Đầu năm 2017, chúng ta hãy cùng nhìn lại những nét chấm phá nổi bật nhất của làng công nghệ thế giới năm 2016.
Siêu cường công nghệ “nuốt chửng” cả thế giới
Lần đầu tiên trong lịch sử, các công ty công nghệ chiếm lĩnh 5 vị trí đầu bảng trên danh sách các doanh nghiệp đại chúng giá trị nhất thế giới. Giá trị thị trường của 5 siêu cường công nghệ gộp lại – Apple, Alphabet, Microsoft, Amazon và Facebook – là 2,4 nghìn tỷ USD vào ngày 27/12, chiếm hơn 11% giá trị các công ty trong danh sách S&P 500. Điều đó đồng nghĩa họ đang tiến dần đến mốc kỷ lục 16% vào thời kỳ đỉnh cao của bong bóng công nghệ tháng 3/2000. Tuy nhiên, tin xấu là họ đang trở thành mục tiêu của chính trị gia trên toàn cầu.
Quảng cáo trở thành cuộc đua song mã
Google của Alphabet và Facebook đều có hàng tỷ người dùng, công nghệ của họ giúp các công ty định vị tốt hơn khách hàng của mình để quảng bá sản phẩm trúng đích. Như một hệ quả, hai thế lực này cùng nhau chiếm 58% tất cả quảng cáo trực tuyến hoặc trên di động tại Mỹ. Do Google và Facebook là hai cái tên duy nhất mang đến doanh thu quảng cáo kỹ thuật số đáng kể, mọi công ty khác phụ thuộc vào quảng cáo – từ mạng lưới truyền hình đến hãng tin – đều phải tư duy lại cách tiếp cận kinh doanh của mình.
Tham vọng không giới hạn của Amazon
Năm 2016, bất kỳ đối thủ nào trong ngành công nghệ cũng biết rằng họ không thể một ngày yên ổn với Amazon. Họ đang là “gã khổng lồ” về thương mại điện tử, giải trí và rất có thể là vận tải khi muốn kiểm soát cả đất liền, hàng không, đường biển cũng như các mảnh đất mới. Để chứng minh tham vọng của Amazon, mảng đám mây Amazon Web Service (AWS) – một loại điện toán Amazon tạo ra từ số 0 10 năm trước – đã đóng góp hơn 100% lợi nhuận hoạt động cho Amazon (sau khi tính toán các khoản lỗ quốc tế). Không ngoa khi nói AWS đã thay đổi hướng đi của Amazon lẫn ngành công nghệ.
Trung Quốc vươn dài tay ra quốc tế
Trong khi các “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc như Baidu, Alibaba và Tencent tiếp tục bành trướng và phát triển vượt tưởng tượng, cạnh tranh khốc liệt đã mài dũa các ngôi sao mới như Didi Chuxing, công ty đánh bại Uber và nhiều ý tưởng công nghệ chỉ có trong tiểu thuyết ra đời tại Trung Quốc đã được sao chép khắp thế giới. Sức mạnh công nghệ Trung Quốc không chỉ mở rộng lợi thế trên sân nhà mà còn vươn dài ra các thị trường khác, dù không nhiều cái tên xâm nhập thị trường Mỹ thành công.
Một Apple bế tắc
Kỷ nguyên tăng trưởng ấn tượng của Apple dường như đã kết thúc. Năm nay, lần đầu tiên doanh thu Apple sụt giảm kể từ năm 2001. Công ty không thể thoát khỏi cục diện chung của toàn ngành smartphone và tiếp tục xung đột với chính phủ khắp thế giới trên nhiều phương diện: trốn thuế, sản xuất, hành pháp.
Startup vào giai đoạn khổ hạnh
Sau 2 năm gọi vốn không giới hạn cho các công ty công nghệ mới, dường như năm nay đã sụt giảm đáng kể. Tiền đầu tư vào startup vẫn duy trì ở mức cao nhưng đang có xu hướng giảm kể từ năm 2015. Một cách thông minh, nhiều công ty tư nhân bắt đầu quản trị lợi nhuận thay vì tìm mọi giá để tăng trưởng. Dù sao đi nữa, nếu bị rơi khỏi danh sách đầu tư, mọi chuyện còn tồi tệ hơn nhiều.
Yahoo và Twitter không thể dung thứ
Các công ty Internet chỉ có hai con đường: hoặc tiến bộ, hoặc chết. Yahoo và Twitter đã trải qua một năm 2016 tồi tệ: Yahoo tìm ra được người muốn mua mình nhưng lại vướng phải hai vụ bê bối rò rỉ dữ liệu lớn nhất lịch sử, trong khi Twitter bán chẳng ai mua và còn bị mất hàng loạt nhân sự cao cấp. Cả hai đều hứng chịu sự trừng phạt khi không tăng trưởng cả về doanh thu lẫn người dùng.
Pin có một năm tồi tệ hơn bao giờ hết
Samsung buộc phải dừng sản xuất Galaxy Note 7 sau các báo cáo cháy nổ. Mỹ cũng ra lệnh thu hồi xe trượt điện vì pin quá nóng, còn Apple phải xử lý sự cố pin trên MacBook Pro 2016. Những thất bại đáng chú ý của pin trong thiết bị điện tử năm 2016 cho thấy sự yếu đuối của một trong những linh kiện điện toán thiết yếu nhất có mặt trong mọi thứ, từ smartphone đến xe tự lái.
Công nghệ cũ thu hẹp
Giới công nghệ vô cùng tàn nhẫn với những kẻ tụt hậu (như Yahoo và Twitter). Điều đó cũng đồng nghĩa với hàng loạt vụ sa thải nhân sự năm 2016 tại các công ty công nghệ cũ. Intel, Cisco, HP và các hãng khác tiếp tục cắt giảm lao động – trong vài trường hợp còn giảm mạnh – nhằm bù đắp doanh thu sụt giảm hoặc chuyển nguồn lực ra khỏi các mảng kinh doanh kém hiệu quả.