Monthly Archives: September 2017

Samsung – thương hiệu giá trị nhất châu Á

Samsung đã trở thành thương hiệu có giá trị nhất châu Á, theo một bảng xếp hạng toàn cầu do Hãng tư vấn Mỹ Interbrand thực hiện, tờ Nikkei cho hay.

Samsung đã vượt qua Toyota để trở thành thương hiệu có giá trị nhất châu Á lần đầu tiên, theo một bảng xếp hạng toàn cầu do Hãng tư vấn Mỹ Interbrand thực hiện.

Bản danh sách thương hiệu toàn cầu giá trị nhất năm 2017 bao gồm 11 công ty đến từ châu Á – con số tương tự như năm ngoái. Nhưng việc các thương hiệu Hàn Quốc vượt lên so với các đối thủ Nhật Bản cho thấy sự thay đổi liên tục trong thị trường, nơi mà các công ty năng động hơn ở châu Á đang lấn lướt một số công ty Nhật Bản trước đây từng thống trị thị trường.

Cuộc khảo sát cũng nhấn mạnh sức mạnh thương hiệu hạn chế của các công ty Trung Quốc, bất chấp quy mô và vốn hóa thị trường lớn của họ. Mức độ phổ biến của các công ty này vẫn còn hạn chế trong thị trường đại lục.

Samsung đã tiến lên vị trí thứ 6 bất chấp hàng loạt bê bối gần đây. Giám đốc điều hành Interbrand Nhật Bản – Masahito Namiki – cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Trong 10 năm qua, Samsung đã thực hiện các chính sách giúp củng cố thương hiệu của Hãng. Chính sách vẫn không thay đổi, bất chấp những xáo trộn của bộ máy lãnh đạo, giúp hạn chế ảnh hưởng của những bê bối đó lên hình ảnh thương hiệu của công ty”.

Toyota xếp thứ 7, đây là một bước thụt lùi khi năm ngoái nhà sản xuất xe hơi này trở thành công ty châu Á đầu tiên giành vị trí thứ 5. Doanh số của Toyota tại thị trường trọng điểm là Mỹ đã suy giảm. Đồng thời, công ty cũng phải đối mặt với chi phí gia tăng cho việc phát triển xe ô tô tự lái – lĩnh vực mà các công ty công nghệ của Mỹ như Google và Tesla dẫn đầu.

Ông Namiki cho biết: “Câu hỏi đặt ra đối với ngành công nghiệp ô tô là liệu nó có thể duy trì tăng trưởng khi đối mặt với áp lực cạnh tranh mới từ các ngành công nghiệp khác hay không”.

Trích danh sách 100 công ty giá trị nhất thế giới theo đánh giá của Interbrand. Nguồn: Nikkei

Theo Interbrand, sức mạnh thương hiệu là điều cốt yếu để thành công trong kinh doanh. Nó giúp công ty thu hút và giữ chân nhân tài, đồng thời, cho phép các công ty tăng giá bán. Thêm vào đó, số tiền thu được có thể được đầu tư vào các sản phẩm mới để tăng cường thương hiệu.

Google đứng thứ hai sau Apple, điều đã được duy trì trong 4 năm qua. Microsoft, Coca-Cola và Amazon cũng đã lọt vào top 5.

Trong số 11 thương hiệu châu Á, Nhật bản có 6 công ty, hầu hết đều tụt hạng: Canon tụt xuống vị trí 52 từ vị trí 42, Sony xuống vị trí 61 từ vị trí 58, và Panasonic xuống vị trí 75 từ vị trí 68.

Trong khi đó, Honda đã leo lên vị trí 20 từ vị trí 21 trong năm ngoái. Hãng đã hưởng lợi từ vụ phá sản của Hãng sản xuất túi khí Takata – một đối tác kinh doanh thân thiết với mình – dự kiến ​​sẽ giúp giảm bớt gánh nặng của Hãng trong việc thu hồi hàng triệu túi khí Takata bị lỗi.

Nissan cũng đã leo lên vị trí thứ 39 từ vị trí 43, nhờ tung chiếc xe điện Leaf phiên bản mới và áp dụng công nghệ tự đỗ xe và tự phanh. Những đổi mới này đã củng cố vị thế của một công ty trong lĩnh vực xe điện và xe tự lái.

Danh sách của Interbrand chỉ bao gồm các công ty có sự hiện diện trên toàn cầu, và tập trung vào các công ty niêm yết có tài chính minh bạch. Do những tiêu chí này, nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của Trung Quốc đã bị bỏ qua.

Trung Quốc chỉ có 2 thương hiệu nằm trong top 100 là nhà sản xuất điện thoại thông minh Huawei (đứng thứ 70) và Lenovo (đứng thứ 100).

Điện thoại thông minh đang hủy hoại thế hệ trẻ thế giới ra sao?

Từ khoảng năm 2010, thanh thiếu niên bắt đầu sử dụng thời gian của mình khác đi rất nhiều so với những thế hệ trước họ.

Thế hệ mới nhất sinh sau năm 1995 thường được gọi là thế hệ Z. Những thanh thiếu niên và thanh niên này có một đặc điểm chung là thời thơ ấu hoặc tuổi vị thành niên của họ trùng hợp với sự phát triển của điện thoại thông minh.

Theo một cuộc khảo sát năm 2015, 2/3 thanh thiếu niên ở Mỹ sở hữu một chiếc iPhone. Vì thế hệ Z là thế hệ đầu tiên sử dụng điện thoại thông minh trong suốt thời niên thiếu, nên Jean Twenge, một tiến sĩ tâm lý người Mỹ, đã gọi thế hệ Z là thế hệ iGEn trong cuốn sách “iGen: Why Today’s Super-Connected Kids are Growing up Less Rebellious, More Tolerant, Less Happy – and Completely Unprepared for Adulthood” của cô.

Điều gì khiến iGen trở nên khác biệt?

Lớn lên với điện thoại thông minh đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống của họ. Họ sử dụng quá nhiều thời gian cho Internet, nhắn tin cho bạn bè và các phương tiện truyền thông xã hội. Trong cuốn sách của Twenge, thời gian làm những việc này của thế hệ iGen chiếm tới 6h/ngày, đồng nghĩa với từng đó thời gian không được dùng để dành cho các hoạt động giải trí khác.

Họ cũng ít tham gia vào một trong những hoạt động yêu thích của các thanh thiếu niên thế hệ trước: đi chơi với bạn bè. Cho dù đó là tham dự các buổi tiệc, mua sắm ở các trung tâm mua sắm, xem phim hay lái xe đi dạo, các thanh thiếu niên thế hệ iGen đang tham gia vào các hoạt động xã hội với tỷ lệ thấp hơn đáng kể so với thế hệ millenial ngay trước họ.

iGen cho thấy một sự khác biệt rõ rệt khác so với millenials. Đó là tình trạng trầm cảm, lo lắng và cô đơn đã tăng lên nhanh chóng kể từ năm 2012, trong khi tỷ lệ hạnh phúc đang suy giảm.

Tỷ lệ tự tử ở trẻ vị thành niên đã tăng hơn 50%, và số lượng thanh thiếu niên trầm cảm ở mức lâm sàng cũng đã tăng lên.

Mối liên hệ không thể bỏ qua

Liệu những xu hướng này – những thay đổi trong cách thanh thiếu niên sử dụng thời gian rảnh và sức khỏe tinh thần của họ đang xấu đi – có liên hệ với nhau hay không? Kết quả nghiên cứu của Twenge cho thấy những thanh thiếu niên dành nhiều thời gian online ít hạnh phúc và trầm cảm hơn, còn những đứa trẻ dành nhiều thời gian với bạn bè thì lại hạnh phúc hơn và ít chán nản.

Tất nhiên sự tương quan không chứng minh được mối quan hệ nhân quả: Có thể những người không hạnh phúc dành nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử hơn.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu để viết sách, Twenge đã tìm thấy 3 nghiên cứu gần đây đều không loại bỏ khả năng nhân quả đó – ít nhất là đối với phương tiện truyền thông xã hội. Ở 2 trong số 3 nghiên cứu đó, sử dụng social media đã dẫn đến sức khỏe toàn diện thấp hơn, nhưng sức khỏe toàn diện thấp hơn lại không dẫn đến việc tăng thời gian sử dụng social media.

Trong khi đó, một nghiên cứu năm 2016 đã chọn ngẫu nhiên một số người trưởng thành từ bỏ Facebook trong một tuần và một số khác tiếp tục sử dụng nó. Kết quả là những người từ bỏ Facebook đã kết thúc tuần lễ đó cảm thấy hạnh phúc hơn, ít cô đơn và ít chán nản hơn.

iGen còn mất đi thứ gì khác vì điện thoại thông minh?

Một số bậc cha mẹ có thể lo lắng về việc con cái tuổi teen của họ dành rất nhiều thời gian sử dụng điện thoại vì nó hoàn toàn khác với cách mà họ đã từng trải qua thời niên thiếu. Nhưng dành nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử không chỉ khác mà còn tồi tệ hơn trong nhiều khía cạnh.

Ít thời gian vui chơi với bạn bè đồng nghĩa với ít thời gian hơn để phát triển kỹ năng xã hội. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy các học sinh lớp 6 dành ra 5 ngày để cắm trại và không sử dụng các thiết bị điện tử, sau khi kết thúc chuyến đi, có thể đọc cảm xúc trên khuôn mặt người khác tốt hơn. Điều này gợi ý rằng cuộc sống dành ra quá nhiều thời gian onlin có thể khiến các kỹ năng xã hội của iGen bị hao mòn đi.

Thêm vào đó, iGen đọc sách, tạp chí và báo chí ít hơn đáng kể so với các thế hệ trước khi họ còn ở độ tuổi teens. Trong một cuộc khảo sát hằng năm của Monitoring the Future, tỷ lệ phần trăm những học sinh năm cuối phổ thông tự nguyện đọc sách hoặc tạp chí gần như mỗi ngày giảm từ 60% trong năm 1980 xuống còn 16% trong năm 2015.

Điều này có lẽ dẫn đến kết quả là điểm trung bình SAT về đọc hiểu đã giảm 14 điểm kể từ năm 2005. Sinh viên đại học gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đọc các đoạn văn dài, và ít khi đọc các cuốn sách giáo khoa bắt buộc.

Các dẫn chứng này không có nghĩa là iGen không có điểm gì tốt. Họ an toàn hơn về thể chất (vì không phải ra ngoài nhiều) và khoan dung hơn các thế hệ trước. Họ cũng có vẻ có đạo đức làm việc tốt hơn và có những kỳ vọng thực tế hơn so với millenials khi ở cùng độ tuổi. Nhưng những chiếc điện thoại thông mình đang đe dọa tương lai của iGen trước khi họ kịp bắt đầu nó.

Sử dụng điện thoại thông minh và phương tiện truyền thông vừa phải (1h/ngày) không gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý. Tuy nhiên, thời gian mà hầu hết thanh thiếu niên (và người trưởng thành) sử dụng điện thoại nhiều hơn con số đó rất nhiều.

Có điều ngạc nhiên là các thanh thiếu niên iGen mà Twenge phỏng vấn cho biết họ muốn gặp bạn bè trực tiếp hơn là nói chuyện với họ qua điện thoại. Các bậc cha mẹ thường lo lắng về con cái tuổi teens của họ dành quá nhiều thời gian vui chơi với bạn bè vì cho rằng đó là một sự phân tâm, một ảnh hưởng xấu, hay sự lãng phí thời gian. Nhưng có lẽ đối với iGen, đó chính xác là những gì họ cần để thoát khỏi thế giới ảo mà họ ngày càng bị cuốn sâu vào.