Monthly Archives: December 2017

Apple cùng lúc tung ra iPhone X và iPhone 8: Nước cờ mới mà không mới

Apple đã có hướng đi bất ngờ với việc ra mắt cùng lúc 3 dòng sản phẩm hoàn toàn khác biệt để đánh dấu kỷ niệm 10 năm iPhone.

iPhone đầu tiên ra mắt năm 2007, đến năm 2013 Apple bắt đầu cho ra mắt đều đặn mỗi năm 2 sản phẩm, làm tăng thêm lựa chọn cho người dùng. Nhưng năm nay, Apple đã bất ngờ có hướng đi mới với việc ra mắt cùng lúc 3 dòng sản phẩm hoàn toàn khác biệt để đánh dấu kỷ niệm 10 năm iPhone – đó chính là iPhone X, iPhone 8 và iPhone 8 Plus.

Theo Facebook Insight thì có đến hơn 24% người dùng tại Việt Nam đang sử dụng sản phẩm di động của Apple để truy cập internet và Facebook. Với lượng người dùng lớn như thế này, động thái tung sản phẩm của Apple chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng người dùng có hầu bao hào phóng tại Việt Nam. Vậy việc tung ra đến 3 sản phẩm mới trong một năm có làm thay đổi cục diện câu chuyện kinh doanh, hành vi mua hàng sắm của các thượng đế “nhà táo” hay không?

Đầu tiên, hãy cùng tham khảo lại giá cả để thực sự thấy rằng các khách hàng Việt rất chịu chi với dòng sản phẩm cao cấp từ Apple, trung bình các mẫu có giá bán thấp nhất tại thị trường Việt Nam (số liệu từ chuỗi cửa hàng CellphoneS) trong 15 ngày đầu tiên từ khi ra mắt thường dao động quanh mức 20 triệu đồng (iPhone 6s – 20,4 triệu đồng; iPhone 7 – 21,3 triệu; iPhone 8 – 19,4 triệu).

Sức mua của iPhone nói chung và ảnh hưởng của việc ra mắt hai sản phẩm cùng lúc lên thị trường cũng tạo ra những chuyển biến thú vị. Riêng với iPhone X, sản phẩm cao cấp nhất trong tất cả các sản phẩm iPhone từ trước đến nay cũng rơi vào tình trạng khan hàng, giá cả của iPhone X hiện đang bình ổn quanh mức khởi điểm 29-30 triệu.

Trong khi nhiều người dự đoán rằng iPhone X ra mắt là một bước đi không khôn ngoan của Apple vì sẽ khiến iPhone 8 và iPhone 8 Plus kém sức hút, tuy nhiên theo anh Toàn Nguyễn – Phụ trách ngành hàng iPhone của CellphoneS cho biết: “Sức mua iPhone 8 không hề kém đi, với giá bán hợp lý iPhone 8 vẫn đang là lựa chọn của rất nhiều fan Apple, doanh số bán cùng kỳ của iPhone 8 gần xấp xỉ iPhone 7”.

Như vậy, cộng thêm sức hút những ngày vừa qua của iPhone X, có thể thấy bước đi mới khi ra mắt dòng sản phẩm cao cấp hơn của mình kèm theo một giá bán cao ngất ngưỡng nhưng Apple dường như vẫn đang dành được những thắng lợi rất mạnh.

Apple đang rất thành công trong việc gia tăng giá trị khai thác thị trường, mở rộng phân khúc sản phẩm với mức giá mới.

Theo thông tin tham khảo từ một số nguồn cho biết doanh số bán ra của iPhone X trong tuần ra mắt đã vượt hẳn so với iPhone 7 trong cùng giai đoạn, điều này củng cố một phỏng đoán vững chắc cho thấy bằng việc ra mắt iPhone X, Apple đang rất thành công trong việc gia tăng giá trị khai thác thị trường, mở rộng phân khúc sản phẩm với mức giá mới. Song song đó, hãng này cũng gia tăng gần gấp đôi phần doanh số bán ra trong một mùa.

Nếu thị trường là một cái bánh lớn chia đều cơ hội cho các bên, thì với cú đúp lần này Apple đã ngoạm hai cái thật to vào cái bánh mà họ đã rón rén khéo léo trong nhiều năm qua. Hướng đi mang tính mở rộng này không mới, có thể thấy Samsung đã dùng phương thức này từ khá lâu bằng việc sở hữu mỗi năm 2 dòng Galaxy và Note với mức giá bán tạo ra cực biên của phân khúc cao cấp mà họ sở hữu.

Việc tung sản phẩm giá rẻ hay mở rộng ngành hàng ra các sản phẩm phụ trợ để gia tăng lựa chọn của khách hàng là điều mà rất nhiều nhãn hàng và thương hiệu đang làm để chiếm dụng thêm phân khúc khách hàng cũng như thúc đẩy nhu cầu hay khám phá, khai thác một thị trường tăng trưởng.

Tuy nhiên, “đi ngược chiều gió” với việc tung ra sản phẩm mới đột phá hơn đang không phải là lựa chọn của nhiều nhà kinh doanh.

Đối chiếu trong một góc nhìn trái ngành. Cách đây không lâu, trong “cuộc chiến cà phê”, Highlands Coffee với cuộc tái cấu trúc giá bán và hình ảnh thương hiệu đã giúp thương hiệu này vượt qua khó khăn. Tại thời điểm bấy giờ, Highlands sử dụng chiêu thức cố định giá 19.000 đồng cho ly cà phê rẻ nhất và 69.000 cho ly đồ uống đắt nhất. Với biên độ từ 19 – 69.000 là khoảng đủ rộng, mang lại rất nhiều lựa chọn cho khách hàng.

Ảnh: The Verge.

Cũng với chiêu này thì mỗi mùa Apple ra sản phẩm mới họ đều giảm giá các sản phẩm cũ, có năm lại tung ra những “khoảng giữa” với dòng SE càng ngày càng có thêm người dùng trong thị phần giá tầm trung – mảnh đất vốn trước nay chỉ toàn các thiết bị Android.

Theo tổng hợp mới nhất của CellphoneS, cho biết sức mua của các phiên bản iPhone tiền nhiệm như iPhone 7 trong giai đoạn iPhone 8 và iPhone X ra mắt cũng hoàn toàn không có giấu hiệu suy giảm. Điều này xuất phát từ các chính sách hậu mãi hợp lý kết hợp với các khuyến mãi phù phù hợp để vừa túi tiền khách hàng phổ thông hơn.

Như vậy, với một động thái mới mà cũ, lạ mà quen của Apple với iPhone 8 và iPhone X trong mùa iPhone năm nay chúng ta lại có dịp ôn lại một câu chuyện – bài học thú vị. Điều này có thể giúp cho công ty, ngành hàng hay sản phẩm của chúng ta nhịp bước theo sự chuyển biến của thị trường, ngày càng đáp ứng trọn vẹn hơn, tiến sát hơn với các cơ hội phục vụ người tiêu dùng.

Liệu mùa iPhone tiếp theo Apple sẽ làm gì với các chiến lược của mình? Tiếp tục nâng cấp hay sẽ dừng lại ổn định gia tăng khai thác với các dòng sản phẩm hiện có? Dù là kết quả nào, hẳn các fan Apple cũng sẽ luôn có nhiều lựa chọn.

Cách truyền thông lạ cho iPhone X của Apple

Năm nay, các video dùng thử iPhone X của một số thành viên YouTube lại xuất hiện trước một ngày so với các bài đánh giá sản phẩm.

Tính đến iPhone 8, smartphone của Apple đã trải qua 11 thế hệ. Hàng năm, cứ vài ngày trước khi phiên bản iPhone mới chính thức có mặt trên thị trường, các trang công nghệ lớn đồng loạt đăng bài đánh giá (review) sản phẩm với đủ các ý kiến khen chê để người dùng có thêm nguồn tham khảo trước khi quyết định mua điện thoại.

Nhưng năm nay, Apple có bước đi khác. Họ mời một số thành viên YouTube tới một căn hộ ở New York (Mỹ) và cho dùng trước iPhone X. Những người này được phép đăng video chia sẻ cảm nhận về sản phẩm trước cả các bài đánh giá chính thức. Ngoài ra, nhà báo Steven Levy của tạp chí Wired cũng đã nhận iPhone X từ tuần trước và đăng cảm nhận ban đầu vì ông là một trong bốn chuyên gia đầu tiên từng đánh giá iPhone thế hệ đầu.

Theo nhận định của Recode, những video về iPhone X được đăng trên các kênh YouTube này có chút gì đó hơi khoe khoang, đa phần là nhận xét tích cực. “Các video này hoàn toàn khác và không thể thay thế cho những bài đánh giá tinh tế với nhiệm vụ phân tích cho chúng ta thấy liệu iPhone X có thực sự đáng để ta bỏ ra 1.000 USD. Nói thẳng ra, chúng không phải những video hay”, trang này nói.

Một trong những video dùng thử iPhone X trên YouTube.

Nhưng động thái trên cũng cho thấy Apple đang có bước đi mới so với nhiều năm qua. Khi iPhone thế hệ đầu tiên trình làng cách đây một thập kỷ, chỉ có bốn nhà báo công nghệ là Walt Mossberg đến từ Wall Street Journal, David Pogue của New York Times, Ed Baig của USA Today và Steven Levy khi đó làm cho Newsweek được Steve Jobs chọn đánh giá iPhone.

Đến khi iPad ra đời năm 2010, số chuyên gia đánh giá nâng lên 6 người. Kể từ đó, Apple đã mở rộng danh sách hơn, bao gồm cả các trang thuần online như Verge, EnGadget hay TechCrunch.

Năm nay, Apple quyết định chạy chương trình “video cảm nhận ban đầu” về sản phẩm trước khi những bài đánh giá chuyên nghiệp được phép xuất bản. Tuy vậy, chiến lược này chưa thực sự gây sốt trên Internet, khi video nhiều nhất cũng mới chỉ đạt 600.000 lượt xem thay vì hàng triệu.

Recode cho rằng Apple làm như vậy vì iPhone X không đơn giản là một chiếc iPhone mới mà là mẫu điện thoại kỷ niệm 10 năm. Thị trường smartphone cũng đang dần trở nên nhàm chán và Apple cần tìm cách khuấy động, đặc biệt là thu hút giới trẻ. Họ cần chinh phục giới trẻ vì đây là tệp khách hàng mới, rất nhanh nhạy trước những xu hướng mới và cũng mạnh dạn chi tiền hơn.

Chủ tịch Mai Linh tiết lộ chiến lược cho xe ôm công nghệ

Ông Hồ Huy khẳng định dịch vụ xe ôm công nghệ mới triển khai của doanh nghiệp này sẽ không tăng giá, chèn ép khách hàng lúc cao điểm.

Chia sẻ với phóng viên nhân sự kiện vận hành dịch vụ xe ôm công nghệ sáng 20/11, ông Hồ Huy – Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh cho rằng sự khác biệt giữa doanh nghiệp khi triển khai dịch vụ này là không bắt chẹt khách hàng, dù cao điểm hay điều kiện thời tiết bất lợi thì vẫn không điều chỉnh cước phí.

“Điều chỉnh giá không phải là mục tiêu của chúng tôi, mà vấn đề lớn nhất là làm sao phục vụ khách hàng tốt hơn. Không riêng xe ôm công nghệ mà tất cả dịch vụ của Mai Linh suốt 25 năm qua đều cam kết không tăng giá. Đây là nguyên tắc cơ bản và phù hợp với văn hóa của người Việt Nam”, ông Huy nói và cho biết thêm, ứng dụng mới ra mắt có bản đồ nhiệt giúp tài xế lựa chọn địa điểm thuận lợi nhất để tìm khách nhằm dung hòa lợi ích cho đối tác (tài xế) và khách hàng.

Cũng theo ông Huy, trong thời gian tới, doanh nghiệp này sẽ tổ chức chiến dịch thuyết phục thêm những tài xế xe ôm truyền thống gia nhập công ty và sử dụng công nghệ để hạn chế tối đa xung đột với Mai Linh Bike.

Mai Linh cam kết không điều chỉnh cước phí dịch vụ xe ôm công nghệ như các đối thủ.

Mai Linh chính thức vận hành dịch vụ xe ôm công nghệ Mai Linh Bike tại TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng sau hơn một tháng thử nghiệm. Hiện có khoảng 5.500 đối tác tham gia dịch vụ này, trong đó thị trường Đà Nẵng tuy số lượng ít nhất nhưng được doanh nghiệp này kỳ vọng dẫn đầu tăng trưởng nhờ lượng khách du lịch đông đúc và lòng tin vào thương hiệu taxi của doanh nghiệp này tại đây.

Theo ghi nhận của chúng tôi trong sáng 20/11, đa phần các tài xế đến đăng ký dịch vụ xe ôm mới của Mai Linh tại Hà Nội là các đối tác của Uber và Grab. Anh Cường – một sinh viên với kinh nghiệm hơn một năm chạy Grab chia sẻ trong lúc đợi đến lượt làm thủ tục cho biết: “Mình đến đăng ký vì nghe anh em trong giới nói Mai Linh mới ra mắt dịch vụ xe ôm có nhiều ưu đãi cho tài xế”.

“Tranh thủ thời gian ngoài lên lớp, mình chạy xe ôm Grab để kiếm thêm tiền trang trải sinh hoạt nhưng thu nhập ngày càng giảm. Grab hiện đã chiết khấu lên 20% và không còn nhiều chính sách hỗ trợ tài xế như trước. Đồng thời, mình thấy ở đâu cũng màu áo xanh của GrabBike cũng có thể khiến lượng khách của những người chạy parttime như mình bị giảm”, Cường tỏ ra trầm ngâm khi chia sẻ về công việc gần đây. Cậu sinh viên năm cuối hy vọng có nguồn thu ổn định từ Mai Linh Bike.

Nhiều tài xế xe ôm Grab đến đăng ký thêm tại Mai Linh Bike. Ảnh: Anh Tú.

Theo giới thiệu của Mai Linh, dịch vụ xe ôm mới có giá cước tương đương hai đối thủ Uber, Grab là 11.000 đồng/2km đầu và 3.800 đồng/km tiếp theo với xe phổ thông. Trong ngày đầu ra mắt, Mai Linh Bike tung mã khuyến mại giảm đến 50.000 đồng cho mỗi chuyến đi.

Đồng thời, Mai Linh cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút tài xế. Trong hai tháng đầu tiên, các tài xế không phải nộp chiết khấu cho hãng. Sau đó, tỷ lệ ăn chia giữa hãng và tài xế sẽ là 15-85%. Đây là mức chiết khấu thấp hơn mức 20% của Grab và 25% của Uber.

“Tôi đăng ký dịch vụ xe ôm của Mai Linh chủ yếu để nghe ngóng chính sách đãi ngộ tài xế của hãng mới thế nào. Tôi vẫn đang dùng song song cả hai ứng dụng Uber và Grab. Tùy thời điểm, bên nào có nhiều thưởng cho tài xế hơn thì tôi chạy nhiều cho hãng đó”, một tài xế GrabBike khoảng hơn 40 tuổi chia sẻ.

Ông cho rằng cần phải mất một thời gian dài mới có thể biết được dịch vụ xe ôm của Mai Linh có đem lại thu nhập ổn định và chế độ đãi ngộ tốt cho tài xế hay không. Theo tài xế này, lúc mới ra mắt cả Uber và Grab đều có rất nhiều chương trình để thu hút nhân sự nhưng sau đó giảm hẳn.

Theo khảo sát của chúng tôi tại khu vực Hà Nội, khách hàng hiện khó có thể đặt Mai Linh Bike vì lượng tài xế hiển thị trên bản đồ vẫn còn rất ít.

Văn hóa họp trên sân thượng của Twitter

Twitter là một trong những công ty được nhân viên đánh giá rất cao về chỉ số văn hóa doanh nghiệp.

Theo khảo sát của Satscuar Glassadoor, trong các mức chỉ số từ 1 đến 5, các nhân viên của Twitter đánh giá văn hóa doanh nghiệp ở Twitter đạt mức bình quân 4.5 – là một mức rất cao.

Điểm nổi bật nhất mà các nhân viên Twitter đặc biệt cảm thấy thú vị, không phải là mức lương nhận được, hay những khoản tiền thưởng, mà là những cuộc họp ở tầng áp mái (roof-top). Đây thường là một không gian mở với môi trường thân thiện, có cả cỏ cây hoa lá bao quanh.

Theo đánh giá của nhân viên công ty, những cuộc họp như thế này là điểm đặc trưng nhất của Twitter. Mọi người sẽ thấy vô cùng thoải mái trong những không cởi mở như thế, do vậy, chất lượng, hiệu quả công việc cũng được đẩy lên cao. Đây cũng chính là giá trị văn hóa doanh nghiệp cốt lõi của Twitter.

Không những thế, tại các văn phòng trụ sở của Twitter không thiếu những khu vui chơi giải trí, những bữa ăn trưa miễn phí, những phòng họp được thiết kế vô cùng độc đáo.

Theo báo cáo, Twitter có 35 văn phòng trên khắp thế giới, và mỗi nơi đều phản ánh tinh thần văn hóa khu vực mà họ đặt trụ sở. Phòng họp tại Atlanta được đặt tên theo biểu tượng hip-hop ở miền Nam, và phòng họp tại tầng 39 của tòa nhà ở Sydney có tầm nhìn toàn cảnh thành phố và bến cảng…

Hoạt động theo nhóm là điểm mạnh tại Twitter

Nhân viên Twitter cho biết, ở đây, những hoạt động theo nhóm thường xuyên mang lại hiệu quả tốt. Các thành viên trong nhóm thường xuyên hỗ trợ nhau và tạo ra một môi trường làm việc hoàn hảo, rất nhiều sáng kiến được đưa ra khi làm việc cùng đội nhóm.

Bình đẳng giới cũng là một tiêu chí của Twitter

Ở Twitter, vấn đề bình đẳng giới cũng là một trong những nhân tố quan trọng. Twitter cũng là một trong những doanh nghiệp đi đầu trên thế giới, đóng góp nhiều sáng kiến cho sự bình đẳng giới toàn cầu.

Thường xuyên có những hoạt động cộng đồng

Đặc biệt, tại Twitter, có một sự kiện diễn ra 2 lần trong 1 năm được gọi là ngày FridayForGood – là ngày những nhân viên Twitter hợp tác với các tổ chức cộng đồng Quốc tế để giúp đỡ các địa phương, nơi công ty đóng trụ sở trên toàn Thế giới.

Quản trị kiểu Google: Người giỏi chưa hẳn được thăng chức

Trong bài chia sẻ mới đây trên trang Re:work của Google, Sarah Calderon – Quản lý bộ phận Phát triển Nhân sự Quản lý của Google, đã tiết lộ những bí mật giúp Google phát hiện và phát triển nhân viên có tố chất quản lý giỏi.

Đó là:

1. Người làm việc tốt không hẳn sẽ quản lý tốt

Lối suy nghĩ thăng chức quản lý cho những nhân sự làm việc hiệu quả cao đối với Google là một sai lầm. Lãnh đạo một tập thể đòi hỏi những kỹ năng rất khác so với chuyên môn. Calderon chia sẻ rằng, để tìm được quản lý xuất sắc, bạn cần phải quan sát cách ứng viên làm việc cùng đồng nghiệp cũng như cách họ hoàn tất nhiệm vụ được giao.

Ứng viên đó có điều chỉnh tác phong làm việc của bản thân theo phong cách của đồng nghiệp không? Ứng viên có xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong khi làm việc nhóm không? Và ứng viên đó có thể góp ý tích cực với các đồng nghiệp khác không?

Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý một yếu tố quan trọng là sự hứng thú với công việc quản lý của ứng viên đó. Cụ thể, bạn cần tìm hiểu xem ứng viên có thực sự thích công việc liên quan để giải quyết những vấn đề phát sinh giữa con người với con người trong công sở không? Nếu người quản lý hiện tại cảm thấy vô cùng khổ sở với công việc đang làm và bày tỏ mong muốn quay lại vị trí chuyên môn cũ thì đó là lúc bạn nên đưa nhân sự này về lại “không gian” của họ.

2. Những tháng đầu tiên là lúc huấn luyện tốt nhất

Những công ty mắc lỗi khi chọn ứng viên quản lý tiềm năng cũng sẽ thường xác định sai thời gian thăng chức hợp lý. Các ứng viên thường trải qua một khóa huấn luyện về kỹ năng quản lý trước khi đưa họ vào môi trường thực tế khắc nghiệt.

Ngược lại, Calderon cho biết điều tốt nhất các công ty nên làm là cung cấp những nguồn lực cơ bản để quản lý mới có thể sử dụng trong suốt những tháng đầu tiên ở vị trí này. Khóa huấn luyện phát triển năng lực quản lý chỉ nên tổ chức sau khi họ đã trải qua vài tháng làm việc thực tế.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần lưu ý cân đối thời gian để nhân sự không bị chờ đợi quá lâu. Thời gian kéo dài có thể tạo ra những thói quen xấu khó thay đổi nơi nhân sự mới. Theo Calderson, tốt nhất khóa tập huấn nên diễn ra vào thời điểm nhân sự này bắt đầu hiểu về vị trí mới và trải qua một vài thử thách thực tế đầu tiên. Nếu không có giai đoạn thực hành trước, mọi khóa tập huấn đều sẽ chỉ là lý thuyết suông. Ở Google, khoảng thời gian trước tập huấn thường kéo dài 3 tháng, theo Calderson.

3. Đừng làm quản lý mới quá tải

Điều duy nhất Google không muốn đó là nhìn thấy quản lý mới bị cạn kiệt sức lực. Cách tiếp cận tốt nhất, theo Calderon, là bạn nên nghĩ về những điều nhân sự quản lý mới có thể cần trong 6 tháng đầu tiên đảm nhận công việc. Đồng thời, hãy giao cho họ khối lượng công việc vừa đủ để họ có thể ghi nhớ, áp dụng những điều đã được học. Theo thời gian, nhân sự sẽ phát triển tiếp các kỹ năng quản lý hoàn thiện hơn.

Tại Google, khóa tập huấn tập trung vào những mảng sau:
– Kỹ năng đưa phản hồi.
– Trở thành một coach tốt.
– Gia tăng tư duy phát triển (văn hóa học hỏi đối với cá nhân quản lý và đội ngũ nhân viên cấp dưới).
– Gia tăng trí thông minh cảm xúc (khả năng nhận thức bản thân và tình trạng của đội ngũ đang quản lý).

Trí thông minh cảm xúc có vai trò giúp các nhà quản lý có thể giải quyết các tình huống khó khăn thông qua việc hiểu rõ về bản thân. Một ví dụ về khía cạnh này, Calderson đưa ra, là về cảm giác khó khăn khi góp ý cho người khác. Để nhà quản lý có thể làm tốt điều này, họ cần hiểu rõ cảm xúc hiện tại của bản thân và người nhận phản hồi trước khi đưa ra phản hồi.

4. Tập huấn không phải là cách duy nhất

Đừng khăng khăng cho rằng các quản lý của bạn phải học hỏi từ chuyên gia. Vì theo Calderson, các quản lý cũng nên học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Tại Google, các buổi chia sẻ kinh nghiệm đồng đẳng, tinh thần sẵn sàng góp ý, giúp đỡ nhau cải thiện hiệu quả công việc hằng ngày của các quản lý luôn được khuyến khích thực hiện.

Doanh nghiệp cần tạo ra “văn hóa học hỏi, thực hành, phản hồi và rút kinh nghiệm”. Vì văn hóa này sẽ thúc đẩy các quản lý tiếp tục tìm hiểu những điều họ đang làm tốt và những điều cần cải thiện thêm.

Từ góc nhìn doanh nghiệp, quản lý cấp cao nên đầu tư các hệ thống, quy trình nhằm tạo điều kiện cho quản lý cấp trung trao đổi và tìm ra giải pháp cho những vấn đề của nhau.

5. Đưa ra những phản hồi mà quản lý mới cần

Mỗi năm một lần, nhân viên Google sẽ thực hiện một khảo sát về cách quản lý đưa ra những phản hồi trong công việc với họ. Kết quả bảng hỏi thu thập sẽ được Google phân tích bằng lý thuyết 8 hành vi quản lý do chính công ty tìm ra. Những hành vi này sẽ giúp tạo ra đội ngũ nhân sự hạnh phúc, cải thiện kết quả công việc cũng như gia tăng gắn kết nội bộ.

Song, những điều Google đang áp dụng không hẳn sẽ phát huy tốt trong doanh nghiệp của bạn. Để quyết định những yếu tố tạo nên đội ngũ quản lý giỏi, bạn cần cân nhắc các câu hỏi sau:

  • Liệu tổ chức của bạn có cần người quản lý không?
  • Nếu cần, thì bạn sẽ thuyết phục nhân sự nào cho vị trí này và bạn sẽ thuyết phục ra sao?
  • Điều gì tạo nên một quản lý giỏi trong tổ chức của bạn?

Kết

Trong quá trình chuẩn bị cho nhân sự quản lý, Calderon đã từng nhận được câu hỏi: “Sẽ thế nào nếu một ứng viên không vượt qua được quá trình huấn luyện quản lý? Họ có thể làm rất tốt ở những kỹ năng khác nhưng lại khá yếu về trí tuệ cảm xúc. Cô sẽ xử lý trường hợp này thế nào?”.

Câu trả lời của Calderon dưới đây sẽ làm rõ hơn về giá trị của sự đồng cảm, không chỉ trong nội bộ Google mà còn là một tiêu chí quan trọng, cần có ở mọi nhà quản lý.

Calderson đã trả lời rằng: “Điều quan trọng chúng ta cần hiểu rằng không ai có thể ngay lập tức trở thành nhà quản lý xuất sắc sau khi bước ra khỏi khóa tập huấn. Khi bạn học một kỹ năng mới, sẽ có lúc mọi chuyện trở nên rất khó khăn. Vượt qua được thì bạn mới thành thục kỹ năng mới.

Vì vậy, điều quan trọng nhất là bạn cần cởi mở, sẵn lòng hỗ trợ và tạo dựng môi trường học tập cho nhân viên của mình. Hãy chỉ cho họ thấy cụ thể họ cần cải thiện điều gì và trao cho họ đủ nguồn lực cần thiết để cải thiện tình hình, cũng như liên tục đo lường kết quả của những nỗ lực đó.

Nếu quá trình này không mang đến đến kết quả, hãy có cuộc trao đổi thẳng thắn với nhân viên của mình để cùng tìm ra liệu có phải người đó đang ở sai vị trí hoặc không hợp với đội ngũ nhân viên hiện tại.

Tóm lại, hãy đồng cảm với những quản lý mới của bạn vì có thể chính họ cũng đang phải chịu đau đớn để phát triển bản thân”.