Triết lý kinh doanh ‘đam mê’ của Steve Jobs

Doanh nhân thành công luôn có thừa đam mê với sứ mệnh của mình, với giá trị mà sản phẩm mang tới cho người dùng, và với cái cách chúng thay đổi thế giới.

Năm 1997, Jobs trở lại Apple sau 12 năm vắng mặt. Khi ấy, công ty ông đồng sáng lập đã cạn tiền và đang bên bờ vực phá sản. Jobs lập tức tổ chức một cuộc họp và giải thích cho toàn bộ nhân viên niềm cảm hứng sẽ làm hồi sinh thương hiệu như thế nào.

“Apple không chỉ sản xuất ra cái máy giúp con người hoàn thành công việc của mình, dù chúng ta làm việc đó khá tốt. Apple còn làm nhiều hơn thế. Chúng ta luôn tin rằng những người có đam mê sẽ làm cho thế giới tốt đẹp hơn”, ông nói.

Cụm từ “người có đam mê sẽ thay đổi thế giới” chính là chìa khóa cho các doanh nhân thành công. Gần một thập kỷ sau, vào năm 2005, Jobs nhắc lại câu chuyện này trong bài phát biểu tại Đại học Stanford.

“Bạn phải tìm ra điều mình thích. Cách duy nhất để đạt được thành quả là yêu lấy những gì mình làm. Nếu vẫn chưa biết mình muốn gì, hãy cứ tiếp tục tìm kiếm. Đừng dừng lại. Cuối cùng, trái tim cũng sẽ lên tiếng khi bạn tìm ra mà thôi”, Entrepreneur trích lời Jobs cho biết.

triet-ly-kinh-doanh-dam-me-cua-steve-jobs

Steve Jobs luôn làm việc vì niềm đam mê của mình. Ảnh: Entrepreneur

Đam mê là tất cả. Theo đuổi nó là bí quyết vượt qua mọi trở ngại và đối mặt với sự hoài nghi của những người xung quanh. Đó cũng là yếu tố quan trọng trong giao tiếp. Nếu bản thân bạn không có đam mê với ý tưởng của mình, những người khác cũng sẽ không.

Doanh nhân thành đạt luôn thừa điều này, nhưng không nhất thiết là phải với bản thân sản phẩm. Họ có tình yêu mãnh liệt với sứ mệnh của mình, với giá trị mà sản phẩm hay dịch vụ đó mang tới cho người dùng, và cái cách chúng thay đổi thế giới.

Chẳng hạn, Jobs chẳng thích phần cứng máy tính đâu. Cái ông đam mê là tạo ra công cụ giúp người ta giải phóng óc sáng tạo cá nhân.

Hay như CEO Starbucks – Howard Schult từng phát biểu: “Cà phê là sản phẩm, nhưng không phải thứ chúng tôi kinh doanh”.

Schultz gây dựng đế chế cà phê không phải vì ông say mê loại thức uống này, mà ông muốn tạo ra một nơi người ta có thể lui tới, ngoài căn nhà và phòng làm việc. Ai cũng có thể bán cà phê. Nhưng chỉ những nhà cải cách thực thụ mới mang lại được trải nghiệm.

“Người có đam mê sẽ cống hiến hết mình. Họ muốn biết mọi thứ có thể”, Maxine Clark – nhà sáng lập Build-A-Bear Workshop kết luận.

Clark từng bày tỏ sự ngưỡng mộ với Steve Jobs, một con người dám theo đuổi đam mê bằng mọi giá. “Ông ấy là một người tò mò. Ông tìm hiểu về thư pháp, thiết kế, nghệ thuật và âm nhạc, rồi kết hợp chúng lại cho chúng ta”, Clark nói,

Clark không còn là CEO của công ty mình sáng lập nữa. Hiện bà đầu tư vào những doanh nghiệp non trẻ và làm cố vấn cho họ. Đam mê là yếu tố cơ bản bà tìm kiếm khi quyết định sẽ giúp đỡ ai. Bà luôn dành thời gian lắng nghe thật kỹ những gì doanh nhân nói. Chẳng hạn, nếu mục tiêu của ai đó là “để làm giàu” mà không có ý tưởng cụ thể, bà sẽ bỏ qua.

“Điều đó là không đủ. Đừng vội vã khởi nghiệp nếu bạn chưa đủ đam mê, bởi cuối cùng thì mọi thứ sẽ chẳng đi tới đâu. Bạn phải đặt cả trái tim mình trong đó. Trái tim sẽ mách bảo bạn nên làm gì để kiếm được nhiều tiền”, bà nói.

Nhiều nhà đầu tư mạo hiểm hàng đầu cũng có cùng quan điểm với Clark. Doug Leone là nhà đầu tư huyền thoại từng rót vốn cho Google, AirBnb, WhatsApp và hàng trăm công ty khác. Khi được hỏi về phẩm chất mà tất cả doanh nhân thành đạt đều có, câu trả lời của ông là: “Họ làm việc vì đam mê với sứ mệnh cùa mình, không phải vì tiền”.

Sứ mệnh của họ có thể là việc thay đổi một ngành công nghiệp (Uber, AirBnB), giải quyết một vấn đề (WhatsApp), hay xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Nhưng dù là gì đi chăng nữa, sứ mệnh đằng sau đó vẫn mang nhiều ý nghĩa hơn là riêng bản thân sản phẩm hay dịch vụ.

Trong cuốn “Getting There”, Matthew Weiner cho biết ông muốn trở thành nhà văn. Sau khi các tác phẩm lần lượt bị từ chối, ông đã gần như bỏ cuộc. Nhưng đam mê của ông không chết. Ông tiếp tục gửi kịch bản của mình đi khắp nơi trong suốt 4 năm, và cuối cùng nó đến tay giám đốc đài AMC. Show truyền hình Mad Men ra đời từ đó.

“Bạn không thể hẹn giờ cho đam mê của mình. Bạn phải muốn nó tới mức không để cho bản thân còn sự lựa chọn nào khác”, ông nói.

Jobs bị ám ảnh bởi thiết kế tới mức ông đăng kí một khóa học thư pháp chỉ để thỏa mãn nó. Ông đã nghe theo tiếng gọi của trái tim và chạm tay được tới tương lai. “Triết lý này chưa bao giờ làm tôi thất vọng. Chính nó đã thay đổi cuộc đời tôi”, CEO huyền thoại của Táo Khuyết kết luận.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.