Monthly Archives: October 2017

Unilever chi 2,7 tỉ đô la thâu tóm hãng mỹ phẩm Hàn Quốc

Hôm 25-9, Tập đoàn Unilever ra thông báo cho biết sẽ chi 2,27 tỉ euro (2,7 tỉ đô Mỹ) để mua lại hãng mỹ phẩm Hàn Quốc Carver Korea từ các cổ đông gồm Ngân hàng Goldman Sachs, Quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân Bain Capital và ông Lee Sang-rok, người sáng lập kiêm chủ tịch Carver Korea.

Hãng tin Reuters đưa tin quyết định thâu tóm trên là một phần trong nỗ lực của Unilever nhằm mở rộng mảng kinh doanh chăm sóc cá nhân và sắc đẹp.

Thông báo của Unilever cho biết Carver Korea là doanh nghiệp chăm sóc da phát triển nhanh nhất ở Hàn Quốc với các sản phẩm nước dưỡng da, kem giữ ẩm, kem chống nắng…mang thương hiệu nổi tiếng A.H.C.

Năm ngoái, Goldman Sachs và Bain Capital đã mua 60% cổ phần của Carver Korea với giá 500 triệu đô la Mỹ.

Logo của Tập đoàn Unilever. Ảnh: Unilever.

Được thành lập vào năm 1999, Carver đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong 5 năm gần đây với mức doanh thu 321 triệu euro và lợi nhuận trước thuế, lãi vay, khấu hao (EBITDA) 137 triệu euro trong năm 2016.

Alan Jope, Chủ tịch mảng kinh doanh chăm sóc cá nhân của Unilever nói: “Chúng tôi vui mừng khi mua lại Carver Korea. Công ty này sẽ củng cố vị thế của chúng tôi ở Bắc Á, thị trường chăm sóc da lớn nhất thế giới”.

Hàn Quốc là thị trường chăm sóc da lớn thứ tư thế giới là là nơi khởi nguồn của nhiều xu hướng sắc đẹp toàn cầu. Năm nay, doanh thu các sản phẩm chăm sóc da ở Hàn Quốc được dự báo đạt 6,3 tỉ đô la Mỹ. Mối quan tâm dành cho các hãng mỹ phẩm ở Hàn Quốc đang nóng dần lên. Hồi tháng 4, Bain Capital đã đầu tư vào 816 triệu đô la Mỹ vào hãng sản xuất các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp Hugel của Hàn Quốc nổi tiếng với các sản phẩm botox (xóa nhăn).

Văn hóa làm việc quyết định chuyển đổi số thành công

Chuyển đổi kỹ thuật số là làn sóng đổi mới của doanh nghiệp (DN) đang được thúc đẩy bởi công nghệ đám mây mới như IoT, thực tế tăng cường (AR), trí tuệ nhân tạo (AI) và tài nguyên dữ liệu. Sự dịch chuyển số trong DN mở ra cơ hội thị trường trên toàn cầu ước đến 4.500 tỷ USD.

Theo một nghiên cứu do Harvard Business Review thực hiện, 86% DN xem việc phân hoạch kỹ thuật số là một cơ hội. Để chuyển đổi thành công, họ tìm cách trao quyền cho nhân viên, kết nối tốt hơn với khách hàng, tối ưu hóa vận hành và chuyển đổi sản phẩm. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số thành công lại phụ thuộc chủ yếu vào nhân sự và văn hóa làm việc.

Nhiều thách thức

Theo ông Phạm Trần Anh – Phó tổng giám đốc khối khách hàng DN và đối tác chiến lược của Microsoft Việt Nam, những kỳ vọng, kiến thức và kỹ năng cũng như công cụ họ sử dụng để làm việc là chỉ số xác định mức độ chuyển đổi tổ chức cần đạt được. Thách thức hiện nay là làm sao để triển khai những phương pháp mới giúp thúc đẩy văn hóa làm việc hiện đại nhằm gia tăng hiệu quả cho người lao động.

Sự thay đổi của lực lượng lao động khiến các tổ chức cần đẩy mạnh văn hóa làm việc mới để thành công trong chuyển đổi số. Nghiên cứu Asia Workplace 2020 do Microsoft tiến hành, khảo sát gần 4.200 nhân sự tại 14 thị trường châu Á, bao gồm 311 nhân sự Việt Nam, cho thấy 54% lao động Việt Nam muốn tổ chức của họ đầu tư phát triển văn hóa và 60% muốn lãnh đạo dỡ bỏ khác biệt văn hóa số. 60% cho rằng có thể làm nhiều hơn nhằm thu hẹp khoảng cách kỹ năng số giữa các lao động.

Những yếu tố chủ chốt đang ảnh hưởng đến văn hóa làm việc ở Việt Nam như sự gia tăng lực lượng lao động hay dịch chuyển và phơi nhiễm dẫn đến các hiểm họa an ninh mới do các cá nhân đang làm việc trên nhiều thiết bị tại nhiều địa điểm. Chỉ có 10% làm việc toàn thời gian trong văn phòng, 88% đang làm việc trên thiết bị di động cá nhân đã tạo ra những thách thức an ninh mới cho các tổ chức và DN.

Gia tăng nhóm làm việc đa dạng: 36% lao động hợp tác với khoảng 10 nhóm làm việc khác nhau trong cùng thời điểm. Để hoàn thành công việc hiệu quả, cần triển khai các công cụ hợp tác và chia sẻ thông tin theo thời gian thực. Theo ông Anh, khi triển khai các công nghệ mới, các tổ chức cần củng cố kỹ năng cho lực lượng lao động để phát huy tối đa năng lực sáng tạo, làm việc cộng tác và chiến lược dài hạn.

Con người là trọng tâm

Theo khảo sát Asia Pacific cũng do Microsoft thực hiện với 1.200 lãnh đạo công nghệ thông tin thuộc 12 thị trường, bao gồm Việt Nam, 80% cho biết họ nhận thức cần chuyển đổi số để thành công, nhưng thách thức về nhân sự bởi con người vẫn phải là trọng tâm.

Hiện nay, các nhân sự tuyến đầu là những người đại diện kết nối công ty với thế giới, họ thu hút khách hàng, đại diện cho thương hiệu, theo dõi sản phẩm và dịch vụ đã triển khai. Để khai phóng tiềm năng của lao động, phải xử lý và phát huy năng lực, đặc biệt là các lao động tuyến đầu, thông qua những giá trị cốt lõi của văn hóa làm việc mới:

Khai mở sự sáng tạo: Việc cộng tác thúc đẩy đổi mới nhờ chia sẻ ý tưởng và nhân viên có thể làm việc linh hoạt khi kết nối liền mạch trên các thiết bị. Nghiên cứu cho thấy đa số nhân sự cảm thấy họ bị hạn chế khi làm việc, với 63% cho rằng họ phải ở văn phòng vì công cụ phục vụ công việc chỉ có tại công ty.

Tăng cường hợp tác: Nhờ trang bị cho mọi nhân viên bộ công cụ cộng tác, các tổ chức cho phép nhân viên lựa chọn người cùng làm việc và hợp tác. 50% nhấn mạnh việc truy cập công nghệ cộng tác để đáp ứng kịp thời các yêu cầu nội bộ và bên ngoài là rất quan trọng.

Gia tăng bảo mật: 81% phản hồi đang làm việc trên máy tính công ty, nhưng 88% cũng làm việc trên điện thoại cá nhân, điều này phản ánh những rủi ro tiềm ẩn. Có đến 85% số người được hỏi thừa nhận kiểm tra email cá nhân trên thiết bị công ty. Do vậy, giới lãnh đạo cần tăng cường an ninh dữ liệu cho tổ chức, đồng thời xử lý các nhu cầu làm việc của lao động mà vẫn không tạo ra rào cản năng suất.

Đơn giản hóa: Môi trường DN số đòi hỏi phải quản lý công nghệ thông tin một cách hợp lý, khai thông dịch vụ để các dữ liệu khác nhau có thể được kết hợp và phân tích theo những phương thức mới và giảm thiểu phức tạp. Có đến 63% lãnh đạo công nghệ thông tin trong khu vực muốn đơn giản hóa việc quản lý danh mục bảo mật hiện có.

Theo ông Ralph Haupter – Chủ tịch Microsoft khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đà tiến của công nghệ kỹ thuật số sẽ đặt ra những thách thức, khó khăn trong cách vận hành và văn hóa công ty sẽ bị phá vỡ, đặc biệt các hiểm họa môi trường mạng sẽ luôn tồn tại. Điều này chỉ giải quyết được khi cách nhìn nhận của lãnh đạo thay đổi, nhân viên được trao quyền, nắm bắt tốt công nghệ và dữ liệu được bảo vệ.

Ông Ralph Haupter nói: “Trao quyền cho nhân viên, gia tốc các quy trình, làm khách hàng vui vẻ là những câu chuyện có hậu được ghi nhận từ không gian làm việc hiện đại của DN tại các quốc gia châu Á”.

Honda: Thăng trầm của một ông lớn

Honda có một thời là người dẫn dắt sự sáng tạo trong công nghệ xe hơi. Nhưng vài năm nay, Honda đang mất dần lợi thế và giờ đây đang chật vật khôi phục lại “tinh thần đua tranh” của mình.

Hãng Reuters đã phỏng vấn hơn 20 nhà quản lý, kỹ sư – đương nhiệm hoặc đã nghỉ, của Honda tại Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ để rút ra bài học quản trị từ thăng trầm của một ông lớn trong lĩnh vực công nghệ xe hơi.

Thời oanh liệt đã qua

Chiếc xe đua Honda McLaren hai màu trắng đỏ gầm lên, xé gió và cán đích tại Suzuka, Nhật Bản năm 1988, đưa tay lái Ayrton Senna lần đầu tiên đạt cúp quán quân giải đua xe Formula One. Không ai cản nổi đội đua McLaren và nhà chế tạo động cơ, Công ty Honda Motor: trong năm đó họ giành được 15 trong 16 giải thưởng lớn của các cuộc đua xe quốc tế.

Bên ngoài đường đua, Honda cũng liên tiếp gặt hái thành công trong thương trường. Vào thập niên 1970, mẫu động cơ CVCC của Honda đặt ra tiêu chuẩn mới, cao hơn về tiết kiệm nhiên liệu và giảm khí thải. Trong thập niên 1980, khi tay đua Senna liên tục giành chiến thắng thì xe Honda Accord và Honda Civic là những mẫu xe được ưa chuộng nhất, thành chiếc xe chủ lực của nhiều gia đình Mỹ. Năm 1997, Honda là một trong những nhà sản xuất xe hơi đầu tiên đưa ra chiếc xe chạy hoàn toàn bằng điện, chiếc EV Plus, đáp ứng yêu cầu “không phát thải” của tiểu bang California bên Mỹ.

Một đại lý của Honda tại California. Ảnh: Dublin Honda.

Nhưng giờ đây những thành tích toàn cầu đó chỉ còn là kỷ niệm. Trên đường đua, liên doanh Honda-McLaren đang gặp khó: đội đua không giành được chiến thắng nào trong mùa này và McLaren đã ngỏ ý “chia tay” vì đã hết kiên nhẫn với đối tác cung cấp động cơ cho đội đua.

Trên thương trường, Honda đã phải triệu hồi hơn 11 triệu chiếc xe đã bán ra ở Mỹ từ năm 2008 vì bị lỗi ở túi khí. Trong hai năm 2013 và 2014, công ty phải thực hiện năm cuộc triệu hồi liên tục các mẫu xe cỡ nhỏ, lai xăng-điện Honda Fit và Honda Vezel để sửa chữa khuyết điểm ở bộ phận truyền động. Trong lĩnh vực xe điện, Honda đã mất thị trường về tay Tesla và các công ty khác.

“Không nghi ngờ gì nữa, chúng tôi đã mất động lực sáng tạo – cái cốt lõi làm cho nhà chế tạo xe Honda đích thực là Honda”, ông Takahiro Hachigo, CEO của Honda, thừa nhận với Reuters.

Vì cổ đông hay vì sáng tạo?

Trả lời phỏng vấn, các quản trị viên, kỹ sư nói rằng Honda bị mắc kẹt trong cái gọi là văn hóa “monozukuri” hay là cách quản trị sản xuất của người Nhật, theo đó nhà sản xuất thường xuyên “cải tiến” dần dần hiệu quả của dây chuyền sao cho sản phẩm ngày càng có chất lượng tốt hơn, chi phí thấp hơn mà không chấp nhận những sáng tạo có tính chất đột phá. Cách làm “kaizen” này có thời hữu dụng, nhưng những thách thức của ngày nay – điện khí hóa, vi tính hóa xe hơi, xe tự lái… – đòi hỏi một cách tiếp cận khác, nhanh hơn và linh hoạt hơn.

“Không nghi ngờ gì nữa, chúng tôi đã mất động lực sáng tạo – cái cốt lõi làm cho nhà chế tạo xe Honda đích thực là Honda.”

Điều quan trọng hơn nữa, theo các vị này, trong hai thập niên qua các nhà lãnh đạo công ty tại Tokyo đặt ưu tiên cho lợi ích của cổ đông mà hy sinh sự sáng tạo, thực hiện sự kiểm soát ngày càng chặt chẽ các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Trong nỗ lực nâng cao lợi nhuận cho cổ đông, kiểm soát chi phí và giá thành, Honda tập trung gia tăng sản lượng và doanh số mà ít đầu tư cho sáng tạo công nghệ. “Kết cục là, khi chúng tôi bị ám ảnh bởi Toyota và cố cạnh tranh với Toyota trên thương trường, chúng tôi bắt đầu giống như Toyota; chúng tôi quên mất lý do tại sao chúng tôi tồn tại như một doanh nghiệp”, Trưởng bộ phận R&D của Honda, ông Yoshiyuki Matsumoto, nói.

Đáp ứng kỳ vọng của cổ đông về tăng lợi nhuận, giảm chi phí, hai CEO nối tiếp nhau của Honda là ông Takeo Fukui (CEO từ 2003-2009) và Takanobu Ito (CEO, 2009-2015) đã phá bỏ truyền thống cho phép các quản trị viên về công nghệ được tùy nghi sử dụng khoản ngân sách R&D tương đương 5% doanh số để phát triển sản phẩm; thời ông Ito sự kiểm soát chi phí R&D còn bị siết chặt hơn nữa.

Kết quả của đường lối này là từ năm 2000 đến nay doanh thu và lợi nhuận của Honda vẫn tăng đều nhưng uy tín của hãng thì giảm sút, các mẫu xe Honda vẫn trượt dài trên các bảng xếp hạng chất lượng. Trong năm tài chính kết thúc hôm 31-3-2017, tỷ suất lợi nhuận của Honda là 6%, gần bằng mức 7,2% của Toyota nhưng trên bảng xếp hạng chất lượng của hãng nghiên cứu thị trường J.D. Power, xe Honda đã tụt từ vị trí thứ 7 năm 2000 xuống vị trí 20 năm 2017.

Một trong những ví dụ điển hình cho chính sách đặt lợi nhuận của cổ đông lên trên sự sáng tạo và chất lượng là số phận của mẫu xe Civic – mẫu xe bán chạy nhất của Honda nhờ công nghệ vượt trội so với các mẫu xe cùng phân khúc, độ tin cậy cao và giá cả phải chăng.

Từ năm 2008, khi giá xăng dầu, sắt thép và các nguyên liệu khác tăng lên tương ứng mỗi sản phẩm phải chịu thêm chi phí, 1.200-1.400 đô la, Civic được lãnh đạo công ty yêu cầu thiết kế lại sao cho giảm bớt chi phí sản xuất. Bộ phận công nghệ bị buộc phải dùng lại những linh kiện và hệ thống của những mẫu xe trước đó, sử dụng nguyên liệu rẻ tiền hơn và thu gọn kích thước của xe: giảm 45 mi li mét chiều dài, 25 mi li mét chiều ngang, 30 mi li mét khoảng cách giữa hai trục và thu nhỏ tay lái. Kết quả là mẫu xe Honda Civic 2012 bị giới kinh doanh xe hơi chê thậm tệ và không lọt vào danh sách những mẫu xe “khuyên mua” của tạp chí uy tín Consumer Reports. Đây là lần đầu tiên Honda Civic bị loại kể từ khi tạp chí này lập danh sách xếp hạng các mẫu xe từ năm 1993.

Yoshiyuki Matsumoto

Ông Yoshiyuki Matsumoto, Trưởng bộ phận R&D của Honda, nói rằng những thách thức mới như điện hóa, vi tính hóa xe hơi và xe tự lái đòi hỏi công ty phải có cách tiếp cận mới, nhạy bén hơn. Ảnh: Reuters.

Trưởng bộ phận R&D Matsumoto nói rằng, trường hợp xe Civic đặt ra bài học là đừng bao giờ hy sinh chất lượng và sự sáng tạo để chạy theo lợi nhuận của cổ đông. “Các chuyên gia công nghệ cần được tự do làm việc. Nếu bạn điều hành một trung tâm công nghệ chỉ từ quan điểm hiệu quả thì bạn sẽ giết chết nó. Đó chính là điều đã xảy ra ở Honda. Chúng tôi không muốn người của tổng hành dinh đứng ra chỉ bảo các kỹ sư cần phải làm gì”, ông Matsumoto nói. Thất bại của xe Civic 2012 buộc Honda phải thiết kế lại và mẫu xe Civic mới, thay thế mẫu Civic 2012, được các nhà báo bình chọn là mẫu xe của năm 2016 ở thị trường Bắc Mỹ.

James Chao, nhà tư vấn của Công ty HIS Markit Automotive, nói rằng dưới thời ông Fukui và Ito, Honda đã bị tụt hậu về thiết kế và công nghệ nhưng thành tích kinh doanh đã che mờ khuyết điểm này. Tuy nhiên cũng có ý kiến người trong cuộc cho rằng quyết định giảm chi phí của các CEO Ito và Fukui là cần thiết trong bối cảnh cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008.

Bỏ lỡ cơ hội?

Sau khi cho ra đời chiếc xe điện EV Plus gây tiếng vang năm 1997, đến năm 2003, Honda lại có một lựa chọn khác: giảm đầu tư vào xe điện để theo đuổi loại xe chạy bằng khí hydro (hydrogen-fueled car), không phát ra khí thải. CEO Fukui cảm thấy Honda lúc đó đã đầu tư dàn trải vào nhiều lĩnh vực nghiên cứu nên quyết định giảm ưu tiên cho xe điện. Ông Fukui cũng đã có một dự đoán đúng rằng công nghệ sản xuất bình điện sẽ được thương mại hóa và trong tương lai Honda có thể mua bình điện cho xe của mình khi cần thiết. Tuy vậy, năm 2013 khi Honda quay lại thị trường xe điện, 16 năm sau ngày ra đời của xe EV Plus, thì các đối thủ đã tiến xa rồi, không chỉ về năng lực của bình điện mà cả về thiết kế lẫn năng lực của động cơ.

“Các chuyên gia công nghệ cần được tự do làm việc. Nếu bạn điều hành một trung tâm công nghệ chỉ từ quan điểm hiệu quả thì bạn sẽ giết chết nó. Đó chính là điều đã xảy ra ở Honda.”

Ngày nay, ngành xe hơi đang đối mặt với những thách thức mới như trí tuệ nhân tạo, xe tự lái… buộc các ông lớn phải nghĩ lại cách thiết kế và sản xuất xe hơi. “Thời đại mới đòi hỏi cách tiếp cận hoàn toàn mới”, ông Matsumoto nói.

Ông Hachigo, gia nhập Honda năm 1982 với công việc kỹ sư và trở thành CEO vào tháng 6-2015, giờ đây đang nỗ lực thay đổi cách tiếp cận và vực dậy tinh thần sáng tạo của Honda. Hai trong những biện pháp chính của ông là trao thêm quyền tự chủ cho bộ phận công nghệ và hợp tác với các tay chơi khác để thúc đẩy các công nghệ mới: hợp tác với Hitachi Ltd để nghiên cứu và sản xuất động cơ xe hơi điện, với General Motors để sản xuất hệ thống hydrogen fuel cell ở Mỹ và cung cấp xe cho Google để cùng phát triển công nghệ xe tự lái.

Trong nội bộ công ty đã bắt đầu hình thành các “tổ tự quản” quy tụ những nhóm nhỏ kỹ sư, nhà quản lý và kế hoạch làm việc cùng nhau theo từng dự án độc lập – theo mô hình skunkworks (bộ phận R&D những lĩnh vực mới) đã được áp dụng từ lâu ở các đại công ty như Lockheed Martin, Apple và Google – thay vì tất cả đều chịu chung sự chỉ đạo của lãnh đạo công ty như từ trước tới nay. Các tổ này đang âm thầm làm việc trong hậu trường để thay đổi Honda, từ quy trình phát triển sản phẩm, phát triển các công nghệ mới cho nhiều mẫu xe, và làm ra các mẫu xe hiệu năng cao hơn, phù hợp hơn với sự thay đổi thị hiếu của thị trường.

Ông Matsumoto nói rằng, sự thay đổi không xảy ra trong một sớm một chiều nhưng chắc chắn có tác dụng tốt. “Hầu như mọi sự thay đổi đều bắt đầu từ các yếu tố bên lề, nhưng rõ ràng ở đâu đó trong công ty vẫn còn cái động lực sáng tạo tưởng chừng như đã mất. Cái gen sáng tạo vẫn còn trong máu chúng tôi”, ông nói.

Tuyệt chiêu bán hàng chỉ với một từ: “Bởi vì”

Doanh số bán hàng đã tăng 39% chỉ sau 2 tuần đầu tiên áp dụng phương pháp thêm chữ “bởi vì” vào cuộc hội thoại khi nhân viên sales giới thiệu sản phẩm cho khách hàng, một kết quả đáng kinh ngạc.

Bạn là dân sales và bạn đang cố gắng bán một sản phẩm nào đó, một chiếc ghế chẳng hạn. Chắc chắn bạn sẽ mời khách hàng của mình ngồi thử lên chiếc ghế và bắt đầu giới thiệu về những tính năng vượt trội của chiếc ghế như phần khung rộng và thoải mái, vải mềm, nhà sản xuất có thương hiệu…

Tuy nhiên, dù bạn có giới thiệu bao nhiêu thứ hay ho đi nữa thì hãy nhớ một từ tiếng Anh duy nhất luôn có sức thuyết phục trong mọi hoàn cảnh. Đó là BECAUSE – “Bởi vì”.

Để hiểu rõ hơn vì sao, chỉ một từ BECAUSE có thể quyết định thành công của việc bán hàng, hãy nghe chia sẻ của Vicki Kunkel – tác giả cuốn sách “8 nguyên tắc cơ bản để bán hàng thành công”.

Đó là câu chuyện tại một cửa hàng bán đồ nội thất, mặc dù các nhân viên bán hàng ở đây hết sức thân thiện và chuyên nghiệp, nhưng vị khách hàng khó tính vẫn nhất định không chịu mua hàng.

Vấn đề ở đây xuất phát từ cái mà các nhà tâm lý học gọi là phản ứng “mô hình hành vi cố định”, bao gồm một chuỗi nghiên cứu tâm lý của khách hàng thông qua phân tích các nguyên nhân tác động.

Theo Kunkel, nguyên nhân ảnh hưởng đến việc bán hàng xuất phát từ nhiều yếu tố như lời nói, giọng điệu, trang phục, cử chỉ, hành động, thậm chí tâm trạng của nhân viên bán hàng.

Một ví dụ điển hình của nghiên cứu mô hình hành vi cố định là khi nhìn thấy người đối diện ngáp, chúng ta thường ngáp theo, mặc dù khi đó ta không hề buồn ngủ hay mệt mỏi.

Quay trở lại câu chuyện ở cửa hàng nội thất, nguyên nhân ở đây chính là các nhân viên bán hàng không đủ hấp dẫn đối với một khách hàng đầu tiên, và những khách hàng sau đó cũng dần dần rời bỏ cửa hàng.

“Một nhân viên bán hàng nếu cố gắng quá sức để thuyết phục khách hàng sẽ tự biến anh ta trở thành một kẻ săn mồi. Và giống như một con thằn lằn, khách hàng sẽ trốn chạy khỏi kẻ săn mồi” – Kunkel giải thích.

Trong trường hợp này, nhân viên bán hàng cần phải thay bài giới thiệu sản phẩm đã nằm trong khuôn mẫu bằng một cách chủ động hơn, đó là đặt một loạt câu hỏi và trả lời với BECAUSE (bởi vì) cho khách hàng.

Chẳng hạn, nhân viên bán hàng có thể tươi cười và nói với vị khách rằng: “Tôi rất vinh dự được giới thiệu với ông/bà về sản phẩm này bởi vì đây là cửa hàng mới và chúng tôi luôn hướng đến khách hàng”.

Hay “Ông/bà sẽ vô cùng thích chiếc ghế này bởi vì nó được làm từ da Ý”. Hoặc “Chiếc bàn bằng kính này trông sẽ rất tuyệt vời nếu nó được đặt trong ngôi nhà của ông/bà bởi vì thiết kế của nó phù hợp với mọi gia đình”.

Kết quả áp dụng theo phương pháp này đã cho thấy, doanh số bán hàng của cửa hàng tăng 39% chỉ sau 2 tuần đầu tiên.

Cấu trúc của câu giới thiệu này luôn là “cái này… bởi vì…” nhằm đánh vào tâm lý tò mò bẩm sinh của mỗi người. Theo nghiên cứu năm 1978 của nhà tâm lý học đến từ Đại học Havard – Ellen Langer, phản ứng tò mò bẩm sinh này là hoàn toàn tự nhiên.

Một ví dụ thứ hai, khi bạn nói: “Thật xin lỗi đã làm phiền. Liệu tôi có thể sử dụng chiếc máy in Xerox trước được không bởi vì tôi đang rất gấp”. Chắc chắn, 94% số người được hỏi sẽ đồng ý trước lời đề nghị này.

Hay ví dụ thứ ba, bạn có thể nói: “Thật xin lỗi đã làm phiền, mong anh nhường chỗ cho tôi xếp hàng phía trước bởi vì tôi đang cần gấp vài bản photocopy”. Tất nhiên, mọi người đều vui vẻ nhường chỗ cho bạn.

“Thậm chí, ngay cả khi lý do bạn đưa ra hết sức vô lý và lãng xẹt, nhưng từ “bởi vì” vẫn đem lại hiệu ứng rất tốt. Hiệu ứng này khiến cho những điều ngớ ngẩn cũng trở nên có lý” – Kunkel giải thích.

Từ BỞI VÌ không chỉ giải thích lý do mà nó còn đánh trúng vào tâm lý tò mò của con người. BỞI VÌ mang nghĩa tích cực, nó dự báo hành động tiếp theo sẽ xảy ra và thu hút sự chú ý của người nghe.

Vì vậy, nếu là dân sales, tại sao bạn không sử dụng từ này để nói với khách hàng, bạn sẽ nhận lại kết quả ngoài mong đợi.

Những giai đoạn thông thái trong cuộc đời mỗi người

Các nhà khoa học mới đây công bố một khám phá thú vị: Khả năng giải những bài toán học cơ bản hay khả năng đọc được cảm xúc của người khác sẽ chỉ đến khi bạn đến tuổi trung niên hay thậm chí là hơn thế nữa.

Theo đó, nếu bạn nghĩ rằng mình đã nếm trải đủ thăng trầm, hay nghĩ rằng bản thân đã đạt đến giới hạn nào đó của cuộc sống, thì tin tốt cho bạn rằng còn rất nhiều khả năng đặc biệt của bạn sẽ được khai phá, hoàn thiện trong tương lai.

“Ở bất kỳ độ tuổi nào, hầu hết chúng ta đều sẽ có khả năng vượt trội ở một vài khía cạnh, và kém hơn ở những khía cạnh còn lại”. Đó là kết luận của Joshua Hartshorne – nhà khoa học, đồng thời là tác giả tiên phong của một công trình nghiên cứu về sự thay đổi trí tuệ theo độ tuổi.

Đội nghiên cứu của công trình này đã kiểm tra trên hàng nghìn người trong khoảng từ 10 – 90 tuổi về khả năng ghi nhớ chuỗi từ, nhận dạng khuôn mặt, ghi nhớ tên và làm toán. Kết quả cho thấy, bất luận là ở độ tuổi nào cũng sẽ có một khả năng chiếm ưu thế tuyệt đối.

18 tuổi: Khả năng vận hành não bộ và ghi nhớ chi tiết đạt tối ưu

Các nhà khoa học sử dụng một bài kiểm tra gọi là Digit Symbol Substitution để xác định một người từ mức sa sút trí tuệ đến tổn thương não bộ. Bài kiểm tra yêu cầu mỗi người phải vận dụng cùng lúc một số khả năng nhận thức như tốc độ vận hành, duy trì tập trung và khả năng thị giác.

Công cụ ở đây là những cặp chữ số và ký hiệu, cũng là một phần của thang đo trí tuệ người trưởng thành – Wechsler, một trong những phương pháp đo lường trí tuệ phổ biến nhất hiện nay.

Hartshorne sử dụng bài kiểm tra cho nghiên cứu về sự thay đổi của trí thông minh theo từng độ tuổi, và nhận thấy kết quả đạt được cao nhất thuộc về những người ở cuối độ tuổi vị thành niên.

22 tuổi: Khả năng ghi nhớ những tên gọi xa lạ đạt tối ưu

Hầu hết người trưởng thành không giỏi trong việc ghi nhớ những thông tin không gợi lên ngữ cảnh, đây là hiện tượng mà những chuyên gia về thần kinh gọi là nghịch lý Baker. Một ví dụ điển hình cho điều này là bạn sẽ dễ dàng ghi nhớ nghề nghiệp của một người là thợ làm bánh (baker) hơn là một người chỉ đơn thuần mang tên Baker.

Khi một người nói anh ta là thợ làm bánh, bạn sẽ liên tưởng đến mùi vị của chiếc bánh, quá trình làm bánh, cây cán bột. Trong khi một người giới thiệu tên anh ta là Baker, đó chỉ là việc ghép nối một chuỗi ký tự. Khi không có bất kỳ ngữ cảnh nào để liên hệ giữa người và tên gọi, điều đó sẽ rất khó ăn sâu vào trí nhớ của chúng ta.

Những người trẻ có vẻ như không còn chiếm thế thượng phong trong khả năng này, một nghiên cứu năm 2011 chỉ ra rằng con người đạt tối ưu trong việc ghi nhớ các tên gọi mới khi họ ở những năm đầu của tuổi 20.

32 tuổi: Khả năng nhận diện khuôn mặt đạt tối ưu

Não bộ con người có một năng lực đáng kinh ngạc về việc ghi nhớ và xác định những gương mặt khác nhau. Và các nhà khoa học chỉ vừa bắt tay vào nghiên cứu điều gì tạo nên khả năng này.

Tính trung bình, khả năng này được nhận định sẽ phát triển tốt nhất không lâu sau khi con người bước qua độ tuổi 30.

43 tuổi: Khả năng tập trung đạt tối ưu

Bạn gặp khó khăn khi cố gắng tập trung vào một việc gì đó? Một nghiên cứu vào năm 2015 được thực hiện bởi Đại học Harvard cùng với Phòng nghiên cứu năng lực tập trung và học tập Boston đã chỉ ra rằng, sự duy trì tập trung sẽ được cải thiện theo thời gian và đạt cực đại vào khoảng 43 tuổi.

Joe DeGutis, một trong những tác giả chủ chốt của công trình này, đưa ra nhận xét: “Trong khi những người trẻ tuổi vượt trội về tốc độ và sự linh động của việc dẫn truyền thông tin, thì những người ở độ tuổi trung niên lại hơn hẳn về khả năng duy trì sự chú ý”.

48 tuổi: Khả năng hiểu rõ cảm xúc người khác đạt tối ưu

Hẹn hò là một quá trình gian nan. Một trong những lý do là vì chúng ta thường rất kém trong việc đọc cảm xúc của người khác, cho đến những năm cuối độ tuổi 40.

Người tham gia nghiên cứu được xem qua hàng nghìn bức ảnh chụp đôi mắt khác nhau và được yêu cầu miêu tả lại cảm xúc mà họ nhìn thấy khi xem bức ảnh đó. Kết quả thu được chính xác nhất là từ những người khoảng 48 tuổi.

50 tuổi: Khả năng giải những bài số học cơ bản đạt tối ưu

Nhiều người nghĩ rằng khả năng giải toán của họ sẽ bị mai một khi rời ghế nhà trường và ngừng tập luyện. Nhưng thật ra khả năng giải những bài toán cộng, trừ, nhân và chia vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm cho đến khi bạn bước vào độ tuổi 50. Nói cách khác, “sẽ không có một độ tuổi nào mà con người có thể làm tốt nhất tất cả mọi thứ”.

50 tuổi: Khả năng nhớ và hiểu những thông tin mới đạt tối ưu

Tương tự như việc giải các bài toán cơ bản, khả năng nhớ và hiểu thông tin thường thức, những sự kiện lịch sử hay quan điểm chính trị, sẽ chưa đạt tối ưu khi con người chưa bước sang độ tuổi 50, dựa theo nghiên cứu của Hartshorne.

67 tuổi: Khả năng từ vựng đạt tối ưu

Bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao mình luôn thua cuộc trong trò Scrabble (Trò chơi ghép từ )? Tin vui cho bạn: Những ngày huy hoàng thực ra vẫn còn ở phía trước.

Theo như kết quả trắc nghiệm khả năng thông hiểu từ vựng, hầu hết những người tham gia đều không đạt được kết quả tốt nhất, trừ những người ở cuối độ tuổi 60 hay đầu độ tuổi 70.