Có muôn vàn lý do khiến một ứng viên không qua được một, thậm chí tất cả các vòng tuyển dụng của một công ty. Tuy nhiên, chưa nói tới các kỹ năng, kiến thức chuyên môn hay kinh nghiệm làm việc, nếu mắc phải các lỗi cơ bản sau thì bạn sẽ rất khó lọt qua vòng sơ tuyển của nhà tuyển dụng.
Thiếu tự chủ
Một biểu hiện dễ nhận thấy ở ứng viên thiếu tự chủ là tại phần thông tin liên lạc trong CV hay hồ sơ ứng tuyển, thay vì để số điện thoại và email cá nhân, họ lại để lại thông tin liên lạc của người thân, mặc dù trên thực tế họ có sử dụng cả 2 phương tiện liên lạc này.
Một người chưa biết làm chủ cơ hội được làm việc của mình, không sẵn sàng nhận cuộc gọi, email mời tham dự vòng tuyển dụng từ nhà tuyển dụng thì rất khó để nói rằng họ đã thực sự mong muốn được đi làm, hay có thể tự quyết định việc mình muốn làm.
Không quan tâm tới cơ hội của chính mình
Được mời tham gia phỏng vấn tuyển dụng đồng nghĩa với việc bạn đang tới gần hơn với cơ hội của mình, bởi không phải CV hay hồ sơ xin việc nào cũng đủ tiêu chuẩn để qua được khâu xét duyệt trên giấy. Tuy nhiên, có nhiều ứng viên lại để vuột mất cơ hội đi tiếp vào vòng trong chỉ vì khi tiếp xúc với nhà tuyển dụng, họ không thể nhớ chính xác mình đã ứng tuyển vào vị trí gì, không nhớ nổi yêu cầu về công việc mà mình ứng tuyển.
Với kiểu ứng viên đó, nhà tuyển dụng sẽ đặt ra câu hỏi liệu họ có đủ niềm đam mê với công việc này hay không khi chính bản thân họ không quan tâm một cách đầy đủ tới những gì mình đang làm?
Không sẵn sàng với lựa chọn của mình
Không chắc chắn muốn làm tại vị trí mình đã ứng tuyển, hỏi sang cả vị trí khác và phân vân muốn chuyển sang vị trí khác vì lo sợ không trúng tuyển ở vị trí hiện tại… là những “điểm trừ” mà nhiều người khi đi xin việc mắc phải.
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Có phải bạn đang tìm việc chỉ với duy nhất một lý do là bạn cần có một công việc tạm thời, thay vì có đôi chút sự thích thú và mối quan tâm tới nó? Liệu bạn có đủ nhiệt huyết với công việc mà chính bản thân cũng không dám chắc mình yêu thích và hiểu về nó?