Thị trường bia đang phân chia theo địa bàn như thế nào?

Theo báo cáo của một công ty chứng khoán được công bố gần đây, thị trường bia Việt Nam đang do 4 ông lớn làm chủ, phân chia rõ ràng theo 3 miền Bắc – Trung – Nam.

4 ông lớn thị trường bia Việt

Thị trường bia Việt hiện do 4 ông lớn thống trị, gồm Sabeco, Heineken, Habeco và Bia Huế. Trong đó, ngoài Heineken, 3 thương hiệu còn lại phân chia vị trí thống lĩnh 3 miền, thể hiện ngay ở tên gọi.

Habeco dẫn đầu thị trường miền Bắc với Bia Hà Nội; Bia Huế (Huda, Halida) do Carlsberg sở hữu mạnh ở khu vực miền Trung, Sabeco là Bia Sài Gòn, thị phần lớn nhất khu vực miền Nam. Ngoài ra, Heineken hiện diện tại cả khu vực miền Trung và miền Nam.

Theo số liệu của một công ty chứng khoán, riêng 4 cái tên nói trên đã chiếm 90% sản lượng bia bán ra trên thị trường. Phần còn lại thuộc về các công ty nước ngoài mới xuất hiện trên thị trường, như Sapporo và AB InBev, hay các công ty nhỏ hơn như Masan Brewery, Southeast Asia Brewery của Carlsberg. Sản lượng tiêu thụ tại miền Bắc chiếm 35%, miền Trung 6% và còn lại 59% là ở miền Nam.

Chênh lệch về lượng bia tiêu thụ giữa các vùng miền lý giải cho sự phân hóa giữa thị phần. Sabeco và Habeco tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, trong khi Bia Huế ban đầu là liên doanh giữa chính quyền thành phố Huế và Carlsberg với tỷ lệ góp vốn 50-50. 3 công ty này thống lĩnh 3 vùng miền tương ứng và thị phần tỷ lệ thuận với dân cư. Miền Nam tiêu thụ nhiều bia nhất, sau đó là miền bắc và cuối cùng là miền Trung.

Sabeco – 40% thị phần

Sabeco là hãng bia nổi tiếng nhất và là doanh nghiệp đang được tất cả các hãng bia khác quan tâm, khi sắp tới Nhà nước sẽ thoái vốn tại đây.

Hiện tại, Sabeco đang sở hữu 24 nhà máy bia, trong đó 20 nhà máy đang hoạt động và 4 nhà máy dự kiến hoạt động trong thời gian tới, đạt công suất hàng năm lên tới 1,8 tỷ lít bia. Lượng bia tiêu thụ năm 2015 của Sabeco là 1,5 tỷ lít, chiếm 40% thị phần.

Sabeco trở thành “gã khổng lồ” trên thị trường nhờ việc thành lập và hợp nhất nhiều nhà máy bia, đặc biệt là ở phía Nam. Mạng lưới nhà máy rộng lớn là lợi thế cạnh tranh giúp Sabeco phân phối hiệu quả hơn các đối thủ.

Sabeco có 2 thương hiệu bia mang tính biểu tượng và có truyền thống tại Việt Nam là “Bia Sài Gòn” và “333”. Ngoài ra, Sabeco đang đẩy mạnh các thương hiệu Saigon Special (hay còn được gọi là Sài Gòn lùn do mẫu thiết kế chai thấp).

Không những thế, Sabeco đang giành giật thị phần của Habeco ở miền bắc. Tính riêng tại khu vực miền Bắc, thị phần Sabeco tăng từ 10% năm 2014 lên 15,5% trong 6 tháng đầu năm 2016, trong khi đó Habeco cũng trong khoảng thời gian trên thị phần giảm từ 55% xuống còn 50%.

Heineken – 25% thị phần

Heineken hiện đang thống lĩnh phân khúc cao cấp. Trong phân khúc này, riêng Heinken đã chiếm khoảng 67% thị phần, trong đó 40% thuộc về thương hiệu Tiger và 27% thuộc về thương hiệu Heineken. Saigon Special của Sabeco có thị phần 28% ở phân khúc này.

Heineken hiện sở hữu 5 nhà máy tại Việt Nam, trong đó 3 nhà máy tại miền Nam và 2 nhà máy tại miền Trung, đây là 2 thị trường trọng điểm của công ty này.

Habeco – 18% thị phần

Habeco nắm hơn 50% thị phần ở miền Bắc và có sản lượng 700 triệu lít năm 2015. Tương tự như Bia Sài Gòn của Sabeco, thì Bia Hà Nội của Habeco cũng có tính biểu tượng ở miền bắc.

Ngoài bia chai và bia lon, Habeco cũng sản xuất dòng bia hơi riêng, nổi bật nhất là “Bia hơi Hà Nội”. Bia hơi chiếm 15-16% tổng sản lượng của Habeco. Dòng bia bình dân và sản phẩm Bia Hà Nội chiếm phần lớn sản lượng của Habeco, trong khi thương hiệu cao cấp là Trúc Bạch không đạt được nhiều thành công.

Habeco có 15 nhà máy bia chủ yếu ở miền bắc.

Carlsberg – 7% thị phần

Hue Brewery của Carlsberg như tên gọi, được đặt tại thành phố Huế, là nhà máy bia lớn nhất miền Trung. Năm 2015, Bia Huế bán ra thị trường khoảng 250 triệu lít. 2 thương hiệu chính của Bia Huế là Huda và Huda Gold.

Southeast Asia Brewery cũng do Carlsberg sở hữu 100%, ban đầu là liên doanh giữa Carlsberg và Bia Việt hà năm 1994. Đến năm 2014, Carlsberg sở hữu 100% doanh nghiệp này. Thương hiệu chính của Southeast Asia Brewery là Halida, một thương hiệu trung cấp tại miền Bắc nhưng doanh thu không đáng kể.

Ngoài ra, Carlsberg còn nắm 17% tại Habeco. Thương hiệu chính Carlsberg không đạt kết quả cao, mà hoạt động chính dựa vào Bia Huế.

Những hãng bia còn lại

Masan Brewery

Masan Brewery là công ty con của Masan Group. Masan đã mua lại công ty này năm 2013 và tung ra thương hiệu Sư Tử Trắng, tập trung vào phân khúc trung cấp. Masan Brewery tập trung chiến lược vào khu vực đồng bằng Sông Cửu Long và đến nay đã có chỗ đứng nhất định.

Năm 2015, Masan Brewery đã bán được 45 triệu lít bia và thu về 706 tỷ đồng doanh thu. Sang năm 2016, công ty dự kiến tăng gấp đối sản lượng bán ra bằng cách tăng cường hiện diện tại khu vực này cũng như mở rộng sang miền Đông Nam Bộ. Ngoài ra, Masan Brewery cũng đang bước đầu thâm nhập thị trường miền Bắc.

Masan Brewery hiện có 2 nhà máy sản xuất, trong đó một đặt tại Phú Yên công suất 50 triệu lít/năm và nhà máy còn lại đặt tại tỉnh Hậu Giang công suất 100 triệu lít/năm.

Sapporo

Sapporo thâm nhập thị trường Việt Nam bằng cách liên doanh với công ty thuốc lá Vinataba thuộc sở hữu nhà nước và khai trương nhà máy tháng 11/2011. Sapporo sau đó đã tăng cổ phần lên 100%. Nhà máy của Sapporo được đặt tại Long An và có công suất 40 triệu lít/năm.

Thời gian đầu hoạt động tại Việt Nam, Sapporo đạt tăng trưởng doanh thu cao nhờ đầu tư mạnh vào kên nhà hàng tại TPHCM và các thành phố lớn khác, đồng thời hưởng lợi nhờ tâm lý ưa chuộng hàng Nhật của người Việt.

Tuy nhiên, do cạnh tranh gay gắt, tăng trưởng doanh thu của Sapporo giảm mạnh năm 2015 và công ty đã không hoạt động với công suất tối đa. Chi phí tiếp thị lớn khiến Sapporo liên tục thua lỗ tại Việt Nam và mới lỗ khoảng 10 triệu USD trong quý 2/2016, xấp xỉ cùng kỳ năm trước. Sapporo có 2 thương hiệu chính là Sapporo Premium (cao cấp) và Sapporo Blue Cap (cao cấp vừa túi tiền)

AB InBev

Tháng 5/2015, AB InBev bắt đầu hoạt động với nhà máy đặt tại Bình Dương với công suất 100 triệu lít/năm. Công ty cho biết nhà máy này trong tương lai dự kiến không chỉ phục vụ thị trường Việt Nam mà còn các thị trường châu Á khác như Ấn Độ, Lào và Campuchia.

Với các thương hiệu Budweiser (cao cấp) và Beck’s (cao cấp vừa túi tiền), AB InBev nhắm vào thị trường TPHCM, chủ yếu thông qua kênh hiện đại.

Cũng như tại các nước khác, AB InBev cũng tổ chức các sự kiện âm nhạc lớn để quảng bá thương hiệu tại Việt Nam, nhưng Budweiser chưa đạt được nhiều kết quả đáng kể. AB InBev đã mua lại SAB Miller nhưng điều này sẽ không thay đổi vị thế của công ty tại Việt Nam quá nhiều, vì hiện diện của SAB Miller trên thị trường không đáng kể.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.