Monthly Archives: November 2017

4 giai đoạn để thành thạo một kỹ năng mới

Việc làm chủ kỹ năng mới rất khó khăn khiến bạn không thể tự “nâng cấp” mình. Thực tế, bạn cần mất nhiều thời gian, công sức và có một kế hoạch rõ ràng để từng bước chinh phục một kỹ năng nào đó.

Trên 10 năm trong lĩnh vực huấn luyện đào tạo nhân sự cho các doanh nghiệp, tập đoàn, tôi đề xuất một công thức có thể giúp bạn phát triển một kỹ năng mới cho bản thân, nhằm phục vụ cho công việc và cuộc sống. Đó là công thức LAMS – là viết tắt 4 ký tự đầu tiên của LEARN (Làm quen), APPLY (Áp dụng), MASTER (Mài sắc) và SHARE (Sẻ chia). Đó chính là 4 giai đoạn của quá trình làm chủ kỹ năng mới.

1. Learn (Làm quen)

Bước đầu tiên, bạn phải tiếp cận kiến thức, kỹ năng cần đạt được, bao gồm: lý thuyết, các công cụ, chọn các kênh học tập như học với giảng viên, nghiên cứu tài liệu, hay xem video…

2. Apply (Áp dụng)

Tiếp theo, bạn cần áp dụng kiến thức học được vào công việc, cuộc sống hàng ngày. Đây là quá trình rất quan trọng để dần biến kiến thức mới thành kỹ năng của bản thân. Lúc này, bạn cũng cần tiếp thu các góp ý, chỉnh sửa nhằm hoàn thiện các kỹ năng đến mức thuần thục.

3. Master (Mài sắc)

Sau một thời gian áp dụng, kỹ năng mới đã dần được hoàn thiện, bạn chuyển sang giai đoạn Master (Mài sắc). Lúc này, bạn đã có thể làm thuần thục kỹ năng này, nhưng còn một vài điểm cần gọt giũa để đưa kỹ năng mới lên đỉnh cao.

4. Share (Sẻ chia)

Đây là giai đoạn cuối cùng của việc hoàn thiện một kỹ năng mới. Thực chất, khi đi đến giai đoạn 3 – Master bạn đã có thể gọi là thành công, tuy nhiên, đỉnh cao nhất của việc học một kỹ năng mới chính là có thể chia sẻ, hướng dẫn lại cho người khác làm giống mình.

Bởi chỉ khi bạn hoàn toàn làm chủ, thấu hiểu một kỹ năng, kiến thức bạn mới có đủ khả năng, tự tin chia sẻ cho người khác. Bạn cần đặt mục tiêu 4 giai đoạn này ngay từ đầu để có một lộ trình học tập, rèn luyện hiệu quả hơn.

Ví dụ, bạn muốn phát triển kỹ năng thuyết trình, việc đầu tiên là phải học cách xây dựng nội dung cuốn hút, cách làm chủ giọng nói, chọn ngôn từ phù hợp, luyện tập ngôn ngữ hình thể và kỹ thuật dẫn dắt người nghe (Learn). Sau đó, bạn luyện tập mỗi ngày, áp dụng từng bước một, như thuyết trình ở nhóm nhỏ đến nhóm lớn hơn (Apply).

Sau một thời gian áp dụng, bạn đã làm nó tốt hơn rất nhiều, dần làm chủ được kỹ năng này, bạn sẽ bắt đầu chỉnh sửa những lỗi nhỏ nhất, nhằm biến nó thành “đặc sản” riêng của mình với những kỹ thuật riêng, mang phong cách cá nhân. Lúc này, bạn đã đạt đến giai đoạn Master. Cuối cùng, bạn có thể tự tin chia sẻ lại, hướng dẫn lại cho người khác làm giống mình, nghĩa là bạn đã ở giai đoạn Share.

Tóm lại, bất kỳ một kỹ năng nào cũng trải qua bốn giai đoạn này để đạt đến sự thuần thục cao nhất, và thông thường mất khoảng từ 3 đến 6 tháng tùy vào độ khó và nỗ lực cá nhân của người học. Bạn cần có đủ quyết tâm và sự kiên trì để đi qua 4 giai đoạn trên nhằm hoàn thiện kỹ năng cho bản thân.

Lời nguyền cho những “Warren Buffett mới”

Trong giới đầu tư chứng khoán, có lẽ ai cũng biết huyền thoại Warren Buffett. Và như một lẽ tất yếu, khi Warren Buffett ngày càng lớn tuổi, giới truyền thông bắt đầu đi tìm những “Warren Buffett mới” – những người được dự đoán là sẽ tiếp nối được thành công của “Nhà tiên tri xứ Omaha”.

Thế nhưng trớ trêu thay, cho đến hiện tại, hầu hết những người được gọi là “Warren Buffett mới” đều nhận về những thất bại đau đớn ngay sau khi được nhận biệt danh này, giống như một lời nguyền. Lời khen “bạn sẽ là Warren Buffett tiếp theo” vô tình trở thành một thách thức mà không phải nhà đầu tư nào cũng có thể vượt qua.

Dưới đây là 2 trong số rất nhiều “Warren Buffett mới” như thế – những người mà thất bại của họ có thể mang về cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư theo trường phái đầu tư giá trị như Warren Buffett, những bài học thú vị.

Eddie Lampert

Khi còn học tại Đại học Yale, Eddie Lampert (tài sản ước tính 1,62 tỷ USD, theo Forbes) đã thể hiện mình là một sinh viên xuất sắc. Eddie Lampert có mối quan hệ thân thiết với người bạn cùng phòng Steven Mnuchin – Bộ trưởng Tài chính hiện tại của Mỹ.

Khi đi làm, Eddie Lampert cũng gặt hái những thành công nổi trội. Ở tuổi 25, ông đã bắt đầu gây quỹ phòng hộ của riêng mình và thu được lợi nhuận trung bình hằng năm lên tới 29%. Khách hàng của Eddie Lampert bao gồm những tỷ phú như David Geffen (tài sản khoảng 7,9 tỷ USD) hay Michael Dell (tài sản khoảng 23,9 tỷ USD)…

Sau khi thâu tóm phần lớn cổ phần của Kmart, Eddie Lampert sáp nhập Kmart vào tập đoàn bán lẻ Sears Holdings Corp. Sau hành động này, nhiều trang báo đã gọi Eddie Lampert là một Warren Buffett mới, thậm chí còn kỳ vọng ông sẽ sớm soán ngôi vị Nhà đầu tư số một thế giới của Warren Buffett.

Tuy nhiên, với áp lực biến Sears Holdings Corp thành một Berkshire Hathaway (công ty do Warren Buffett điều hành) tiếp theo, Eddie Lampert đã phạm phải rất nhiều sai lầm. Và chỉ 6 năm (2010 – 2016), Sears Holdings Corp đã lỗ tới 10,4 tỷ USD, trong đó riêng năm 2016 lỗ 2,2 tỷ USD (theo Investopedia).

Điều thực sự gây ngạc nhiên là trong một cuộc trả lời phỏng vấn năm 2005 với một nhóm sinh viên tại Đại học Kansas, Warren Buffett đã thấy trước viễn cảnh tệ hại này của Eddie Lampert, lý do đưa ra là Sears Holdings Corp thiếu lợi thế cạnh tranh bền vững.

Cụ thể, ngành bán lẻ ở Mỹ (nơi Sears Holdings Corp hoạt động) là một ngành kinh doanh mà Sears Holdings Corp rất khó tạo ra được một sự vươn mình như kỳ vọng. Bởi đối thủ trực tiếp của Eddie Lampert là 2 chuỗi cửa hàng có thị phần lớn nhất – Costco và Walmart – có thể cung cấp các giao dịch tốt hơn trong khi vẫn có thể chấp nhận hoạt động với mức lợi nhuận nhỏ hơn so với Sears và Kmart.

Bên cạnh đó, những cửa hàng cũ thường có khả năng giữ khách hàng của mình rất tốt, nên cơ hội để một nhà bán lẻ có thị phần thấp hơn có thể tạo ra điều kỳ diệu là rất nhỏ.

“Eddie là một người rất thông minh, nhưng đặt Kmart vào Sears lại là một sự gắn kết thiếu sức sống. Ngành bán lẻ ở Mỹ, về lâu dài, không phải là nơi có thể dễ dàng tạo nên những kỳ tích. Năm 1966, chúng tôi mua lại một phần của Hochschild Kohn’s (một chuỗi cửa hàng bách hóa tại Baltimore, bang Maryland, Mỹ). Thế nhưng chúng tôi nhanh chóng học được rằng về lâu dài, chúng tôi không thể là người chiến thắng trong lĩnh vực này. Chúng tôi đã bán nó vào khoảng năm 1970. Lĩnh vực này thực sự không đủ cơ hội để nhà đầu tư có thể phát triển tham vọng”, Warren Buffett chia sẻ.

Bill Ackman

Tại hội nghị Sohn năm 2015 – nơi quy tụ những quỹ đầu tư hàng đầu, Bill Ackman (tài sản ước tính 1,3 tỷ USD, theo Forbes) tuyên bố đã phát hiện ra Berkshire Hathaway mới, đó chính là nhà sản xuất dược phẩm Valeant Pharmaceuticals International (mã cổ phiếu VRX).

Quỹ đầu tư của Bill Ackman – Pershing Square Capital Management, sau đó đã mua lại cổ phần của Valeant, trị giá khoảng 3,3 tỷ USD, khi mà giá trung bình một cổ phiếu VRX lúc đó khoảng 196 USD (theo Investopedia.com)

Forbes sau đó không ngần ngại gọi Bill Ackman là “Baby Warren Buffett” (tiểu Warren Buffett). Thế nhưng sau khi Bill Ackman đầu tư vào Valeant Pharmaceuticals International, cổ phiếu công ty rớt giá thảm hại, hiện đang giao dịch ở mức 12 USD/cổ phiếu. Thậm chí có thời điểm, trung bình mỗi ngày Valeant Pharmaceuticals International mất hơn 7,7 triệu USD.

Sự sụt giảm giá trị của Valeant Pharmaceuticals International khiến trong năm 2016, quỹ đầu tư Pershing Square Capital Management mất 13,5% giá trị tài sản ròng, con số này vào năm 2015 lên đến 20,5% (theo Investopedia).

“Rõ ràng, hành động đầu tư của chúng tôi vào Valeant là một sai lầm rất lớn. Tính chất công việc và mô hình hoạt động của Valeant thường yêu cầu khả năng phân bổ vốn liên tục, nguồn lực đồng đều và khả năng thực hiện nhiều hoạt động đa dạng, với tần suất cao. Điều này đòi hỏi một mức độ phụ thuộc lớn của công ty vào các nhà quản lý. Và thật buồn là chúng tôi đã đánh giá sai khả năng của đội ngũ quản lý ở công ty này”, Bill Ackman thừa nhận.

Người giàu làm việc này và nó khiến họ giàu hơn

Nhìn từ bên ngoài, trở thành những người giàu có và thành công nhất có vẻ như chính là cách để chúng ta dễ dàng có được những chiếc xe ô tô đắt tiền nhất, phi cơ, du thuyền, những căn hộ xa hoa nhất…

Tuy nhiên, dù giới siêu giàu có khả năng sở hữu những tài sản đắt tiền nhất, nhưng những người thành công nhất luôn biết rằng, sống đúng với nhu cầu của mình chính là con đường để duy trì sự giàu có.

“Đây là câu hỏi quan trọng mà bạn nên tự hỏi: “Khi nào tôi nên mua những thứ tôi có khả năng mua được – những thứ tôi cần khi mà những thứ tôi cần ít hơn những thứ tôi có thể mua được?”, CNBC dẫn lời tác giả, diễn giả, chuyên gia tư vấn tài chính Suze Orman tại hội nghị eMerge Americas ở thành phố Miami, bang Florida, Mỹ hồi tháng 6.

Nói cách khác, việc chúng ta có khả năng mua sắm được những thứ đắt tiền hơn không có nghĩa chúng luôn là những lựa chọn tốt nhất. Và việc tiết kiệm được một đồng có nghĩa là chúng ta đã kiếm được một đồng.

Orman nhớ lại một giai đoạn vào năm 1988, khi bà sắp chuyển đến sống một khoảng thời gian dài tại New York. Việc đó dễ tạo nên cảm giác rằng bà nên mua một căn nhà tại đây. “Tôi có đủ tiền để mua một căn penthouse trị giá 1 triệu đô vào thời điểm đó. Nhưng rốt cuộc tôi mua một căn hộ có giá 240.000 USD vì đó là tất cả những gì tôi cần”, bà chia sẻ.

Nếu chúng ta chi tiêu cho thứ gì đó chỉ vì có đủ khả năng, cái kết chúng ta nhận được sẽ là một… tài khoản trống rỗng. “Hãy mua những gì bạn cần bất kể bạn giàu có thế nào, bởi vì khi bạn mua xong phi cơ, du thuyền, một vài căn nhà…, bạn sẽ đột nhiên nhận ra rằng bạn… không có tiền, Orman nói.

Theo Orman, dù đang có thu nhập 6 con số hoặc cao hơn, đây chỉ là nền tảng để xây dựng sự giàu có. Hãy sống với những gì chúng ta cần và để dành phần còn lại cho công việc!

 

Nhà đầu tư – tỷ phú Warren Buffett chính là một ví dụ điển hình cho cách sống này. Ông vẫn sống trong căn nhà cũ từng mua với giá 31.500 USD vào năm 1958 (giá trị của căn nhà theo giá đô la hiện tại là 260.000 USD), sử dụng coupon giảm giá và không bao giờ chi hơn 3,17 USD cho một bữa ăn sáng.

Buffett không “cô đơn” với cách sống giản dị này. Cầu thủ bóng bầu dục Alfred Morris của câu lạc bộ Dallas Cowboys kiếm được hàng triệu đô la nhưng vẫn chạy chiếc xe sedan Mazda 626 từng mua vào năm 1991 với giá… 2 USD.

Một “đồng nghiệp” của Alfred Morris là Kirk Cousins của câu lạc bộ Washington Redskins cũng kiếm được 20 triệu USD hồi năm 2016 nhưng vẫn chọn sống cùng vợ ở tầng hầm trong căn nhà của cha mẹ mình trong suốt mùa hè và lái chiếc xe dạng dùng để chở khách từng mua lại của ông bà với giá 5.000 USD.

Mark Zuckerberg – CEO mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook cũng thường xuyên bị bắt gặp đang lái chiếc Acura TSX màu đen trị giá khoảng 30.000 USD.

Không dễ dàng chống lại sự thôi thúc phải chi tiêu, nhưng khi luyện tập để tạo thành thói quen, nó sẽ ăn sâu vào não chúng ta. “Và rồi bạn sẽ không mong muốn có bất kỳ cái gì khác hơn những gì bạn cần”, Orman kết luận.

10 thói quen tuổi trẻ bạn phải bỏ trước năm 30 tuổi

Tuổi 30 là khi công việc và các mối quan hệ của bạn bắt đầu được định hình một cách khá rõ ràng, đây cũng là lúc bạn nên từ bỏ một số thói quen và sở thích của một thời tuổi trẻ để bản thân thực sự trưởng thành.

1. Ngừng chi tiêu phung phí

Bạn nên bắt đầu suy nghĩ về khoản trợ cấp mà bạn có thể cần trong 30 năm tới. Nếu may mắn, bạn có thể nhận được lời khuyên tài chính về các quỹ trợ cấp tốt hoặc tự mình tìm ra phương pháp đầu tư thông minh. Điều này sẽ đảm bảo cho bạn có khả năng tài chính đủ để mua bất động sản hoặc chi trả các khoản phí phát sinh sau này.

2. Ngừng nhảy việc liên tục

Bạn nên bắt đầu loại bỏ những khoảng trống trong lý sơ yếu lý lịch của mình. Việc gắn bó với một công việc phù hợp và ổn định có thể giúp bạn tập trung nâng cao kỹ năng, thể hiện bản thân tốt hơn cũng như có cơ hội thăng tiến trong môi trường mà mình gắn bó.

3. Đừng sử dụng mạng xã hội quá nhiều

Đã đến lúc bạn trở nên thực tế và tạo ra những kết nối có giá trị bên ngoài cuộc sống. Điều đó nghĩa là bạn nên sử dụng mạng xã hội ít đi và hướng tới mạng lưới xã hội bên ngoài. Nếu bạn là một người hướng nội, điều này có thể gặp một chút khó khăn nhưng bạn có thể từ từ thay đổi.

4. Đừng đăng tải những điều ngốc nghếch lên Facebook nữa

Khi còn trẻ, bạn có xu hướng muốn chia sẻ tất cả những khoảnh khắc, những cảm xúc của mình lên facebook. Trang cá nhân facebook khi đó giống như một bức tranh thu nhỏ về cuộc sống của bạn vậy. Có đôi khi bạn chia sẻ những bức ảnh hay những dòng trạng thái vô cùng “trẻ trâu” thậm chí là hơi ngốc nghếch. Tuy nhiên, nếu bạn thực sự nghiêm túc với một công việc hay sự nghiệp nào đó, hãy xóa tất cả những bức ảnh và trạng thái ngốc nghếch đó đi, vì ông chủ có thể sẽ kiểm tra hồ sơ trên mạng xã hội của bạn đó. Thay vào đó, hãy đăng tải những thứ liên quan đến công việc của mình như chia sẻ về một cuộc hội thảo chẳng hạn.

5. Ngừng nghĩ về những sai lầm trong quá khứ

Đó có thể một mối quan hệ tồi tệ hoặc là một công việc không giống như bạn mong muốn. Hầu hết các nhà tâm lý học đều đồng ý rằng việc suy nghĩ và đổ lỗi cho bản thân về sai lầm trong quá khứ có thể mang lại hậu quả tiêu cực lâu dài. Nếu những tiếc nuối này ngăn cản bạn tiến lên trong cuộc sống hiện tại và những dự định trong tương lai thì đã đến lúc bạn nên dừng lại rồi đấy.

6. Từ bỏ thói quen ngủ nướng vào cuối tuần

Có lẽ bạn nghĩ rằng bạn cần ngủ bù để hồi phục sức khỏe vào ngày cuối tuần. Tất nhiên là bạn cần nghỉ ngơi sau những giờ làm việc căng thẳng và những buổi tiệc tùng trong tuần. Tuy nhiên các nhà khoa học đã chỉ ra rằng ngủ bù không thể giúp bạn “cứu vãn” những ngày thiếu ngủ và hậu quả lâu dài vẫn còn chưa biết. Tốt hơn hết là bạn nên có thói quen ngủ đều đặn. Điều này sẽ giúp bạn có nhiều thời gian hơn để làm những việc thú vị và hiệu quả vào cuối tuần.

7. Đừng kết bạn với người ‘đầu độc’ tâm hồn bạn

Có thể trước đây bạn quá cả nể hoặc thậm chí quá lười biếng để làm việc này, nhưng nếu một người bạn luôn thích chỉ trích, lợi dụng lòng tốt hoặc không đáng tin cậy thì bạn nên cắt đứt liên hệ với họ. Hãy nhớ rằng tình bạn thực sự giống như kim loại quý vậy, chúng phải có có giá trị lâu dài. Nếu không được như vậy, đây là lúc bạn nên vứt bỏ nó.

8. Ngừng bào chữa về việc lười tập luyện

Những lời bào chữa về việc bỏ lớp tập gym hoặc tập thể dục đã trở nên vô lý khi bạn bước sang tuổi 30. Đã đến lúc tập trung vào kết quả, tận hưởng bản thân và tính toán cả quá trình tập luyện. Những lời bào chữa sẽ sớm biến mất khi bạn trở nên có động lực hơn trong việc rèn luyện cơ thể.

9. Ngừng ăn đồ ăn nhanh

Bạn nên từ bỏ thói quen dùng đồ ăn nhanh và bắt đầu học tự nấu ăn. Điều này cũng giúp cuộc sống, sức khỏe của bạn thay đổi một cách đáng kể theo chiều hướng tích cực, chưa kể là nó còn giúp bạn tiết kiệm tiền nữa.

10. Đừng đóng cửa tâm trí mình cho những niềm tin hay ý tưởng nào đó

“Hãy cởi mở tâm trí mình, nhưng đừng mở rộng đến mức làm não của bạn rơi ra ngoài” – lời khuyên của nhà thiên văn học nổi tiếng Carl Sagan.

Tìm hiểu thêm về những ý tưởng mới và khám phá thế giới là cách để thử thách những định kiến mà đôi khi chúng ta tin theo một cách mù quáng khi ở tuổi 20. Cách tốt nhất là hãy đi du lịch, tận hưởng khoảng thời gian tuyệt vời, đồng thời trải nghiệm những điều mới mẻ và đánh giá nó một cách khách quan nhất có thể.

10 bài học bạn ước gì biết trước khi 30 tuổi

Có nhiều bài học mà ở tuổi 30 mà bạn ước mình có thể biết sớm hơn, để áp dụng và thực hành tốt hơn trong cuộc sống.

Tuổi trẻ là để tận hưởng, trải nghiệm, mắc sai lầm và học được từ chính những sai lầm đó. Bên cạnh những điều thú vị đang chờ đón bạn, sẽ luôn có những khó khăn và thử thách. Thậm chí có nhiều bài học mà ở tuổi 30 mà bạn ước mình có thể biết sớm hơn, để áp dụng và thực hành tốt hơn trong cuộc sống. Dưới đây là 10 bài học được đúc kết từ những người đã bước qua giai đoạn “lưng chừng cuộc đời” truyền đạt lại, để từ đó bạn sẽ không bỏ lỡ những cơ hội, hay những khoảnh khắc tuyệt vời trong cuộc đời.

1. Tiền không bao giờ giải quyết được vấn đề thực sự

Tiền là công cụ giúp bạn mua được những thứ cần thiết trong cuộc sống, nhưng đó không phải là giải pháp giải quyết tận gốc vấn đề. Có những người tuy sống trong hoàn cảnh thiếu thốn tiền bạc nhưng vẫn có một cuộc sống ấm no và hạnh phúc, tuy nhiên lại có những người tuy có rất nhiều tiền nhưng lại không thể có được cuộc sống hạnh phúc như vậy.

Tiền có thể mua được nhà lầu, xe hơi và rất nhiều thứ khác. Nhưng nó không thể mua được những mối quan hệ đã đổ vỡ, chữa lành vết thương tâm hồn, làm bạn bớt cô đơn hơn hay mua được hạnh phúc. Hạnh phúc không phải để mua hay bán. Thứ “hạnh phúc” mà nó mang lại chỉ là thoáng qua thôi và đó không phải hạnh phúc thực sự mà mỗi chúng ta đang kiếm tìm. Đừng quá phụ thuộc và đặt quá nặng vấn đề vật chất, bạn sẽ bỏ qua nhiều thứ thật sự quan trọng trong đời đấy.

2. Học cách sống chậm

Người trẻ rất hay thích làm nhiều thứ một lúc. Chúng ta cần phải quyết định mọi thứ, hoạch định cuộc sống của mình, trải nghiệm mọi thứ, đi lên đỉnh cao, đi tìm tình yêu đích thực, tìm ra mục tiêu của đời mình.. Thật ra, làm mọi chuyện cùng một lúc sẽ rất khó mang lại cho bạn thành công.

Sống chậm một chút. Cuộc sống như một quyển sách, hãy trải nghiệm, nghiền ngẫm từng trang một. Đợi một chút để xem nơi bạn cần đến, dành thời gian để cân nhắc kỹ hơn những lựa chọn, thưởng thức mọi món ăn, dành thời gian để quan sát cuộc sống xung quanh, để người kia là người kết thúc cuộc trò chuyện. Hãy để cho mình thời gian để suy nghĩ, để nghiền ngẫm một chút. Hành động là rất quan trọng. Làm việc theo các mục tiêu đã đề ra và lập kế hoạch cho tương lai là rất đáng khen ngợi và thường rất hữu ích, nhưng tốc độ chạy nhanh trước bất cứ điều gì là cách tốt nhất để bạn bỏ lỡ nhiều điều thú vị và nhiều cơ hội đang tiềm ẩn trong cuộc sống muôn màu này.

3. Bạn không thể làm vừa lòng tất cả mọi người

“Tôi không biết bí quyết để thành công, nhưng tôi có thể nói bí quyết để thất bại chính là cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người” – Bill Cosby.

Bạn không cần tất cả mọi người phải đồng ý với bạn hoặc thậm chí phải quý mến bạn. Giá trị bạn đang tìm kiếm nằm ở bên trong chính con người bạn. Hãy luôn nói lên chính kiến của bạn, giữ vững quan điểm, điều chỉnh khi cần thiết, luôn yêu cầu người khác phải tôn trọng mình và luôn trung thực với bản thân.

4. Sức khỏe là tài sản quý giá nhất

Sức khỏe là tài sản vô giá, không gì thay thế được. Hãy trân trọng, nuôi dưỡng và bảo vệ tài sản quý giá này của bạn. Khi còn trẻ bạn thường phung phí sức lực vì sinh lực còn dồi dào, nhưng chúng ta rồi sẽ hối hận khi về già và bệnh tật ập đến. Bệnh tim, bệnh về xương khớp, đột quỵ và nhiều căn bệnh ung thư khác nữa. Vì vậy, hãy chăm sóc cho bản thân ngay từ bây giờ.

5. Bạn không thể luôn có được điều mình muốn

“Cuộc sống vẫn diễn ra trong lúc bạn đang bận lập kế hoạch” – John Lennon. Cho dù bạn lập kế hoạch có cẩn thận thế nào và làm việc chăm chỉ ra sao, sẽ có những lúc mọi chuyện không thể theo ý bạn. Điều đó là đương nhiên và xảy đến với tất cả mọi người. Ai cũng có những mong đợi của riêng mình, ai cũng từng vẽ nên bức tranh tương lai về cuộc sống mà mình mong ước. Mặc dù vậy, đa phần cuộc sống không được lý tưởng như thế. Đôi khi chúng ta không thực hiện được ước mơ của mình hoặc thay đổi hướng đi trong cuộc đời. Và đôi khi bạn sẽ phải vấp ngã, thất bại và thử rất nhiều điều trước khi tìm được hướng đi đúng cho riêng mình. Rất nhiều người cũng giống như bạn, họ đã vượt qua và thành công. Thế nên bạn đừng bao giờ mất hy vọng và ngừng cố gắng.

6. Bạn không phải là tất cả

Bạn không phải là “cái rốn” của vũ trụ. Rất khó để nhìn cuộc sống dưới quan điểm của người khác, vì ai cũng quá tập trung vào cuộc sống của mình. Mình phải làm gì hôm nay? Điều này có ý nghĩa gì đối với mình, cho sự nghiệp của mình, cho cuộc sống của mình? Mình muốn gì? Thật hiển nhiên khi bạn nhận thức sâu sắc về mọi thứ đang diễn ra trong cuộc sống của mình. Tuy vậy, cuộc sống vẫn cần bạn quan sát xung quanh. Khi có cái nhìn khác, nhân sinh quan, thế giới quan khác, bạn sẽ có được cái nhìn toàn cảnh hơn của bất cứ vấn đề nào sẽ xảy đến với bạn.

7. Không xấu hổ về kiến thức của mình

Không ai biết tất cả mọi thứ trên đời cả. Vì thế, chẳng có gì xấu hổ khi nói: “Tôi không biết”. Giả vờ mình hoàn hảo sẽ chẳng bao giờ giúp bạn trở nên hoàn hảo được, bạn sẽ rất mệt mỏi vì phải luôn chứng tỏ mình. Đôi khi bạn thấy xấu hổ vì sự thiếu hiểu biết của mình nhưng bạn nên thừa nhận rằng chúng ta không thể nào biết tất cả mọi thứ. Tất cả chúng ta ai cũng sẽ mắc sai lầm hoặc gây ra một đống rắc rối. Những lúc như vậy sẽ dạy cho bạn những bài học đắt giá mà bạn chỉ có thể học được trong trường đời mà thôi.

8. Tình yêu không chỉ là cảm xúc, đó còn là một lựa chọn

Không chỉ là vấn đề về cảm xúc, tình yêu còn cho bạn rất nhiều lựa chọn. Bạn có thể chọn tha thứ, tử tế, tôn trọng, hỗ trợ, chân thực trong tình yêu hoặc ngược lại. Đôi khi lựa chọn đó thật dễ dàng, có lúc lại rất khó khăn nhưng đó là điều bạn muốn, nghĩ và hành động trong mối quan hệ là của chính bạn.

9. Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi

Thông thường, chúng ta lo lắng, suy sụp, thất vọng có thể do không biết được tương lai phía trước. Mọi việc xảy ra ngay hiện tại có vẻ như quá to lớn, quan trọng, thậm chí là vấn đề sống còn với bạn. Cuộc chiến mà chúng ta đang đương đầu, công việc mà chúng ta không nhận được, sự thật hay là tưởng tượng, sự thay đổi đột ngột, điều chúng ta muốn… bạn không thể quyết định được chúng. Nhưng 20, 30 thậm chí 40 năm nữa, thì những việc đó không còn là vấn đề nữa. Trừ khi đó là việc liên quan đến tính mạng con người, hãy để những đau khổ, tổn thương hôm nay trôi qua và dũng cảm bước tới.

10. Trân trọng những điều bạn có

Chúng ta thường không trân trọng những gì đang có cho đến khi ta đánh mất nó, sức khỏe, gia đình, bạn bè, công việc, tiền bạc… Khi bạn còn trẻ, bạn nghĩ bố mẹ sẽ sống mãi bên bạn, nhưng không phải như thế. Bạn nghĩ sẽ dành thời gian hỏi thăm đứa bạn cũ hoặc đi chơi với đứa bạn mới vào một lúc nào đó, nhưng cuối cùng bạn cũng chẳng làm được. Bạn có tiền để tiêu xài hay bạn nghĩ ít ra thì tháng tới cũng sẽ có. Nhưng cuối cùng vẫn không có gì cả. Không gì trong đời có thể đảm bảo rằng tất cả mọi việc của ngày mai sẽ diễn ra đúng như suy nghĩ của bạn. Cuộc sống có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Hãy trân trọng những gì bạn có.