Monthly Archives: October 2018

Nhà cung cấp cho Apple muốn chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang khiến nhiều nhà cung cấp cho Apple cân nhắc chuyển đi để né thuế.

GoerTek (Trung Quốc) – hãng lắp ráp tai nghe AirPods đã thông báo với các nhà cung cấp về dự định chuyển sản xuất tai nghe không dây sang Việt Nam, Nikkei cho biết. GoerTek đã đề nghị các nhà cung cấp trong dây chuyền sản xuất AirPods trong tuần trước xác nhận có thể chuyển trực tiếp toàn bộ nguyên vật liệu và linh kiện sang Việt Nam hay không.

Dù vậy, đây chưa phải quyết định cuối cùng, do họ cần bàn bạc thêm với Apple. Táo Khuyết đã được thông báo về kế hoạch này. GoerTek hy vọng tất cả nhà cung cấp của họ có thể đảm bảo giá và việc giao hàng như trong hợp đồng.

Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc ngày càng trầm trọng, đẩy Apple và các hãng cung cấp vào thế khó. Tổng thống Mỹ – Donald Trump thường xuyên thúc giục hãng này chuyển sản xuất về Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ là trung tâm sản xuất quan trọng nhất, mà còn là thị trường lớn của Apple, đóng góp 20% doanh thu hàng năm cho công ty này. Vì vậy, việc rời đi sẽ khiến Apple gặp rắc rối lớn.

“Apple là mục tiêu rõ ràng nhất, nếu Trung Quốc muốn trả đũa các công ty Mỹ”, James Wei – nhà phân tích tại Yuanta Investment Consulting nhận xét, “Apple và các nhà cung cấp chính của họ sẽ đối mặt với nhiều rủi ro chính trị khi cuộc chiến tiếp tục nóng lên”.

Tai nghe AirPods của Apple sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh: Apple.

AirPods, Apple Watch và HomePed của Apple ban đầu nằm trong danh sách 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc bị đánh thuế nhập khẩu khi vào Mỹ từ cuối tháng 9. Tuy nhiên, các sản phẩm này đã được loại ra vào phút chót. Nhiều nguồn tin trong ngành cho biết các nhà cung cấp vẫn lo sợ bị áp thuế, khi Tổng thống Mỹ – Donald Trump dọa đánh thuế thêm 267 tỷ USD hàng Trung Quốc.

Cheng Uei – hãng cung cấp sạc và cáp sạc cho iPhone cùng nhiều smartphone chạy Android cũng cho biết đang cân nhắc chuyển sản xuất về Đài Loan (Trung Quốc) và Đông Nam Á, do căng thẳng Mỹ – Trung. “Chúng tôi đang nghĩ đến việc tăng sản xuất tại nhà máy ở Đài Loan. Việc này sẽ không mất nhiều thời gian đâu. Chúng tôi có thể thực hiện trong một hoặc hai tháng”, Chủ tịch công ty – T.C. Gou cho biết trên Nikkei.

Dù vậy, ông cũng thừa nhận rời Trung Quốc không dễ, do dây chuyền sản xuất ở đây đã tồn tại hàng thập kỷ. Chính quyền địa phương cũng có nhiều chính sách ưu đãi nhằm giữ chân các công ty. Cheng Uei sẽ ra quyết định cuối cùng khi biết chắc chắn ông Trump có thực hiện lời đe dọa trên hay không.

Pegatron – hãng lắp ráp iPhone lớn nhì cho Apple, sau Foxconn cũng đang cân nhắc các địa điểm tại Đài Loan để xây nhà máy mới. Cơ sở này sẽ sản xuất các sản phẩm không thuộc Apple để bù đắp chi phí tăng do chiến tranh thương mại, Nikkei trích lời một nguồn tin thân cận cho biết.

Chi hàng tỷ USD làm dự án, đại gia Việt giàu ra sao so với khu vực?

Người giàu nhất Việt Nam chỉ đứng thứ 11 tại Đông Nam Á. Tổng khối tài sản của các tỷ phú Việt nhỏ hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực, kém 5-8 lần.

Gần đây các doanh nghiệp Việt được truyền thông quốc tế nhắc tới rất nhiều với những dự án tỷ USD đầy tham vọng như sản xuất xe hơi của VinFast, hàng không của Bamboo Airways hay dự án thép Dung Quất của Hòa Phát… Gây được tiếng vang lớn với quốc tế, sở hữu khối tài sản nhiều tỷ USD nhưng so với các tỷ phú khác trong khu vực Đông Nam Á khối tài sản của những đại gia người Việt vẫn còn rất khiêm tốn.

Người giàu nhất chưa lọt vào top 10 Đông Nam Á

Ông Phạm Nhật Vượng hiện là đại gia giàu nhất Việt Nam sở hữu khối tài sản ròng lên tới 6,4 tỷ USD, theo xếp hạng của Forbes.

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, khối tài sản của vị đại gia này đã tăng hơn 4 tỷ USD và là người có tốc độ gia tăng tài sản ròng nhanh nhất Đông Nam Á trong vòng một năm qua. Trong khi đó, tài sản các tỷ phú của quốc gia khác không tăng nhiều, thậm chí còn giảm mạnh so với một năm trước như trường hợp của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi (Thái Lan) và Henry Sy (Philippines) cùng mất tới 3,5 tỷ USD.

Là người giàu nhất Việt Nam, nhưng chỉ tính tại Đông Nam Á, ông Vượng vẫn chưa thể gia nhập top 10 người giàu nhất khu vực. Với khối tài sản 6,4 tỷ USD, ông xếp thứ 11 trong danh sách tỷ phú USD Đông Nam Á, cùng vị trí với 2 người khác là ông The Hong Piow (Malaysia) và ông Wee Cho Yaw (Singapore). Đây là 2 đại gia có tiếng trong lĩnh vực tài chính không chỉ tại quốc gia họ mà trên thế giới. Trong khi ông The Hong Piow là Chủ tịch và cổ đông lớn sở hữu gần 1/4 vốn của Malaysia Public Bank thì ông Wee Cho Yaw cũng là Chủ tịch của United Overseas Bank, ngân hàng cho vay lớn thứ 3 tại Singapore hiện nay.

Xếp trên ông Vượng là hàng loạt đại gia có tiếng khác như Chủ tịch tập đoàn nông nghiệp lớn nhất Thái Lan và nổi tiếng tại Việt Nam C.P Group, ông Dhanin Chearavanont với 14,5 tỷ USD tài sản; ông chủ mới của Bia Sài Gòn – tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi = với hơn 14,1 tỷ USD; hay anh em nhà Robert và Philip Ng với “đế chế” bất động sản Far East Organization nổi tiếng của Singapore…

Chưa thể gia nhập top 10 người giàu nhất tại Đông Nam Á, nhưng so với đầu năm ông Vượng đã tiến thêm tới 9 bậc trong danh sách các tỷ phú Đông Nam Á với khối tài sản ra tăng hơn 2,3 tỷ USD từ đầu năm đến nay.

Thậm chí, nếu so trong danh sách tỷ phú thế giới, chỉ trong chưa tới 1 năm, ông Vượng đã tiến thêm 257 bậc trên bảng xếp hạng, hiện đứng thứ 242 thế giới.

Tài sản tỷ phú Việt chỉ bằng 1/8 Thái Lan

Trong khi đó, các tỷ phú khác của Việt Nam hiện cũng xếp ở vị trí thấp trong danh sách người giàu Đông Nam Á. Đơn cử, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air (VJC), hiện sở hữu 2,8 tỷ USD và xếp thứ 812 thế giới. So với đầu năm, khối tài sản của bà đã giảm hơn 300 triệu USD. Nguyên nhân lớn nhất của việc sụt giảm này đến từ việc cổ phiếu VJC đã giảm mạnh từ mức đỉnh hồi đầu năm. Tại Đông Nam Á, bà Thảo hiện xếp thứ 33.

Khối tài sản ròng hiện tại của 4 tỷ phú USD Việt Nam.

Hai tỷ phú mới được Forbes đưa vào danh sách hồi đầu năm là ông Trần Bá Dương và Trần Đình Long đang sở hữu lần lượt 1,7 tỷ USD và 1,2 tỷ USD tài sản ròng, không thay đổi nhiều so với giai đoạn đầu năm. Hai đại gia trong lĩnh vực công nghiệp nặng của Việt Nam đứng lần lượt thứ 63 và 84 trong khu vực.

Hiện tại, trong 6 quốc gia Đông Nam Á có tỷ phú USD trong danh sách của Forbes, Việt Nam là nước có ít tỷ phú nhất với chỉ 4 cái tên. Trong khi con số bên phía Malaysia và Philippines là 13; Indonesia là 14; Singapore là 21 và Thái Lan nhiều nhất với 32 cái tên trong danh sách này.

Tổng tài sản của 4 tỷ phú Việt Nam hiện cũng thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác với chỉ 12,1 tỷ USD. Số này đã tăng gần 2 tỷ USD so với đầu năm, nhưng so với các quốc gia khác trong khu vực, khối tài sản này vẫn kém 5-6 lần so với Indonesia và Malaysia, thậm chí kém Singapore và Thái Lan tới 7-8 lần.

Hiện Thái Lan vẫn đứng đầu khu vực về số lượng tỷ phú cũng như tổng tài sản các tỷ phú được xếp hạng với hơn 92,6 tỷ USD. Trong khi tỷ phú giàu nhất Đông Nam Á hiện nay là ông Henry Sy người Philippines với khối tài sản 16,5 tỷ USD.

Câu chuyện Vinfast: Từ tốt đến vĩ đại…

“Vinfast” và “tự hào” là hai từ khóa nổi bật trên truyền thông nước nhà trong những ngày qua, nhân sự kiện ra mắt hai mẫu xe đầu tiên của nhà sản xuất ô tô thuộc Vingroup.

Một chiến dịch truyền thông bài bản ở mức tốt đã thu hút được sự chú ý của mọi tầng lớp công chúng, nhưng để trở thành “vĩ đại”, thương hiệu xe nội địa này cần phải chứng minh được sự đúng đắn trong chiến lược đầu tư của mình bằng độ dài danh sách đơn đặt hàng từ tháng quý 3 năm 2019.

Bước khởi đầu tưng bừng

Kỷ lục hơn một triệu người xem livestream về sự kiện là một con số mơ ước với nhiều thương hiệu trên thế giới, không chỉ riêng ở Việt Nam. Các thống kê về số lượng bài báo quốc tế và Việt Nam, lượt nhắc đến trong các cuộc thảo luận trên mạng xã hội về sự kiện ra mắt Vinfast chắc chắn đã xô đổ mọi kỷ lục “talking about” trước đó.

Việc chọn địa điểm ra mắt xe ở một triển lãm ngành danh tiếng như Paris Motor Show để làm điểm ánh xạ thông tin là một quyết định chiến lược tốt. Lượng thông tin bài vở từ nước ngoài truyền về và qua con mắt của nhà báo quốc tế sẽ tạo được sự chú ý đặc biệt và lòng tin của công chúng.

Vinfast đã có được một chiến dịch truyền thông bài bản ở mức tốt. Nhưng… Ảnh: VinFast.

Kế hoạch truyền thông cũng được triển khai tốt khi cân bằng được 3 kênh truyền thông chính: truyền thông tự có (website, fanpage, hệ sinh thái truyền thông tập đoàn, cán bộ nhân viên), truyền thông trả tiền (trong và ngoài nước, truyền hình trực tiếp trên các kênh lớn), truyền thông tự lan tỏa (người đến dự triển lãm, người quan tâm, người trong giới và cư dân mạng nói chung).

Có thể nhìn thấy một sự cân bằng giữa truyền thông chính thống (báo hình, báo tiếng, báo mạng, báo in) với truyền thông mạng xã hội (người có ảnh hưởng chuyên môn, người nổi tiếng, facebook, zalo,…).

Chọn danh thủ David Beckham và hoa hậu vừa lên ngôi Trần Tiểu Vy cũng cho thấy sự nhanh nhạy và nắm bắt tâm lý thị trường tốt của những người triển khai chiến dịch.

Sự hiện diện của các diễn viên múa với tre cũng thu hút được sự chú ý đặc biệt của cánh báo chí quốc tế. Chiến thuật dùng sự kiện (event) để tạo thảo luận, tạo danh tiếng và khởi đầu xây dựng hình ảnh và định vị thương hiệu cũng tỏ ra có hiệu quả trong giai đoạn thu hút sự chú ý của thương hiệu (mô hình AIDA truyền thống).

Bước khởi đầu tưng bừng của Vinfast.

Chất Việt trong thương hiệu Vinfast là gì?

Danh họa Picasso đã từng nói “good artists copy, great artists steal” – Nghệ sỹ giỏi thì sao chép, nghệ sỹ thiên tài thì đi thó. Ông này đã “thó” cách tả mặt người qua những khối lập phương theo kiểu mặt nạ châu Phi và sáng lập ra trường phái lập thể. Thiên tài Steve Jobs của Apple đã “thó” sự phù phiếm nhưng cuốn hút của thời trang, sự tiện lợi và di động mọi nơi mọi lúc của Sony Walkman và sự toàn năng của máy tính cá nhân để “nén” vào chiếc Iphone. Thành công không phải lúc nào cũng cần đến từ sự sáng tạo mà còn đến từ sự tỉ mẩn và nghiêm cẩn trong sao chép.

Trên thế giới, doanh nhân Lee Kun Hee của Samsung đã tham khảo mô hình của 12 tập đoàn lớn trên thế giới để học theo và đưa cái tinh túy vào áp dụng ở tập đoàn mình vào thời điểm ông tiếp quản từ cha. Hàn Quốc học cách làm phim và pop music từ Mỹ, sự nghiêm cẩn và khắc nghiệt của showbiz Nhật và sự bảo hộ sản phẩm văn hóa nội địa từ người Pháp để làm nên những siêu phẩm Kpop Kmovie như ngày nay. Ngay cả nền công nghiệp ô tô của các nước châu Á cũng không phải được sáng tạo từ hư vô. Picasso từng nói hãy copy, copy, copy mãi, đến bao giờ copy hỏng, thì bạn tạo ra cái gì đó của riêng mình.

Theo quan điểm xây dựng thương hiệu hiện đại, ngoài các yếu tố về chức năng cơ bản của sản phẩm (như ô tô là để đi, ô tô thì phải an toàn,…) thì thương hiệu là giá trị mang lại cho khách hàng, gần với hình ảnh của khách hàng mong muốn thể hiện với xã hội và gần với giá trị mà chính khách hàng tin tưởng vào. Do đó, các bộ phận của một sản phẩm đến từ đâu không còn giữ yếu tố quan trọng nữa.

Chất Mỹ trong điện thoại Iphone là thiết kế, là chất lượng của hệ điều hành, là dòng chữ designed in California chứ không nhất thiết là mặt kính, viền vỏ hay chất liệu phải do người Mỹ làm. Đi trên một chiếc cầu trên đất Việt Nam, người ta không đặt câu hỏi thép đến từ đâu hay xi măng đến từ nước nào, mà vẫn gọi đó là cây cầu của Việt Nam.

Chất Việt Nam đến từ nhà đầu tư, từ tầm nhìn, từ cam kết chất lượng mang lại và giá trị mang đến cho khách hàng.

Có thể nói Vinfast đã sáng suốt khi đưa ra một trong các thông điệp lần này là Tự hào Việt Nam. Đây là câu trả lời cho giấc mơ xe của người Việt. Ba mươi năm sau mở cửa, thế hệ doanh nhân Việt đời đầu đã có người dám chơi một ván cờ lớn như vậy trên thị trường quốc tế.

Con đường đến vĩ đại

Tuy nhiên, khoảng cách từ Tốt đến Vĩ đại là một thử thách mà thương hiệu non trẻ này phải đối mặt. Lòng tự hào, sự chia sẻ, đồng cảm của cộng đồng không đồng nghĩa với hành động rút hầu bao của người mua thực sự. Ngoài hình ảnh chiếc xe mẫu, người mua cần biết chất lượng vận hành, hệ thống bảo hành, bảo hiểm, sửa chữa, thay thế, thị trường phái sinh sẽ hoạt động như thế nào.

Ngoài ý nghĩa một phương tiện đi lại, chiếc ô tô còn là vật đánh dấu địa vị trong xã hội của chủ nhân chiếc xe, một phương tiện kiếm sống, một thương vụ đầu tư. Đây chính là những câu hỏi cần có câu trả lời qua truyền thông trong thời gian tới.

Chiến dịch truyền thông hiện tại đang khuyết đi một yếu tố quan trọng đó là một tagline định vị cho toàn bộ thương hiệu. Thông điệp dễ nhớ hiện nay đang là: Thương hiệu Việt, công nghệ Đức, thiết kế Ý, giá Nhật hay giá Việt thì còn là một ẩn số.

Sau màn ra mắt tưng bừng, câu chuyện thành công của Vinfast vẫn ở thì tương lai… Ảnh: Internet.

Câu hỏi lớn trong thời gian tới chính là làm thế nào để “thổi hồn” cho thương hiệu này.

Câu hỏi thứ hai chính là bài toán về định vị phân khúc. Vinfast sẽ bán xe bình dân với chất lượng vượt trội để đáp ứng nhu cầu của lớp trung lưu đang ngày càng đông đảo và giải bài toán về giá bán và thói quen của khách hàng. Hay Vinfast sẽ bán xe cao cấp dành cho tầng lớp trên và giải bài toán về đẳng cấp, hình ảnh thương hiệu và đối mặt với những người đang bán công nghệ cho chính mình?

Câu hỏi thứ ba là Vinfast sẽ vận hành tuyến tính như các nhà sản xuất hiện nay khi chạy theo quỹ đạo cổ điển là sản xuất – bán – sản xuất hay sẽ tạo ra một platformgiá trị để cùng thịnh vượng theo nguyên tắc của nền kinh tế chia sẻ, dựa trên hệ sinh thái của mình, cái mà các đối thủ không thể nào có được (?).

Hy vọng sẽ có một thương hiệu Việt đủ mạnh để cạnh tranh với các thương hiệu lớn của thế giới. Hy vọng thương hiệu mới này của Vingroup cũng sẽ tạo ra một cú hích mạnh cho thị trường ô tô xe máy và để làm ra một niềm tự hào mới thực sự cho Việt Nam.

Nguyễn Đình Thành

Các cấp độ làm thương hiệu

Thương hiệu phải bắt nguồn từ sản phẩm. Một sản phẩm tốt là nền tảng quan trọng nhất để đầu tư ngân sách & trí tuệ cho xây dựng thương hiệu.

Trước đây, ba mẹ em có kinh doanh 1 quán chè. Đúng nghĩa bán chè để kiếm sống vì sự tiện lợi, cái gì cũng bán hòng khách đến tiện gì ăn nấy, lúc ấy khách chủ yếu là khách lâu năm (quán chè có từ 1987), nhưng ngày càng ít dần, hoàn toàn ko có giới trẻ đến ăn.

Khi em về và quyết định cải tổ lại quán chè, em bắt đầu định hướng làm thương hiệu với tên tuổi rõ ràng, concept rõ ràng, có thiết kế có nội dung, các món được tập trung, bỏ bớt các món không đem lại doanh thu cao.

Doanh thu tăng gấp đôi và khách hàng mới xuất hiện nhiều hơn, khách hàng là giới trẻ đến cũng nhiều. Đấy, thực tế nhà em cho thấy, dù là 1 cửa hàng thức ăn vỉa hè hay đường phố nếu làm thương hiệu vẫn hơn ạ. Khi đã có thương hiệu rồi thì Ít nhất khi bị thay đổi địa điểm sẽ vẫn giữ được lượng khách hàng cũ của mình.

Đào Trang
Sài Gòn, 2018

Câu chuyện trên phản ánh một góc của thực trạng “làm thương hiệu” của các doanh nghiệp. Sau gần 10 năm với nghề chuyên sâu tư vấn Chiến lược thương hiệu & nhận diện thương hiệu (đặt tên thương hiệu, viết slogan, thiết kế logo), tôi xin trình bày quan điểm cá nhân về đề tài này như sau.

Thương hiệu phải bắt nguồn từ sản phẩm. Một sản phẩm tốt là nền tảng quan trọng nhất để đầu tư ngân sách & trí tuệ cho xây dựng thương hiệu. Bất cứ ngành nghề nào, quy mô nào & hình thức khởi nghiệp nào, sản phẩm luôn là đầu câu chuyện. Truyền thông quảng cáo hay đến mấy cũng không thể thay thế cho một sản phẩm tồi. Tôi chưa bao giờ thay đổi quan điểm này.

Tuy nhiên một sản phẩm tốt không phải khi nào cũng có được thương hiệu tốt. Nguyên lý brand is perceived by customers – thương hiệu được cảm nhận bởi khách hàng sẽ không bao giờ thay đổi, cho dù thế giới chuyển từ cách mạng 1.0, 4.0 hay n.0.

Ba cấp độ làm thương hiệu sau đây sẽ mang lại các hiệu quả hình ảnh thương hiệu, theo đó là giá trị thương hiệu khác nhau. Một lưu ý quan trọng rằng các doanh nghiệp đạt ba cấp độ này đều có mẫu số chung là đều có chất lượng sản phẩm tốt. Nhưng chi phí & mức độ lan toả thương hiệu của họ khác nhau do cách làm và điểm xuất phát khác nhau.

Cấp độ 1

Chỉ lo sản xuất ra sản phẩm thật tốt & danh tiếng đến từ hữu xạ tự nhiên hương. Nguồn lực tài chính, con người tập trung vào sản phẩm, không quan tâm điều gì khác.

Ta mở quán chè. Cốc chè của ta phải ngon hơn, khác lạ hơn, độc đáo về hương vị hơn quán đầu ngõ. Nếu không, ta chỉ bán được cho mấy nhà hàng xóm bên cạnh là cùng.

Khi sản phẩm đã tốt, khách hàng cũ chính là những marketers hiệu quả nhất để lan toả tên tuổi. Trong trường hợp này, chất lượng sản phẩm tốt chính là một cách “làm thương hiệu” rất hữu hiệu. Khi cạnh tranh chưa căng thẳng, thị trường đang mới, khách hàng chưa nhiều lựa chọn thì doanh nghiệp sống khoẻ dù chẳng đầu tư quảng cáo truyền thông.

Vấn đề gặp phải của nhóm này đa số giống nhau một điểm như sau.

Bị đối thủ vượt lên chỉ vì tụt hậu về hoạt động marketing. Điều đáng nói là đối thủ có thể không hơn về sản phẩm, chỉ hơn về cách thức quảng bá về sản phẩm. Tôi xin lấy ví dụ về dự án tư vấn cho một doanh nghiệp Việt khá lâu năm trong ngành sản xuất sơn gia dụng. Ông chủ tịch đã ngậm ngùi nói rằng tuy chất lượng sơn của ông không hề thua kém so với các nhãn sơn nước ngoài như Nippon, Dulux hay My Kolor, nhưng giá luôn thua thiệt vì họ làm quảng cáo hấp dẫn hơn. Các đại lý sơn nói với ông rằng người tiêu dùng quan niệm chất lượng sơn tốt xấu cảm tính lắm, họ không phải là những chuyên gia thẩm định.

Đến sản phẩm mang đậm tính chất kỹ thuật như sơn còn như vậy, chúng ta sẽ hình dung được sản phẩm như chai nước khoáng, lon nước ngọt… vốn na ná nhau về chất lượng sẽ bị chi phối về marketing như thế nào. Marketing vốn là cuộc chiến về cảm nhận.

Truyền miệng không thể một mình thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ truyền tải thông điệp của Starbucks được nữa. Chừng nào chúng tôi không nói rõ mình đại diện cho cái gì, sẽ còn chỗ cho những hoài nghi (CEO của Starbucks).

Cấp độ 2

Làm thương hiệu chất thực sự, nhưng kinh doanh đi trước, thương hiệu theo sau; không chạy song mã từ đầu.

Các doanh nghiệp này tập trung vào kinh doanh một thời gian dài, sau khi thành công rồi mới quay lại chuẩn hoá về thương hiệu.

“Khi em về và quyết định cải tổ lại quán chè, em bắt đầu định hướng làm thương hiệu với tên tuổi rõ ràng, concept rõ ràng, có thiết kế có nội dung, các món được tập trung, bỏ bớt các món không đem lại doanh thu cao”.

Có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn hơn nhiều cũng làm tương tự thế này. Làm, sai, điều chỉnh. Tái cấu trúc cơ cấu sản phẩm, ưu tiên nhóm khách hàng mục tiêu. Thu hẹp để mở rộng. Tôi hay gặp và nghe anh chị doanh nghiệp tâm sự: tôi chẳng biết gì về thương hiệu đâu, cứ thay đổi tốt hơn để bán nhiều hàng hơn thôi.

Thực ra họ đang branding khá bền vững – thương hiệu lấy nền tảng kinh doanh làm lõi. Tập trung ưu tiên nhóm khách hàng mục tiêu với nhóm sản phẩm chiến lược. Các chuyên gia Tây ta gọi đó là Brand positioning – định vị thương hiệu.

Khách hàng của RMA là nhóm doanh nghiệp này khá đông: FPT, Sunhouse, Nguyễn Kim, Minh Long, Kids Plaza, Red Sun, Vodka Men, La Siesta, Thaco Trường Hải… đều là những doanh nghiệp chuyên nghiệp, chỉn chu sản phẩm và các founders có tiếng về tâm huyết và tài năng.

Cấp độ 3

Làm chuẩn từ gốc & biết rõ mục đích, phương pháp ngay từ khi khởi nghiệp.

Chủ doanh nghiệp có chiến lược định vị thương hiệu rõ ràng, chuẩn quốc tế (tạm gọi như vậy khi các phương pháp áp dụng giống với đa số các thương hiệu ở Mỹ, Âu áp dụng). Áp dụng ngay từ đầu song song cùng lúc triển khai chiến lược kinh doanh; các mục tiêu và công cụ của thương hiệu bám rễ vào mục tiêu kinh doanh, góp phần hiện thực hoá các mục tiêu này. Các kế hoạch tiếp thị mang tính tác nghiệp (quảng cáo, Pr, content, event, digital performance) đều bám chặt vào big idea (ý tưởng lớn) chiến lược định vị thương hiệu đã chỉ ra trước đó.

Cách làm này có mấy ưu điểm rõ ràng sau:

  • Nội bộ tổ chức từ lãnh đạo đến các bộ phận chức năng (nhất là phòng marketing) hiểu rõ con đường đi từng giai đoạn của lộ trình xây dựng thương hiệu.
  • Không có những hiểu lầm, tranh cãi nội bộ về cách thức & mục tiêu triển khai.
  • Mọi hoạt động tác nghiệp đều xoay quanh một big idea lớn về hình ảnh thương hiệu cần đạt tới.

Các doanh nghiệp cấp độ 3 team RMA đã triển khai: VietJetAir, khu đô thị Sala, Kangaroo, Karofi, dự án biệt thự sinh thái Casamia ở Hội An, Vntrip, Tôm Bắc Cực, yến sào Phú Yên… lớn bé đủ cả.

Cả 3 cấp độ branding trên khác nhau về điểm xuất phát và hiệu quả. Giống nhau về phương châm hành động – lấy sản phẩm & năng lực lõi của doanh nghiệp làm gốc. Sự nghiêm túc của doanh nghiệp cho ra sản phẩm tốt cho xã hội. Cách làm thương hiệu bài bản kết hợp một sản phẩm tốt sẽ sản sinh ra những thương hiệu mạnh, thậm chí một lovemark cho xã hội, cho địa phương, cho quốc gia. Những quốc gia phát triển luôn có những thương hiệu mạnh mang tính toàn cầu, những thương hiệu có hàm lượng brand equity (giá trị thương hiệu) nghiêng về giá trị vô hình lớn hơn tỷ lệ giá trị chức năng hữu hình.

Nokia đã trở lạ

Nokia đã bất ngờ lật đổ hàng loạt đối thủ để giành lấy ngôi vị số 1 tại Việt Nam.

Nokia nhanh chóng qua mặt hàng loạt đối thủ để giành lấy ngôi vương, chiếm hơn 25% thị phần, theo số liệu công bố của GfK, trong 7 tháng đầu năm 2018.

Trở lại đường đua

Đây là kết quả bất ngờ cho thị trường. Bởi lâu nay, người tiêu dùng vẫn cho rằng, điện thoại di động là cuộc chơi cơ trên của các hãng như Samsung, Oppo, Apple, LG, Huawei, Xiaomi… Nhưng với những ai quan sát thị trường nhiều năm qua thì Nokia đã âm thầm trở lại.

Cuối quý III năm ngoái, báo cáo nghiên cứu của IDC Indochina chỉ ra, Nokia chỉ đứng sau Samsung, Oppo về thị phần điện thoại di động ở Việt Nam. Nokia trở thành tên tuổi đầu tiên trong số các ông trùm một thời (Motorola, BlackBerry…) đã có một cuộc trỗi dậy ngoạn mục.

Giới phân tích vẫn ngỡ rằng, Nokia dựa vào thế mạnh từ dòng điện thoại phổ thông để tăng tốc. Nhưng theo Công ty Nghiên cứu Counterpoint Research, dù mới trở lại Việt Nam từ đầu năm 2017, chỉ sau 9 tháng, Nokia đã nhanh chóng vươn lên vị trí thứ 4 trong làng smartphone. Từ đó đến nay, bất chấp cạnh tranh gay gắt từ hơn 30 thương hiệu điện thoại di động lớn nhỏ khác nhau, Nokia vẫn trụ vững trong cuộc đua giành thị phần.

Con số 25% thị phần là phần thưởng cho nỗ lực của Nokia tại Việt Nam. Theo ông Kyler Tan, Giám đốc Điều hành HMD Global tại Việt Nam, quá trình này không dễ dàng nhưng Nokia đã làm được nhờ vào nhiều yếu tố.

Thứ nhất, Nokia có những sản phẩm đủ tốt. Nokia đã hồi sinh những chiếc điện thoại huyền thoại, từng rất được yêu thích và sử dụng rộng rãi một thời như điện thoại 3310, điện thoại 8810… Khác chăng là ở phiên bản năm 2017, các điện thoại này được thiết kế trẻ trung, với nhiều tính năng hơn nhưng vẫn đảm bảo độ bền cao.

Vì thế, mặc dù vẫn ưu tiên lựa chọn smartphone nhưng nhiều thành viên ở các diễn đàn công nghệ cho biết, họ sẽ mua thêm “cục gạch” Nokia để dự phòng. Tính đến nay, theo chia sẻ của ông Kyler Tan, dòng điện thoại cơ bản của Nokia vẫn rất được ưa chuộng ở Việt Nam, đạt quy mô thị trường không kém gì dòng smartphone. Thậm chí, trong cơ cấu doanh thu Nokia hiện nay tại Việt Nam, sản phẩm điện thoại cơ bản vẫn đang nhỉnh hơn.

Ở phân khúc smartphone, sản phẩm được đón nhận nồng nhiệt nhất là Nokia 3, bên cạnh các mẫu Nokia 2, Nokia 5, Nokia 6, Nokia 7Plus… Các smartphone của Nokia đa phần thuộc phân khúc giá rẻ, trong khoảng 100-150 USD/chiếc. Đây là phân khúc chiếm 1/3 thị trường smartphone hiện nay của Việt Nam. Ở dòng cao cấp, Nokia có sản phẩm Nokia 8 Sirocco. Nhưng với giá 920USD, có vẻ như Nokia đang muốn bán danh tiếng hơn là doanh số.

Thứ 2, Nokia trở lại Việt Nam trong chiến lược đưa sản phẩm ra thị trường một cách nhanh nhất. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Đông, đại diện HMD Global ở Việt Nam, Công ty đã tiếp cận thị trường cả nước, len lỏi đến các vùng sâu vùng xa. Điều này khác với một số thương hiệu chỉ tập trung bán hàng ở các thành phố lớn.

Nokia cũng không bán lẻ trực tiếp mà thông qua các đối tác phân phối. HMD không tiết lộ số lượng nhà phân phối nhưng theo thông tin NCĐT có được, có 3 đơn vị đang phân phối cho Nokia. Trong đó, Digiworld là tên tuổi mới nhất. Cái bắt tay hợp tác phân phối sản phẩm Nokia giữa HMD và Digiworld là minh chứng cho chiến lược phát triển thị trường sâu hơn của HMD ở Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hoàng Đông, nguyên nhân giúp Nokia trở lại ngôi vị dẫn đầu vì Nokia là cái tên thân quen ở Việt Nam. Thời hoàng kim, Nokia từng nắm giữ 60% thị phần điện thoại di động cả nước. Bây giờ, dù không tiết lộ chi tiết kế hoạch nhưng lãnh đạo HMD Global khẳng định, Công ty đang nỗ lực đưa Nokia trở lại vị thế ban đầu khi xưa.Digiworld là nhà phân phối sản phẩm công nghệ có tiếng của Việt Nam, từng phân phối cho Nokia trước kia. Ở lần bắt tay này, ông Đoàn Hồng Việt, CEO Digiworld, cho biết, hợp tác giữa đôi bên sẽ mở rộng, trên nhiều yếu tố chứ không chỉ ở sản phẩm. Dự kiến Digiworld sẽ bán sản phẩm Nokia từ quý IV/2018.

Lợi hại hơn xưa?

Sự trở lại của Nokia mang nhiều ý nghĩa. Bởi Nokia từng thua lỗ triền miên và buộc phải bán mảng thiết bị di động cho Microsoft (năm 2013). Không lâu sau, Microsoft cũng bán mảng này cho HMD Global (liên minh với FIH Mobile, một công ty con của Hon Hai/Foxconn trong thương vụ).

Trải qua nhiều thăng trầm, nhờ hợp đồng ký kết giữa HMD Global và Foxconn Technology Group, HMD đã kiểm soát hoạt động bán hàng, tiếp thị và phân phối điện thoại, máy tính bảng mang thương hiệu Nokia. Còn Foxconn trở thành nhà sản xuất độc quyền các thiết bị Nokia.

Nokia đang tìm lại hào quang đã mất, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Theo HMD Global, Nokia đã bán được 70 triệu chiếc năm 2017 tại 80 quốc gia. Sau quý I/2018, Nokia nằm trong top 5 thương hiệu smartphone phổ biến nhất châu Âu, theo Canalys. Còn theo thống kê của Counterpoint Research, quý II/2018 Nokia đã bán được 4,5 triệu smartphone trên thế giới. Điều này đồng nghĩa Nokia xếp thứ 9 trong 10 nhà sản xuất smartphone lớn nhất.

Mặc dù cuộc chiến cạnh tranh còn dài và giới đầu tư vẫn còn nghi ngại về chất lượng của Nokia, do Nokia giờ đã đổi chủ sở hữu, công nghệ và các tính năng…, nhưng người yêu mến thương hiệu Nokia vẫn tin tưởng, Nokia sẽ thích nghi thời thế và tạo ra những kỳ tích mới. Thành công trước mắt ở Việt Nam và thế giới có thể xem là bước khích lệ đáng kể cho Nokia trong lần trở lại này.Những sản phẩm của Nokia, khi quay trở lại thị trường, phần lớn thuộc phân khúc giá rẻ. Các sản phẩm được trang bị hệ điều hành Android nguyên bản chứ không còn dùng Windows Mobile. Smartphone Nokia cũng đảm bảo tính bảo mật cao nhất từ Google và cập nhật nhanh chóng. Ngoài ra, ở điện thoại Nokia, các ưu điểm về pin lâu, máy bền… vẫn được giữ lại.

Viết Nguyên