Monthly Archives: December 2017

Những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất 2018

Sản xuất, Bán buôn, Xây dựng – kỹ thuật… là những ngành nghề được trang mạng việc làm JobStreet.com dự báo sẽ có nhu cầu tuyển dụng cao nhất Việt Nam trong năm 2018.

Dựa trên những kết quả khảo sát nhà tuyển dụng và ứng viên về nguồn nhân lực khu vực, chỉ số hạnh phúc của nhân viên trong khu vực, tỷ lệ thăng tiến công việc,… được thực hiện xuyên suốt năm 2017 trên 7 quốc gia và vùng lãnh thổ (Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Myanmar, Indonesia, Philippines và Hong Kong), JobStreet dự báo thị trường tuyển dụng Việt Nam sẽ tăng trưởng khả quan trong năm 2018. Lý do chính cho dự báo này là vì nhu cầu mở rộng kinh doanh (68%).

Theo đó, 3 ngành nghề được dự báo sẽ có nhu cầu tuyển dụng cao nhất là Sản xuất, Bán buôn và Xây dựng – kỹ thuật. 7 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao tiếp theo là Nhà hàng – Ăn uống, Xuất bản – Truyền thông, Ngân hàng – Tài chính, Kế toán – Kiểm toán, Bán lẻ và Khách sạn.

Bên cạnh được dự đoán sẽ có sự tăng trưởng lớn về cơ hội việc làm so với các quốc gia khác trong khu vực, người tìm việc Việt Nam cũng có chỉ số hạnh phúc (Happiness Index) trong công việc cao thứ hai trong khu vực và có tốc độ tăng lương nhanh nhất với tỷ lệ từ 20 – 24%.

Tuy nhiên, theo bà Angie Phang – Giám đốc kinh doanh và điều hành khu vực Đông Nam Á của Mạng tuyển dụng SEEK Asia kiêm Tổng giám đốc JobStreet.com Việt Nam, dù có nhiều tín hiệu khả quan khi lợi thế đang nghiêng về phía các ứng viên, thị trường việc làm Việt Nam trong những năm tới vẫn tiềm ẩn một số trở ngại.

Bà Angie Phang cho biết, trở ngại lớn nhất là doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm ứng viên có kỹ năng, tay nghề, phù hợp với văn hóa doanh nghiệp, song song đó là sự thiếu hụt thương hiệu tuyển dụng của doanh nghiệp trong môi trường tuyển dụng cạnh tranh. Cụ thể, 50% doanh nghiệp tham dự khảo sát lo lắng về khả năng tìm được những ứng viên có kỹ năng tay nghề cao ở các vị trí như Giám Sát, Chuyên viên và Trưởng phòng. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia duy nhất có nhu cầu cao nhất về những ứng viên cấp bậc quản lý.

“Các nhà tuyển dụng Việt Nam hiện tại cần tạo ra chiến lược tuyển dụng cạnh tranh gồm 3 yếu tố chính: chiến lược giữ chân nhân tài khác biệt nhằm đảm bảo kinh doanh ổn định, xây dựng ngân hàng ứng viên để chuẩn bị cho tương lai và áp dụng công nghệ sáng tạo để tối ưu hóa năng suất tuyển dụng”, bà Angie Phang cho biết tại hội thảo công bố kết quả khảo sát diện rộng phản ánh thực tế thị trường tuyển dụng tại Việt Nam trong năm 2018 và giới thiệu công nghệ trí thông minh nhân tạo hỗ trợ quy trình tuyển dụng đến từ JobStreet.com.

Công nghệ Jora là một sản phẩm của JobStreet.com, cung cấp một nền tảng thân thiện và tích hợp về một mối tất cả công việc và nhu cầu ứng tuyển trên thị trường, thông qua việc kết hợp các công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu vĩ mô (big data) và trí thông minh nhân tạo (AI).

JobStreet.com và JobsDB trở thành thành viên của SEEK ASIA – tập đoàn tuyển dụng hàng đầu châu Á vào năm 2014. SEEK ASIA hiện đang hoạt động tại 7 quốc gia và vùng lãnh thổ: Hong Kong, Indonesia, Malaysia, Phillipines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, là một nhánh của SEEK – tập đoàn quốc tế chuyên về tuyển dụng được niêm yết trên sàn chứng khoán Úc.

Jora là công cụ tìm kiếm việc làm đến từ Úc và hiện đang được sử dụng tại hơn 32 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mục tiêu của Jora là đơn giản hoá quy trình xin việc và tăng hiệu quả tìm kiếm ứng viên phù hợp. Jora được sáng lập bởi kỹ sư phần mềm người Việt Cường Hoàng và được SEEK đầu tư để tiếp tục mở rộng quy mô đa quốc gia.

5 xu hướng CRM nổi bật trong năm 2018

Được đánh giá là một trong những giải pháp có tốc độ phát triển mạnh mẽ và biến đổi không ngừng, CRM đã và đang trở thành lựa chọn hàng đầu giúp chuẩn hóa hoạt động kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp hiện nay.

Trong cuốn “The Inevitable: Understanding the 12 Technological Forces That Will Shape Our Future” (tạm dịch: 12 xu hướng bất biến sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta trong tương lai), tác giả Kevin Kelly nhìn nhận CRM là một xu hướng tất yếu mà mỗi doanh nghiệp cần chú trọng phát triển nhằm cải thiện mối quan hệ với khách hàng, tạo ra lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.

Đối với những doanh nghiệp đang sở hữu hoặc đang tìm kiếm một giải pháp CRM phù hợp với chiến lược, mô hình kinh doanh, hãy cùng chúng tôi khám phá 5 xu hướng CRM nổi bật sẽ đem lại nhiều đột phá trong năm 2018.

1. Khả năng tự động nhận diện khách hàng

Nhận diện tự động không còn là thuật ngữ quá xa lạ với hầu hết chúng ta. Nếu như trước đây công nghệ này được thực hiện chủ yếu dựa trên việc thu thập cookies, cho phép marketer xây dựng những chiến dịch chăm sóc tự động, đáp ứng nhu cầu cho từng nhóm khách hàng khác nhau. Xu hướng này sẽ chuyển dịch sang các nền tảng CRM trong năm 2018, thông qua tính năng nhận diện khuôn mặt tự động.

Tính năng đối chiếu và nhận diện khách hàng theo thời gian thực góp phần cải thiện tốc độ xử lý thông tin, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.

Bitrix24 hiện là một trong những hệ thống CRM tiên phong triển khai tính năng này. Với cơ chế đối chiếu và nhận diện tự động khuôn mặt khách hàng theo thời gian thực, Bitrix24 giúp doanh nghiệp truy xuất chính xác hồ sơ khách hàng tương ứng dựa trên đặc điểm nhận dạng. Hệ thống còn cho phép phát hiện và thống kê chính xác tần suất quay lại của khách hàng dựa trên số lần nhận dạng.

2. Phần mềm trả lời tự động & trí tuệ nhân tạo (Bots & AI)

CRM sẽ là nền tảng công nghệ đầu tiên đón nhận những thay đổi từ cuộc cách mạng AI. Sự ra đời của AI giúp cá nhân hóa trải nghiệm và giảm thiểu quy trình nhập & quản lý dữ liệu cho người dùng trên CRM.

Mặt khác, AI mang đến một khả năng mới, đó là chọn lọc và phân tích dữ liệu, một tính năng rất được mong đợi trong bối cảnh các hệ thống CRM đang phải liên tục tiếp nhận lượng dữ liệu khổng lồ. Cơ chế AI toàn diện còn cho phép tự động thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm các kênh truyền thông xã hội, cho đến các nguồn thông tin pháp lý liên quan đến khách hàng.

Bên cạnh đó, việc sử dụng và phát triển chatbot cũng sẽ trở thành xu hường đáng chú ý trong tương lai. Phần lớn công ty thường không có đủ ngân sách và nguồn lực để quản lý, duy trì công tác bán hàng và dịch vụ khách hàng trên cơ sở 24/7. Do vậy, việc ứng dụng chatbot sẽ giúp tối ưu hoá chi phí kinh doanh và cho phép quy trình kết nối khách hàng diễn ra liên tục và hiệu quả hơn.

Nếu như trước đây chatbot còn tồn tại nhiều hạn chế và chưa thể thay thế sự hiện diện của con người. Năm 2018, sẽ đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của chatbot, không chỉ đáp ứng yêu cầu hỗ trợ và tương tác tức thời với khách hàng, nhưng sẽ đồng thời đem lại cảm giác gần gũi như người thật.

Năm 2018, sẽ đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của Chatbot và AI.

3. Kết nối đa chiều với omni-channel CRM (hệ thống bán hàng đa kênh trên CRM)

Theo dự đoán, việc quá tải thông tin sẽ trở thành mối đe doạ lớn nhất đối với tất cả doanh nghiệp. Về phía khách hàng, việc chọn mua sản phẩm phù hợp nhất sẽ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi có quá nhiều lời chào mời sản phẩm với tính năng tương tự. Về khía cạnh doanh nghiệp, sự gia tăng của số lượng các kênh giao tiếp sẽ ngăn cản doanh nghiệp kết nối và cung cấp các loại hình dịch vụ toàn diện nhất đến cho khách hàng. Để phá vỡ rào cản thông tin này, một số doanh nghiệp đã tiến hành ứng dụng mô hình hệ thống bán hàng đa kênh trên CRM (omni-channel CRM).

Sự tiếp cận một cách thống nhất này sẽ cho phép đồng bộ công tác quản lý thông tin khách hàng, nâng cao trải nghiệm, và đáp ứng kỳ vọng của khách hàng trong suốt quá trình kết nối với thương hiệu. Khách hàng có thể sử dụng những kênh ưa thích của mình, về phía doanh nghiệp thông tin sẽ được tập trung tại giao diện thông tin thống nhất.

4. Tự động hóa quy trình nhập liệu vào CRM

Hầu hết nhân viên bán hàng và tiếp thị đều gặp khó khăn trong quá trình nhập liệu vào hệ thống CRM do không đủ thời gian, hoặc dữ liệu để hoàn thành những biểu mẫu sẵn có một cách thủ công.

Năm 2018 hứa hẹn sự xuất hiện của các nền tảng CRM thông minh giúp tự động hóa quá trình cập nhật và tập hợp dữ liệu khách hàng. Với cơ chế hoạt động tương tự tính năng Auto-fill của Google, các hệ thống CRM thông minh này sẽ tự động hoàn thành các trường dữ liệu, hoặc cung cấp các gợi ý chính xác dựa trên thông tin được nhập trước đó (như số điện thoại, địa chỉ).

Không chỉ dừng ở đó, các hệ thống CRM này tự động cập nhật thông tin liên quan khi có thay đổi trên trạng thái khách hàng. Cụ thể, khi trạng thái khách hàng thay đổi từ khách hàng tiềm năng lên thành Lead, CRM sẽ tự động cập nhật các thông tin liên quan, giúp giảm thiểu tối đa các thao tác trùng lặp trên hệ thống.

5. Giải pháp CRM tự động sẽ trở nên phổ biến hơn bao giờ hết

Năm 2018 sẽ là thời điểm phát triển mạnh mẽ của hệ thống CRM dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Từ các gói thuê bao giá cả phải chăng đến các gói giải pháp CRM chuyên sâu, ngày càng có nhiều lựa chọn CRM dành cho các chủ doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là các công ty cung cấp giải pháp CRM sẽ đơn giản hóa, hoặc cắt giảm sản phẩm của họ để phục vụ cho doanh nghiệp ở quy mô thấp hơn.

Các doanh nghiệp nhỏ thường được điều hành bởi một người, và hệ thống CRM cần sở hữu một giao diện trực quan, gần gũi, hệ thống thông báo và một loạt các tính năng tự động hóa mạnh mẽ. Vì thế, doanh nghiệp càng nhỏ càng đòi hỏi các giải pháp với các tính năng chuyên biệt, cùng chi phí triển khai hợp lý.

Tạm kết

Trước bối cảnh thị trường được mở rộng với sự cạnh tranh ngày càng tăng, những xu hướng phát triển trên của CRM là điều tất yếu, cho phép nâng cao trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong quá trình tiếp cận thương hiệu.

Trên thực tế, ngoài phạm vi quản lý mạng lưới khách hàng, đội ngũ bán hàng còn tham gia rất nhiều hoạt động khác. Chính vì thế, việc sở hữu các tính năng cộng tác và truyền thông ưu việt như: hệ thống theo dõi và quản lý tự động hoạt động chăm sóc khách hàng, kênh chia sẻ dữ liệu khách hàng…là điều không thể thiếu đối với bất kỳ hệ thống CRM nào của doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ. Qua đó, góp phần nâng cao mức độ gắn kết của đội ngũ bán hàng với doanh nghiệp, giúp cấp quản lý theo dõi và tương tác dễ dàng cùng nhân viên hơn rất nhiều.

Mai Linh tung “xe ôm công nghệ” đối đầu trực tiếp với Grab và Uber

Có thể thấy Mai Linh là hãng taxi “truyền thống” chịu khó thay đổi mình nhất theo thời thế hiện nay khi mà nhà nhà công nghệ, người người chạy theo công nghệ. Ngoài việc phát triển ứng dụng gọi taxi trên điện thoại, Mai Linh đang rục rịch đưa loại hình xe ôm công nghệ ra mắt thị trường vào cuối năm nay.

Cụ thể, ứng dụng gọi xe ôm trên điện thoại – Mai Linh Bike đã được triển khai thử nghiệm tại Hồ Chí Minh khoảng 1 tháng nay, được thực hiện bởi các nhân viên, tài xế của doanh nghiệp này. Và được sự hưởng ứng, phản hồi tích cực từ cộng đồng. Sau khi được đánh giá toàn diện các yếu tố như hệ thống đăng ký, tính ổn định của ứng dụng… dự kiến xe ôm công nghệ của Mai Linh sẽ đưa vào hoạt động chính thức từ ngày 20/11.

Mai Linh thử nghiệm dịch vụ xe ôm công nghệ tại TP HCM.

Như vậy, Mai Linh sẽ là hãng taxi truyền thống đầu tiên cung cấp thêm dịch vụ xe ôm. Và ngoài các dịch vụ xe ôm công nghệ nổi trội như GrabBike, UberMoto, thị trường sẽ có thêm sự lựa chọn khác.

Thông tin này được dư luận khá quan tâm bởi câu chuyện về sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp taxi truyền thống và taxi công nghệ Grab, Uber vẫn chưa có hồi kết. Trong đó, hầu hết đều đồng tình doanh nghiệp truyền thống nên thay đổi với những chiến lược mới, cải tiến dịch vụ mới có thể cạnh tranh với Grab, Uber.

Đối với loại xe M.bike thông thường, mức giá cước được áp dụng là 11.000 đồng/2km đầu. Khách hàng phải trả thêm 3.8000 đồng/km tiếp theo. Mai Linh cũng sẽ đồng thời triển khai M.Bike Premium với giá cước gấp đôi M.Bike thông thường.Mức giá trên không quá chênh lệch khi so sánh với uberMotovà GrabBike.

Bảng giá dịch vụ xe ôm được hiển thị trên app M.Bike.

Hiện trên phần mềm gọi xe trực tuyến của Mai Linh đã xuất hiện 2 biểu tượng Mai Linh Bike và Premium Bike, đồng thời trên hệ thống cũng nhận tài xế đăng ký tham gia dịch vụ này.

Theo đại diện Tập đoàn Mai Linh, xe ôm công nghệ trước mắt thực hiện ở 3 TP lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM – nơi có nhu cầu cao, sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương khác.

Việc thử nghiệm được thực hiện bởi các nhân viên, lái xe của Tập đoàn Mai Linh.

Thực tế, tại các TP lớn như Hà Nội và TP HCM, sự bùng phát của Grab và Uber đã khiến hoạt động kinh doanh của nhiều hãng taxi truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề, doanh thu giảm sút.

Cuối năm 2014, Grab bắt đầu phát triển dịch vụ xe ôm công nghệ và nơi đầu tiên triển khai là TP HCM, được xem khá thành công. Nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống sau đó cũng cân nhắc và định hướng phát triển thêm loại hình này nhằm tăng sức cạnh tranh, giữ chân khách hàng. Cụ thể, trên thị trường hiện đã có các dịch vụ như VivuMoto, AGZ Bike, Timxes.com…

Hi vọng với động thái tích cực này của Mai Linh sẽ giúp hãng cạnh tranh lại được Grab, Uber, đồng thời người tiêu dùng sẽ được hưởng những dịch vụ giao thông vận tải với mức giá cạnh tranh, nhiều ưu đãi.

Rất hi vọng M.Bike sẽ làm nên cơm nên cháo. Còn bạn, bạn sẽ mong chờ và ủng hộ M.Bike chứ?

Bán dược phẩm như bán điện thoại?

Bán dược phẩm như bán điện thoại?

Ở TPHCM nếu muốn mua những loại thuốc khó tìm hoặc thuốc đặc trị, ngoài nhà thuốc của các bệnh viện lớn, người ta thường đến các tiệm thuốc tây Mỹ Châu. Trên đường Hai Bà Trưng gần chợ Tân Định, Mỹ Châu có vài nhà thuốc xung quanh đó.

Những người thông thạo thông tin trong ngành dược nói rằng từ ba bốn năm trước đã có một số tổ chức và một số nhóm nhà đầu tư liên hệ nhằm hợp tác làm ăn, mở rộng và gia tăng số lượng nhà thuốc cũng như kênh phân phối qua mạng, nhưng Mỹ Châu từ chối. Theo thời gian Mỹ Châu mở thêm một số nhà thuốc, song không đáng kể.

Bán thuốc tây như bán điện thoại di động?

Bây giờ số lượng nhà thuốc ở TPHCM mọc như nấm sau mưa, hầu như đường phố nào cũng có ít nhất một tiệm, nhiều thì hai ba cái. Vào tiệm thuốc tây, người ta mua được đủ loại mà tiệm có, kể cả các loại kháng sinh vốn dĩ ở nước ngoài phải có đơn bác sĩ mới mua được.

Gần đây các nhà thuốc bán thuốc không cần kê đơn, các loại thực phẩm chức năng, thảo dược, cả sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu nhiều hơn. Hỏi một dược sĩ kinh nghiệm và thâm niên đã mấy mươi năm tại một nhà thuốc gần nhà thờ Huyện Sĩ, quận 1, ông giải thích bán thực phẩm chức năng hoa hồng cao hơn, với lại mấy thứ thuốc bổ dạng vitamine tổng hợp, ai uống cũng được, khách hàng mua nhiều.

Bán dược phẩm trực tuyến là ẩn số khó nhằn và bài học từ thị trường Ấn Độ còn nguyên giá trị với nhiều doanh nghiệp.

Ông thêm rằng kháng sinh hiện giờ thuốc nhập khẩu từ các nước phát triển ít đi, hầu hết thuốc dạng này có xuất xứ từ Ấn Độ, Hàn Quốc hay một số quốc gia Đông Âu. Hỏi chuyện ông về hệ thống các nhà thuốc có thương hiệu riêng đang mở ra rần rần, như PharmaCity nằm ở các cây xăng hay khu đô thị đông dân cư, ông lắc đầu, bảo họ giống mấy cái cửa hàng tiện lợi, bán một số mặt hàng thường dùng cho khách vãng lai, chứ khách quen người ta có tiệm thuốc quen.

Có lẽ ông dược sĩ ấy có tuổi rồi, không theo kịp thời cuộc. Hệ thống nhà thuốc đang được đầu tư mạnh mẽ, đang hút tiền, được nhiều doanh nghiệp chuyên về bán lẻ chuẩn bị “nhảy vào bành trướng”. Tháng trước, Công ty cổ phần Thế giới di động (MWG – Hose) bắt đầu thương lượng mua cổ phần của một doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG, cho biết trong một cuộc tiếp xúc với giới đầu tư, công ty sẽ chọn ứng cử viên là những đơn vị có am hiểu chuyên môn về sản phẩm ngành dược, y tế nhưng không hoặc chưa có kinh nghiệm tổ chức chuỗi cửa hàng bán lẻ. Hoặc MWG sẽ tìm đến những doanh nghiêp đã có kênh phân phối vài chục cửa hàng và tập trung vào đội ngũ nhân sự tay nghề cao. MWG có thể mua thâu tóm từ 30-40% đến 100% cổ phần tùy vào sự hợp tác của các bên.

Sau khi mở các kênh phân phối qua hệ thống cửa hàng và cả trực tuyến các sản phẩm công nghệ như điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính bàn… (Thế giới di động); điện tử – điện lạnh (Điện máy Xanh) đến lương thực thực phẩm (Bách hóa Xanh) với tổng cộng khoảng 1.780 siêu thị ba loại hình trên, MWG tiến tới mở hệ thống nhà thuốc. Công ty tự tin họ sẽ nhân nhanh và rộng các tiệm thuốc tây như họ đã từng mở hàng ngàn siêu thị trong thời gian ngắn vừa qua.

Mua kênh phân phối qua M&A

Theo Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC), MWG có thể đang đàm phán với ông chủ của chuỗi bán lẻ dược phẩm Phúc An Khang, vốn được thành lập vào năm 2006 và sở hữu trên dưới 20 tiệm thuốc tây. MWG có vốn điều lệ 3.078 tỉ đồng và cổ đông công ty đã chấp thuận phương án bỏ ra 2.500 tỉ đồng từ nhiều nguồn khác nhau để thực hiện các thương vụ M&A.

Ảnh minh họa: Tuệ Doanh.

Số vốn ấy đủ để mở hàng trăm cửa hàng bán lẻ thuốc tây căn cứ vào chi phí thuê mặt bằng, tuyển các dược sĩ và đào tạo nhân viên bán hàng cũng như tiền gối đầu hay đặt cọc để hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, các nhà nhập khẩu dược phẩm, thậm chí đảm nhiệm cả vai trò cầu nối cho các hãng dược quốc tế.

Trước mắt MWG đã và đang tuyển dụng dược sĩ, nhân viên y tế cho các hiệu thuốc trên địa bàn TPHCM. Việc tuyển dụng và đào tạo có lẽ cần nhiều thời gian hơn là tuyển dụng nhân viên bán hàng của các siêu thị điện máy hay thực phẩm vì thuốc men liên quan sát sườn đến sức khỏe con người, nó là vấn đề nhạy cảm, không đơn thuần như bán một cái điện thoại di động khi hỏng hóc có thể sửa chữa hoặc đổi cái mới.

Không chỉ MWG một số doanh nghiệp khác cũng nhận ra tiềm năng của thị trường bán lẻ dược phẩm.

Thay bằng mua lại, đầu tư mới cho hệ thống nhà thuốc, họ thực hiện M&A các doanh nghiệp dược. Cách đi này có nhiều ưu điểm. Thứ nhất chủ động được nguồn hàng phân phối từ chính các nhà sản xuất và chức năng xuất nhập khẩu sản phẩm cũng như nguyên liệu đầu vào. Thứ hai sử dụng được ngay kênh phân phối là các đại lý cũng như cửa hàng bán lẻ của các công ty dược. Chưa kể các doanh nghiệp dược đều có chi nhánh ở những tỉnh, thành lớn, tức có mạng lưới phân phối tại những địa bàn chiến lược. Nên nhớ một số doanh nghiệp dược còn phân phối sản phẩm thông dụng như thuốc cảm cúm, băng dán giảm đau, thực phẩm chức năng… tại các siêu thị lớn. Thứ ba các công ty dược được tham gia đấu thầu cung ứng thuốc cho các bệnh viện. Kênh phân phối này ổn định và có thể mang lại doanh thu cao.

Tuy nhiên M&A doanh nghiệp dược đòi hỏi vốn to, các bước chuẩn bị bài bản và kế hoạch phát triển sau khi đã thâu tóm.

M&A doanh nghiệp dược đòi hỏi vốn to. Ảnh: Thanhniennews.

Mới đây Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim đã công bố sẽ mua thêm cổ phiếu để sở hữu trên 51% cổ phần của Dược Lâm Đồng. Hiện tại Nguyễn Kim đang sở hữu 24% cổ phần doanh nghiệp dược này và muốn mua thêm hơn 27% nữa. Cơ sở mua thêm của Nguyễn Kim là có do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang nắm giữ gần 32% cổ phần Dược Lâm Đồng. Căn cứ vào hiệu quả kinh doanh và vai trò của Dược Lâm Đồng trong ngành cũng như trong danh mục đầu tư của SCIC, nhiều khả năng SCIC sẽ thoái vốn nếu việc chuyển nhượng mang lại lợi nhuận chấp nhận được cho tổng công ty.

Nếu mua thành công, Nguyễn Kim chỉ cần bỏ vào Dược Lâm Đồng thêm 3-4 triệu đô la Mỹ, số tiền không đáng kể so với vốn điều lệ 5.000 tỉ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim. Hơn nữa Công ty thương mại Nguyễn Kim cũng là “dân bán lẻ thứ thiệt” khi họ có hệ thống siêu thị điện máy quy mô không hề nhỏ và có quan hệ hợp tác với đối tác nước ngoài là “đại gia” bán lẻ Thái Lan.

Thị trường bán lẻ tân dược Việt Nam còn nhiều tiềm năng khi mà mối quan tâm và tỷ lệ thu nhập của người dân dành cho chăm sóc sức khỏe ngày một tăng. Khai thác thị trường hiện nay vẫn là hộ cá thể nhỏ lẻ, mang tính gia đình là chủ yếu. Lập chuỗi bán lẻ dược phẩm không quá khó, cái khó là duy trì, củng cố sự quản lý chuyên nghiệp và thu hút khách hàng ổn định, lâu dài. MWG đang phối hợp từ bán hàng siêu thị tay sờ mắt thấy mũi ngửi sang bán hàng trực tuyến. Bán dược phẩm trực tuyến là ẩn số khó nhằn và bài học từ thị trường Ấn Độ còn nguyên giá trị với nhiều doanh nghiệp.

Alibaba tiếp tục đổ tỷ USD vào cửa hàng truyền thống

Đại gia thương mại điện tử Trung Quốc vừa đồng ý mua số cổ phần trị giá 2,9 tỷ USD tại Sun Art.

Alibaba sẽ mua 36% cổ phần Sun Art Retail Group – hãng vận hành khoảng 400 đại siêu thị tại Trung Quốc, với các thương hiệu Auchan và RT-Mart. Theo thỏa thuận, Auchan Retail tại Pháp cũng sẽ nâng cổ phần trong Sun Art lên mức tương ứng, và lập liên minh với Alibaba để tham gia thương vụ.

36% cổ phần của Alibaba có giá trị 2,9 tỷ USD. Đây là động thái mới nhất của hãng này trong quá trình mở rộng sang mảng bán lẻ truyền thống.

Alibaba có tham vọng khuấy động thị trường bán lẻ truyền thống quy mô 4.000 tỷ USD, tăng cạnh tranh với Wal-Mart Stores trong mảng đại siêu thị tại Trung Quốc. Thỏa thuận trên cũng sẽ giúp Sun Art có công nghệ và tài nguyên cần thiết để mở rộng sang các thị trường mới.

Alibaba đang tích cực đổ tiền vào các hãng bán lẻ. Ảnh: Bloomberg.

“Sun Art có chuỗi cung ứng khá tốt. Vì thế, Alibaba sẽ tiết kiệm được chi phí đáng kể, hơn là làm mọi thứ từ đầu”, Julia Pan – nhà phân tích tại UOB Kayhian nhận xét, “Chiến lược bán lẻ mới có vẻ đang là xu hướng với các đại gia thương mại điện tử”.

Alibaba muốn cải tổ ngành bán lẻ truyền thống, đưa công nghệ vào các cửa hàng để quản lý hàng tồn kho tốt hơn, đồng thời tăng biên lợi nhuận. Họ cũng cho rằng tham gia ngành này sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho mảng online cốt lõi, giúp họ có thêm hàng triệu người mua mới và mở rộng mạng lưới tới vùng sâu vùng xa.

Chiến lược của Alibaba mới đang trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nếu hiệu quả, nó có thể giúp họ vượt lên trên Amazon của Jeff Bezos trong mảng bán lẻ truyền thống. Alibaba đã chi hàng tỷ USD vào các cửa hàng siêu thị và trung tâm thương mại từ khá lâu trước khi Amazon công bố thương vụ 13,7 tỷ USD mua Whole Foods Market.