000 tỷ đồng vào 2017.

Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động cho biết vừa hoàn tất quá trình mở rộng hệ thống Siêu thị điện máy Xanh tới 63/63 tỉnh thành của Việt Nam. Đây cũng là hãng bán lẻ điện máy đầu tiên của Việt Nam đạt được độ bao phủ này.

Tính đến 6 tháng đầu năm 2016, hãng đã khai trương thêm 33 siêu thị, nâng tổng số điểm bán lên 119. Ngoài ra, trong năm nay, công ty còn dự định triển khai thêm mô hình “Điện máy Xanh mini” có quy mô nhỏ và sẽ bán các chủng loại hàng hóa vừa đủ cho một khu vực dân cư nhất định. Theo dự kiến, trong giai đoạn 2016–2017 công ty sẽ nhắm đến mở 135 siêu thị điện máy thường và 270 cửa hàng mini, nâng tổng số lượng lên 400 điểm bán trên toàn quốc.

Ảnh minh họa: Internet.

Mục tiêu trong năm nay của hãng với nhóm điện máy là sẽ về đích với doanh thu 12.000 tỷ đồng, chiếm 14-16% thị phần và sẽ nâng lên trên 25.000 tỷ và 30% thị phần vào năm 2017.

5 tháng đầu năm, công ty này đạt doanh thu 16.240 tỷ đồng, tăng trưởng 80% so với cùng kỳ. So với kế hoạch năm 2016 là 34.166 tỷ đồng doanh thu, Thế giới Di Động đã hoàn thành 48% trong 5 tháng. Trong tổng doanh thu đạt được thì điện máy mang về 4.566 tỷ đồng, tăng trưởng 212% so với cùng kỳ và đây cũng là nhóm ngành có mức tăng trưởng mạnh nhất trong các ngành nghề kinh doanh của hãng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 700 tỷ đồng, tăng 86% và hoàn thành 86% kế hoạch năm.

Bên cạnh 2 mảng kinh doanh chính là điện thoại và điện máy thì mới đây, công ty còn đang thử nghiệm mô hình Bách hóa Xanh với tham vọng tấn công và chiếm lĩnh thị trường nhóm sản phẩm thực phẩm, tiêu dùng nhanh.

Người Việt không còn ham giá rẻ

Báo cáo mới đây nhất của Nielsen cho thấy, người tiêu dùng Việt đang tìm kiếm những sản phẩm “đáng đồng tiền bát gạo” nhất đối với họ, bất kể bối cảnh kinh tế đang diễn ra như thế nào.

Giá là một trong hai yếu tố quan trọng nhất trong việc mua hàng, nhưng người tiêu dùng Việt quan tâm nhiều hơn đến giá trị của sản phẩm hơn là vấn đề giá rẻ. Tâm lý này khiến hàng ngoại chất lượng tốt dù giá cao vẫn sống khỏe tại thị trường nội địa.

Tìm hàng đáng “đồng tiền bát gạo”

Chị Thu Ngân, một luật sư làm việc cho một công ty luật ở Q.1 (TP.HCM) cho biết bình quân chị chi tiêu 100.000 – 150.000 đồng cho trái cây mỗi ngày. “Nhưng do chất lượng an toàn thực phẩm trái cây nội khá mù mờ nên tôi đặt tin tưởng trái cây nhập khẩu hơn”, chị nói. Giá các loại trái cây ngoại cao hơn trái cây nội tùy loại khoảng 20 – 30%: 1 kg hồng Hàn Quốc giá 240.000 đồng, kiwi vàng New Zealand giá 190.000 đồng…

Táo Mỹ, cam Úc, nho không hạt, cherry, kiwi xanh New Zealand… đã là thực phẩm quen thuộc và khá phổ biến với người tiêu dùng Việt từ vài ba năm nay. Nếu như lúc trước, trái cây ngoại chỉ xuất hiện ở các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh thì nay đã “phủ” đầy ở các chợ, trên các xe bán dạo… Thực tế, với các mặt hàng thực phẩm, giá rẻ nay không còn quan trọng với nhiều người tiêu dùng bằng chất lượng và an toàn thực phẩm.

Người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi tiêu cho hàng hóa đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Nguyên Nga.

Tại một buổi giới thiệu các loại trái cây tươi từ New Zealand ở siêu thị Metro (Q.2, TP.HCM) mới đây, nhiều người đang lựa mua trái cây tại đây cho biết, trái cây của New Zealand, Úc, Mỹ là mặt hàng gia đình chọn mua hằng ngày. Chị Thủy Phương (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: “Nho Chile tại đây có giá 105.000 đồng/kg, trong khi nho Ba Mọi của VN có giá 85.000 đồng/kg thì hàng không có thường xuyên, nên tôi chọn nho ngoại cho chắc. Tuy nhiên, lựa chọn này cũng có hai mặt, nếu không cẩn thận, vẫn bị mua nhầm trái cây ngoại “đểu” của Trung Quốc. Chúng tôi nay đi mua hàng dọ theo mã số để tránh bị mua nhầm hàng Trung Quốc. Nói chung nếu chọn hàng sạch, an toàn, chất lượng tương đương, tôi sẵn sàng trả cao hơn 30% để có đồ ăn ngon. Với các loại thực phẩm đặc trưng như mì Ý, pate, xúc xích… thì cao mấy cũng mua chứ không thể so sánh về giá nữa”.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, chia sẻ dịp lễ tết 2016 ông chứng kiến nhiều người đi Thái Lan mua thực phẩm về sử dụng, cho thấy người tiêu dùng Việt đã sẵn sàng mua giá đắt hơn nhưng có thể tin tưởng nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm. Một đôi tất dệt kim VN bán giá 15.000 đồng đầy ngoài đường, nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng mua một đôi tất Nhật Bản giá 200.000 đồng. “Tôi đi mua một cái áo sơ mi VN sản xuất vài trăm ngàn đồng nhưng mới 1 tháng đã đứt cúc, cổ áo sờn rách. Giá cao nhưng chất lượng không bằng hàng nước ngoài cũng là lý do khiến người tiêu dùng đổ xô mua hàng ngoại”, ông nói.

Đã hết thời “chịu trận”

Ông Đỗ Ngọc Chính, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng (CEscon), Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN (Vinatas), cho rằng đã qua thời người tiêu dùng Việt “ăn chắc mặc bền”, mà nhu cầu tiêu dùng của họ ở mức độ cao hơn, hướng đến việc đặt sức khỏe lên hàng đầu. Đó là lý do người tiêu dùng đặt yếu tố chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, cao hơn yếu tố giá cả. Thời gian trước, hàng hóa xuất xứ Trung Quốc phủ dày đặc thị trường, nhưng khi thông tin việc kém chất lượng và nguy hiểm đến sức khỏe lan rộng thì nhiều người chuyển hướng tìm nguồn hàng an toàn hơn, và chấp nhận mức giá cao hơn 20 – 30%. “Chuyển biến này đã làm nảy nở mảnh đất màu mỡ cho hàng hóa thực phẩm ngoại. Doanh nghiệp Việt cần phải nhanh nhạy tận dụng nhu cầu này để đưa thông tin minh bạch về sản phẩm để lấy niềm tin người mua”, ông phân tích.

Người tiêu dùng đã “chịu trận” hàng hóa thực phẩm chất lượng thấp thời gian qua. Nay đã qua thời đó và họ đang sử dụng quyền lực người tiêu dùng để buộc doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng hơn nữa.

Theo khảo sát của chúng tôi, tại siêu thị, chợ, tiệm tạp hóa, trong xu thế thay thế các mặt hàng Trung Quốc, nay các mặt hàng gia dụng như rổ, thau, bát đũa, cốc chén, chổi lau nhà, thùng đựng rác… xuất xứ từ Thái Lan rất nhiều. Đặc biệt, hàng hóa mỹ phẩm của Thái Lan có giá cao hơn tầm 20%, thậm chí mỹ phẩm cao gấp đôi so với hàng Việt vẫn được nhiều người mua sử dụng hơn.

Chẳng hạn, tại cửa hàng bán tạp hóa lớn C.N trên đường Lạc Long Quân (Q.Tân Bình, TP.HCM), chị Cẩm, chủ cửa hàng cho biết cùng một thương hiệu, nhưng nếu là hàng sản xuất tại Thái, sẽ cao hơn hàng sản xuất trong nước tầm 10 -15%, nhưng người tiêu dùng chấp nhận được. Tập trung nhiều nhất là các mặt hàng nước giặt, nước xả vải từ Thái. Ngoài ra, các nhãn hàng nhập từ Thái như D-Nee, Tizo… cũng có giá cao hơn hàng cùng loại trong nước, nhưng nay thị trường bắt đầu chuộng hơn.

Không chỉ với hàng Thái, người tiêu dùng Việt nay chuộng nhiều hàng Nhật, Hàn với mức giá cao hơn nhiều. Tại cửa hàng đồng giá 40.000 đồng/sản phẩm của Daso (Nhật) trong siêu thị Aeon Tân Phú (TP.HCM), chị Linh Đan (ngụ Q.Tân Bình) đang mua mấy cái nhấc nồi và lót ly với giá 40.000 đồng/sản phẩm, cho biết: “Mặt hàng này đổ đống tại chợ bán tầm 10.000 đồng/sản phẩm, trong siêu thị có giá tầm 16.000 – 25.000 đồng/sản phẩm chủ yếu hàng Việt. Nhưng tôi thích trả cao hơn để mua hàng Nhật bởi vì nó xinh hơn”.

Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, người tiêu dùng đã “chịu trận” hàng hóa thực phẩm chất lượng thấp thời gian qua. Nay đã qua thời đó và họ đang sử dụng quyền lực người tiêu dùng để buộc doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng hơn nữa. “Tôi mua một bó rau muống bán trong Vinmart giá 8.000 đồng, đắt gấp đôi rau ngoài chợ nhưng yên tâm mà sử dụng. Yên tâm về an toàn thực phẩm là lý do mà buổi chiều nào rau quả ở Vinmart cũng hết sạch”, ông nói. Ông phân tích thêm, thị trường có nhiều phân khúc tiêu dùng, hàng Thái Lan đắt hơn 5 – 10% nhưng vẫn hút người mua, phân khúc cao hơn có hàng Nhật, Hàn Quốc…, còn một phân khúc thấp mà đa phần là người lao động, công nhân… đang đành phải chấp nhận chất lượng trôi nổi, nhưng họ cũng dần ý thức và muốn thoát khỏi điều này.

Ông Phú cũng cảnh báo nông sản Việt đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác trong khu vực Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), áp lực đối với sản phẩm trong nước sẽ cao hơn khi hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN khác vào VN được miễn thuế.