Monthly Archives: January 2018

12 lần Warren Buffett ra quyết định sai lầm

Bài học từ những quyết định đầu tư sai lầm của tỷ phú Warren Buffett, CEO của Berkshire Hathaway.

12 lần Warren Buffett ra quyết định sai lầm

Trong nhiều thập kỷ qua, giám đốc điều hành (CEO) của công Berkshire Hathaway – còn được gọi với biệt danh “huyền thoại Omaha” – đã chứng tỏ khả năng đọc thị trường phố Wall như đọc sách của mình. Dù vậy, Buffett vẫn có nhiều quyết định đầu tư sai lầm mà ông cảm thấy hối tiếc, theo CNBC.

1. Mua Berkshire Hathaway

Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC năm 2010, Warren Buffett từng nói cổ phiếu tồi tệ nhất ông từng mua là Berkshire Hathaway.

Buffett giải thích rằng lần đầu tiên ông đầu tư vào Berkshire Hathaway là năm 1962 khi đây còn là một công ty dệt đang “hấp hối”. Nghĩ rằng có thể kiếm lời, ông đã mua vào cổ phiếu này.

Nhưng sau đó, công ty này tìm cách lừa thêm nhiều tiền từ Buffett. Thất vọng và cay đắng, ông quyết mua luôn cổ phần kiểm soát công ty, sa thải quản lý và cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh dệt trong 20 năm sau đó.

Buffett ước tính quyết định “trả thù” trên khiến ông tiêu tốn 200 tỷ USD. Bài học rút ra ở đây là không được để cảm xúc xen vào các quyết định tài chính.

2. Mua công ty dệt Waumbec

Dù thấy hối hận sau vì mua công ty dệt Berkshire Hathaway vào năm 1962, Buffett tiếp tục có quyết định tương tự 13 năm sau đó khi thâu tóm hãng dệt Waumbec Mills của Anh.

“Giá mua công ty này là món hời nếu xét về số tài sản chúng tôi nhận được cùng những hoạt động kết hợp tiềm năng với mảng kinh doanh dệt của Berkshire”, Buffett nói trong thư gửi cổ đông vào năm 2014.

Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng đây là một quyết định tồi tệ bởi nhà máy này đã phải đóng cửa không lâu sau khi được Berkshire mua lại vào năm 1975. Vì vậy, cần rút ra bài học từ các sai lầm trong quá khứ của mình, nếu quyết định ban đầu thất bại thì phải có ngay chiến lược mới.

3. Đầu tư vào Tesco

Tính tới cuối năm 2012, Berkshire Hathaway nắm giữ 415 triệu cổ phần của hãng bán lẻ thực phẩm Anh Tesco. Dù sau đó có bán một phần nhưng nhìn chung Berkshire Hathaway vẫn nắm giữ lượng cổ phiếu lớn của Tesco.

Năm 2014, việc “khai khống” lợi nhuận khiến cổ phiếu hãng bán lẻ này sụt mạnh. Trong lá thư gửi cổ đông năm 2014, Buffett cho biết quan ngại về hoạt động quản lý của Tesco đã khiến ông bán ra một lượng cổ phiếu này, thu về 43 triệu USD lợi nhuận. Tuy nhiên, không may là ông không kịp bán số cổ phần còn lại.

“Tôi cảm thấy xấu hổ vì đã không bán cổ phiếu Tesco sớm hơn. Tôi mắc sai lầm với khoản đầu tư này bởi sự chậm chạp, thiếu nhanh nhạy”, Buffett viết. Ông thừa nhận đã khiến công ty lỗ 444 triệu USD sau thuế. Bài học rút ra từ sai lầm này của Buffett là đưa ra quyết định kịp thời.

4. Mua hãng giày Dexter Shoe Co.

Năm 1993, Warren Buffett mua lại Dexter Shoe Co. với giá 433 triệu USD bằng cổ phiếu Berkshire Hathaway. Trong thư gửi cổ đông năm 2007, ông nói rằng đây là quyết định sai lầm, thừa nhận rằng đã làm tiêu tốn 3,5 tỷ USD của nhà đầu tư. Thời điểm 2007, con số này tương đương 1,6% tài sản của Berkshire Hathaway.

Năm 2001, các công ty sản xuất giày dép của Berkshire đều bị ảnh hưởng bởi tình trạng thua lỗ của Dexter. Phần lớn giày dép của Dexter được sản xuất tại Mỹ khiến cho sức cạnh tranh của nó kém đi bởi giá quá cao so với các sản phẩm khác được sản xuất ở nước ngoài với chi phí nhân công thấp.

“Đến nay, Dexter là thương vụ tồi tệ nhất tôi từng thực hiện”, Buffett viết. Quyết định sai lầm của Buffett cho thấy một bài học lớn rằng: Một công ty trong tình trạng tốt nhất là khi nó sở hữu lợi thế cạnh tranh có thể nhìn thấy được.

5. Dùng cổ phiếu Berkshire để mua Dexter Shoe Co.

Tiếp tục trong thư gửi cổ đông năm 2014, Buffett bày tỏ sự thất vọng khi trả 433 triệu USD để mua Dexter Shoe Co. Thay vì trả tiền mặt, ông đã dùng cổ phiếu Berkshire cho thương vụ này. Ông tiết lộ rằng số cổ phiếu đó trị giá 5,7 tỷ USD vào thời điểm năm 2014.

“Đây là một thảm họa tài chính và đáng được đưa vào kỷ lục thế giới Guinness”, Buffett viết.

Bài học rút ra từ sai lầm này của Buffett là đảm bảo rằng các nguồn lực đầu tư được phân bổ một cách hợp lý. Nếu danh mục của bạn đang hoạt động tốt, đừng rót tiền cho những cơ hội liều lĩnh, không chắc chắn.

6. Mua lại nợ của Energy Future Holdings

Trong tư gửi cổ đông năm 2013, Buffett nói về thất bại của mình với Energy Future Holdings. Số nợ của công ty này đã lên tới 8 tỷ USD và thậm chí còn vay mượn nhiều hơn.

“Berkshire đã mua lại khoảng 2 tỷ USD nợ của Energy Future Holdings, đây là quyết định tôi đưa ra mà không có sự cố vấn của Charlie Munger”, Buffett viết. Charles Munger là phó chủ tịch của Berkshire Hathaway.

Buffett đã đúng khi dự đoán rằng Energy Future Holdings sẽ phá sản. Ông cho biết Berkshire Hathaway đã bán số nợ trên của công ty này thu về 259 triệu USD vào năm 2013, sau khi lỗ 873 triệu USD trước thuế. Từ thất bại này của Buffett, các nhà đầu tư cần nhớ rằng luôn đưa ra các quyết định lớn cùng với cộng sự hoặc những người đáng tin tưởng.

7. Không mua đài truyền hình Dallas-Fort Worth NBC

Không phải tất cả sai lầm của Warren Buffett đều là những vụ đầu tư thua lỗ. Một trong những điều khiến ông hối tiếc là không mua lại đài truyền hình Dallas-Fort Worth NBC với giá 35 triệu USD.

Trong thư gửi cổ đông năm 2007, Buffett nói rằng ông đã bỏ qua cơ hội mua lại đài truyền hình này vào thời điểm ông mua See’s Candies năm 1972. Ông đã từ chối dù vô cùng tin tưởng người đưa ra lời mời mua lại, mà không biết rằng Dallas-Fort Worth NBC có tiềm năng tăng trưởng vô cùng lớn.

Nhắc lại cơ hội bị bỏ lỡ, Buffett chỉ ra rằng đài truyền hình này đạt lợi nhuận trước thuế 73 triệu USD vào năm 2016 và được định giá 800 triệu USD, ông nói trong thư.

8. Phát hành thêm cổ phiếu Berkshire Hathaway để mua General Reinsurance

Mua General Reinsurance (Gen Re) vào năm 1998 từ đầu đã không phải quyết định tốt nhất cho chiến lược đầu tư của Warren Buffett. Dù đã chuyển biến mọi thứ theo hướng tích cực, nhưng Buffett vẫn cảm thấy hối tiếc với thương vụ này.

“Sau vài vấn đề ban đầu, hoạt động bảo hiểm của General Re đã đi vào ổn định”, Buffett viết trong thư gửi cổ đông năm 2016. “Tuy nhiên, về phần mình, tôi đã có một sai lầm khủng khiếp khi phát hành thêm 272.000 cổ phiếu Berkshire để mua General Re – động thái làm tăng lượng cổ phiếu lưu thông của công ty thêm 21,8%. Sai lầm của tôi đã khiến các cổ đông phải bỏ ra nhiều hơn những gì họ thu về”, Buffett viết.

9. Mua lượng lớn cổ phiếu của ConocoPhillips

Trong thư gửi cổ đông năm 2008, Buffett viết: “Không có sự cố vấn từ Charlie hay bất kỳ ai khác, tôi đã mua một lượng lớn cổ phiếu ConocoPhillips khi giá dầu và khí gas gần đạt mức đỉnh. Tôi đã không lường trước được cú lao dốc khủng khiếp của giá đầu trong nửa cuối năm”.

Buffett đã chi hơn 7 tỷ USD để mua 85 triệu cổ phần ConocoPhillips nhưng theo như ông viết trong lá thư, giá trị vốn hóa của công ty này lúc đó chỉ là khoảng 4,4 tỷ USD.

Sai lầm này của Warren Buffett tiếp tục cho thấy bài học về tầm quan trọng của tìm tới tư vấn của những người đáng tin cậy trước khi thực hiện quyết định đầu tư lớn.

10. Không mua cổ phiếu Amazon

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 2/2017 với chương trình “Squawk Box” của CNBC, khi được hỏi vì sao chưa bao giờ mua cổ phiếu Amazon, Buffett thừa nhận rằng ông không có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi này.

“Tất nhiên là lẽ ra tôi nên mua cổ phiếu Amazon từ lâu bởi tôi ngưỡng mộ nó từ lâu”, ông nói. “Nhưng tôi đã không hiểu được mô hình của họ và giá cả dường như đã không phản ảnh được sức mạnh của mô hình này vào thời điểm đó. Vì vậy, tôi đã lỡ mất thời điểm”.

Warren Buffett không bao giờ đầu tư vào những công ty mà ông không hiểu rõ, kể cả công ty tốt lẫn xấu. Việc rót tiền vào một công ty mình còn “lơ mơ” không phải là quyết định đúng đắn, nhưng việc tránh xa nó cũng không phải là khôn ngoan. Do đó, hãy hợp tác với những người có thế mạnh khác với bạn để giúp bạn tránh bỏ lỡ những cơ hội tuyệt vời.

11. Mua cổ phiếu US Airways

US Airways không nằm trong số những cổ phiếu thất bại mà Buffett từng đầu tư, nhưng điều ông hối tiếc là đã chi 358 triệu USD để mua cổ phiếu ưu đãi của hãng US Airways vào năm 1989. Buffett nói rằng ông đã bị “đánh lừa” bởi lịch sử làm ăn có lãi lâu dài mà không xem xét kỹ cơ cấu định giá quá cao của hãng hàng không này.

Từ năm 1990 – 1994, US Airways phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh và lỗ 2,4 tỷ USD. Dù sau đó, khi hãng hàng không này phục hồi, Buffett đã nhanh chóng bán hết số cổ phiếu này nhưng ông thừa nhận rằng đã phân tích hoạt động kinh doanh của US Airways một cách thiển cận và đầy sai sót.

Bài học rút ra là dù là một nhà đầu tư mới hay đã lão luyện, luôn phải tìm hiểu thật kỹ trước khi xuống tiền đầu tư.

12. Bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào Google

Danh mục đầu tư của Warren Buffett không có cổ phiếu Google và đó là điều ông cảm thấy hối tiếc. Trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của Berkshire Hathaway, Buffett đã nói với các cổ đông rằng ông đã sai lầm khi không mua cổ phiếu của Google nhiều năm trước khi Google nhận được 10 USD mỗi nhấp chuột từ công ty con Geico của Berkshire.

Trước đây, Buffett từng tránh xa các cổ phiếu công nghệ bởi ông không hiểu rõ mô hình kinh doanh của họ. Ông thừa nhận rằng lẽ ra nên nhận ra tiềm năng của Google bởi ông là một khách hàng quảng cáo lớn của Google.

Giải quyết vấn đề cá nhân – bí quyết của các doanh nhân thành công

“Bạn có thể tạo ra các doanh nghiệp thành công chỉ với các giải pháp của riêng mình, hoặc khi bạn thường xuyên gặp một vấn đề và biết rằng nhiều người khác cũng như vậy. Nếu tin vào ý tưởng của mình, hãy hiện thực hóa nó, mở rộng giải pháp ra thành một doanh nghiệp và bạn có thể thay đổi cuộc sống của hàng triệu người”.

Giải quyết vấn đề cá nhân - bí quyết của các doanh nhân thành công

Đó là nhận định của Kara Goldin – nhà sáng lập, CEO Hãng nước giải khát Hint Water (chuyên cung cấp “nước tinh khiết trái cây”, không chứa đường hoặc chất làm ngọt nhân tạo) trong một bài viết trên Forbes.

Goldin dẫn chứng, năm 2009, khi Netflix vẫn còn là một dịch vụ cho thuê DVD qua thư tín, nhà đồng sáng lập Công ty là Reed Hastings đã kể với Fortune về cách ông nảy ra ý tưởng này. Theo đó, từng quên trả một chiếc DVD cho một trong những chuỗi cửa hàng cho thuê băng đĩa, khi đối diện với mức phí phạt 40 đô la, ông đã suy nghĩ lại về cách vận hành của toàn bộ ngành công nghiệp này.

Tuy nhiên, đây không phải là một câu chuyện có thật. 5 năm sau đó, khi trả lời phỏng vấn của Washington Post, Hastings và nhà đồng sáng lập Marc Randolph nói rằng, họ chỉ đơn giản nghĩ về việc trở thành “Amazon.com của một cái gì đó”. Thời điểm ấy, đĩa DVD đang phổ biến và chúng sẽ được đưa đến khách hàng dễ dàng hơn và với mức phí rẻ hơn thông qua email.

Reed Hastings - nhà đồng sáng lập, CEO Netflix. Nguồn: Getty Images

Reed Hastings – nhà đồng sáng lập, CEO Netflix. Nguồn: Getty Images

Nghĩa là, Hastings hiểu được sức mạnh của một câu chuyện hay, để “bán” tầm nhìn của công ty và biến nó trở nên khác biệt so với các đối thủ khác.

Theo Kara Goldin, ý tưởng về việc một doanh nhân tạo ra một công ty thành công nhờ giải quyết được một vấn đề cá nhân thường rất thuyết phục. Nó giúp mọi người hiểu vấn đề một cách dễ dàng hơn, đồng thời nhìn nhận giải pháp như một thứ gì đó mà họ đang cần. Mọi thứ lại càng hoàn hảo hơn khi câu chuyện đó có thật.

Spanx: Lấp đầy các khoảng trống

Khi Sara Blakely còn làm công việc cũ, đồng phục của công ty buộc bà phải mặc pantyhose (kiểu quần vớ ôm sát cơ thể từ chân đến thắt lưng). Không thoải mái với cảm giác nóng nực và ẩm ướt vì mồ hôi, bà cố gắng bằng mọi cách “giải thoát” cho đôi chân. Các “cuộc thử nghiệm” đó đã giúp bà cho ra đời một thiết kế mới về loại quần được bà gọi là Spanx.

Blakely - CEO

Sara Blakely – nhà sáng lập Hãng đồ lót Spanx. Nguồn: CNN

Blakely đã cho mẹ và bạn bè thử mặc các mẫu thiết kế đầu tiên. Thậm chí bà còn tự viết… bằng sáng chế cho mình sau khi mua một quyển sách về các quy định cấp bằng sáng chế ở một hiệu sách địa phương.

Thương hiệu Spanx giờ đây tạo ra doanh thu hàng trăm triệu USD mỗi năm và Blakely trở thành nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất nước Mỹ.

Slack: Thay đổi “cuộc chơi”

Dịch vụ chat nhóm Slack hiện là công cụ quan trọng cho một số lượng ngày càng lớn các doanh nghiệp trên khắp thế giới. Đây là một dịch vụ chat mới, được phát triển để giúp người dùng “quên đi việc giao tiếp bằng email hay bằng các phần mềm chat thông thường như Skype, Yahoo, iMessage…”. Ưu điểm của nó so với các phần mềm chat thông thường: thứ nhất là đa nền tảng (máy tính, hệ điều hành Android, iOS), thứ hai là có liên kết với các ứng dụng lưu trữ của những hãng khác như Dropbox, Google Drive, GitHub… để nhiều người dùng cùng theo dõi tiến độ công việc ngay trong cửa sổ chat của Slack.

Stewart Butterfield - CEO Hãng cung cấp dịch vụ chat Slack

Stewart Butterfield – CEO Hãng cung cấp dịch vụ chat Slack. Nguồn: The New York Times

Stewart Butterfield từng là CEO của Công ty trò chơi trực tuyến Tiny Speck. Trong lúc phát triển một game mới cho công ty có tên là Glitch, ông muốn cải thiện các vấn đề năng suất liên quan đến email. Vì thế, Tiny Speck đã tạo ra một dịch vụ nhắn tin nội bộ có khả năng thay thế hoàn toàn email trong suốt quá trình sản xuất game đó.

Tuy nhiên, game Glitch lại không thành công như mong đợi. Và trong lúc nghiên cứu về nguyên nhân thất bại của game này, Butterfield nhận ra họ đang có một giải pháp thử nghiệm sáng tạo cho một vấn đề chung. Công ty Tiny Speck rời khỏi thị trường game và trở thành dịch vụ chat Slack ngày nay.

Hint Water: Giải quyết một vấn đề thiết thực

Kara Goldin từng có kinh nghiệm tương tự khi cho ra đời công ty của mình: Hint Water. Bà bắt đầu tạo ra “nước uống trái cây tinh khiết” khi “không thể tìm thấy một loại thức uống thay thế cho các loại thức uống có đường được bày bán ngoài cửa hàng”. Khi ngày càng nhiều bạn bè ưa chuộng loại thức uống đặc biệt này, Goldin nhận ra cơ hội kinh doanh từ giải pháp cá nhân của mình.

Kara Goldin - CEO Công ty nước giải khát Hint Water

Kara Goldin – CEO Công ty nước giải khát Hint Water

Ritu Narayan đã phát triển ứng dụng chuyên chở và chăm sóc trẻ em Zum vì là một bà mẹ phải đi làm, bà cần tìm ra cách an toàn và tin cậy để đưa con cái đến các lớp học ngoài giờ và tham gia các hoạt động thể thao. Hiện tại, bà xem doanh nghiệp của mình như một phần của vấn đề rộng lớn hơn: các khó khăn phụ nữ phải đối mặt trong quá trình làm việc.

“Khi giải quyết một vấn đề thiết thực, bạn sẽ tìm thấy được thị trường. Vì nếu bạn đang gặp phải một vấn đề nào đó, có thể nhiều người khác cũng đang gặp phải nó. Quá nhiều các startup thất bại vì tạo ra sản phẩm đầu tiên, sau đó lại không tìm thấy đủ số lượng khách hàng. Khi giải quyết một vấn đề có ảnh hưởng đến nhiều người, rồi có thể bạn sẽ trở thành một phần của một cái gì đó lớn hơn. Chẳng hạn, thay thế nước uống có đường đã khiến tôi trở nên khỏe mạnh hơn. Và bây giờ, tầm nhìn của tôi là làm cho người Mỹ trở nên khỏe mạnh hơn”, Kara Goldin cho biết.

Lợi ích khi tuyển lại người cũ

Thật sự thì hiện tượng nhân viên quay lại công ty cũ đang trở nên bình thường và phổ biến hơn bao giờ hết.

Lợi ích khi tuyển lại người cũ

Hiện tượng nhân viên quay lại công ty cũ đang trở nên bình thường và phổ biến hơn bao giờ hết.

Chuyện người xưa trở về nhà cũ không phải là mới. Steve Jobs từng trở lại Apple. Không ít ngôi sao thể thao quay về và thăng hoa cùng câu lạc bộ cũ. Dù vậy, trong quá khứ, chính sách của các công ty không mặn mà với việc tuyển lại nhân viên cũ. Nhưng xu thế đang thay đổi trên thị trường lao động và các công ty hiện sẵn sàng chào đón người cũ quay lại hơn trước kia.

Ngày nay, chuyện nhân viên đổi việc xảy ra thường xuyên hơn và sự ra đi của một ai đó dường như không hẳn là sự phản bội mà là một lựa chọn thông minh để tìm kiếm trải nghiệm mới. Người trẻ hiện nay có thể nghỉ việc để khởi nghiệp, trải nghiệm lĩnh vực mới hoặc đi học lên cao. Nhưng không phải cánh đồng mới nào cũng xanh hơn.

Và khi họ muốn quay lại thì các công ty cũng có những lý do để chào đón họ.

Tiết kiệm tiền và thời gian, “người mới” nhập cuộc nhanh hơn

Một cựu nhân viên chỉ cần được cập nhật về những thay đổi ở công ty là có thể bắt nhịp và nhập cuộc. Trong trường hợp cần được đào tạo thêm thì “quá trình nhập môn” của họ sẽ đỡ mất thời gian và ít tốn kém hơn so với huấn luyện một nhân viên hoàn toàn mới. Họ có thể sớm tạo ra kết quả trong công việc và công ty sẽ giảm được “khoảng thời gian chờ” đối với một nhân viên mới.

Trong thị trường lao động cạnh tranh cao như hiện nay, việc tuyển dụng các ứng viên chất lượng cao đòi hỏi chi phí và tiêu tốn nhiều thời gian. Nhiều doanh nghiệp phải đầu tư chi phí đáng kể cho các đơn vị tuyển dụng chuyên nghiệp. Khi đưa một người cũ trở về, doanh nghiệp có thể bỏ qua quá trình tìm kiếm tốn kém này.

Loại bỏ “yếu tố ngạc nhiên”

Quá trình tuyển dụng và thuê nhân sự cũng thường là một “canh bạc” vì doanh nghiệp đang dựa vào ấn tượng từ những cuộc gặp nhanh chóng và năng lực mà ứng viên vẽ ra trong hồ sơ của họ. Nếu người tìm việc có được vài lời giới thiệu tốt thì việc tuyển dụng họ thường đến từ một quyết định bằng trực giác. Với người cũ, doanh nghiệp không cần phải phỏng đoán về họ và chờ xem liệu họ có phù hợp với văn hóa công ty hay không.

Dễ dàng “tái hòa nhập” với văn hóa công ty

Những ngóc ngách trong văn hóa công ty thường là trở ngại lớn nhất cho một nhân viên mới. Ngay cả khi người này có những kỹ năng và nền tảng phù hợp với công việc, nhưng nếu thiếu hòa hợp với văn hóa của nơi làm việc thì vẫn có thể gặp rắc rối và thất bại về sau. Nhưng nếu thuê lại nhân viên cũ, người trở lại đã biết rõ họ có thể mong đợi những gì từ tổ chức này và cả hai phía đều không phải lo lắng về sự va chạm văn hóa.

Bổ sung những kỹ năng mới cho công ty

Nhân viên quay lại có thể mang theo nhiều thứ, từ những kỹ năng mới trong ngành cho đến mạng lưới quan hệ đã được mở rộng hơn của họ.

Nâng cao tinh thần

Nếu doanh nghiệp tuyển dụng lại một nhân viên cũ từng được yêu mến và kính trọng trong thời gian trước khi rời khỏi công ty, điều đó có thể giúp nâng cao tinh thần làm việc. Tuy nhiên, nên nhớ rằng, dù hầu hết nhân viên đều vui vẻ đón chào sự trở lại của một đồng nghiệp cũ, nhưng người mới mà cũ này giờ đây có thể sẽ nắm giữ vị trí quản lý những người từng là đồng cấp với họ. Và điều này có thể sẽ gây xáo động với một vài người.

Củng cố lòng trung thành đối với công ty

Sự thiếu gắn kết và chủ động của nhân viên đối với vị trí hiện tại có thể dẫn đến tình trạng sụt giảm năng suất và gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Thủ phạm là do tinh thần thấp và thiếu sự trung thành đối với công ty. Việc thuê lại nhân viên cũ có thể giúp nâng cao lòng trung thành của mọi người đối với công ty, đặc biệt là khi “bắt” trở lại một nhân viên “ngôi sao”.

Không phải tất cả nhân viên cũ đều là sự chọn lựa tốt để tuyển lại. Nhưng với một số người, đặc biệt là những người từng ra đi để theo đuổi những mục tiêu nghề nghiệp khác – mở công ty riêng hoặc để học cao hơn, hay do một sự thay đổi về hoàn cảnh gia đình, thì việc tuyển dụng lại nên là cơ hội để ngỏ.

Vậy thì, lần tới, khi doanh nghiệp cần tìm một vị trí mới, đừng loại trừ khả năng tìm lại và đón chào người cũ.

Sát thủ công nghệ Trung Quốc: Pony Ma

Pony Ma – ông chủ Tencent hiện 46 tuổi, sở hữu 8,6% cổ phần của công ty. Tổng giá trị cổ phần nắm giữ ở công ty và khối tài sản cá nhân của ông đã tăng gần gấp đôi trong 1 năm qua.

Sát thủ công nghệ Trung Quốc: Pony Ma

Là người đàn ông giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản trị giá 42 tỷ USD, Ma Huteng đang điều hành đế chế kinh doanh trải rộng trong nhiều lĩnh vực từ mạng xã hội tới trí thông minh nhân tạo. Ngoài ra công ty của ông cũng đầu tư vào nhiều doanh nghiệp hot bậc nhất tại Mỹ như Snapchat và Tesla. Và thông tin mới nhất là gã khổng lồ công nghệ này thậm chí còn có vốn hóa thị trường vượt Facebook.

Pony-Ma-3-doanhnhansaigon-8520-151344624

Vậy Ma Huteng là ai?

Nhà sáng lập của Tencent – có biệt danh là “Pony” bởi Ma tức là Mã, trong tiếng Trung có nghĩa là ngựa. Pony trong tiếng Anh cũng có nghĩa là ngựa con.

Ma làm việc tại một doanh nghiệp viễn thông sau khi tốt nghiệp từ Đại học Thâm Quyến của Trung Quốc vào năm 1993 với bằng khoa học máy tính.

Tuy nhiên, 5 năm sau khi ra trường, ông thành lập nên Tencent và bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực nền tảng giao tiếp để sau này biến đây thành một công ty công nghệ khổng lồ.

Tencent đã phát triển được danh tiếng nhờ việc sớm sao chép những mô hình nước ngoài và áp dụng chúng tại thị trường Trung Quốc. Nền tảng tin nhắn trên máy tính cá nhân của họ là một ví dụ, sản phẩm này hoàn toàn giống với AOL.

Tuy nhiên, công ty internet này sau đó đạt được thành công vang dội nhờ WeChat – một dịch vụ tin nhắn di động hiện được sử dụng bởi 1 tỷ người, hơn 1/3 trong số đó dành tới hơn 4 giờ một ngày sử dụng dịch vụ này. Trong khi đó, trung bình một người trên thế giới dành ít hơn 1 giờ mỗi ngày sử dụng Facebook, Instagram, SnapChat và Twitter gộp lại. Hơn nữa, WeChat không chỉ là nền tảng tin nhắn. Đây là nơi chứa hệ sinh thái sản phẩm bao gồm cỗ máy tìm kiếm (search engine), mạng xã hội và nền tảng thanh toán.

Tencent cũng xây dựng một doanh nghiệp game khổng lồ – mảng kinh doanh tạo ra doanh thu 10 tỷ USD vào năm ngoái nhờ những tựa game hot như “Clash of Clans” hay “Honor of Kings”.

Công ty này cũng sở hữu 4 trong 5 tựa game được chơi nhiều nhất ở các quán cà phê Internet ở Trung Quốc trong năm 2011 và kiếm được khoản tiền khổng lồ nhờ những vật phẩm bán trong game. Công ty cũng sở hữu mạng xã hội phổ biến Qzone. “Tencent chính là người tiên phong khi kết hợp mạng xã hội và game”, theo nhà đầu tư người Nga là Yuri Milner.

Pony Ma hiện 46 tuổi, sở hữu 8,6% cổ phần của công ty. Tổng giá trị cổ phần nắm giữ ở công ty và khối tài sản cá nhân của ông đã tăng gần gấp đôi trong 1 năm qua.

Pony Ma sinh ra tại miền Nam Trung Quốc. Ông bước chân vào đại học Thâm Quyến năm 1989. Sau thời gian đó, Trung Quốc đã thay đổi, theo đuổi một nền kinh tế theo kiểu tư bản. Trong bối cảnh đó Pony Ma đã chọn ngành khoa học máy tính.

Người khai sinh ra mạng xã hội

Sau khi tốt nghiệp, Ma làm việc tại một công ty viễn thông. Sớm thấy trước cơ hội của nền kinh tế Trung Quốc, ông và một vài người bạn nữa đã sáng lập ra Tencent năm 1998 với một sản phẩn nhắn tin trên máy tính có tên gọi OICQ. Công nghệ này gần như giống hệt với công nghệ của công ty máy tính ICQ của Israel và vì vậy Tencent đổi tên sản phẩm của mình thành QQ.

QQ đã nhanh chóng trở thành cú “hit” lớn với giới trẻ Trung Quốc, những người luôn mong muốn được tương tác và liên lạc với nhau. Một nhà đầu tư ngân hàng có nhiều năm hợp tác với công ty đã phát biểu: “Trước khi Facebook ra đời rất lâu, Tencent đã cơ bản tạo ra toàn bộ những gì liên quan đến mạng xã hội”.

Một doanh nhân họ Ma hoàn toàn khác

Năm ngoái, Pony Ma đã cam kết tặng 2 tỷ USD cho rất nhiều tổ chức từ thiện tại Trung Quốc nhằm cải thiện sức khỏe và giáo dục cho người dân.

Hình ảnh của Pony Ma được cho là hoàn toàn đối lập với hình tượng Jack Ma của Alibaba.

Pony-Ma-2-doanhnhansaigon-8564-151344624

Dù không có mối liên hệ nào nhưng cả 2 người đàn ông họ Ma đều nhiều năm liền có mặt trong bảng xếp hạng những người giàu có nhất thế giới.

Điểm khác biệt duy nhất là nếu như Jack Ma thường xuyên xuất hiện trên truyền thông thì Pony Ma lại khá kín đáo. Các đồng nghiệp và bạn bè nói rằng anh là một doanh nhân người Thâm Quyến điển hình: Rụt rè và thận trọng!

Thứ 3 vừa qua khi công ty chính thức vượt Facebook về vốn hóa thị trường, Tencent cũng đánh bại cả Alibaba trở thành công ty Trung Quốc đầu tiên vượt mốc vốn hóa thị trường 500 tỷ USD.

Kinh nghiệm khởi nghiệp: Nghĩ lớn, bắt đầu nhỏ

Nghĩ lớn, hướng về tương lai, theo đuổi đến cùng mục tiêu lớn, bắt đầu từ việc nhỏ, tập trung vào kết quả hiện tại là một công thức quan trọng để biến giấc mơ thành sự thật.

Kinh nghiệm khởi nghiệp: Nghĩ lớn, bắt đầu nhỏ

Nhiều bạn trẻ khi khởi nghiệp rất băn khoăn với câu hỏi “Mình sẽ phải bắt đầu như thế nào?”.

Năm 2004 tôi khởi nghiệp bằng cách mở một công ty phân phối. Sau 2 năm hoạt động, doanh số công ty ổn định tầm 2 tỷ đồng/tháng. Nhân sự của công ty chủ yếu là tuyển mới và tự tay đào tạo, riêng có một trường hợp một nhân viên là “bà con” của tôi. Cậu này rất thông minh nên tôi đã “quy hoạch” và “nuôi” từ lúc cậu còn là sinh viên đại học kinh tế. Sau khi ra trường, cậu về làm với tôi, nhưng chỉ sau 1 năm là cậu đã nói lời chia tay với công ty.

Lúc đó tôi buồn ghê gớm, vì mình đã dày công đào tạo,  cuối cùng không giữ được người giỏi. Cậu ấy sau khi về Sài Gòn 2 năm đã trở thành trưởng phòng tín dụng của một ngân hàng tên tuổi. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy lúc đó mình phải vui mới đúng, chứ nếu cậu ấy tiếp tục làm với tôi thì bước đường tới thành công của cậu hẳn đã bị chậm lại, vì công ty này đã phải đóng cửa sau 6 năm hoạt động. Nếu có tồn tại thì công ty cũng chỉ là nhà phân phối cấp tỉnh và chẳng có gì nổi bật.

Tôi nghiệm ra rằng, để xây dựng một công ty lớn, có nhiều nhân tài giỏi thì phải nghĩ lớn. Nghĩ lớn thì mới có sự chuẩn bị chu đáo, nghĩ lớn thì mới thu hút và giữ được nhân tài, vì không người giỏi nào lại muốn “chôn vùi” cuộc đời mình vào một công ty bé tẻo teo.

Một lãnh đạo không có tầm nhìn, không có quyết tâm gây nghiệp lớn hoặc bằng lòng với thành tích của chính mình thì không thể đưa công ty vươn đến một tầm cao. Lãnh đạo phải là người phải có khí phách của bậc “trượng phu” – dám nghĩ dám làm, không quan trọng danh lợi cá nhân, sống một cuộc đời cống hiến, không tự giới hạn mình bằng những mục tiêu tầm thường.

Elon musk đã trở nên vĩ đại là vì như thế. Ông đã mang hết tài sản và dành thời gian còn lại của cuộc đời để hiến dâng làm thay đổi tương lai nhân loại và ông đã tập hợp được một tập thể những con người tài năng và khí phách, làm việc không biết mệt mỏi vì mục tiêu “để đời”.

Tôi đã nghiệm ra rằng hồi đó mình thất bại cũng vì đặt ra mục tiêu quá tầm thường, quá nhỏ nhoi nên không thể tập hợp được tài năng. Khi tôi đã sẵn sàng cho một “sân chơi” lớn, những nhân tài tự nhiên xuất hiện và đồng hành cùng với tôi.

Nhưng nghĩ lớn không hẳn là phải là vay tiền thật nhiều để làm lớn. Nghĩ lớn là phải có kế hoạch và lộ trình hẳn hoi, bắt đầu từ việc nhỏ là xây dựng công ty thật bài bản, chú trọng vào việc đào tạo con người và lực lượng kế cận. Lãnh đạo phải là người luôn học hỏi, bổ sung kiến thức và kỹ năng, rèn luyện bản thân để có nhân cách và suy nghĩ lớn.

Người lãnh đạo cũng phải biết chia sẻ cổ phần và quyền lợi để mọi nhân viên đều thấy mình có trách nhiệm của người chủ và xem công việc của công ty là việc của chính mình; xây dựng một môi trường lành mạnh, đoàn kết để mọi người cảm thấy hạnh phúc và cống hiến hết mình.

Nghĩ lớn, hướng về tương lai, theo đuổi đến cùng mục tiêu lớn, bắt đầu từ việc nhỏ, tập trung vào kết quả hiện tại là một công thức quan trọng để biến giấc mơ thành sự thật.