Monthly Archives: August 2016

Vinasun có thêm xe hạng sang Lexus, cước 30.000 đồng/km

Sau khi chính thức được phép thí điểm dịch vụ gọi xe bằng ứng dụng Vcar, mới đây Vinasun lại bất ngờ bổ sung thêm hai dòng xe hạng sang mới có giá cước cao gần gấp đôi so với cước taxi Vinasun.

Hãng xe Vinasun taxi vừa mới bổ sung thêm vào dịch vụ gọi xe Vcar các dòng xe hạng sang là Toyota Land Cruiser và Lexus trong tháng 8. Trước đó, dịch vụ gọi xe Vcar của Vinasun taxi đã có các dòng xe 4 chỗ Toyota Camry và 7 chỗ Fortuner; đều thuộc nhóm xe có chất lượng khá.

Từ tháng 8-2016, người tiêu dùng có thể gọi các dòng xe hạng sang kể trên thông qua ứng dụng Vinasun app khi chọn mục Vcar 4 chỗ (Camry) hoặc 7 chỗ (bao gồm các xe Toyota Fortuner; Land Cruiser hoặc Lexus). Theo đại diện hãng Vinasun taxi, hiện tại các dòng xe hạng sang Toyota Land Cruiser và Lexus mới chỉ thử nghiệm nên số lượng còn ít.

Mức cước dòng xe hạng sang mới cập nhật này cao hơn so với mức cước taxi thông thường; cước gọi xe Toyota Land Cruiser cho quãng đường dưới 30 km là 25.000 đồng/km; còn trên 30 km là 22.000 đồng/km. Đối với dòng xe hạng sang Lexus, mức cước lần lượt là 30.000 đồng/km và 26.000 đồng/km.

Cước taxi Vinasun hiện tại đối với xe 7 chỗ là 16.000 đồng/km; còn xe 4 chỗ là 14.000 đồng đối với quãng đường dưới 30 km.

Hiện tại, khách hàng sẽ không thể chọn dòng xe hạng sang Toyota Land Cruiser hoặc Lexus trực tiếp trên ứng dụng gọi xe Vinasun, vì ứng dụng Vinasun vừa cập nhật chỉ cho phép chọn xe Vcar 4 chỗ hoặc 7 chỗ; không phân biệt theo nhãn hiệu xe.

Theo thông tin từ Vinasun taxi, nếu khách hàng chọn xe bất kỳ trên ứng dụng Vinasun app; hệ thống sẽ tự động chọn một chiếc xe ở gần vị trí khách hàng gọi xe; không phân biệt là đó là Vcar hay Vinasun taxi. Vì thế, nếu khách hàng muốn yêu cầu xe Vcar, cần chọn mục Vcar 4 chỗ hoặc 7 chỗ.

Khi gọi tới số điện thoại hotline của Vinasun taxi để yêu cầu trực tiếp các dòng xe hạng sang Toyota Land Cruiser hoặc Lexus; nhân viên Vinasun taxi cho biết, nếu khách hàng muốn yêu cầu các loại xe này thì cần liên hệ trực tiếp với tổng đài Vinasun, chứ không thể yêu cầu trực tiếp hai loại xe này trên ứng dụng gọi xe.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép Vinasun được thí điểm dùng ứng dụng công nghệ để hỗ trợ và quản lý kết nối đối với loại xe hợp đồng từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Việc thí điểm này sẽ được thực hiện ở 8 địa phương gồm TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa–Vũng Tàu, Khánh Hòa và Đồng Tháp. Dù xe Vcar không cần gắn biển hiệu taxi cũng như số điện thoại tổng đài nhưng các xe hợp đồng muốn tham gia hệ thống này phải dán tem Vcar để nhận diện.

 

Tin tặc mũ đen và nguy cơ trắng tay

Hệ thống thông tin ở sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài bị tin tặc xâm nhập vào chiều thứ Sáu tuần trước. Vietnam Airlines đã bị tấn công trong thế giới ảo, nhưng hệ quả thì không hề ảo.

Chúng ta thấy gì qua sự việc trên?

Theo thống kê, mục tiêu ưa thích của tin tặc thường được xếp hạng lần lượt như sau: hệ thống công nghệ thông tin, hàng không, cơ quan chính phủ, viễn thông, ngân hàng và bảo hiểm, viện nghiên cứu, năng lượng, giao thông và các doanh nghiệp lớn.

Nếu nhìn giới công nghệ thông tin qua lăng kính ngôn ngữ võ hiệp có lẽ sẽ khái quát được hai phái chính-tà.

Chính phái được xem là nhóm mũ trắng hoody trùm đầu như Tim Berners-Lee (người sáng tạo ra WWW), Stephen Wozniak (cùng khởi nghiệp với Steve Jobs xây dựng Apple trong giai đoạn đầu) hay Linus Torwalds (phát minh hệ điều hành Linux dựa trên nền tảng Unix).

Tà phái là tin tặc mũ đen như PoodleCorp, Hacking Team, Darkhotel, Chinafans, 1937cn… Cũng có mũ xám lừng danh như Anonymous thường khoe các chiến tích “”thay Trời hành đạo”, tạo lập công bằng và sự minh bạch, kiểu cướp người giàu chia cho người nghèo. Ngoài ra, còn có mũ xanh nhưng ít được nhắc đến.

Tựu trung là có minh giáo và tà giáo với đường biên không rạch ròi giữa quân tử và tiểu nhân.

Sự kiện lúc 13 giờ 46 ngày 29-7-2016 với 3 đợt tấn công sâu vào hệ máy tính sân bay Tân Sơn Nhất và từ 16 giờ tại Nội Bài buộc dẫn đến hệ quả là ngưng sử dụng màn hình, loa phóng thanh và hai hệ tương tác với khách hàng (external private + external public) ở 21 sân bay dân sự có lưu lượng hành khách lớn.

Hai hệ đối ngoại được thiết kế biệt lập với hệ thông tin nội bộ điều hành bay (internal private) nên vẫn bảo đảm an toàn bay, vốn là yêu cầu quan trọng nhất cho mọi hãng hàng không, kể cả các hãng hàng không giá rẻ hay charter.

Việc bị mất cắp khoảng 411.000 thông tin khách hàng Bông Sen Vàng (Golden Lotus) với tên tuổi và lịch sử giao dịch là rất nghiêm trọng. Việc tin tặc giấu đi các thông tin về thẻ tín dụng được phỏng đoán để dùng cho các mục đích khác, cho dù các ngân hàng đã lập tức lưu (back-up), áp dụng các kịch bản chống tin tặc và tiến hành đổi thẻ. Liệu đã có bảo hiểm đền bù những thiệt hại đó hay không?

Cuộc tấn công mạng đã được phát hiện ít nhất bốn ngày trước với các gói chia sẻ pastebin dưới hình thức tập tin (file xlsx) xâm nhập thư viện Apache POI của hệ thống business management của Vietnam Airlines. Đó là một file nặng khoảng 90MB. Tuy nhiên, để đánh cắp thông tin, giành quyền điều khiển thì trước đó, “thích khách” đã cài mã độc (malware), mã gián điệp (spyware) vào firmware máy chủ, nằm vùng “thập diện mai phục” tại đó và tải các thông tin nội bộ ra ngoài.

Với hành tung bí mật, “những con ngựa thành Troy” này có thể đã xâm nhập từ nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trước đó, việc chiếm quyền domain, nhúng mã độc vào trang web chỉ còn là vấn đề thời gian khi thích khách hạ thủ. Virus mã độc đã được Vietnam Airlines phát hiện nửa ngày trước đó, nhưng sự phòng thủ tùy thuộc rất nhiều vào cơ địa phần cứng, và các áo giáp phần mềm – không chỉ với Kaspersky, Symantec, Trend Micro, Mc Afee hay Norton Antivirus, mà còn cả nhiều bức tường lửa và mạng lưới mật khẩu được mã hóa, tựa như “hộ tâm kính” của Thiếu Lâm Tự.

Đã có nhiều sân bay bị tin tặc tấn công trước đây, như Chopin (Warsaw, Ba Lan) bị sập mạng 5 tiếng đồng hồ, như Norwich (Mỹ) hay sự cố bị phá sóng định vị GPS ở sân bay Cairo (Ai Cập) bằng một thiết bị được rao bán trên mạng với giá chỉ 150 đô la Mỹ.

Tổ chức 1937cn, với dấu ấn là năm 1937 nổ ra chiến tranh Hoa – Nhật, phủ nhận trách nhiệm, nhưng người ta cũng không vạch mặt được ai khác là thủ phạm. Tổ chức 1937cn vẫn là nghi phạm lớn nhất, đã có 40.310 chiến tích, dù chỉ mới thành lập từ ngày 19-7-2015.

Chiến tranh mạng (**) thường là chiến tranh không quy ước. Một nửa nước Ấn Độ đã từng bị đánh sập mạng lưới điện gây mất điện gần cả ngày. Người ta nghi rằng phần lớn những linh kiện điện tử của Huawei (còn gọi là tập đoàn Hoa Vi) và ZTE (Trung Hưng Thông Tấn) đều có cài mã gián điệp và mã độc.

Đó là biến thể của các cuộc hành quân truy quét thông tin (Information Operations) có từ Thế chiến thứ nhất, cách đây đã 100 năm.

Nên chăng đã đến lúc phải rà soát lại việc đầu tư thiết bị Trung Quốc của 6/7 tập đoàn viễn thông của Việt Nam và của gần một nửa tổng số 30.000 trạm thu phát sóng (BTS), việc tập đoàn Viễn thông mua cả hệ 3G của Trung Quốc và nhiều thiết bị, linh kiện Internet để bán qua các nước Lào, Campuchia, Timor, Myanmar, châu Phi, Haiti và Peru.

Khi chiến tranh mạng thực sự nổ ra, các hoạt động gây nhiễu loạn đời sống xã hội, đánh sập hạ tầng hoạt động kinh tế cũng sẽ nổ ra, các doanh nghiệp lớn nhỏ đều nằm trong tầm ngắm, chứ không chỉ hệ thống điện tử của khí tài, tên lửa (đội quân tin học có thể kích hoạt tên lửa của đối phương bắn phá chính đối phương!).

Chiến tranh mạng Kosovo 1999 là một điển hình.

Sân bay Tân Sơn Nhất đã từng bị chiếm sóng 18 phút vào ngày 16-6-2016. Cũng nên nhắc lại là Việt Nam đã bị hacker tấn công trước đó, xâm nhập máy chủ DNS của thegioididong.com, facebook.com.vn, và vào hệ thống một ngân hàng thương mại. Phương thức tấn công chủ yếu vẫn là DDoS (***).

Trong khi chờ đợi kết quả điều tra về vụ tin tặc vừa xảy ra từ các cơ quan chức năng và từ đội ngũ chuyên viên bảo mật trong nhân dân thì việc phòng thủ, phản pháo ở cấp quốc gia và trên diện rộng là một thách thức, dù muốn hay không. Trong lúc sự cố sân bay ở ta bị tin tặc tấn công vẫn còn đang nóng trên các trang báo thì ở Nga nhiều cơ quan của chính phủ cũng đang bị tin tặc tấn công. Còn nhớ cách đây bốn năm, gói dữ liệu 164 triệu thông tin khách hàng của Linkedln đã bị đánh cắp và rao bán.

Đối với các doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, việc sử dụng các phần mềm của cracker (người bẻ khóa) sẽ là mồi ngon cho hacker mũ đen (tin tặc). Các doanh nghiệp không nên bỏ qua các biện pháp back-up, 3D Security, IDS/IPS, dựng các bức tường lửa (firewall), đặc biệt các doanh nghiệp trong ngành ngân hàng, bảo hiểm, hàng không còn cần thêm dịch vụ xác thực giao dịch trực tuyến quốc tế bằng mật khẩu (OTP) và nhiều biện pháp khác để đối phó với chiến tranh mạng. Ý thức về điều này để hành động là không hề thừa, nếu không muốn có ngày… trắng tay.

 

1 tỉ đô la cho ý tưởng bán dao cạo râu

Ai cũng nghĩ thị trường dao cạo râu đã bão hòa, người mới không dễ gì chen chân vào. Thật thế ai cũng nghĩ một nhà đầu tư phải có tiền tỉ, đổ vào xây nhà máy, liên tục cải tiến công nghệ, xây dựng hệ thống phân phối, tuyển đội ngũ bán hàng rồi chi tiền quảng cáo… cũng chưa chắc bán được lưỡi dao nào so với các gã khổng lồ đã tại vị từ lâu như Gillette. Họ lại có lợi thế quy mô thị trường nên giá bán có thể ở mức thấp…

Thế nhưng có hai anh chàng Mark Levine và Michael Dubin lại nghĩ khác. Và chính cách hai anh này khởi nghiệp xây dựng công ty bán dao cạo râu (tuần trước Unilever mới bỏ ra 1 tỉ đô la Mỹ để mua lại) chứng tỏ mọi loại hình doanh nghiệp đã tồn tại trên thương trường cũng đều phải tìm cách “tái khởi nghiệp” nếu không muốn bị “ăn tươi nuốt sống” bởi làn sóng khởi nghiệp theo mô hình kinh doanh mới.

Dubin và Levine lập nên Dollar Shave Club vào năm 2011, ý tưởng cũng khá đơn giản. Giới mày râu mỗi tháng tiêu chừng 10-20 đô la mua dao cạo râu ở tiệm – nay ai muốn đơn giản lại tiết kiệm thì vào trang web của Dollar Shave Club, đăng ký mua dao cạo râu, có loại chỉ 1 đô la, có loại 6 đô la mỗi tháng. Đăng ký xong, cứ yên tâm hàng tháng dao cạo sẽ tự động được gửi đến nhà.

Quảng cáo thì hai anh sử dụng kênh quảng cáo miễn phí trên YouTube và nhờ Dubin biết dàn dựng một video clip vui nhộn, cái quảng cáo kêu gọi mọi người đừng tiêu tốn 20 đô la mỗi tháng mà lại phải nhớ vào tiệm để mua, cứ bỏ ra 1 đô la (cộng thêm 2 đô la tiền vận chuyển) là có dao xài thoải mái được trên 23 triệu lượt người xem cho đến nay.

Theo tường thuật trên tờ The New York Times, chỉ trong vòng 24 giờ, cái “câu lạc bộ” này nhận được 12.000 đơn đặt hàng và chỉ trong vòng vài năm giúp hai anh chiếm đến 8% thị phần dao cạo râu, doanh số đạt 240 triệu đô la. Còn theo Financial Times thì thị phần của Dollar Shave Club trong loại dao cạo thay phần lưỡi lên đến 15% và hơn 50% thị phần dao cạo râu bán qua mạng.

Hiện Dollar Shave Club có hơn 3 triệu khách hàng đăng ký mua hàng thường xuyên nhưng toàn công ty chỉ có 190 nhân viên. Bởi dao thì hai anh thuê hãng Dorco ở Hàn Quốc sản xuất; phân phối lúc đầu tự làm nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đã “outsource” cho một công ty khác ở Kentucky. Dollar Shave Club làm gì? – thiết kế, tiếp thị, dịch vụ khách hàng và nghĩ ra các món hàng khác phục vụ quý ông tận nhà như dao cạo râu.

Nay Unilever mua lại Dollar Shave Club giá 1 tỉ đô la, hai anh Mark Levine và Michael Dubin sau năm năm khởi nghiệp trở thành triệu phú.

Ngày trước hai anh làm chuyện đó được không? Ắt là khó bởi ngày trước tự mình xây dựng nền tảng hạ tầng phục vụ thông suốt 3 triệu khách hàng qua mạng Internet là chuyện khó cho một công ty khởi nghiệp.

Nay thì câu lạc bộ này thuê Amazon Web Services. Ngày trước rao bán dao cạo râu mà không có một mảnh đất làm nhà máy, ắt sẽ bị coi là lập dị hay thậm chí lừa đảo. Nay Dorco mà không thỏa mãn điều kiện hai anh đặt ra, họ có thể bỏ đi nơi khác thuê hãng khác gia công dễ dàng.

Sản xuất, vì thế, không còn mang nghĩa sản xuất như suy nghĩ truyền thống nữa. Sản xuất chỉ là một khâu rất nhỏ và thường là khâu vất vả nhất, ít lợi nhuận nhất.

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump thường kêu gào phải bắt Apple sản xuất iPhone tại Mỹ chứ không cho làm ở Trung Quốc nữa. Tạp chí MIT Technology Review đưa ra hai kịch bản: giả dụ Apple vẫn đặt làm linh kiện iPhone khắp toàn cầu nhưng đem về lắp ráp ở Mỹ, giá một chiếc iPhone 6 Plus có thể sẽ tăng thêm 5%; nếu sản xuất toàn bộ linh kiện ở Mỹ, giá sẽ tăng thêm chừng 100 đô la.

Vấn đề ở chỗ chi phí cho nhân công chỉ chiếm một phần rất nhỏ (chừng 4-10 đô la) còn lại chi phí tăng do năng lực sản xuất của các công ty Mỹ không còn cạnh tranh nổi với các đối thủ khắp thế giới nữa. Và suy cho cùng, Apple vẫn đang hưởng phần lợi lớn nhất chứ không phải 7 nhà máy lắp ráp hay 766 nhà cung ứng linh kiện. Chiếc iPhone 6s Plus giá bán 749 đô la chỉ tốn chừng 230 đô la để sản xuất.

Giờ chúng ta hãy nhìn lại Dollar Shave Club – 1 tỉ đô la mà Unilever bỏ ra mua lại, đâu có xu nào lọt vào tay nhà sản xuất thật sự là Dorco ở Hàn Quốc? Cũng chẳng có xu nào cho nhà phân phối ở Kentucky. Hóa ra quả ngọt của mô hình mới chỉ sẽ chảy vào túi một số ít người có những kỹ năng thích hợp với nền kinh tế số (cũng không nhất thiết là kỹ năng thiết kế – Gillette năm ngoái kiện Dollar Shave Club về cáo buộc ăn cắp kiểu dáng), nó không chảy về túi công nhân, những người lao động tay chân. Bên cạnh người khởi nghiệp, tiền cũng chảy về các nhà đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư, thường đã giàu nay càng giàu hơn.

Hiện nay những người lao động này đang sống ở những nước đang phát triển nên dù sao cũng chưa tạo ra hố sâu ngăn cách và bất mãn lớn. Nhưng ở các nước phương Tây sự bất mãn đã hiển hiện và nếu các công ty nghe lời Donald Trump đem sản xuất về lại nước Mỹ, cái khoảng cách thu nhập giữa người có ý tưởng, ngồi vẽ vời ý tưởng và người phải cong lưng hiện thực hóa cái ý tưởng đó ắt sẽ làm dân lao động Mỹ càng bất mãn hơn.

Cái khoản người tiêu dùng tiết kiệm được chính là lấy đi hàng ngàn việc làm ở khâu bán lẻ, phân phối nên mô hình mới càng thành công, việc làm càng bị mất đi.

Quay trở lại với các doanh nghiệp truyền thống, đối đầu với các ý tưởng khởi nghiệp có khả năng xáo động lãnh vực yên bình của họ, tất cả đều phải chuẩn bị một tinh thần “tái khởi nghiệp”, tức nhìn lại cả chu trình hoạt động của mình để tái cơ cấu lại.

Hướng tái cơ cấu là gì? Trước đây các hãng truyền thống gầy dựng cơ ngơi từ từ, chiếm lĩnh thị phần dần dần và vừa kinh doanh vừa tái đầu tư để phát triển. Họ thường phục vụ một thị trường nhất định nào đó và tìm mọi lợi thế để củng cố vị thế trong thị trường này. Ngày nay các công ty kiểu Dollar Shave Club nhắm tới số đông, lãi ít hoặc thậm chí không có lãi nhưng ào ạt chiếm lĩnh trận địa theo kiểu lấy thịt đè người. Họ được hậu thuẫn bởi các dòng tiền khổng lồ đang chạy khắp nơi tìm cơ hội như Dollar Shave Club để rót vào.

Đó là cách các nhân vật như Mark Levine và Michael Dubin nghĩ về “khởi nghiệp” chứ không chung chung như nhiều người đang mơ hồ.

 

Ngành bán lẻ “khát” nhân sự cấp quản lý

Sự xuất hiện thêm nhiều thương hiệu bán lẻ cộng với việc mở chuỗi khiến nhân sự ngành này càng trở nên thiếu hụt. Điều đáng quan tâm là vẫn chưa có nơi đào tạo nhân sự bài bản cho lĩnh vực này.

Tìm kiếm nhân lực cho ngành bán lẻ đang trở nên sôi động khi các doanh nghiệp (DN) bán lẻ liên tục mở thêm các điểm bán. Cụ thể, ngày 28/7 tại Nha Trang, Lotte Mart thứ 13 đã chính thức hoạt động. Đầu tháng 7, Trung tâm Điện máy và Nội thất Thiên Hoà đã khai trương trung tâm thứ 7 tại TP.HCM.

Vào giữa tháng 6/2016, Aeon đã mở trung tâm thương mại thứ 4 trong kế hoạch mở 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam. Trước đó, trong tháng 4, Trần Anh cũng đã khai trương đại siêu thị tại Thái Bình. Theo kế hoạch công bố từ đầu năm, trong quý III/2016, DN này sẽ tiếp tục đưa vào hoạt động 5 đại siêu thị. Điện máy Xanh thì liên tục mở siêu thị và hiện 119 siêu thị của thương hiệu này đã có mặt tại 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Thiếu hụt nguồn cung

Sự sôi động của thị trường khiến nhân lực của ngành này trở nên thiếu hụt. Số liệu từ Công ty L&A, nhu cầu tuyển dụng các vị trí quản lý ngành hàng, mua hàng, dịch vụ khách hàng, kiểm soát tài chính… tăng nhanh so với cùng kỳ năm trước. Lý do cho sự tăng nhanh này là việc mở rộng các điểm bán đang “hút” một lượng không nhỏ người lao động, đặc biệt là ở cấp quản lý.

Số liệu này cũng trùng với kết quả nghiên cứu nhu cầu tuyển dụng lao động tại Việt Nam do Navigos Search công bố hồi tháng 1/2016. Theo đó, xu hướng mở các cửa hàng tiện ích ngày càng nhiều do vậy cơ hội cho các vị trí mới tốt nghiệp đại học cũng sẽ dồi dào hơn. Các vị trí quản lý trong ngành hàng tiêu dùng nhanh tiếp tục được tìm kiếm vì nhân sự ngành này vẫn luôn thiếu hụt. Tại TP.HCM, ngành chăm sóc sức khỏe, ngành tiêu dùng, bán lẻ, tài chính – ngân hàng… trong top 10 ngành hàng trả lương cao nhất.

2015 là năm mà ngành bán lẻ chứng kiến sự thay đổi nhân sự nhiều nhất so với trước. Trong đó, sự ra mắt của hệ thống bán lẻ VinMart đã thu hút một lượng không nhỏ quản lý cấp trung và cao từ các đơn vị khác. Theo một đại diện siêu thị tại TP.HCM, hàng loạt vị trí cấp trung và cao của các DN bán lẻ được “chiêu dụ” về VinMart với mức lương cao gấp đôi so với mức mà họ đang hưởng.

Nghiên cứu của Talentnet công bố hồi năm 2015 cho thấy, nhu cầu tuyển dụng cao của ngành bán lẻ rơi vào nhóm nhân sự cấp cao và trung cấp (từ vị trí quản lý trở lên). Sự thiếu hụt nhân sự gần như có ở tất cả các lĩnh vực như quản lý mua hàng, quản lý ngành hàng, dịch vụ khách hàng…

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Tấn Hoàng Hậu – Giám đốc Marketing Trung tâm Điện máy và Nội thất Thiên Hòa cho rằng, ngành bán lẻ đang thiếu nhân sự trầm trọng, nhất là nhóm quản lý cấp trung và cao cấp. Nguyên nhân chính là tại Việt Nam hiện nay không có trường đào tạo nhân sự về ngành bán lẻ. Hơn nữa, ngành bán lẻ đòi hỏi rất cao về độ nhạy bén cũng như khả năng hiểu rõ thị trường, nhưng để đáp ứng những yêu cầu này, phải có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành.

Chưa có nơi đào tạo

Thực tế cho thấy, các trường đại học hiện chưa có chuyên khoa đào tạo ngành bán lẻ. Muốn có đội ngũ nhân sự giỏi, các DN bán lẻ phải tự đào tạo. Ông Hồ Quốc Nguyên – Giám đốc Quan hệ Công chúng Big C Việt Nam cho rằng, hiện vẫn chưa có trường đại học, cao đẳng đào tạo chính quy, bài bản về ngành bán lẻ. Hầu hết những quản lý cấp cao thành công trong ngành bán lẻ đều từ quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm qua thực tế làm việc tại các DN bán lẻ lớn tại Việt Nam.

Ngay như Saigon Co.op, đơn vị bán lẻ có mạng lưới bán lẻ lớn nhất Việt Nam (82 siêu thị Co.opmart, 2 đại siêu thị Co.opXtra, 96 cửa hàng Co.op Food) nhưng cũng phải tự đào tạo. Các nhân sự giỏi, các lãnh đạo của Saigon Co.op đều được đào tạo từ thực tế tại các siêu thị Co.opmart và các chương trình đào tạo của Saigon Co.op cũng như qua các chuyến đào tạo ngắn ngày ở nước ngoài.

Ông Võ Hoàng Anh – Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho biết, để có nhân sự đáp ứng được yêu cầu, Saigon Co.op đã thành lập trung tâm đào tạo với đội ngũ giảng viên riêng. Tất cả 15.000 nhân viên của Saigon Co.op, từ nhân viên bán hàng, thu ngân, dịch vụ… cho đến quản lý cấp cao đều qua chương trình đào tạo của trung tâm. Các nhân sự được tuyển dụng trước khi trở thành nhân viên chính thức phải qua các khóa đào tạo tại trung tâm này (thời gian đào tạo tùy theo từng vị trí).

Trong khi đó, để có đội ngũ nhân sự giỏi, từ năm 2012, Hệ thống siêu thị Big C đã kết hợp với các viện đào tạo tổ chức các khóa học chuyên ngành bán lẻ. Chương trình đào tạo của DN này được thực hiện với hai hình thức xen kẽ vừa học lý thuyết vừa thực hành nghiệp vụ và đảm trách một vị trí quản lý tại siêu thị hay bộ phận hỗ trợ.

Để chiêu mộ được đội ngũ học viên, Big C đài thọ tất cả kinh phí, từ đào tạo, nhận trợ cấp thực tập hàng tháng, trợ cấp tiền ăn trưa, trợ cấp chi phí đi lại, chi phí lưu trú cho các ứng viên từ các tỉnh vào học tại TP.HCM, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn 24/24 và một số chế độ ưu đãi khác. Thế nhưng, mỗi khóa học (1 năm), Big C chỉ tuyển chọn được khoảng 40 – 50 người đúng yêu cầu.

Ông Võ Hoàng Anh cho rằng, lương là yếu tố đầu tiên để người lao động quyết định nơi làm việc nhưng để họ gắn bó thì cần nhiều yếu tố khác như chế độ phúc lợi, môi trường làm việc, khả năng thăng tiến… Saigon Co.op đã xác định nhân lực là vấn đề quan trọng nhất nên đầu tư mạnh cho khâu này. Đó cũng chính là lý do để Saigon Co.op cấu trúc lại nhiều mặt, trong đó, cải cách cơ chế lương, sắp xếp lại công việc cho hợp lý hơn… sẽ được áp dụng trong thời gian ngắn sắp tới.

3 kiểu ứng viên dễ bị loại ngay từ vòng đầu

Có muôn vàn lý do khiến một ứng viên không qua được một, thậm chí tất cả các vòng tuyển dụng của một công ty. Tuy nhiên, chưa nói tới các kỹ năng, kiến thức chuyên môn hay kinh nghiệm làm việc, nếu mắc phải các lỗi cơ bản sau thì bạn sẽ rất khó lọt qua vòng sơ tuyển của nhà tuyển dụng.

Thiếu tự chủ

Một biểu hiện dễ nhận thấy ở ứng viên thiếu tự chủ là tại phần thông tin liên lạc trong CV hay hồ sơ ứng tuyển, thay vì để số điện thoại và email cá nhân, họ lại để lại thông tin liên lạc của người thân, mặc dù trên thực tế họ có sử dụng cả 2 phương tiện liên lạc này.

Một người chưa biết làm chủ cơ hội được làm việc của mình, không sẵn sàng nhận cuộc gọi, email mời tham dự vòng tuyển dụng từ nhà tuyển dụng thì rất khó để nói rằng họ đã thực sự mong muốn được đi làm, hay có thể tự quyết định việc mình muốn làm.

Không quan tâm tới cơ hội của chính mình

Được mời tham gia phỏng vấn tuyển dụng đồng nghĩa với việc bạn đang tới gần hơn với cơ hội của mình, bởi không phải CV hay hồ sơ xin việc nào cũng đủ tiêu chuẩn để qua được khâu xét duyệt trên giấy. Tuy nhiên, có nhiều ứng viên lại để vuột mất cơ hội đi tiếp vào vòng trong chỉ vì khi tiếp xúc với nhà tuyển dụng, họ không thể nhớ chính xác mình đã ứng tuyển vào vị trí gì, không nhớ nổi yêu cầu về công việc mà mình ứng tuyển.
Với kiểu ứng viên đó, nhà tuyển dụng sẽ đặt ra câu hỏi liệu họ có đủ niềm đam mê với công việc này hay không khi chính bản thân họ không quan tâm một cách đầy đủ tới những gì mình đang làm?

Không sẵn sàng với lựa chọn của mình

Không chắc chắn muốn làm tại vị trí mình đã ứng tuyển, hỏi sang cả vị trí khác và phân vân muốn chuyển sang vị trí khác vì lo sợ không trúng tuyển ở vị trí hiện tại… là những “điểm trừ” mà nhiều người khi đi xin việc mắc phải.

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Có phải bạn đang tìm việc chỉ với duy nhất một lý do là bạn cần có một công việc tạm thời, thay vì có đôi chút sự thích thú và mối quan tâm tới nó? Liệu bạn có đủ nhiệt huyết với công việc mà chính bản thân cũng không dám chắc mình yêu thích và hiểu về nó?