Monthly Archives: September 2017

5 thay đổi cách sống để thành công hơn

Nếu muốn thành công hơn, kiếm nhiều tiền hơn hoặc nhanh chóng thăng tiến trong sự nghiệp, hãy thay đổi cách quản lý tiền bạc, cách kiểm soát sự nghiệp và thậm chí cách mà chúng ta tự giới thiệu về mình.

Đúc rút kinh nghiệm từ những tên tuổi nổi tiếng trong giới doanh nhân, CNBC gợi ý 5 sự thay đổi cách sống có thể giúp chúng ta thành công hơn:

1. Lấy một quyển sách chứ đừng lấy… điện thoại

Bậc thầy đầu tư Charlie Munger – Phó chủ tịch Berkshire Hathaway tin rằng, thành công của mình đến từ thói quen mà cả người bạn thân tỷ phú Warren Buffett cũng có, là đọc sách.

Ông cho rằng, người trẻ nên dành thời gian đọc sách nhiều hơn thay vì sử dụng điện thoại.

David Clark – tác giả cuốn The Tao of Charlie Munger cho biết Munger từng nói: “Trong suốt cuộc đời, tôi chưa từng biết một người khôn ngoan nào không thường xuyên đọc sách. Không một ai cả!”.

Các bằng chứng khoa học cũng củng cố cho quan điểm này của Charlie Munger. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, những người thường xuyên đọc sách có trí thông minh cảm xúc cao hơn, tư duy sắc bén hơn và biểu lộ sự thông cảm tốt hơn.

2. Bắt đầu đầu tư nhiều hơn

Tỷ phú Mark Cuban – một trong những nhà đầu tư của chương trình truyền hình thực tế Shark Tank cho rằng, việc trở thành triệu phú có liên quan đến chấp nhận một số rủi ro đã được tính toán trước.

Chẳng hạn, ông gợi ý trên Money rằng, đầu tư vào một quỹ tương hỗ (quỹ được điều hành bởi công ty đầu tư nhằm huy động vốn cổ đông và đầu tư vào chứng khoán, trái phiếu, hàng hóa… thường phát hành chứng khoán quỹ để huy động vốn) có thể là cách hiệu quả để bắt đầu tạo dựng sự giàu có, vì rủi ro ít hơn so với các khoản đầu tư khác.

3. Đi theo “cơn đói” của bạn

Chieh Huang – CEO Công ty Boxed với doanh thu hơn 100 triệu USD mỗi năm – cho rằng, người thành công nhất luôn có một “cơn đói” thành công.

Chieh Huang là người có xuất thân nghèo khó. Ông nói, sự quyết tâm cực độ để cải thiện bản thân chính là điều làm nên sự khác biệt. Ông đã phải lao động thật chăm chỉ mới có thể hoàn thành chương trình học tại Đại học John Hopkins và Trường Luật Fordham, rồi sau đó bắt đầu sự nghiệp bằng cách thành lập một công ty bán lẻ.

Chieh Huang – CEO công ty có doanh thu thường niên lên đến hơn 100 triệu đô la Mỹ. Nguồn: CNBC

Trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng cho công ty, ông thường yêu cầu họ kể về cuộc sống của chính mình để tìm hiểu xem ứng viên này có đủ sự quyết tâm hay không. “Cách bạn kể về chính mình tiết lộ rất nhiều về cá tính và quy tắc làm việc của bạn… Và nếu không có một “cơn đói”, chỉ riêng sự thông minh sẽ không dẫn bạn đến đâu cả”, Huang nhận định.

4. Tiết kiệm

Theo nhà đầu tư nổi tiếng Mark Cuban, nếu muốn trở nên giàu có, chúng ta phải sống tiết kiệm. Vị tỷ phú này cho biết ông từng áp dụng cách tiết kiệm đến mức “khắc khổ” để dành dụm tiền, và cuối cùng, công sức đó đã được đền đáp xứng đáng.

“Tôi đã áp dụng các biện pháp tiết kiệm như chia sẻ không gian sống cùng 5 người khác, hoặc sống qua ngày chỉ bằng cách ăn mì ống và phó-mát”, Mark Cuban nói với Money và tiết lộ rằng, việc sống dưới mức nhu cầu của bản thân đã giúp ông tiết kiệm tiền hiệu quả và theo đuổi một sự nghiệp thành công.

Nhiều người thành công khác cũng làm theo chiến lược tương tự, chẳng hạn như cặp vợ chồng Cherie and Brian Lowe (ở thành phố Greenwood, bang Indiana, Mỹ) đã trả hết khoản nợ 127.000 USD chỉ trong vòng 4 năm. Cherie Lowe đã kể lại câu chuyện này trên website cá nhân QueenOfFree.net. Sau đó, câu chuyện của gia đình họ tiếp tục được đăng tải trên Wall Street Journal, Yahoo Finance, RedBook Magazine, AOL Daily Finance…

Cặp vợ chồng Cherie và Brian Lowe

“Mỗi lần kiểm tra lại giỏ hàng sau khi mua sắm, chỉ cần bỏ bớt ra 3 – 5 món đồ không cần thiết, bạn đã tiết kiệm được 5 – 10 USD mỗi lần mua sắm”, Cherie nói.

Cherie và Brian chia sẻ, việc thực hành “bài tập” tự kiểm soát đã giúp họ tạo nên sự khác biệt cho tình trạng “sức khỏe tài chính” của gia đình. Với việc giảm bớt các khoản nợ và tăng cường các khoản tiết kiệm, họ đã hạnh phúc hơn và bớt stress hơn.

5. Suy nghĩ như một doanh nhân, hành động như một hacker

Theo CEO, nhà đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, cách tư duy như một doanh nhân và hành động như một… hacker chính là yếu tố giúp Facebook trở nên khác biệt so với các startup công nghệ khác.

“Tôi nghĩ các các kỹ sư và các doanh nhân công nghệ giỏi đều có cùng một bản năng là, nếu họ muốn làm bất kỳ một điều gì đó, họ chỉ đơn giản là thực hiện nó. Vì vậy, hãy suy nghĩ như một doanh nhân và trở thành một hacker để làm điều bạn muốn”, Zuckerberg từng nói.

Startup kinh doanh sữa chiết xuất từ… cây

Kể từ khi ra mắt vào tháng 4/2016, Ripple đã bán được 2,5 triệu chai sữa chiết xuất từ cây với doanh thu 20 triệu USD. Mới đây, Công ty nhận được 44 triệu USD vốn đầu tư từ Google và một số nhà đầu tư mạo hiểm của Thung lũng Silicon.

Theo Hãng nghiên cứu thị trường Mintel, năm 2015, tổng doanh thu ngành sữa của Mỹ giảm 7% (17,8 tỷ USD) và dự báo sẽ giảm thêm 11% vào năm 2020. Trong khi đó, doanh thu sữa hạnh nhân từ năm 2011 tới 2015 tăng tới 250%, theo Bloomberg.

Tuy nhiên, những sản phẩm mới này có một số điểm yếu như: sữa đậu nành có vị khá nhạt và hạt đậu nành thì thường bị gắn mác biến đổi gien; hay sữa hạnh nhân dù giàu protein nhưng chỉ bằng 1/8 so với sữa bò truyền thống và cần dùng lượng nước lớn trong quá trình sản xuất. Trong khi đó, sữa gạo dù có vị ngon dịu nhưng lại ít protein.

Hiểu được những điều đó, startup Mỹ có tên Ripple tung ra loại sản phẩm sữa hoàn toàn mới được chiết xuất từ đậu Hà Lan vàng (yellow pea) – loại cây dễ trồng và cho hương vị thanh đáng kinh ngạc.

2 nhà đồng sáng lập startup này là Adam Lowry và Neil Renninger. Trước khi cùng thành lập Ripper, Adam Lowry đồng sáng lập Công ty sinh thái Ethod với doanh thu hơn 100 triệu USD và sau đó bán cho Công ty Ecover của Bỉ vào năm 2012. Còn Neil Renninger từng xây dựng Công ty Amyris Biotechnologies chuyên dùng công nghệ để tạo ra nhiên liệu tái chế với nguồn đầu tư ban đầu từ Gates Foundation của tỷ phú Bill Gates.

Năm 2014, Lowry và Renninger nhìn thấy cơ hội trước những thay đổi của ngành công nghiệp chế biến sữa. “Hệ thống sản xuất thực phẩm chiếm tới 20% lượng khí thải carbon trên thế giới và 25% trong số đó là từ sữa. Tác động tới môi trường là rất lớn. Nhiều hơn thịt bò và gà, sữa là nguồn thải carbon lớn nhất tính theo số lượng. Điều đó khiến tôi phải suy nghĩ”, Renninger cho biết.

Lowry và Renninger bắt đầu tìm kiếm một sản phẩm vừa có vị ngon vừa giảm tác động tới môi trường hơn so với các loại sữa truyền thống và chế phẩm thay thế sữa hiện có.

“Chúng tôi thấy tiềm năng rất lớn và còn nhiều ‘đất’ dành cho cải tiến thực phẩm bằng công nghệ. Thế giới đang ngày càng nhận ra rằng chúng ta cần có nhiều sản phẩm làm từ cây hơn, giống như burger không thịt vậy. Tuy nhiên phần lớn thực phẩm là từ cây, đặc biệt là sữa, lại cho hàm lượng protein thấp và vị không ngon”, Renninger nói.

2 nhà đồng sáng lập startup Ripple

Sử dụng công nghệ do Renninger phát triển, họ bắt đầu thử chiết xuất sữa từ nhiều loại cây nổi tiếng với hàm lượng protein cao nhưng đa số lại có vị khó uống. Sau đó, họ thử đậu Hà Lan vàng – loại cây dễ trồng, không đắt mà vị lại không gắt như các cây khác. Kết quả thu được loại thức uống có vị giống sữa bột cô đặc, sánh và mịn.

Mỗi chai sữa của Ripple chứa lượng protein tương đương với sữa bò truyền thống (nhưng cao hơn nhiều so với sữa hạnh nhân). Tuy nhiên, điểm khiến Ripple trở nên khác biệt là có lượng khí thải ra môi trường thấp hơn hẳn so với các phương pháp sản xuất sữa hiện tại.

Theo nghiên cứu của họ, mỗi chai Ripple hơn 1,4 lít (chai đựng làm 100% từ vật liệu tái chế ) giúp giảm được hơn 1.500 gram khí thải carbon dioxide và 3,5m3 nước so với một chai sữa truyền thống có thể tích tương đương.

Theo đó, 2,5 triệu chai Ripple đã bán ra giúp giảm được 3.500 tấn khí thải carbon dioxide, tương đương giảm hơn 600 xe hơi mỗi năm. Trong khi đó, để có được lượng protein tương đương, quy trình sản xuất sữa hạnh nhân cần tới gần 250 triệu m3 nước.

Hiện tại, 5 loại sữa gồm “cơ bản” và “thêm vị” của Ripple được bày bán tại các cửa hàng, siêu thị như Whole Foods và Target Corp. Ripple dự kiến sẽ tung ra thêm loại sữa chua làm bằng tinh chất chiết xuất từ cây và thêm các vị như dâu tây, việt quất, vani… theo kiểu Hy Lạp trong thời gian tới.

“Chúng tôi đang thử các hương vị mới từ cây thích và chanh giấy”, Lowry nói. Sữa chua là bước đi tiếp theo hợp lý cho Ripple để được xếp vào danh mục món tráng miệng, ăn vặt.

“Hầu hết khách hàng muốn dùng các loại thực phẩm xanh hơn và xu hướng này đang ngày càng lớn hơn”, Renninger cho biết.

Nói về giá cả, Renninger cho biết, sản phẩm của Ripple đang ở mức cao hơn so một số loại sữa thông thường nhưng họ sẽ tìm cách giảm giá thành trong vài năm tới.

Hành trình đến doanh thu 30 triệu USD/năm của startup Showpo

Con đường đến thành công của Jane Lu – nhà sáng lập của cửa hàng thời trang online Showpo – thực sự quanh co khi cô phải đi nửa vòng trái đất và trải qua những gian truân thật ý nghĩa trước khi tới được đỉnh vinh quang như ngày hôm nay.

Năm 2009, Lu làm việc tại văn phòng ở Sydney của một hãng tư vấn quốc tế và rất hài lòng với công việc đầy bận rộn mang tính xã hội này của mình. Nhưng điều đó đã thay đổi sau khi cô thực hiện chuyến du học nhiều tháng trời đầy thôi thúc để biết nhiều hơn nữa về thế giới này.

Khởi nghiệp từ gara

Trước khi tốt nghiệp trường Đại học New South Wales chuyên ngành kinh doanh năm 2009, Lu đã từng làm việc như một nhà phân tích tại Ernst & Young trong 2 năm và hưởng thụ cuộc sống theo phong cách của giới trẻ hiện hành khi đó. Nhưng cuối cùng cô đã quyết định “tung cánh” khi tham gia du học một chương trình 9 tháng về tài chính tại Đại học Lund ở Thụy Điển – nơi cô “đã có khoảng thời gian đẹp nhất cuộc đời” – và quay trở lại Australia để bắt đầu thắp sáng tương lai bằng niềm đam mê.

Trở về sau chuyến đi, sau vài tháng tìm việc thất bại, Lu quyết định không bị đóng khung trong công việc văn phòng trước đây mà cô lên ý định cố gắng trở thành doanh nhân. Cô đã bắt đầu kinh doanh, với sự nung nấu ý tưởng chỉ trong vài tuần. Cô nhớ lại: “Tôi đã không có gì để dựa vào, không công việc, không vận may tìm việc mới vào đúng giữa thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu và tôi có quá nhiều tự hào để kể với bố mẹ rằng tôi đã đánh mất mọi thứ mình từng làm việc hết sức chăm chỉ để có được, rồi giờ đây chấp nhận làm lại từ đầu”.

Tháng 9/2010, Lu chính thức ra mắt cửa hàng thời trang trực tuyến Showpo từ chiếc gara của bố mẹ cô và tự học lập trình bằng HTML để có thể xây dựng trang web riêng của mình. Đối với quần áo tồn kho, cô đã làm việc với một đại lý phân phối địa phương mà không đòi hỏi phải thanh toán cho tới khi quần áo được bán hết.

Lựa chọn duy nhất của Lu khi đó chỉ đơn giản là bắt đầu lại, và cô đã khởi nghiệp. Từ xuất phát điểm thấp năm 2010, cô đã cho ra mắt Showpo – một cửa hàng đồ thời trang trực tuyến dành cho phái đẹp – và dần dần gây dựng nó trở thành một điểm thu hút quốc tế với các khách hàng ở hơn 50 quốc gia trên khắp thế giới. Lu, hiện giờ 31 tuổi, cùng đội ngũ nhân viên hơn 40 người hiện nay đã thu được doanh thu hằng năm 30 triệu USD.

Phát triển nhờ tận dụng lợi thế mạng xã hội

Từ những khởi đầu gian truân đó, một đế chế trực tuyến đã trỗi dậy và lớn mạnh, nhờ phần lớn vào sự hiểu biết về mạng internet của Lu. Cô thú nhận, ngay từ những ngày đầu làm việc, “tôi đã nghiện Facebook” và dành thời gian “vào trộm” Facebook khi theo dõi trang web của mình trong cả ngày làm việc.

Trên thực tế, những khoảng thời gian dường như mất thời gian đó đã đưa cô đi đầu về tiếp thị trên mạng xã hội tại thời điểm đó, khi mà các công ty vẫn còn hơi sốc về điều đó. “Quả thật rất vui về quãng thời gian tôi ‘đã lãng phí’ trên Facebook vì nó cho phép tôi hiểu được nền tảng nằm sâu bên trong đó. Trang mạng xã hội này đã giúp tôi xây dựng được nhãn hiệu của mình rất nhanh chóng và với một mức chi phí rất thấp”, Lu hồ hởi chia sẻ.

Sự hiện diện trực tuyến của Showpo và việc sử dụng Facebook mang tính chiến lược của Lu đã cho phép cô phát triển được cơ sở khách hàng nằm ngoài biên giới Australia. Ảnh hưởng trên mạng xã hội của Showpo đã lớn mạnh nhiều hơn nữa kể từ đó. Ngày nay, trang Facebook của Showpo đã có hơn một triệu người ủng hộ, và cả một triệu người nữa theo dõi trên tài khoản Instagram.

Ngay khi Showpo trở nên lớn mạnh, Lu đã nhận được rất nhiều sự công nhận về công việc của cô. Đáng kể tới trong những sự ghi nhận đó là: tên cô nằm trong danh sách Forbes 30 Under 30 Aisa năm 2016, cô đạt danh hiệu Cosmopolitan’s Entrepreneur of the Year năm 2015 và thậm chí, cô được công ty cũ – Ernst & Young – tán dương là người lọt vào vòng cuối dành cho EY Entrepreneur of the Year năm 2014.

Giờ đây, Lu đã trở thành một doanh nhân thành công và cô cảm thấy mình có trách nhiệm đóng góp cho xã hội. Vì vậy, Lu vô cùng tích cực khi tham gia các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, những buổi nói chuyện mang tính chia sẻ trải nghiệm và thiết lập mối quan hệ đối tác với các tổ chức phi lợi nhuận địa phương, cũng như hỗ trợ nhiều hơn nữa cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Australia.

Hướng về phía trước, Lu có ý định mở rộng việc tiếp cận trực tuyến của Showpo, một phần bằng việc mở rộng nội dung trực tuyến với các video blogging. Cô cũng đang thực hiện những động thái trong thế giới thực với kế hoạch chuyển các phần việc điều hành của Showpo sang một không gian văn phòng mới lớn hơn, song song đó là phát triển đội ngũ hơn nữa. Mục tiêu dài hạn của Lu thời gian tới là mở rộng các sản phẩm của Showpo và đạt doanh thu 100 triệu USD vào năm 2020 mà không phải tăng thêm vốn.

Chủ tịch Grab Việt Nam: ‘Chúng tôi đã xong trận đánh giành thị phần’

Chia sẻ tại buổi làm việc với câu lạc bộ LBC với chủ đề công nghệ 4.0, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch của Grab Việt Nam khẳng định thời điểm này Grab không lo lắng nhiều về đối thủ.

Theo ông Tuấn Anh, Grab ra đời với mong muốn cải thiện vấn đề vận tải và việc ứng dụng công nghệ chỉ là phương tiện để giải quyết mục tiêu kinh doanh này.

* Công nghệ 4.0 đã tác động thế nào đến sự phát triển của Grab ngày hôm nay thưa anh?

Ngay tại thời điểm Grab ra đời, chúng tôi thấy thị trường vận tải đang không tốt. Tại sao không tốt? Vì chưa giải quyết được vấn đề chất lượng, vấn đề giá cả, vấn đề hiệu suất.

Làm sao để mình giải quyết được vấn đề đó? Ngay thời điểm đó, chúng tôi có công nghệ. Công nghệ tới đúng thời điểm thì mình dùng nó để giải quyết vấn đề chứ thực ra là mình vào thị trường vận tải để làm cho thị trường đó tốt hơn.

Công nghệ chỉ là yếu tố đến đúng thời điểm mà thôi. Giả sử chúng tôi có công nghệ nhưng thời điểm đó Việt Nam chưa có smart phone, chưa có 3G thì Grab cũng không giải quyết được vấn đề của thị trường vận tải.

Chủ tịch Grab Việt Nam tại buổi chia sẻ.

GrabBike đụng độ xe ôm truyền thống là phần tất yếu

* GrabBike ra đời đã mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng. Nhưng lại trở thành đối thủ của xe ôm truyền thống. Anh suy nghĩ vấn đề này thế nào?

GrabBike ra đời đầu tiên ở Việt Nam do chúng tôi thấy thị trường có nhiều xe máy. Cũng giống như GrabCar mâu thuẫn với taxi truyền thống, GrabBike cũng có đụng độ với xe ôm truyền thống. Nó là một phần tất yếu.

Trên đường chúng tôi đi, chúng tôi cũng cố gắng giảm thiểu những thiệt hại do chúng tôi vô tình gây ra, miễn sao đến cuối cùng chúng tôi cảm thấy giá trị chúng tôi tạo ra không chỉ là số dương mà là một số dương lớn thì mới yên tâm đi trên con đường của mình.

Chúng tôi cũng nhìn thấy, báo chí cũng đăng trường hợp những bác xe ôm truyền thống nghèo khổ mưu sinh. Khi nhìn lại, chúng tôi thấy số đó là số ít.

Có những người báo đăng lên, chúng tôi cũng ráng đi kiếm họ. Có người tụi tôi phải trực ở địa điểm xe ôm thường đón khách mấy ngày để tìm họ nhưng không tìm được do không có số điện thoại.

Có những người mắt kém hay già yếu, chúng tôi không nhận vào được nhưng chúng tôi có nhờ họ đi giao hàng, tìm những cách khác, tạo cơ hội để giúp họ.

Nhìn chung, cuối cùng chúng tôi đã tạo được việc làm cho mấy trăm nghìn người. Chúng tôi thấy đó là điều tốt. Tuy nhiên, những việc mình làm đang tạo ra những ảnh hưởng rất lớn, và chúng tôi phải đối mặt với nó.

“Những việc mình làm đang tạo ra những ảnh hưởng rất lớn, và chúng tôi phải đối mặt với nó “, ông Nguyễn Tuấn Anh nói. Ảnh minh họa: Minh Trí.

Có những đêm nằm suy nghĩ, tôi không biết việc mình làm như vậy đã đúng hay chưa. Và dần dần thì có câu trả lời. Tại thời điểm bắt đầu, mình không biết được câu trả lời chính xác là gì. Chỉ có cảm giác là phải đi tới. Nhưng mình hiểu là mình đang làm công việc có lợi cho người tiêu dùng và đúng xu thế.

Nếu doanh nghiệp nào đang hoạt động mà không phải đối mặt với những câu hỏi đó thì nên tìm cách để lớn hơn. Và khi mình lớn đến một lúc nào đó, mình sẽ phải đối mặt với những câu hỏi như vậy. Tôi nghĩ đó là hướng đi đúng vì tạo được nhiều giá trị cho xã hội.

* Với những khách hàng đi lại nhiều và tần suất lặp đi lặp nhiều thì vấn đề về bảo mật thông tin của khách ra sao?

Việc bảo mật liên quan đến uy tín của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không uy tín, khách hàng không sử dụng dịch vụ nữa thì nó liên quan đến sự sống còn của doanh nghiệp. Nhất là hiện nay Grab có nhiều nhà đầu tư.

Người tiêu dùng đương nhiên sẽ được bảo vệ bởi luật pháp. Chúng tôi cũng chọn khung luật pháp cứng nhất trong khu vực theo chuẩn của Singapore và bám theo chuẩn đó.

Không lo nhiều về đối thủ

* Mới đây, Viettel tuyên bố hợp tác với Gonow gia nhập thị trường gọi xe trực tuyến. Thị trường có thêm đối thủ, Grab có lo lắng gì hay không?

Nói thật, thời điểm này, Grab không lo lắng nhiều về đối thủ. Ngay cả đối thủ lớn nhất là Uber thì chúng tôi cũng đã giành được thị phần lớn hơn, coi như trận đó đã xong rồi.

“Ngay cả đối thủ lớn nhất là Uber thì chúng tôi cũng đã giành được thị phần lớn hơn, coi như trận đó đã xong rồi.”

Thị trường này đang được bơm tiền rất mạnh từ các nhà đầu tư và ngốn rất nhiều tiền chứ không chỉ đơn giản là chuyện công nghệ. Đây là một mô hình kinh doanh và công nghệ chỉ là một phần giúp mình đạt được mục tiêu kinh doanh. Xung quanh đó còn rất nhiều vấn đề. Như làm marketing thế nào để kiếm xe, kiếm được tài xế, làm sao đảm bảo được công việc cho người ta.

Tạo ra một app là chuyện dễ. Cái khó là mình biết phải làm như thế nào để khi mới bắt đầu, chưa có xe, chưa có khách, mình phải làm gì. Đây là vấn đề về chiến lược. Sau đó phải có tiền để mình dùng phát triển thị trường lên được trong môi trường cạnh tranh rất lớn như lúc này.

Đứng từ góc độ người tiêu dùng, tôi nghĩ việc có thêm các phần mềm gọi xe khác là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, nhà đầu tư đó cần phải hiểu được thị trường thực sự và khi họ bước vào, họ phải nói được họ khác với những người đi trước những điểm gì.

Còn nếu làm giống y chang chúng tôi thì lý do gì để có thể thắng được chúng tôi hay Uber. Vì thế, rất khó có thể đánh bật Grab hay Uber ngay tại thời điểm này.

* Với một khối lượng tài xế lớn như vậy thì việc hợp tác giữa Grab và tài xế ra sao? Họ có hợp đồng lao động để đảm bảo các quyền lợi hay không?

Với mô hình làm việc này, có cả mặt tốt và mặt xấu. Tài xế của Grab sẽ được tự do về thời gian, tự chủ trong công việc của mình, họ không bị bắt buộc về giờ giấc, chỉ tiêu. Bù lại, họ sẽ không được bảo vệ hoàn toàn như là người lao động bình thường như các chế độ bảo hiểm…

Đây cũng là một khó khăn của chúng tôi vì hiện tại chúng tôi có mấy chục nghìn GrabBike, không thể nào mà ký hợp đồng với tất cả họ. Nếu giờ có luật yêu cầu Grab hay Uber phải ký hợp đồng lao động với tất cả tài xế thì các công ty này sẽ đóng cửa, bởi ngay lập tức chi phí sẽ tăng lên rất cao và các công ty như vậy sẽ chịu không nổi.

Điều này cũng không đúng với mô hình hoạt động của Grab hay Uber. Nếu ký hợp đồng với tất cả tài xế thì họ sẽ phải đi làm trong thời gian quy định, và điều này sẽ đi vào lối cũ.

Đây là vấn đề lớn, bản thân tôi cũng không thể trả lời với tư cách một công ty. Tôi chỉ biết rằng, các công ty như Grab, Uber không thể tồn tại được nếu như mô hình hợp tác đó không được cho phép.

* Ngay từ khi mới vào thị trường và cho đến tận bây giờ, cả Grab và Uber đều gặp phải nhiều sự phản ứng từ thị trường. Anh có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Chúng tôi hiểu rằng, khi mình vào một thị trường mới và làm thay đổi thị trường một cách mạnh mẽ thì chắc chắn mình sẽ vấp phải nhiều vấn đề khác nhau.

Khi mình đã mong đợi tạo ra những thay đổi lớn thì phải chấp nhận những sự cản trở nhất định, chúng tôi hiểu và chấp nhận điều đó.

Kinh nghiệm xây startup công nghệ của… cựu diễn viên

Từng hoạt động trong lĩnh vực diễn xuất, sân khấu, Katelyn Gleason được đánh giá là không có vẻ gì giống một nhà sáng lập startup công nghệ tiềm năng.

Tuy nhiên, hiện tại, Gleason đã là nhà sáng lập, CEO của Eligible – công ty tận dụng các APIs (tạm dịch: giao diện lập trình ứng dụng) để liên kết các hệ thống chăm sóc sức khỏe với việc thanh toán bảo hiểm cho bệnh nhân.

Eligible đã giúp hàng chục triệu bệnh nhân nắm được thông tin chi tiết về bảo hiểm cá nhân của mình và biết được cụ thể chi phí mà họ sẽ phải trả cho các dịch vụ y tế, phòng khám… là bao nhiêu.

Và dĩ nhiên, hành trình dẫn đến thành công này của Eligible không hề bằng phẳng. Katelyn Gleason đã phạm phải nhiều sai lầm, nếm trải nhiều thất bại và phải học hỏi từ đó để tiếp tục tiến lên phía trước. Dưới đây là 4 sai lầm và cũng là 4 bài học quan trọng nhất mà Katelyn Gleason đã tiếp thu được trên hành trình đầy gian nan đó:

1. Nghĩ rằng mình cần phải có một kế hoạch xuất chúng để giới thiệu sản phẩm/dịch vụ

Ngay trước khi khởi động Eligible, Gleason đã chuyển đến một căn hộ nhỏ để ở và nghiên cứu trong vòng 9 tháng về mọi thứ cần thiết trên kênh trực tuyến hoặc trong thư viện để tìm ra cách tốt nhất nhằm xây dựng nên một POC (Proof of concept – tài liệu để làm chứng cứ cho một sản phẩm hay dịch vụ tiềm năng có khả năng thành công).

Nghĩa là, Gleason phải tìm ra những giải pháp để tự động hóa các thông tin điều kiện bảo hiểm, giúp giảm thiểu chi phí, tiết kiệm thời gian, tăng tính chính xác so với các giải pháp đã có. Và hóa ra, việc tìm tòi nghiên cứu, các ý tưởng và kỹ năng tự học của Gleason đã đủ để hoàn thành quá trình này mà không cần phải tổ chức đến những buổi họp hội đồng hoành tráng.

Sau giai đoạn nghiên cứu đó, Katelyn Gleason chuyển sang giai đoạn hiện thực hóa ý tưởng. “Cuối cùng, thứ tôi đưa ra là một ứng dụng “siêu đơn giản” trên iPhone, giúp một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể kiểm tra điều kiện bảo hiểm của bệnh nhân, và thực hiện mọi thao tác trong thời gian thực.

Là bệnh nhân, bạn cũng có thể truy cập vào thông tin bảo hiểm của mình, sau đó, ứng dụng sẽ đưa ra phản hồi về các khoản tiền bạn phải bỏ ra để chia sẻ với hãng bảo hiểm về chi phí của dịch vụ y tế, đối với từng nhà cung cấp bảo hiểm cụ thể, chẳng hạn như mức co-pay (khoản tiền cố định phải trả cho dịch vụ y tế hoặc thuốc men mỗi lần sử dụng dịch vụ), deductible (mức tiền phải tự đáp ứng trước khi hãng bảo hiểm can thiệp, tính theo từng năm), coinsurance (chi phí “đồng bảo hiểm”, tính theo tỷ lệ phần trăm, thường là 80/20, 70/30 hoặc 60/40)…”, Gleason nói.

Trong cuộc phỏng vấn với nhà đầu tư đầu tiên là Harj Taggar, khi Taggar tình cờ nói rằng ông vừa bất ngờ nhận được một hóa đơn khấu trừ từ bệnh viện mà ông sử dụng dịch vụ cách đó vài tuần, ngay lập tức Gleason đã “trình diễn” thành công ứng dụng của mình. Bằng cách kiểm tra điều kiện bảo hiểm của Taggar, Gleason đã cho ông biết chính xác những nghĩa vụ của ông đối với những giao dịch y tế tương tự trong tương lai.

“Chỉ với một chiếc điện thoại trong tay, tôi đã chứng minh được mình đã xây dựng nên một thứ có giá trị và giải quyết hiệu quả những vấn đề tồn tại trong thế giới thực”, Gleason tự hào.

Đây là một bằng chứng thực tế cho thấy, không phải lúc nào startup cũng cần phải có một kế hoạch quá phức tạp. Đôi khi chỉ cần một thư viện, một laptop và sự lao động chăm chỉ là đủ.

2. Nghĩ rằng cần phải có một nhà đồng sáng lập chuyên về công nghệ

Katelyn Gleason là nhà sáng lập duy nhất của Eligible. Tuy nhiên, đó không phải là kế hoạch ban đầu.

Sau khi gặp gỡ nhà đầu tư, Gleason đã cố gắng tuyển dụng thêm 2 kỹ sư cộng sự, vì nghĩ rằng mình không thể một mình làm được mọi thứ vì không có chuyên môn kỹ thuật.

Thực tế là, kế hoạch đó đã thất bại. Cả 2 kỹ sư được tuyển dụng để trở thành những nhà đồng sáng lập đều không thể gắn bó lâu dài. Một tháng trước Demo Day (sự kiện giới thiệu sản phẩm), Gleason cảm thấy suy sụp vì sẽ phải một mình làm tất cả mọi thứ, thậm chí còn nghĩ sẽ không tham gia sự kiện. Nhưng sau khi nhận được lời khuyên và sự cổ vũ của một người bạn là nhà đầu tư mạo hiểm Paul Graham, nhà sáng lập Eligible quyết tâm tiếp tục hành trình.

Gleason thuê ngoài những dịch vụ cần thiết và một thân một mình đến Demo Day – sự kiện giúp startup Eligible huy động được số vốn 1,6 triệu USD. Đó là thời điểm cách đây 5 năm.

3. Đánh giá thấp những kỹ năng phi kỹ thuật

Katelyn Gleason không phải là một chuyên gia về code, nhưng cuối cùng, chính những kỹ năng phi kỹ thuật đã giúp Gleason vượt qua nhiều thử thách. “Tôi tin rằng sự kiên cường và quyết tâm là các đặc tính quan trọng nhất ở những người thành công, bất kể họ làm trong lĩnh vực gì. Tôi đã dồn hết tâm sức để biến tầm nhìn và công ty của mình thành hiện thực. Hành trình này nhiều lúc rất cô đơn và đáng sợ, nhưng niềm tin vào bản thân đã cho tôi thấy được thành quả ngày hôm nay”, CEO Eligible khẳng định.

Bên cạnh đó, Gleason còn rất xem trọng khả năng đồng cảm. “Tôi xây dựng Eligible để giải quyết vấn đề cho khách hàng và các đối tác. Tôi tìm hiểu những điều họ cần bằng cách lắng nghe họ, học hỏi về họ và về doanh nghiệp của họ. Tôi luôn được truyền cảm hứng để cố gắng giúp đỡ mọi người. Tôi được bảo rằng mình giỏi bán hàng, nhưng tôi tin rằng những gì tôi làm là chứng minh cho mọi người thấy rằng tôi quan tâm đến việc giúp đỡ họ. Và với Eligible, tôi có thể và tôi sẽ giúp họ, không chỉ là khách hàng, mà còn các nhà cung cấp, nhà đầu tư, nhân viên của tôi nữa”, Gleason chia sẻ.

4. Đánh giá thấp tầm quan trọng của việc giao tiếp bằng ngôn ngữ kỹ thuật với các kỹ sư

Truyền thông, giao tiếp là yếu tố quan trọng giúp một đội ngũ, một công ty phát triển. Nghĩa là dù không có các kỹ năng trong lĩnh vực công nghệ, nhà sáng lập vẫn nên hiểu và sử dụng hiệu quả các thuật ngữ giúp cho các kỹ sư có thể hiểu được.

Gleason thừa nhận rằng phải mất một thời gian dài để nhận ra điều đó: “Tôi nghĩ rằng tôi chỉ cần nói những điều mình muốn đạt được, bằng ngôn ngữ phi chuyên môn, và đội ngũ của tôi sẽ nắm bắt hoàn toàn những ý tưởng đó và biến nó thành hiện thực”.

Dĩ nhiên sau đó, cách làm này đã được chứng minh là không hiệu quả. Cả 2 bên gần như có những mục tiêu trái ngược nhau, trong khi trên thực tế, họ thực sự muốn cùng một kết quả.

Cuối cùng, Gleason nhận ra: “một tầm nhìn cần phải được truyền đạt chính xác, trước khi nó biến thành một nhiệm vụ, và sự giao tiếp hiệu quả không được đo bằng những điều chúng ta nói, mà bởi mức độ chính xác khi thông điệp được tiếp nhận”.

“Khi tôi nhận ra mình đang phải quản lý vi mô để đảm bảo rằng tầm nhìn đã đặt ra đang được mọi người bám sát, tôi biết rằng cả vấn đề và giải pháp đều nằm ở mình”, Gleason thừa nhận.

Khi đó, Gleason đã chủ động sửa chữa sai lầm bằng cách đầu tư thời gian để tìm hiểu và học hỏi vốn từ vựng chuyên môn của các nhân viên kỹ thuật. Cách làm này đã giúp nữ CEO trẻ và đội ngũ kỹ sư Eligible tin tưởng và gắn kết với nhau hơn, vì họ biết rằng họ đang làm việc cho cùng một mục tiêu và có những ưu tiên giống nhau.

“Chúng tôi đã gặt hái được những thành quả vượt xa mọi tưởng tượng ban đầu. Từng là một vấn đề rắc rối, bây giờ, nó đã trở thành một phần thưởng”, Katelyn Gleason nói.